PDA

View Full Version : Hiện tình chính trị xã hội Nam Phi



vante
23-10-2008, 09:14 AM
Một số nhận định của ĐC Joseph Tlhagale, Tổng Giám Mục Joahnesburg kiêm Chủ tịch HĐGM Nam Phi châu về hiện hình chính trị xã hội Nam Phi (Avvenire 4-10-2008)

Ngày 21 tháng 9 vừa qua, trong buổi nói chuyện trên đài truyền hình Nam Phi, ông Thabo Mbeki đã từ chức tổng thống, sau khi đảng Quốc Đại Phi châu đã bỏ phiếu bất tín nhiệm và buộc ông phải rút lui. Ngày 23 sau đó bà Phumzile Mlambo Ngcuka, cũng tuyên bố từ chức phó tổng thống. Tiếp theo đó là 11 vị Bộ trưởng cũng theo nhau từ nhiệm. Chính phủ của tổng thống Mbeki sụp đổ mở ra một giai đoạn khó khăn cho nền dân chủ Nam Phi mới có 14 năm tuổi đời, sau khi chế độ kỳ thị chủng tộc chấm dứt với biến cố ông Nelson Mandela, cựu tù nhân của chế độ Apartheid, được bầu làm tổng thống.

Trong thư gửi ban chủ tịch đảng Quốc Đại Phi châu ông Thabo Mbeki nhấn mạnh rằng ông đã là thành viên của đảng này từ 52 năm qua và tiếp tục là thành viên của đảng. Do đó ông tôn trọng quyết định của Ủy ban lãnh đạo đảng. Ông Mbeki đã thay thế ông Nelson Mandela làm tổng thống Nam Phi hồi năm 1999, sau khi giữ chức Phó tổng thống từ năm 1994. Đáng lý ra nhiệm kỳ tổng thống của ông còn kéo dài cho tới tháng 4 năm 2009, trước khi có cuộc bầu cử vào tháng 5. Nhưng các tranh chấp và chia rẽ nội bộ của đảng Quốc Đại Phi châu đã khiến cho Nam Phi rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nói trên.

Ngày 12 tháng 9 vừa qua thẩm phán Chris Nicholson đã khám phá ra vụ tổng thống Mbeki và nhiều bộ trưởng can thiệp vào quyền tư pháp quốc gia, nhằm ngăn chặn không cho ông Jacob Zuma, cựu phó tổng thống và hiện là Chủ tịch đáng Quốc Đại Phi châu, được xử án một cách công bằng. Ông Zuma bị tố cáo là đã đòi tiền hối lộ của công ty pháp Thint-Thales, để tạo điều kiện dễ dãi cho kỹ nghệ cung cấp vũ khí trong một hợp đồng hồi năm 1999 lên tới 4,8 tỷ mỹ kim. Năm 2005 tổng thống Mbeki đã cách chức phó tổng thống Zuma, khi ông Shabir Shaik, bạn làm ăn của ông Zuma bị kết án gian tham hối lộ trong hợp đồng buôn bán vũ khí.

