littlewave
06-10-2008, 08:44 AM
Bàn tay
Mẹ nói với dì:
- Con nhỏ tốt, nhưng bàn tay đẹp quá!
- Tay búp măng à?
- Không rõ. Nhìn bàn tay là biết không thể cáng đáng gia đình.
- Trời! Sao mà bà chị suy diễn lung tung. Bàn tay con gái thì phải thanh thon mới hay chứ.
- Chị không thích bàn tay tiểu thư, yếu đuối, biếng nhác.
Dì nổi cáu:
- Bàn tay không có nhằm nhò gì, quan trọng là cái đạo đức và cái đầu kia, bà chị à.
***
Anh Hai cưới vợ, một cô gái không đẹp, chỉ trông được được, nhưng có đôi bàn tay rất tuyệt: Những ngón thon dài trắng muốt, móng tay cũng đẹp, đáng yêu như những cánh hoa ti gôn ửng hồng trong nắng sớm. Có lần Yên đoán:
- Anh Hai yêu chị vì đôi bàn tay hả?
- Ừ. Không phải đôi mắt, mà bàn tay mới là cửa sổ của tâm hồn - anh nheo mắt một cách tinh ranh, chẳng nghiêm túc chút nào nhưng Yên vẫn tin là thật.
Yên không ngừng tưởng tượng ngay lần đầu tiên anh Hai đưa chị về nhà: Bàn tay ấy chắc phải là bàn tay của một nghệ sĩ đánh đàn piano, một họa sĩ lãng mạn, một diễn viên múa, hay một chuyên gia thiết kế thời trang… Bàn tay ấy phải thuộc về một người có nội tâm sâu sắc và óc thẩm mỹ tuyệt vời, làm việc gì cũng khéo léo trong từng chi tiết. Yên đoán già đoán non rồi quyết định hỏi thẳng chị để chắc rằng mình biết nhìn người qua đôi bàn tay:
- Chị làm nghề gì?
- Thủ quỹ.
Chị đáp nhẹ tênh. Yên ước sao mình đã nghe nhầm. Nhưng gương mặt thật thà của chị càng khẳng định Yên đã nhận được một thông tin chính xác trăm phần trăm.
Yên gặng hỏi:
- Công việc… có vui không, chị?
- Rất tốt. Chị trả lời bằng chất giọng tươi rói, mãn nguyện, kèm theo một nụ cười quá đơn sơ.
Sau này, mỗi khi gặp chị, Yên đều kín đáo ngắm đôi bàn tay ấy, rồi quay đi, nghe tiếc dằng dặc. Nó ấn tượng đến nỗi Yên chỉ muốn xóa bẵng trong đầu hình ảnh một đôi bàn tay tuyệt đẹp suốt ngày chỉ biết đếm tiền với đếm tiền, nhưng kỳ thực, càng không muốn nghĩ tới thì nó lại càng in trí sâu hơn. Và không nén được, có lần Yên nói toạc ý nghĩ của mình:
- Đôi bàn tay của chị đẹp như thiên thần mà cứ đếm tiền thì… trần tục quá! Em thấy chị làm thủ quỹ thiệt là uổng, đổi nghề đi chị!
Chị cười hiền hòa, im lặng, không biết nên đáp lại câu gì. Chị không phải là người khéo ăn nói, chỉ dễ mến nhờ có nụ cười dung dị và đôi tay mỹ miều.
***
Yên không có nhiều thời gian trò chuyện với chị vì thường chiều chị đi làm về thì Yên đã có giờ học thêm ngoại ngữ đến tận tối muộn. Sáng sớm chạm mặt nhau trong bếp, Yên lí lắc câu chào nửa tây nửa ta:
- Moa-ning, chị dâu!
Chị cười cười đáp lại một câu gần gần như vậy trong khi Yên lao ra khỏi nhà sau khi nhận lấy một cái hamburger, một hộp xôi hay một gói bánh từ bàn tay xinh xinh của chị.
