PDA

View Full Version : Giới Thiệu Chuyên Mục Đức Tin Người Trẻ “HÃY HỌC CÙNG GIÊSU”



vante
23-10-2008, 11:01 PM
Xin Chân trọng Giới Thiệu Đến toàn thể Quý ACE Chuyên Mục Đức Tin Giành cho các bạn Trẻ Chuyên Mục “HÃY HỌC CÙNG GIÊSU”


http://www.mediafire.com/imgbnc.php/db1e6b57101cdc47d9c44e501fdc0f144g.jpg


Bài hát chủ đề cuả chuyên mục là:


Hãy Học Cùng Giesu - Gia An


http://www.freewebs.com/hoangsj/Hay%20hoc%20cung%20Giesu%28Cao%20Gia%20An%29.mp3




Chú Ý: Mình Khuyến cáo các bạn nên Download về máy rồi nghe vì nghe trên mạng chập trờn lúc được lúc không rất khó chịu, nếu muốn nghe trên này luôn thì vui lòng đợi trong giây lát. Chúc các bạn rút ra được những điều bổ ích sau những bài bọc này !!!






Các bạn thân mến,

Chúng ta là những người trẻ của thế kỷ XXI, được sống trong thời kỳ hiện đại của khoa học kỹ thuật. Trước mắt chúng ta là những cánh cửa rộng mở với thật nhiều cơ hội, nhưng cũng không thiếu những thách thức và cạm bẫy. Ở tuổi vào đời, chúng ta thấy mình cần mạnh mẽ và bản lĩnh để mở cánh cửa tương lai; nhưng đồng thời, chúng ta cũng cảm thấy mình luôn cần có một sự đồng hành hướng dẫn nào đó. Bởi lẽ hôm nay chúng ta được giao cho đảm nhận cuộc đời mình như một người trưởng thành, trong khi ngày hôm qua chúng ta hãy còn là trẻ con. Do vậy, chúng ta cần một mẫu gương sáng ngời để bước theo, cần một trợ lực từ bên trong để có thể mạnh mẽ sống cuộc đời của mình, nhất là để sống giữa xã hội hôm nay với tư cách là một người Kitô hữu.

Chúng tôi mở chuyên mục “HÃY HỌC CÙNG GIÊSU" với ước mong được đồng hành cùng các bạn trong hành trình sống đức tin. Ước mong duy nhất của chúng tôi là giới thiệu đến các bạn một Đức Giêsu không chỉ là một Thiên Chúa cao xa, nhưng còn là một người Thầy, một người Bạn thiết thân và gần gũi với mỗi người. Giêsu đã yêu thương con người, đã trân trọng phận người, đã đi trọn kiếp người, và đã để lại cho người trẻ một mẫu nhân cách sáng ngời. Giêsu đã sống ba mươi ba năm cuộc đời, đã trải qua kinh nghiệm của tuổi trẻ, chắc hẳn hơn ai hết, Giêsu hiểu rõ những trăn trở, những ưu tư vất vả trong tâm hồn mỗi người trẻ chúng ta.

Giữa những ồn ào và bon chen của cuộc sống, hãy dành một khoảng riêng cho Giêsu. Hãy ngồi lại để lắng nghe những lời tâm tình mà Giêsu không ngừng ngỏ với người trẻ chúng ta ngày nay:

“Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách của tôi êm ái, và gánh của tôi nhẹ nhàng.”(Mt 11, 28 – 30).

Vâng, thưa các bạn, đi giữa dòng đời trên đôi vai của chúng ta phải gồng gánh nhiều thứ: gánh nặng của việc học hành, gánh nặng của công ăn việc làm, gánh nặng của những áp lực trong đời sống, gánh nặng của những âu lo khắc khoải trong chuyện tình cảm... Có những lúc chúng ta tưởng mình ngã quỵ, có những lúc chúng ta chán nản trong cái vòng xoay đơn điệu từng ngày, có những lúc chúng ta như phải một mình bước đi trong đêm tối mênh mông, có những lúc chúng ta chới với không tìm đâu một chỗ bám tựa... Giêsu vẫn ở đấy, vẫn chờ đợi tôi. Luôn có đó một vòng tay chờ đón tôi. Luôn có đó một bờ vai để tôi dựa vào những lúc mỏi mệt. Luôn có một khoảng không gian riêng tư để tôi được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Hãy về làm bạn với Giêsu, để từ việc chiêm ngắm cách Giêsu sống phận người, chúng ta cũng biết cách đảm nhận phận người của mình trong vui tươi và hạnh phúc.

Cho dù bạn là ai, bạn đều được mời gọi để làm bạn với Giêsu.

Nếu bạn đang ngập chìm trong mặc cảm tội lỗi, và cảm thấy mình xa cách với Chúa, xa cách với chính mình, hãy về và học cùng Giêsu, vì Giêsu đến để tìm và cứu vớt những gì đã hư mất.

Nếu bạn đang mang nặng giữa lòng mình một vết thương khó nguôi ngoai, hãy về và học cùng Giêsu, vì hơn ai hết, Giêsu chính là Thầy thuốc tuyệt diệu của tâm hồn.

Nếu bạn đang tuyệt vọng, hãy về và học cùng Giêsu, vì Giêsu đến trần gian này là để thắp lên hy vọng.

Nếu tâm hồn bạn đang chơi vơi, không biết tìm đâu một lối đi, hãy về và học cùng Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Nếu bạn đang phải gặm nhấm nỗi ê chề của thất bại, hãy về và học cùng Giêsu, để biết được đâu là giá trị của những vấp ngã đau thương trong cuộc đời làm người.

Nếu bạn đang chót vót trên đỉnh cao của vinh quang trần thế, bạn cũng được mời hãy về và học với Giêsu, để biết được đâu là giá trị thực mình cần theo đuổi và đâu là thành công vĩnh tồn.

Giêsu đã sống ba mươi năm ẩn dật như một người bình thường giữa bao nhiêu người khác, hẳn cuộc đời làm người phải có một giá trị nào đó thật tuyệt. Giêsu đã làm người để dạy tôi đảm nhận trọn phận người của mình, xin cho tôi dám sống đẹp như Giêsu, vì Giêsu đã không ngại mang lấy phận người như tôi.

Hãy về và học cùng Giêsu !

-----+-----
Chuyên mục HÃY HỌC CÙNG GIÊSU phát sóng vào Thứ Năm hàng tuần.
Rất mong nhận được nhiều phản hồi và đóng góp của các bạn cho chương trình.
Mọi thư từ liên lạc xin gởi về địa chỉ

email: hayhoccunggiesu@gmail.com


LƯU MIH GIAN


Mời các bạn Nghe & Dowload về Nghe và suy gẫm. (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)





http://www.radiovaticana.org/img_common/x.gif

sue
24-10-2008, 11:52 AM
không đau ... mà vui :92::92::92::92::92:

vante
24-10-2008, 11:50 PM
hừ hờ sao vậy tỉ SUE ơi??????????....................................

vante
31-10-2008, 10:36 AM
Mời Các Bạn Lắng nghe !!! (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)
HCGS II: Một Khoảng Lặng Cho GiêSu (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)


http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/Jesus_117.jpg


:hug:MỘT KHOẢNG LẶNG CHO GIÊSU

Các bạn thân mến !

Là những Kitô hữu, chúng ta là bạn hữu của Đức Giêsu và là bạn hữu của nhau. Dù bạn là ai, là một sinh viên đang bận rộn với chuyện học hành, là một công nhân đang bận rộn với công việc mỗi ngày, hay là một người đã tốt nghiệp đại học và đang trên đà tìm kiếm tương lai… chúng ta luôn được mời gọi và luôn có cơ hội để đón tiếp Đức Giêsu mỗi ngày trong cuộc đời của chúng ta.

Thế nhưng làm cách nào để tôi đón Chúa mỗi ngày? Giữa nhịp sống bon chen bận rộn, liệu trong tâm hồn tôi có còn khoảng trống nào dành riêng cho Giêsu không?

Mời các bạn cùng nghe một đoạn Tin Mừng ngắn của Thánh Luca:

“Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" Chúa đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10, 38 – 42)

Để có thể bước vào cuộc đời của mỗi người và làm bạn với mỗi người, Đức Giêsu luôn cần đến sự đón tiếp. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe kể về hai thái độ khác nhau trong việc đón tiếp Đức Giêsu. Dường như thái độ nào cũng dễ thương. Trong khi Marta xông xáo và dấn thân để phục vụ Chúa, Maria lại có một lựa chọn thanh thoát và an tĩnh hơn. Cô ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Người. Maria được khen, còn Marta thì có vẽ như là bị chê. Tại sao lại như thế?

Chúng ta nhận thấy giữa hai thái độ của đón tiếp trên, có một khác biệt thật đáng kể. Trong khi Marta chọn việc phục vụ Chúa là quan trọng, Maria lại chọn chính Chúa. Với Maria, Chúa là quan trọng hơn hết, đến độ tất cả những việc khác đều được cô đặt sang một bên, Chúa thân thương và gần gũi đến cô không cần phải chuẩn bị kiểu hình thức rình rang để tiếp đón, cũng không phải lo lắng nhiều điều.

