PDA

View Full Version : Cầu nguyện theo lối chiêm niệm



littlewave
24-09-2008, 12:11 PM
Cầu nguyện theo lối chiêm niệm

Nhiều người cho rằng lối cầu nguyện chiêm niệm chỉ dành cho các vị đan sĩ là những người ‘hành nghề cầu nguyện’ cho thiên hạ. Tuy nhiên, khi đề tựa cho cuốn sách mỏng của linh mục James Borst MHM tựa là Một Phương Pháp Cầu Nguyện Chiêm Niệm (A Methode of Contemplative Prayer, St Paul Publications, Sydney 1983), Swami Abhishiktananda cho hay tác giả bận bịu với công tác mục vụ đến độ không còn một phút giây rảnh rang nào. Ấy thế nhưng ngài vẫn tìm ra giờ để cầu nguyện, hân hoan để cầu nguyện và ngài muốn chia sẻ kinh nghiệm hân hoan này cho người khác. Theo cha Borst, lối cầu nguyện này là lối cầu nguyện có tính bản thân nhất, trong đó ta phải đem trọn cái bản ngã sâu thẳm nhất và chân thật nhất của ta can dự vào. Ngài cho rằng lối cầu nguyện này biến ta thành khách lữ hành của Chúa Thánh Thần, luôn di động, luôn thèm khát vươn tới Thánh Nhan Chúa.

1. Các giai đoạn của chiêm niệm

Cha Borst cho rằng có nhiều giai đoạn trong lối cầu nguyện chiêm niệm, mà tùy theo hoàn cảnh hay nhu cầu bản thân, ta có thể dừng lại hay ở hẳn lại một giai đoạn nào đó. Tuy nhiên, các giai đoạn đầu thường được coi là các giai đoạn dọn đường cho giai đoạn chiêm niệm đúng nghĩa, là giai đoạn mà vì hoàn cảnh cá nhân, có thể ta không thực hiện được mọi lúc.

(1) Giai đoạn thư giãn và thinh lặng

Bạn hãy ngồi xuống và thư giãn. Từ từ và cố ý để mọi căng thẳng tan biến đi, rồi nhẹ nhàng êm đềm hướng lòng mình ý thức được sự hiện diện tức khắc và thân thiết của Chúa. Trong động tác này, đừng dùng chút bạo lực nào: không được đè nén, dẹp bỏ bất cứ tính khí, cảm xúc, hay tâm tình buồn bực nào. Đè nén, dẹp bỏ là dùng bạo lực rồi và nó sẽ gia tăng căng thẳng chứ không ích lợi gì. Không, không nên làm thế, chỉ cần thư dãn và để mọi sự lắng xuống, tự tan biến đi, khi ta dần dần nhận ra sự hiện diện của Chúa.

Sở dĩ bạn có thể thư dãn và để mọi sự lắng xuống, tan biến đi được chính là vì Người đang hiện diện: nơi Người đã hiện diện thì chả còn gì đáng kể nữa, mọi sự nằm trong tay Người. Căng thẳng, lo âu xao xuyến, thất vọng buồn rầu, trước mặt Người, tất cả sẽ tan chẩy đi như tuyết gặp mặt trời vậy.

Chỉ cần tìm bình an và thinh lặng. Hãy để trí khôn, trái tim, ý chí và tình cảm bạn lắng xuống và thanh thản. Hãy để những cơn bão tố nội tâm lắng dịu: như các ý tưởng gây ám ảnh, các thúc đẩy đầy đam mê của ý chí và xúc cảm. Hãy tìm kiếm và mưu cầu bình an (1).

Hãy sẵn sàng, nếu cần, cứ ở mãi trong trạng thái này suốt buổi cầu nguyện, không cần bất cứ kết quả, hiệu lực hay phần thưởng gì hết. Nghĩa là sẵn sàng chịu ‘phí’ thì giờ; chỉ cần hiến thì giờ trọn vẹn, hiến một cách không vị kỷ, cho một mình Chúa mà thôi.

Động tác tìm kiếm bình an và thinh lặng này sẽ mở cửa lòng ta cho ơn thánh Chúa tuôn đổ xuống. Nó sẽ tạo điều kiện để tình yêu chân chính, tình yêu chân thực, tình yêu có tính bản thân đối với Chúa được đánh thức dậy trong tâm trí ta.

Hãy để ý: động tác này không phải là một biến cố trung lập, thuộc tâm lý học: nó là một động tác ta phó mình cho Chúa và chấp nhận thánh ý Người. Ta làm cho trái tim ta, ý chí và xúc cảm ta có khả năng thấm nhiễm được ơn bình an của Chúa và thánh ý Người hướng tới một tình yêu bất bạo động…

Nhiều người cảm thấy rằng lối thư dãn này, cộng với lối thở thanh thản nữa, thường làm cho họ ngủ thiếp đi: như thể lúc mệt mỏi để cho mình âm thầm đi vào giấc ngủ vậy. Thật ra ở đây, ta tìm cách thư dãn ngõ hầu tỉnh táo mà nhận ra sự hiện diện của Chúa, giống như người lính canh ở thinh lặng ngõ hầu có thể nhận ra sự hiện diện của người khác. Tâm trí, các thần kinh và xúc cảm của ta thinh lặng để trái tim ta sẵn sàng:

“Trái tim con sẵn sàng, Lạy Chúa, trái tim con đã sẵn sàng,

Con sẽ ca, vâng con sẽ ca hát tán tụng Ngài.

Chúa hãy đánh thức tâm hồn con: và con sẽ đánh thức bình minh bừng dậy” (2).

(2) Giai đoạn ý thức sự hiện diện của Người

Hãy ngồi thinh lặng và hoàn toàn mở lòng mình ra để nhận thức sự hiện diện của Người. Người đang hiện diện trong thần trí tôi, đang chăm chú tới sự nhận thức của tôi. Người đang ngự ngay giữa tâm điểm bản ngã chân thực của tôi, trong cốt lõi hữu thể tôi. Giờ đây tôi tìm cách nhận thức được điều ấy, nhưng một ngày không xa, Người sẽ thoả tình ban cho tôi sự nhận thức ấy.

