PDA

View Full Version : Tết Xưa và Tết Nay, cái nào hạnh phúc hơn?



teenvnlabido
07-02-2013, 11:19 AM
Tết Xưa và Tết Nay, cái nào hạnh phúc hơn?

Gần cuối năm, chỗ nào cũng thấy nhậu để mừng tất niên! Và trong những lần được tham dự ấy, tôi đã thâu thập được rất nhiều bàn luận và so sánh về Tết xưa và nay:cái nào hạnh phúc hơn, vui hơn.

Người thì cho rằng Tết bây giờ tất nhiên phải hạnh phúc hơn ngày xưa, vui hơn ngày xưa bởi vì dẫu sao bây giờ cũng là thời hòa bình, cuộc sống vật chất thăng tiến hơn xưa rất nhiều. Thêm nữa con người Việt thời này không bị bó buộc vào nhiều hủ tục thời xưa khi phải sất bất sang bang lo các phần quà biếu xén các người trên , họ hàng mỗi khi Xuân về. Rồi người ta đã có ý thức không còn mê mải tin những điều nhảm nhí, kiêng cữ vớ vẩn trong các ngày tết…

Những người lớn tuổi cho biết về những năm quá khứ khi còn chiến tranh Nam Bắc: những cái tết đầy dẫy sự chia ly và xa cách khi những người cha, người con…còn đang ở ngoài mặt trận. Vui đâu chẳng thấy mà buồn thì không kể xiết khi những tin báo tử đến trong những giây phút xuân về! Bố của tôi khi ấy còn nhỏ nhưng ông cũng nhận thức được vô cùng rõ ràng những gì gọi là mùa xuân trong chiến tranh. Hồi ấy vì ông cư ngụ ở Thành phố Sài Gòn cho nên không lâm vào cảnh tản cư và chạy loạn, nhưng qua những bức ảnh trắng đen mờ nhạt trên các báo chí thời ấy cũng như những lời thuật lại của các nạn nhân chiến tranh, trong tâm tư của bố tôi đã hình dung được phần nào những ghê rợn kinh hoàng của quốc lộ 13 được mệnh danh là đại lộ Kinh hoàng, nơi toàn xác người và những xác xe tăng, xe quân sự, xe cứu thương bị bốc cháy hoặc bị phá hủy ngổn ngang. Ông có nhấn mạnh rằng hình như những cảnh trên là vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, nhưng vì năm Mậu Thân 1968 ông còn quá nhỏ cho nên không cảm nhận được những khốc liệt của một mùa xuân trong chiến tranh nên đành căn cứ vào những tổn thất ghê gớm của nhân dân Việt nam trong mùa hè đỏ lửa ấy mà hình dung như thế nào là sự tang thương và mất mát vì chiến tranh!

Cũng theo hồi ký của những bậc chú bác cô dì họ hàng, khi mà cuộc sống đang còn quá thiếu thốn, có những gia đình không biết đến hạt gạo liền trong cả tám tháng trời mà chỉ biết những bữa cơm hoàn toàn ngô đỏ, ngô trắng xay giả làm gạo. Những bữa cơm khoai mì, khoai lang chiếm đa số trong nồi cơm mà gạo chỉ như chất kết dính! Những nồi cơm chỉ rặt toàn những hạt bo bo… Chúng ta cứ suy luận thử khi mức sống còn thấp như thế thì liệu người dân sẽ chuẩn bị một cái Tết như thế nào? Ông bố của tôi từng kể tỉ mỉ rất nhiều điều về những ngày thơ ấu kinh hoàng của ông cho tôi nghe, và có lẽ tôi không thể thuật lại tất cả những điều ấy trong bài viết này được nên chỉ biết tóm tắt bằng một câu như sau: “Khổ lắm, Đói lắm!”

Bố tôi đã từng than thở rằng thế hệ trẻ ngày nay khó có thể cảm nhận được những quá khứ của ông cha! Một ví dụ như chúng ta ngày nay không thể cảm nhận được nỗi đau khổ đến nỗi mất hết nhân cách của thế hệ ông bà cố nội ngoại vào năm đói Ất Dậu 1945! Ngay như tôi phải nói là rất thông cảm, rất ư là tri kỷ cùng bố tôi về nhiều suy tư, thế mà tôi cũng từng rụt rè ngỏ ý :_

___” Ngô trắng (bắp nếp) mà ăn thay cơm thì con có thể ăn nó cả tháng! Nhất là khoai lang nướng khoai lang chiên đúng là một món ăn số một thì con có thể ăn thay cơm được vài tuần”!