Dù sao đi nữa, với biến cố được đón Đức Giêsu vào cuộc đời, chắc nơi tôi cũng cần phải có một sự thay đổi nào đó. Marta dường như vẫn tiếp tục công việc thường ngày theo thói quen của mình, vẫn tiếp tục bận rộn và lo lắng với công việc. Phải chăng Marta là hiện thân của những người chẳng bao giờ có thể dứt mình ra khỏi cái quán tính cố hữu mà nhịp sống thường ngày vẫn kéo mình đi?

Vâng, cuộc sống thường ngày bắt tôi phải là một Marta, phải lo lắng xoay sở, phải vất vả với trăm công nghìn việc. Có bao giờ tôi tự hỏi những công việc tất bật ấy rồi sẽ dẫn tôi về đâu?

Dĩ nhiên, để đảm nhận cuộc sống của mình, tôi phải làm việc. Công việc có thể cho tôi nhiều niềm vui, có thể giúp tôi hoàn thiện chính mình, thậm chí có thể giúp cho những vết thương lòng trong tôi dần nguôi ngoai… Thế nhưng có nguy hiểm không khi tôi vẫn thích chọn công việc làm lẽ sống? Có bao giờ tôi đủ thật tâm, để nhận ra những bất an ngấm ngầm mà công việc mang lại cho tâm hồn tôi? Công việc có thường mang đến cho tôi nỗi lo sợ thất bại? Công việc có vắt kiệt sức tôi, xiết chặt tôi vào cái vòng xoáy bộn bề, để rồi sau đó, buông tôi ra và ban phát cho tôi một sự thành công nửa vời với cái cảm giác chông chênh trống rỗng?

Giữa tất cả những chông chênh ấy, tôi được mời gọi để trở về, dành một khoảng lặng trong tâm hồn mình cho Giêsu.

Một điều chắc chắn, tôi đến với Chúa không phải bằng công trạng. Chúa chỉ cần nơi tôi một sự hiện diện, hiện diện với trọn vẹn con người của mình, hiện diện với một con tim biết lắng nghe. Đó là lúc tôi được gặp gỡ Chúa, nhưng đó cũng chính là lúc tôi được gặp lại chính mình, được làm chủ cuộc đời mình. Không điều gì có thể làm tôi bận lòng nữa, không gì còn có thể níu kéo được tôi. Ngồi lại với Chúa, tâm hồn tôi được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Lạy Chúa! Sống là động. Chúa đã ban cho chúng con nhiều khả năng để hoạt động, để dấn thân vào giữa dòng đời, để xây dựng đời mình, xây dựng Nước Chúa. Thế nhưng Chúa cũng không ngừng mời gọi chúng con hãy có khả năng tách mình ra khỏi dòng chảy bộn bề của cuộc đời, để về ngồi lại bên Chúa. Có ngồi lại bên Chúa để lắng nghe lời Chúa dạy bảo, chúng con mới biết mình phải làm gì, chúng con mới thoát khỏi tình trạng cứ lao đầu hùng hục vào giữa dòng đời mà không biết mình đang trôi về đâu.
Giữa những bộn bề của cuộc sống, gữa những ê chề của thất bại, giữa những vô vị của thành công, xin dẫn chúng con trở về bên Chúa, để tâm hồn chúng con được nghỉ ngơi bồi dưỡng.



Radio Vatican
LƯU MINH GIAN

vante
07-11-2008, 10:18 AM
:Tanghoa::hug::love::118: :Tanghoa:
HCGSIII: Các Bạn Tìm Gì Thế (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)





Các bạn thân mến ! chúng ta tiếp tục học Cùng Người nha.





Là những người trẻ bước chân vào đời, chúng ta có thể thấy nơi mình có nhiều điều giống với các môn đệ của Đức Giêsu ngày xưa. Hồi đó, có hai môn đệ của Gioan được giới thiệu đến với Đức Giêsu. Họ đến cùng Giêsu với ước mong tìm được một người thầy giỏi có thể giúp mình xây dựng cuộc đời, ổn định tương lai. Thấy hai người đi theo mình, Đức Giêsu ngoảnh lại và hỏi: “Các bạn tìm gì thế?”(Ga 1, 38). Câu hỏi của Đức Giêsu thật đơn giản nhưng lại hết sức quan trọng, nhất là đối với những người trẻ đang trên hành trình tìm kiếm tương lai như chúng ta.
“Các bạn tìm gì thế?” cũng là câu hỏi mà ngày nay Giêsu đặt ra cho mỗi người chúng ta, cho từng người, cho chính tôi. Tôi muốn gì? Tôi ước mơ gì? Tôi khao khát điều gì? Hãy để cho câu hỏi của Giêsu đụng chạm vào trái tim tôi, soi chiếu những góc khuất trong tâm hồn tôi. Hãy để cho tôi được một lần đối diện thật sự với con tim của mình và thật sự hiểu được mình.


Để biết mình tìm gì, trước hết người ta phải biết mình muốn gì. Câu hỏi này cũng đơn giản, nhưng nó lại không dễ để trả lời. Có nhiều khi chúng ta rất giỏi trong việc vùi đầu vào những kế hoạch mà người khác đã vẽ ra cho mình, mà thường không biết và cũng chẳng quan tâm mình muốn gì. Trong cuộc sống thường ngày, dường như tôi cảm thấy dễ dàng khi để cho mình bị chi phối từ những thị hiếu bên ngoài, hơn là thật lòng lắng nghe tiếng nói của con tim mình. Thế nên tôi dễ bị lèo lái bởi nhiều điều, tôi dễ bắt chước và ăn theo nhiều người khác. Thấy người ta thích tôi cũng thích, thấy người ta ghét tôi cũng ghét.


Hơn nữa, trong lòng mỗi người, nhất là những người trẻ chúng ta, ước mơ thường là một tập hợp hỗn tạp. Tôi mơ mộng nhiều điều, nhưng hình như có rất nhiều điều trong những mơ ước của tôi là do thế giới bên ngoài đập vào tôi. Có những điều là ước mơ của người khác dần dần được tôi nhận làm của mình. Cũng có những điều như một trào lưu của xã hội mà tôi bị cuốn vào và cứ tưởng rằng đó là ước mơ thật của lòng tôi. Lạc giữa thế giới của những điều mơ mộng đan dệt như thế, có bao giờ tôi đủ can đảm dừng lại để tự hỏi: điều nào không phải là ước mơ của tôi, điều nào tôi đã chịu ảnh hưởng và vay mượn từ người khác?


Triết gia Socrates đã chọn cho mình câu châm ngôn triết lý để dạy các môn sinh: “hãy biết mình”. Theo ông: “đối với con người ở đời, biết mình là nguồn phát xuất vô số điều thiện, còn sai lầm về mình gây trăm ngàn tai hại… Ai không biết giá trị của mình, họ cũng chẳng biết tha nhân: họ không biết điều họ phải làm, họ dễ dàng chán bỏ mọi sự”.


Qủa thế, khi không đọc ra được ước mơ của mình, không biết mình muốn gì, tôi chỉ là một cánh lục bình trôi vô định. Tôi dễ buông mình theo dòng nước, để mặc dòng đời đưa đẩy, muốn đến đâu thì đến, muốn ra sao thì ra. Hoặc còn tệ hơn, tôi sống và chiến đấu hết mình cho một lý tưởng mà chính tôi chẳng hiểu gì. Một cuộc sống như thế, liệu có đáng gọi là sống không?


Là một người trẻ tôi muốn rằng mình phải làm chủ cuộc đời mình, tôi nghĩ rằng mình đủ khả năng để đảm nhận cuộc đời mình. Dường như điều đó chỉ có thể khi tôi có khả năng phân định các ý muốn trong lòng tôi. Chắc chắn, tôi có nhiều ước ao. Điều đáng nói là có những ước ao hết sức cháy bỏng, nhưng thực sự lại không quan trọng và không thực tế; ngược lại, có những ước ao hết sức quan trọng, nhưng lại có một chỗ đứng hời hợt trong tâm hồn tôi. Có những lúc tôi thấy mình ước muốn mãnh liệt trở thành một ca sĩ, một siêu mẫu, một siêu sao bóng đá… Có bao giờ tôi đủ tự do và thật tâm để tự vấn chính mình: đó là ước mơ thực của tôi, hay chỉ là ảo tưởng do tôi bị giật giây bởi cái vòng hào quang lấp lánh mà người khác được hưởng? Đó là ước mơ hay chỉ là những đua đòi viễn tưởng và không thực?


Một cuộc sống đáng thương là một cuộc sống mang nhiều ảo tưởng về chính mình. Với ảo tưởng, tôi theo đuổi nhiều thứ, nhưng đồng thời tôi cũng đánh mất nhiều thứ.


Con tim có lý lẽ riêng của nó. Có khi ước mơ trong tôi chỉ là những điều hết sức bình dị mà thực tế. Đó có thể là ước muốn làm một điều gì đó cho cha mẹ mình, những người đã giày công dưỡng dục mình. Đó có thể là ước muốn được chia sẻ cảm thông và làm một chút gì đó cho những người bất hạnh tật nguyền, cho những trẻ em lang thang trên đường phố, cho những người nghèo nàn bất hạnh và những người bị giạt ra bên lề xã hội.


Không phải ước mơ thật cao, thì người ta mới có thể trở thành vĩ đại. Nhiều người đã có thể làm được những điều phi thường, từ những ước mơ tưởng như rất bình thường.