Người ở gần bản ngã chân thực của tôi hơn là chính tôi (3). Người biết rõ tôi hơn là tôi tự biết mình. Người yêu tôi hơn chính tôi yêu mình. Người là “Abba”, là bố tôi. Tôi hiện hữu vì có Người hiện hữu.

Trong tấm gương hiện sinh tạo dựng, tôi là hình ảnh và là họa ảnh sống động của Người: khi tôi nhận thức, tôi phản ảnh nhận thức của Người; khi tôi yêu, tôi phản ảnh tình yêu của Người; khi tôi gọi Người, Người nghe tiếng tôi; khi tôi tìm kiếm sự hiện diện của Người, Người đánh thức để tôi nhận ra sự hiện diện ấy nơi Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu. Người nói với tôi Lời Yêu Thương: “con là con trai Ta, con là con gái Ta, kẻ Ta yêu mến, kẻ Ta rất hài lòng”. Trong, nhờ và với Chúa Giêsu, Người đổ tràn Chúa Thánh Thần xuống, làm tôi kêu lên được “Abba, Lạy Cha!” Ngài làm tôi tràn đầy lời cám ơn và ca tụng đối với sự hiện diện của Người.

(3) Giai đoạn phó thác

Trước nhan thánh Người, ý thức được sự hiện diện của Người rồi, tôi phó thác mọi khía cạnh con người tôi cho Người; tôi trả lại Người chính bản thân tôi; tôi tìm cách rút lại việc tôi chiếm hữu tôi và tôi khẩn xin Người chiếm hữu lấy tôi để Người sống trong tôi và qua tôi, đến độ “tôi sống, nhưng không phải tôi sống mà là Người sống trong tôi” (4). Đôi tay, đôi cổ tay và đôi cánh tay tôi; đầu tôi, hai tai và các giác quan cùng óc não tôi; đôi chân và hai cẳng chân tôi; mỗi một và mọi thần kinh cùng bắp thịt, mạch máu và cơ quan tôi. Xin Người nhận lấy làm khí cụ bình an và biến nó thành của lễ tinh tuyền…

Tôi phó thác mọi ưu tư lo lắng; tôi trưởng thành trong việc nhận thức rằng nếu niềm tin và niềm cậy nơi Người của tôi chân thực, thì còn gì cơ sở để tôi lo âu căng thẳng; Người nhận săn sóc, trông nom con cái Người. Nên, tôi để mọi sự đang làm tôi bận tâm tan biến đi, trong một động tác đầy tin tưởng phó thác. Từ nay trở đi, tôi để Người dẫn tôi đi, từng bước lại từng bước.

Tôi phó thác trái tim, xúc cảm, tình yêu tôi. Trái tim tôi sẽ không yêu bằng tình yêu của nó nữa. "mọi người yêu, đều từ Chúa mà sinh ra và biết Người” (5). Chính Chúa Giêsu, qua Chúa Thánh Thần, yêu Cha của Người bằng hơi thở yêu đương ‘của tôi’. Không phải tôi yêu mà Người yêu trong tôi và qua tôi… Và tình yêu của Người thì thinh lặng, thanh thản, vô lường và trường cửu.

Tôi phó thác trọn nhân cách tôi, chứ không phải chỉ là xúc cảm. Tôi mò mẫm hướng về một tình yêu êm đềm; và qúa bên kia tư duy, tôi “hướng về nơi có người đang chờ, người mà tôi biết rõ đang hiện diện, nơi mà không ai khác có thể xuất hiện” (6).

Trọn lời cầu nguyện của tôi chỉ là: trong cõi thinh lặng này, Người hãy tuôn đổ Thần Trí của Người ra và bắt đầu sống và hiển trị trong tôi…Tôi phó mình tôi cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Rỗi của tôi, và nhận Người là Chúa của mình. Người từng cầu nguyện và chịu đau khổ để giải phóng tôi và đòi tôi làm của riêng của Người: Chúa hãy chiếm lấy con và mọi sự con có, và mặc tình làm gì con thì làm. Chúa muốn sai con đi đâu thì sai. Muốn dùng con thế nào thì dùng. Con xin tuyệt đối, hoàn toàn, vô điều kiện và mãi mãi phó thác mình con và mọi sự con đang chiếm hữu cho Chúa để Chúa mặc tình kiểm soát.

Giai đoạn này có thể biến thành lời khẩn cầu tha thiết xin Chúa Thánh Thần đổ tràn các ơn của Người xuống cho ta để ta phủ phê nhận thức được sự hiện diện và ơn bình an của Người. Và lời khẩn cầu này luôn đi đôi với niềm tin rằng Người đã nhận lời khẩn cầu của ta rồi (7).

(4) Giai đoạn chấp nhận

Nhiều phản ứng ‘tự nhiên’ của ta chỉ là các phát biểu và cử chỉ không chấp nhận, là nổi loạn, là trốn chạy khỏi thực tại, là dẹp bỏ đè nén; là tức giận bùng lên; là nôn nóng ám lấy mình như qủy ám; là giận ghét và phẫn uất làm tâm hồn mình ra chai đá; là ghét bỏ can thiệp pha mình. Dù không phải lúc nào cũng nhận thức được, nhưng ta thường hay từ khước không chấp nhận những con người, những biến cố, những hoàn cảnh, những điều kiện, và cả chính bản thân ta, như Chúa đã muốn chúng xẩy ra cho ta, thậm chí còn chấp nhận cho ta nữa. Trong cầu nguyện, ta cảm nhận việc không chấp nhận thánh ý của Người trong các hoàn cảnh cụ thể là một hàng rào, một vật chặn đường không cho ta đến với Chúa. Vì ý của Người là muốn ta chấp nhận những con người, những hoàn cảnh và những biến cố như trong bản chất của chúng và như chúng đang xuất hiện với ta. Người muốn ta đừng bao giờ tìm cách ảnh hưởng người khác và các biến cố nói chung bằng bạo lực trái tim. Trái lại phải giúp họ cảm nhận được sức mạnh của yêu thương và tha thứ, của đau khổ, của chấp nhận và biết ơn. Trong cuộc sống hàng ngày, thái độ trên bao gồm: không bao giờ kết án, tranh cãi, chỉ trích, không bao giờ dùng bạo lực, chỉ nên chăm lo chu toàn nhiệm vụ của mình.

