PDA

View Full Version : Tình yêu thương người nghèo là phụng vụ



vante
03-10-2008, 11:22 PM
Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-10-2008

Tình yêu thương dành cho người nghèo và phụng vụ của Chúa gắn liền nhau, yêu thương người nghèo là phụng vụ. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư 1-10-2008.

Bên cạnh các đoàn hành hương Tây âu và Bắc Mỹ, có các đoàn hành hương đến từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Slovackia, Slovevia, Croazia, Bosnia Erzegovina và Cộng Hòa Tchèques. Từ châu Mỹ Latinh có các nhóm hành hương Mehicô, Colombia và Chile. Từ châu Á có các nhóm Nhật Bản, Hồng Kôong và Nam Hàn. Từ Phi châu có nhóm Ai cập, trong khi từ Đại Dương châu có nhóm Australia.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích hai biến cố trong cuộc đời thánh Phaolô chứng minh cho thấy thánh nhân tôn trọng các tông đồ khác, nhưng cũng tự do đối với tông đồ Phêrô và các tông đồ khác: đó là trong dịp tham dự Công Đồng đầu tiên tại Giêrusalem và trong vụ đụng độ với Phêrô và Barnaba tại Antiokia, như được kể lại trong thư gửi tín hữu Galát chương 2. Liên quan tới Công Đồng triệu tập tại Giêrusalem Đức Thánh Cha nói:

Mỗi Công Đồng và Công Nghị của Giáo Hội là ”biến cố của Thần Khí” và bao gồm các vấn đề khẩn thiết của toàn thể dân Chúa. Những ai đã có vinh dự tham dự Công Đồng Chung Vaticăng II đều kinh nghiệm được điều này. Chính vì thế khi cho tin về Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội diễn ra tại Giêrusalem, thánh sử Luca đã mở đầu thư các Tông Đồ quyết định gửi cho các giáo đoàn Kitô hải ngoại như sau: ”Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định...” (Cv 15,28). Chúa Thánh Thần hoạt động trong toàn Giáo Hội cầm tay hướng dẫn các Tông Đồ dấn thân trên các nẻo đường mới để thực hiện các dự án của Người: chính Người là tác nhân chính trong việc xây dựng Giáo Hội.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng Công Đồng Giêrusalem diễn ra trong một thời điểm có căng thẳng lớn trong lòng Giáo Hội khai sinh. Nó liên quan tới vấn đề có phải xin các anh em ngoài do thái tin theo Chúa Giêsu Kitô chịu phép cắt bì, hay để cho họ được tự do không phải tuân giữ luật lệ Môshê, cần thiết để là người công chính, và nhất là các luật lệ thanh tẩy phụng tự, các thực phẩm trong sạch và ô uế và ngày sabát.

Công Đồng Giêrusalem cũng được thánh Phaolô nhắc tới trong chương 2 thư gửi tín hữu Galát. Sau 14 năm kể từ cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco, Phaolô đã cùng Barnaba và Tito từ Antiokia về Giêrusalem. Trong dịp này thánh nhân đã trình bầy cho các Tông Đồ Tin Mừng sự tự do khỏi Luật Lệ (x. Gl 2,6). Dưới ánh sáng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh, thánh nhân hiểu rằng các luật về cắt bì, ăn uống và ngày nghỉ thứ bẩy như dấu chỉ sự công chính, không cần thiết đối với các anh chị em ngoại giáo theo Kitô giáo: Chúa Kitô là sự công chính của chúng ta và tất cả những gì phù hơp với Người đều ”công chính”. Trong thư thánh nhân cũng cho biết là Tin Mừng của sự tự do khỏi Luật Lệ đã được các Tông Đồ Giacôbê, Kepha và Gioan, ”các cột trụ” của Giáo Hội, thừa nhận bằng cách bắt tay thánh nhân và Barnaba như dấu chỉ sự hiệp thông giáo hội trong Chúa Kitô (x. Gl 2,9). Nếu đối với thánh Luca Công Đồng Giêrusalem diễn tả hoạt động của Chúa Thánh Thần, thì đối với Phaolô nó diễn tả việc thừa nhận định đoạt sự tự do được chia sẻ giữa tất cả mọi tham dự viên: tự do khỏi các bó buộc của việc cắt bì và lề luật: ”Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta để chúng ta được tự do” khỏi ách nô lệ. Hai kiểu miêu tả Công Đồng Giêrusalem đều có cùng yếu tố chung là hoạt động giải phóng của Chúa Thánh Thần, ”vì ở đâu có Thần Khí Chúa, thì ở đó có tự do”, như thánh Phaolô sẽ viết trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô (x. 3,17).

Tuy nhiên như thấy rõ trong các thư của thánh Phaolô, sự tự do Kitô không đồng nghĩa với sự phóng đãng hay muốn làm gì thì làm. Nó hiện thực trong sự phù hợp với Chúa Kitô và vì thế trong việc phục vụ tha nhân, đặc biệt là những anh chị em cần được trợ giúp nhất. Do đó thánh Phaolô kết thúc với lời các Tông Đồ nhắn nhủ ngài và Barnaba là đừng quên người nghèo (Gl 2,10). Mỗi Công Đồng nảy sinh từ Giáo Hội và trở về với Giáo Hội: trong dịp đó là chú ý tới người nghèo, là các anh chị em Kitô của giáo đoàn Giêrusalem. Trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô (cch. 8-9) và trong phần kết thư gửi giáo đoàn Roma (Rm 15) thánh Phaolô cho thấy sự trung thành của người với các quyết định đã chín mùi trong Công Đồng.

