PDA

View Full Version : Tóm lược Tông thư Cánh Cửa Đức Tin



JB.Lưu Hùng Vương
09-10-2012, 12:01 PM
Bài của Đức Cha Hervé Giraud, Giám mục Soissons, Laon et Saint-Quentin
http://giaophanphucuong.org/Images/News/giaophanphucuong_full_06132012_101316.jpg



Ngày 11/10/2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã viết trong Tông thư Porta Fidei, “Cánh Cửa Đức Tin”, để công bố một Năm Đức Tin, sẽ bắt đầu ngày 11 tháng 10 năm 2012 (50 năm sau ngày khai mạc Công Đồng Vaticanô II và 20 năm sau ngày ban hành Sách Giáo Lý của Hội thánh Công giáo). Năm Đức Tin sẽ kết thúc vào Lễ Chúa Kitô vua vũ trụ, ngày 24 tháng 11, năm 2013. Đức Giáo hoàng có ý định nhấn mạnh “sức mạnh và vẻ đẹp của đức tin”, ân huệ của Công Đồng Vaticanô II và sự đóng góp quan trọng của Sách Giáo Lý của Hội thánh Công giáo và “Tân Tin Mừng hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” (đề tài của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2012).

Như thế, sau hai Thông điệp của ngài về Đức ái (Caritas in Veritate, 25.12.2005) và Đức cậy (Spe salvi, 30.11.2007), ở đây Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đưa ra một bản văn sâu đậm về đức tin.

Tựa đề “Cánh cửa Đức tin” xác định rằng, nhân đức đối thần đầu tiên không chỉ là một niềm tin đơn thuần, cũng không chỉ là một ân huệ đi theo Phép rửa, nhưng còn là nguồn mạch cho một hành trình kéo dài suốt đời. Tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ mở ra một con đường “làm sáng tỏ ngày sàng hiển nhiên hơn niềm vui và lòng nhiệt thành mới mẻ của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô”.
Trước tiên, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, những thay đổi văn hóa của thời đại đỏi hỏi cần ý thức, hoán cải và canh tân đức tin. Chúng ta không thể “nghĩ đức tin như một điều giả thiết hiển nhiên của cuộc sống chung” nữa. Nếp sống văn hóa thuần nhất đã không còn hiện diện trong các lĩnh vực quan trọng của xã hội: “Những nội dung cốt yếu từ nhiều thế kỷ đã là di sản của mọi tín hữu, đang cần được củng cố, hiểu biết và đào sâu một cách ngày càng mới mẻ, để nêu chứng tá gắn liền với những điều kiện lịch sử khác nhau của quá khứ (CCĐT, 4).

Như vậy, theo Đức Bênêđíctô XVI, tất cả cần trợ giúp cho mọi cơ chế Giáo hội suy tư và tái khám phá “việc tuyên xưng đức tin chân thực và giải thích đúng đắn”. Năm Đức Tin sẽ là dịp để học hỏi các bản văn Công đồng vừa qua một “cách thích hợp”, bởi đó là “những văn bản giá trị và có tính cách quy phạm của Huấn Quyền Hội thánh”. Nói cách khác: “Nếu chúng ta đọc và đón nhận, thì Công đồng ngày càng có thể và trở thành sức mạnh lớn để thực hiện sự canh tân Giáo hội ngày càng cần thiết” (CCĐT, 5).

Theo Đức Bênêđíctô XVI, việc canh tân Giáo hội cũng tiến hành qua chứng tá đời sống của các tín hữu, nhờ sự hiện diện của họ giữa trần thế, khi biết rằng “Giáo hội tiến bước trong cuộc lữ hành của mình ngang qua những cuộc bách hại của trần gian và những an ủi của Thiên Chúa” (LG, 8). Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng biết rằng “những sầu khổ và khó khăn, đến từ bên ngoài cũng như bên trong” (CCĐT, 6). “Cuộc bách hại Giáo hội lớn lao nhất không đến từ những kẻ thù bên ngoài, nhưng phát xuất do tội của Giáo hội” (Đức Bênêđíctô XVI, 11/5/2010, tại Lisbonne). Do đó, Giáo hội kêu gọi một cuộc trở về với Chúa, Đấng cứu độ duy nhất của trần gian, cách mới mẻ.

Trong Tông Thư này, Đức Giáo Hoàng cống hiến một huấn giáo nhỏ về đức tin: đức tin là gì, đức tin mang lại điều chi, đức tin hoạt động những gì, nhất là nhờ bác ái: “Nhờ đức tin, sự sống mới này hình thành toàn thể cuộc sống con người theo tính mới mẻ triệt để của sự sống lại… “Đức tin hoạt động nhờ đức mến”. (Ga 5,6), trở thành một tiêu chuẩn mới để hiểu biết và hành động, thay đổi toàn thể cuộc sống của con người” (CCĐT, 6).
Đức Bênêđíctô XVI cũng kêu gọi: Giáo hội cần dấn thân phục vụ công cuộc Tân Tin mừng hóa cách xác tín hơn, để tái khám phá niềm vui đức tin”. “Đức tin tăng trưởng khi được sống như một cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh và khi được thông truyền như một kinh nghiệm về ơn thánh và niềm vui” (CCĐT, 7).
Đức Giáo Hoàng đề nghị cho các anh em Giám mục của mình trên toàn thế giới hãy tưởng niệm hồng ân đức tin quý giá, đặc biệt khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Phục Sinh trong các nhà thờ chánh tòa của chúng ta, trong các thánh đường, ngay dưới mái nhà chúng ta, bên những người thân yêu trong gia đình chúng ta, để mỗi người thông truyền cho các thế hệ mai sau đức tin ngàn đời: “Các cộng đoàn, dòng tu cũng như các giáo xứ, và toàn thể các tổ chức Giáo hội cũ cũng như mới, hãy tìm cách làm cho việc tuyên xưng Kinh Tin Kinh một cách công khai trong Năm Đức Tin này”. Ngài cũng đề xuất một cách ghi nhớ kinh Tin Kính để đức tin luôn cư ngụ trong tâm hồn chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