Chắc chắn một khi đã cho tôi vào đời, Thiên Chúa cũng đặt nhiều ước mơ nơi cuộc đời của tôi. Những ước mơ ấy, chắc hẳn không dựa trên những mong đợi viễn vông, nhưng dựa trên con người thật của tôi, với cả những điều tốt đẹp và những điều chưa đẹp, với cả những khả năng và những giới hạn của tôi, với tất cả những gì có, tôi là. Cho đến khi nào tôi biết rõ mình muốn gì, mình thực sự mơ gì, tôi mới có thể biết được đâu là điều Thiên Chúa ước mơ nơi cuộc đời tôi.


Lạy Chúa, cuộc sống bên ngoài có bao nhiêu điều hấp dẫn mà con thì dễ đánh mất chính mình, có bao nhiêu điều níu kéo mà con thì dễ buông xuôi. Lạy Chúa, xin cho con đủ khôn ngoan và bản lĩnh để trở về với chính mình và sống thực là mình. Xin cho con biết con, để con biết Chúa. Cũng xin cho con biết Chúa, để càng ngày con càng biết rõ mình hơn và sống thực là mình hơn. Amen.


LƯU MINH GIAN

vante
13-11-2008, 07:56 PM
Mời các bạn lằng nghe !! (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)



HCGS IV: Làm Bạn Với Chúa - Làm Bạn Với Mình (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)






Các bạn thân mến!
:monkey03:LÀM BẠN VỚI MÌNH - LÀM BẠN VỚI CHÚA

Thời gian qua, trong giới trẻ dường như ai cũng đã từng nghe và từng hát nhiều lần bài hát của nhạc sĩ Đức Huy “VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI”. Trong bài hát, có một câu làm nhiều bạn trẻ thấm thía:

“Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi
Một mình tôi về, nhiều lần ước mi”

Hai câu hát trên nói về thực trạng cô đơn khi một người phải một mình đối diện với chính mình. Đó có lẽ là tình trạng mà mỗi người trẻ chúng ta thường gặp. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn đôi điều về kinh nghiệm sống một mình, về giá trị của việc làm bạn với chính mình và làm bạn với Chúa.

Chúng ta thường sợ sống một mình. Mỗi khi gặp chuyện buồn hay chuyện khó khăn chúng ta vẫn thường muốn tìm ‘một ai đó’ để được an ủi đỡ nâng, muốn làm ‘một cái gì đó’ để nỗi buồn được khỏa lấp. Người ta chạy trốn tình trạng một mình của mình bằng nhiều cách. Trong thực tế, có nhiều người đi tìm khỏa lấp bằng việc hùng hục lao đầu vào công việc, có người lao đầu vào sách vở phim ảnh để giải trí, có người lao đầu vào bia rượu và ma túy để giải sầu, lại có người tìm đến với cái chết để mong giải thoát… Trong tất cả những ‘giải pháp’ trên, hình như người ta đều hy vọng sẽ tìm thấy hướng ra cho tình trạng của mình từ những cái bên ngoài mình. Điều đó liệu có khả thi không? Chuyện gì sẽ xảy ra khi kẻ mà tôi sợ phải đối diện lại chính là tôi? Thật ngạc nhiên khi mà tôi thường đặt tất cả hy vọng của mình vào một ai đó bên ngoài mình. Tôi sống và chiến đấu hết mình cho một điều gì đó cũng ở bên ngoài mình. Kết quả là người khác luôn có quyền làm cho tôi thất vọng, những biến cố xảy ra ngoài ý muốn của tôi luôn có thể làm cho tôi sụp đổ.

Trong tâm lý nhân bản hiện đại, người ta vẫn thường khuyên người trẻ – Hãy làm bạn với chính mình! Có vẻ như ngày nay chúng ta vẫn thường thích làm bạn với nhiều người khác, nhiều thứ khác, ngoại trừ chính mình. Cuộc sống bên ngoài quá ồn ào và hấp dẫn nên nhiều người trẻ trong chúng ta ngại quay trở về với những giá trị thuộc về chiều sâu, thuộc về nội tâm của mình. Nhiều lúc chúng ta chỉ thích đi loanh quanh bên ngoài mình mà thôi. Từ thế kỷ thứ IV, khi nhìn lại kinh nghiệm thời trẻ của mình, Thánh Augustine trong tác phẩm Tự Thuật đã viết: “Người ta ra đi đến những miền xa lạ, để chiêm ngắm những độ cao thẳm của núi non, những làn sóng oai phong của biển cả, những con nước lớn cùng sự bao la của đại dương và những đường sao bay... mà không để ý gì đến thế giới bên trong họ” (Saint Augustine, The Confessions, X, vii).

Tương tự, cũng có câu chuyện kể về người thương gia đi tìm ngọc quý. Ông ta bán hết của cải vườn tược, thu gom mọi thứ để đi đến những vùng đất lạ với hy vọng sẽ tìm được những viên kim cương quý giá. Sau một thời gian tìm kiếm vô ích, ông ta trở về bên mảnh vườn xưa của mình, và bỗng phát hiện rằng giữa lòng con suối nhỏ trong khu vườn ấy là một mỏ kim cương khổng lồ.

Đôi lúc chúng ta cũng như người thương gia, cứ mãi đi tìm kiếm loanh quanh những kho tàng mơ tưởng mà không nhận ra rằng mình đang sở hữu nhiều kho tàng quý giá.

Thật đáng tiếc khi chúng ta đã trở nên xa lạ với mình. Dường như đó là nguồn gốc của mọi bi kịch trong đời sống chúng ta. Nói cho cùng, không làm bạn được với chính mình, làm sao tôi có thể làm bạn với một ai khác. Không chịu đựng được mình, làm sao tôi có thể chịu đựng được người khác. Không đọc ra được nét đẹp nơi chính mình, làm sao tôi có thể đọc ra được những nét đẹp của người khác. Không biết trân trọng mình, làm sao tôi có thể trân trọng ai khác.

Đáng tiếc hơn, một khi đã trở nên xa lạ với mình, tôi cũng dần xa lạ với Thiên Chúa, Đấng đang chờ đợi tôi ngay chính trong sâu thẳm tâm hồn mình. Bởi vì, Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa ở bên ngoài và xa cách con người. Thiên Chúa ấy trước hết ở ngay trong thẳm sâu tâm hồn tôi, cao hơn chỗ cao nhất của tôi và sâu hơn chỗ sâu nhất của tôi, như kinh nghiệm mà tác giả sách Tự Thuật đã viết. Do vậy, làm bạn với mình là bước đầu tiên để tôi đến với Thiên Chúa, Đấng đang ở sâu trong tâm hồn tôi, đang làm bạn với chính tôi. Càng hiểu biết mình hơn, tôi càng có cơ hội vươn đến với Thiên Chúa của tôi.

Đức Giêsu đã nói: “Anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-14). Muối và ánh sáng là những điều đã được phú bẩm trong tâm hồn mỗi người, cùng với ơn gọi được làm người, được làm con Chúa. Thế nên thái độ đầu tiên để sống như một người môn đệ của Chúa, không gì khác hơn chính là khám phá ra chất muối, chất ánh sáng ngay chính trong thâm sâu tâm hồn mình, và sống trọn vẹn với cái bản chất cao đẹp ấy.


Lạy Chúa, xin cho con biết con, để con biết Chúa.
Xin cho con trở nên thân quen với Chúa,
để con cũng trở nên thân thuộc với mình.


Xin giúp con nhận ra
mỗi người chúng con là một kho tàng vô giá.
Xin giúp con đủ trưởng thành và can đảm
để phám phá chính mình,
và khám phá chính Chúa trong con.


Những lúc con tưởng mình cô đơn,
xin giúp con khám phá ra khuôn mặt của Chúa
đang âm thầm hiện diện với con trong từng nhịp sống.


Những lúc con thấy mình bị ruồng rẫy,
xin giúp cho con xác tín
Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi con.
Những lúc con chẳng còn tìm thấy giá trị nào
nơi con người của mình,
xin giúp con nhận ra ánh mắt yêu thương
mà Chúa đang ngắm nhìn con.


Xin dạy con biết làm bạn với chính mình,
như Chúa đã không ngại làm bạn với con. Amen.




Radio Vatican
LƯU MINH GIAN

vante
21-11-2008, 03:20 PM
Mời Các bạn nắng nghe !! (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)


HCGS V: Sống Cho Những Giá Trị Cao Quý Hơn (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)


http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/girl-jesus.jpg



Các bạn thân mến !


Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất đời người. Tuổi trẻ tràn căng nhựa sống với nhiều khát vọng cao đẹp và bay bổng. Đẹp hơn nữa khi người ta nhận ra rằng, ở một góc nào đó trong tâm hồn của những người đang chập chững bước chân vào đời, luôn khắc khoải niềm thao thức hướng về những giá trị đúng đắn và cao đẹp. Quả đúng như những gì các bậc triết gia và hiền nhân đi trước đã khẳng định: nhân di sơ tính bản thiện. Con người bản chất là tốt lành. Ai cũng muốn sống tốt. Ai cũng muốn xây dựng cuộc đời mình trên những giá trị cao cả và lý tưởng sống tốt đẹp.

