Ðăng Nhập

View Full Version : Bài giảng Chúa nhật 22 thường niên năm C



gioanha
30-08-2013, 03:11 PM
KIÊU NGẠO – KHIÊM NHƯỜNG



Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
GP. Xuân Lộc

Trang BBC đưa tin, một chương trình gây nhiều tranh cãi của Hà Lan sắp được phát sóng tại Việt Nam, chương trình có tên Big Brother, không biết nhà đài sẽ dịch như thế nào, nhưng nếu dịch theo kiểu phim tàu nó có nghĩa là Đại Ca. Theo các nhà quảng cáo cho biết những người tham dự chương trình sẽ đoạt giải là một ngôi nhà trị giá 2 tỷ kèm với câu slogan: Tôi chỉ muốn cả nước biết đến tôi là ai. Nguyên cái tên của chương trinh này đã phần nào nói lên lý do tại sao nó lại gây trang cãi tại nước ngoài, vì những người tham dự sẽ được ở chung trong một căn nhà có gắn camera mọi góc độ, người tham dự cuộc thi sẽ sống và cư xử với nhau thế nào để được chọn làm đại ca, và người nào được chọn sẽ là người trúng căn nhà. Thực tế để giành được giải thưởng này, người ta dù sống chung trong một nhà nhưng họ không ngừng mạt sát nhau, nói hành nói xấu nhau, và bới móc đời tư của nhau để làm sao tỏ ra mình mới xứng đáng là đại ca trong căn nhà ấy. Chương trình bị phê phán là vì người ta luôn muốn tìm cách để đặt mình hơn người khác, và xâm phạm nặng nề đến danh dự cá nhân người khác.

Thưa quý OBACE, con người luôn có khuynh hướng muốn đề cao mình, coi mình là hơn, là nhất và người ta muốn biến mình trở thành người đứng trên vai trên cổ người khác. Khuynh hướng ấy nó thể hiện sư kiêu căng ngạo mạn trong con người, sự kiêu căng không chỉ thể hiện trong đời sống giữa con người với con người, mà nó còn thể hiện trong nhiều lãnh vực khoa học, văn hóa, xã hội…, qua việc người ta muốn thách thức cả Thiên Chúa, muốn thay thế Thiên Chúa bằng những tiến bộ khoa học và những lý luận của con người.

Thiên Chúa không chấp nhận sư kiêu căng ngạo mạn, Ngài không ưa những kẻ đưa mình lên và dìm anh em mình xuống, nhưng Ngài yêu thích kẻ khiêm nhường. Tin Mừng hôm nay cho thấy khi Chúa dự tiệc tại nhà một người biệt phái, Ngài chứng kiến những người biệt phái khi đi dự tiệc họ đã tranh giành nhau ngồi chỗ nhất chỗ nhì trong đám tiệc; Ngồi chỗ nhất để được kính trọng, để được mọi người cúi chào, để được giới thiệu cho mọi người…, Chúa Giêsu đã không muốn như thế, nhân địp này Chúa dạy các môn đệ của Ngài phải chọn một lối sống khác, đó là lối sống khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người.

Khi đi dự tiệc thì đừng tìm ngồi vào chỗ nhất…. mà hãy ngồi vào chỗ cuối để cho người mời anh phải đến nói với anh rằng: mời ông lên chỗ trên. Lúc đó anh sẽ được vinh dự. Khi dạy điều này Chúa Giêsu không có ý dạy cho các môn đệ “cái mẹo” để được người khác tôn vinh, mà trước hết Ngài chỉ cho các ông sự khôn ngoan xử thế trong cuộc sống, và hơn nữa, Ngài chỉ cho các ông phải biết rõ về chính mình, biết mình là ai, biết giới hạn của mình và biết vị trí của mình, không ảo tửơng, không tự đặt mình hoặc tôn mình hơn người khác, mà phải biết sống khiêm nhường.

Khiêm nhường là biết rõ về mình, cùng với những khả năng, giới hạn, sở trường sở đoản, vui vẻ đón nhân lời khen lời chê từ nơi những người chung quanh không che giấu giả dối, không khiêm nhường giả tạo, sư khiêm nhường phải xuất phát từ trong tâm hồn, được thể hiện qua hành động. Người khiêm nhường thực sự là người được Chúa yêu mến và chính Chúa sẽ nâng họ lên: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Người kiêm nhường là người phục vụ không tính tóan thiệt hơn, là người dám cho đi mà không mong chờ được ghi công, là người dám cống hiến mà không kể lể, không mong người khác đáp đền. Vì thế, Chúa dùng một ví dụ để căn dặn các môn đệ: khi mở tiệc, đừng nhắm mời những người có thể mời lại các ngươi, nhưng hãy mời những người nghèo khổ, những người không có khả năng đáp lễ lại các ngươi, vì Thiên Chúa sẽ là Đấng bù đắp lại cho anh em vào ngày sau hết.

