PDA

View Full Version : Nhạc Sỹ Vũ Thành An



giusehien
11-10-2007, 12:38 PM
Phan Tấn Hải, VietBao, 3/11/00

Từ một nhạc sĩ nổi tiếng với những sáng tác tình ca trong 4 thập niên, cùng vận nước nổi trôi với mười năm tù cải tạo và rồi trở thành một tu sĩ Công Giáo - đó là chặng đường đời hòa lẫn những thơ mộng, gian nan với một đoạn kết dị thường. Nhạc sĩ Vũ Thành An vào ngày 5/11 sẽ trình diễn một đêm nhạc tình ca cuối cùng trước khi bước vào một thế giới mới, thế giới của những tìm kiếm tâm linh vô cùng.

Vũ Thành An đã sáng tác nhiều bản tình ca từ những năm trong thập niên 1960s, và đã nổi tiếng lập tức với nhạc phẩm đầu tay, "Tình Khúc Thứ Nhất," phổ từ thơ Nguyễn Đình Toàn năm 1965. Vài năm sau, năm 1969, ông phát hành tập "Những Bài Không Tên." Những tác phẩm của Vũ Thành An được ưa chuộng trong nửa miền đất nước, và người ta có thể nghe tại gần như hầu hết các quán cà phê nhạc Miền Nam. Đó là những năm ông vẫn còn quá trẻ (ông sinh năm 1943), nhưng tài hoa đã sớm chững chạc.

Đa số sinh viên học sinh Miền Nam trưởng thành trong cuối thập niên 1960s và đầu thập niên 1970s đều có nhiều kỷ niệm với nhạc Vũ Thành An. Người ta có thể nghe nhạc ông tại các quán cà phê Sài Gòn, tại các thành phố lớn, tại các quân trường và trên các làn sóng phát thanh. Tên của nhạc sĩ Vũ Thành An đã gắn liền với bài Tình Khúc Thứ Nhất, Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi và các bài Không Tên, và gắn liền với những khoảng đời của tuổi tre? Việt bấy giờ. Giữa khói lửa chiến tranh lúc đó, nhạc tình của ho. Vũ đã là nơi ẩn trú cho những tâm hồn mệt mỏi, cô đơn. Cuộc đời thật bất an, ngắn ngủi giữa chốn đạn lạc tên bay; và khi người lính ngả lưng nằm nghỉ bên đồi, bật lên một làn sóng radio tình cờ, thì nhạc ho. Vũ lúc đó đã như thoáng mây bay giữa trời, gợi lên hình ảnh người bạn gái năm xưa, thật nhạt, thật mờ nhưng có thể làm cay khóe mắt. Chính thập niên 1960s cũng là thập niên kỳ dị nhất của âm nhạc Việt Nam. Phạm Duy và một số nhạc sĩ đồng vai vẫn sáng tác mạnh mẽ. Nhưng đã xuất hiện thêm nhiều tài năng lớn, và mỗi người với một độc đáo riêng. Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng và dĩ nhiên Vũ Thành An. Mỗi người tạo một thế giới riêng. Thời này, những thử nghiệm âm nhạc cũng được đẩy xa hơn, như với phong trào nhạc trẻ. Không phải vì chiến tranh dữ dội hơn, mà các nhạc sĩ phải đi tìm một thế giới tư riêng của thơ mộng. Nhưng như dường là trời cho, có lẽ không còn cách giải thích nào khác tiện hơn. Các nhạc sĩ như được đẩy xuống trần gian, để làm dịu đi những gay gắt của cuộc chiến.

Năm 1972, Vũ Thành An tốt nghiệp Cử Nhân Luật tại Sài Gòn, một năm sau vào làm việc ơ? Bô. Dân Vận Chiêu Hồi, và trong ngày định mệnh 30/4/1975, ông là người cuối cùng rời Đài Phát Thanh Sài Gòn, lúc đó là 10:30 giờ sáng. Vũ Thành An đi tù cải tạo 1975-1985 tại Bắc Việt.

Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh Ca, "Những Bài Nhân Bản," từ trong nhà tù CS năm 1981. Mười năm sau, 1991, ông sang Hoa Kỳ.

