PDA

View Full Version : Chúa Nhật 26 Thường Niên A NÓI VÀ LÀM



caoduc
28-09-2008, 11:44 AM
Chúa Nhật 26 Thường Niên A
NÓI VÀ LÀM
Ed 18, 25-28 ; Ph 2, 1-11 ; Mt 21, 28-32



---------Vợ thầy Tăng Tử đi chợ. Con khóc, đòi đi theo. Mẹ bảo:
---------- Con ở nhà rồi mẹ về làm thịt lợn cho con ăn!

---------Lúc vợ về, thầy Tăng Tử đi bắt lợn làm thịt. Vợ nói:
---------- Thiếp nói đùa nó đấy mà!

---------Thầy Tăng Tử bảo:
---------- Nói đùa thế nào? Đừng khinh trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư? Tăng Tử nói xong làm thịt lợn cho con ăn.

---------Chỉ vì một lời hứa bông đùa của người vợ, mà thày Tăng Tử phải quyết định làm thịt lợn cho con ăn. Người quân tử luôn giữ lời, kẻ sĩ là như vậy đó! Người có nhân cách là giữ và thực thi lời hứa! Một lời nói không đi đôi với việc làm là một lời nói vô giá trị cho nên “Ngôn hành phải đồng nhất”, nói phải đi đôi với hành động.

---------Tin Mừng Mt 21, 28-32 Chúa Giêsu trình bày dụ ngôn hai người con trai: người con thứ nhất được cha nhờ đi làm vườn nho, anh nói không. Còn người con thứ hai hứa sẽ đi. Người con nói tiếng “không” với cha, nhưng rồi hối hận và đã đi làm theo ý Cha hiền. Người con thứ hai hứa đi nhưng rồi không giữ lời hứa, người con này tượng trưng cho những người Biệt phái, kinh sư nói riêng và cả những người Do thái nói chung ưng thuận thi hành lề luật, đón nhận những lời tiên báo của các ngôn sứ, nhưng đến cuối họ không đón nhận Đấng Messia được lề luật và các ngôn sứ loan báo khiến họ thụt lùi sau những người tội lỗi, thu thuế được tượng trưng bằng hình ảnh người con thứ nhất, người con có thái độ “không”, với ý của Cha, đó là thái độ bất phục tùng Cha, sự nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Nhưng rồi ý thức sự bất tùng phục với Cha, về thân phận nổi loạn của mình là tự cắt khỏi nguồn yêu thương của Cha, anh đã hối hận và đi làm vườn nho. Thái độ đi làm vườn nho hay không đồng nghĩa với tin hay không tin vào Ðức Giêsu, Đấng đã được Thiên Chúa sai đến để rao giảng và thi hành ý Giavê. Đi làm vườn nho là tin vào Ngài, niềm tin đó có khả năng biến đổi cuộc sống: như Matthêu thu thuế trở nên môn đệ, như Giakêu giám đốc sở thuế đón tiếp Chúa và trở thành người hối nhân quảng đại, như người phụ nữ tội lỗi được tha thứ trở nên người phụ nữ tình yêu, Chúa Giêsu nói về họ những con người từng bất tuân ban đầu những hối hận trở về với tình yêu như người con thứ nhất: “Vào Nước Thiên Chúa trước…” .

---------Vâng, niềm tin thực sự luôn chuyển thành hành động như dân chúng thắc mắc "Chúng tôi phải làm gì, dân chúng hỏi Đức Giêsu, để được gọi là làm việc của Thiên Chúa?" câu trả lời của Đức Giêsu: "Làm việc của Thiên Chúa là tin vào Đấng Ngài sai đến" (Ga 6,28-29). Niềm tin phải dấn thân như Giacôbê quả quyết: "Ðức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2,17). Niềm tin không chỉ nói những hành động theo Thiên ý như Chúa Giêsu đã dạy: "Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm ý Cha Thầy" (Mt 7,21).

---------Đó là bài học niềm tin của dụ ngôn “Hai người con được Cha sai đi làm vườn nho”: người hứa đi thì lại không đi, kẻ nói không lại hối hận cố gắng thực thi ý Cha. Dưới khía cảnh nhân bản, chúng ta còn nhìn ra bài học lời hứa trong cuộc sống. Người con thứ nhất không nói, không hứa nhưng làm, ban đầu anh làm cha buồn, nhưng chính sự quyết tâm làm theo ý Cha, anh đã bù đắp lại nỗi buồn của Cha.

