PDA

View Full Version : Chúa Nhật XXIX Thuong Nien A



caoduc
20-10-2008, 08:39 AM
Chúa Nhật XXIX Thuong Nien A

CỦA CESAR HÃY TRẢ CHO CESAR
CỦA THIÊN CHÚA HÃY TRẢ CHO THIÊN CHÚA,

Is 45,1.4-6 ; Th 1,1-5b; Mt 22,15-21.




-----------Thuế là khoản đóng góp của công dân cho việc xây dựng quốc gia và lợi ích công đồng. Mọi nước trên thế giới đều có những loại thuế tùy theo pháp luật của nước đó qui định. Việc đóng thuế còn mang nhiều ý nghĩa thuộc bổn phận công dân như : yêu nước, góp phần xây dựng đất nước, tuân thủ luật pháp, tùng phục chính quyền… Tin Mừng Mt 22,15-21 đã cho thấy việc đóng thuế đã xuất hiện trong xã hội con người thì ngàn xưa.

-----------Tuy nhiên một khi sưu cao, thuế nặng vượt quá khả năng đóng góp, thuế sẽ làm cho đời sống nhân dân thống khổ, đặc biệt ở mỗi chế độ độc tài, tham nhũng… và đó cũng chính là nguyên nhân gây ra các cuộc bạo loạn, châm ngòi cho các cuộc cách mạng xảy ra.

-----------Thời Chúa Giêsu nước It-ra-en bị đô hộ bởi Đế quốc Rôma, giống như đất nước Việtnam chúng ta trong lịch sử : “Một ngàn năm đô hộ giặc tàu, một trăm năm đô hộ giặc tây”. Dân It-ra-en vẫn có vua riêng là Hêrôđê, nhưng quan tổng trấn Philatô, đại diện cho hoàng đế Rôma khuynh loát mọi việc trong nước tương tự như Toàn Quyền Pháp ở Việt nam trong tương quan với quyền bính bù nhìn của triều đình nhà Nguyễn trong thời gian Pháp đô hộ. Người dân phải thuế cho Đế Quốc, có ba thứ thuế mà dân Do Thái thường phải nộp: thuế điền thổ, thuế lợi tức, thuế thân. Luật thuế thân qui định mọi người nam nữ từ 14 đến 65 tuổi đều phải đóng một denier, tương đương với lương công nhật của một người (theo Lm Giuse Đinh Lập Liêm). Trước vấn đề thuế phải đóng cho Đế Quốc, người Do Thái có ba thái độ khác nhau:

-----------• Thái độ thứ nhất của những người thuộc phái Sađốc và đảng Hêrôđê, họ chấp nhận việc nộp thuế, nhằm bảo đảm cho chỗ đứng của họ và sự bao bọc của chính quyền Rôma.

-----------• Thái độ thứ hai là của giới Biệt phái, miễn cưỡng chấp nhận nộp thuế để đổi lấy tự do tôn giáo. Họ coi ách đô hộ của người La mã là một thứ hình phạt của Thiên Chúa, vì thế cần phải tu thân tích đức để được tha thứ.

-----------• Thái độ của những người ái quốc không chấp nhận sự hiện diện của ngoại bang trên quê hương đất nước. Họ chủ trương dùng võ lực để đánh đuổi thực dân và coi việc nộp thuế là điều ô nhục, xúc phạm đến Thiên Chúa, vì không chấp nhận để Thiên Chúa thống trị trên It-ra-en là dân riêng của Ngài. Trong Nhóm Mười Hai, có ông Simon thuộc nhóm Quá Khích theo chủ trương này (x. Mt 10,4).

-----------Nhóm Biệt phái và Pharisiêu luôn giữ đạo hình thức, nên thường bị Đức Giêsu chỉnh sửa, đôi lúc lên án gay gắt vì sự cố chấp của họ (x. Mt 23, 13-15.23.25.27-29 Mc 12, 38 -40; Lc 11, 43 -46. 20, 45 -47 ). Mang trong mình nổi hiềm khích đó, nên Biệt Phái và Kinh sư luôn tìm cách bắt bẻ Chúa Giêsu nhằm tìm sơ hở của Ngài để lên án và nếu được tố cáo bắt và giao nộp Chúa cho giới cầm quyền tôn giáo và chính trị như chúng ta thấy vụ án xét xử Chúa tại Dinh Capha và Philatô sau này (x. Mt 26, 57 -68; Mc, 53-64; Lc 22, 54 -55, 63 -71; Ga 18, 13 -14, 19 -24 ).
“Có được phép nộp thuế cho César hay không”, lời chất vấn Chúa Giêsu của Biệt Phái và Kinh sư có ý đó gài bẫy Ngài. Nếu Đức Giêsu trả lời nộp thuế, người Do Thái sẽ cho Chúa Giêsu không có lòng yêu nước, ủng hộ và “đi đêm” với ngoại bang, là bán nước. Còn nếu trả lời không nộp thuế, họ sẽ tố cáo Chúa Giêsu chống lại quyền hành của người Roma và quyền bính Đế quốc sẽ “xử” Ngài. Trả lời có hay không đều rơi vào chiếc bẫy mà người Biệt Phái và Kinh sư đặt sản cho Chúa Giêsu.

-----------Chúa Giêsu biết được lòng hiểm của họ, Ngài nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!” Họ liền đưa cho Người một đồng bạc”. Vì Người Do thái chỉ có quyền đúc tiền đồng, chứ không được đúc tiền bạc. Như vậy các đồng tiền của họ có giá trị nhỏ nên không được phép dùng để đóng thuế. Họ phải dùng đông quan bạc của Rôma (theo Lm PX. Vũ Phan Long, ofm), như thế đó là hành động tôn trong quyền bính của đế quốc.

-----------“ Của Cesar hãy trả cho Cesar, còn của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Quyền bính thế tục phục vụ lợi ích chung cho cộng đồng phải được tôn trọng. Chính quyền bính xây dựng, cai trị nhân gian xuất phát từ Thiên Chúa đã cho “con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất…và thống trị mặt đất” (Kn 1,28-29,11). Chính vì tham dự vào quyền bính chính trị để phục vụ nhân dân với cái tâm, là ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, chia sẻ với quyền bính Ngài như Gandhi xác quyết: “Tôi làm chính trị vì tôi không thể tách rời cuộc sống với niềm tin của tôi. Vì tôi tin Thượng Đế nên tôi bước vào chính trị. Làm chính trị là cách tôi phụng sự Thượng Đế”.

-----------Ðức Giêsu đã làm gương chu toàn bổn phận công dân, Ngài bảo Phêrô đóng thuế cho ông và cho Ngài (x. Mt 17,24-27). Chúng ta trong tư cách công dân có trách nhiệm thật lớn lao đóng góp thuế để giúp nền hành chánh, để xây dựng đất nước. Nói về trách nhiệm này, Thánh Phêrô viết: "Hãy vinh danh Thiên Chúa và tôn trọng vua" (1 P 2,17). Tương tự Thánh Phaolô cũng khuyên như người tín hữu : "Mọi người phải tôn trọng nhà cầm quyền... Vậy hãy trả những gì anh chị em còn thiếu họ; hãy nộp thuế cá nhân và thuế bất động sản, và hãy tỏ lòng tôn trọng và vinh danh họ" (Rm 13.1, 7). Sự tôn trọng quyền bình hợp pháp, luôn lo cho dân là nghĩa vụ của mọi công dân. Tuy nhiên trước quyền bính vào tay của các nhà lãnh đạo ích kỷ độc tài, đục khoét của công, lèo lái vận mệnh của dân tộc đi vào vực thảm, Giáo Huấn Công giáo mở cho các tín hữu con đường đi mới: “Người công dân có nghĩa vụ, theo lương tâm, không tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự, khi các luật lệ này nghịch với những đòi hỏi của trật tự luân lý, nghịch với những quyền căn bản của con người hoặc với những lời dạy của Phúc âm. Sự từ chối vâng phục các uy quyền dân sự khi họ đòi hỏi những điều nghịch với lương tâm ngay chính, được biện minh bởi sự phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và việc phục vụ cộng đồng chính trị. “Trả về César cái gì của César, và trả về Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa”. “Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục người ta” (Giáo lý Công giáo số 2242).

-----------Mang tâm tình nghĩa vụ công giáo chúng ta mượn lời nguyện của Thomas Jefferson chính trị gia và trở nên Tổng Thống thứ ba của Hoa Kỳ, khẩn cầu và quyết tâm: “Lạy Thiên Chúa tối cao, Ngài ban cho chúng con mảnh đất tốt tươi này làm gia nghiệp. Xin hãy chúc lành cho mảnh đất chúng con, xin hãy cứu chúng con khỏi bạo lực, và mọi đường lối xấu xa, xin hãy bảo vệ sự tự do của chúng con...Xin ban thần trí khôn ngoan xuống trên những kẻ mà nhân danh Ngài, chúng con đã ủy thác quyền cai trị... Trong thời thịnh vượng, xin đổ tràn xuống lòng chúng con niềm tri ân, và trong ngày gian truân, xin đừng để niềm tin của chúng con vào Ngài bị suy giảm….” (Thomas Jefferson).

-----------Vâng, nghĩa vụ công dân hoàn thành cho sự phát triển chung đều tỏ lộ vinh quang của Thiên Chúa…

Lm. Vinhsơn, Sàigon 18/10/2008