Ngày sinh của mẹ, chị đặt lên bàn một giỏ hoa rất đẹp. Những nụ hồng chúm chím được sắp xếp khéo léo bên cạnh những cánh lan chi và dương xỉ mướt mát. Điệu đàng quá, đáng yêu quá, chưa bao giờ trong phòng khách nhà Yên có một giỏ hoa xinh tươi như thế. Yên sà đến ngắm nghía những búp hoa, nói như hát:
- Đúng là bàn tay nghệ nhân. Chị cắm hoa đẹp quá, chị ơi!
Chị cười bẽn lẽn:
- Đâu có… Tiệm hoa làm đó.
Yên cụt hứng, giận cả sự thật thà của chị. Giá mà chị biết nói dối một chút, xởi lởi một chút thì có hay hơn không? Yên nhíu mày, dù có vẻ vô lý, nhưng Yên vẫn cảm thấy chị đáng bị giận và chị cần biết điều đó. Rồi Yên cay độc hả hê khi mẹ làu bàu tỏ vẻ không vui khiến ánh mắt chị sẫm lại một thoáng:
- Bày vẽ chi cho tốn kém. Hồi nào tới giờ mẹ có làm sinh nhật đâu.
Anh Hai đính chính:
- Nhưng năm nay đặc biệt, mừng lục tuần của mẹ.
Mẹ nhìn giỏ hoa bình thản, không biểu lộ cảm xúc. Nhưng hôm ấy là một sự kiện đáng kể vì có cả bánh kem và một bàn tiệc thịnh soạn, tất cả đều được mua từ tiệm về, chỉ hâm nóng lại là có thể dọn lên ăn ngay. Yên thích kiểu này, nhanh gọn, không mất công nấu nướng, lại rất ngon. Nhưng mẹ có vẻ không ưng vì cho rằng làm vậy là xa xỉ quá, mua thức ăn về tự tay chế biến mới tốt, mới vui, mới không lãng phí.
Tối đó, nằm bên mẹ, Yên nghe tiếng thở dài:
- Ngay từ đầu mẹ đã nói rồi mà, bàn tay đẹp là bàn tay tiểu thư, chẳng làm được gì đâu!
Yên không đồng tình, định nói gì đó bênh vực chị, nhưng kỳ thực, Yên không muốn mở miệng. Yên thấy cần giận chị thêm một chút nữa.
Đêm ấy trời trở lạnh. Yên co rúm rúc vào nách mẹ. Mẹ siết chặt bàn tay Yên như truyền hơi ấm, và Yên giật mình nhận ra: Những ngón tay của mẹ thô ráp, cứng ngắt, to lớn như bàn tay đàn ông. Yên từng nghe dì kể mẹ vất vả ra sao trong căn-tin của một bệnh viện từ khi cha đi theo người khác. Tối muộn, sau giờ làm việc, mẹ đạp xe chở những thùng cặn thức ăn qua bảy cây số giao cho một nhà nuôi heo ở bên kia sông.
Hồi ấy, hơn hai tuổi, Yên đã sống với dì. Dì không chồng không con, thương Yên như con đẻ, nhưng lạ lắm, Yên vẫn luôn có cảm giác thèm mẹ. Thi thoảng mẹ đến thăm, hôn hít khắp mặt mũi và căn dặn đủ điều. Yên không nhớ bàn tay của mẹ lúc đó ra sao, chỉ tiếc rằng hồi vào lớp một Yên không được mẹ dắt tay đến trường như cậu bé trong câu chuyện của Thanh Tịnh. Suốt thời thơ ấu, mỗi lần nghe hay đọc đoạn văn "… mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…" thì Yên luôn cảm thấy khát khao… Yên hỏi về cha, mẹ nhíu mày không muốn nói. Yên đem câu hỏi đến dì, "Cha mày là nhà thơ, cũng có chút tiếng tăm, nhưng sống ngược lại với những gì ông ta đã viết" - dì chỉ nói bấy nhiêu, và Yên cũng không muốn biết thêm nữa. Rồi lớn lên, khi mẹ đem Yên về cách đây hai năm, Yên không còn mong được mẹ dắt tay bởi đôi tay Yên đã có người nâng niu cầm giữ. Yên bận rộn lắm, không có một giây phút nào ngắm nghía đôi bàn tay của mẹ. Cho đến đêm này...