Thành thử ra, trong việc cầu nguyện, tôi phải ý thức được các hàng rào thực sự ngăn cản tôi không biết chấp nhận. Tôi phải nhìn vào mỗi hàng rào cản ấy và tự ý chấp nhận Ý Chúa về phương diện này. Tôi thu hồi các phán đoán chỉ biết lấy mình làm trung tâm và có tính kết án; tôi thu hồi các lời chỉ trích của mình. Tôi ân hận về tính ưa bạo lực của mình trong tư tưởng, trong lời nói và việc làm, tôi can đảm nhẩy vào đức tin và đức mến; khi hướng trái tim tôi về Người, Người sẽ khiến mỗi sự và mọi sự góp phần vào phúc lợi thực sự của tôi (8).

Trên thực tế, chấp nhận thánh ý Người đồng nghĩa với chấp nhận sự hướng dẫn của Người, chấp nhận Người là Chúa, Đấng dẫn dắt tôi từng bước băng qua các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống hàng ngày. Qua thánh ý Người dành cho tôi, Người hướng dẫn và dẫn dắt tôi tới nước của Người. Nước của Người chỉ xuất hiện và tiến triển tại nơi nào thánh ý của Người được chấp nhận và đem ra thực hành.

Nên tôi xin từ bỏ ý riêng của tôi và cố gắng nhận ra thánh ý của Người. Tư tưởng và kế hoạch riêng của tôi phải mất đi hết tính cưỡng bức của chúng khi tôi tìm xem kế hoạch của Người đang tỏ hiện ra sao để cố gắng bước chân theo các khuôn thước của Người.

(5) Giai đoạn thống hối và tha thứ

(a) Khi bước vào lối cầu nguyện này, ta có thể nặng trĩu một cảm thức tội lỗi và thất bại. Đó có thể là một cảm thức tổng quát về tình trạng tôi lỗi và bất xứng của ta nói chung, mà cũng có thể là tình trạng nóng hổi của một tội lỗi mới xẩy ra. Ta phải đối diện với loại rào cản này trong một tinh thần thống hối chân chính và khiêm nhường thực sự. Ta xưng thú tội lỗi ta và các thiếu sót của ta, ta xin Người tha thứ và cảm tạ Người đã nhận lời ta cầu khẩn. Rồi ta phải gặp gỡ Chúa trong con người thực của mình: một kẻ tội lỗi, một kẻ khuyết tật và tàn tật về phương diện thiêng liêng trong nhiều khía cạnh, một bệnh nhân kinh niên. Ta chấp nhận các khuyết tật và tàn tật này vì ta như thế nào Người đã chấp nhận ta như thế và vì ta có thế nào, Người yêu ta như vậy.

Ta không được phép nuôi dưỡng mặc cảm tội lỗi; trái lại phải hoàn toàn và trọn vẹn chấp nhận sự tha thứ và tình yêu của Người. Mặc cảm tội lỗi và mặc cảm tự ti trước mặt Chúa chỉ nói lên lòng vị kỷ, lấy mình làm tâm điểm: ta coi trọng cái tôi nhỏ bé tội lỗi của mình hơn tình yêu mênh mông và không cùng của Người. Ta phải trao phó tội lỗi và tự ti của ta cho Người; lòng tốt của người lớn hơn cái xấu của ta. Ta phải chấp nhận cái vui của Người khi yêu thương và tha thứ cho ta. Trao tội lỗi của ta cho lượng từ bi của Người quả là một ơn thánh có tính chữa lành.

Ta có thể dành chút thì giờ lâu hơn để những tâm tình trên lắng sâu vào ý thức mình.

(b) Khi không thể cầu nguyện vì một lý do không chính xác rõ rệt nào, ngoài cảm thức bất ổn và bất xứng, sách Đám Mây Vô Minh (The Cloud of Unknowing) nói với ta như sau:

“Vì mọi sự ác đều tóm tắt trong tội, bất kể xét cách nông cạn hay trong yếu tính, nên khi cầu nguyện với ý định cởi bỏ sự ác, ta đừng nên nói, nghĩ hay hiểu điều gì khác hơn là cái chữ “tội” nho nhỏ ấy… Bạn nên làm đầy tâm trí bạn bằng cái nghĩa bên trong của chữ “tội” đơn giản này, khỏi cần phải phân tích nó thuộc loại nào, tội nhẹ hay tội nặng, tội kiêu ngạo, tội giận dữ, tội ghen ghét, tội hà tiện, tội lười biếng, tội mê ăn uống hay tội mê sắc dục. Đối với người chiêm niệm, đâu cần nó phải là tội gì và nặng nhẹ ra sao? Vì khi chiêm niệm, họ phải nghĩ rằng tội nào tự nó cũng đều nặng cả, cũng đều phân cách họ với Chúa, và ngăn cản họ không được bình an tâm linh.

“Bạn hãy cảm nhận tội trong tính toàn diện của nó, như một khối nặng, không nên chỉ rõ bất cứ phần đặc thù nào, mà ý thức rằng toàn bộ cái khối nặng đó chính là bạn. Rồi không ngừng la lớn lên trong tâm trí bạn câu này: ‘Tội! Tội! Tội! Xin giúp con! Xin giúp con! Xin giúp con!’. Tiếng la này ta học được từ Chúa bằng kinh nghiệm hơn là từ bất cứ con người nào bằng lời nói. Tiếng la ấy sẽ tốt nhất khi nó hoàn toàn tâm linh, không được suy tính trước và không được phát thành tiếng. Tuy nhiên, đôi khi trái tim quá ăn năn cũng có thể bật thành lời vì cả thân xác lẫn linh hồn thẩy đều đầy ứ hối hận và nặng trĩu tội lỗi” (9).

