PDA

View Full Version : Chúa Nhật XXV thường niên A LÀM VƯỜN NHO



caoduc
20-09-2008, 08:48 AM
Chúa Nhật XXV thường niên A
LÀM VƯỜN NHO
Is. 55, 6-9; Pl. 1, 20c-24.27a; Mt. 20, 1-16a




----------Đã đến lúc phải sơn lại nhà bếp. Ba mẹ tôi đang bàn với nhau chọn một màu sơn thích hợp trong lúc chúng tôi- ngồi cách đấy không xa- đồng thanh lên tiếng: - Không sơn mất cây thước chứ ạ ? - Không- Mẹ tôi trấn an. Về cây thước này, chính xác là mặt sau của cánh cửa bếp, chúng tôi đã được đánh dấu sự trưởng thành bằng cách ghi lại chiều cao của nhau vào mỗi ngày sinh nhật. Qua bao năm tháng chúng tôi đã dùng đủ thứ viết, nào là viết mực, viết chì, nhũ màu và cánh cửa đã trở nên giống như một bức tranh thuộc trường phái ấn tượng. Bao bàn tay đã viết nguệch ngoạc những tên người, những năm tháng trên cánh cửa và tôi có thể nói lại ai đã đo cho ai: Tôi đã đo cho em gái 3 tuổi, một cháu gái đã đo cho bà ngoại, còn tôi, chính mẹ tôi đã đo cho tôi. Vào những tối ba mẹ chúng tôi có mời bạn bè đến chơi, khi cánh cửa không ngừng mở ra, khép vào thì các vị khách ấy đã dừng lại để thử giải mã hệ thống đo lường của chúng tôi. Thường thì nếu họ muốn, chúng tôi đề nghị họ cùng đo và họ tham gia rất vui vẻ.

----------Phần lớn những con số ghi trên cửa luôn tăng trưởng. Còn những con số khác thì chững lại Có cả những con số đã rời bỏ chúng tôi. Khi bà tôi đến dự lễ tốt nghiệp của tôi, bà cũng để lại vết mực trên cánh cửa, và đấy là lần cuối cùng bà đến thăm chúng tôi...

----------Gia đình chúng tôi chưa tìm được màu để sơn lại nhà bếp. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: dẫu chúng tôi có chọn màu nào, vàng chanh, đỏ cà hay xanh đi nữa thì cánh cửa vẫn sẽ luôn luôn là màu trắng. Màu trắng với nhiều những cái tên, những năm tháng đầy màu sắc ấy. (Hiệp hội Học sinh Hà Nội-Amsterdam, Ngưỡng cửa thời gian, Câu chuyện trong cuộc sống).
Câu chuyện màu trắng cho cánh cửa luôn được giữ gìn gợi cho chúng ta về bài Tin mừng Mt 20, 1-16a. Màu trắng của lòng quảng đại của Thiên Chúa luôn được gìn giữ và cho tất cả những ai nhìn nhận Thiên Chúa và theo Ngài xây Nước Trời qua hình ảnh đi làm vườn nho: Dù người thợ được gọi làm vườn nho cho Chúa vào giờ đầu tiên hoặc đến giờ cuối cùng tất cả đều được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Vườn nho là biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” ngay từ thời Cựu ước, (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78, 9-16). Theo nghĩa này, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào. “Hãy đi vào vườn nho của tôi... Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25, 21-23).

----------Chúa Giêsu gọi đi làm vườn nho vào giờ thứ 3, thứ 6, thứ 9 và thứ 11. Người Do thái khi xưa chia một ngày ra tám phần, bốn phần cho ban đêm gọi là canh, và bốn phần cho ban ngày gọi là giờ - giờ thứ nhất, giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín. Với thời gian hôm nay giờ thứ nhất bắt đầu vào rạng đông tức khoảng 6 giờ sáng, giờ thứ 3 tương ứng với 9 giờ, thứ 6 là 12 giờ trưa, thứ 9 tức 15 giờ và giờ thứ 11 tương đương lúc 17 giờ và ngày làm việc chấm dứt lúc giờ thứ 12 tức là 18 giờ.

----------Giờ thứ 12 là giờ chủ trả công cho mọi người một đồng, một đồng là một số lương với giá trị tối thiểu cho một gia đình sống qua ngày. Chờ đến giờ 11 là những người rất khao khát và cần làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. Tất cả đều được trả công một đồng. Người làm sớm cằn nhằn, lẩm bẩm vì ông chủ trả hậu hĩ cho người mới làm một tiếng cũng được một đồng. Bản văn Hy Lạp dùng một chữ có nghĩa chính xác: “họ lẩm bẩm”. Đó là từ ngữ trong Kinh Thánh nói về những tiếng lẩm bẩm, cằn nhằn của dân Israel trong sa mạc (x. Xh 16,9; Tv l06,25). Những kẻ lẩm bẩm, cằn nhằn ấy trong Tân ước thường thấy nơi các kinh sư và biệt phái, Họ không ngừng lẩm bẩm chống lại Đức Giêsu khi Người tiếp đón những “kẻ thu thuế, kẻ tội lỗi và gái điếm” (x. Mt 9, 11 ; Mc 2, 16)

