PDA

View Full Version : KẺ TỬ TỘI THẤT HỌC THÀNH CÂY BÚT LỪNG DANH



littlewave
29-09-2008, 08:32 PM
KẺ TỬ TỘI THẤT HỌC THÀNH CÂY BÚT LỪNG DANH

“Tương lai mỗi tội nhân là một vị thánh. Quá khứ mỗi vị thánh là một tội nhân.” Saint Augustine

Không phải kẻ nào mang án tử hình cũng hoàn toàn tuyệt vọng, mất đi niềm tin về sự sống còn của mình. Thảm trạng cùng nhục cảnh tù đày nhiều lúc lại là môi trường, cơ hội tốt để con người có thể phát huy, ghi lại những suy tư, những khổ ải, gian truân mà họ đã kinh qua, chiêm nghiệm… Tác phẩm của họ thường được người đọc ưu ái đón nhận và được xem, liệt vào hàng kiệt tác trong các lãnh vực báo chí, văn học, chính trị……

Cuộc đời của Wilbert Rideau (WR) mang nhiều sắc thái đặc thù, đầy hấp lực và là một tấm gương trong sáng. Nhờ những nỗ lực vươn mình hướng thiện không ngừng mà ông, từ một kẻ sát nhân, mang án tử hình, bị thất học, trong thời gian chờ ngày lên đoạn đầu đài đã chịu khó tự học, đọc sách để trở thành một nhà báo, nhà văn được nhiều giải thưởng và sự nể trọng, ưu ái của mọi giới, mọi người.

Wilbert Rideau (WR) sanh ngày 13 tháng 3 năm 1942 trong một gia đình da đen nghèo, bất ổn tại Louisiana. Cha mẹ li dị, lúc nhỏ ông thường phải nhịn đói đi học và bị nạn kỳ thị chủng tộc đè bẹp xuống tận đất đen. Năm 13 tuổi ông bỏ học đi lêu lổng, 16 tuổi làm công việc dọn dẹp cho một tiệm tạp hoá. Năm 19 tuổi cướp ngân hàng. Khi bị phát hiện, để thoát thân WR đã bắt cóc ông giám đốc và 2 nữ nhân viên làm con tin. Cả 3 đều là người da trắng. Trên đường đào tẩu, khi ra tới vùng ngoại ô thì cô Julia Ferguson cho xe chạy chậm lại và họ tìm cách trốn thoát. Kêu dừng lại không được, Wilbert đã nã hết 6 viên đạn và làm 3 người bị thương. Khi Julia gượng đứng dậy thì WR dùng dao đâm vào ngực cô. Theo lời của cảnh sát thì cô này gượng dậy để xin tha mạng. Còn theo lời khai của Wilbert thì ông dự tính sau khi đến nơi có thể thoát thân ông sẽ thả họ về. Việc giết cô Julia chỉ là hành động thiếu suy nghĩ trong lúc lo sợ, bối rối.

Bị buộc tội cố sát và kết án tử hình 3 lần vào các năm 1961, 1964, 1970, với các bồi thẩm đoàn toàn người da trắng. Nhưng các phán quyết trên đều lần lượt bị các Toà Thượng Thẩm, Toà Phá Án liên bang tiêu hủy bởi vì các tiến trình xử án này đều bị xem là bất hợp lệ, sai lầm, thiếu vô tư. Sau đó không lâu, vào năm 1972 Toà Thượng Thẩm lại tuyên bố hình phạt tử hình là vi hiến. Nhờ vậy WR thoát chết, trở thành tù nhân chung thân khổ sai và năm 1973 ông được đưa ra khỏi khu biệt lập dành cho những người chờ ngày ra pháp trường thọ lệnh hành quyết.