---------Người con thứ hai với lời hứa, lời hứa của anh ban đầu đó là niềm vui và là hạnh phúc của Cha có thể nói đó là hãnh diện của ông, vì trong nền văn hoá Trung Đông, danh dự của người cha được quần chúng xác nhận qua lời tuyên bố công khai của con cái. Người con thưa vâng đã trả lời một cách kính trọng, và trong sự phán đoán của quần chúng, lệnh của người cha có giá trị, danh dự của ông được bảo vệ (theo John Pilch). Nhưng anh đã “ngôn hành bất nhất”, anh đã thất hứa...
Hình ảnh của anh đưa tôi cùng bạn suy tư về chữ tín qua ngôn từ, lời hứa giữa anh em với nhau. Vâng, cuộc sống vốn bon chen vội vã phải làm nhiều việc, khiến người ta dễ quên đi những gì mình vừa suy nghĩ, vừa nói hay những lời hứa là lời hứa suông. Có thể do là tình cách của một người, có thể đó là những lời hứa mà bạn vô tình quên mất... nhưng đối với những người nghe, đó lại là một niềm tin, một thước đo để khẳng định mối quan hệ với bạn bè và người chung quanh: một khi lời hứa không giữ thì:


“Một sự bất tín, vạn sự không tin”.


---------Ngày hôm nay, chúng ta thấy ở khắp mọi nơi, từ những sự việc trong cuộc sống đến cả trên các phương tiện truyền thông, người ta dùng những mỹ từ để trao đội, để hứa hẹn một thực tại và tương lai đầy tốt đẹp. Ấy thế nhưng lời nói đẹp không có hành động thành sáo rỗng, thành lời vẹm, lời nói không có linh hồn vì không thể biến lời thành hành động. Nhiều thực tế xã hội trở thành “thùng rỗng kêu to” bởi những mỹ từ rất kêu, bởi những lời hứa rất đẹp, nhưng “tất cả trở nên lời nói gió bay”. Thực tế ứng nghiệm lời cố nhân nói: “Năng thuyết bất năng hành”, hay nói mà không hay làm, hoặc nói được làm không là như thế. Thực tế trong xã hội và cuộc sống đã là minh chứng cho điều đó mà mọi người trong chúng ta có cảm nghiệm. Người ta hứa hẹn nhưng rồi thất hứa, đối với họ, hứa mà không giữ, nói mà không làm chỉ chuyện nhỏ nhoi “bằng con ruồi”. Tuy nhỏ chỉ bằng “con ruồi”, nhưng có ai biết được rằng, ký sinh trùng từ ruồi đó sẽ phát sinh ra cả một đại dịch dối trá, người người không còn tín nhiệm nhau như Khổng Tử nói “Không có chữ tín thì không đứng được ở đời”.

---------Tin mừng hôm nay, gọi cho chúng ta sống niềm tin, nhưng cũng chuyển giao cho chúng ta về bài học nhân bản bài học lời hứa phải giữ lời.

---------Nhìn vào người con thứ hai, anh nói hay nhưng không làm, chúng ta nghiêm túc nhìn lại mình: chúng ta đã thực hiện được bao nhiêu lời hứa của mình với mọi người. Có những lời hứa nhỏ nhoi đơn giản nhưng tôi và bạn lại không chu toàn làm cho người khác luôn trong tâm trạng thấp thỏm, mong chờ để rồi thất vọng hoàn toàn. Có thể chỉ là lời hứa nhỏ nhoi không đáng kể, nhưng đối với những người được hứa, lại là một niềm tin…

---------Vâng, xin đừng để lời hứa, lời nói bị gió cuốn đi mất mà chẳng bao giờ bắt lại được, nhưng hãy giữ lấy lời, thổi hồn vào lời để lời làm thành hành động…Tục ngữ Pháp nói: “Lời hứa là một món nợ”, món nợ tương thân tương ái trao cho nhau.

---------Quê hương, đất nước, cuộc sống ta ngày hôm nay rất cần có những người nói và làm… mong rằng tôi và bạn trong mọi lời nói đều có linh hồn sinh hành động.

---------Con dấn thân vào vườn nho trong đức tin, con nói và làm...
Lm. VinhSon, Saigon 27/09/2008

sue
02-10-2008, 02:52 PM
cố ... từng ngày ... nói ít cí ... làm nhiều cí ... nhịp nhàng ... :77: