PDA

View Full Version : Tính chất độc đáo của Thánh Kinh



littlewave
08-10-2008, 02:31 PM
Tính chất độc đáo của Thánh Kinh

Tôi thường được nghe đi nghe lại câu hỏi sau đây: “Ông không đọc Sách Thánh chứ, phải không?” hoặc “còn sao nữa, Sách Thánh cũng chỉ là một cuốn sách như những cuốn sách khác; ông nên đọc cuốn...”. Tôi có quen một sinh viên. Anh ta rất hãnh diện có một cuốn Sách Thánh trên giá sách cùng với những cuốn sách khác nổi danh khác, chỉ có điều anh ta chẳng bao giờ đụng đến nó. Lại có một giáo sư kia luôn hạ thấp giá trị Sách Thánh trước mặt học trò và chỉ nghĩ đến việc đọc nó cũng khiến ông cười khẩy, chứ đừng nói đến chuyện lưu giữ trong thư viện.

Thiển nghĩ những câu hỏi và nhận xét như trên chứng tỏ các tác giả đều là những người suy nghĩ một chiều, có thiên kiến, ít hiểu biết và ít đọc sách. Vì thực sự Sách Thánh phải là sách hàng đầu trên giá sách của ta. Nó hết sức độc đáo. Vâng, đúng thế, rất độc đáo! Giáo sư M. Montiero-William, cựu giáo sư Sanskrit của đại học Boden, người đã dành cả 42 năm nghiên cứu các sách Phương Đông, đã nói như sau khi so sánh chúng với Sách Thánh: “Nếu muốn, các bạn hãy xếp chúng ở phía trái bàn học; nhưng hãy đặt một mình cuốn Thánh Kinh của bạn ở phía mặt, vâng chỉ một mình nó thôi, tách biệt hẳn những cuốn kia. Vì, có cả một hố thẳm giữa nó và những cuốn vốn được coi là sách thánh của Phương Đông kia, một hố thẳm khiến nó hoàn toàn khác biệt hẳn các cuốn sách ấy, khác hoàn toàn và khác mãi mãi... một hố thẳm sẽ không bao giờ được nối liền bằng bất cứ khoa học tư tưởng tôn giáo nào” (Collett, Sidney. All About the Bible. Old Tappan: Revell n.d. pp 314,315).

Sau đây là một số cơ sở chứng minh tính chất độc đáo của Thánh Kinh:

1. Độc đáo vì tính liên tục của nó

Đây là một Sách đã được viết trong khoảng thời gian hơn 1500 năm, qua 40 thế hệ, do 40 tác giả thuộc nhiều giai cấp xã hội khác nhau như vua chúa, nông dân, triết gia, ngư phủ, thi nhân, nhà cai trị, học giả... Moses, một lãnh tụ chinh trị, được huấn luyện từ các đại học Ai-Cập; Peter, một ngư phủ; Amos, một người chăn cừu; Joshua, một tướng lãnh; Nehemiah, một người hầu rượu; Daniel, một thủ tướng; Luke, một y sĩ; Solomon, một nhà vua; Matthew, một viên thu thuế; Paul, một giáo sĩ... Lại được viết tại nhiều nơi khác nhau: Moses nơi hoang địa, Jeremiah nơi ngục thất, Daniel trên sườn đồi và trong điện ngọc, Paul trong khám lớn, Luke lúc du hành, John trên đảo Patmos... Và viết vào những thời điểm khác nhau: David trong thời chiến, Salomon trong cảnh thái bình. Viết trong những tâm trạng khác nhau: kẻ viết trong hân hoan, người viết trong sầu muộn. Viết tại 3 lục địa khác nhau: Á Châu, Phi Châu và Âu Châu, bằng ba ngôn ngữ khác nhau: Hi-bá-lai (Hebrew), ngôn ngữ chính của Cựu Ước (được gọi là “ngôn ngữ Judah” trong Vua 2 18:26-28), và “ngôn ngữ Canaan” trong Isaiah 19:18); Aramaic, ngôn ngữ chung miền Cận Đông cho đến thời Alexander Đại Đế (Tk 6 B.C – Tk 4 B.C.); Hy-lạp, ngôn ngữ của Tân Ước, một ngôn ngữ được coi là quốc tế vào thời Chúa Giêsu. Liên tục tính của Thánh Kinh còn được chứng tỏ qua hàng ngàn những đề tài bề ngoài xem ra chống chọi nhau mà kỳ thực rất ăn ý hòa hợp với nhau kết thành một câu chuyện duy nhất: câu chuyện Thiên Chúa cứu vớt con người. Từ Sáng Thế cho đến Khải Huyền, biết bao vấn đề chung qui chỉ nhằm kể lại cùng một câu chuyện ấy. Geisler và Nix nhận xét như sau: “Thiên Đàng Bị Đánh Mất trong Sáng Thế đã trở thành Thiên Đàng Đuợc Tìm Lại trong Khải Huyền. Cây sự sống khi bị rào lại trong Sáng Thế, đã được mở ra vĩnh viễn trong Khải Huyền” (Geisler, Norman L. & William E. Nix. A General Introduction to the Bible. Chicago: Moody Press,1968, p. 24). Còn F.F. Bruce thì cho hay: “Bất cứ bộ phận nào của cơ thể cũng chỉ có thể giải thích thích đáng khi qui chiếu với toàn bộ cơ thể. Bất cứ phần nào của Thánh Kinh cũng chỉ có thể giải thích thích đáng khi qui chiếu với toàn bộ Thánh Kinh mà thôi... (Thực vậy) Thánh Kinh không phải chỉ là một hợp tuyển; vì có cả một sự thống nhất nối kết toàn bộ với nhau. Hợp tuyển do một người chọn lựa góp nhặt nên, nhưng đâu có người nào góp nhặt tạo ra Thánh Kinh” (Bruce, F.F. The Books and the Parchments. Rev. ed. Westwood: Fleming H. Revell Co., 1963, pp.88-89).

2. Độc đáo vì sự phổ biến của nó

Chúng tôi chỉ xin dựa vào các con số của Thánh Kinh Hiệp Hội (Bible Societies) như đã được trình bày trong Encyclopedia Britannica, Encyclopedia Americana, One Thousand Wonderful Things About the Bible (Pickering), All About the Bible (Collett), A General Introduction to the Bible (Geisler and Nix):

SỐ THÁNH KINH ĐƯỢC XUẤT BẢN
NIÊN BIỂU
SỐ THÁNH KINH
TÂN ƯỚC
MỘT PHẦN

Đến 1804

(Thánh kinh Hội Anh)
409,000,000
x
x

1928

(Guideons of America)
965,000
x
x

1928

(Thánh kinh Hội-Tôcách lan)
88,070,068

(Thánh kinh Hội Dublin)
6,987,961

1927

(Thánh kinh Hội Đức)
900,000 1930
12,000,000

Đến 1932
1,330,213,815

1947
14,108,436

1951
952,666
1,913,314
13,135,965
1955
25,393,161

1950-1960 (hàng năm)

3,037,898
3,223,986
18,417,989
1963
54,123,820

1964

(Thánh kinh Hội Mỹ)
1,665,559

1964

(Các Hội Thánh kinh khác)
69,852,337
2,620,248
39,856,207

1965
76,953,369


1966
87,398,961

Thánh Kinh được nhiều người đọc, được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, và số lượng ấn hành hoặc từng phần hoặc trọn bộ nhiều hơn bất cứ sách nào khác. Nhiều người cho rằng trong một thời gian nhất định nào đó, có thể có những cuốn sách khác được bán nhiều hơn. Tuy nhiên, xét toàn bộ, không có sách nào có thể so sánh với Thánh Kinh về số lượng phát hành. Sách lớn đầu tiên được in chính là bản Thánh Kinh Vulgate (Bản Phổ thông) bằng tiếng Latinh. Nó được in tại nhà in của Gutenberg.

Hy Pickering cho hay vào tiền bán Thế Kỷ 20, để thoả mãn yêu cầu, Hội Thánh Kinh tại Anh và các Hội Thánh Kinh ngoại quốc khác đã cứ “ba giây bất kể ngày đêm phải ấn hành một bản; 22 bản mỗi phút; 1,369 bản mỗi giờ; 32,876 bản mỗi ngày một năm. Cũng là điều lý thú khi biết rằng con số Thánh Kinh lớn lao ấy đã được gửi đi khắp nơi trên thế giới bằng 4,583 kiện hàng cân nặng 490 tấn” (Ramm, Bernard. Protestant Christian Evidence. Chicago: Moody Press, 1957, p.227). Cuốn The Cambridge History of the Bible cho hay: “Không có sách nào ví được với Thánh Kinh về số lượng lưu hành đều đặn ấy” (Greenslade, Stanley Lawrence (chủ biên), New York: Cambridge University Press, 1963, p. 479).

3. Độc đáo vì các bản dịch

Thánh Kinh là một trong những sách lớn đầu tiên được phiên dịch: Bản Bẩy Mươi dịch Thánh Kinh bằng tiếng Hibálai qua tiếng Hylạp, vào khoảng năm 250 B.C. Nó là sách được dịch đi dịch lại nhiều lần và được diễn giải nhiều hơn bất cứ sách nào khác hiện có trên thế giới. Theo Bách khoa Từ Điển Anh, “đến năm 1966, trọn bộ Thánh Kinh xuất hiện trong 240 thứ tiếng và thổ ngữ khác nhau... một hoặc hai cuốn trong bộ Thánh Kinh đã xuất hiện trong 739 thứ tiếng khác nữa...Có cả thẩy 3,000 dịch giả làm việc giữa các năm 1950-1960 để phiên dịch Thánh Kinh” (cuốn 3, 1970, p.588).

4. Độc đáo vì sự sống còn của nó

Được viết trên những chất liệu dễ hư, lại bị sao đi chép lại hàng trăm năm trước thời kỳ tìm ra máy in, Thánh Kinh vẫn không suy giảm về văn phong, nét chính xác và sự sống còn của mình. So với các trước tác cổ khác, Thánh Kinh có nhiều chứng cớ về thủ bản (manuscripts) hơn bất cứ 10 tác phẩm cổ điển nào khác hợp lại. John Warwick Montgomery cho hay: “hoài nghi bản văn tồn tại của Thánh Kinh là cho phép người ta phải loại bỏ mọi văn bản cổ, vì không có một tài liệu cổ nào có giá trị về thư mục học (bibliographically) cho bằng Tân Ước “ (History and Christianity. Downers Grove, Il 60515: Inter-Varsity Press, 1971, p. 29). Bernard Ramm đề cập đến sự chân xác (accuracy) và con số các bản chép tay của Thánh Kinh như sau: “Người Do-Thái gìn giữ Thánh Kinh như chưa bao giờ có một bản chép tay nào được gìn giữ như thế... Với các văn bản truyền thuống (massora), họ giữ sổ kiểm soát từng chữ, từng vần, từng từ từng cú. Họ có những loại người đặc biệt mà nhiệm vụ duy nhất là bảo tồn và lưu truyền những bản văn này một cách vô cùng trung thành, ký lục, luật sĩ, người sao chép (massoretes). Đâu có ai đã đi đếm từng chữ từng vần của Plato hoặc Aristotle, của Ciceron hoặc của Seneca chưa?” (Đã dẫn, p. 230, 231).

So sánh Thánh Kinh với các trước tác của Shakespeare, John Lea, trong The Greatest Book in the World, viết như sau: “Xem ra có vẻ lạ ở điểm văn bản của Shakespeare dù mới chỉ xuất hiện non hai trăm tám mươi năm nay, vậy mà lại kém chính xác và bị sai lạc rất nhiều so với văn bản của Tân Ước, là văn bản đã có từ hơn mười tám thế kỷ qua, trong đó hết mười lăm thế kỷ dưới dạng chép tay... Người ta có thể nói có lẽ chỉ trừ chừng mười hai hoặc hai chục ngoại lệ, văn bản của từng câu trong Tân Ước đã được hầu hết các học giả đồng ý cho là ổn định, đến nỗi nếu có tranh luận về lối đọc của nó thì chỉ là vấn đề giải thích từ ngữ hơn là nghi hoặc về chính từ ngữ ấy. Còn đối với trọn bộ ba mươi bẩy kịch bản của Shakespeare, kịch bản nào cũng có hàng trăm lối đọc còn đang trong vòng tranh luận, mà phần lớn lại ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của đoạn văn trong những từ ngữ ấy xuất hiện” (Philadelphia, 1929, p. 15)

Mà nào Thánh Kinh có được sống thanh thản đâu! Nó liên tục bị những tấn công hiểm ác chưa có sách nào sánh bằng. Nhiều người đã ráng thiêu hủy nó, ngăn cấm nó và đặt nó “ra ngoài vòng pháp luật từ những ngày của các hoàng đế La-mã đền những quốc gia do Cộng Sản thống trị ngày nay”. Sidney Collett, trong cuốn All About the Bible, viết: “Voltaire, một kẻ vô tín ngưỡng nổi tiếng của Pháp, chết năm 1778, có lần nói rằng trong vòng một trăm năm sau thời đại ông, Kitô giáo sẽ bị quét sạch khỏi cõi nhân sinh và sẽ lui vào lịch sử. Thế nhưng điều gì thực sự đã xẩy ra? Voltaire đã lui vào lịch sử, trong khi việc lưu hành Thánh Kinh vẫn gia tăng khắp nơi trên thế giới, mang ơn phúc đến bất cứ nơi nào nó xuất hiện. Thí dụ, Nhà thờ Chính toà Anh giáo tại Zanzibar đã được xây trên nền Chợ Nô Lệ ngày trước, và Bàn Hiệp Lễ được dựng ngay trên chính địa điểm dùng làm cột đánh đòn hồi đó! Thế giới đầy những thí dụ như vậy... Như ai đó nói rất đúng rằng ráng chặn đứng Thánh Kinh khỏi lưu hành cũng giống như thể ghé vai vào cái bánh xe đang cháy rực của Mặt Trời để nó ngưng không còn sản xuất ra cái sức nóng kinh khủng nữa” (Old Tappan: Revell, n.d. p. 63). Cũng oái oăm thay cho Voltaire, “chỉ năm mươi năm sau ngày ông chết, Hội Thánh kinh của Geneva đã dùng máy và nhà in của chính ông để in hàng ngàn Sách Thánh” (Geisler, Norman L. and William E. Nix, A General Introduction to the Bible. Chicago: Moody Press, 1968, p.132).

Năm 303 A.D., Diocletian ra chiếu chỉ cấm Kitô hữu thực hành việc thờ phượng và ra lệnh tiêu hủy Thánh Kinh của họ. “... Chiếu chỉ của hoàng đế được phổ biến khắp nơi, ra lệnh phải san bằng các nhà thờ và thiêu đốt các Sách Thánh, và công bố rằng những người hiện đang giữ các chức vụ cao sẽ mất hết quyền dân sự, còn mọi người dân giã nếu cứ cố tình tuyên xưng Kitô giáo, sẽ mất hết quyền tự do” (Greenslade, Stanley Lawrence (chủ biên), Cambridge History of the Bible. New York, Cambridge University Press, 1963, p.476). Oái oăm lịch sử là chỉ 25 năm sau, Constantine, người kế vị Diocletian, đã dùng ngân quĩ nhà nước để thực hiện 50 bản Thánh Kinh.

Sống còn qua bách hại, Thánh Kinh cũng sống còn qua công kích nữa. H. L. Hastings đã minh họa như sau về những cuộc tấn kích của những người vô đạo và hoài nghi chống Thánh Kinh: “Những kẻ vô đạo suốt trong một nghìn tám trăm năm qua đã luôn luôn bác khước và hạ bệ Thánh Kinh, nhưng Thánh Kinh vẫn đứng vững như bàn thạch. Số lượng lưu hành ngày một gia tăng, càng ngày càng được mộ mến, trân quí và tìm đọc hơn bao giờ hết. Những người vô đạo, khi tấn công như thế, chỉ làm nó xây sát như người dùng búa đóng đinh nện vào Kim Tự Tháp Ai Cập” (Lea, John W. The Greatest Book in the World. Philadelphia, 1929, p.17). Bernard Ramm thì cho hay: “Cả hàng ngàn lần rồi, chuông báo tử Sách Thánh đã được gióng lên, kiệu đưa xác đã được sắp xếp, bia mộ đã được khắc xong, và án lệnh đã được đọc. Ấy thế nhưng cái xác đâu có chịu nằm im. Chưa có sách nào từng bị chặt, sẻ, sàng sẩy, bới móc, và phỉ báng cho bằng. Đã có sách triết lý hay tôn giáo hoặc tâm lý hay văn chương cổ hoặc tân thời nào từng bị tấn công hàng loạt như Sách Thánh hay chưa? Tấn công một cách thâm độc và đầy nghi hoặc? Một cách toàn diện và uyên bác nữa? Từng chương, từng giòng và từng chủ trương? Ấy thế nhưng Thánh Kinh vẫn được hàng triệu người yêu mến, đọc và nghiên cứu” (Đã dẫn, p.232, 233).

Một điều lý thú nên ghi nhận là cái “Giả thiết Tài liệu” (Documentary Hypothesis) xuất hiện những năm gần đây. Người ta cho rằng ngoại trừ lý do có nhiều danh xưng được xử dụng để chỉ về Chúa ra, sở dĩ cần có giả thiết này là vì Ngũ Kinh không thể do Moses trước tác ra được, vì thời Moses làm gì đã có chữ viết, mà có có đi nữa, thì cũng chưa được xử dụng một cách rộng rãi. Như vậy thì hiển nhiên phải do những tác giả sau này. Và đó là công trình của phê phán: chính các soạn giả J, E, P, D đã sắp xếp Ngũ Kinh lại với nhau. Những người chủ trương Giả Thiết này còn đi xa hơn bằng cách chia một câu thành ra ba bốn tác giả khác nhau. Nhờ thế, họ dựng lên cả một thứ cấu trúc phê phán vĩ đại. Nhưng rồi ai đó đã khám phá ra “tấm bia đen” (black stele) (xem Unger, Merrill F. Archaeology and the Old Testament. Chicago: Moody Press, 1954, p. 444). Tấm bia này có khắc những chữ như hình cái nêm và đó là bộ luật Hammurabi rất chi tiết. Tấm bia này có sau thời Moses phải không? Dạ không ! Nó có trước thời Moses; không những thế, nó còn đi trước các trước tác của Moses ít nhất cũng 3 thế kỷ. Ấy thế mà Moses vẫn bị người ta coi là anh chàng ăn lông ở lỗ đến mẫu tự cũng không có! Và cái “Giả Thiết Tài Liệu” kia vẫn tiếp tục được truyền dạy. Phái này còn cho rằng vào thời Abraham làm gì có dân Hittites, vì không nơi nào có bằng chứng về sắc dân này cả ngoại trừ trong Cựu Ước. Hiển nhiên đó chỉ là huyền thoại. Lại sai nữa, do thành quả của khảo cổ, ngày nay có cả hàng trăm tín liệu rải rác hơn 1,200 năm nhắc đến nền văn minh Hittite (Josh McDowell, Evidence that Demands Verdict, pp.309-311).

5. Độc đáo vì nội dung của nó

Wilbur Smith, người đã sưu tập hơn 25,000 cuốn sách, cho hay trong suốt năm ngàn năm lịch sử con người, chưa có cuốn sách nào sánh với Thánh Kinh. “Đó là cuốn sách duy nhất chứa đựng phần lớn các lời tiên tri liên quan đến từng dân tộc, đến Israel, đến mọi người trên mặt đất, nhất là về việc xuất hiện của Đấng sẽ là Cứu Tinh. Thế giới cổ thời có nhiều phương thế khác nhau để xác định tương lai, mà người ta gọi chung là bói toán (divination), nhưng trong toàn bộ sách vở Hy-lạp và La-tinh, mặc dù người ta có dùng từ ngữ tiên tri, hay nói tiên tri (prophecy), nhưng không bao giờ ta gặp được lời tiên tri thực sự cá biệt nào có thể tiên đoán những biến cố lịch sử lớn lao trong một tương lai xa thẳm, cũng như lời tiên tri nào về một Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện trong nhân loại...” (The Incomparable Book. Minneapolis: Beacon Publications, 1961, p. 9).

Mặt khác, Thánh Kinh có một nội dung lịch sử thật phong phú. Từ Samuel I đến Chronicles II, người ta đọc thấy lịch sử của Israel trải dài hơn năm thế kỷ. Trong The Cambridge Ancient History (Vol. 1, p.222), ta đọc thấy: “Chắc chắn người Do-Thái đã biểu lộ tính thiên tài củahọ trong việc dựng lại lịch sử, và Cựu Ước đã bao hàm một trước tác lâu đời nhất về lịch sử hiện còn được lưu giữ”. Nhà khảo cổ danh tiếng, Giáo sư Albright, đã bắt đầu thiên khảo luận của ông The Bible Period bằng những lời sau đây: “Truyền thống quốc gia Hi-bá-lai trổi vượt hơn mọi truyền thống khác trong bức tranh rõ rệt của họ về nguồn gốc bộ tộc và gia đình. Ở Ai-Cập và Babylon, ở Assyria và Phoenicia, ở Hy-lạp và La-mã, ta không thể tìm thấy điều gì sánh bằng. Cũng chẳng có chi trong truyền thống Đức, Ấn Độ và cả Trung Hoa nữa có thể sản xuất ra một hình ảnh tương tự, vì những ký ức lịch sử sớm nhất của họ chỉ là những áng văn gạn lọc đến méo mó nói về những truyền thống triều đại xưa, mà không hề có dấu vết nào đề cập đến những mục tử hay nông dân đứng đàng sau những bán thần (demigod) hay vua chúa dẫn đầu việc ghi chép của họ. Trong các trước tác cổ xưa nhất về lịch sử của Ấn Độ (bộ Puranas) cũng như nơi các sử gia đầu tiên của Hy-lạp, ta không thấy ngụ ý nào cho thấy giòng giống Indo-Aryans và giòng giống Hellenes xưa kia là những dân du mục đã từ phương bắc tràn vào mảnh đất họ sinh sống sau này. Tuy người Assyria có mơ hồ nhớ được rằng các nhà cai trị đầu tiên của họ là những người ở lều, nhưng từ đâu tới thì họ không nhớ chút nào” (Finkelstein, Louis (chủ biên) The Jews, Their History, Culture, and Religion. Vol.1, ấn bản 3. New York: Harper and Brothers, 1960, p. 3). Bảng liệt kê tên các nước ở Sáng Thế 10 là một trình thuật lịch sử chính xác một cách lạ lùng. Cũng theo Albright, “Nó tuyệt đối độc nhất trong nền văn chương cổ thời, cả người Hy-lạp cũng không có được cái gì sánh với nó được... Bảng kê tên các nước vẫn còn là một tài liệu chính xác một cách lạ lùng...” (Albright, William F. Recent Discoveries in Bible Lands. New York: Funk and Wagnalls, 1955, p.70).

Tính chất độc đáo cũng còn tìm thấy ở một phương diện khác đó là Thánh Kinh đề cập một cách hết sức thành thật đến tội lỗi của các nhân vật. Hãy đọc các sách tiểu sử ngày nay, ta sẽ thấy người ta tìm cách đậy điệm, bỏ sót hay làm ngơ nhiều khía cạnh đen tối của các nhân vật. Phần lớn các thiên tài văn chương đã được tô vẽ như là thánh nhân. Thánh Kinh không làm như thế. Nó chỉ kể lại sự thực. Tội lỗi các nhân vật bị lên án: Thứ Luật 9:24; tội lỗi các tổ phụ: Sáng Thế 12:11-13, 49:5-7; các tác giả Phúc âm mô tả các lỗi lầm của chính mình và của các Tông đồ: Mt 8:10-26, 26-31-56, Mc: 6:52, 8:18, Lc: 8:24,25, 9:40-45, Jn: 10:6, 16:32; các lộn xộn trong Giáo hội: 1 Cor: 1:11, 15:12, II Cor: 2:4...

6. Độc đáo vì các ảnh hưởng đối với các nền văn chương chung quanh

Trong cuốn The Greatest English Classic, Clelanld B. McAfee cho hay: “Nếu mọi cuốn Thánh Kinh trong một thành phố đáng kể nào đó bị hủy diệt, thì chính Thánh Kinh vẫn sẽ dễ dàng được tái tạo trong những phần chủ yếu nhờ những trích đoạn của các tác phẩm khác trong thư viện thành phố ấy. Có những công trình do hầu hết các tác giả văn chương lớn biên soạn dành để đặc biệt chứng tỏ rằng Thánh Kinh đã ảnh hưởng đến họ ra sao” (New York, 1912, p.134). Sử gia Philip Schaff, trong cuốn The Person of Christ, American Tract Society, 1913 đã đề cập đến ảnh hưởng của Thánh Kinh và con người Đấng Cứu thế như sau: “Đức Giêsu của thành Nagiarét này, tuy không tiền không súng, nhưng đã chinh phục nhiều triệu người hơn cả Alexander, Caesar, Mohammed, và Napoleon; tuy không nghiên cứu học hành, nhưng Ngài đã chiếu dọi nhiều ánh sáng trên các sự vật nhân bản và thần linh hơn mọi triết gia và học giả cộng lại; tuy không học khoa hùng biện của bất cứ trường phái nào, nhưng Ngài đã nói những lời đem lại sức sống như chưa bao giờ trước đó và sau đó đã có, và tạo ra những hiệu quả vượt xa tầm với của bất cứ nhà hùng biện hoặc thi nhân nào; tuy không viết một giòng nào, nhưng Ngài đã khởi động nhiều cây viết, cung cấp thể tài cho nhiều bài giảng, bài tranh luận, các tác phẩm uyên bác, các công trình nghệ thuật, và các bài ca tán tụng hơn hẳn toàn bộ các vĩ nhân của cổ và tân thời”. Còn Bernard Ramm thì thêm như sau: “Từ thời các Giáo phụ Tông đồ nghĩa là từ những năm 95 công nguyên cho đến ngày nay, có cả một giòng văn chương vĩ đại lấy cảm hứng từ Thánh Kinh – từ điển Thánh Kinh, Bách khoa Thánh Kinh, Ngữ vựng Thánh Kinh, Bản đồ Thánh Kinh, địa dư Thánh Kinh. Những tác phẩm ấy chỉ là những khởi đầu. Vì ta còn phải kể đến những thư mục vĩ đại xung quanh thần học, giáo dục tôn giáo, thánh ca học, truyền giáo học, ngôn ngữ Thánh Kinh, lịch sử Giáo hội, tiểu sử tôn giáo, các trước tác đạo đức, các chú giải bình luận, triết học tôn giáo, các chứng tá, hộ giáo, v.v... Con số dường như vô tận” (Ramm, Bernard, Protestant Christian Evidences. Chicago: Moody Press, 1957,p.239).

Để kết luận, tưởng cũng nên nhớ một điều Thánh Kinh là cuốn sách duy nhất đã được đưa ra ngoại tầng không gian, dưới hình thức microfilm. Nó cũng là sách mắc tiền nhất thế giới. Cuốn Thánh Kinh bằng tiếng Latin (bản Vulgate) do Gutenberg in đã được bán với giá $100,000 (Mỹ Kim). Người Nga bán cho nước Anh bộ Thánh Kinh Codex Sinaiticus với giá $510,000 (Mỹ Kim).

Theo Josh McDowell, Evidence That Demands Verdict, Campus Crusade for Christ, San Bernardino,1979

Vũ Văn An (CGVN)