PDA

View Full Version : Kiểu đầu óc thứ hai



littlewave
21-09-2008, 11:28 AM
Kiểu đầu óc thứ hai

Thành công hay thất bại trong cuộc sống của chúng ta không phụ thuộc vào việc những suy nghĩ của chúng ta “đúng” hay “sai” mà chỉ cần chúng ta tin vào suy nghĩ của bản thân.



*****


Những thành viên trong gia đình tôi là những người trò chuyện tuyệt vời bên bàn ăn tối. Những chủ đề trò chuyện hầu như không thay đổi. Và một trong số đó là việc một số thành viên trong gia đình học kém môn Toán, trong đó bao gồm cả tôi. Tên tôi luôn nằm cuối cùng trong danh sách những người dốt Toán. Sau mười bốn năm của cuộc đời, tôi bắt đầu chấp nhận rằng đây là một sự thật không thể tranh cãi cũng như thay đổi.

Ở trung học, tôi đã ba lần thi rớt môn Đại số. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã qua được và được nhận vào ngành Tâm lý học của một trường đại học ở Wisconsin. Chỉ có một rào chắn nhỏ giữa tôi và tấm bằng đại học – môn Xác suất thống kê. Môn học này là môn học bắt buộc trong năm thứ nhất. Sau khi nghe ngóng tất cả những câu chuyện kinh dị xoay quanh môn Thống kê, tôi muốn co dúm cả người. Nỗi sợ hãi hoàn toàn xâm chiếm tôi.

Một ngày nọ, tôi được gọi vào phòng giáo viên. Giáo sư Fine – một người đàn ông thấp tròn với mái tóc mỏng trên đầu và một nụ cười luôn nở trên môi – đang ngồi trên bàn giấy và thòng chân xuống sàn. Ông đã đọc bài đánh máy của tôi và đang ngồi chắp tay sau gáy.

- Con trai ạ, hôm nay là một ngày may mắn của con.

Tôi ngước lên. Thầy lặp lại:

- Hôm nay thật sự là một ngày may mắn của con. Đây là kết quả của những nỗ lực kiên trì của con. Con sẽ xuất sắc trong môn Thống kê – Gương mặt thầy nở một nụ cười rộng mở.

- Điều đó có nghĩa gì ạ, thưa tiến sĩ? – Tôi hỏi.

Thầy nhún vai:

- Con có kiểu đầu óc thứ hai. Nghe này, kiểu đầu óc thứ nhất là những sinh viên học tốt môn Đại số nhưng không học nổi môn Thống kê. Họ phải đánh vật như điên với môn Thống kê. Nhưng một môn Toán khác cần có kiểu đầu óc khác. Đó là kiểu đầu óc thứ hai giống như của con vậy. – Thầy giơ bảng điểm của tôi lên – Con đã không học tốt môn Đại số nhưng con có thể đạt điểm A môn Thống kê. Những sinh viên giỏi Đại số sẽ không giỏi Thống kê. Còn những ai không giỏi Đại số có thể hiểu môn Thống kê một cách dễ dàng. Nếu con đã từng rớt môn Đại số, ta đoán con sẽ đạt điểm A hay B với môn Thống kê. Hãy suy nghĩ kỹ về điều đó, con trai ạ! Con đã trượt ba lần rồi. Vậy thì con sẽ là một thiên tài. – Ông lại giơ tay qua đầu mình một lần nữa – Eureka!

- Thật không thầy? – Tôi hỏi, lòng đầy bối rối.

Ông nhảy xuống bàn, nâng cằm tôi lên và nhìn sát vào mắt tôi:

- Thật đấy và ta mừng cho con. Con đã không hề nản chí bỏ cuộc và giờ đây điều đó sẽ đem lại kết quả.

Tôi ngây ngất với tin này. Thầy quăng bài viết của tôi xuống sàn, gần thùng rác, bắt chặt tay tôi và vỗ lưng tôi với một sự nhiệt tình phấn khích.

Sau khi rời tòa nhà xây bằng gạch cũ phủ đầy dây trường xuân ấy, tôi băng qua sân trường và ngước nhìn lên ô cửa sổ tầng hai. Thầy Fine đang mỉm cười nhìn tôi, giơ hai ngón tay lên ám chỉ “kiểu đầu óc thứ hai”. Tôi mỉm cười lại và giơ ba ngón tay lên ám chỉ “thi hỏng ba lần”. Cảnh tượng đó tiếp tục lặp lại nhiều lần cho đến hết năm thứ nhất. Lần nào cũng vậy, thầy luôn nở sẵn một nụ cười đồng tình, một cái bắt tay nhiệt thành xiết chặt, có lẽ đó là một lời giới thiệu về một vị giáo sư luôn thắp lên hy vọng trong lòng người khác.

Cuối cùng, tôi bắt đầu tâm sự với bạn bè về những kỳ vọng của mình đối với môn Thống kê. Sự thay đổi kỳ diệu này đã tác động tích cực lên toàn bộ thành tích học tập của tôi. Ý tưởng mới về “kiểu đầu óc thứ hai” đã giúp tôi giành được những điểm số cao nhất trong cuộc đời mình ở trường đại học. Tôi chưa từng hy vọng là mình sẽ làm tốt đến vậy và có lẽ tôi đã không thể đạt được những thành tích như vậy nếu không có sự giúp đỡ của thầy Fine.

Trong hai năm, tôi luôn trông chờ đến giờ học Thống kê. Khi đến giờ học đó, tôi đã làm điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra trong các giờ học Toán – đấu tranh để giành ngồi ở hàng ghế đầu. Tôi đã đặt nhiều câu hỏi đến nỗi bị xem là một “tai họa” của giáo viên bộ môn này. Cuốn sách thống kê chưa từng rời xa tôi trong suốt học kỳ đó. Bởi vậy, tôi có rất ít thời gian dành cho bạn bè hay vui chơi. Tôi ưu tiên hàng đầu cho môn Thống kê và suốt ngày dán mắt vào nó.

Mặc cho những điều giáo sư đã nói, học thống kê rất vất vả, đòi hỏi phải tập trung cao và thỉnh thoảng là những giờ phụ đạo. Nhưng thật bõ công. Năm học đó tôi chỉ toàn đạt điểm A. Ít lâu sau, tôi tình cơ gặp một người trợ giảng của giáo sư Fine, anh ta nói:

- Chúc mừng em, Giáo sư Fine thường kể với những sinh viên chậm tiến nhất của ông câu chuyện về “kiểu đầu óc thứ hai” đấy. – Rồi anh ta nhìn tôi và nói tiếp – Em hẳn sẽ rất ngạc nhiên rằng câu chuyện đó thường đem lại hiệu quả như thế nào. Trí óc con người thật lạ, phải không?

(Source: Hiếu học)