PDA

View Full Version : Kinh Truyền tin chúa nhựt 21-9-08



vante
23-09-2008, 02:02 AM
Như quý vị đã biết, đức thánh cha đang làm việc ở dinh Castel Gandolfo, cách Rôma khoảng 30 cây số. Điạ điểm này nằm trong địa phận Albano, và sáng chúa nhựt hôm qua, ngài đã chủ sự lễ cung hiến bàn thờ của nhà thờ chánh toà, mới được trùng tu. Sau đó ngài đã trở về Castel Gandolfo để đọc kinh Truyền tin với các khách hành hương. Đề tài suy niệm được trích từ bài Tin mừng được đọc trong Thánh lễ chúa nhựt thứ 25 mùa thường niên, thuật lại dụ ngôn về ông chủ kêu gọi những người thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi nhắc lại một kinh nghiệm bản thân, đó là những lời đầu tiên ngỏ với toàn thể Giáo hội liền sau khi đắc cử vào vai trò lãnh đạo Giáo hội, ví như được gọi vào làm vườn nho của Chúa, đức Bênêđictô XVI đã giải thích ý nghĩa của dụ ngôn theo chiều hướng của ân huệ được mời gọi hợp tác với Chúa: đây chính là phần thưởng mà chỉ những ai biết yêu thương mới nhận ra, tựa như thánh Matthêu, tác giả sách Tin mừng được mừng kính ngày 21 tháng 9, tựa như thánh Phaolô, mà chúng ta đang mừng năm đại khánh, và dĩ nhiên là Đức Mẹ Maria. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

https://thanhcavietnam.info/file/storage/803foto.jpghttps://thanhcavietnam.info/file/storage/262foto_06.jpg
https://thanhcavietnam.info/file/storage/525foto_12.jpghttps://thanhcavietnam.info/file/storage/863foto_11.jpg

Anh chị em thân mến

Hẳn là anh chị em còn nhớ, hôm được bầu làm giáo hoàng, khi ngỏ lời với đám đông ở quảng trường thánh Phêrô, tôi chợt nảy lên ý tưởng tự giới thiệu như một người thợ được gọi vào làm vườn nho của Chúa. Trong bài Tin mừng hôm nay (xc. Mt 20,1-16a), Chúa Giêsu thuật lại dụ ngôn về ông chủ vườn nho đã gọi các người thợ vào những giờ khác nhau trong ngày để vào làm việc. Đến chiều, ông trả cho tất cả mọi người tiền lương như nhau, nghĩa là một quan tiền, và đã gây ra sự phản đối về phía những người làm việc từ sáng sớm. Rõ ràng là quan tiền tượng trưng cho đời sống vĩnh cửu, một ân huệ mà Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Hơn thế nữa, chính những người “chót”, nếu đón nhận ân huệ đó, trở thành những người “đầu”, còn những người “đầu” lại có nguy cơ trở thành những người “chót”. Sứ điệp thứ nhất của bài dụ ngôn hôm nay ở chỗ là ông chủ không thể chịu đựng cảnh thất nghiệp. Ông muốn cho tất cả mọi người đều vào làm việc trong vườn của ông. Thực ra, nguyên việc được mời gọi cũng đã là phần thưởng rồi: được làm việc trong vườn nho của Chúa, được phục vụ Chúa, hợp tác vào công việc của Chúa, tất cả tự nó đã là một phần thưởng vô giá, bù đắp cho hết mọi nỗi nhọc nhằn. Tuy nhiên, duy chỉ có ai yêu mến Chúa và Nước Trời thì mới hiểu được điều ấy; còn ai làm việc vì lương bổng thì sẽ không bao giờ hiểu được giá trị của kho tàng quý trọng này.