Bố tôi đã lắc đầu cười và nói rằng đó là vì tôi rất thích ăn bắp luộc cho nên tưởng tượng có thể ăn trừ cơm cả tháng, nhưng thực tế không như thế khi tôi ăn trừ cơm chưa quá một tuần! Hơn nữa khi hạt ngô trắng xay ra thành mảnh nhỏ như gạo và nấu thành cơm thì rất khó trộn canh vào bát cơm ngô ấy được vì nó tương tự như ăn cơm nếp với món canh! Còn khoai lang chiên ư? Bố tôi bảo rằng làm gì có dầu ăn hay mỡ để mà chiên vì những thứ ấy thuộc hàng xa xỉ trong thời đại ấy!

Như đã nói chỉ kể một vài đại diện để có thể suy luận rằng với một tình trạng kinh tế như thời gian xưa ấy thì những gì gọi là vật chất cho một cái Tết thật quá thiếu thốn so với thời đại mở cửa ngày hôm nay. Lúc ấy làm gì có những phương tiện dồi dào và phổ thông như xe máy, điện thoại, ti vi tủ lạnh…Trong một bữa ăn gia đình mới đây, các chú bác họ hàng của tôi kể oang oang rằng khoảng hơn mười mấy năm về trước thời gian còn xài các băng từ thay cho đầu đĩa CD, DVD như bây giờ, cái ti vi mầu đã là một tiện nghi để chủ nhân của nó cũng chứng tỏ mình là dân đã thoát khỏi đói nghèo, và mọi thứ thông tin, học hiểu và giải trí của cả gia đình chỉ tập trung quanh cái màn ảnh nhỏ này.

Chính vì những thiếu thốn khổ ải này mà bố của tôi hồi xưa ấy đã chẳng còn tin vào những cái gọi là kiêng cữ trong ngày tết cũng như những cái lấy hên trong năm mới! Đúng là một sự giả dối khi chúc nhau năm mới phát tài lộc đầy nhà tiền tiêu không hết, mà thực tế quá bi đát nhiều năm chưa thoát được cảnh khổ!

Năm ấy phát tài hay hay xui xẻo là do người xông đất xông nhà đầu năm! Những cái kiêng cữ như không quét nhà, không làm những điều kiêng cữ để khỏi bị xui cả năm… kể như đã bị xóa sổ ngay từ thời đại của bố tôi huống chi đến thời đại của chúng tôi hầu như không còn tăm tích!

Lẽ ra khi thấy mọi người lớn tuổi đưa ra những hồi ức như trên, tôi đã phần nào cảm nhận được những hạnh phúc mình đang có ngày hôm nay, khi mà hầu như sống trong một thời đại hòa bình không chinh chiến, lớp thanh thiếu niên không đỗ đại học năm nay năm sau lại ôn thi tiếp, chứ không ngán câu mà thời đại đàn anh của bố tôi tức thế hệ 5x của thế kỷ trước thường thuộc lòng:” Một là vô đại học ,hai là lên đường nhập ngũ…”

Giả như chỉ có những hồi ức về sự khổ sở mà bố tôi đã từng thuật lại nhiều lần với tôi ngay từ khi còn nhỏ, thì tôi không còn phải lăn tăn gì về thời đại hôm nay nữa, bởi vì so với thời xưa chúng tôi ngon lành hơn quá nhiều! Từ những sự tương đối đầy đủ tiện nghi vật chất của một xã hội văn minh tuy chưa sánh được với những siêu cường những cũng gọi là tạm hài lòng gấp ngàn lần thời xưa, cho đến sự hòa bình không chiến tranh…thì chính tôi là con người hay suy nghĩ đa chiều, hay thắc mắc vẩn vơ cũng phải thấy bản thân tôi, dân tộc tôi cũng thuộc loại các quốc gia có mức sống hạnh phúc tầm cỡ trên thế giới.

Tuy vậy, người ta thường nói rằng :”Lắm thầy, rối ma”! Bởi vì ngoài những hồi ức của bố tôi cũng như một số người khác, còn rất nhiều những ý kiến khác trong những bưổi mạn đàm bên mâm cỗ, bên ly cà phê và trà, khiến cho “con ma” trong bộ não của tôi bị rối tung lên và phải suy tư , đặt vấn đề lại!

