PDA

View Full Version : Không chỉ là việc đòi đất



ThanhCaVN
06-10-2008, 11:36 AM
Không chỉ là việc đòi đất

Tiến sĩ Chu Thiên Lan
Viết cho BBC từ Occidental College, Los Angeles

Việc nhà nước trưng thu khu đất Thái Hà và Tòa Khâm cũ chỉ là khía cạnh rõ nét nhất của mối liên hệ sóng gió giữa Giáo Hội Công Giáo và Nhà Nước Cộng Sản tại Việt Nam.


http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/2008/01/20080125101649churchmuong203.jpg

Vụ Tòa Khâm sứ từ cuối năm 2007 đánh dấu sự đối đầu hiếm có giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo

Hiện nay, cũng chưa rõ là hình thức trưng thu này nói lên được gì về tình trạng yếu kém của Nhà Nước và sức mạnh tiềm ẩn của một giáo hội thiểu số tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, dường như giáo hội Công giáo và Nhà Nước đang trên đường xây dựng một mối liên hệ bền vững và tích cực mà điển hình là Tổng Giám mục Sài Gòn, Phạm Minh Mẫn, được công nhận là vị Hồng Y thứ nhì tại Việt Nam hồi năm 2003 và chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Việt Nam đến Vatican hồi năm 2007.

Do vậy, không hiểu rằng quyết định trưng thu khu đất chung quanh Tòa Khâm cũ kế cạnh Nhà Thờ Lớn tại Hà Nội vào sáng sớm ngày 19 tháng Chín năm 2008, có phải là để nhắc nhở rằng Nhà Nước không ngừng muốn kiểm soát Giáo hội Công giáo chăng?

Cơ chế xin cho

Phải hiểu làm sao đây các biện pháp này có nghĩa gì đối với Giáo hội Công giáo và Nhà Nước cộng sản Việt Nam?

Dưới góc độ Giáo hội Công giáo, những vụ tranh chấp đất đai như vậy không phải là một điều gì mới mẻ hoặc đặc thù riêng cho Việt Nam.

Trước đây và mãi tới bây giờ, các nước cộng sản đều đã thành công trong việc đập tan hoặc o ép Giáo hội ở một mức độ nào đó.

Tại Việt Nam, giáo hội Công giáo chỉ được sinh hoạt trong khuôn khổ cho phép và việc bổ nhiệm hàng giáo phẩm địa phương phải được chính quyền chấp thuận.

Trong cái cơ chế "xin cho" bất thành văn này, giáo hội Công giáo muốn được "cho" sinh hoạt , thì phải "xin" chính quyền.

Hiểu từ khía cạnh này, các vụ tranh chấp đất đai tại Hà Nội chỉ là một phần của các vụ tranh chấp đang tiếp diễn giữa Giáo Hội và Nhà Nước.

Nhưng Giáo hội Công giáo sẽ vẫn tồn tại mặc cho các vụ dằng co về pháp lý và tình trạng khống chế, bởi vì nếu xét theo con số thống kê, các vụ chạm trán dạo gần đây đều tương đối thuận lợi cho Giáo hội.

Lý do một phần là nhờ Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có được sự hậu thuẫn của các giới không theo đạo nhưng lại đáp ứng một cách tích cực lời lẽ của các giáo điều từ thời Cộng đồng Vatican Hai.


http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/2008/10/20081002055723giammuc.jpg


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Hội đồng Giám mục ngày 1 tháng Mười

Bất bạo động

Do đó, người ta dự đoán rằng giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ tự giữ mình một cách nhất quán vào đặc trưng của các giáo hội Công giáo tại các nước cộng sản cũng như không cộng sản.

Đó là Giáo hội kêu gọi chính quyền đối thoại bất bạo động và còn các bên sẽ hành xử như là một chứng nhân cho sự thật.

Đây cũng chính là những gì mà giáo hội tại các nước thuộc khối Đông Âu cũ đã trải qua, như học giả Tim Byrnes đã nói rằng trong một nước Ba Lan cộng sản, Thiên Chúa Giáo (và qua đó Giáo Hội) là "một thước đo lường không thể nhầm lẫn được cho thấy giới hạn của một thể chế độc tài chuyên chính sẽ dừng lại đâu trong thế kỷ thứ 20 này".

Nói cho cùng, quả thật, Giáo hội Công giáo đã bị thiệt thòi nhiều về vật chất của cải vì các biện pháp của chính quyền.

Tuy nhiên, cuộc tụ tập của hơn 15 ngàn tín đồ Công giáo trong hai ngày để phản đối việc chính quyền biến đất của ròa Khâm thành một công viên, lại là một chiến thắng có tính cách tượng trưng cho Giáo hội.

Nếu xét theo cuộc phản đối này mà vốn là cuộc phản đối đông đảo nhất từ khi Cộng sản chiếm quyền bính hồi năm 1954, thì sự hậu thuẫn của nhân dân dành cho Giáo hội chắc chắn đã gửi cho chính quyền một thông điệp: đó là phải nhẹ tay đối với Giáo hội.

Quan điểm Vatican

Việc trưng thu đất chung quanh tòa Khâm cũ vừa là một khởi đầu vừa là một kết thúc.

Có thể là việc trưng thu này đánh dấu một khởi đầu trong mối liên hệ với Vatican vì các cuộc đàm phán không chỉ tùy thuộc vào việc giải quyết cuộc tranh chấp đất đai mà thôi.

Quan điểm của Vatican khi muốn lập liên hệ ngoại giao với các nước cộng sản là để quảng bá tự do tín ngưỡng. Và quan điểm này không phải là một điều mới lạ gì.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hồi năm 1999, khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Vatican là Hồng Y Angelo Sodano, mà nay đã qua đời, đã nói rằng Vatican sẵn sàng dời tòa Khâm Sứ từ Đài Bắc sang Bắc Kinh "ngay trong đêm" nếu như lập được liên hệ ngoại giao chính thức với Trung quốc.

Động thái ngoại giao này có dụng ý là thúc giục Trung Quốc phải công nhận cho người dân có được tự do tín ngưỡng và đồng thời xuyên qua đó Trung Quốc phải minh bạch trong chính sách về tôn giáo của họ.

Cái tính chất lô-gích này cũng có thể được áp dụng cho Việt Nam: một vụ tranh giành đất đai không thể nào nâng cao quyền tự do tôn giáo của con người hoặc là tiếp cận cộng đồng tín đồ Thiên Chúa Giáo được ước lượng có đến tám triệu người cho được.

Đối với chính quyền, mặc dù ngờ vực Vatican và Giáo hội Công giáo từ ngàn xưa, nhưng chính quyền có quá nhiều quyền lợi khi bình thường hóa ngoại giao với Vatican, từ việc hợp tác để phát triển hòa bình cho tới các vấn đề phát triển quốc nội mà trong đó, tín đồ Công giáo sẽ tham gia vào các chương trình xã hội.

Tuy nhiên, mỉa mai thay, cũng chính các quyền lợi này sẽ là một chất xúc tác cho các vụ tiếp xúc và thậm chí có thể đi đến việc bình thường hóa giữa Vatican và Việ Nam.

Nếu đúng như vậy, qua việc trưng dụng đất đai, chính quyền, một cách vô tình, đã bước tới giai đoạn cuối cùng trong chuyện o ép Giáo hội, trước khi chịu để cho Vatican mở một văn phòng chính thức tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam không che dấu gì việc chiếm đóng số 42 Phố Nhà Chung và sự hiện diện của chính quyền tại nơi tiếp tục vẫn được "sờ thấy".

Từ nhiều năm qua, mọi người đã nghe tiếng nhạc disco vang lên từ tòa Khâm cũ với âm lượng đinh tai nhức óc từ sáng sớm, lấn át những buổi cầu kinh trong nhà Thờ Lớn.

Thách thức cho tính chính danh

Do đó, tại sao chính quyền lại dùng thủ đoạn lấn áp bằng âm thanh này nếu như giáo hội Công giáo chỉ là giáo hội của một thiểu số người tại Việt Nam ?

Trong lúc chuẩn bị đưa xe ủi đất vào để làm công viên, chính quyền cảm thấy cần thiết phải đã đưa hàng trăm nhân viên cảnh sát dùng chó nghiệp vụ và dây kẽm gai để bảo vệ an ninh khu vực này.

Nghe nói là chính quyền đã dùng cả máy phá sóng để ngăn các điện đàm trong khu vực Nhà Thờ Lớn trong dịp này.

Hay là chính quyền cảm thấy là phải đủ mạnh để đối phó với một thế lực mạnh hơn là chính quyền muốn thừa nhận?

Các vụ phản đối tại Thái Hà và Tòa Khâm cũ rọi sáng những thách thức của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, nhưng thực ra nhân vật chính của câu chuyện lại là nhà nước Việt Nam. Những sự kiện đã và đang diễn ra thử thách khả năng của nhà nước trong việc tôn trọng luật pháp của chính họ và công dân.

Với nhà nước, nan đề không phải chỉ là một mảnh đất - thách thức cho tính chính danh qua cuộc đối đầu với một tôn giáo xuyên quốc gia không phải là điều những người cộng sản mong muốn.

Về tác giả: Phó giáo sư Chu Thiên Lan, người Mỹ gốc Việt, hiện giảng dạy tại khoa Ngoại giao và Đối ngoại, Đại học Occidental, California. Luân án tiến sĩ của bà ở Đại học George Washington năm 2005 nói về vai trò của Giáo hội Công giáo tại các nước cộng sản.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/