Ta cũng có thể kêu lên nhiều lần “Lạy Chúa, xin xót thương con!” hay “Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ tội lỗi cho con!” cho đến lúc Người ban cho ta ơn ăn năn và làm tan trong ta cái khối nặng của tội lỗi kia.

(6) Giai đoạn chiêm niệm

Đến lúc này bạn hẳn đã loại hết các trở ngại trong tâm hồn, mọi suy tư trong tâm trí, mọi chao đảo trong ý chí: giờ đây “tôi chỉ còn khát khao Người, tôi chỉ còn tìm kiếm Người và chỉ một mình Người mà thôi” (chương 7).

“Chỉ cần tôi cảm nhận được là mình đang được đánh động yêu thương…và trong cái triều sóng nội tâm này, tôi không nghĩ tới bất cứ điều gì khác ngoài Chúa ra. Mọi khao khát của tôi đều nhất loạt hướng về Người” (chương 34).

“Tôi nâng tâm hồn lên cùng Chúa với một tình yêu khiêm cung. Và phải là chính Chúa, Đấng đã dựng nên tôi, nuôi sống tôi, và sủng ái mời gọi tôi, chứ không phải một cái gì từ Chúa mà đến. Thực vậy, tôi không thích nghĩ tới bất cứ điều gì ngoài Chúa ra, đến độ không gì có thể chiếm cứ tâm trí và ý chí tôi, mà chỉ là Chúa thôi… Tôi không nghĩ bất cứ ý nghĩ nào khác về Người, ngoài ý nghĩ Người đang hiện diện, tuy không rõ ràng nhưng rất hiển vinh. Tất cả đều tùy thuộc lòng thèm khát của tôi: tôi hướng mọi ý định nguyên tuyền về Người, và về một mình Người mà thôi” (chương 3 và 7) (10).

Tôi hướng hoàn toàn con người tôi về Chúa. Tôi không ngừng nhìn ngắm Người. Sự hiện diện của Người giờ đây trở thành hiện thực hơn đối với tôi. Người hút hết cái nhìn nội tâm của tôi. Con mắt linh hồn tôi chỉ biết yêu thương nhìn Người chăm chăm. Lời cầu nguyện của tôi nguyên tuyền chỉ còn là một ý thức đầy yêu thương về Người. “Tôi nhìn vì tôi yêu; tôi nhìn để yêu, và tình yêu của tôi được cái nhìn ấy nuôi dưỡng và ảnh hưởng” (11).

“Khi không còn ai trước mắt, khi toàn diện căn nhà của tôi im ắng, không bị ai dòm ngó, khi toàn diện căn nhà của tôi yên ngủ im lặng” (12), tôi sẽ rướn người lên với Chúa trong yêu thương. Đương khi đang thinh lặng và hiện hữu với ý thức thanh thản và đơn giản về sự hiện diện của Người, trái tim tôi mò tìm Người và mở ra đón nhận tình yêu của Người. Đây là một lời cầu nguyện không lời được nuôi dưỡng bằng một lòng sốt sắng thinh lặng. “Ta chỉ bắt và giữ được Người bằng tình yêu, chứ không bao giờ bằng tư duy” (13). Có một thứ bóng tối mà tư tưởng và nhận thức phân minh không làm sao phá tan được, mà chỉ có thứ tình yêu chờ mong mới “đánh tan được đám mây vô minh giữa bạn và Chúa” (14):

“Vào một đêm may mắn ấy

trong bí nhiệm, không ai dò thấy,

tôi đi không nhận ra,

không một chút ánh sáng nào

ngoài ngọn lửa đang bùng cháy trong tim.

Nó chiếu sáng và dẫn tôi đi

chắc chắn hơn ánh sáng giữa trưa

tới nơi có Đấng đang chờ

sự hiện diện của Người tôi biết rõ

ở nơi không ai khác có thể xuất hiện (15).

Ta có thể dùng mấy câu trên làm lời cầu nguyện lặp đi lặp lại, theo nhịp thở của ta.

(7) Giai đoạn tiếp nhận

Chúa luôn đáp ứng. Người không thể từ chối người đi tìm trong đức tin và đức mến. “Tìm thì luôn luôn sẽ thấy” trở thành “tìm thì sẽ luôn luôn được tìm thấy”. Người tìm ta trước khi ta tìm Người, đang khi ta tìm Người và sau khi ta tìm Người. “Ta đã yêu con bằng một tình yêu đời đời, nên ta bền đỗ trong tình âu yếm đối với con” Đó là lời Chúa phán (16).

Thế nào Người cũng trả lời. Người hướng về tôi. Người tìm kiếm tôi. Người bồn chồn muốn xâm lấn tâm trí tôi. Người muốn Thần Trí Người chiếm hữu tôi. Tôi ngụp lặn trong tình yêu ấm áp của Người. Tôi cảm thấy Người nhìn tôi say đắm. Chúa Giêsu, Đức Chúa của tôi, chỉ những muốn chiếm hữu trái tim tôi và dùng trái tim ấy mà yêu Chúa Cha, và toả chiếu tình yêu của Người ra.

“Ai yêu mến Ta cũng sẽ được Cha Ta yêu mến, và Ta sẽ yêu mến người ấy và tỏ mình ra cho người ấy…Và chúng ta sẽ đến và cư ngụ trong người ấy”. Đó chính là lời Chúa phán (17).

“Bản thân chúng tôi biết và tin vào tình Chúa yêu chúng tôi. Thiên Chúa là tình yêu. Và ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy” (18).

Người tràn đầy tâm hồn ta bằng sự hiện diện của Người, bằng Thần Trí của Người. Ta chỉ nhận ra Người nhờ đức tin, hay nhờ cảm nghiệm ơn thánh của Người.