Thế nhưng đi giữa dòng đời, chúng ta thường gặp nhiều va vấp và đụng chạm. Đôi lúc, những va vấp khiến chúng ta ngỡ ngàng nhận ra rằng có một khoảng cách quá xa giữa điều chúng ta ôm ấp, giữa lý tưởng sống chúng ta theo đuổi, với thực tế phũ phàng đến quá đáng của cuộc sống.

Thật đáng tiếc, khi nhận ra đời không như là mơ, người ta cũng dần để cho mình bị đẩy vào một tiến trình thoái bộ của lý tưởng sống. Những khát vọng cao đẹp càng lúc càng lụi tàn, nhiệt tâm theo đuổi những giá trị cao cả cũng dần tắt. Chứng kiến nhiều điều không đẹp giữa dòng đời, càng lúc người ta càng trở nên quen thuộc và thỏa hiệp với những cái xấu. Người ta trở nên dễ chấp nhận sống theo chủ nghĩa quân bình và tầm thường.




Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn lời mời gọi sống đẹp của Đức Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5, 48). Hẳn Đức Giêsu thừa biết rằng các môn đệ của mình chỉ là những con người yếu đuối, sống giữa một thế gian đầy quyến rũ và cám dỗ. Thế mà Giêsu không ngại mời gọi mỗi người nên hoàn thiện, hoàn thiện như Cha trên trời. Liệu điều đó có khả thi không?

Cách đây gần năm thế kỷ, Stanislaw Kostka là một chàng thanh niên 17 tuổi, được sinh ra và lớn lên trong một gia đình quyền quý ở Ba Lan, trong một giai đoạn mà đời sống đạo đức của xã hội đang ngày càng xuống cấp. Ở cái tuổi mà ai cũng dễ bị sa ngã, giữa vòng vây ồn ào của những cám dỗ tội lỗi quanh mình, Stanislaw đã từ khước tất cả và tuyên bố: “Tôi được sinh ra để sống cho những gì cao quý hơn!”. Suy nghĩ cách chín chắn, chắc hẳn câu châm ngôn sống của Stanislaw cũng có thể trở thành một hướng sống tuyệt đẹp cho chúng ta ngày nay.

Thật thế, để có thể sống cho những giá trị cao quý hơn, tôi được mời gọi tách mình ra khỏi những gì là không cao quý. Có khi đó là việc nói không với những mời mọc hấp dẫn nhưng tội lỗi. Có khi đó là việc giữ một khoảng cách với những trò tiêu khiển bù khú tầm thường và vô bổ. Có khi đó là việc phớt lờ những điều mà bao nhiêu người khác đang chết mê chết mệt.

“Sống cho những gì cao quý hơn” là lối sống hướng thượng, nỗ lực vươn mình lên cao, trong khi chung quanh luôn có biết bao nhiêu điều muốn kéo ghì tôi xuống. “Sống cho những gì cao quý hơn” có khi là một lối sống cứ luôn phải cố gắng để lao mình về phía trước, trong khi chung quanh tôi bao nhiêu người khác vẫn tàn tàn và lây lất sống theo chủ nghĩa quân bình. “Sống cho những gì cao quý hơn” có khi chỉ đơn giản là việc tôi sống thực với những xác tín mạnh mẽ và cao quý trong thâm sâu tâm hồn mình, trong khi thế giới chung quanh tôi còn biết bao điều tầm thường thô tục. Chắc chắn, lối sống ấy tạo nên một khoảng cách giữa tôi và cuộc đời, giữa tôi và người khác. Nhưng chính khoảng cách ấy mới cho tôi cơ hội để được sống thật là mình, mới tạo cơ hội cho những giá trị cao đẹp trong tôi được bùng phát. Giữa vô vàn những tương quan trong cuộc sống, chỉ những người có can đảm và đủ bản lĩnh vững vàng mới có cơ hội để sống thực là chính mình, để sống đẹp.

Dù sao đi nữa, nên hoàn thiện như Cha trên trời không phải là điều một sớm một chiều mà người ta có thể làm được. Đó là một tiến trình kéo dài trong suốt cả cuộc đời. Lời mời gọi ấy đẩy tôi lên đường trong một tiến trình liên tục sống và chọn lựa. Vâng, sống là chọn. Có những lựa chọn cho tôi một bước tiến, nhưng cũng có những lựa chọn đẩy tôi nhiều bước lùi. Giữa những tinh vi và đa dạng của cám dỗ, giữa những mời gọi êm ái của một lối sống buông thả và dễ giãi, để có thể sống xứng đáng là con cái Chúa, tôi luôn được mời gọi hướng mình lên cao, tìm đến những gì cao quý hơn. Bởi vì cuộc đời tôi thì cao quý hơn nhiều so với những cám dỗ tầm thường đang vây bọc quanh tôi.

Trong thư gởi cho các tín hữu Philliphê, Thánh Phaolô cũng đã viết: “Giữa một thế gian tội lỗi, và sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao!”(Pl 2, 15). Môi trường chung quanh còn nhiều bóng tối, có thể là một thách đố lớn lao, có thể là cám dỗ, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tôi tỏa sáng, để nhân cách tôn giáo và những phẩm chất tốt đẹp của một người Kitô hữu trong tôi được bừng chiếu sáng ngời nơi thế gian này.

Để có thể sống được như thế, chúng ta luôn cần đến sự trợ lực của Chúa. Vì thế, chúng ta cùng dâng lên Chúa lời khấn nguyện.


Lạy Chúa Giêsu
Chúa biết chúng con yếu đuối dường nào.
Thế mà Chúa vẫn không ngại
mời gọi mỗi người chúng con sống đẹp.
Chúa biết giữa lòng chúng con vẫn còn nhiều góc tối,
thế mà Chúa không ngại
mời chúng con làm con cái ánh sáng.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết,
xin kéo con luôn hướng mình lên cao
để dâng cho đời những hương hoa ngát thơm.
Như ngọn nến lung linh
xin giữ con hồn nhiên cháy sáng giữa dòng đời còn nhiều bóng tối quanh con. Amen



Radio Vatican
LƯU MINH GIAN

vante
28-11-2008, 04:32 PM
Mời các bạn nắng nghe !!! (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)


HCGS6: AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)



Các bạn thân mến !

Là người công giáo, từ nhỏ chúng ta đã được dạy cho giới răn “MẾN CHÚA, YÊU NGƯỜI”. Theo đó, để sống đạo tốt, tôi không chỉ phải sống với Chúa trong tình con thảo, nhưng còn phải sống với mọi người trong tình anh em. Có bao giờ chúng ta cảm thấy gượng gạo khi gọi những người xa lạ là anh chị em của mình? Có bao giờ chúng ta gặp khó khăn khi bị đòi buộc thực thi bác ái với những người mà mình không quen biết?

Tin Mừng Luca kể chuyện một người thông luật đến hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống." Thánh Luca kể tiếp: Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? "(Lc 10, 25-29)

Vâng, ai là người thân cận của tôi? Ai là anh em tôi? Ai là người tôi phải thực thi đức bác ái? Câu hỏi của nhà thông luật dường như cũng là câu hỏi của chính tôi, câu hỏi của mỗi người. Thế nhưng câu hỏi ấy gợi lên điều gì? Phải chăng nó muốn thu hẹp lại giới hạn của những người mà tôi phải thực thi lòng bác ái. Phải chăng hỏi như thế là để tôi biết ai không phải là người thân cận của mình, để tôi khỏi phải thực thi lòng bác ái với họ? Thực thi bác ái có vẻ vẫn là một điều luật mà tôi phải làm, nên tôi muốn tránh được chừng nào thì hay chừng ấy.

Trong đời sống thường ngày, đã biết bao lần tôi đi qua nỗi đau của nhiều người khác. Có những người bị nạn nằm ngay trên lối đi của tôi, tôi thấy, nhưng tôi không dừng lại. Tại tôi bận. Tôi còn có việc phải làm. Tôi còn nhiều kế hoạch dang dở. Sợ rằng lo cho người khác sẽ làm sút giảm năng suất làm việc của tôi. Có những người gặp khó khăn, thực sự cần đến sự giúp đỡ của tôi. Tôi thấy, nhưng tôi tránh qua bên kia mà đi. Tại tôi sợ. Sợ rằng chăm lo cho an toàn của người khác sẽ làm tổn hại đến an toàn của tôi. Tôi không muốn bị phiền hà liên lụy vì những người mà mình không quen không biết.

Phải chăng vì chính những nỗi sợ ấy mà trong thế giới ngày nay vẫn còn biết bao nhiêu bất công đau xót, còn biết bao nhiêu người đang quằn quại trong cô đơn khốn khổ, còn biết bao nạn nhân vẫn nằm đó với vết thương dở sống dở chết. Hình ảnh những nạn nhân ấy có phản ánh đúng tình trạng bất công của xã hội và thái độ vô tâm đến bất nhân của lòng tôi không?

Cuộc sống quanh tôi còn biết bao những mảng đời trôi nổi, không lẽ tôi mãi làm lơ họ chỉ vì họ là người xa lạ với tôi? Giống tôi, họ cũng mang một khuôn mặt, một vóc dáng, một nhân phẩm của con người. Giống tôi, họ cũng được sinh ra, lớn lên và được sống dưới cùng một mặt trời, trên cùng một quả đất. Giống tôi, họ cũng biết khóc biết cười, biết đớn đau tủi nhục… Họ chẳng phải là anh chị em của tôi sao?