Cảm thấy ân hận về tội lỗi của mình Wilberg bất đầu miệt mài tự học và đọc sách. Ông đọc một cách say mê các sách về tôn giáo, thánh kinh mà luật lệ nhà giam cho phép cũng như những thể loại, đề mục khác bị cấm. Qua sách vở cũng như sự thân cận, trợ giúp của những người trong trại tù ông thấy xã hội, đời sống quanh ông đầy dẫy những nhân vật anh hùng và người tốt bụng. Trường hợp kề cận bên ông nhất là những nhân viên cải huấn - những người có nhiệm vụ canh chừng ông, cải tạo ông lại là người thường lén lút cung cấp sách vở bị cấm đoán cho ông trau dồi kinh sử và mở mang kiến thức. Tưởng cũng cần nói thêm là những người tạo dựng con đường thăng tiến cho Wilbert ở đây đều là người da trắng. Điều này đã giúp Wilbert thay đổi hẳn nhãn quan của mình. Có lẽ đối với ông, đó là một dấu mốc quan trọng, mới mẻ. Ông nhìn cuộc đời và con người bằng một lăng kính trong sáng hơn. Những ý niệm vẩn đục, mơ hồ cũ đã hoàn toàn tan tác theo sương khói.

Sau một thời gian tự học hỏi, ông thấy hứng thú trong việc sáng tác và bắt đầu viết.
Nhiều nguồn tin cho biết trong suốt 44 năm trong trại giam ông luôn giúp đỡ các bạn tù khác và tuân thủ luật lệ, qui điều nghiêm ngặt và cũng chưa bao giờ bị sai phạm.

Với những hoạt động, đóng góp tích cực, không ngừng như vậy ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng và tuyên dương danh dự của các giới chức hành pháp, tư pháp, hiệp hội báo chí, luật gia, truyền thông, truyền hình…

Trong thời kỳ sửa soạn việc tuyển chọn giải Oscar năm 1999 cho cuốn Life Sentences ông là chủ đề trong các bài tường thuật, phỏng vấn trên các đài Good Morning America, CBS, Fox, CNN… trên các báo nội địa Hoa kỳ và các quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Úc, Hoà Lan, Bỉ… Trong hơn 30 năm qua ông luôn là đề tài chính cho vô số bài viết lưu truyền khắp nơi.

Ngoài 2 cuốn Life Sentences, ông còn thực hiện nhiều phim tài liệu, tranh ảnh, videotape cho các lớp học… Riêng cuốn phim tài liệu The Farm chẳng những trúng giải trong kỳ đại hội Sundance 1998 mà còn được đề bạt giải Oscar.

***


Nhờ sự tranh đấu của nhiều lực lượng, hội đoàn hỗ trợ để xin cải danh tội trạng, đặc biệt là sự can thiệp, tiếp tay của NAACP và Educational Fund cùng sự bào chữa của luật sư Johnnie Cohran ông được giảm án và tức khắc được trả tự do ngày 15 tháng 01 năm 2005 vì thời gian ông ở tù đã gấp đôi hình phạt dành cho tội ngộ sát.. Nhiều người cho rằng ông phải nằm khám 44 năm có thể vì ông là một tù nhân đặc biệt và quá nổi tiếng, Sau khi gặp lại gia đình ông cho biết: tôi phải tập làm quen với ý nghĩ được tự do. Tôi phải tập thích ứng với một thế giới tương đối khác biệt với thế giới trước ngày tôi vào tù….

WR đang định viết sách và muốn chuộc lại lỗi lầm, cũng như làm những việc hữu ích cho đời, cho những người đã đặt kỳ vọng, niềm tin nơi ông bao nhiêu năm qua có thể nhìn thấy. Mới đây, có nguồn tin cho rằng Rideau sắp ký một hợp đồng đầu tiên trị giá năm trăm ngàn Mỹ kim. Bây giờ, với trình độ cao và nhiều kinh nghiệm, mỗi ngày được tự do đi lại, có nhiều thời giờ nghỉ ngơi, làm những điều mình ưa thích, tâm nguyện chắc hẳn là một niềm vui vô bờ cho riêng ông: một-người-về-từ-cõi-chết.

Phan Bá Thụy Dương
http://www.viet.no/content/view/243/87/

khongbiet
03-10-2008, 03:08 PM
mình là người không được giỏi như vậy ,như đã sống 1 thời gian không có cái ruột ,thấy đã muộn cũng còn hơn
có phải không nhỉ