Người kể lại dụ ngôn này là thánh Matthêu, tông đồ và tác giả Tin mừng, mà hôm nay lịch phụng vụ kính nhớ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính ông Matthêu là người đã có kinh nghiệm bản thân về điều này (xc Mt 9,9). Thực vậy, trước khi được Chúa gọi, ông ta làm nghề thu thuế, và vì thế bị liệt vào hạng tội nhân trống trải, bị loại trừ khỏi “vườn nho của Chúa”. Nhưng mọi sự đã thay đổi kể từ khi Chúa Giêsu đến gần trạm thu thuế, nhìn ông và nói: “Hãy đi theo tôi”. Ông đứng lên và đi theo người. Từ chỗ làm nghề thu thuế, lập tức ông trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Từ chỗ “chót” ông đã trở thành chỗ “đầu”, nhờ cái logic của Chúa, một thứ logic (may thay) khác hẳn với thế gian, như đã được ngôn sứ Isaia phát biểu: “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các người, đường lối của ta không phải như đường lối của các người” (Is 55,8). Thánh Phaolô, mà chúng ta đang mừng năm đại khánh, cũng đã cảm nghiệm niềm vui được gọi vào làm việc trong vườn nho của Chúa. Và người đã vất vả làm việc như thế nào. Thế nhưng, người đã tự thú rằng, chính là ân sủng của Thiên Chúa đã tác động nơi mình, ân sủng đã biến đổi mình từ chỗ là kẻ bách hại Giáo hội trở thành tông đồ chư dân, đến nỗi đã khiến ông thốt lên: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”. Rồi ông nói tiếp: “nhưng nếu sống trong thân xác có nghĩa là làm việc sinh hoa trái thì tôi không biết phải chọn lựa thế nào” (Pl 1,21-22). Thánh Phaolô đã hiểu rằng làm việc cho Chúa thì đã là một phần thưởng ngay từ ở đời này rồi.

Cách đây một tuần, tôi được hân hạnh kính viếng Đức Mẹ ở Lourdes. Mẹ Maria là cành nho hoàn hảo trong vườn của Chúa. Từ Mẹ mà mọc lên hoa trái được chúc tụng của tình thương của Chúa, đó là đức Giêsu, Đấng Cứu chuộc chúng ta. Xin Mẹ giúp cho chúng ta biết hân hoan đáp lại tiếng gọi của Chúa, và cảm thấy hạnh phúc vì được lao nhọc vì Nước Trời.



Sau khi ban phép lành Toà thánh, đức thánh cha còn dừng lại ở hai biến cố thời sự trước khi ngỏ lời chào các phái đoàn hành hương bằng các tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây-ban-nha, Ba lan. Biến cố thứ nhất là những cơn bão đã tàn phá quần đảo Caraibi, Haiti, Cuba, Santo Domingo, và Hoa kỳ, cách riêng là bang Texas. Đức Bênêđictô XVI hứa sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân thiên tai, cũng như kêu gọi tình liên đới của thế giới vượt lên trên mọi khác biệt về chính trị. Biến cố thứ hai là hội nghị sẽ diễn ra tại trụ sở Liên hiệp quốc vào ngày 25 tháng 9, để kiểm điểm những mục tiêu được vạch ra vào ngày 8/9 năm 2000 cho thiên niên kỷ mới. Đức Thánh Cha yêu cầu các nhà lãnh đạo các quốc gia hãy can đảm áp dụng những biện pháp để diệt trừ sự nghèo đói, nạn mù chữ và các bệnh dịch vẫn còn đè nặng trên nhiều dân tộc.

Như đã nói trên đây, vào lúc 9 giờ rưỡi sáng, Đức Thánh Cha đã chủ sự lễ cung hiến bàn thờ của nhà thờ chánh toà địa phận Albanô. Các bài đọc Sách Thánh được trích từ Thánh Lễ cung hiến nhà thờ. Ý nghĩa quan trọng nhất của bàn thờ là nơi cử hành Thánh lễ, nghĩa là Chúa Giêsu tiếp tục hiến tế vì phần rỗi của chúng ta và của nhân loại. Chúa Giêsu cũng muốn kết nạp chúng ta với mình, muốn cho chúng ta trở nên một với ngài. Việc liên kết với Chúa Giêsu cũng tạo ra mối dây liên kết giữa các tín hữu nữa: tất cả chúng ta họp nên một đền thờ sống động, một ngôi nhà của Chúa, như thánh Augustinô đã nói: “nhờ đức tin, con người như là gỗ và đá được lấy từ rừng và núi về để xây cất; nhờ bí tích rửa tội, sự huấn giáo và giảng dạy, các tín hữu được gọt đẽo, cưa xẻ. Nhưng họ chỉ trở thành nhà của Chúa khi được gắn bó với nhau nhờ đức ái. Chính nhờ đức ái mà các tín hữu được liên kết với nhau, trở nên ngôi nhà của Chúa, và không bao giờ sợ sụp đổ.


Bình Hòa