Thật ra ngay từ năm 2003 các người ủng hộ ông Zuma, trong đó có cánh tả của đảng Quốc Đại Phi châu, Liên hiệp các nghiệp đoàn Nam Phi và đảng Cộng Sản Nam Phi, đã phát động chiến dịch tố cáo các can thiệp của chính quyền vào vụ này. Tổng thống Mbeki bác bỏ mọi lời tố cáo nói trên. Nhưng ông Zuma và các đồng minh đã thành công trong việc huy động ban lãnh đạo đảng Quốc ĐạiPhi châu chống lại ông Mbeki. Trong đại hội đảng hồi năm ngoái họ đã đi tới chỗ loại trừ ông Mbeki và hầu hết các người thân tín của ông khỏi Ban Lãnh Đạo đảng Quốc Đại.
Tuy nhiên, cả trước đó tổng thống Mbeki cũng đã gặp các khó khăn trong cung cách ]ãnh đạo của ông. Ngay từ thập niên 1990 ông đã tố cáo ông Zuma và vài thành viên cao cấp khác của đảng Quốc Đại là âm mưu chống ông và gây áp lực để họ thôi hoạt động chính trị. Đồng thời ông tìm cách làm cho Quốc Hội không thể điều tra về hợp đồng buôn bán vũ khí và cách chức nhiều nhân vật trong chính phủ. Ông Mbeki cũng chối bỏ các thực tại đang đè nặng trên cuộc sống của người dân Nam Phi như nạn nghèo túng, thất nghiệp, nạn tội phạm gia tăng và bệnh dịch liệt kháng lan tràn trầm trọng. Tất cả khiến cho lòng dân bất mãn. Sau khi bắt buộc ông Mbeki từ chức, đảng Quốc Đại đã bầu ông Kgalema Motlanthe, làm tổng thống trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến cuộc bầu cử vào tháng 5 năm tới, với ứng cử viên duy nhất có giá là ông Zuma. Khác với nguyên tổng thống Mbeki là người xa cách, chỉ giao du với giới thượng lưu và trung lưu nhưng xa cách dân chúng, ông Zuma là người rất bình dân và được dân nghèo qúy mến ngưỡng mộ.
Nam phi rộng gần 1 triệu 220 ngàn cây số vuông có 48,8 triệu dân, tuổi trung bình là 24,2 năm, với 50% tổng số dân sống đưới mức nghèo đói và 25.5% thất nghiệp.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Joseph Tlhagale, Tổng Giám Mục Joahnesburg kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Phi châu về hiện hình chính trị xã hội Nam Phi. Trong các ngày qua Đức Cha đã tham dự phiên họp của Học Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Nước Ngoài tổ chức tại Milano bắc Italia.

H: Thưa Đức Cha Tlhagale, người dân Nam Phi đang sống giai đoạn chuyển tiếp này như thế nào?

Đ: Nhiều người cho rằng việc loại bỏ ông Mbeki từ phía đảng Quốc Đại Phi châu là bất công, và trong tương lai phải để cho chính dân chúng quyết định về việc thay đổi hàng lãnh đạo. Người dân Nam Phi không có tiếng nói trong vấn đề này. Người ta nói tới dân chủ, nhưng đó là một thứ dân chủ của đảng phái, chứ không phải của quốc gia. Cần phải thay đổi Hiến Pháp để có thể trưng cầu dân ý, khi xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị như hiên nay.

H: Tại sao tổng thống Mbeki lai đã bị loại trừ thưa Đức Cha?
Đ: Ông Mbeki đã phải trả giá mắc mỏ, vì ông đã tạo ra qúa nhiều người thù nghịch với mình. Nhiều người coi vụ này là một sự báo thù đối với những gì đã xảy ra cách đây ba năm, khi ông Mbeki loại bỏ ông Jacob Zuma khỏi chức phó tổng thống.

H: Đức Cha lượng định thời gian ông Mebki làm tổng thống như thế nào?

Đ: Ông Mbeki đã có công trong nỗ lực đưa Nam Phi tới tình trạng như hiện nay với một nền kinh tế hùng mạnh, quốc gia ổn định. Nhưng không phải chỉ có thế, ông đã hoạt động rất nhiều để giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng của các nước khác như Congo, Zimbabawe và Côte d'Ivoire. Ông cũng đã dấn thân trên bình diện của 8 cường quốc kinh tế và Liên Hiệp Quốc, vì ông biết tầm quan trọng của sự kiện Phi châu có tiếng nói trong các tổ chức như thế. Tôi không biết ông Zuma có theo đuổi các nỗ lực này hay không.

H: Ông Mbeki cũng đã phải trả giá mắc mỏ, vì đã ít chú ý tới dân nghèo, có phải thế không thưa Đức Cha?

Đ: Tôi tin rằng ông cũng đã cảm thấy vấn đề nghèo đói của người dân. Dĩ nhiên ông không phải lá người đi ra ngoài đường để nhận diện vấn đề đó, nhưng không phải vì thế mà ông đã không dấn thân để giải quyết vấn đề nghèo đói. Người ta đã phát động một chiến dịch bất công chống lại ông. Sự cứng rắn của ông đã khiến cho ông có nhiều thù địch. Nhưng việc loại bỏ ông ra ngoài tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Vì trước sau gì ông Zuma, ngày nay được giới trẻ của đảng Quốc Đại Phi châu và các nghiệp đoàn ủng hộ, nhưng cũng có thể chịu cùng chung số phận. Nếu người ta đồng ý phá hủy phẩm giá của hàng lãnh đạo, thì khi đó chúng ta sẽ mất đi sự tôn trọng đối với chính chúng ta và chúng ta sẽ rơi vào tay của các nhóm quyền bính biết rất rõ phải làm gì để được lắng nghe.