Trong tư cách một nhà thần học rất nổi tiếng, Đức Giáo Hoàng nhắc đến sự hiệp nhất sâu sắc giữa nội dung đức tin và hành vi ta tin vào Thiên Chúa, trong tự do hoàn toàn (CCĐT, 10). Nhưng nếu hành vi đức tin là một ân huệ của Thiên Chúa, thì ân huệ này không chỉ mang tính cách cá nhân: “Chính việc tuyên xưng đức tin là một hành vi cá nhân, đồng thời cũng mang tính cộng đoàn”. Giáo hội dạy chúng ta vừa tuyên xưng: “Tôi tin”, vừa tuyên xưng “Chúng tôi tin”. Và đó là điều rõ ràng: “Đức tin đòi hỏi một chứng tá và một dấn thân công khai. Người Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng đức tin là một việc tin riêng”.

Không loại trừ “những người không nhìn nhận hồng ân đức tin nơi mình”, Đức Giáo Hoàng ca ngợi những người đang tìm kiếm ý nghĩa và chân lý, cuộc tìm kiếm này có thể là “một “tiền đề” đích thực của đức tin, bởi nó thúc đẩy con người trên con đường dẫn đến mầu nhiệm Thiên Chúa” (CCĐT, 10). Ở đây, ta gặp lại trọn vẹn vị thế Đức giáo Hoàng dành cho lý trí: “Lý trí con người mang trong mình đòi hỏi về điều gì có giá trị và tồn tại mãi mãi” (CCĐT, 10).

Bắt đầu số 11 của Tông Thư, Đức Giáo Hoàng bàn đến tầm quan trọng của Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, “một trong những thành quả quan trọng nhất của Công Đồng Vaticanô II”, để mời gọi tái khám phá tổng hợp có hệ thống và cấu trúc này: tổng hợp nhưng nội dung đức tin được tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện.
Mắt hướng về Đức Giêsu-Kitô là Đấng “khai mở và kiện toàn đức tin” (Dt 12,2), Đức Giáo Hoàng nhìn lại những gương mẫu đức tin đã ghi dấu hai ngàn năm lịch sử cứu độ chúng ta. Nhờ đức tin, Mẹ Maria đã tin vào lời loan báo Mẹ sẽ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Nhờ đức tin, các Tông đồ đã tin vào lời loan báo Nước Thiên Chúa. Nhờ đức tin các môn đệ hình thành cộng đoàn đầu tiên. Nhờ đức tin, các vị từ đạo hiến mạng sống mình. Nhờ đức tin, những người nam nữ đã dâng cuộc sống mình cho Đức Kitô. Nhờ đức tin, nhiều Kitô hữu đã cổ vũ hoạt động bênh vực công lý để cụ thể hóa Lời Chúa. Nhờ đức tin những người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi đã tuyên xưng vẻ đẹp của việc theo Chúa Giêsu: trong gia đình, nghề nghiệp, trong đời sống công khai, trong việc thi hành các đoàn sủng và thừa tác vụ mà họ được mời gọi đảm trách.

Để kết thúc, Đức Giáo Hoàng liên kết lại Đức tin và Đức mến, bằng cách trích lời thánh Phaolô: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn là đức mến” (1Cr 13,13); và lời của thánh Giacôbê: “Cũng vậy, đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Mối liên kết thật là cốt yếu: “Đức tin không đức mến thì không mang lại thành quả, và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và Đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình… Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trên đường đời” (CCĐT, 14)

Ngày 24.9.2011, tại Freiburg, Đức Giáo Hoàng đã khích lệ đừng trở thành Kitô hữu khô nguội. Lần này, ngài cũng yêu cầu đừng trở thành Kitô hữu lười biếng trong đức tin: “Được khích lệ nắm bắt những dấu chỉ thời đại trong hiện tại của lịch sử, đức tin cũng thúc đẩy mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sinh động về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trên toàn thế giới” (CCĐT, 15). Điều mà thế giới ngày nay cần đến, đó là một chứng tá đáng tin cậy. Chắc chắn “Cuộc sống của các Kitô hữu luôn cảm nghiệm niềm vui và đau khổ…”, nhưng “những thử thách của đời sống là một tiền đề báo trước niềm vui và hy vọng mà đức tin dẫn đến… Chúng ta mạnh mẽ tin chắc rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự ác và cái chết (CCĐT, 15) Đức Giáo Hoàng kết luận bằng cách trao phó Năm này cho Mẹ Thiên Chúa, được tuyên xưng là “diễm phục” vì Mẹ đã tin (Lc 1,45).
WHĐ