PDA

View Full Version : Đức Mẹ Trà Kiệu



hungdung
03-10-2008, 09:46 PM
Đức Mẹ Trà kiệu, giáo phận Đà nẵng, tỉnh Quảng nam


Trà kiệu là một làng Công giáo của nhóm người từ miền bắc Trung phần theo đà nam tiến vào lập nghiệp.

Năm 1883, sau khi vua Tự Đức băng hà, phong trào Cần vương nổi dậy "Bình Tây sát tả"(đánh tan quân Pháp, giết người Công giáo).

Ngày 1/9/1885 giáo xứ Trà kiệu bị bao vây chặt chẽ, cha sở Bruyere và giáo dân không có lối thoát thân. Trong khi đàn bà trẻ con nhất tâm lần hạt Mân côi cầu khấn Mẹ trong nhà thờ, đàn ông chiến đấu chống quân Cần vương. Mỗi lần chiến đấu, họ hô tên Giêsu Maria.. Vì dân làng quá ít, nên sau bị tràn ngập quân bên địch.

Quân Cần vương tấn công vào nhà thờ, nhưng họ không thể được, vì có một "Bà đứng trên nóc nhà thờ xua vạt áo đỡ đạn cho dân". Chính Mẹ đã ra tay đỡ đạn cho con cái đang cầu nguyện.

Năm 1898, mười ba năm sau, người ta đã xây nhà thờ xinh đẹp kính Đức Bà phù hộ các giáo hữu.

(Lm. Hồng Phúc, Mẹ Maria, trang 233).


http://memaria.org/images/trakieu3.jpg


Trà Kiệu

Trà Kiệu thuộc giáo phận Qui Nhơn được vinh hạnh có đền thánh Đức Mẹ từ năm 1898 trên hòn Bửu Châu, dâng kính Đức Bà Phù Hộ Giáo Hữu để ghi nhớ một chiến thắng vẻ vang Đức Mẹ đã ban cho các giáo hữu nơi nơi đây trước sự vây hãm và tấn công của phong trào Cần Vương. Năm 1885, họ quyết tâm hủy diệt họ đạo ấy như đã hủy diệt từng trăm họ đạo khác tại miền Trung. Trà Kiệu tức xã Xuyên Kiệu, thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Hội An không xa.
Làng này gần như vuông vức, mỗi chiều trên một ngàn mét, trừ thành lũy Chiêm Thành ra, thì toàn là đồn điền phì nhiêu. Về phía tây có rặng đồi Kim Sơn (hòn Bằng), phía Đông có hòn Bửu Châu (non Trược hoặc Trọc) cách nhau chừng một ngàn mét. Phía Nam, có thành lũy cũ của người Chiêm Thành, còn phía bắc là một giải cát bằng phẳng.
Nhờ đất phì nhiêu, đời sống ở đây dễ dàng và sung túc. Dân số hầu như toàn tòng Công Giáo, có tiếng là gan dạ và nhiệt thành sùng kính Đức Mẹ.
Thuở xưa, tổ tiên ta gọi người Chiêm Thành là Chùm Chà. Chữ chà sau đọc trại ra trà, bằng cớ tại Trung Việt còn nhiều vùng có tên bắt đầu bằng chữ trà như Trà Câu, Trà Khê, Trà Bàn, Trà Khúc. Còn chữ kiệu có lẽ là do chữ kiều đọc trại đi, vì kiều nghĩa là người ở xa, tức là Đàng Ngoài, di cư lập nghiệp tại đó.
Theo tài liệu chắc chắn và di tích còn lại, Trà Kiệu là thành trì của người Chiêm Thành còn để lại khi bị thất trận trước sức nam tiến ồ ạt của người Việt. Dân tộc ta từ Bắc di cư vào Quảng Nam đời vua Lê Thánh Tông (1470-97). Người Thanh Hóa, Nghệ An đến lập nghiệp tại Trà Kiệu. Đồng bào lương dân e dè không dám ở trong phạm vi thành trì của Chàm, nhưng người Công Giáo không tin kiêng gì thấy đất tốt cảnh đẹp cứ ngang nhiên lập làng tại đó.
Năm 1883, sau khi vua Tự Đức băng hà, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lạm dụng quyền hành, gây rối trong triều đình và ngấm ngầm khởi xướng phong trào Cần Vương. Chương trình “Bình Tây Sát Tả” được thi hành triệt để. Bình Tây thì không thấy đâu, nhưng Sát Tả, tức giết hại giáo hữu Ki-tô giáo thì họ đã thành công một cách ghê tởm! Từng trăm ngàn giáo hữu bị thiêu cháy, chôn sống, giết chết cách dã man, oan uổng không lưỡi nào kể xiết. Ngay trong tỉnh Bình Định đã có hơn 150 họ đạo bị đốt phá. Cả miền Trung số người bị sát hại lên tới năm bảy vạn. Tình cảnh thật bi đát hơn cả thời bắt đạo gắt gao dưới thời Tự Đức.
Đồng số phận truân chuyên gian khổ của giáo hữu khắp nước, ngày 1 tháng 9 năm 1885, Trà Kiệu bị bao vây thình lình. Khi đó cha Nhơn (Bruyère) và giáo dân không ngờ nên không kịp chuẩn bị gì cả, chỉ có năm khẩu súng cũ kỹ, năm khẩu súng nạp hậu với bốn mươi viên đạn. Cha sở cũng như giáo dân chỉ biết chạy đến kêu xin Đức Mẹ phù hộ. Họ đặt tượng Đức Mẹ giữa nhà, thắp nến rồi ông già bà cả và trẻ em quây quần lần hạt. Mỗi khi giao chiến xong, giáo hữu cầm giáo mác cùng trở về sấp mình cầu nguyện hồi lâu. Trong làng có 370 nam nhân tráng kiện từ mười sáu đến sáu mươi tuổi chia ra làm bảy đội, hơn năm trăm phụ nữ cũng trở thành chiến binh thủ thành và cấp viện. Nhiều lò rèn hoạt động đêm ngày cung cấp giáo mác cho đủ mỗi người một cái, vậy mà họ đã cầm cự suốt 21 ngày đêm không có ai đến cứu viện trong khi lương thực cũng thiếu thốn.
Những ngày đầu giáo hữu nản lòng trước địch quân đông đảo, đầy đủ vũ khí đạn dược. Quân địch chiếm đóng hai hòn Bửu Châu và Kim Sơn, đặt súng hạng nặng bắn vào Trà Kiệu. Một khẩu súng hạng nặng đặt cách nhà thờ chỉ độ một trăm mét do một võ quan điều khiển bắn nhiều phát vào nhà thờ nhưng chỉ trúng một phát nhẹ, dấu tích ấy ngày nay vẫn còn. Về sau, chính võ quan ấy thú nhận cố ý bắn Người Đàn Bà xinh đẹp bận áo trắng đứng ngay trên nóc nhà thờ.
Cả ngày hôm ấy và hôm sau, địch quân trên đồi Kim Sơn kêu rằng: “Lạ thật, Người Đàn Bà kia cứ đứng mãi trên nóc nhà thờ, dù ta cố nhắm thế nào bắn cũng không trúng.” Cha sở Nhơn và giáo hữu đều nghe nói nhưng nhìn thì không thấy gì chỉ có hai người được thấy Đức Mẹ là hai mẹ con bà Chỉnh và bà Nhã. Bà Chỉnh thấy trước gọi con là bà Nhã lạy Đức Mẹ đi. Bà Nhã hỏi: “Đức Mẹ đâu mà lạy?” Bà Chỉnh nói: “Con cứ lạy đi.” Lạy rồi, bà Nhã ngó lên liền thấy Đức Mẹ đứng trên nóc nhà thờ.
Đồng thời, địch quân còn nói nhìn thấy nhiều con trẻ mặc áo đỏ, áo trắng từ trên không xuống lũy tre, tay cầm gươm bạc sáng ngời giúp giáo hữu chiến đấu. Quân địch rước được Chưởng thủy Tý đem voi về chỉ huy, nhưng giáo dân đem đuốc hơ voi, voi sợ bỏ chạy, quân địch không dám tiến lên và Chưởng thủy Tý bị quân ta hạ thủ cấp đem về.
Ngày 21 tháng 9 giáo dân Trà Kiệu quyết định phản công. Khi ấy dưới chân đồi, địch quân thét la xông đánh thúc voi xông vào, nhưng voi không tiến mà giật lùi. Người quản tượng kêu lên: “Voi không chịu tiến vì quân kia đông quá. Kìa hãy xem những lũ quân xuống qua lũy tre. Ta phải chạy thôi vì quân bên đạo đông quá”. Dân Trà Kiệu đều nghe lời ấy rõ ràng, nhưng không ai trông thấy gì cả. Một thanh niên bắn trúng một tướng địch chỉ huy, giáo dân cùng hô khẩu hiệu Giê-su Ma-ri-a Giu-se và tiến công đồng loạt, địch quân bỏ chạy tán loạn.
Sau trận chiến, giáo hữu Trà Kiệu thiệt mất bốn mươi, còn quân địch chết trên ba trăm. Giáo hữu Trà Kiệu toàn thắng, tịch thu ba khẩu đại bác, mấy súng hiệp và rất nhiều đạn được cùng lương thực.
Mười ba năm sau, tức năm 1898, giáo dân Trà Kiệu kiến thiết ngôi thánh đường tuy không to lớn nhưng xinh đẹp trên đỉnh non Trược để ghi ơn Đức Mẹ dưới tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu.”
Từ ấy đến nay, đền thánh Trà Kiệu vốn nổi tiếng là linh thiêng, kẻ lương người giáo đến cầu khẩn và nhiều người đã được sở nguyện như ý. Cỏ cây quanh đền thờ nhờ ơn Đức Mẹ thông ban, đã công hiệu chữa nhiều bệnh tật.

Lm Phạm Châu Diên

hungdung
03-10-2008, 09:55 PM
Giai Thoại Ðức Mẹ Trà Kiệu



http://memaria.org/images/trakieu3.jpg


Trà Kiệu thuộc quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trước đây là thủ đô đầu tiên của nước Chiêm Thành.
Trà Kiệu, linh địa của Chiêm Quốc, hiện nay là một trong những linh địa của Việt Nam.

Từ năm 1870, Trà Kiệu đã có khoảng 4.000 giáo dân, những trái cây đầu mùa trên cánh đồng truyền giáo ở Miền Trung.

1. Năm 1885 hưởng ứng hịch Cần Vương, phong trào Văn Thân nổi dậy với khẩu hiệu "... sát tả", tức là sát hại những người sống đạo Thiên Chúa mà Văn Thân cho là đạo tà. Năm này là năm bắt đạo nhiều nhất ở Việt Nam:

-22 linh mục, 60 Thầy giảng, 300 nữ tu và 30.000 giáo dân bị sát hại.

-250 nhà thờ và nhà nguyện, 2 chủng viện, 40 trường học, 17 viện mồi côi, 13 dòng và hầu hết nhà cửa của 55.000 giáo dân bị đốt phá.

-200 xứ đạo từ Ðà Nẵng trở vào gần hoàn toàn tan rã.
Ngày 1.7.1885, đồng số phận, Trà Kiệu bị 4.000 quân Văn Thân bao vây thình lình.

Linh mục Nhơn, chánh xứ với 2.000 giáo hữu chỉ biết ẩn náu dưới cánh tay Mẹ Maria. Với một tinh thần quyết tử, để bảo vệ Ðức Tin, suốt 21 ngày họ tổ chức tự vệ với giáo mác.

Mỗi lần chống cự lại, nam nữ trẻ già sốt sắng lần hạt Mân Côi trước ảnh Ðức Mẹ.

Quân Văn Thân võ trang đầy đủ và đông gấp mấy lấn quân phòng thủ. Họ đã chiếm các đồn Bửu Châu, phía đông và Kim Sơn, phía tây, và đặt súng hạng nặng bắn xả vào Trà Kiệu. Người ngoại quốc ngoài biển đếm độ 500 phát đại bác bắn phá làng Công Giáo này.

Quân tự vệ đã chống lại nhiều đợt tấn công và cố giải vây. Ngày 8.7.1885 trận chiến xẩy ra ác liệt, quân Cần Vương tổng tấn công và tiến sát vào lũy tre làng. Ðội nữ binh trừ bị võ trang dao rựa, quyết tử trước ảnh Ðức Mẹ, đã phá được vòng vây phía tây. Quân Cần Vương vừa chạy vừa la: "Ðạo quân xông xa đông quá, chạy thôi".
Ba mặt kia nghe cũng cùng rùng kéo nhau tẩu tán, bỏ lại vô số súng đạn và gươm giáo.

2. Những ngày kế tiếp trọng pháo từ hai phía đông tây bắn tới tấp nhắm nhà thờ Trà Kiệu.

Một khẩu thần công lớn từ tỉnh kéo đến cách nhà thờ 100 mét do một pháo quan điều khiển đã nhả đạn liên hồi đến nhà thờ, nhưng chỉ trúng một phát nhẹ, còn lưu dấu tích đến ngày nay.

Ðến sau, sĩ quan đó tiết lộ:

-Cố ý bắn Người Ðàn Bà xinh đẹp, áo trắng tinh, đứng ngay trên nóc nhà thờ, mà cứ bị bắn quá cao, chỉ trúng có một phát, mà trúng nhà thờ thôi.

Quân Văn Thân đóng trên đồi Kim Sơn vẫn kêu rằng:
-Lạ thật, Người Ðàn Bà kia cứ đứng mãi trên nóc nhà thờ, dù ta cố nhắm thế nào cũng không bắn trúng.
Cha xứ và giáo dân nghe nói, nhìn lên không ai thấy, chỉ có bà Chính và bà Nhã thấy được Ðức Mẹ.

Ngoài ra quan lính tấn công còn thấy nhiều thiếu niên mặc âu phục trắng từ trên không xuống lũy tre xanh cầm gươm bạc sáng ngời đánh giúp quân Công Giáo.
Ngày 21.7.1885, thừa thắng xông lên, quân tự vệ trở lại thế công, bao vây đồn Bửu Sơn và kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ Giáo dân Trà Kiệu tử trận 40, bên kia trên 300 tử thi đều được an táng hết sức tốt đẹp.

Trong những năm khói lửa, Ðức Trinh Nữ Maria còn tái xuất ở chốn sông Thu núi Bửu để hỗ trợ con dân Việt Nam, như luôn luôn nói lên lòng ưu ái của Mẹ.

3. Và lần thứ ba, cũng tại nơi linh địa Quảng Ðà này Ngài lại viếng thăm.

Ông Lâm Hoài Nam cho biết lần đó là năm 1967, ngày Lễ Ðức Mẹ Thánh Linh hiện xuống.

"Trong lúc gần 300 trẻ em Hùng Tâm Dũng Chí đang sinh hoạt dưới chân núi Bửu Châu hồi 3 giờ chiều, thình lình một tiếng nổ vang lừng trên đỉnh núi, bầu trời trở nên vàng chói. Toàn thể các trẻ em và một số người bỡ ngỡ nhìn lên thấy Bà Ðẹp tay bồng Chúa Hài Ðồng xuất hiện trên không trung, cùng với 12 thánh Tông Ðồ và vô số Thiên Thần theo hầu. Các trẻ em liền quỳ gối hát kinh và cầu nguyện.

Hiện tượng kéo dài chừng 45 phút rồi tan dần. Các trẻ em và người lớn hiện diện tại đó quả quyết là đúng sự thực."

Trich dongcong.net