H: Các đường lối chính trị của ông Zuma sẽ đi theo hướng nào thưa Đức Cha?

Đ: Ít nhất ban đầu ông ta sẽ tìm cách tiếp tục những gì ông Mbeki đã làm. Nhưng ông sẽ khó mà có thể duy trì thế quân bình giữa các đòi buộc của những người ủng hộ ông. Các đòi buộc đó có thể bao gồm việc quốc hữu hóa vài tài nguyên và việc thay đổi các đường lối chính trị kinh tế lớn.

H: Thưa Đức Cha Tlahale, trong các năm qua nền kinh tế của Nam Phi đã gia tăng mạnh mẽ, nhưng nạn ghèo đói và thất nghiệp vẫn tiếp tục trầm trọng như vậy có nghĩa là thế nào?

Đ: Sự giầu có tiếp tục rơi vào túi của ít người. Có một giai cấp trung lưu nảy sinh, nhưng vẫn còn có hàng triệu người nghèo túng. Đây đã là hố sâu ngăn cách mà ông Mbeki không thành công lấp đầy được. Hiện nay nạn thất nghiệp lến tới 25,5%,, số người mắc bệnh liệt kháng là 5 triệu, nhưng chỉ có 400 ngàn người là có thể có thuốc để được chữa trị mà thôi. Năm ngoái chính quyền đã xây cất 400 ngàn căn nhà, trong khi đích điểm nhắm tới là xây 1 triệu căn nhà cho dân. Các vấn đề rất là hiển nhiên và cần phải có thời gian mới có thể giải quyết được. Nhưng chúng ta đã thấy các vụ bạo lực do phong trào bài người nước ngoài gây ra mới đây. Các anh chị em di dân đã trở thành con dê đền tội, trong thế cạnh tranh bạo lực vì các tài nguyên hạn hẹp.

H: Trong hai năm nữa giải túc cầu quốc tế sẽ diễn ra tại Nam Phi. Đây sẽ là một biến cố lôi kéo sự chú ý của toàn thế giới. Đức Cha có tin là Nam Phi sẵn sàng cho biến cố này hay không?

Đ: Người ta đang tiêu hao nhiều sức lực để chuẩn bị cho biến cố này. Chính quyền Nam Phi đã đầu tư 17 tỷ rand, tức khoảng 1 tỷ 450 triệu Euros để xây các cơ cấu hạ tầng cho giải túc cầu thế giới như : đường sá, các sân vận động, các khách sạn vv... Chúng hầu như gần xong rồi. Đây sẽ là một dịp tốt, nhưng tôi cũng sợ rằng trên thực tế, nhiều vùng của Nam Phi đặc biệt là các vùng quê, sẽ không nằm trong danh sách những nơi có được cơ may phát triển này.

H: Đức Cha vẫn tiếp tục lên án nạn gian tham hối lộ và con ông cháu cha đang đè nặng trên xã hội Nam Phi, có phải thế không?

Đ: Rất tiếc nạn gian tham hối lộ cũng như nạn tội phạm là một bệnh địa phương. Ủy ban công tố có danh sách 5.000 trường hợp gian tham hối lộ. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ nhô trên mặt nước của núi bắng khổng lồ của nạn gian tham hối lộ chìm bên dưới. Nạn gian tham hối chạy ở bên dưới, chạy rất nhanh và đe dọa sự toàn vẹn của giới lãnh đạo. Ngoài ra có biết bao nhiêu các hãng xưởng thường đi đêm với nhau trong việc duy trì giá cả hàng hóa để bóc lột dân. Nhưng rất may là ít nhất các phương tiện truyền thông xã hội thường phanh phui các vụ gian tham hối lộ và vô liêm chính này, và như thế là cứu vớt nền dân chủ của chúng tôi. Dĩ nhiên Nam Phi cần phải có một ý chí chính trị cao để có thể tiếp tục con đường phát triển của mình.


(Avvenire 4-10-2008)
Linh Tiến Khải