Dưới lớp mền dày, Yên đan những ngón tay mình vào tay mẹ, cọ vào lớp da chai sần và những đốt xương kệch cộm. Lần đầu Yên biết yêu quá đôi bàn tay thô ráp. Lại nhớ đến đôi bàn tay đẹp xinh của chị. Chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, nhưng rõ ràng Yên bắt đầu không thích có sự tương phản như thế giữa hai phụ nữ dưới một mái nhà. Yên trở mình trong đêm. Hình như mẹ sợ Yên khó ngủ nên luồn bàn tay to lớn vào lưng Yên, vỗ nhè nhẹ như thể Yên còn là một bé con mặc tã. Hay mẹ muốn bù đắp lại thời thơ ấu cho đứa con gái không được gần mẹ hai mươi năm? Bàn tay của mẹ thô vậy mà thật ấm áp. Cuộn mình trong hạnh phúc, Yên ngủ bình an.
***
Một khoảng cách bức bối cứ phình ra giữa mẹ và chị. Một cái chén bị đánh rớt, một món canh nêm hơi mặn, một vết bẩn trên cổ áo chưa được giặt sạch,… đều được ghi nhớ khá lâu và trở thành chuyện kể, đôi khi câu chuyện còn chạy qua nhà dì rồi được kết thúc bài bản: "Đúng là bàn tay đẹp chỉ để làm kiểng!". Thực ra cũng có lúc Yên ngấm ngầm bất mãn thái độ cáu kỉnh của mẹ, nhưng Yên yêu mẹ hơn chị dâu nhiều lắm nên cảm giác ấy chóng qua đi.
Cho đến một ngày, khi chị mang thai tháng cuối, rấm rức khóc trong bếp vì những chuyện tủn mủn diễn ra hàng ngày quá sức chịu đựng, dì phát hiện, dỗ dành. Rồi dì lôi mẹ vào phòng riêng, rít từng tiếng:
- Sao cứ tự hành hạ mình, khắc nghiệt với cả con dâu? Chị nhớ không, chị còn có con gái, rồi nó cũng đi làm dâu nhà người ta…
Mẹ vuốt mặt bằng đôi bàn tay cằn cỗi, không lên tiếng, nhìn sâu vào những ngón tay, mà không, mẹ ngó xa lắm, như thể có một thế giới khác sau những vân tay rối rắm.
Dì dịu giọng, đưa tay xoa lưng mẹ:
- Chị là người hiền lành, em biết, khổ là chị cứ ấm ức với chuyện đôi bàn tay, với cái bài thơ đó… Quên đi, là giải thoát mình, chị à!
Mẹ lại vuốt mặt bằng đôi tay chi chít vết nhăn và lam nham đồi mồi. Khi mẹ ngẩng lên, có một giọt nước nhỏ rỉ ra khóe mắt, nhưng nó đậm đặc và nặng nề lắm, không lăn nổi, giọng mẹ đắng ngắt:
- Trong khi ông ta ôm ấp người đàn bà đó mà ca tụng đôi bàn tay với thơ với thẩn, thì đôi tay của chị mày phải gồng gánh bao nhiêu chuyện nặng nhọc mà ông ta vứt cho. Cái bài thơ ấy lại còn được thiên hạ xúm vào khen lấy khen để. Nếu là chị, mày có quên được không?
... Á... Ối!
Hình như là tiếng chị dâu.
Ba người phụ nữ đổ xô vào bếp. Chị đang chuyển bụng. Mẹ và dì dìu chị ra ngoài. Yên gọi gấp một chiếc taxi và gọi cả anh Hai. Buổi chiều cuối năm dài đằng đẵng khi cả nhà ngồi bên ngoài phòng sanh, đợi một thành viên bé bỏng chào đời. Mãi đến tối muộn mới hay chị và cháu bé bình an. Sáng sớm vào thăm, việc đầu tiên mẹ làm là lật xem bàn tay của cháu. Chị nín thở khi mẹ bật thốt:
- Con trai mà có bàn tay đẹp quá!
Rồi mẹ ngắm mãi, vuốt mãi. Một lúc, mẹ cúi xuống hôn bàn tay xíu xiu của nó. Yên nhìn chị, chị nhìn anh, anh nhìn thằng bé. Trong giấc ngủ thiên thần, nó cứu rỗi những bàn tay.