Những ông thầy (cúng) khác mà tôi muốn nói đến ở đây đó là những ý kiến của bậc cha chú khác,và cái ông pháp sư cao tay ấn vượt trên tất cả làm cho con ma bộ não của tôi phải quy phục, đó là ông pháp sư internet!

Phải nói rằng cái tiêu chuẩn tối thiểu nhất để một quốc gia được phép dùng cụm từ Tự Do, rao truyền về Tự do, đó là quốc gia ấy không ngăn cản, hay ít nhất là không triệt để ngăn cản sự tự do truy cập internet tức mạng World Wide Web! Việt nam của chúng ta là một quốc gia có thể tự hào khi đã đạt được quyền để có thể rao truyền về Tự Do, dùng cụm từ Tự do này.Trong khi đó bây giờ trên thế giới vẫn còn ít ra là một hoặc hai quốc gia mà người dân không hề biết chính xác là nước láng giềng sát nách của họ thực tế là sướng hay khổ? Họ tin một cách vững vàng rằng nhân dân nước họ có mức sống hạnh phúc thứ hai trên thế giới, còn Huê kỳ là nước có mức sống thuộc vào hạ đẳng tận cùng của thế giới!

Chính vì cái ông pháp sư internet này , cũng như những ý kiến của các bậc cha chú khác khiến tôi lại nhận ra nhiều điều khác. Đúng là không thể chối cãi rằng cuộc sống vật chất của chúng ta bây giờ chắc chắn là phải vượt quá xa thời cha ông của chúng ta xưa kia. Nhưng không thể nói rằng chúng ta đã hạnh phúc hơn xưa, hay suy ra rằng Tết nay sung sướng hơn Tết khi xưa !

Thời xưa cũng vô cùng khổ sở khi quá thiếu thốn về vật chất khiến cho đa số người ta chẳng có gì gọi là một cái hương vị ngày Tết nhưng thời nay cũng chưa hẳn là con người ta không phải lo lắng về vật chất nữa! Hồi xưa cha ông ta ngày Tết quý lắm mới có một ít bánh chưng, một vài ký thịt… và cái đói khổ luôn đe dọa .Còn thời nay một nhà nghèo lắm cũng dư thừa khả năng mà một nhà trung lưu ngày xưa mơ ước.Tuy vậy không phải ít nhà thời đại bây giờ chẳng còn lòng dạ nào, và không hề cảm thấy hạnh phúc khi họ đang thất nghiệp hay công việc làm ăn của họ mang lại lãi âm, đang mang một món nợ khổng lồ, hay phá sản!

Nếu chỉ một suy nghĩ ở trên thì có thể nhận định rằng: Tết ngày xưa cũng như Tết ngày nay có hạnh phúc hay không là tùy theo cái túi đựng Mân ni của họ đầy hay vơi, công việc làm ăn của họ tiến triển hay ngưng trệ hoặc phá sản! Nhưng điều đáng lưu ý ở đây là về khía cạnh tinh thần bởi vì chắc không cần bàn cãi cho sâu, đa số chúng ta ngày nay đều phải chấp nhận một thực tế là sự đạo đức tinh thần của con người ngày nay trượt dốc gần như không phanh!

Đã có một số định nghĩa đơn giản về từ Hạnh phúc, đó là: Khi có một sự hài lòng về tình trạng vật chất lẫn tinh thần mà mình hiện có, người ấy đang Hạnh phúc.”
Xưa kia cha ông chúng ta cũng rất đói khổ và có thể nói cái khổ vật chất ngày hôm nay nhiều khi ngang bằng với cái sướng về vật chất ngày xưa. Tuy thế, thời xưa ấy tình trạng đạo đức vẫn còn khá cao cho nên người dân còn cảm thấy được an tâm nhiều điều về tinh thần.

Thời đại ngày nay cứ công tâm cho là tình trạng vật chất đa số là vượt xa xưa kia, nhưng việc kết luận thời đại ngày nay hạnh phúc hơn xưa rồi suy ra rằng Tết nay hạnh phúc hơn Tết Xưa thì có lẽ là quá vội vàng !

Như đã tạm định nghĩa:” Hạnh phúc là một sự hài lòng với tình trạng vật chất lẫn tinh thần của mình…”

Thế thì một khi cứ cho là vật chất có vượt khi xưa, nhưng về tinh thần ,về sự đạo đức lại tuột dốc quá xa so với thời xưa thì có ai dám tuyên bố là con người hạnh phúc hơn xưa hay không?