Sự hiện diện của Người mang lại cho ta sự bình an sâu sắc thiêng liêng, sự dự phần vào việc nghỉ ngơi ‘ngày thứ bẩy’ của Người, sự thanh thản lớn lao, khả năng biết chấp nhận và biết đau khổ, cất bỏ được thất vọng, bùng lên hân hoan và yêu thương, nhận được ánh sáng chan hòa, bừng lên ý muốn mạnh mẽ được ca ngợi và cảm tạ Người.

Và nếu Người muốn, sự hiện diện của Người còn mang lại sức mạnh để ta phục vụ Người và công bố về Người, làm chứng nhân cho Nước của Người, đem chữa lành nhân danh Người tới người khác, đem bình an và hợp nhất cho mọi người thiện chí.

(8) Giai đoạn khẩn cầu

Khẩn cầu là một nhu cầu luôn luôn có. Chúa Giêsu tiếp tục cứu rỗi ta qua lời khẩn cầu không bao giờ đứt đoạn (19). Một cách nào đó, Người cũng cần dùng trái tim của ta để làm việc khẩn cầu ấy. Quả đúng, ta đi tìm Người Cho chứ đâu có đi tìm của cho, nhưng Người Cho đây lại đang tìm cách cứu dân của Người. Qua Thánh Thần của Người trong ta, Người quan tâm tới tất cả những ai thuộc về dân của Người; Người muốn khẩn cầu và chịu đau khổ trong chúng ta.

Ta phải khẩn cầu và không bao giờ ngã lòng (20), khẩn cầu với một lòng tin đơn sơ và đầy trông cậy. Người từng hứa: hãy xin thì sẽ được (21). Ta phải học cách cầu nguyện với niềm tin rằng Người đã ban cho ta điều ta xin rồi, như chính Người thường thúc giục ta cầu nguyện: Đối với mọi điều chúng con xin và cầu nguyện cho, hãy tin rằng chúng con đã nhận được rồi và sẽ là của chúng con” (22).

Ta cầu nguyện theo Ý của Người (23), cầu nguyện cho nước của Người trong ta và trong người khác. Lạy Chúa, xin dạy con cách cầu nguyện; Ý Chúa thể hiện trong đời con và trong đời người khác; Lạy Chúa, xin ban bình an cho…; xin giúp… trong các nhu cầu của họ. Lạy Chúa, xin làm … biết Ý Chúa.

(9) Giai đoạn ca ngợi và cảm tạ

Chúa Giêsu luôn cảm tạ và ca ngợi Cha của Người và dạy các môn đệ làm như thế.

Kinh nguyện Thánh Thể đúng là lời cầu nguyện ca ngợi, cảm tạ và khẩn cấu ấy. Khi Người làm ta nhận ra sự hiện diện của Người hay đánh động ta bằng Thánh Thần của Người, làm ta tràn đầy ơn thánh và bình an, ta nên cảm tạ và ca ngợi Người một cách tự phát.

Ước chi đến lúc ta còn cảm tạ Người vì đã cho ta được chia sẻ nỗi cô đơn và đau đớn của Chúa Giêsu, chỉ vì ý Người đang được thể hiện trong ta…

Chú thích

1. Tv 34:14

2. Tv 57 và 108

3. Câu “Intimior Intimio Meo” của Thánh Augustinô

4. Ga 2:20

5. 1Ga 4:7

6. Thánh Gioan Thánh Giá, Các Vần Thơ (Poems), bản dịch tiếng Anh của Roy Campbell, Penguin, 1960, p.27.

7. Mc 11:24

8. Rm 8:28

9. Cuốn Đám Mây Vô Minh (The Cloud of Unknowing) là sách chiêm niệm, được viết khoảng năm 1350, không rõ tác giả là ai. Bản dịch sang tiếng Anh hiện đại là của Clifton Wolters, Penguin Classics, 1961, các chhương 39 và 40.

10. Trích từ các chương trong sách Đám Mây Vô Minh (xem chú thích 9 ở trên)

11. Dom Vitalis Lehodey OCR, Cách Cầu Nguyện Trong Trí (The Ways of Mental Prayer), Gill, Dublin, 1960 Pt II, Ch IX, para 2

12. Thánh Gioan Thánh Giá, sách đã dẫn tr.27

13. Đám Mây, chương 6

14. Đám Mây, chương 12

15. Thánh Gioan Thánh Giá, sách đã dẫn tr.27

16. Giêrêmia 31:5

17. Ga 14:21, 23

18. 1 Ga 4:16

19. Dt 7:25; xem Rm 8:34; 1Ga 2:1

20: Lc 18:1

21. Lc 11:10

22. Mc 11:24; xem 1Ga 5:14-15; Gc 1:5-6

23. 1Ga 5:14-15.

Vũ Văn An

littlewave
28-09-2008, 10:48 PM
Cầu nguyện theo lối chiêm niệm (tt)

2. Hai cách trợ giúp lối cầu nguyện chiêm niệm

Làm cách nào chống chọi được chia trí? Đó là câu hỏi thường được đặt ra hơn cả. Chia trí, hay các ý tưởng lởn vởn, vì thế là một vấn đề lớn. Chúng có thể làm ta không thư dãn, không để cho các căng thẳng biến đi được và do đó không thể phó thác cho Chúa được, hay làm ta mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Điều đầu tiên cần làm là chấp nhận trọn vẹn sự yếu đuối này và nhớ rằng lối cầu nguyện này là vì Người chứ không vì bất cứ lợi lộc nào cho ta cả: cho nên phải sẵn sàng phí cái phần thời giờ này như một ‘hiến tế’ đổ ra vì Người. Xét một cách nào đó, thì cảm thức thất bại cũng nằm ngay trong yếu tính của lối cầu nguyện này, vì nhờ nó, ta học được cách trở nên bất vụ lợi thực sự; ta tìm sự hiện diện của Người và yêu mến Người ngay cả khi Người dấu mặt, ngay cả khi ta không nhận ra sự hiện diện ấy.