Sông Khê (Thanh niên)
Mẹ nói với dì:
- Con nhỏ tốt, nhưng bàn tay đẹp quá!
- Tay búp măng à?
- Không rõ. Nhìn bàn tay là biết không thể cáng đáng gia đình.
- Trời! Sao mà bà chị suy diễn lung tung. Bàn tay con gái thì phải thanh thon mới hay chứ.
- Chị không thích bàn tay tiểu thư, yếu đuối, biếng nhác.
Dì nổi cáu:
- Bàn tay không có nhằm nhò gì, quan trọng là cái đạo đức và cái đầu kia, bà chị à.
***
Anh Hai cưới vợ, một cô gái không đẹp, chỉ trông được được, nhưng có đôi bàn tay rất tuyệt: Những ngón thon dài trắng muốt, móng tay cũng đẹp, đáng yêu như những cánh hoa ti gôn ửng hồng trong nắng sớm. Có lần Yên đoán:
- Anh Hai yêu chị vì đôi bàn tay hả?
- Ừ. Không phải đôi mắt, mà bàn tay mới là cửa sổ của tâm hồn - anh nheo mắt một cách tinh ranh, chẳng nghiêm túc chút nào nhưng Yên vẫn tin là thật.
Yên không ngừng tưởng tượng ngay lần đầu tiên anh Hai đưa chị về nhà: Bàn tay ấy chắc phải là bàn tay của một nghệ sĩ đánh đàn piano, một họa sĩ lãng mạn, một diễn viên múa, hay một chuyên gia thiết kế thời trang… Bàn tay ấy phải thuộc về một người có nội tâm sâu sắc và óc thẩm mỹ tuyệt vời, làm việc gì cũng khéo léo trong từng chi tiết. Yên đoán già đoán non rồi quyết định hỏi thẳng chị để chắc rằng mình biết nhìn người qua đôi bàn tay:
- Chị làm nghề gì?
- Thủ quỹ.
Chị đáp nhẹ tênh. Yên ước sao mình đã nghe nhầm. Nhưng gương mặt thật thà của chị càng khẳng định Yên đã nhận được một thông tin chính xác trăm phần trăm.
Yên gặng hỏi:
- Công việc… có vui không, chị?
- Rất tốt. Chị trả lời bằng chất giọng tươi rói, mãn nguyện, kèm theo một nụ cười quá đơn sơ.
Sau này, mỗi khi gặp chị, Yên đều kín đáo ngắm đôi bàn tay ấy, rồi quay đi, nghe tiếc dằng dặc. Nó ấn tượng đến nỗi Yên chỉ muốn xóa bẵng trong đầu hình ảnh một đôi bàn tay tuyệt đẹp suốt ngày chỉ biết đếm tiền với đếm tiền, nhưng kỳ thực, càng không muốn nghĩ tới thì nó lại càng in trí sâu hơn. Và không nén được, có lần Yên nói toạc ý nghĩ của mình:
- Đôi bàn tay của chị đẹp như thiên thần mà cứ đếm tiền thì… trần tục quá! Em thấy chị làm thủ quỹ thiệt là uổng, đổi nghề đi chị!
Chị cười hiền hòa, im lặng, không biết nên đáp lại câu gì. Chị không phải là người khéo ăn nói, chỉ dễ mến nhờ có nụ cười dung dị và đôi tay mỹ miều.
***
Yên không có nhiều thời gian trò chuyện với chị vì thường chiều chị đi làm về thì Yên đã có giờ học thêm ngoại ngữ đến tận tối muộn. Sáng sớm chạm mặt nhau trong bếp, Yên lí lắc câu chào nửa tây nửa ta:
- Moa-ning, chị dâu!
Chị cười cười đáp lại một câu gần gần như vậy trong khi Yên lao ra khỏi nhà sau khi nhận lấy một cái hamburger, một hộp xôi hay một gói bánh từ bàn tay xinh xinh của chị.
Ngày sinh của mẹ, chị đặt lên bàn một giỏ hoa rất đẹp. Những nụ hồng chúm chím được sắp xếp khéo léo bên cạnh những cánh lan chi và dương xỉ mướt mát. Điệu đàng quá, đáng yêu quá, chưa bao giờ trong phòng khách nhà Yên có một giỏ hoa xinh tươi như thế. Yên sà đến ngắm nghía những búp hoa, nói như hát:
- Đúng là bàn tay nghệ nhân. Chị cắm hoa đẹp quá, chị ơi!