Khoảng mười năm trước đây thôi, gần như tôi chưa bao giờ nghe thấy báo đài đưa tin những người tham gia giao thông, nhất là lớp trẻ khi va quẹt vào nhau không cần biết mình phải hay trái, nhưng lập tức kêu đồng bọn đến để đâm chém từ chết đến bị thương nặng đối phương!

Vài phút trước vài giờ trước chúng ta vẫn đang còn khỏe mạnh và đầy dự định cho tương lai nhưng sau đó đã nhắm mắt lìa đời hoặc cấp cứu tại bệnh viện bởi vì :

___ Một chiếc xe ben, xe buýt ,xe khách chạy tốc độ vượt gấp hai gấp ba lần tốc độc cho phép khi chạy trong khu đông dân cư mà nguyên nhân thường được kết luận rằng vì mất thắng chứ không phải chạy lấn tuyến hay quá tốc độ!

___ Vì lỗi ở chúng ta khi không mặc áo giáp cũng như đội nón sắt che kín cổ cho nên khi dao hoặc mã tấu của bọn cướp chém từ phía sau để cướp xe hoặc tài sản! Cũng bởi vì chúng ta chưa chết nát thây dưới bánh xe tải ,xe ô tô trờ tới đàng sau cho nên chỉ có thể ghép bọn dã man cướp bóc ấy vào tội cố ý gây thương tích!

___ Bọn côn đồ tội phạm giựt túi xách, laptop, tài sản trên người chúng ta làm chúng ta té lăn ra đường và bị xe khác cán chết tại chỗ hay thương tật trầm trọng…Trường hợp này rất khó quy tội cố ý giết người cho tên côn đồ ác ôn bởi vì chúng ta không chịu lắp camera bên người để chứng minh rằng tên cướp đã làm chúng ta bị té xuống đường, mà người ta có thể kết luận bởi chúng ta ham mê rượt theo tên cướp nên mới bị té! Điều này chính là nguyên nhân gây khó khăn cho HĐXX vì sợ xử oan sai, kết tội chưa chính xác!
____...!
____...!

Có lẽ sẽ có người cho là lạc đề bởi vì cái chủ đề đang nói về:” Tết Xưa và Tết Nay, cái nào hạnh phúc hơn “ , lại lạc sang chủ đề nói về tội phạm!

Xin thưa rằng thường ra cũng phải có những dòng tưởng như lạc đề nhưng không phải! Bởi vì chúng sẽ làm cho sự chứng minh rõ ràng hơn, đó là:

___ Khó mà có một cái Tết hạnh phúc khi mà trong những ngày Xuân, chúng ta cứ nơm nớp lo sợ khi tham gia giao thông rồi vô tình va quẹt vào một ai đó bất kể mình lỗi hay không vẫn có thể bị đâm chết hoặc thương tật trầm trọng!

___ Cũng thế! Càng trong những ngày Tết, bọn côn đồ chẳng từ bỏ “nhiệm vụ” mà lại càng mẫn cán thực thi những “trọng trách” này, cho nên liệu chúng ta có cảm thấy hạnh phúc không khi mà chúng ta bị bọn cướp làm chúng ta ngã lăn ra đường để rồi ngay chính chúng ta cũng chẳng nghe được cái tiếng “bụp” rợn người vang lên sau đó? Hoặc chúng ta có cảm nhận một cái Tết hạnh phúc hay không khi mà không biết lúc nào và khi nào chúng ta sẽ ngã gục trước những lưỡi dao, những mã tấu và súng bắn đạn hoa cải?

___ Ngày Tết chúng ta nên ở trong nhà hay ra ngoài đường, nhất là giới trẻ? Bởi vì ngày Tết biết bao nhiêu là kẻ say và chính vì cái sự say sưa đó cho nên liệu chúng ta có an toàn mạng sống không khi chúng ta không có xe tăng để làm phương tiện giao thông? Cái xe tăng đó không sợ và dư sức đương đầu những chiếc ô tô hay xe tải do những tài xế say rượu lao vào, ngoài ra chúng ta và người thân chúng ta sẽ ra sao khi đi trên chiếc xe máy mỏng manh và có thể tử nạn cho dù bởi một tài xế xe máy say rượu hay phóng ẩu vượt quá tốc độ ?