Tôi hay phân biệt rạch ròi kẻ thân quen và người xa lạ, người khác cũng hay phân biệt rạch ròi kẻ xa lạ và người thân quen. Kết quả là thế giới này vẫn đầy những mảng rời rạc không thể ráp nối của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, và cuộc sống quanh tôi vẫn chỉ là những mảng rời của các nhóm hội, đoàn thể… Không được ráp nối lại bởi tình yêu, thế giới này luôn có nguy cơ bị xé nát bởi những phân biệt như thế.

Hãy nhìn đến những người thân cận của mình, những bạn bè thân thiết với mình. Họ là ai? Chẳng phải trước đây họ đã từng là kẻ xa lạ với tôi sao? Như thế, những người xa lạ đều có thể trở thành bạn bè của tôi, đều có thể là anh em, là người thân cận của tôi. Hơn nữa, giữa một thế giới với hơn 6 tỉ con người, tôi có quen biết được bao nhiêu người đâu. Thử một lúc nào đó, tôi ngồi ngắm dòng người ngược xuôi trên đường phố, rồi tự hỏi mình: bao nhiêu người trong số đó là người thân cận của tôi?

Nếu tôi chỉ thực thi bác ái với những người thân cận với mình, thì cái thế giới của tình yêu trong tôi nhỏ hẹp quá. Chính tình yêu, chính việc thực thi bác ái sẽ nới rộng thế giới của tôi, sẽ cho phép tôi trở nên người thân cận của những người mà tôi vẫn nghĩ là xa lạ.

Bác ái không phải là một luật từ bên ngoài, nhưng là một điều vốn dĩ tự nhiên trong tính cách của con người, nhất là người công giáo. Tôi không thực thi bác ái vì luật buộc, nhưng tôi sống bác ái vì tôi là một con người. Tôi yêu mến người khác vì họ cũng là người như tôi.
Trả lời cho câu hỏi ai là người thân cận của tôi, Đức Giêsu kể câu chuyện về người Samari có lòng thương xót, rồi Ngài kết luận: “Hãy đi và làm như vậy!”. Hãy đi và thực thi lòng thương xót. Hãy đi và lãnh nhận trách nhiệm trở nên người thân cận với những người anh em đang cần đến mình. Hãy đi để “yêu mến người thân cận như chính mình” không chỉ dừng lại như là một điều răn, nhưng là một lối sống thực tế.

Giêsu đã đến trần gian này để trở nên người thân cận với con người, với tôi. Trái tim Giêsu đã rung lên trước những cảnh đời lầm than vất vưởng. Giêsu đã không ngại bầu bạn với những người bị xã hội lên án, khinh miệt và xa lánh. Giêsu đã không ngại cùng ăn cùng uống, cùng khóc cùng cười, cùng lang thang rày đây mai đó với những người nghèo nhất của xã hội. Tôi có dám học cùng Giêsu để cho con tim của mình được rộng mở quảng đại đến thế không?


Lạy Chúa!
Điều răn quan trọng nhất Chúa dạy chúng con là tình thương.
Nhờ có tình thương trong tim mà
chúng con mới thực sự là người.
Nhờ thực thi tình thương ấy,
chúng con mới có thể xây dựng Nước Chúa
nơi trần gian này.


Cuộc sống hiện đại cho chúng con nhiều điều,
nhưng cũng ràng buộc chúng con
trong cái vòng luẩn quẩn
chỉ lo vun quén cho chính mình.
Một cách vô tình
công việc và thành đạt
được chúng con đặt lên trên giá trị của tình người.
Xin dứt chúng con ra khỏi cái tôi vị kỷ,
để hướng lòng đến biết bao nhiêu người anh em khác
đang cần đến chúng con. Amen



Radio Vatican
LƯU MINH GIAN

vante
04-12-2008, 09:46 PM
Mời các bạn lắng nghe !!! (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)
HCSG7: GIÁ TRỊ CỦA SỰ CHỜ ĐỢI (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)





http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/jesus-knocking-on-door.jpg



Các bạn thân mến !

Tuổi trẻ hiện đại thường được mô tả với những đặc tính như quyết đoán, nhanh nhẹn, năng động và sáng tạo. Muốn làm gì chúng ta thường tìm mọi cách để làm, và làm cách nhanh nhất. Nhiều người thích chọn cho mình câu châm ngôn: sống là không chờ đợi.

Qủa thế, tôi thường không thích chờ đợi. Chờ đợi làm tôi mệt mỏi. Chờ đợi không cho tôi làm chủ tình thế. Trong tình trạng chờ đợi, tôi đánh mất tính năng động của mình.

Ấy vậy mà nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giêsu dạy tôi phải biết chờ đợi (Lc 12, 36; Cv 1, 4…). Bước vào mùa Vọng, Giáo Hội cũng mời tôi sống tinh thần chờ đợi. Mùa Vọng là mùa đợi chờ. Việc sống tinh thần chờ đợi như một người Kitô hữu có ích gì cho tôi trong nhịp sống hiện đại này chăng? Đâu là giá trị của sự chờ đợi trong cuộc đời tôi?

Là người trẻ, ai cũng có nhiều ước muốn. Có ước muốn là có chờ đợi. Chờ đợi cho tôi một mục đích để sống. Chờ đợi cho tôi một động lực để vươn tới. Trong chờ đợi, tôi chuẩn bị và xây dựng đời mình. Chính ước muốn và sự chờ đợi nhào nặn nên cuộc sống của tôi.

Trong thực tế, những điều ước muốn thường đến với tôi theo nhiều cách. Có nhiều việc tôi đạt được là nhờ chủ động tìm kiếm. Nhưng cũng có rất nhiều việc, muốn đạt được tôi phải biết đợi chờ. Đâu phải điều gì cũng có thể nằm trong tầm tay của tôi. Đâu phải cứ khi nào tôi cố hết sức mình thì mọi sự tôi muốn đều sẽ đến với tôi. Đâu phải cứ lúc nào tôi muốn là được. Chờ đợi như một người Kitô hữu dạy tôi biết khiêm tốn. Những lúc tôi thấy cứ nôn nóng khi chờ đợi, cứ khó chịu với hoàn cảnh, cứ bất mãn với chính mình, chờ đợi như một người Kitô hữu dạy tôi biết kiên nhẫn. Những lúc tôi thấy bất an khi chờ đợi, nghi ngờ về những điều sẽ đến, thất vọng với tương lai… chờ đợi như một người Kitô hữu dạy tôi sống niềm tin.

Thế thì đâu là thái độ chờ đợi của một người Kitô hữu? Chúng ta tìm thấy những hướng dẫn của Đức Giêsu: “Anh em hãy tỉnh thức và sẵn sàng”(Mt 24, 44). “Hãy thắt lưng cho gọn và thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”(Lc 12, 35-36).

Đọc những dòng trên, chúng ta mới chợt hiểu rằng thái độ chờ đợi của người Kitô hữu chẳng hề thụ động tí nào. Ngược lại, người Kitô hữu chờ đợi với sự sẵn sàng ứng trực. Đó là chờ đợi trong tỉnh thức. Tôi không thể chờ đợi, nếu không tỉnh thức. Tỉnh thức để nhịp tim của tôi được hòa điệu theo mỗi phút giây chờ đợi. Nếu điều tôi chờ đợi là một tai họa, tỉnh thức giúp tôi sẵn sàng ứng phó. Nếu điều tôi chờ đợi là một cơ hội, tỉnh thức giúp tôi nắm bắt và không để nó vuột khỏi tầm tay. Nếu điều tôi chờ đợi là một ân sủng, tỉnh thức giúp tôi lãnh nhận xứng đáng. Nếu điều tôi chờ đợi là một Tin Mừng, tỉnh thức cho tôi giây phút được mừng reo hoan hỷ.

Như thế tỉnh thức làm cho đời sống của tôi được sống động. Có tỉnh thức tôi mới thực sống. Nếu không, tôi chỉ kéo dài lây lất tình trạng mê ngủ của mình và chờ đợi trong tình trạng vật vờ mà thôi.

Giêsu lại dạy tôi chờ đợi và tỉnh thức như thái độ của một người đầy tớ chờ chủ mình. Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi?

Là một Kitô hữu, tôi không chỉ phải biết chờ đợi, nhưng còn phải biết rõ mình chờ đợi điều gì. Điều đáng cho một người Kitô hữu chờ đợi phải là điều rất cao cả và quan trọng. Điều ấy phải vượt xa những hào nhoáng phù du của vật chất, vượt trên những níu kéo tầm thường của tham vọng. Điều ấy có khả năng chi phối trọn vẹn cuộc đời của tôi, có thể lấp đầy con tim của tôi. Điều ấy đáng cho tôi hết lòng hết sức, toàn tâm toàn ý để sống và theo đuổi.

Mùa Vọng là mùa để tôi đặt lại vấn đề với chính lòng mình và thanh lọc những ước muốn của tôi. Đâu là điều tôi thường chờ đợi? Những chờ đợi ấy dẫn tôi về đâu? Những chờ đợi ấy có cho tôi thỏa mãn lâu dài không? Thử một lần tôi nghiêm túc tự hỏi lại mình: nếu không phải là khuôn mặt của Giêsu, điều gì trong cuộc sống này có khả năng lấp đầy con tim của tôi?..

