PDA

View Full Version : Truyền giáo trong môi trường: truyền giáo cho ai?



Gia Nhân
02-10-2012, 08:53 AM
Truyền giáo trong môi trường: truyền giáo cho ai?

http://www.mancoichihoavn.com/detaitraoban.jpg



“Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Vì thế, người Kytô hữu được dạy rằng trong cuộc đời tại thế, họ phải xem việc truyền giáo là nhiệm vụ cấp bách của Giáo hội và của cá nhân mình, chứ không phải chỉ là lời khuyên khi nào tuân giữ cũng được. Tuy nhiên, việc truyền giáo phải được thực hiện như thế nào quả là một vấn nạn không hề đơn giản. Trong hoàn cảnh Giáo hội Việt nam ngày nay, vấn đề càng thêm nan giải, bởi vì bản chất của một nước theo chủ nghĩa cộng sản lại hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền giáo của Giáo Hội Chúa Kytô. Bài viết nhỏ này không có tham vọng bàn về một vấn đề cao cả thuộc bản chất của Hiền thê Đức Kytô, mà chỉ xin được chấm phá vài nét liên quan đến văn hoá “hic et nunc” trong một hoàn cảnh quá đặc biệt của đất nước đặc biệt này.



Bài 1. TRUYỀN GIÁO CHO AI?



Trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Cha, Chúa Giêsu đã truyền lại cho các ông và cho Hội Thánh trách nhiệm đi truyền giáo: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt.28,19). Như vậy sứ vụ truyền giáo bao gồm: đi – rao giảng cho muôn dân – làm phép rửa. Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì chưa đủ, và do đó mà Người phải nói thêm “dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt.28,20). Và vòng tròn truyền giáo như vậy đã khép kín: đi – đem về - dạy họ giữ Lời. Nhưng dường như Hội Thánh, mà đại diện là hàng giáo phẩm và giáo sĩ, cảm thấy thao thức với sứ vụ ra đi, làm cho anh em lương dân quay về nhận biết Chúa, hơn là thao thức với việc kéo dài công cuộc truyền giáo cho chính những “người con trong nhà” hay “những kẻ đã thành người nhà”, những kẻ mà Đức Giêsu ưu ái không kém những con chiên lạc khi Người tuyên bố “bánh phải dành cho con cái trước”. Những ví dụ minh họa cho nhận định này thì nhiều. Một giáo xứ có thể mở nhiều lớp giáo lý tân tòng, thậm chí có lớp “dạy kèm” cho người bận rộn, miễn làm sao truyền đạo thật hữu hiệu, nhưng các lớp giáo lý cho thiếu nhi, thanh niên và người lớn thì dường như lại được đặt ở vị thế thấp hơn. Có những giáo xứ linh đình tổ chức họp mặt tân tòng hàng năm. Rất tuyệt. Nhưng các giáo xứ ấy chẳng có hoạt động nào cho các tầng lớp dân Chúa. Một ví dụ khác hơi xa hơn một chút. Cách đây vài năm chúng tôi có dịp đưa một Cha ở giáo phận khác đi vòng vòng thành phố Sài gòn. Khi đi ngang qua những ngôi nhà thờ làm theo kiểu Á đông, ngài trầm trồ khen ngợi. Nhưng tôi lại nhận thấy có một vài ngôi nhà thờ lạm dụng kiểu này, không những chỉ theo kiểu Á đông mà còn giống y như chùa thờ Phật. Vị linh mục ấy nhận xét: “Làm như thế có cái lợi là người ta theo đạo dễ hơn, họ thấy nhà thờ quen thuộc hơn”. Cứ cho là như vậy đi. Nhưng chúng tôi lại nghĩ: Có bao nhiêu người theo đạo vì nhà thờ giống chùa? Và nếu lý do theo đạo như vậy thì có hoàn toàn đáng ghi nhận? Và sâu xa hơn, những người tín hữu vốn không quen với cảnh chùa, với mùi nhang khói như chúng tôi, thì tự dưng vẫn thấy một chút e dè khi đến những ngôi nhà thờ như thế. Ừ thì cứ cho là chúng tôi chủ quan, nhưng vấn đề ở đây không phải là kiểu nhà thờ, nhưng là thái độ Giáo Hội và các vị mục tử đối với con cái trong nhà. Xin nói xa hơn một chút. Ở các trường học tại Việt nam ngày nay, môn chính trị, môn chủ nghĩa cộng sản, môn tư tưởng này nọ được đề cao và được coi là môn học chính. Vậy học sinh sinh viên đã thấm nhuần một nền văn hóa đậm nét xã hội chủ nghĩa như thế, khi quay trở về với Thiên Chúa là Đấng họ được dạy là không hiện hữu, liệu có bất ngờ và xa lạ khi họ bước vào một cộng đoàn mà tất cả học thuyết, nghi lễ, khung cảnh, kiến trúc và sinh hoạt đều xa lạ với họ. Như vậy để cho họ thấy gần gũi, các nhà thờ phải sơn màu đỏ, để nhắc “mẹ Việt nam lúc này mặc áo đỏ” (!). Và nếu như thế, những người con của Hội Thánh có đồng cảm được hay không lại là vấn đề khác. Khi con cái trong nhà thấy cha mẹ xa lạ, khung cảnh xa lạ và sinh hoạt xa lạ thì e rằng công cuộc giáo dục có thể ít nhiều gặp cản trở.

Như vậy, vấn đề truyền giáo cho chính con cái trong nhà nên được đặt thành trọng tâm, coi trọng ngang bằng truyền giáo cho dân ngoại. Trong một lớp học ở một trường đại học tại Sài gòn, khi chúng tôi hỏi bạn nào có đạo, thì một cánh tay giơ lên mạnh mẽ. Tôi hỏi một câu đương nhiên: em ở xứ nào, thì em sinh viên ấy trả lời em không thuộc xứ nào cả. Hóa ra bạn ấy theo đạo Tin Lành. Còn các sinh viên Công giáo thì rụt rè “tuyên xưng” sau đó rất lậu! Trong một lớp khác, một sinh viên hỏi tôi: “Em thấy người Thiên Chúa giáo (Tin Lành không gọi chúng ta là Công giáo) có vẻ lơ là, không chú ý đến đạo mình như Tin Lành tụi em, đúng không ạ?” Tại sao người ta có cái nhìn như vậy? Theo nhận xét của chúng tôi, nhiều trí thức Công giáo không để người khác biết mình có đạo, về xứ thì không tham gia hoạt động gì, đi lễ chỉ đến nghe rồi về… Dĩ nhiên chúng tôi không nghĩ rằng họ không giữ đạo hoàn hảo, nhưng có phải đã đến lúc Giáo Hội nhìn lại con cái của mình để thúc đẩy họ sống đức tin sống động và cụ thể hơn. Thái độ của mục tử, lời giảng dạy của các ngài, thái độ sống của dân Chúa chung quanh… đều góp phần “truyền giáo” cho con cái Giáo Hội.

Câu kết luận mở cho bài này: Giáo Hội vất vả biết bao để đem về cho Thiên Chúa một linh hồn. Giáo Hội có cần nhìn lại cách mình làm sao để người con cái Chúa ấy thực sự là sống đúng phận là con. Chung quanh con cái Giáo Hội có quá nhiều những lời mời mọc, sợ rằng một chút lơ là sẽ để lạc mất những tâm hồn mà Đức Kytô thao thức kiếm tìm.




Tác giả: Lê Quang Vinh
dunglac.org