Chị cười bẽn lẽn:
- Đâu có… Tiệm hoa làm đó.
Yên cụt hứng, giận cả sự thật thà của chị. Giá mà chị biết nói dối một chút, xởi lởi một chút thì có hay hơn không? Yên nhíu mày, dù có vẻ vô lý, nhưng Yên vẫn cảm thấy chị đáng bị giận và chị cần biết điều đó. Rồi Yên cay độc hả hê khi mẹ làu bàu tỏ vẻ không vui khiến ánh mắt chị sẫm lại một thoáng:
- Bày vẽ chi cho tốn kém. Hồi nào tới giờ mẹ có làm sinh nhật đâu.
Anh Hai đính chính:
- Nhưng năm nay đặc biệt, mừng lục tuần của mẹ.
Mẹ nhìn giỏ hoa bình thản, không biểu lộ cảm xúc. Nhưng hôm ấy là một sự kiện đáng kể vì có cả bánh kem và một bàn tiệc thịnh soạn, tất cả đều được mua từ tiệm về, chỉ hâm nóng lại là có thể dọn lên ăn ngay. Yên thích kiểu này, nhanh gọn, không mất công nấu nướng, lại rất ngon. Nhưng mẹ có vẻ không ưng vì cho rằng làm vậy là xa xỉ quá, mua thức ăn về tự tay chế biến mới tốt, mới vui, mới không lãng phí.
Tối đó, nằm bên mẹ, Yên nghe tiếng thở dài:
- Ngay từ đầu mẹ đã nói rồi mà, bàn tay đẹp là bàn tay tiểu thư, chẳng làm được gì đâu!
Yên không đồng tình, định nói gì đó bênh vực chị, nhưng kỳ thực, Yên không muốn mở miệng. Yên thấy cần giận chị thêm một chút nữa.
Đêm ấy trời trở lạnh. Yên co rúm rúc vào nách mẹ. Mẹ siết chặt bàn tay Yên như truyền hơi ấm, và Yên giật mình nhận ra: Những ngón tay của mẹ thô ráp, cứng ngắt, to lớn như bàn tay đàn ông. Yên từng nghe dì kể mẹ vất vả ra sao trong căn-tin của một bệnh viện từ khi cha đi theo người khác. Tối muộn, sau giờ làm việc, mẹ đạp xe chở những thùng cặn thức ăn qua bảy cây số giao cho một nhà nuôi heo ở bên kia sông.
Hồi ấy, hơn hai tuổi, Yên đã sống với dì. Dì không chồng không con, thương Yên như con đẻ, nhưng lạ lắm, Yên vẫn luôn có cảm giác thèm mẹ. Thi thoảng mẹ đến thăm, hôn hít khắp mặt mũi và căn dặn đủ điều. Yên không nhớ bàn tay của mẹ lúc đó ra sao, chỉ tiếc rằng hồi vào lớp một Yên không được mẹ dắt tay đến trường như cậu bé trong câu chuyện của Thanh Tịnh. Suốt thời thơ ấu, mỗi lần nghe hay đọc đoạn văn "… mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…" thì Yên luôn cảm thấy khát khao… Yên hỏi về cha, mẹ nhíu mày không muốn nói. Yên đem câu hỏi đến dì, "Cha mày là nhà thơ, cũng có chút tiếng tăm, nhưng sống ngược lại với những gì ông ta đã viết" - dì chỉ nói bấy nhiêu, và Yên cũng không muốn biết thêm nữa. Rồi lớn lên, khi mẹ đem Yên về cách đây hai năm, Yên không còn mong được mẹ dắt tay bởi đôi tay Yên đã có người nâng niu cầm giữ. Yên bận rộn lắm, không có một giây phút nào ngắm nghía đôi bàn tay của mẹ. Cho đến đêm này...