Điều ấy đúng nếu hiểu thất bại theo nghĩa tổng quát hơn của nó: “Sự bất toàn và cả tội lỗi nữa cũng giúp ta khiêm nhường, một điều kiện rất cần cho cầu nguyện, đến độ chúng được coi như trợ giúp chứ không phải cản trở. Cảm thấy mình hoàn toàn bị đè bẹp, bị hủy tiêu, không có khả năng làm điều tốt nào, hoàn toàn lệ thuộc vào lòng thương xót vô lượng của Chúa là chuẩn bị tốt nhất và duy nhất để ta cầu nguyện. Có nghĩa là ta phải hoàn toàn tin tưởng và hân hoan được là không, vì Chúa là tất cả, điều này sẽ mang lại bình an duy nhất, bình an đích thực (24).

Sau đây là hai cách thế đặc biệt giúp ta giảm thiểu chia trí và duy trì chú tâm của ta vào sự hiện diện của Người một cách cao độ nhất (25).

(1) Thở nhịp nhàng

Căng thẳng, lo lắng hay phấn khích tất cả đều khiến hơi thở của ta thành ngắn và cạn. Mặt khác, nếu ta cố ý thở, thở chậm và đều đặn (nhịp nhàng) hơn, thì căng thẳng sẽ dịu đi, khiến ta thư dãn hơn, có được cảm thức bình an và thanh thản nhiều hơn.

Bởi thế, khi cầu nguyện, ta nên cố gắng hít vào thở ra một cách chầm chậm, thật sâu và một cách có ý thức,cùng nhịp với mạch máu hay nhịp đập của trái tim. Nói chính xác hơn, bạn hãy hít vào bằng mũi, vừa hít vừa đếm nhẩm 1,2,3,4,5…cho tới khoảng 6, nghĩa là bằng khoảng vận tốc của nhịp tim, nín một lúc (vào khoảng vài cái đếm) rồi thở ra cùng một cách như lúc hít vào nghĩa là có kiểm soát và chầm chậm. Khi đã thở ra hết, nên nín hít vào ngay (chừng vài cái đếm). Bạn cũng nên thực tập lối hít thở này ở những thời điểm khác như lúc đang đi bộ, đang ngồi im lặng hay đang nằm.

Khởi đầu còn cần phải chú ý và kiểm soát, nhưng dần dần, việc ấy sẽ trở thành thói quen và bạn sẽ làm việc ấy một cách tự động, không cần phải suy nghĩ gì cả. Cha Hoffman từng viết về việc này như sau:

“Dù không do ý muốn mình mà có được việc cầu nguyện chiêm niệm, nhưng ta có cách dọn mình cho lối cầu nguyện ấy. Những cách này phải do mỗi người tự khám phá ra. Thánh Gioan Thánh Giá nhắc đến sự kiện có những nơi thuận tiện cho việc cầu nguyện hơn những nơi khác. Cũng vậy, có một kỹ thuật của Phương Đông, nhưng khá thích hợp cho Phương Tây. Đó là phương pháp thở chậm và sâu trong lúc cầu nguyện, trong đó có việc nín hơi lúc sắp thở ra (26). Phương pháp này có hiệu quả không những giúp bản ngã tâm lý ta thanh thản mà còn đem lại cho các cảm nhận nội tâm cũng như các suy tư của lý trí một cái gì đó để bận bịu… Dĩ nhiên, chỉ nên dùng phương pháp này nếu thấy hữu ích. Còn nếu không cần, thì thôi, vì nó có thể gây chia trí. Nhiều người sợ phương pháp này dễ đưa mình vào giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu đời sống thiêng liêng đã chín mùi để có thể áp dụng được lối cầu nguyện này, thì nói chung, ít sợ việc này xẩy ra (27).

(2) Những lời cầu nguyện lặp đi lặp lại

Những lời cầu nguyện được lặp đi lặp lại đi song song với việc thanh thản hít thở nhịp nhàng kiểu trên sẽ giúp ích rất nhiều. Ta có thể đọc các lời của kinh ấy (đọc nhẩm trên môi hay đọc nhẩm trong óc) lúc hít vào hay lúc thở ra, hay cả hai lúc. Để ăn nhịp với hơi thở nhịp nhàng của ta, lời kinh nên có vần có điệu thích đáng.

Về phương diện này, lời Kinh Lạy Chúa Giêsu (Jesus Prayer) là thích hợp hơn cả: kinh này hệ ở việc lặp đi lặp lại tên cực thánh Chúa Giêsu: Lạy Chúa Giêsu, Lạy Chúa Giêsu, Lạy Chúa Giêsu… hay lặp đi lặp lại cả câu: Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con, là kẻ tội lỗi. Đọc nhịp nhàng theo nhịp thở chậm, sâu, cố ý của mình, nhiều lần như thế, trong khi tâm trí ta luôn hướng về sự hiện diện của Chúa (28).

Ta cũng có thể sử dụng các lời khác để lặp đi lặp lại như "Với Chúa, trên thánh giá, con không sống, mà Chúa sống trong con” hay “tình Chúa trong giọng con nói, tình Chúa trong im lặng con”… Thực vậy, ta có thể tạo ra các lời cầu nguyện tương tự như thế miễn là chúng nói lên được điều ta muốn nói và có vần có điệu thích hợp để có thể đọc theo nhịp thở đều đặn của mình. Bất kể đó là lời cầu nguyện phó thác, lời cầu nguyện vâng theo, lơì cầu nguyện tỏ lòng yêu mến, lời cầu nguyện ca ngợi hay lời cầu nguyện tạ ơn.

