PDA

View Full Version : Sơ lược về bối cảnh lịch sử của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.



vanluan
17-11-2012, 11:16 AM
http://i254.photobucket.com/albums/hh109/hd440k8/HinhDao/tdvn.jpg
(http://i254.photobucket.com/albums/hh109/hd440k8/HinhDao/tdvn.jpg)
Trong dịp mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt nam năm nay, trong khuôn khổ hạn hẹp của một trang giấy, tôi xin tóm tắt một số tài liệu thu thập được trên mạng lưới toàn cầu về các ngài để giúp chúng ta có cái nhìn sơ lược về bối cảnh lịch sử của từng thời kỳ bách đạo cũng như biết sơ qua về di sản đức tin mà các tiền nhân anh dũng đã để lại cho chúng ta.
Trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Trong số đó có 118 vị tử đạo, 117 vị đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 và Anrê Phú Yên, được phong Chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000.
Theo quốc tịch, 117 Thánh Tử đạo Việt Nam được chia ra như sau:
 11 vị gốc Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục dòng Đa minh,
 10 vị gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP),
 96 vị người Việt Nam: 37 linh mục, 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân, trong đó có một nữ giáo dân là bà Anê Lê Thị Thành.
Theo Việt sử, các vị này đã hy sinh mạng sống làm chứng cho Tin Mừng trong những đời vua chúa sau đây:
 2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767),
 2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782),
 2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802),
 58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841),
 3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847),
 50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883).
Trong thế kỷ 18 và 19, có khoảng từ 130 ngàn đến 300 ngàn người Công giáo bị giết vì đạo . Trong 5 năm từ 1857 đến 1862, có khoảng 5 ngàn tín hữu bị giết vì đạo; khoảng 215 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ cùng khỏang 40 ngàn tín hữu bị bắt và bị tù tội hay bị lưu đày. Trong số đó có 117 vị được Giáo hội Công giáo Rôma tôn vinh Chân phước qua bốn đợt:
 Ngày 27 tháng 5 năm 1900 (thời Giáo hoàng Lêô XIII): 64 vị
 Ngày 20 tháng 5 năm 1906 (thời Giáo hoàng Piô X): 8 vị
 Ngày 2 tháng 5 năm 1909 (thời Giáo hoàng Piô X): 20 vị
 Ngày 28 tháng 4 năm 1951 (thời Giáo hoàng Piô XII): 25 vị
Và tất cả các chân phước tử đạo trên đã được phong hiển thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Có thể chúng ta có ý nghĩ sai lầm rằng với ơn Chúa các vị thánh trên khi chịu tử đạo sẽ chẳng còn biết đau đớn gì nữa. Thực ra, các vị vẫn mang thân phận yếu đuối như chúng ta, cũng sợ đòn vọt tra tấn và luyến tiếc cuộc sống trần gian như chúng ta. Trong số 117 Hiển Thánh Việt Nam, không ít vị đã từng đạp lên thánh giá, có điều sau đó các vị này đã hồi tâm và tiếp tục chọn Thiên Chúa rồi anh dũng đón nhận cái chết để làm chứng cho đức tin của mình vào Ngài.
Lòng anh dũng đó chẳng những biểu lộ qua cái chết, mà còn được tô điểm thêm bằng sự kiên trì chịu đựng trong thời gian dài bị giam cầm tra tấn. Các vị chấp nhận bản án và bình tĩnh chờ đợi, không một vị nào quyên sinh để tự kết liễu đời mình. Có vị được tặng một lọ độc dược để khỏi phải kéo dài những ngày bị tra tấn đau đớn; có vị được yêu cầu uống thuốc độc quyên sinh theo kiểu những người "quân tử" Đông Phương thường làm. Nhưng thay vì quyên sinh các ngài lại dùng chính cơ hội ấy để trình bày quan điểm của Giáo hội về sự quý giá của mạng sống con người.
Nếu lòng anh dũng giúp các vị tử đạo bình thản đón nhận cái chết không run rẩy, không quỵ lụy khóc than, thì lòng bao dung thứ tha mới là đặc tính để phân biệt các vị tử đạo với những anh hùng chấp nhận cái chết vì lý do khác. Thực vậy, các tín hữu chỉ thực sự chết vì đạo nếu biểu lộ được tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung của Tin Mừng. Các vị chắc chắn không đồng ý với bản án bất công của triều đình nhưng như Đức Giêsu trên thánh giá vẫn cầu nguyện cho quân lính giết hại mình, các chứng nhân tử đạo vẫn tiếp tục yêu thương vua quan và chính những người hành hạ, tra tấn, xử tử mình.
Việc chiêm ngưỡng lòng bao dung thứ tha của các vị tử đạo cho phép chúng ta mường tượng ra khuôn mặt của các ngài: không biểu lộ bất mãn tức tối, không oán ghét hận thù, ánh mắt và nụ cười của các ngài toát lên nét dịu hiền thông cảm. Hơn thế nữa, lòng các ngài còn tràn ngập hân hoan ngước nhìn về trời cao, vì trong thâm tâm các ngài tin tưởng rằng cái chết tử đạo là cái chết vinh quang, sẽ khai mở cho các ngài cánh cửa để bước vào cuộc sống mới muôn đời bất diệt.
Cuối cùng, bài học rút ra từ những cái chết của các vị Tử Đạo là bài học của sự sống. Cái chết nguyên nó chẳng có giá trị gì hết, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với người chung quanh,tình yêu với những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bùng lên cách mãnh liệt trong mầu nhiệm tự hủy và hiến dâng.
Do đó, bài học của các vị tử đạo để lại không phải là khơi lên dòng máu nóng thúc dục chúng ta lao đi tìm cái chết cách mù quáng , mà chính là dạy chúng ta biết sống hiến thân từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống đó luôn kêu mời chúng ta : mỗi ngày chết đi cho những yếu đuối tầm thường, để can đảm sống làm chứng tá đấu tranh cho Chân lý. Sự sống đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.

Lm Nguyễn Mộng Huỳnh
Trích nguồn Lá Thư Mục Vụ
(http://i254.photobucket.com/albums/hh109/hd440k8/HinhDao/tdvn.jpg)