Dưới lớp mền dày, Yên đan những ngón tay mình vào tay mẹ, cọ vào lớp da chai sần và những đốt xương kệch cộm. Lần đầu Yên biết yêu quá đôi bàn tay thô ráp. Lại nhớ đến đôi bàn tay đẹp xinh của chị. Chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, nhưng rõ ràng Yên bắt đầu không thích có sự tương phản như thế giữa hai phụ nữ dưới một mái nhà. Yên trở mình trong đêm. Hình như mẹ sợ Yên khó ngủ nên luồn bàn tay to lớn vào lưng Yên, vỗ nhè nhẹ như thể Yên còn là một bé con mặc tã. Hay mẹ muốn bù đắp lại thời thơ ấu cho đứa con gái không được gần mẹ hai mươi năm? Bàn tay của mẹ thô vậy mà thật ấm áp. Cuộn mình trong hạnh phúc, Yên ngủ bình an.
***
Một khoảng cách bức bối cứ phình ra giữa mẹ và chị. Một cái chén bị đánh rớt, một món canh nêm hơi mặn, một vết bẩn trên cổ áo chưa được giặt sạch,… đều được ghi nhớ khá lâu và trở thành chuyện kể, đôi khi câu chuyện còn chạy qua nhà dì rồi được kết thúc bài bản: "Đúng là bàn tay đẹp chỉ để làm kiểng!". Thực ra cũng có lúc Yên ngấm ngầm bất mãn thái độ cáu kỉnh của mẹ, nhưng Yên yêu mẹ hơn chị dâu nhiều lắm nên cảm giác ấy chóng qua đi.
Cho đến một ngày, khi chị mang thai tháng cuối, rấm rức khóc trong bếp vì những chuyện tủn mủn diễn ra hàng ngày quá sức chịu đựng, dì phát hiện, dỗ dành. Rồi dì lôi mẹ vào phòng riêng, rít từng tiếng:
- Sao cứ tự hành hạ mình, khắc nghiệt với cả con dâu? Chị nhớ không, chị còn có con gái, rồi nó cũng đi làm dâu nhà người ta…
Mẹ vuốt mặt bằng đôi bàn tay cằn cỗi, không lên tiếng, nhìn sâu vào những ngón tay, mà không, mẹ ngó xa lắm, như thể có một thế giới khác sau những vân tay rối rắm.
Dì dịu giọng, đưa tay xoa lưng mẹ:
- Chị là người hiền lành, em biết, khổ là chị cứ ấm ức với chuyện đôi bàn tay, với cái bài thơ đó… Quên đi, là giải thoát mình, chị à!
Mẹ lại vuốt mặt bằng đôi tay chi chít vết nhăn và lam nham đồi mồi. Khi mẹ ngẩng lên, có một giọt nước nhỏ rỉ ra khóe mắt, nhưng nó đậm đặc và nặng nề lắm, không lăn nổi, giọng mẹ đắng ngắt:
- Trong khi ông ta ôm ấp người đàn bà đó mà ca tụng đôi bàn tay với thơ với thẩn, thì đôi tay của chị mày phải gồng gánh bao nhiêu chuyện nặng nhọc mà ông ta vứt cho. Cái bài thơ ấy lại còn được thiên hạ xúm vào khen lấy khen để. Nếu là chị, mày có quên được không?
... Á... Ối!
Hình như là tiếng chị dâu.
Ba người phụ nữ đổ xô vào bếp. Chị đang chuyển bụng. Mẹ và dì dìu chị ra ngoài. Yên gọi gấp một chiếc taxi và gọi cả anh Hai. Buổi chiều cuối năm dài đằng đẵng khi cả nhà ngồi bên ngoài phòng sanh, đợi một thành viên bé bỏng chào đời. Mãi đến tối muộn mới hay chị và cháu bé bình an. Sáng sớm vào thăm, việc đầu tiên mẹ làm là lật xem bàn tay của cháu. Chị nín thở khi mẹ bật thốt:
- Con trai mà có bàn tay đẹp quá!
Rồi mẹ ngắm mãi, vuốt mãi. Một lúc, mẹ cúi xuống hôn bàn tay xíu xiu của nó. Yên nhìn chị, chị nhìn anh, anh nhìn thằng bé. Trong giấc ngủ thiên thần, nó cứu rỗi những bàn tay.
Sông Khê (Thanh niên)