Ta cũng có thể lặp đi lặp lại theo cách trên từng phần của Kinh Lạy Cha: hoặc chỉ ngắn gọn “Abba, Lạy Cha!” hoặc thêm một lời cầu xin như “Abba, lạy Cha, xin cho danh Cha cả sáng”, hoặc đọc cả phần đầu trong lúc thở ra một cách chầm chậm, thật lâu và thanh thản: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất, cũng như trên trời”…

Sau cùng, nếu ta không muốn dùng các lời như trên nữa, ta có thể dùng Kinh Mân Côi, vừa âm thầm lần hột vừa đọc các kinh Kính Mừng một cách nhẹ và nhịp nhàng theo hơi thở đồng thời suy niệm các mầu nhiệm về Chúa và Đức Mẹ…Nhiều người đã nhận ra sự ích lợi to lớn của lối đọc Kinh Mân Côi như thế.

Ghi chú

24. Dom John Chapman, Thư Thiêng Liêng (Spiritual Letters, Sheed & Ward, London, tr.293).

25. “Chia trí có hai loại (a) chia trí thông thường như thứ chia trí trong lúc nguyện gẫm làm người ta không còn nguyện gẫm gì được; (b) chỉ có trí tưởng tượng là lang thang vẩn vơ cách vô hại mà thôi, trong khi ấy trí khôn ta lười lĩnh và trống rỗng, nhưng ý chí ta vẫn bám chặt lấy Chúa. Loại chia trí thứ hai này vô hại. Dù loại này có hiện diện suốt buổi đi chăng nữa, việc cầu nguyện của ta vẫn tốt. Đôi khi còn tốt hơn là đàng khác. Ý ta và Ý Chúa vẫn kết hợp làm một; dù ta cảm thấy không hài lòng chút nào” (Dom John Chapman, sách đã dẫn, tr. 290).

Ở đây, ta đặc biệt để ý tới việc trí tưởng tượng lang thang “vô hại” trong khi trái tim và ý chí ta vẫn vươn lên cùng Chúa và bám chặt vào Người. Trí tưởng tượng như thế cũng giống như con chó cưng (pet dog) của ta có mặt trong phòng vậy: ta muốn nó đứng yên một chỗ trong giây lát, nhưng nó cứ tha thẩn chung quanh. Hai trợ giúp vừa trình bầy, tức việc thở nhịp nhàng và các lời kinh lặp đi lặp lại, giống như hai sợi dây xích chó khiến trí tưởng tượng của ta không quá tha thẩn và tha thẩn quá xa!

26. J.-N. Dechanet OSB, Yoga Kitô Giáo (Christian Yoga), Harper and Row, New York, được Dominic Hoffman OP trích dẫn ở tr.217, xem ghi chú số 27: “Thêm vào ba giai đoạn thở này như đã nhắc ở trên (hít vào, nín hơi và thở ra), bạn sẽ tự động thêm giai đoạn bốn, tức nín thở trong lúc phổi rỗng hơi. Việc này rất giúp ích cho chiêm niệm…”

27. Dominic Hoffman OP, Đời Sống Nội Tâm: Việc Cầu Nguyện Hợp Nhất (The Life Within: The Prayer of Union)Sheed & Ward, New York, 1966, tr.217.

28. Kinh Lạy Chúa Giêsu được mô tả chi tiết trong Con Đường Của Người Hành Hương (The Way of the Pilgrim), do R.M. French dịch từ tiếng Nga qua tiếng Anh, Seabury Press, New York, 1970. Jean Guillard cũng nói về nó trong một phụ chương cho cuốn Yoga Kitô Giáo của Cha Dechanet dưới đầu đề: Mấy dòng về Lời Kinh Của Trái Tim. Swami Abhishiktananda, trong cuốn Cầu Nguyện (Prayer) của ông do ISPCK, Delhi xuất bản năm 1972 cũng đã đề cập tới Kinh Lạy Chúa Giêsu này trong chương “Kinh Kính Tên”. Tác giả này cũng cho rằng lời kinh vắn vỏi, do chính Chúa Giêsu đặt lời, tức Kinh Abba, Lạy Cha!là kinh tốt nhất để ta bước vào sự sống của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Cần ghi nhận rằng Kinh Lạy Chúa Giêsu có phạm vi áp dụng vượt quá cả quan tâm hiện nay của ta, tức lo dành một giờ mỗi ngày cho việc cầu nguyện chiêm niệm, vì nó nhằm tiến tới lối cầu nguyện liên lỉ để ta kết hợp nên một với Thiên Chúa.

3. Một số điểm thực tiễn của lối cầu nguyện chiêm niệm

Cầu nguyện ở đâu. Xin thưa: ở nơi ta được hoàn toàn tư riêng và ở một mình; nơi khó lòng ta bị phiền nhiễu; nơi yên tĩnh, không ồn ào. Chúa Giêsu vốn bảo ta: “Khi cầu nguyện, các con hãy vào phòng riêng và sau khi đóng cửa, hãy cầu nguyện cùng Cha các con, Đấng đang ngự nơi kín đáo đó” (29). Chính Người “cũng hay đi tới một nơi nào đó chỉ có một mình mình để cầu nguyện”(30). Có điều an ủi là, không phải lúc nào Người cũng làm được việc đó (31). Có nhiều người khác cùng ở nơi hay phòng ấy xem ra không thuận tiện cho lối cầu nguyện này, vì chính việc thấy có nhiều người khác cùng hiện diện có thể khiến ta chia trí rất nhiều và cản trở không cho ta thư dãn.

Lý tưởng nhất là trước Phép Bí Tích Cực Trọng, bí tích biểu tượng cho sự hiện diện của Người giữa chúng ta. Đây là điều Cha Voillaume khích lệ các môn đệ của cha thánh Charles de Foucauld. Nhưng phải nhận một điều nhiều nhà thờ và nhà nguyện ngày nay dễ chia trí và ồn áo quá.

Đức Hồng Y Lercaro tóm tắt như thế này: “Nếu có thể, thì tại nhà thờ hay tại phòng mình; tốt hơn nên tại phòng mình vì tại nhà thờ đôi khi ta bị mời thi hành một nhiệm vụ gì đó thuộc thừa tác vụ, hay bị lẽ này lẽ nọ làm cho phân tâm. Một nơi nào đó ngoài nhà cũng được. Nhưng xét chung, nơi chọn phải là nơi hy vọng ít bị chia trí hay gián đoạn nhất” (32).

Cầu nguyện bao lâu. Người ta hay nghĩ tới mỗi ngày một giờ trọn. Đối với nhiều luật dòng, đây là thì giờ truyền thống được ‘cố định’ cho việc cầu nguyện trong trí khôn. Thánh Phêrô thành Alcantara cho hay: “thời gian mà quá ngắn, thì không đủ để xua đuổi trí tưởng tượng và kiểm soát được trái tim; ngay lúc tưởng là đã sẵn sàng và bắt đầu được buổi cầu nguyện, thì đã phải ngưng lại” (33). Thực sự thì mỗi ngày một giờ cũng chỉ là 4 phần trăm thì giờ sống một ngày của ta mà thôi.Vả lại, thực hành này đem lại nhiều lợi ích hơn các thực hành khác rất nhiều vì nhờ nó, Thiên Chúa thay đổi và canh tân ta một cách tuyệt diệu. Mặt khác, thoạt bắt đầu, một giờ có thể là khoảng thời gian quá lâu, nhưng với thói quen, nó sẽ trở nên ‘dễ chịu’ hơn hay ít nhất ta cũng trở nên quen thuộc với nó hơn. Hơn nữa, ta có ơn Chúa đặc biệt giúp đỡ nữa (34)

Tuy nhiên, áp dụng việc này cho các tu sĩ là điều hợp lý, còn đối với phần lớn các giáo dân ngày nay, thì việc ấy khó áp dụng được. Lối cầu nguyện chiêm niệm áp dụng cho các đối tượng này do đó cần phải uyển chuyển hơn, kể cả khoảng thời gian ngắn dài của nó.

Cầu nguyện khi nào. Điều này tùy thuộc vào khung cảnh làm việc và dấn thân của từng người. Nhiều người thích chiêm niệm lúc sáng sớm: “Lúc tảng sáng, khi trời còn tối, Chúa Giêsu đã trỗi dậy và đi ra ngoài, đến một chỗ thanh vắng và cầu nguyện ở đấy” (35). Buổi sáng tĩnh mịch quả là thích hợp nếu ta hoàn toàn tỉnh táo cả thể xác lẫn tinh thần. Người khác lại thích buổi tối yên tĩnh trước khi đi ngủ; vì lúc này rất dễ thư dãn và tham gia ‘một giờ canh thức’ với Chúa Kitô.

Nhiều người khác không có chọn lựa nào khác và không có cơ may dành cả một giờ trọn cho việc chiêm niệm. Cho nên họ đành phải hy sinh một số công việc nào đó để tìm dịp chiêm niệm… bất cứ lúc nào: tại bến xe, trên chuyến máy bay liên tỉnh, liên quốc gia…

Những vị sống thành cộng đoàn và do luật dòng bắt buộc phải dành giờ cầu nguyện trong tâm trí, thì có thể thảo luận với nhau hay lãnh ý kiến bề trên để ấn định ra thời điểm chiêm niệm.

Cũng cần để ý rằng lối cầu nguyện chiêm niệm này đã đủ để chu toàn bổn phận cầu nguyện bằng suy gẫm mà một số tu sĩ và nhiều người khác phải làm hàng ngày. Điều này phải chăng có nghĩa việc suy gẫm không cần thiết nữa? Trong những hoàn cảnh đặc biệt, có thể bỏ việc suy gẫm, nhưng suy gẫm như một hình thức cầu nguyện thì không bao giờ bỏ hẳn được. Người đi tìm Chúa trong lối cầu nguyện chiêm niệm thường sẽ đọc và nghe Lời Chúa một cách chăm chú và thích thú hơn: Các bài đọc trong phụng vụ và trong các thực hành đọc sách thiêng liêng khác bao giờ cũng giúp người ta suy gẫm; họ liên tục suy gẫm các mầu nhiệm và đường lối của Chúa.

Cơ thế khi cầu nguyện chiêm niệm. Đây là một điểm quan trọng vì cơ thế (bodily posture) gây ảnh hưởng đáng kể đối với khả năng thư dãn và không chia trí của ta. Thân xác ta phải thư dãn nhưng thư dãn một cách có chú tâm; thân xác ta phải có tư thế thoải mái, không bò bó, căng thẳng. Kinh nghiệm cho hay giữ lưng cho thẳng, cơ thể ta sẽ ít căng thẳng nhất. Trong tư thế ấy, ta giữ được lưng và đầu ta luôn thẳng, là tư thế những người đội nặng trên đầu dùng để giữ thăng bằng.

Theo truyền thống, qùy thẳng người là thế được ưa chuộng. Ngồi có thể thư dãn hơn miễn là phải ngồi thẳng người; ngồi trên một chiếc ghế đẩu không có lưng tựa (cao chừng 25cm) cũng tốt. Những người thích ngồi bệt xuống dưới sàn, thấy thế ngồi này khá thoải mái, dĩ nhiên lưng lúc nào cũng phải thẳng.

Nhiều người thực hành lối cầu nguyện này thấy tốt nhất nên mở mắt nhưng nhìn cố định vào một điểm hay một vật nào đó thẳng trước mặt. Khi con mắt ‘đảo điên’, thì tâm trí ta cũng ‘điên đảo’ theo, khiến ta hết chú ý nổi.

Ghi chú

29. Mt 6:6

30. Lc 5:16

31. Mc 6: 30 ff.

32. Đức Hồng Y Lercaro, Các Phương Pháp Cầu Nguyện Trong Tâm Trí (Methods of Mental Prayer) Burns & Oates, London 1957, tr,207.

33. Đức Hồng Y Lercaro, sách đã dẫn tr. 206.

34. Đám Mây Vô Minh, chương 34

35. Mc 1:35.

(Còn tiếp)
Vũ Văn An