PDA

View Full Version : Xu hướng tự đề cao trong sinh viên Mỹ



littlewave
23-10-2008, 11:12 AM
Xu hướng tự đề cao trong sinh viên Mỹ

(Dân trí) – ‘Chúng ta cần phải chấm dứt việc nhắc đi nhắc lại với bọn trẻ câu: “Em là một người đặc biệt” để rồi chính chúng cũng nhắc lại câu đó với chúng ta. Giới trẻ tự cho mình là “cái rốn của vũ trụ” thế là đủ rồi’.

Sự “tự tin” đã đi quá xa

Đó là phát biểu của giáo sư Jean Twenge của trường đại học San Diego, người đứng đầu một công trình nghiên cứu quy mô mới đây do 5 nhà tâm lý học nổi tiếng của Mỹ tiến hành. Kết quả cuộc nghiên cứu này cho thấy giới trẻ Mỹ ngày nay yêu bản thân và tự đề cao mình hơn nhiều so với các thế hệ trước. Các nhà nghiên cứu thực hiện cuộc khảo sát trên để theo dõi hiện tình lối sống tự đề cao bản thân trong giới trẻ ở xã hội Mỹ từ khi phong trào mà họ gọi là "Phong trào tự tôn" nổi lên vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Trong suốt 24 năm, từ năm 1982 đến năm 2006, bà Twenge và các đồng nghiệp đã tìm hiểu và thu thập ý kiến của gần 17.000 sinh viên trên khắp nước Mỹ để xây dựng nên một bảng theo dõi và đánh giá có tên là "bảng cho điểm cá nhân về tính tự đề cao bản thân". Kết quả là đến năm 2006 đã có tới 2/3 số thanh thiếu niên Mỹ có thang điểm tự đề cao bản thân trên mức trung bình, nhiều hơn 30% so với năm 1982, và họ cho rằng những nỗ lực tạo dựng sự tự tin trong giới trẻ Mỹ đang bị lạm dụng và đã đi quá xa.

Các chuyên gia giáo dục lo ngại

Theo giáo sư Jean Twenge, những người quá chăm lo cho bản thân và đề cao bản thân thường thiếu sự cảm thông, hay phản ứng dữ dội với những lời phê bình và thích tự quảng cáo mình hơn là giúp đỡ người khác.

Nghiên cứu đã khẳng định rằng những người quá yêu bản thân và tự đề cao chính mình thường có xu hướng yêu chóng vánh, thiếu chung thuỷ, thiếu sự nồng nhiệt về cảm xúc, hay thể hiện sự thiếu nghiêm túc, thiếu chân thành, và hay có các hành vi bạo lực hoặc áp đặt đối với những người khác xung quanh.

Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng xu hướng đề cao bản thân này sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho các mối quan hệ cá nhân và cho cả xã hội Mỹ.

"Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ngày nay càng khuyến khích tính tự đề cao bản thân của giới trẻ. Ngay ý nghĩa của những cái tên như Myspace hay You Tube (tên những trang web nổi tiếng) đã khuyến khích giới trẻ tìm kiếm sự chú ý từ mọi người", giáo sư Jean Twenge nhận xét.

Tính tự đề cao bản thân trong giới trẻ Mỹ ngày nay còn được khuyến khích ngay từ khi còn nhỏ, như trong ví dụ về ca khúc "Frere Jacques" mà giáo sư Jean Twenge đưa ra.

Đây là một bài hát rất quen thuộc đối với những trẻ em mẫu giáo ở Mỹ, trong đó có câu "Tôi là một người đặc biệt. Tôi là một người đặc biệt. Hãy nhìn tôi". Giáo sư Jean Twenge cũng là tác giả đã viết một cuốn sách về đề tài này, nhan đề: "Thế hệ Tôi: Tạo sao giới trẻ Mỹ tự tin, quyết đoán, có nhiều quyền hơn - và đáng thương hơn bao giờ hết".

Lo cho bản thân nhiều hơn lo cho người khác

Ngay sau khi kết quả nghiên cứu này được đưa ra, một cuộc khảo sát về lối sống và suy nghĩ được thực hiện đối với 7.304 học sinh của 156 trường trung học ở 4 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ vừa được công bố đầu năm nay cũng cho thấy những kết quả tương tự.

Theo cuộc khảo sát đó, học sinh Mỹ có "chủ nghĩa cá nhân" cao nhất với 88,2% đồng ý "Người ta phải lo cho lợi ích bản thân nhiều hơn lo cho người khác". Con số đó ở những học sinh Hàn Quốc là 69,6%, học sinh Trung Quốc là 48,8% và học sinh Nhật Bản là 47,6%.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 85,2% số học sinh Mỹ được hỏi cho biết là cảm thấy hạnh phúc với chính mình, cao nhất trong số 4 quốc gia.

Khi được hỏi ý kiến về những nhận xét được đưa ra từ kết quả của những cuộc nghiên cứu trên, Hanady Kader, một sinh viên năm cuối của trường Đại học Washington, đã từng làm việc tình nguyện để giúp người tị nạn tái định cư, cho biết cô cũng cảm thấy e ngại trước sự đề cao bản thân của một số sinh viên. Cô nói: "Chúng tôi được nhiều người động viên là “bạn hãy là chính mình, hãy cứ đi ra ngoài và làm những gì bạn muốn, sẽ không có ai ngăn cản bạn đâu”. Nhưng tôi có thể thấy các mục tiêu và tham vọng như vậy đang hạn chế những thứ khác, chẳng hạn như các mối quan hệ với mọi người".

Định hướng lối sống cho giới trẻ

Nhưng không phải sinh viên nào cũng chấp nhận những nhận định như vậy về thế hệ mình, mặc dù họ cũng thừa nhận một mặt nào đó của các kết quả nghiên cứu được đưa ra. Kari Dalane, một sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Vermont nói rằng hầu hết những người đồng trang lứa với cô đều rất năng động, khôn ngoan và không quá đề cao bản thân. "Mọi người lo lắng cho chính mình - nhưng là về vấn đề họ sẽ tìm một chỗ đứng như thế nào trong xã hội này. Mọi người muốn thể hiện hết mình, muốn sống vui vẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không quan tâm đến phần còn lại của thế giới", cô nói.

Tuy rằng vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng kết quả của những cuộc khảo sát và nghiên cứu kể trên rõ ràng là điều đáng để cho nhiều người - nhất là những người làm công tác giáo dục - cần suy nghĩ về việc định hướng xây dựng lối sống cho giới trẻ trong xã hội ngày nay. Xét cho cùng, đó cũng là vấn đề làm thế nào để cho những sợi dây gắn kết giữa con người với nhau không bị suy yếu đi trong bối cảnh cuộc sống đang ngày càng hiện đại hơn.



Vũ Anh Tuấn



Theo CNN, THX