PDA

View Full Version : Tại sao Phaolô được gọi là tông đồ khi Ngài không nằm trong 12 người được chọn?



littlewave
10-10-2008, 09:52 PM
Bài 6 - Tại sao Phaolô được gọi là tông đồ trong khi Ngài không là một trong mười hai người được Chúa Giêsu chọn?

Thánh Phaolô có lẽ chưa bao giờ tiếp xúc với Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt khi Chúa Giêsu còn sống, nhưng Ngài gặp Chúa Giêsu trên đường Damas, sau khi Chúa Giêsu đã sống lại. Trong thư viết cho giáo dân Côrintô và Galata, Phaolô khẳng định là Chúa Giêsu Kitô kêu gọi Ngài làm Tông đồ (1 Cor 1:1; Gal 1:1).

Nhưng để hiểu vai trò của một Tông đồ, ta cũng nên biết ý nghiã của danh từ này. Trong tiếng Hilạp apostolos có nghĩa là người được sai đi; và danh từ môn đệ - tiếng Hi lạp mathētēs - có nghĩa là học trò, học sinh.

Trong Tân ước, đôi khi các thánh sử dùng hai danh từ này thay đổi nhau để chỉ cùng một đối tượng. Mathêu gọi Nhóm Mười Hai - một danh từ đặc biệt chỉ 12 người được chọn và sống gần gũi với Chúa Giêsu - là Tông đồ (Mt. 10:2) khi kê khai tên họ, nhưng ông lại gọi họ là những Môn đệ khi nhắc đến họ trong những lần khác. Chỉ có Luca dùng danh từ Tông đồ hầu như để dành riêng cho Nhóm Mười Hai mà thôi, dù một lần trong sách Công vụ tông đồ, Luca gọi Phaolô và Barnabas là hai Tông đồ (Cvtd 14:14).

Cũng nên biết rằng con số Mười Hai là dấu chỉ quan trọng có ý nghĩa tôn giáo và liên quan đến mười hai chi họ Israel. Vì thế sau khi Giuda phản bội, nhóm Mười Một đã chọn Mathias thay thế cho đủ số Mười Hai. Nhưng sau khi các Tông đồ trong nhóm Mười Hai qua đời, họ không còn bốc thăm để thay thế nữa (Cvtd 1:21-26).

Thánh Phaolô không dùng danh từ Môn đệ mà dùng từ Tông đồ để chỉ mình và những người cộng tác đương thời. Ngài dùng từ Tông đồ để chỉ những người được Chúa Giêsu kêu gọi và sai đi rao giáng tin mừng. Với Nhóm Mười Hai, Phaolô dùng từ này để chỉ cả nhóm hơn là cá nhân (1 Cor 15:5).

Liệt kê danh sách những công việc mục vụ, thánh Phaolô kể chức năng Tông đồ vào hàng đầu tiên: “thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ….” (1 Cor 12: 28). Trong khi công nhận vai trò quan trọng của các Tông đồ đối với mình, Phaolô cũng tự nhận là Tông đồ, nhất là mỗi khi nói đến quyền giảng dạy (Rom 1:1; 2 Cor 1:1; Gal 1:1). Phaolô còn so sánh mình là Tông đồ dân ngoại và Phêrô là Tông đồ của những người chịu cắt bì (Gal 2:8).

Như vậy, danh từ Tông đồ được dùng không chỉ cho Nhóm Mười Hai mà còn với Phaolô, Barnabas, và nhiều người được Chúa Giêsu Kitô kêu gọi và sai đi trong thời sơ khai. Khi so sánh mình với những Tông đồ này (là những người được sai đi, không hẳn chỉ là Nhóm Mười Hai), Phaolô lên tiếng: “tôi nghĩ là tôi cũng chẳng thua gì những Tông đồ siêu đẳng kia đâu” (1 Cor 11:5).

Các thánh giáo phụ vẫn cắt nghĩa rằng Phaolô tự hào nhận mình là Tông đồ vì Ngài cảm nghiệm chắc chắn rằng Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi và cắt đặt Ngài đi rao giảng tin mừng - không thua gì những Tông đồ được sống với Chúa Giêsu - qua việc làm và lời nói (2 Cor 12:12; Cvtd 19;11-12).

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

Nguyên Xuân
13-10-2008, 10:09 PM
Trong tiếng Hilạp apostolos có nghĩa là người được sai đi; và danh từ môn đệ - tiếng Hi lạp mathētēs - có nghĩa là học trò, học sinh.

.

Alô cho em hỏi thêm : vậy tại sao tiếng Việt dịch ra là Tông đồ ?
"Đồ" thì em hiểu nhưng "Tông" nghĩa là gì ?

KẺ DU MỤC
13-10-2008, 11:32 PM
Có những cái như thế là như thế.
Có những việc đừng hỏi tại sao? Hãy tìm hiểu tại sao lại thế.

sue
13-10-2008, 11:46 PM
hic hic ... nếu Sue nhớ không lầm (thường thì trí nhớ không tốt, xin Chúa soi sáng con trong lúc này) - thì có nghe Cha xứ giảng nghĩa từ "tông đồ"
- Tông : là tổ tông truyền lại, như các tiên tri xức dầu cho đấng sẽ tiếp bước mình, như Chúa Jesu trao quyền cho thánh Phero.
- Đồ : là môn đồ, là người môn đệ được tuyển chọn.
Hình như còn ý nghĩa "tông đồ" là những môn đồ đầu tiên, nên sau này không có ai được gọi là tông đồ nữa.

hic, ai biết rõ hơn thì trả lời dùm Sue.