PDA

View Full Version : Thứ Ba Tuần V Phục Sinh Năm C



hoathuytinh
29-04-2013, 07:56 PM
BÀI ĐỌC I: Cv 14, 18-27 (Hl 19-28)
"Các ngài thuật cho giáo đoàn nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người Do-thái từ Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân chúng. Họ ném đá Phaolô, và tưởng rằng Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài thành. Nhưng đang khi các môn đồ đứng xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi vào thành, và hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Đerbê. Khi đã rao giảng Tin Mừng cho thành này và dạy dỗ được nhiều người, các ngài trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: "Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa". Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Đấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin. Các ngài còn ở lại đó với môn đồ trong một thời gian lâu dài.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 21
Đáp: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (x. c. 12a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Đáp.

2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Đáp.

3) Miệng tôi hãy xướng lời ca ngợi khen Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 14, 27-31a
"Thầy ban bình an của Thầy cho các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy".
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net (http://www.thanhlinh.net)

phale
29-04-2013, 11:55 PM
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian (Ga 14,27)

http://tgpsaigon.net/sites/default/files/imagecache/main_img/sites/default/files/Images/Suyniem201205/Ga 14,27-31a.jpg


Suy niệm:

Ai trong chúng ta cũng thấy cần được bình an yên ổn hơn cả cơm ăn, áo mặc. Bình an còn có nghĩa là một tình trạng mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Cho nên chúc bình an là chúc một tình trạng mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Bình an còn có nghĩa là sự sung mãn đầy đủ như ý muốn (St 43, 25). Bình an đối với dân Do thái cũng có nghĩa là yên ổn làm ăn, vì dân Do thái là dân hay giao tranh, nên bình an được coi là bổng lộc Giavê thưởng cho lòng trung tín (Lv 26, 6).

Nhưng sự bình an lớn lao nhất đó là sự bình an của Chúa Thánh Thần, là sự bình an tương quan đến Thiên Chúa. Chúa Giêsu gọi những người đem lại bình an là con cái Nước Trời (Mt 5, 9). Chúa chúc bình an cho người có lòng ngay lành dưới thế (Lc 2, 14). Sự bình an Chúa Thánh Thần mang đến là chính ơn cứu rỗi (Ga 14, 27; Cl 1, 20; Ep 4, 14). Phúc âm hay Lời Chúa cũng được gọi là “Tin Mừng bình an” (Cv 10, 36). Đấy là bình an của Chúa.

Trong quá khứ có lẽ chúng ta đã đi tìm bình an như bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, nhân mạng. Giới ca sĩ bảo hiểm giọng hát, nghệ sĩ bảo hiểm đôi tay, cầu thủ bảo hiểm đôi chân, rồi có tiền thì gửi gắm chỗ nào chắc chắn nhất. Nhưng rồi chỗ chắc chắn nhất lại trở thành chỗ bất an nhất. Chúa không muốn ban thứ bình an tạm bợ mong manh ấy “Ta không ban như kiểu thế gian thường ban tặng” (c. 27). Chúa không ban một thứ bình an để hưởng thụ, ngồi chơi xơi nước không chịu làm việc.

Bình an của Chúa là gì ? Thưa là thứ bình an bắt nguồn từ chính Ngài. Bình an trước hết là bình an với Chúa, là sống công chính trước mặt Ngài, là sống giới luật của Ngài, có Ngài trong đời sống của mình, có Ngài làm chủ đời mình. Bình an đối với Chúa chính là hiệp nhất với Ngài và sống một đời sống vâng ý Ngài.

Bình an đây còn hiểu là bình an với anh em mình. Hơn bao giờ hết người ta mong bình an, người ta kêu gọi sự hoà thuận giữa người và người mà căn bản vẫn là từ lòng mình. Mình có bình an thì mới có thể đem biếu, đem chia sẻ được. Sự bình an bắt đầu từ lòng mình rồi mới ra tới xã tắc nhân quần.

Vậy chúng ta đã có sự bình an như thế chưa ? Liệu chúng ta có được sự bình an của Chúa Giêsu, Đấng đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa trong giây phút hấp hối “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46)? Liệu chúng ta có được sự bình an của cụ già Simêon trong cảnh tuổi đời gần đất xa trời vừa ẵm bế hài Nhi vừa “xin cho tôi tớ ra đi bình an”. Tv 22 nói: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì... dầu qua thung lũng âm u tôi chẳng sợ nguy hiểm vì có Chúa ở cùng tôi”

- Ông Gióp ngồi giữa đống phân tro với thân xác nhầy nhụa phong hủi, ông vẫn bình an tạ ơn Chúa.

Trong trận lụt Hồng Thủy, những trận mưa nước kinh hồn giáng xuống trên sự rối loạn của tạo vật lúc ấy, trong khi mọi tạo vật lúc ấy phải chịu cảnh rối loạn cực kỳ sợ hãi về tinh thần và của cải, thì Noe bình an trong một chiếc tàu mong manh cùng với gia đình, đoàn vật (St 6,1-9).
Như thế bình an của Chúa không hệ tại bên ngoài nhưng nội tâm lòng người.

Bình an của Chúa Cha không phải là một thứ an tâm trong cám dỗ và thiếu sót, không phải là tránh né tiếng nói của lương tâm để sống trong tội lỗi và tật xấu, không phải là đầu hàng để sống sai trái và bất công. Song bình an của Chúa là niềm hân hoan, vì tâm hồn được hòa giải với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Dù có đau khổ trong tinh thần hay thân xác, có cả những lo âu trăn trở, thì những đau khổ, những lo âu ấy cũng được chấp nhận chia sẻ, và nó có một giá trị như những đau khổ của Chúa, như một chia sẻ với những khó khăn và thử thách với người mình yêu thương.

Để được hưởng sự bình an ấy, chúng ta cần sống hoà giải với Chúa, với tha nhân và với chính mình, nghĩa là không để tội lỗi làm mình bất nhân, bất nghĩa với Chúa, không để lòng mình sôi sục vì những ghen ghét, vì những bon chen ước muốn quyền lực, danh vọng... Chúa ban bình an cho chúng ta là để chúng ta mang bình an cho tha nhân, để chúng ta trở thành dụng cụ bình an của Chúa với người khác.

Bình an của Chúa Giêsu ở đây là lời trăng trối cuối cùng của Ngài, khi Ngài sắp ra đi chịu chết; đồng thời cũng là bình an của niềm vui khi Ngài sống lại. Bình an thật quan trọng, vì đó là ơn Chúa Thánh Thần ban; nó chính là hạnh phúc thật mà chúng ta đang tìm. Bình an đó, Thiên Chúa còn muốn cho mọi người, cho mọi quốc gia trên thế giới đều được hưởng mà chúng ta gọi là “hòa bình”.

Cầu nguyện:

Vâng, lạy Chúa, có nhiều lần con tự trấn an mình bằng những gì mình có, con chiếm hữu và lo giữ lấy. Trước bạn bè, con giả vờ như rất an tâm giữa những tiếng ồn ào, huyên náo; nhưng thật sâu bên trong con lại chẳng an tâm. Xin ban cho con bình an của Chúa, thứ bình an mà không đau khổ nào có thể chạm tới, bình an của một tâm hồn luôn sống trong sự thật.


nguồn: http://tgpsaigon.net (http://tgpsaigon.net/suy-niem/20120507/16036)