PDA

View Full Version : Bài giảng Chúa nhật 11 thường niên năm C



gioanha
13-06-2013, 09:55 PM
TỘI LỖI – SỰ THA THỨ



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Giáo sư ĐCV Xuân Lộc


Trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Đức, một binh lính người Đức trên đường hành quân đã gặp một binh lính người Pháp đang ấn nấp ở một hố cá nhân, anh lính người Đức đã đưa súng lên nhắm bắn, và khi đến gần, người lính Pháp kia trước khi chết đã rút trong túi ra một cái bóp và đưa cho người lính Đức. Trước hành động này, khiến cho người lính Đức vô cùng áy náy, sau đó người lính Đức đã mở bóp ra thấy một tấm hình và địa chỉ của người mẹ và gia đình. Sau cuộc chiến, sự ám ảnh về cái chết của người lính Pháp cứ đeo bám anh, và anh đã quyết định viết một lá thư cho người mẹ của anh lính Pháp kia, trong thư anh viết: Thưa bà, tôi hết sức đau lòng về cái chết của con bà, xin thành thật chia buồn với bà và gia đình, đồng thời tôi thành thật xin lỗi bà và gia đình, mong bà tha thứ cho tôi, vì tôi chính là người đã cầm súng bắn vào con bà, tôi rất ân hận và áy náy về việc làm này, mong bà tha thứ cho tôi. Một tuần sau người lính Đức này đã nhận được lá thư trả lời từ người mẹ người Pháp, bà viết: Cảm ơn cậu về lá thư, và những tâm tình của cậu, trước lời đề nghị của cậu, gia đình chúng tôi muốn cho cậu biết rằng: vì Chúa và từ đáy lòng, chúng tôi đã tha thứ cho cậu dù cậu đã bắn giết con tôi, và chúng tôi cũng có một đề nghị với cậu, nếu được, chúng tôi muốn nhận cậu làm con của gia đình chúng tôi thay cho con tôi, và nếu có dịp qua Pháp, mời cậu về ở với gia đình chúng tôi.

Thưa quý OBACE, khi bị xúc phạm hay bị tổn thương, để nói lời tha thứ đã là khó, càng khó hơn nữa khi thật lòng tha thứ và hành động chứng tỏ sự tha thứ của mình. Con người thường hay nuôi thù và tìm cơ hội để báo oán, có những mối thù truyền kiếp từ đời này qua đời khác, có những người chấp nhận đem nỗi oán hận xuống mồ chứ không chịu tha thứ, hoặc là nếu phải tha thứ thì người ta cũng đặt ra rất nhiều điều kiện. Thiên Chúa đã hành xử hoàn toàn khác với con người, Lời Chúa của Chúa Nhật XI hôm nay giới thiệu cho chúng ta rằng, Thiên Chúa chúng ta là một người cha quảng đại và sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của con người. Nhiều người vẫn cứ nhìn Thiên Chúa như một vị quan tòa, chỉ rình chờ con người sai phạm để kết an hay trừng phạt, thế nhưng Thiên chúa lại không như thế, mà Ngài thực sự là một người Cha quảng đại khoan dung, mỗi khi con người phạm tội, Thiên Chúa cảnh cáo, và khi con người hối hận thì Thiên Chúa lại sẵn sàng thứ tha.

Câu chuyện trong bài đọc một là một minh chứng cho thấy lòng nhân hậu và sự tha thứ của Thiên Chúa trước tội lỗi của vua Đavit. Lời lẽ của Thiên Chúa qua môi miệng của tiên tri Nathan đã cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa đối với Đavit, Thiên Chúa không chấp nhận tình trạng tội lỗi, Ngài không thể sống chung với tội, nhưng lại hết sức thông cảm cho tội nhân: Ta đã gọi người từ khi người còn là một đứa chăn cừu, đã xức dầu cho người, đã đặt ngươi lên ngai báu, và đặt quân thù dưới chân người, và cho người được vinh quang, nếu người thấy chưa đủ, thì ta sẽ cho thêm, tại sao ngươi lại làm điều dữ trái mắt ta, đã cướp vợ lại còn giết người. Lời trách cứ của Thiên Chúa đã thấm vào tâm hồn Đavít, và ông đã nhận ra sự sai lỗi của mình và đã khiêm tốn sấp mình trước sự phán xét của Thiên Chúa. Thiên Chúa nhìn thấy sự sám hối chân thành của Đavít, Ngài đã bỏ qua tội lỗi cho ông và ông không phải chết.

Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ khi con người hối hận và Ngài dễ dàng tha thứ và bỏ qua tất cả quá khứ của con người, và còn mở ra cho những kẻ tội lỗi có cơ hội để sửa sai. Tuy nhiên con người lại không muốn một Thiên Chúa như thế, họ cứ muốn một Thiên Chúa khép kín, một Thiên Chúa phải ra tay trừng phạt kẻ có tội. Vì mang suy nghĩ như vậy, nên những người biệt phái đã không muốn và còn tỏ ra khó chịu khi thấy Chúa Giêsu giao du tiếp xúc với những người thu thế và những người bị coi là tội lỗi. Họ khó chịu khi thấy một phụ nữ tội lỗi đến gục khóc dưới chân Chúa, nước mắt ướt đẫm chân Chúa, chị lấy tóc mà lau, rồi con đập vỡ một bình dầu quý giá để xức lên chân Chúa. Những người chứng kiến thì coi hành động của người phụ nữ kia là vô lý, và họ còn coi thái độ của Chúa Giêsu như là một sự đồng lõa, nhưng Chúa Giêsu Ngài nhìn thấu tâm hồn của chị, Ngài nhìn thấy sự hối hận trong những giọt nước mắt của chị và còn nhìn thấy lòng tin của chị vào sự tha thứ, khi chị đã lấy tóc mà lau chân và lấy dầu mà xức chân Chúa.

Chúa Giêsu đã kể cho mọi người nghe dụ ngôn về hai con nợ: một người nợ chủ một trăm quan tiền, người kia nợ năm mươi, cả hai đều được chủ nợ tha bổng, và Chúa Giêsu đã đặt ra cho ông Simon một câu hỏi: ai trong hai người được tha nợ sẽ yêu mến chủ nhiều hơn? Dĩ nhiên người mang ơn chủ là người được tha nhiều, ông Simon đã trả lời đúng, Chúa cho ông thấy rằng những người thu thuế và tội lỗi chính là những người đã cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa vì họ đã yêu mên và tin tưởng ở lòng nhân từ của Chúa, và họ là những người đã được tha thứ nhiều.

Thưa quý OBACE, Tin tưởng vào sự tha thứ và đón nhận ơn tha thứ và còn phải thực hành sự tha thứ đối với anh chị em đó là điều Lời Chúa mời gọi chúng ta hôm nay. Giống như thái độ của người biệt phái, nhiều người cho mình là người tốt để rồi tự cho mình quyền lên án và kết tội anh em. Vì cho mình là người tốt, nên nhiều người đã không nhận ra tình trạng tội lỗi của mình với Thiên Chúa, và cũng không nhận ra những tổn thương mà mình đã gây ra cho anh chị em, vì thế họ không hoán cải; và có nhiều người khác đã cố gắng kết tội anh em là để che đậy sự xấu xa của mình. Để có thể đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, đòi ở nơi chúng ta một điều kiện duy nhất đó là tin tưởng vào tình yêu tha thứ và yêu Chúa thật nhiều, vì tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi.

Lời Chúa hôm nay đang mời gọi mọi người đừng ngại ngần, đừng mặc cảm về quá khứ của mình, hãy tin tưởng đến với sự tha thứ của Chúa, hãy quỳ gối trước lòng thương xót của Chúa là Cha nơi Bí tích Giải tội, chúng ta sẽ đón nhận được sự thứ tha và sẽ cảm nghiệm được niềm vui và bình an của sự tha thứ. Hãy gục đầu và khóc thật nhiều dưới chân Chúa, khóc vì tình trạng tội lỗi của mình và hãy khóc vì biết rằng mình được yêu thương và tha thứ, hãy khóc vì tình Ngài yêu thương, khóc vì tình Ngài tuyệt với. Kế đến hãy nhìn và đón nhận anh em bằng cái nhìn cảm thông và tha thứ khi họ xúc phạm đến mình, hãy can đảm gỡ bỏ những mối thù, những sự giận dỗi lâu ngày lâu tháng, nhiều người, nhiều gia đình cha mẹ và con cái không nhìn nhận nhau hoặc nhìn nhau một cách miễn cưỡng ngại ngùng, nhiều cha mẹ chồng và con dâu con rể đang sống trong căng thẳng, nhiều anh chị em đang giận dỗi nhau từ năm này qua năm khác …, vì Chúa, hãy gỡ bỏ và hảy can đảm tha thứ cho nhau để nối lại tình thân.

Xã hội chúng ta đã có quá nhiều bạo lực, máu chảy vì các hình thức trả thù, băng nhóm, nó xảy ra nơi các em học sinh ngay từ trong nhà trường, đến các bạn trẻ thanh niên nam nữ, và cả nơi người lớn, lý do là vì đã qua mấy chục năm, người ta không dạy con cái chúng ta về lòng nhân ái bao dung, trái lại người ta giáo dục và nhồi nhét vào trong chúng ta sự căm thù và trả thù, bạo lực và khát máu…. Là những tín hữu, môn đệ của Chúa Kitô chúng ta phải xây dựng một môi trường xã hội tốt đẹp hơn, giàu lòng nhân ái khoan dung hơn, chúng ta sẽ phải là những người biết tha thứ và có một tấm lòng khoan dung của Chúa, để cải hóa và biến đổi những người chung quanh và biến đổi cả môi trường xã hội này.

Một khi đã thành tâm sám hối đến với Bí tích Hòa giải là ta đã được Thiên Chúa thứ tha, và không bao giờ Ngài nhớ đến những tội lỗi đó nữa, vì thế đừng bao giờ nghĩ rằng Thiên Chúa không thể tha thứ cho tôi, cũng đừng bao giờ thất vọng về tình trạng yếu đuối của mình, vì Chúa biết rất rõ con người của chúng ta yếu đuối dễ sa ngã lỗi lầm, mỗi lần yếu đuối, đến với Chúa, lại là mỗi lần chúng ta cảm nhận được tình yêu thương tha thứ và sự chữa lành, cùng sự đỡ nâng của Ngài qua Bí Tích Thánh Thể.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng có một tâm hồn quảng đại tha thứ, và đồng thời cũng biết khiêm tốn nhìn nhận con người yếu đuối giới hạn của mình để chúng ta biết bám vào Chúa một cách bền chặt hơn. Amen