Ðăng Nhập

View Full Version : Bài giảng Chúa nhật 2 Phục sinh năm 2013



gioanha
04-04-2013, 09:49 PM
CHÚA NHẬT II PS; LÀM GÌ ĐỂ CỦNG CỐ ĐỨC TIN VÀO MÀU NHIỆM PHỤC SINH?



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
GP. Xuân Lộc

Chỉ chưa tròn một tháng trong cương vị là người kế vị Thánh Phêrô, người bảo vệ và dẫn dắt đức tin của cả Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đang dẫn dắt Giáo Hội bước đi trong một giai đoạn mới, giai đoạn mà thế giới đã nhìn Giáo hội bằng con mắt nghi kỵ, và nhiều người tín hữu đã xa lìa đức tin Công giáo. Qua cách sống và cung cách phục vụ của Ngài, nhiều người đã tim lại được đức tin và trở về với sự hiệp thông hiệp nhất với đức tin Công giáo và yêu mến Giáo Hội hơn.

Kính thưa quý OBACE, Phêrô và Giáo Hội chính là nơi nuôi dưỡng và củng cố đức tin cho mỗi người tin hữu, và chỉ khi hiệp thông hiệp nhất với Phêrô và giáo Hội thì đức tin của chúng ta mới có thể thể lớn mạnh và trưởng thành mà thôi, đó cũng là điều Tin Mừng hôm nay muốn khẳng định với chúng ta.

Thực tế những dấu chứng về cuộc phục sinh của Chúa như ngôi mồ trống, những tấm khăn liệm và khăn che mặt Chúa được xếp gọn gàng và có sứ thần nói với các phụ nữ rằng Chúa đã chỗi dây Ngài không còn ở đây nữa, vẫn không đủ để thuyết phục các tông đồ, vì niềm tin vào màu nhiệm phục sinh quá lớn lao mà trí óc con người khó có thể chấp nhận ngay được. Chúa Giêsu Phục sinh đã nhiều lần hiện ra để củng cố đức tin cho các tông đồ, để minh chứng cho các ông thấy Ngài đã sống lại thật và vẫn đang sống.

Tin Mừng hôm nay thuật lại hai lần Chúa phục sinh hiện ra với rất nhiều chi tiết: lần thứ nhất xảy ra vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, tức là chiều Chúa nhật tuần trước, khi ấy các tông đồ còn chưa hết hoang mang sợ hãi, các ông đang sống mà như đã chết, một đàng vì sợ người Do Thái, đàng khác, các ông còn đang bị ám ảnh bởi cái chết của Thày, và tương lai của các ông chưa biết sẽ như thế nào, chính lúc ấy Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra để cũng cố đức tin cho các ông. Món quà đầu tiên mà Chúa Giêsu ban cho các tông đồ lúc này đó chính là ơn bình an: Bình an cho các con, nói thế rồi Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người, bình an là ơn mà các tông đồ đang thực sự cần thiết trong lúc này. Tiếp theo ơn bình an, Chúa Giêsu ban cho các tông đồ ơn lớn lao hơn đó là Ơn Thánh Thần và ơn tha tội, Ngài thổi hơi và phán: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại; Kể từ đây, Chúa Thành Thần trở thành sức mạnh cho các tông đồ Ngài hiện diện và hoạt động trong các tông đồ và giáo Hội, ban cho các tông đồ quyền năng tha tội là quyền năng của chính Thiên Chúa, và cũng từ đây các ông sẽ trở thành những con người nối dài và thực thi quyền năng của Thiên Chúa trên trái đất đồng thời trở thành điềm tựa đức tin cho mọi người.

Câu chuyện về lần hiện ra lần thứ hai muốn nhấn mạnh đến sứ mạng làm chứng nhân đức tin về màu nhiệm phục sinh của Giáo hội, và tông đồ Tôma đã được cũng cố đức tin nhờ sư hiệp thông với Phêrô và Giáo hội. Có lẽ có cùng tâm trạng sợ hãi và chán nản như các tông đồ khác sau biến cố tử nạn của Chúa, nhưng Tôma đã bỏ anh em tông đồ để ra đi, vì thế lần trước Chúa Phục sinh hiện ra với các anh em khác, thì đã không có Toma, và vì thế anh đã nhất định không tin, và anh còn đi đến một lập trường cứng rắn: Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không xỏ bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin. Điều đó càng cho thấy rằng niềm tin vào Chúa phục sinh không thể là một niềm tin tự mình có thể khám phá, mà phải là một niềm tin được ban cho và được đón nhận, đồng thời niềm tin này được ban qua Giáo hội và chỉ khi hiệp thông với giáo hội thì mới có thể đón nhận được.

Tám ngày sau khi Toma trở về hiệp thông trọn vẹn với anh em tông đồ, tức là Giáo Hội, Chúa Phục sinh lại hiện ra với các tông đồ và dành cho Toma một sự ưu ái đặc biệt, Ngài đã gọi đích danh Toma và mời gọi Toma: Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem tay Thày. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thày. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin. Cuộc gặp gỡ này là một ân huệ và quả thật đã thay đổi hoàn toàn con người của Toma. Cho ông đụng chạm vào các vết đinh, tức là Chúa Giêsu cho ông được đụng chạm đến những dấu tích yêu thương của ngài, được đụng chạm đến lòng thương xót của Ngài; xỏ bàn tay vào cạnh sườn Chúa, Toma sẽ được đụng chạm đến trái tim yêu thương của Thiên Chúa, chính cuộc tiếp xúc này đã làm cho đức tin của Toma được hồi sinh và được vững mạnh và ông đã tuyên xưng niềm tin của mình: Lạy chúa tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi.

Lời tuyên xưng của Toma vào Chúa Giêsu đã thể hiện một bước nhảy dài từ sự cứng lòng đi đến chấp nhận đức tin, và từ một đức tin đón nhận từ công đoàn, đi đến một xác tin cá nhân vào Chúa Phục sinh. Qua tuyên xưng: Lạy Chúa tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi, Toma đã tuyên xưng Đức Giêsu Phục sinh không chỉ là Chúa, là Đấng Mesia cứu thế, mà con là Thiên Chúa, là Đức Chúa, Đấng đã tỏ mình cho ông Mose trên núi Sinai và là Đấng tổ tiên đã tôn thờ. Chúa Giêsu đã chấp nhận lời tuyên xưng của Toma và còn chúc phúc cho những thế hệ tín hữu sau các tông đồ và cho chúng ta hôm nay, những người không được chứng kiến những lần Chúa hiện ra, nhưng chúng ta vẫn tin dựa vào lời chứng của các tông đồ: Phúc cho những ai không thấy mà tin.

Bài đọc một cho thấy các tông đồ đã trở thành điểm thu hút dân chúng bởi vì những việc lạ lùng các ông đã thực hiện nhân danh Chúa phục sinh, và nhất là người ta nhìn thấy sự thay đổi trong cuộc đời của các tông đồ, từ những con người bình dân kém cỏi trở nên những con người thông thái, từ những con người nhát đảm trở thành những người mạnh dạn nói về Chúa Phục sinh, từ những con người hết sức bình thường giờ đây lại là những người làm nhiều phép lạ. Đoạn sách Công Vụ còn cho thấy Phêrô và các tông đồ đã trở nên như những con người siêu phàm quyền năng, khi các ông đi ngang qua, bóng của các ông phủ lên bệnh nhân nào thì người ấy được chữa lành. Tất cả những gì các tông đồ làm và rao giảng đều là những việc làm của thiên Chúa dưới sự tác động của Thánh Thần, mà Đấng Phục sinh đã ban cho các Ngài.

Thưa quý OBACE, là người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, song đức tin của chúng ta vẫn bị tấn công bới thế gian và ma quỷ, bị đe dọa bởi khoa học và các chủ thuyết, nhất là niềm tin vào màu nhiệm phục sinh vẫn đang là một thách thức cho chúng ta, để có thể đứng vững trong đức tin trước những cơn bão tấn công của ngày hôm nay, trước hết chúng ta cần phải trở về trong sự hiệp thông và hiệp nhất với Giáo Hội. Hãy khiếm tốn lắng nghe theo sự chỉ dạy của Giáo hội qua việc giải thích Kinh thánh và giảng dạy giáo lý, nhất là qua chính đời sống đức tin của Giáo hội đang được thể hiện qua những việc cử hành phụng vụ mỗi ngày. Vì chỉ ơ trong Giáo Hội chúng ta mới có thể đón nhận được đức tin, và chỉ khiêm tốn lắng nghe, đức tin chúng ta mới được củng cố. Ngày hôm nay các thế lực của xã hội đang muốn chia tách chúng ta khỏi Giáo Hội và gieo những nghi ngờ cho chúng ta về Giáo Hội, về đức tin vào Đức Giêsu, hãy hết sức cảnh giác với những âm mưu đó.

Để đức tin được vững mạnh, chúng ta cũng cần phải có những kinh nghiệm riêng tư về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa, nói cách khác, chúng ta cũng cần phải có kinh nghiệm được “đụng chạm” đến Thiên Chúa và quyền năng của Ngài, hãy gặp gỡ tiếp xúc với Thiên Chúa cách thường xuyên qua cầu nguyện và nhất là qua việc tham dự các Bí tích, nhất là Bí tich Thánh Thể, vì chính nhờ các bí tích chúng ta được đụng chạm đến lòng thương xót và sư hiện diện của Chúa Phục sinh.

Thái độ của Toma có thể cũng giống thái độ của nhiều người trẻ hôm nay, cậy dựa vào khoa học và thực nghiệm để đi đến chỗ kiêu căng và thách thức Thiên Chúa, thách thức Giáo hội, từ chối sư hiện diện của Thiên Chúa và quay lại phê bình chỉ trích giáo hội là bảo thủ là cổ hũ. Các bạn trẻ hãy học theo gương của Toma, hãy khiêm tốn để trở về với sư hiệp thông với Phêrô Giáo Hội, hãy đón nhận lời chứng và sự chỉ dạy của Giáo Hội, và chỉ khi có một thái độ khiêm tốn và sẵn sàng, thì Chúa phục sinh sẽ cho các bạn được gặp Ngài, và cho các bạn được đụng chạm đến trái tim yêu thương của Ngài.

Xin cho chúng ta nhận ra được sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong Thánh lễ này và được củng cố đức tin nhờ siêng năng lãnh nhận Thánh Thể của Chúa. Amen.

gioanha
04-04-2013, 09:51 PM
BÀI HỌC SỰ THA THỨ



Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
GP. Xuân Lộc


Có những lúc chúng ta vô tình làm người khác bị tổn thương, dù muốn dù không chúng ta vẫn để lại một dấu ấn không đẹp trong lòng của họ. Nhưng điều quan trọng là: Có người khắc nó mãi mãi trong lòng, có người xua tan nó bằng sự bao dung và tha thứ. Thực ra, có bao dung tha thứ, lòng chúng ta mới thanh thản bình an. Có bao dung tha thứ, con người chúng ta mới sống bên nhau trọn đời.

Có hai người bạn đang đi trên một con đường vắng vẻ. Họ trò chuyện. Họ tranh luận với nhau. Vì bất đồng quan điểm nên một trong hai người đã không kiềm chế được bản thân nên đã tát một cái thật mạnh vào má của bạn mình.

Người bạn kia rất đau nhưng không nói một lời nào, anh lặng lẽ viết lên cát dòng chữ “Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt của tôi”
Hai người vẫn tiếp tục đi, đến một con sông họ xuống tắm, anh bạn bị tát bị vọp bẻ và suýt chết đuối nhưng may nhờ bạn mình cứu kịp nên thoát chết.
Khi đã hết hoảng sợ, anh viết trên vách đá “Hôm nay người bạn thân nhất đã cứu sống tôi”

Anh chàng kia ngạc nhiên hỏi: “Tại sao khi tôi đánh anh , anh viết trên cát, còn khi tôi cứu anh anh lại viết trên đá??”

Mỉm cười, anh trả lời: “Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng với sự tha thứ… Và khi có điều gì đó tốt đẹp cho chúng ta, hãy khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xoá nhòa được…”

Trong cuộc sống đã có bao nhiêu lần chúng ta ghi lên đá và bao nhiêu lần chúng ta ghi lên cát? Chuyện vui, chuyện buồn luôn xảy đến trong cuộc đời chúng ta. Vui buồn đều sẽ qua đi mau chóng hay âm ỉ lâu dài cũng tùy thuộc vào cách chúng ta đón nhận chúng. Cách tốt nhất để có cuộc sống hạnh phúc là đừng để cuốn sổ ghi nợ cuộc đời chi chít bởi số lần người khác không làm mình hài lòng. Hãy xóa đi những gì người khác làm cho mình không vui, đừng lưu giấu sự giận giữ, cũng như sự hận thù trong lòng. Chúng ta càng cau có với người khác bao nhiêu thì cuộc đời sẽ cau có với chúng ta bấy nhiêu! Hãy sống và mở rộng lòng mình để gió cuốn đi những ký ức không vui và khắc mãi những điều tốt đẹp người khác đã làm cho mình.