Giêsu nhắn nhủ tôi hãy tỉnh thức, vì Người biết tôi dễ ngủ say trên những quyến rũ phù phiếm. Giêsu bảo tôi hãy coi chừng, vì Người biết tôi cả tin và ngu ngơ trước những cạm bẫy của cuộc sống. Giêsu bảo tôi hãy sẵn sàng, vì Người biết tôi thường bê trễ. Giêsu làm đủ cách để thắp lên trong tôi hy vọng, vì biết rằng tôi dễ buông xuôi. Sống tinh thần mùa vọng, tôi bỗng nhận ra rằng Giêsu đã và đang đặt nhiều hy vọng nơi tôi.
Đứng trước những hy vọng ấy, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện tâm tình:



Lạy Chúa



Chờ đợi là cơ hội để chúng con sống tốt


như một người Kitô hữu,


biết tỉnh thức và sẵn sàng,


biết khiêm tốn và kiên nhẫn,


biết tin tưởng và hy vọng.




Chúng con dễ ngủ quên trên nhiều thứ


vì không đủ tỉnh thức.


Chúng con hay kéo lê những lỗi phạm theo cuộc đời mình


vì không đủ sức mạnh để dứt bỏ.


Chúng con dễ lúng túng trước những đổi thay của cuộc sống


vì không đủ sẵn sàng.


Chúng con hay e ngại hoang mang


vì không đủ tin tưởng vào Chúa.




Giữa những bấp bênh của cuộc đời,


xin dạy chúng con hy vọng.


Giữa những quyến rũ của trần gian,


xin dạy chúng con từ bỏ.


Giữa những níu kéo của đam mê,


xin giúp chúng con vượt thắng.




Xin dạy chúng con bước đi mỗi ngày nơi đất thấp


mà tâm hồn luôn ngưỡng vọng về trời cao,


để tiến bước trong sẵn sàng và hy vọng. Amen.



Radio Vatican
LƯU MINH GIAN

vante
13-12-2008, 02:13 PM
Mời các bạn lắng nghe!!! (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)
HCGS 8: ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)





http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/2330287.jpg




Các bạn thân mến !!!

Chúng ta thường mệt mỏi khi phải đối diện với những xung đột trong chính tâm hồn mình, khi bị đặt giữa những dằng co của ánh sáng và bóng tối. Để diễn tả những xung đột trong tâm hồn con người, người ta hay dùng hình ảnh tương phản của ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng và bóng tối của trời đất là điều mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày, chúng ta có thể gọi tên và phân biệt dễ dàng. Thế nhưng ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn mỗi người thì phức tạp hơn.

Trong tâm hồn mỗi người luôn có những vùng ngập tràn ánh sáng. Đó là ánh của niềm vui, hạnh phúc, của những khát vọng đơn sơ ngay lành. Dẫu vậy, cũng trong chính tâm hồn ấy vẫn có những phần bị phủ đầy bóng tối. Bóng tối của buồn sầu chán nản .Bóng tối của cái tôi ích kỷ tự mãn. Bóng tối của những mưu mô toan tính. Bóng tối của sự gian dối. Bóng tối của lòng thù hận ganh ghét và những điều xấu xa cần phải được che đậy. Bóng tối của những thói quen xấu mà tôi cứ phải kéo lê theo cuộc đời mình vì không đủ can đảm để dứt bỏ.

Ánh sáng và bóng tối gần với tôi như thế, nên tôi có thể chọn sống và để cho ánh sáng bừng lên trong tôi, nhưng cũng có thể chọn sống vùi mình giữa bóng tối. Tin Mừng Gioan ghi lại nhận xét của Đức Giêsu trong cuộc đối thoại với ông Nic-cô-đê-mô: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng”(Ga 3, 19).

Yêu chuộng bóng tối, điều nghe có vẻ lạ lùng ấy lắm lúc lại thật đúng với tôi và với mỗi người. Có những lúc tôi thấy mình cần chút bóng tối để nương náu, nhất là những lúc thất bại ê chề, những lúc buồn sầu chán nản, những lúc sai lầm lỗi phạm… Dường như bóng tối che chở tôi và cho tôi cảm giác an toàn. Tôi thấy dễ chịu hơn khi bước đi trong bóng tối. Có những lúc bóng tối là môi trường thuận lợi để tôi muốn làm gì thì làm, muốn sống sao thì sống.

Điều nguy hiểm khôn lường là tôi dễ bị nghiện bóng tối. Đi mải mê trong bóng tối, tôi dễ trở thành quen. Tôi chôn mình trong mê muội và sai lầm. Sống càng lâu trong bóng tối, tôi càng ngại bước ra ánh sáng. Ánh sáng khiến tôi có cảm giác bị phơi trần, bị dò xét, bị phân xử. Ánh sáng khiến mắt tôi chói lọi.

Phải chăng vì cuộc đời tôi có quá nhiều điều cần che đậy giấu giếm, nên tôi vẫn sợ ánh sáng? Đức Giêsu giải thích thực trạng trên thật rõ ràng: “phàm ai làm điều dữ, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách”(Ga 3, 20). Thật thế, ánh sáng bắt tôi phải đối diện với sự thật. Ánh sáng chất vấn và tinh lọc cuộc đời tôi. Ánh sáng làm bại lộ những điều tôi muốn giữ kín, những điều không mấy đẹp. Thế nên tôi ngại.

Dẫu vậy, có một sự thật hiển nhiên mà người ta không muốn nghĩ tới: không phải không có đe dọa trong bóng tối, nhưng là vì trong bóng tối, tôi không thấy mình bị đe dọa. Dù có bước đi và cảm giác an toàn trong bóng tối, tôi vẫn là một nạn nhân bị chộp giữ. Tôi tưởng mình được tự do, nhưng thực ra, tôi đang nô lệ cho những khuynh chiều không mấy đẹp đẽ trong mình. Vì thế, tôi không dám lộ mặt ra trước ánh sáng. Tôi tưởng mình được an toàn, nhưng thực ra đó chỉ là thứ bình an giả tạo, đang giết chết từng ngày tâm hồn tôi.

Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối luôn là cuộc chiến không khoan nhượng. Hoặc là tôi thuộc về ánh sáng, hoặc là tôi sẽ bị bóng tối chộp giữ. Không thể có thái độ lập lờ.

Trên bước đường đời tôi đi, Chúa vẫn không ngừng chiếu dọi nhiều ánh sáng. Đó có thể là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà một ai đó dành cho tôi, đó có thể là một tấm gương sống thật đẹp mời tôi bước theo. Ánh sáng thật dễ nhận ra, nhưng để có thể bước theo ánh sáng, tôi bị đòi hỏi phải bước ra khỏi vũng trời cũ kỹ và tội lỗi của mình. Như thế, trọn cuộc đời tôi, mỗi ngày, tôi đều được mời gọi hoán cải. Hoán cải đơn giản là bước ra khỏi bóng tối để đi vào vùng ánh sáng, là bỏ đi những đường nẻo quanh co, để bước ngẩng đầu đứng thẳng và bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã nói: “Chính tôi là ánh sáng cho trần gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”(Ga 8, 12). Khi tôi được chọn và được kêu gọi làm con Chúa, làm con của ánh sáng, không phải trong tôi đã hoàn toàn chỉ có những điều thiện hảo. Không phải đến lúc tôi hoàn toàn đẹp đẽ không tì vết thì tôi mới dám bước đi trong ánh sáng của Chúa. Ánh sáng không chỉ dò xét chiếu dọi, nhưng ánh sáng còn chữa lành tôi. Ánh sáng nâng tôi lên để tôi sống đúng phẩm giá đời mình. Ánh sáng rực rỡ khiến tôi được tinh luyện. Ánh sáng đem lại sự sống và làm nên phẩm giá đời tôi. Ánh sáng đẹp đẽ khiến tôi ước ao, bước theo ánh sáng tôi cũng có cơ hội để trở nên đẹp đẽ và cao quý.


Lạy Chúa Giêsu


Chúa gọi chúng con là con cái của sự sáng


dù Chúa biết trong lòng chúng con vẫn còn nhiều góc tối.


làm sao để chúng con có thể sống xứng đáng


với những mong đợi và hy vọng mà Chúa đặt nơi chúng con?




Những lúc con chơi vơi giữa ngã ba chợ đời,


xin Chúa là quy chiếu để con hướng về.


Những lúc con bước đi chênh vênh trên bờ cám dỗ


xin Chúa là điểm tựa để con vượt thoát.


Những lúc con còn mê mải trong bóng tối,


xin chiếu dọi ánh sáng của Chúa vào sâu thẳm hồn con.


Xin cho con đừng ngại ngần e sợ trước ánh sáng của Chúa.


vì ánh sáng ấy là cứu độ đời con. Amen.



RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU


NGƯỜI PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
18-12-2008, 07:34 PM
Mời các bạn lắng nghe !!! (http://https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)
HCGS9: NGÀI CÓ PHẢI LÀ ĐẤNG PHẢI ĐẾN (http://https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?p=22046#post22046)?



http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/Jesus_127.jpg

Các bạn thân mến !


Chỉ còn vài ngày nữa là đến đại lễ Giáng Sinh. Sau một thời gian cùng Giáo Hội sống tâm tình chờ đợi, giờ đây chúng ta có thể tự hỏi lại mình: tâm hồn tôi đã sẵn sàng để đón Chúa chưa?

