PDA

View Full Version : Thư ĐGM giáo phận gửi anh chị em lao động nhân ngày cử hành Năm Đức Tin



JB.Lưu Hùng Vương
27-04-2013, 10:18 AM
http://gpquinhon.org/qn/uploads/news/2012_11/daude.jpg

THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

GỬI ANH CHỊ EM LAO ĐỘNG
NHÂN NGÀY CỬ HÀNH NĂM ĐỨC TIN
CHO GIỚI LAO ĐỘNG TRONG GIÁO PHẬN QUI NHƠN
01 – 05 – 2013


Anh chị em lao động thân mến,

1. Hằng năm, vào ngày 01 tháng 05, Giáo Hội cử hành lễ thánh Giuse thợ, để cầu nguyện cho các anh chị em lao động trên toàn thế giới. Ngày lễ thánh Giuse thợ năm nay được giáo phận Qui Nhơn chọn làm ngày cử hành Năm Đức Tin cho các anh chị em lao động trong giáo phận, để giúp anh chị em sống đức tin của mình trong khi thi hành những công việc thường ngày theo gương thánh Giuse, người thợ mộc làng Nadarét.

Hằng ngày anh chị em phải lao động, nhiều khi rất vất vả, để nuôi sống bản thân và gia đình. Người thì lao động trí óc, kẻ thì lao động chân tay. Có nhiều hình thức lao động khác nhau, nhưng lao động chân chính dưới bất cứ hình thức nào cũng đều đáng trân trọng. Lao động không chỉ mang chiều kích kinh tế như một phương tiện mưu sinh, nhưng còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân bản như: qua lao động, con người nhân bản hóa thiên nhiên bằng cách in vào đó dấu vết của mình; lao động giúp con người phát triển các khả năng và nhân cách, phát huy sự hợp tác giữa người với người, góp phần phục vụ anh chị em đồng bào và đồng loại, nâng cao xã hội.[1]

2. Đặc biệt, nhờ ánh sáng đức tin do Thánh Kinh đem lại, anh chị em biết rằng lao động phát xuất từ những con người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi cộng tác với Người trong công trình tạo dựng và làm phát triển vũ trụ. Qua lao động, con người tiếp nối công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa, như lời công đồng Vaticanô II đã dạy: “Trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Đấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử”.[2]

Lao động còn có giá trị cứu độ. Chính Chúa Giêsu đã chọn cuộc sống lao động tay chân và qua đó Người đã nâng cao giá trị của lao động. Người đã thực hiện công trình cứu độ không chỉ bằng ba năm rao giảng với cuộc tử nạn và Phục sinh, nhưng còn bằng ba mươi năm lao động tại Nadarét như một người thợ. Khi chịu đựng những vất vả của lao động trong sự kết hợp với Chúa Giêsu, anh chị em cộng tác vào công trình cứu độ của Người, và chứng tỏ mình là môn đệ của Người khi vác thập giá trong những công việc nặng nhọc hằng ngày.[3]

Cuối cùng, lao động cũng là phương thế dẫn tới sự thánh thiện, là hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nếu được thực hiện vì tình yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân. “Theo gương Chúa Kitô đã sống như một người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi sinh hoạt trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất: các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo. Dưới sự điều hướng tối cao của các giá trị tôn giáo này, mọi sự được qui hướng về vinh quang Thiên Chúa”.[4]

3. Được ánh sáng đức tin soi chiếu để thấy được ý nghĩa Kitô giáo của lao động, anh chị em hãy chu toàn công việc của mình với tinh thần đức tin và trong sự phó thác cho Thiên Chúa. Đặc biệt, anh chị em đừng quá bận tâm đến công ăn việc làm đến độ không còn quan tâm đến các giá trị tinh thần và phần rỗi linh hồn. “Thực vậy, giáo huấn của Chúa Giêsu vẫn còn vang dội mạnh mẽ ngày nay như trước đây: ‘Anh em hãy cố gắng làm việc không phải để được lương thực mau qua, nhưng là lương thực tồn tại mãi mãi’ (Ga 6,27)”.[5]

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse thợ, ban cho anh chị em một đức tin sống động và những sự trợ giúp cần thiết, để khi làm việc anh chị em cảm nhận được niềm vui và những công việc của anh chị em đạt được kết quả tốt đẹp.



Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 31 tháng 03 năm 2013


+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn
www.gpquinhon.org