Cuộc sống rất cần sự tha thứ. Tha thứ để sống chung dài lâu với nhau. Tha thứ để sống chung hòa bình với nhau. Sống chung có đụng nên sự tha thứ cần thiết để hàn gắn những đổ vỡ do hiểu lầm, nghi kỵ, ích kỷ gây ra sự rạn nứt tình người.

Tuy nhiên, tha thứ không phải là chuyện dễ. Người tha thứ thường phải trả một giá rất đắt. Lắm khi chúng ta phải quên mình, chịu thiệt thòi hoặc dẹp bỏ tính tự ái của mình để tha thứ cho nhau. Có bà vợ kia, tự ý lấy tiền để hàn hụp làm ăn với bạn. Sau đó bị bạn lừa gạt nên mất số tiền khá lớn. Người chồng biết được việc này thì rất giận vợ cô cùng, nhưng khi thấy vợ thật lòng hối hận và xin lỗi. Người chồng sẵn sàng tha thứ. Từ đó dù cuộc sống có chật vật hơn nhưng họ vẫn vui vẻ cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Gương tha thứ cao cả nhất mà chúng ta cần học hỏi chính là gương của Chúa Giê-su. Ngài đã tha thứ và tha thứ luôn mãi. Ngài đã tha thứ cho các môn đệ khi họ phản bội Ngài, chối bỏ Ngài. Ngài đã tha thứ khi người ta xỉ vả, đóng đinh Ngài. Ngài vẫn tha thứ khi Ngài sống lại mà có người vẫn còn cứng lòng tin.

Tình thương tha thứ hôm nay được thể hiện qua việc Ngài chúc bình an cho các môn đệ. Ngài không oán trách các ông. Ngài không để bụng tội các ông. Ngài hiện diện không phải để kết án mà để trao ban bình an của sự tha thứ. Chính tình yêu tha thứ đó, Ngài đã củng cố niềm tin nơi các môn đệ để từ nay họ trở thành kẻ loan truyền tình yêu và sự tha thứ cho nhân trần.

Ước gì chúng ta hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ khi biết lấy lòng yêu thương, chấp nhận những oan trái mà người khác đã làm cho chúng ta. Tha thứ thật là chấp nhận nhau, đón nhận nhau trong bao dung tha thứ. Tha thứ thật cũng có nghĩa là dù có quyền giận nhưng vẫn vui vẻ tha thứ, dù có quyền trách móc nhưng vẫn nhẫn nại nhịn nhục.

Ước gì chúng ta hãy tha thứ cho nhau vì chính chúng ta cũng có lầm lỗi. Hãy sẵn sàng tha thứ cho vợ, chồng mình, vì ai cũng có những lầm lỗi. Hãy tha thứ cho nhau. Một người luôn sẵn lòng tha thứ, thì không phá hỏng gia đình vì những giận hờn, ghen ghét , nhưng luôn biết dùng tình yêu để cải hóa nhau. Tha thứ cũng phải kèm theo tính nhẫn nại. Một anh chồng nghiện ma túy, người vợ biết tha thứ thì phải nhẫn nại chịu đựng một thời gian dài để anh ta cai nghiện dần dần… Một chị vợ “lắm điều”, ông chồng muốn tha thứ cũng phải chịu đựng một thời gian để chị vợ dần dần nhận thức ra tình yêu thương của chồng mà đổi tính dần dần. Tuy nhiên, hạnh phúc phải hệ tại ở mọi thành viên trong gia đình. Một người có lòng tha thứ thì người kia cũng phải bớt đi những lỗi lầm. Cả hai cùng tôn trọng và xây dựng hạnh phúc cho nhau.

Xin Chúa giúp chúng ta biết thực hành lời Chúa là “hãy tha thứ cho nhau”. Xin cho chúng ta luôn biết đem lại bình an cho nhau. Xìn đừng để những tật xấu làm mất đi tình hiệp nhất với nhau. Xin giúp chúng ta biết noi gương Chúa luôn biết yêu thương và tha thứ cho nhau. Amen