----------Thái độ những người làm công những giờ đầu, cũng như Biệt phái kinh sư, giống thái độ của người anh cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15), người con cả nổi giận không chịu vào nhà, vì anh thấy cha tỏ ra quá bao dung đối với đứa em hư đốn, chẳng những cha tha thứ mà còn mở đại tiệc ăn mừng: “Đã bao năm con hầu hạ cha, thế mà chưa bao giờ, còn thằng con của cha đó... Vậy mà...” (Lc 15, 29). Anh cảm thấy mình bị cha đối xử bất công! Tiếng ca thán lầm bầm của người thợ giờ ban đầu và của người anh cả cũng diễn tả thái độ rất thường gặp nơi chúng ta, khi chúng ta đối diện với những thử thách; khi bản thân mình đi trong những khó khăn gian khổ, than trách Chúa và chất vấn tại sao mình rơi vào hoàn cảnh này hay theo Chúa mà bị thua thiệt hơn người khác.

----------Trong dụ ngôn “Người làm vườn nho”, những người “sau cùng” được đặt ngang hàng với những người “đầu tiên”, đó là những dân ngoại được đưa vào trong Giáo hội ngang hàng với những người Do Thái bản địa ( Noel Quession).

----------Những người làm công ban đầu đã bộc lộ tính ham lợi của họ ngay từ ban đầu. Họ đi làm cho nguoi chủ sau khi đã “thỏa thuận” số tiền; còn những người đến sau thi đi theo mà không dặt điều kiện (x. Mt 20, 5). Theo Chúa, không cần một sự thỏa thuận được thua hơn kém, theo Chúa vào làm việc cho vườn nho của Ngài là tin tưởng vào sự công bình và quảng đại của chủ vườn nho. Tình thương của Thiên Chúa khiến chúng ta nhớ đến: người trộm lành trên đồi Canvê là người được gọi làm vườn nho vào giờ thứ 11 của nước Thiên Chúa, anh chỉ tín thác “Khi về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, trong khi đó bạn anh lên tiếng trước “...” đòi hỏi thỏa thuận “nếu ... thì” (x. Lc 23, 39-43)

----------Qua dụ ngôn “làm vườn nho”, Đức Giêsu mời chúng ta đổi cái nhìn về Thiên Chúa. Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ. Ngài còn là Thiên Chúa của tình yêu (x. 1Ga 4, 16), Thiên Chúa của người trộm lành (x. Lc 23, 41-43 ). Qua đó chứng thực sấm ngôn của Isaia: tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người (x. Is 55, 8-9). Cách cư xử của Nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Ngài không trọng sang khinh hèn, nhưng yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Ngài không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người như Noel Quession đã khẳng định: Một Thiên Chúa yêu mến mọi người, đặc biệt những người bị bỏ rơi, và muốn đưa họ vào “Vườn nho” của Người, trong hạnh phúc của Người. Một Thiên Chúa tuôn đổ những ân huệ một cách dồi dào, Người “mời mọc” và “kêu gọi” mọi lúc, mọi tuổi, trong mọi hoàn cảnh. Một Thiên Chúa mà lòng “nhân từ” không bị giới hạn bởi công nghiệp của chúng ta, và Người cho chúng ta nhiều hơn cái mà chúng ta có được bởi những nỗ lực của riêng mình. Một Thiên Chúa gạt bỏ người nào cho rằng mình đặc quyền và ngăn cản người khác được hưởng những quyền lợi ấy…

----------Đức Giêsu cũng mời chúng ta đổi cái nhìn về tha nhân, bớt tự hào về mình, thêm trân trọng người khác, phá bỏ những hào quang, những tự hào “đầy chiến công giữ đạo” để « đồng bàn » với tha nhân. Bởi vì, đôi khi chúng ta thường hãnh diện mình là đạo gốc, theo đạo đến mấy đời, và so sánh với người khác là bổn đạo mới, chưa có truyền thống giữ đạo. Theo Chúa lại so sánh khinh chê người anh em theo tôn giáo khác: mình là chân đạo còn những kẻ kia là tà đạo mê tín để rồi mình tự tách biệt ra khỏi anh em giống như người Biệt phái và kinh sư tự hào mình mà khinh chê người anh em.

----------Mong rằng con sẽ “không lẩm bẩm” với Chúa, con cũng chẳng “hãnh diện so sánh hơn thiệt” với anh em. Đi vào vườn nho Giáo hội, con không đặt điều kiên đòi hỏi nơi Ngài mình sẽ được gì, nhưng luôn tin là tín thác vào Ngài, là cố gắng làm vườn nho với tâm niệm:


“Người ta được nên công chính vì tin… » (Rm 3, 31).


Lm VinhSon, Saigon 20/09/2008