Để có thể biết mình sẵn sàng hay chưa, điều quan trọng hơn hết là tôi phải biết mình chuẩn bị để đón một Thiên Chúa nào. Nếu không hiểu gì về Đấng mình chờ đợi, có khi chúng ta sẽ phải ngỡ ngàng và thất vọng đáng tiếc. Đó là kinh nghiệm chúng ta học được từ những người cùng thời với Giêsu.

Thời Đức Giêsu, người ta chờ đợi một Đấng Mesia quyền lực, một vị Vua oai hùng, một Đấng có khả năng giải phóng họ khỏi tay đế quốc ngoại xâm. Giêsu đến, trong hình hài của một thơ nhi bé nhỏ. Những người chờ đợi từ khước món quà mà Thiên Chúa trao ban vì món quà ấy không phù hợp với mong đợi của họ. Cũng thời đó, Gioan Tẩy Giả loan báo về một Đấng Mesia công thẳng, là Đấng sẽ sàng lọc tách bạch kẻ công chính ra khỏi người tội lỗi. Thế nên ông đã phải ngỡ ngàng thật nhiều trước hình ảnh của một Giêsu hiền lành và khiêm hạ. Mãi cho đến khi sắp hoàn tất sứ mạng cuộc đời mình, Gioan vẫn còn nuôi hoài giữa lòng mình niềm thắc mắc: Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi ai khác? (Mt 11, 3).


Để có thể đón nhận Chúa, dường như tôi phải học biết và chấp nhận rằng Thiên Chúa có thể khác với những gì tôimong đợi và tưởng nghĩ. Lắm lúc chính những hình ảnh méo mó mà tôi có về Thiên Chúa lại trở nên chướng ngại khiến tôi khó đón nhận Thiên Chúa vào cuộc đời mình. Một lần nữa, tôi sẽ phải tự hỏi lại mình: Thiên Chúa là ai đối với tôi? Đâu là khuôn mặt Thiên Chúa mà tôi mong đợi? Thiên Chúa là Đấng hằng ở trong tôi hay vẫn còn là một Đấng quá xa lạ với tôi? Thiên Chúa thân thương như người Cha, người Thầy, người Bạn, hay vẫn chỉ là một Đấng quyền quý cao sang và hay áp đặt nhiều đòi hỏi lên cuộc đời tôi?


Thưa các bạn !


Mùa Vọng là mùa để chuẩn bị cho chúng ta đón nhận một Thiên Chúa làm người nơi Hài Nhi Giêsu. Đến với con người, Giêsu nào có đòi hỏi gì cao sang. Không cung ngọc đền vàng. Không gối hoa nệm gấm. Con Thiên Chúa đã đến thăm con người chỉ qua một máng cỏ đơn sơ và khiêm hạ. Tâm hồn tôi có thể là một máng cỏ để Giêsu ngự vào không? Tôi có dám đón Giêsu vào cuộc đời mình với trọn cả con người tôi, với tất cả những gì tôi là, tôi có?… Một máng cỏ nghèo hèn còn xứng đáng làm giường cho Giêsu, tâm hồn tôi lại chẳng bằng một máng cỏ sao? Giêsu có thể sinh ra hàng ngàn lần nơi hang đá Bêlem, nhưng điều đó chẳng ý nghĩa gì với tôi cả nếu Ngài không thực sự được sinh ra ngay nơi chính con tim tôi.


Có thể khi đi đến cuối cuộc hành trình có người sẽ phải thất vọng nhận ra rằng mình chưa chuẩn bị được gì để đón Chúa cả. Tâm hồn mình vẫn ngổn ngang và bề bộn nhiều thứ. Giữa những hào nhoáng ồn ào của phố hoa điện đèn, tâm hồn mình vẫn còn là một khoảng trống mênh mang. Nhiều người chôn mình trong cái mặc cảm bất xứng và khép kín.


Thế nhưng tôi có tin rằng trước khi tôi biết rõ và nhận ra tình trạng của mình thì Chúa đã thấu biết tôi? Tôi có thể tuyệt vọng về mình, nhưng Thiên Chúa thì không tuyệt vọng về tôi. Tôi có thể mất kiên nhẫn với mình, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ thiếu kiên nhẫn với tôi. Tôi có thể không nhìn ra giá trị của mình, nhưng dưới mắt Thiên Chúa tôi vẫn có một giá trị bất khả thay thế.


Thế nên đến với Chúa tôi đâu có cần phải điểm tô cho bóng bẩy. Tôi cũng đâu cần phải khoác cho mình những chiếc mặt nạ như tôi vẫn thường làm khi bon chen giữa dòng đời. Tất cả công sức chuẩn bị của tôi trong mùa vọng có khi chỉ đơn giản là lột đi những chiếc mặt nạ mà mình đã đeo mang suốt cả cuộc đời. Tôi nhận ra mình là ai và trình diện trước Thiên Chúa với trọn vẹn con người tôi.


Mùa vọng là mùa để tôi chuẩn bị tâm hồn mình thật tốt để đón Chúa. Nhưng đồng thời, tôi cũng được nhắc rằng: dù tôi thế nào đi nữa, Giêsu cũng mong được bước vào cuộc đời tôi. Hãy mở rộng cửa lòng mình để đón Chúa. Nếu lòng tôi còn nhiều bề bộn, hãy để cho Giêsu đi vào những bề bộn của lòng tôi. Giêsu sẽ chỉ cho tôi thấy đâu là giá trị của những bề bộn trong cuộc đời tôi. Hãy để Giêsu bước vào đời tôi không phải như một người khách lạ, nhưng như một người bạn thiết thân và chân tình. Hãy trình diện với Giêsu trọn vẹn con người thật của mình… Với ánh mắt của Giêsu, tôi sẽ hiểu được đâu là giá trị của cuộc đời mình.



Lạy Chúa Giêsu
Chúa đã vượt qua một khoảng cách thật xa
để đến làm người và ở với chúng con.
Thế mà con vẫn cứ vô tình
tạo thêm nhiều khoảng cách giữa con và Chúa.
Con mê mải giữa dòng đời và quên mất Chúa.
Con lấp đầy đời mình với nhiều mộng đẹp phù du
và con tim con chẳng có chỗ nào cho Chúa.
Đến lúc nhận ra thực trạng của mình,
con lại giam mình trong mặc cảm tự ti
và ngại ngần khép kín trước Chúa.
Con đã để Chúa đứng bên đời con
lặng lẽ như một người khách lạ.
Lạy Chúa !
Qua bao phen lãng du giữa cuộc đời
con biết đời con sẽ chẳng là gì
nếu không có Chúa
Qua từng nhịp bước chênh vênh
Qua bao lần đau thương vấp ngã
con biết đời con cần Chúa.
Con kính mời Chúa đến
và ở lại với con. Amen.




RADIO VATICANA



MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU



NGƯỜI PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
25-12-2008, 11:04 AM
Mời Bạn Lắng Nghe!!! (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)
HCGS10: HUYỀN NHIỆM SỰ SỐN (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)G
(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)

http://www.dongten.net/sjvn-web/tin-tuc/hinh-anh/thang-12/Gerard_van_Honthorst.jpg
Các bạn thân mến !

Để bắt đầu bài chia sẻ hôm nay với đề tài “Huyền Nhiệm Sự Sống”, mời các bạn cùng chúng tôi dừng lại ở hình ảnh trung tâm của mùa Giáng Sinh: một Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Chung quanh Hài Nhi có thánh Giuse và mẹ Maria, có các mục đồng, có ba vị đạo sĩ đến từ phương đông… và có thể có chính bạn, bạn có thể đặt thêm khuôn mặt của mình vào trong bầu khí linh thiêng ấy. Hãy lặng lẽ chiêm ngắm mọi người đang bái gối trước một Hài Nhi mới chào đời. Khung cảnh ấy có mang đến cho bạn sứ điệp gì chăng? Có phải sự sống đáng được mọi người bái gối thờ lạy như thế?

Dĩ nhiên, chúng ta có thể giải thích rằng mọi người bái gối thờ lạy một Hài Nhi vì Hài Nhi ấy là Con Thiên Chúa làm người, là một ân sủng trọng đại mà Thiên Chúa ban cho con người. Vâng, đó là ân sủng quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho con người. Nhưng thưa các bạn, ân sủng ấy lại mang hình hài của một thơ nhi mỏng manh và yếu đuối. Ân sủng nào cũng cần được nâng niu và trân trọng, cần được đón nhận và dưỡng nuôi.

Giáng sinh, chúng ta nhận ra một lối ngõ mà Thiên Chúa chọn để đến với con người: đó là con đường khởi đầu của một sự sống. Chỉ cần một chút ích kỷ, con người luôn có thể chặng đứng con đường ấy. Chỉ cần một chút ác tâm, con người sẵn sàng vứt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Người ta luôn có thể nói không với ân huệ mà Thiên Chúa ban cho mình. Người ta luôn có thể bóp chết ân huệ ấy ngay khi nó còn trong trứng nước.

Đau đớn biết bao khi ngày nay chúng phải chứng kiến nhiều người từ khước sự sống là chính máu mủ ruột thịt của mình. Lý do chỉ đơn giản là vì sự chào đời của sự sống mới ấy sẽ khiến cho cuộc đời của họ mất đi một chút tiện lợi, mất đi một chút tự do, mất đi một chút danh giá… Họ làm ngơ với tiếng nói của lương tâm, để kéo lê cuộc sống mình trong nặng nề ích kỷ. Họ từ khước dễ dàng cái sự sống phát sinh nơi mình, mà quên mất rằng nếu đã bị từ khước như thế, thì chẳng bao giờ họ có mặt trong cuộc đời này.

