Ðăng Nhập

View Full Version : Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên Năm C



hoathuytinh
29-07-2013, 08:42 PM
BÀI ĐỌC I: Xh 33, 7-11; 34, 5b-9. 28
"Chúa đối diện nói chuyện với Môsê".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở ngoài trại, và đặt tên là "nhà xếp giao ước". Ai trong dân có điều gì muốn hỏi, thì đến nhà xếp ở ngoài trại.

Khi ông Môsê đi đến nhà xếp, thì toàn dân chỗi dậy, ai nấy ra đứng trước cửa trại mình nhìn theo ông Môsê, cho đến khi ông vào nhà xếp. Khi ông đã vào nhà xếp giao ước, thì có một cột mây rơi xuống, và dừng lại tại cửa, và Chúa đàm đạo cùng Môsê; mọi người trông thấy cột mây dừng lại trước cửa nhà xếp. Họ đứng nơi cửa nhà xếp mình và sấp mình thờ lạy. Chúa đàm đạo cùng Môsê diện đối diện, như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình. Khi ông trở về trại, thì người hầu cận ông là Giosuê, con ông Nun, còn trẻ tuổi, không rời khỏi nhà xếp.

Ông Môsê đứng trước mặt Chúa mà khẩn cầu danh Người. Chúa đi ngang qua trước mặt ông và hô lên: "Đức Chúa! Đức Chúa! Đấng cai trị mọi sự, là Đấng từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương đến ngàn đời, tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi; (nhưng) trước mặt Chúa không ai coi mình là vô tội. Sự gian ác tổ tiên đã phạm, Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời". Ông Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con được ơn nghĩa trước mặt Chúa, thì xin Chúa đi với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con. Xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa". Vậy ông Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm ngày, không ăn bánh và không uống nước; Chúa ghi mười lời giao ước vào bia đá.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 6-7. 8-9. 10-11. 12-13
Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

1) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. - Đáp.

2) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. - Đáp.

3) Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. Nhưng cũng như trời xanh vượt cao trên mặt đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. - Đáp.

4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. - Đáp.

ALLELUIA: Dt 4, 12
Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và là ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 13, 36-43
"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net (http://www.thanhlinh.net)

phale
30-07-2013, 12:38 AM
Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ (Mt 13,43)

http://tgpsaigon.net/sites/default/files/imagecache/main_img/sites/default/files/Images/Suyniem201207/Mt 13,36-43 (2).jpg

Suy niệm:

Dụ ngôn cỏ lùng hôm nay được chính Chúa Giêsu giải thích rõ ràng. Người đi gieo giốg tốt chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn luôn tốt vì bản tính Ngài là chân thiện mỹ. Mọi vật do tay Ngài tạo dựng đều tốt (St 1,31). Thiên Chúa dựng mặt trời, mặt trăng và làm mưa trên kẻ lành người dữ (Mt 5,45). Thiên Chúa gieo giống tốt vào ruộng. Hạt giống là người ta, là con cái Chúa. Thuở ruộng là thế gian, là nơi sinh sống làm việc phục vụ. Cỏ lùng là con cái xấu do ma quỉ cám dỗ chiếm đoạt. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.

Dụ ngôn cỏ lùng nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ ở đâu, bất cứ ở thời đại nào cũng có kẻ lành người dữ, có phải có trái, có thật có giả bên cạnh nhau như lúa và cỏ lùng hằng canh cánh bên nhau. Đó là một chân lý cần nhận ra để can đảm sống. Rất nhiều lần ta mơ ước một Giáo hội tại thế tinh tuyền như chiên con không chút tì ố. Ta mơ ước một Giáo hội gồm toàn những Đấng bậc và tín hữu ba lần chí thánh. Nhưng rồi thực tế ra sao?

Thực tế có khi là những cây vả xanh um không có hoa trái mà dưới gốc cây là cái rìu kề sẵn đó (Mt 3,10). Còn đâu là nhìn quả biết cây. Thực tế có thể là gương mù gương xấu. Lời chúc phúc cho kẻ lòng ngay (Lc 2,14), phúc cho kẻ có lòng trong sạch (Mt 5,8) về phần ai? Thực tế có thể là những người con gọi dạ bảo vâng nhưng không bao giờ mó tay vào việc (Mt 21,23-32). Đức tin không có việc làm là đức tin chết.

Thực tế có thể là những đứa con giả hiệu, giả hình tiếc xót một lọ nước hoa hơn một linh hồn thống hối (Mt 26,8tt), bên ngoài tiếc xót lãng phí nhưng lòng mình là cỡ thanh niên giàu có rút lui (Mc 10,17), là cỡ con lạc đà đòi chui qua lỗ kim (Mt 19,23). Thực tế là cỡ biệt phái có đủ kinh kệ tua rua Kinh thánh, nhưng lại làm cớ vấp ngã, cho mù dắt mù xuống hố (Mt 23)... là bảng mũi tên chỉ đường ngược chiều nước trời. Thực tế là gươm đao binh giáo... còn đâu là lời chúc lành bình an của một vì thiên sứ. Không khéo, ta lại là người gieo cỏ lùng chứ không đi gieo lúa giống đâu. Có ai làm nghề nông lại đi gieo hạt cỏ thay cho hột lúa ư? Chúng ta cười? Nhưng thực tế chúng ta lại làm thế!

Tuy nhiên là con cái Chúa, chúng ta không bao giờ được thất vọng. Phải có một cái nhìn đúng, một nhân sinh quan, một lập trường sống. Chúng ta phải hiểu rằng ở đời có lành có dữ, có phải có trái. Đấy mới gọi là thế “gian”. Nhưng hãy chân nhận rằng sự dữ chỉ là thứ cỏ lùng giữa ruộng lúa thôi, chứ không phải tất cả ruộng đều là cỏ lùng. Cho nên chúng ta không thể nóng tính đòi quyền làm Chúa lấy một ngày mà tiêu hủy mọi sự dữ ngay trong nháy mắt, chúng ta không thể nóng tính như anh em Gioan, Giacôbê đòi xin lửa từ trời xuống thiêu hủy một thành Samaria đã không đón tiếp Chúa (Lc 9,51). Chúng ta không thể nóng bỏng như Phêrô can ngăn Chúa đi chịu nạn (Mt 16,23) và cầm gươm chém đứt tai đầy tớ Mancô (Ga 18,13). Chúng ta không thể nóng vội như nhóm đầy tớ đi đòi nhổ sạch rễ cỏ lùng (Mt 13,28). Hủy diệt hoàn toàn sự dữ chỉ xảy ra ở ngày tận thế mà thôi.

Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tăm tối. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm”. Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin Cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?

Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Đó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chờ đợi chúng con trở về. Chúa luôn kiên nhẫn với chúng con. Chúa hằng mong muốn chúng con sinh hoa trái trong sự hiệp thông với Chúa. Chúa luôn chậm bất bình và rất mực khoan nhân với những lỗi lầm của chúng con. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa sự kiên nhẫn để chúng con nhẫn nại với những thiếu sót của anh em. Xin giúp chúng con đừng bao giờ xét đoán anh em mình một cách khắt khe nhưng luôn tha thứ dịu hiền. Xin giúp chúng con luôn có cái nhìn lạc quan về anh em chúng con. Xin cho chúng con biết sống tha thứ, hiền từ như Chúa đã tha thứ cho chúng con.

nguồn: tgpsaigon.net (http://tgpsaigon.net/suy-niem/20120730/17568)