Có một vấn đề người ta thường đặt ra: sống trong xã hội bon chen hôm nay, trong khi những người khác đang tìm cách để ngoi lên bằng mọi giá, vậy người khiêm nhường có phải là người an phận, chịu thua kém và chấp nhận thiệt thòi? Thưa, có thể trong mắt nhiều người, thì những người khiêm nhường bị coi là thua thiệt yếu thế. Thế nhưng không hoàn toàn như vậy vì thế giới vẫn luôn hết sức kính trọng và đề cao những con người dù làm lớn, có địa vị trong xả hội, nhưng lại biết sống khiêm tốn, giản dị, biết hành xử khiêm nhường. Khiêm nhường không làm giảm giá trị con người, nhưng trái lại nó còn làm gia tăng sức mạnh nội tâm, và làm gia tăng giá trị của con người, và còn có sức mạnh ảnh hưởng đến người khác. Nhưng cao quý hơn nữa, người sống khiêm nhường thì đẹp lòng Thiên Chúa, như sách Huấn Ca đã căn dặn: hãy làm việc trong nhũn nhặn, càng làm lớn, càng phải tự hạ, càng tự hạ, bạn sẽ càng làm đẹp lòng Đức Chúa, và được Đức Chúa yêu mên.

Thư Do Thái còn cho thấy, chúng ta là Kitô hữu, là con Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để nên hoàn thiện, và chúng ta đã thuộc về Thiên Chúa, vì thế hãy sống cho đúng với ơn gọi của mình, sống đúng với tư các là con Thiên Chúa, những người được mời gọi nên hoàn thiện, là người sống một cách thành tâm, thật lòng trước mặt Thiên Chúa và mọi người, gạt bỏ khỏi mình những sự che đậy giả dối, những cao ngạo của thế gian, để sống thật với ơn gọi và khả năng địa vị của mình.

Thưa quý OBACE, có thể nói sư kiêu căng giống như một căn bệnh di truyền trong mỗi người chúng ta, nó chính là một trong bảy mối tội đầu, là nguyên nhân gây ra bao những tật xấu khác. Sự kiêu ngạo khiến chúng ta xa Chúa, cậy dựa vào chính mình, muốn tìm cách tự mình giải quyết mọi vấn đề mà không cần Thiên Chúa; sư kiêu ngạo khiến chúng ta trở nên khinh thường anh em, hạ thấp phẩm giá anh em mình, nó dẫn đến sự thiếu tôn trọng, thiếu lắng nghe, và không chấp nhận nghe những điều trái ý góp ý. Cũng chính vì sư kiêu căng, thiếu khiêm tốn, thích phần hơn, phần đúng, nên nó dẫn đến sư căng thẳng đổ vỡ trong nhiều gia đình, nó thể hiện qua thói gia trưởng trưởng gia mẫu trong gia đình gây bất hòa trong bạn bè, anh em lối xóm. Để chống lại căn bệnh này, chúng ta cần phải đến với một vị bác sĩ đặc biệt đó là Đức Giêsu vì chính Ngài dù là một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết để cứu chuộc con người, và Ngài mời gọi chúng ta: hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Sự kiêu ngạo thường hay xuất hiện nơi những người thành công thành đạt, họ nghĩ rằng tiền bạc của cải có thể quyết định được mọi sự, và dùng tiền bạc để sai khiến người khác, tự đặt mình vào một đẳng cấp sành điệu trong xã hội và dẫn đến coi thường người khác, nó cũng đang thể hiện qua sư háo danh háo thắng của nhiều người, sư tìm kiếm nổi danh nổi tiếng nơi người trẻ, vì thế họ bỏ qua tất cả những lời khuyên của mẹ cha, những lời dạy bảo của Giáo hội. Đồng ý rằng người trẻ phải tự mình tạo lập và chịu trách nhiệm về tương lai của mình, thế nhưng đừng tìm kiếm tạo lập tương lai và mục tiêu cuộc sống bằng mọi giá, mà hãy biết nhìn nhận về con người và khả năng thật của mình, đồng thời khiêm tốn đặt mình dưới sự trợ giúp của Thiên Chúa, vì không có chúa, chúng ta sẽ chẳng có thể làm gì được.

Sự kiêu ngạo nó sẽ làm tiêu tan tinh thần phục vụ, nó biến việc phục vụ chỉ còn là hành vi ban phát bố thí phô trương, trái lại một người có tâm hồn khiêm nhường, thì sẵn sàng cúi xuống để phục vụ và rửa chân cho anh em trong âm thầm trong thinh lặng. Nếu như nước chỉ chảy về và đọng lại ở chỗ trũng thế nào thì Ơn Chúa cũng chỉ có thể đọng lại nơi những tâm hồn khiêm nhường mà thôi.

Xin Đức Maria giúp chúng ta biết học ở nơi Mẹ, biết hạ mình khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người, và sẵn sàng sống phục vụ anh chị em trong tinh thần khiêm nhường như Mẹ. Amen