Cũng đáng tiếc biết bao khi ngày nay nhiều người trẻ dễ nghĩ đến cái chết như là giải pháp cho mọi vấn đề: thất tình, buồn phiền, chán nản, đổ vỡ, thất vọng… Người ta dễ quên mất rằng chỉ cần có sự sống là có hy vọng. Chỉ cần còn sống là còn mọi sự phía trước.

Thưa các bạn !

Nói chuyện của người ta cũng chỉ để nhìn lại chuyện của mình. Có bao giờ bạn tự hỏi mình: còn tôi thì sao? Dưới mắt tôi, sự sốngcó giá trị gì không?Tôi có thật sự trân quý sự sống của mình không? Hay căn bản hơn: Tôi là ai? Tại sao tôi có mặt trên cõi đời này? Tôi đã làm gì để đáng được có mặt trong cuộc đời? Chẳng phải sự sống của tôi là một quà tặng vô giá sao?

Sống trong cuộc đời, tôi có thể cho mình mọi thứ: công danh, sự nghiệp, lương bổng, vật chất, những kế hoạch, những ước mơ… Những buồn vui thành bại trong cuộc đời, có thể hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Kết cục cuộc đời tôi đi về đâu có thể hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Thế nhưng, mọi thứ chỉ là không tưởng, nếu trước hết tôi đã không được cho một khởi đầu, không được ban cho một sự sống. Có khởi đầu thì mới có tất cả. Vậy mà lạ lùng thay, khởi đầu của tất cả những điều tốt đẹp ấy là điều chưa bao giờ nằm trong tầm tay của tôi. Điều quý giá nhất tôi có được lại là điều tôi không thể tự ban cho mình.

Thế nên chẳng phải là ngược ngạo lắm sao khi chúng ta yêu quý nhiều điều, nhưng lắm lúc lại không yêu quý sự sống của mình cho đủ. Hãy nhìn lại những cuộc lễ long trọng mà chúng ta thường tổ chức: lễ tốt nghiệp, lễ nhậm chức, lễ cưới, lễ khấn Dòng, lễ bổn mạng… Dĩ nhiên những ngày lễ mừng ấy đều là những cột mốc quan trọng làm nên cuộc đời của mỗi người. Nhưng đâu là cột mốc quan trọng nhất của một cuộc đời? Đâu là kỷ niệm đáng được mừng nhất? Có ngày nào quan trọng bằng ngày lễ sinh nhật không? Không có ngày sinh nhật, người ta làm sao mừng những ngày lễ khác? Ngày sinh nhật nhắc tôi biến cố mình được sinh ra, được hiện diện giữa cõi đời này. Ngày sinh nhật mang lại ý nghĩa cho mọi ngày khác trong đời tôi.

Ngày lễ Giáng Sinh chúng ta quỳ gối trước một em bé, vì biết rằng em bé ấy sẽ nên một con người vĩ đại. Mọi cái vĩ đại đều có khởi đầu bé nhỏ và mỏng manh như thế. Cần được nuôi dưỡng bởi tình yêu thì những cái mỏng manh mới có thể trở nên vĩ đại. Biến cố chào đời của Hài Nhi Giêsu nhắc nhở tôi về chính biến cố chào đời của mình. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, tôi được nhắc nhớ về giá trị linh thánh huyền nhiệm của sự sống. Vâng, sự sống là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm ấy đáng để người ta bái gối tôn thờ. Phải bái gối khiêm nhường thì người ta mới có thể hiểu được giá trị thẳm sâu của sự sống. Phải tôn thờ kính cẩn thì người ta mới biết được giá trị của điều mà Thiên Chúa ban cho mình là cao cả dường bao.

Nếu một lúc nào đó tôi không tìm thấy giá trị nào cho cuộc đời của mình, nếu chưa cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, hãy nghĩ đến chuyến hành trình chuẩn bị cho sự chào đời của tôi. Để có tôi, cần một chút duyên may nào đó để bố tôi gặp được mẹ tôi. Gặp nhau rồi, bố mẹ tôi cần có một chút tình yêu nào đó để không từ khước sự có mặt của tôi. Cũng thế, để bố tôi và mẹ tôi có mặt trên cõi đời này, cần một chút duyên may nào đó để ông bà tôi gặp nhau, họ cũng cần một chút tình yêu nào đó để không từ khước sự có mặt của bố mẹ tôi… Đi dọc theo hành trình ấy, tôi sẽ nhận ra rằng: chẳng phải cuộc đời tôi chính là nơi hội tụ của những cuộc gặp gỡ tương duyên kỳ ngộ sao ! Chẳng phải sự sống của tôi là hoa quả kết tinh từ hàng ngàn tình yêu quảng đại sao ! Việc tôi có mặt trong cuộc sống này chẳng phải là một phép lạ sao !

Chính tình yêu và những cuộc gặp gỡ cơ duyên làm nên sự có mặt của tôi. Thế nên thái độ đầu tiên tôi hướng đến sự sống của mình phải là lòng biết ơn. Biết ơn những cuộc gặp gỡ, biết ơn những tình yêu quảng đại đã đưa tôi vào đời. Tôi sống là để cám ơn cuộc đời và để nối dài tình yêu ấy cho thế giới này, như kinh nghiệm mà Thi sĩ Liban Kalin Gibran đã thốt lên:

cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
ta có thêm ngày nữa để yêu thương


Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng
Để đến với con người,
Chúa có thể sinh ra hàng ngàn lần nơi hang đá Bêlem.
Nhưng điều đó thật vô ích
nếu chẳng có chỗ nào cho Chúa được sinh ra
trong con tim của mỗi con người chúng con.

Xin dạy chúng con biết mở rộng lòng mình
để Chúa được đến với chúng con ngay tại nơi chúng con sống,
để Chúa được yêu chúng con như chúng con thật là,
để con tim chúng con là nơi Chúa được sinh ra,
để cuộc sống chúng con là nơi Chúa ngự đến.

Xin dạy chúng con biết trân trọng sự sống,
dù đó là sự sống của một thai nhi vô tội
là sự sống của một người già cả tật nguyền,
hay là sự sống của một bệnh nhân đã hết đường chạy chữa.

Ước gì nơi vẻ đẹp của mỗi cuộc đời
chúng con luôn được gặp Chúa,
để chúng con biết trân trọng
và yêu quý sự sống như nó đáng được trân trọng và yêu quý. Amen.



Radio Vatican
LƯU MINH GIAN

vante
26-12-2008, 12:29 AM
:hug::111:CHƯƠNG TRÌNH MỪNG GIÁNG SINH http://www.radiovaticana.org/vie/img/listen.gif (http://62.77.60.84/audio/ra/00143157.RM) :nhay::secret:
http://dauantinhyeu.info/vante/HCGS/NguyenUocGiangSinh.mp3


Các bạn thân mến !

Giáng Sinh là mùa của những nguyện ước. Như một phần không thể thiếu trong dịp Giáng Sinh, chúng ta hay gởi trao nhau những tấm thiệp mừng. Mỗi tấm thiệp mang theo bao lời nguyện chúc tốt đẹp mà chúng ta muốn gởi đến những người mình yêu mến. Gởi một tấm thiệp đi, chúng ta luôn mong nó có thể mang lại chút niềm vui nào đó cho người nhận. Người nhận thiệp sẽ vui thật vui nếu những lời nguyện chúc của chúng ta lại đúng với những nguyện ước mà họ đang ấp ủ.

Để những lời nguyện chúc của chúng ta không trở nên hình thức và sáo rỗng, dường như cần nơi chúng ta một chút quan tâm và một chút tinh tế nào đó. Có bao giờ bạn quan tâm đâu là nguyện ước thật của những người bạn yêu mến? Có bao giờ thay vì gởi đến người khác nhiều lời nguyện chúc theo như ý mình, bạn ngồi lại để lắng nghe chính những nguyện ước của họ? Bạn có nghĩ rằng chỉ cần ngồi lại bên nhau, lắng nghe những nguyện ước chân tình của nhau để đồng cảm và sẻ chia, có khi còn quý hơn là gởi cho nhau hàng ngàn tấm thiệp?

Với chương trình NGUYỆN ƯỚC GIÁNG SINH, chúng tôi mời các bạn cùng lắng nghe những nguyện ước rất chân tình của nhiều bạn trẻ trong mùa Giáng Sinh này. Đằng sau mỗi nguyện ước là một nỗi lòng. Lắng nghe nguyện ước là lắng nghe ngôn ngữ sâu thẳm của con tim. Chính trong chiều sâu ấy, chúng ta gặp gỡ nhau. Chính việc gặp gỡ những nguyện ước của người khác cũng giúp chúng ta đọc lại những nguyện ước của lòng mình.

Giáng Sinh. Giữa cái nhộn nhịp của phố phường, người ta thấy mình cần một chút tĩnh lặng. Tĩnh lặng để cảm nếm được cái không khí linh thánh của Đêm Giáng Sinh. Tĩnh lặng để mình không thành kẻ vô tâm với Hài Nhi thơ bé đang nằm lặng lