PDA

View Full Version : Khi tiền bạc thống trị con người



vante
02-10-2008, 02:06 PM
:Tanghoa:Phỏng vấn giáo sư Régis Debray về sự kiện tiền bạc khống chế con người và cuộc sống xã hội

Từ mấy tuần qua cuồng phong tài chánh đã đẩy Hoa Kỳ vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, khiến cho bốn nhà băng lớn của Mỹ là Freddie Marc, Fannie Mae, Lehman Brothers và Aig đã phải phá sản. Cuộc khủng hoàng tài chánh này đã khiến cho thị trường chứng khoán quốc tế rối loạn và thua lỗ hằng trăm tỷ mỹ kim. Theo ước tính của Ngân Qũy Tiền Tệ Quốc Tế số tiền mất đi lến tới 1.300 tỷ mỹ kim.

Nhưng ông Strauss Kahn Tổng giám đốc của tổ chức này cho biết các thua lỗ sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa, và ông đã báo động giới tài chánh Âu châu là có thể lại xảy ra một tình trạng khẩn trương mới cuốn hút cả thị trường tài chánh Âu châu vào cơn cuồng phong ác nghiệt này. Để cứu vãn tình thế và tránh cho Hoa Kỳ khỏi phải rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài đau đớn cũng như đánh mất đi hàng triệu công ăn việc làm, tổng thống Bush đã công khai thỉnh cầu Quốc Hội Mỹ thông qua ngân khoản 700 tỷ mỹ kim, trong buổi nói chuyện với quốc dân trên đài truyền hình. Nếu chương trình cứu vãn thị trường chứng khoán Wall Street thất bại, thì các nhà băng toàn nước đều có nguy cơ phá sản, nạn thất nghiệp gia tăng, người dân sẽ không thể vay vốn cho các kinh doanh của mình hay mua xe cộ và gửi con đi học nữa. Nhưng dự án cứu cuộc khủng hoảng tài chánh này lại càng khiến cho số tiền nợ của công qũy gia tăng qúa đáng, và nó không được đa số dân Mỹ ủng hộ. Ngày 29-9-2008 vừa qua Quốc Hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chống, đa số phiếu chống đến từ đảng Cộng Hòa và cánh tả của đảng Dân Chủ. Thị trường chứng khoán Wall Street lại choáng váng chao đảo như chưa từng thấy trong lịch sử tài chánh Hoa Kỳ.

Trong khi đó cảnh sát liên bang bắt đầu điều tra bốn nhà băng bị phá sản nói trên, để xem họ có cung cấp các tin tức sai lạc, bịa đặt cho các cơ quan kiểm soát nhằm mục đích lừa đảo, hầu có cớ mà khai phá sản và ăn cướp tiền của hàng triệu khách hàng hay không. Để có tiền bạc người ta có thể làm tất cả mọi sự.

Ngày 13-9-2008 giảng trong thánh lễ cử hành cho 260 ngàn tín hữu tại bãi đất trống trước Điện Les Invalides trong thủ đô Paris, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi mọi người xa lánh việc tôn thờ các thần giả và xây dựng đời mình trên Đá Tảng là Chúa Giêsu Kitô. Lý do là vì các ngẫu tượng gây lạc hướng, khiến cho con người xa rời đích điểm của mình là được sống hạnh phúc vĩnh cửu bên Thiên Chúa. Ngày nay các thần giả đó là tiền của, quyền bính, và cả sự hiểu biết nữa. Chúng khiến cho con người bị tha hóa và cản ngăn con người nhận biết Chúa Kitô là Đấng cứu độ duy nhất.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Régis Debray, chuyên viên kinh tế về tiền bạc, tay độc tài mới đang khống chế con người trên thế giới ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư Debray, có thật là chúng ta đang sống trong một xã hội bị tiền bạc thống trị hay không?

Đáp: Cho tới thời gian gần đây, tiền bạc đã là một phương tiện. Nhưng hiện nay nó là mục đích cho chính nó. Tên đầy tớ đã trở thành chủ nhân. Trước đây sự tiến bộ và giàu có được xây dựng trên việc sản xuất các đồ vật để con người sử dụng. Nhưng vì tài chánh thắng thế nên việc sản xuất đã bị tùy thuộc lợi nhuận kinh tế và sự luân lưu của tiền bạc.

Hỏi: Nói cho cùng thì ông chủ tiền bạc không thiếu đầy tớ, có đúng thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền văn minh của chúng ta, người mẫu không phải là người vô vị lợi nữa. Nhà hiệp sĩ của thời Trung Cổ, nhà qúy tộc của thế kỷ XIX, cha xứ của nhà văn Bernanos, hay người đấu tranh chính trị... tất cả các mẫu người này đều là những người xa lánh tiền bạc. Trái lại, kể từ khi các gương mặt và mẫu người này biến mất, danh tiếng của con người được đo lường duy nhất bằng mức độ giầu sang. Con người gương mẫu bậc nhất thời nay là dân làm ăn. Họ không phải nhà kinh tế, mà là người truyền thông làm tiền qua hệ thống liên mạng. Thứ hạng lợi tức đã trở thành bậc thang các giá trị xã hội.

Hỏi: Như thế chúng ta lại không phải vui mừng vì đã chấm dứt một sự giả hình nào đó hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Nước Pháp già nua của chúng tôi thường bị chế nhạo vì khuynh hướng luân lý dậy đời của nó trong lãnh vực này. Tuy nhiên nó cũng có được một công nghiệp: tiền bạc đã không được coi như là một giá trị và nhà tài chánh chỉ phục vụ việc quản trị tiền bạc mà thôi. Nhưng tiền bạc đã đánh mất đi liêm sỉ của nó, và nó đã trở thành người chỉ huy các sự lịch lãm, tự do, và lợi ích xã hội. Tôi thấy đây là một xã hội bước đi chân chổng chân lên trời, đầu ngược xuống đất. Tiền bạc là chủ nhân ông chỉ có một luật lệ duy nhất: đó là lợi nhuận tối đa. Nó không quan tâm gì tới luân lý. Chúng ta phải hướng dẫn con ngựa hoang này đang phi trên tất cả mọi bảng quảng cáo, bằng cách đối chọi cái tốt lành hơn với sự chiếm hữu nhiều hơn, đối chọi phẩm chất với số lượng.

Hỏi: Thưa giáo sư, sự kiện vương quốc tiền bạc là chủ nhân ông có nghĩa là Kitô giáo đang suy đồi hay sao?

Đáp: Không cần phải tổng quát hóa điều này. Tại Hoa Kỳ có khuynh hướng tin mừng của sự giầu có và các anh chị em tin lành cởi mở hơn đối với đề tài này, nhưng họ cũng âu lo hơn, và như thế họ chờ đợi sự tuyển chọn từ trên cao. Đối với người dân Mỹ, sự giầu có do công ăn việc làm tạo ra là do Thiên Chúa ban cho. Bên Âu châu này thì người ta ít nhiều cho đó là của ăn cắp. Hoa Kỳ đã xây dựng căn tính mỹ trên lợi lộc kinh tế cũng như trên một nền thần học của dân được tuyển chọn. Khẩu hiệu viết trên đồng mỹ kim ”Chúng ta tin cậy nơi Chúa” diễn tả một chiều kích cách chung được dùng như nền tảng cho khẩu hiệu ”Hãy làm giầu”. Điều kinh khủng nhất của hiện tượng ”mỹ hóa Âu châu” đó là chúng ta du nhập đồng tiền xanh - diễn tả việc tôn thờ sự tin tưởng - mà không có lòng tin nơi Thiên Chúa, diễn tả chủ thuyết duy vật không có tinh thần. Như thế người ta đang chứng kiến khoảng cách ngày càng lớn giữa người giầu và người nghèo và cuộc chiến đấu của các giai tầng xã hội trong việc duy trì các đặc quyền đặc lợi của mình. Chúng ta đang ở trong tình trạng, mà nhà xã hội Émile Durkheim đã gọi là tình trạng vô luật lệ được tập thể chấp nhận, sự khước từ để cho các lợi nhuận cá nhân tùy thuộc thiện ích chung.

Hỏi: Nhưng mà một xã hội có thể tự giải thoát khỏi luật lệ và quyền bính luân lý không, thưa giáo sư?

Đáp: Nền văn minh đòi buộc phải có sự đàn áp bản năng một cách có tổ chức. Nền văn minh là niềm hạnh phúc được chế ngự, được chỉ huy, được thăng hoa, là sự khước từ phun ra các giao động bạo dâm, ích kỷ và hiếu chiến. Khi con người coi hạnh phúc - được hiểu như là việc thỏa mãn tột độ cái tôi của mình - là lý tưởng, thì người ta đi tới tình trạng rừng rú. Chúng ta sẽ lầm, nếu quên rằng nền văn minh luôn luôn đòi buộc một sự giàn xếp hay một sự chuyển dời giữa sức mạnh sinh động là các giao động của chúng ta và sức mạnh cấm đoán của luân lý. Nền văn minh là nghệ thuật biến đổi một khổ đau thành sự thỏa mãn, biến đổi một sự trừng phạt thành phần thưởng. Nền văn minh cộng hòa mang tính cách đời đã thăng hoa các giao động thành tình yêu quê hương tổ quốc, thành việc tôn kính lợi ích chung, thành giáo dục học đường. Nhưng tất cả những điều này không còn nữa. Chúng ta đã bước vào một tiến trình triệt thoái nền văn minh.

Hỏi: Thưa giáo sư, có phải giáo sư cũng cho rằng các biến cố người trẻ nổi loạn hồi tháng 5 năm 1968 cũng có một phần trách nhiệm trong cuộc cách mạng này, có đúng thế không?

Đáp: Các người nổi loạn năm 1968 đã muốn có một xã hội không có luật lệ. Đó là điều không thể được. Thủ bản đầu tiên của cộng đoàn Qumran là luật cộng đoàn. Trong hướng tích cực của nó hiện tượng tháng 5 năm 1968 có nghĩa là sự thoát ly của nữ giới và của xã hội dân sự. Nhưng trong hướng tiêu cực nó đã đưa vào luật của kẻ mạnh hơn, và chiến tranh của mọi người chống lại mọi người. Không thể xây dựng nền văn minh trên việc cống hiến mọi sự cho cái tôi, trên ý tưởng về hạnh phúc như là thỏa mãn vô tận các ước muốn riêng tư của mình.

Hỏi: Một nền luân lý chung có thể thành lập cái gì thưa giáo sư?

Đáp: Đó là vấn nạn lớn của thế kỷ XXI, mà không thể trả lời một cách hời hợt nhẹ dạ được. Thế kỷ mới bắt đầu sẽ là thế kỷ của sự bộ tộc hóa, thế kỷ của các nhóm thiểu số, thế kỷ của các khuynh hướng tách rời. Như thế vấn đế sẽ là việc hiểu biết cái gì sẽ có thể hiệp nhất các bộ lạc này, có thể biến chúng trở thành liên bang. Việc bộ tộc hóa là giá cả chính trị văn hóa của sự toàn cầu hóa kinh tế. Và hiện nay chúng ta đang chứng kiến một chuyển động ly tâm ngoại thường. Tất cả các khuynh hướng lấy chủng tộc làm trung tâm, lấy cộng đoàn làm trung tâm, đang chiếm đất. Chúng ta có thể đưa ra câu hỏi liệu chúng ta có trở về thời Trung Cổ hay không? Một vài người tự trấn an bằng cách quay ra bỏ phiếu cho ”tôn giáo dân sự”, cho các quyền con người, nhưng tôi không tin những điều đó. Hơn các tôn giáo khác, thứ tôn giáo dân sự này có nhiều thừa sai hơn là người thực hành, có nhiều nhà hùng biện hơn là các diễn viên. Nhưng mà vì không có gì hay đẹp hơn nên nó đang trở thành tín điều chung của nền văn minh tây phương.

Hỏi: Như thế thì còn có thể hướng tới luật lệ Môshê như là khuôn mẫu của một nền luân lý chung hay không, thưa giáo sư?

Đáp: Còn có thể chứ, nhưng với một điều kiện là đừng biến nó thành một luật bộ tộc: dĩ nhiên giới răn là ”Chớ giết người”. Nhưng trong nguồn gốc nó có nghĩa là ”Đừng giết người đồng đạo, đừng giết người anh em cùng huyết thống”... Việc giải thích mười điều răn trong khynh hướng làm mềm lòng và đại kết ban đầu đã là một loại ”y đạo học” nội tại, vẫn còn là một lý tưởng tốt đẹp. Nhưng chúng ta cũng đừng quên là ngay sau giới răn ”Chớ giết người” của chương 20 sách Xuất Hành, là hình phạt xử tử các tội phạm thánh và tội ”sodomít” tức tội giao hợp đồng tính qua ngã hậu môn như thói quen dâm dật của nam giới thành Sodoma. Châm ngôn đại đồng duy nhất từ thời Đức Khổng Tử cho tới truyền thống do thái Kitô là luật ”Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Điều mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác”.

(Avvenire 25-9-2008)



Linh Tiến Khải