Đây là một kinh nghiệm hầu hết những người tù đều có: Người ta tin vào tôn giáo mạnh hơn, khi nghịch cảnh bị đẩy tới tận cùng. Không phải vì tôn giáo là chỗ bấu víu duy nhất trong tù, nhưng chỉ vì khi tới thật gần cái chết, người ta mới cảm nhận sâu xa hơn cái đời sống trong và quanh ta. Nhiều đức tin tôn giáo đã được tuyên xưng trong tù. Người ta như được mặc khải dễ dàng hơn, và một số còn chứng nghiệm được phép lạ. Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, PG Hòa Hảo, Cao Đài... được tìm học khát khao hơn trong các trại tù. Trường hợp Vũ Thành An, ông đã thấy lòng mình đã về với Thiên Chúa. Nhà văn Nguyễn Lý Tưởng đã có bài viết cảm động về việc ho. Vũ rửa tội, một nghi thức vào Công Giáo, trong tù. Và Vũ Thành An đã hồi sinh trong cách riêng của ông. Từ một nhạc sĩ của tình ca, ông đã là người đưa Phúc Âm vào âm nhạc.

Năm 1996, Vũ Thành An ghi danh học chương trình Cao Học Thần Học của Tổng Giáo Phận Portland, Oregon. Và năm nay, năm 2000, Vũ Thành An đang được đào tạo làm chức Phó Tế. Hiện vẫn phụ trách Đài Phát Thanh VN Hải Ngoại ơ? Portland, Oregon.

Dù vậy, những dòng nhạc của Vũ Thành An sẽ được một thế hệ từng trưởng thành thập niên 1960s ghi nhớ mãi. Những dòng thơ của Nguyễn Đình Toàn, trong Tình Khúc Thứ Nhất và Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi, vẫn lơ lửng vẫn phảng phất trong đầu của những người như tôi, một thời ngồi các quán cà phê bên đường Sài Gòn và tập hút những điếu thuốc đầu tiên trong đời của các năm '60s. Những "còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi..." trong một thời quân ngũ và như thấy tay mình đang chạm xúc với dòng thời gian.

Nhạc của Vũ Thành An vẫn còn đó, trong tôi, trong thế hệ của tôi... cũng như nhạc Lê Uyên Phương, cũng như thơ Cao Huy Khanh... vân vân và vân vân. Vũ Thành An đã đi vào một ngưỡng cửa mới, của một thế giới bình an hơn, gần với nước trời hơn. Nhưng nhạc tình của họ Vũ vẫn còn ở lại với trần gian. Để trở thành muối cho đời.

Một đêm nhạc thính phòng sẽ được một nhóm thân hữu thực hiện cho Vũ Thành An tại nhà hàng Emerald Bay, 5105 W. Edinger, Santa Ana (phone: 714-775-5161) vào 7 giờ tối Chủ Nhật 5/11/2000. Và nhạc sĩ sẽ tặng cho tất cả những khách tham dự mỗi người một tập nhạc "Vũ Thành An, Tình Khúc Toàn Tập" gồm tất cả những tình khúc ông viết trong 4 thập niên qua.

Nhạc sĩ giải thích như sau: "Năm 1996, Vũ Thành An đã hứa rằng sẽ không viết nhạc tình nữa, để cả thời gian và tâm sức vào con đường tâm linh đã chọn. Để cho những kỷ niệm một thời của chúng ta không bị mất và sai lạc đi, Vũ Thành An đã gom lại tất cả tình khúc đã viết trong 4 thập niên qua và in thành tập 'Vũ Thành An, Tình Khúc Toàn Tập'."

Và tập nhạc này sẽ do chính nhạc sĩ tặng cho tất cả những người tham dự đêm nhạc thính phòng này. Tập nhạc gồm 40 bài không tên, 13 tình khúc có tên, và 40 nhạc phẩm phổ từ thơ của nhiều thi sĩ.

Góp mặt trong đêm nhạc cũng sẽ có tham dự của nhiều nghệ sĩ như Khánh Ly, Trần Duy Đức, Tuấn Ngọc, Julie, Duy Quang, Thanh Lan, Ngọc Minh, Trọng Nghĩa, Nhật Hạ, và nhiều nữa. MC chính sẽ là Phạm Long và Mộng Lan.

Xin chúc nhạc sĩ Vũ Thành An những lời tốt đẹp nhất. Với tôi, anh là người của một thời trời cho xuống.

Nguồn: http://www.catruong.com