Sáng kiến quyên góp để trợ giúp các Kitô hữu nghèo Giêrusalem đã là một sáng kiến hoàn toàn mới mẻ trong các hoạt động tôn giáo: nó không bắt buộc nhưng tự do và tự phát. Mọi giáo đoàn do Phaolô thành lập bên Tây phương đều tham dự việc quyên góp. Đức Thánh Cha giải thích giá trị to lớn của sáng kiến này như sau:

Thánh Phaolô cho cử chỉ chia sẻ này giá trị to lớn, đến độ ít khi ngài gọi nó là cuộc quyên góp, mà đối với ngài nó là việc ”phục vụ”, là ”phước lành”, là ”tình yêu thương”, là ”ân sủng”, và còn hơn thế nữa nó là ”phụng vụ” (2 Cr 9). Thật là điều đáng kinh ngạc, khi từ cuối cùng này trao ban cho việc quyên góp tiền bạc một gía trị phụng vụ: một đàng nó là cử chỉ phụng vụ hay ”phục vụ”, do một cộng đoàn dâng lên cho Thiên Chúa, đàng khác nó là hành động của tình yêu thương đối với dân Chúa. Tình yêu thương dành cho người nghèo và phụng vụ của Chúa gắn liền nhau, yêu thương người nghèo là phụng vụ. Cả hai chiều kích đều hiện diện trong mọi phụng vụ do Giáo Hội cử hành và

sống. Tự bản chất nó chống lại việc tách rời giữa phụng tự và cuộc sống, giữa lòng tin và việc làm, giữa lời cầu nguyện và tình bác ái đối với tha nhân. Như thế Công Đồng Giêrusalem nảy sinh để giải quyết vấn đề liên quan tới các anh chị em ngoại giáo theo Kitô giáo, bằng cách lựa chọn sự tự do khỏi việc cắt bì và tuân giữ các điều Luật buộc, và giải quyết vấn đề mục vụ khẩn thiết lấy trọng tâm là lòng tin nơi Chúa Giêsu Kitô và tình yêu thương đối với các anh chị em nghèo của giáo đoàn Giêurusalem và của toàn Giáo Hội.

Biến cố thứ hai chứng minh cho sự tự do nội tâm của thánh Phaolô là vụ đụng độ với thánh Phêrô tại Antiokia, liên quan tới việc dùng bữa chung giữa tín hữu Kitô gốc do thái và các anh chị em ngoại giáo.

Ban đầu Kepha ngồi ăn chung với các anh chị em ngoai giáo theo Kitô giáo. Nhưng khi thấy vài Kitô hữu thân cận với Giacôbê, ”người anh em của Chúa” tới, thì Kepha và Barnaba bắt đầu tránh không dùng bữa chung với họ nữa, vì sợ gây vấp phạm cho những người này, là những người tiếp tục tuân giữ luật về thực phẩm trong sạch. Sự lựa chọn này gây chia rẽ sâu đậm giữa các Kitô hữu gốc ngoại giáo và các Kitô hữu gốc do thái, và nó đe dọa sự hiệp nhất và tự do của Giáo Hội. Nó khiến cho Phaolô mạnh mẽ tố cáo sự giả hình của Phêrô và các tín hữu do thái khác: ”Nếu anh là người Do thái mà còn sống như dân ngoại, chứ không như người Do thái, thì làm sao anh lại ép dân ngoại phải xử sự như người Do thái? (Gl 2,14). Thật ra các lo lắng của hai phía khác nhau. Đối với Phêrô và Barnaba việc tách rời người ngoại giáo diễn tả một kiểu bảo vệ và không gây vấp phạm cho các tín hữu gốc do thái; trong khi đối với Phaolô nó diễn tả một hiểu lầm nguy hiểm đối với ơn cứu độ đại đồng nơi Chúa Kitô, được cống hiến cho dân ngoại cũng như cho người do thái. Nếu việc công chính hóa được hiện thực chỉ nhờ lòng tin nơi Chúa Kitô, nhờ sự đồng hình đồng dạng với Người, mà không do công việc làm của Lề Luật, thì việc tuân giữ thực phẩm trong sạch khi cùng chia sẻ bữa ăn với nhau đâu có còn ý nghĩa gì nữa? Chắc chắn các viễn tượng của Phêrô và Phaolô đã khác nhau: đối với Phêrô là đừng mất các anh em Do thái đã tin nhận Phúc Âm, đối với Phaolô là đừng giảm thiểu giá trị đại đồng cái chết của Chúa Kitô cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên vài năm sau đó, khi viết thư cho tín hữu Roma Phaolô đã đứng trước một trường hợp tương tự, và ngài khuyên các tín hữu có lòng tin mạnh mẽ đừng dùng thực phẩm ô uế để đừng đánh mất hay gây vấp phạm cho các người yếu đuối: ”Tốt nhất là đừng ăn thịt, uống rượu, và tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14,21). Như thế vụ xảy ra tại Antiokia đã là một bài học cho cả Phêrô lẫn Phaolô. Chỉ có đối thoại chân thành, cởi mở cho sự thật của Tin Mừng mới có thể hướng dẫn con đường của Giáo Hội mà thôi: ”Thật thế, Nước Thiên Chúa không phải là chuyện đồ ăn thức uống, nhưng là công chính, bình an hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17).

Đó cũng là bài học cho chúng ta: hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn khi tìm sống sự tự do trong lòng tin nơi Chúa Kitô, được cụ thể hóa nơi việc phục vụ tha nhân. Chỉ như thế chúng ta mới thật sự tự do và diễn tả được nõi tủy của Luật Lệ mến Chúa yêu người.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.


Linh Tiến Khải