___ Chúng ta có đủ kiên nhẫn và lòng bác ái vị tha, sự yêu thương tha thứ hay không? Bởi vì với tình trạng sự đạo đức tuột dốc như thời đại hiện nay, chúng ta có thể nhắm mắt lìa đời hay tàn tật khi một số lớn con người hiện nay chỉ biết nói với nhau, giải quyết mọi tình huống với nhau bằng gậy gộc và dao kiếm? Hàn Tín chui qua háng tên bán thịt thì còn sống, và chúng ta có dám bắt chước gương ấy hay không? Và người thân, bạn bè của chúng ta có cho hành động “chui qua háng” ấy là khôn ngoan hay cho rằng chết vinh hơn sống nhục? Những ngày Tết là những ngày chúng ta phải giao tiếp với rất nhiều người trong xã hội và chúng ta có cảm thấy Tết Nay hạnh phúc hơn Tết Xưa hay không khi mà chỉ một sơ sẩy không biết Yêu thương và tha thứ, không biết kiên nhẫn nhịn như nhịn cơm sống trước những tên côn đồ, chúng ta có thể về với ông bà tổ tiên của chúng ta hoặc dở sống dở chết?

__ Trộm cướp thường viếng thăm chúng ta trước cũng như sau Tết. Chúng ta liệu có thể hạnh phúc ngủ yên không khi hình dung ra ngày mai chúng ta cùng người trong gia đình chỉ còn là những xác chết vì ban đêm bọn cướp lẻn vào cắt cổ? Chúng ta có thấy hạnh phúc không khi mà chúng ta không đủ tài sức và võ nghệ như Trương Vô Kỵ để tay không bắt trói bọn cướp để giao cho công an! Nhưng nếu chúng ta vì tự vệ cũng như bảo vệ người thân mà không biết lựa chọn vũ khí tương xứng để chống trả lại bọn cướp: tức là dao tương ứng với dao gậy tương ứng với gậy….khiến cho tên cướp bị thương nặng hay hy sinh để rồi chúng ta vi phạm vào tội vượt quá sự phòng vệ chính đáng rồi phải ở tù?

Thôi! Bàn tới đây tôi cũng thấy lạnh cả người, nếu bàn thêm nữa tôi chắc mẩm rằng cho dù Tết Xưa thì chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng Tết Nay thật là vô phúc! Và cứ thế tình trạng này kéo dài thì có lẽ tôi đã mắc bệnh tâm thần nặng gấp chục lần ngài Lâm Tiến Dũng khi đã hoàn thành nhiệm vụ tạt axit hủy hoại tàn khốc cả một gia đình ở quận Gò vấp. Bởi vì ngài Dũng mặc dầu mắc bệnh tâm thần quá nặng đến nỗi Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam đã đưa ra kết quả giám định giúp cho ngài Dũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về “nhiệm vụ” của mình, và được đi chữa bệnh! Nhưng khi thực hiện hành vi tạt axit này, mặc dù bị tâm thần phân liệt rất nặng nhưng ngài Dũng vẫn còn dư ý thức để mặc áo mưa, đeo kính bảo hộ mắt ,đeo khẩu trang, chia một lít a xit ra thành hai mũi tiến công để phòng khi mũi tiến công lần đầu chưa đánh trúng mục tiêu thì mũi tiến công lần thứ hai sẽ dứt điểm! Hơn nữa ngài Dũng còn biết chạy xe máy đến bệnh viện 175 để gởi xe, rồi đi xe ôm đến nhà nạn nhân để thực thi nhiệm vụ, và sau khi hoàn thành trọng trách, ngài Dũng còn biết bỏ đi trốn cách xa nơi gây án hàng 100 km! Tôi cho rằng mình còn tâm thần rất nặng gấp chục lần ngài Dũng bởi vì tôi nhận thấy rằng mình không thể nào đủ ý thức để đưa ra một kế hoạch hoàn hảo bằng một phần mười như thế!

Tôi xin tạm ngưng để xin thêm ý kiến của mọi người về nhận định Tết Xưa và Tết Nay, cái nào hạnh phúc hơn? Và nếu không bị đình chỉ, tôi sẽ tiếp tục phần hai và phần ba …

mayxanh1234
07-02-2013, 11:42 PM
chưa tới năm mới đã mở hàng đề tài mới rồi hén:102:

mayxanh1234
07-02-2013, 11:53 PM
Dĩ nhiên Tết xưa hạnh phúc hơn Tết nay ... Trong cảnh nghèo, người ta có những niềm hạnh phúc đơn sơ, sâu lắng và trong cảnh giàu sang thời nay không bao giờ có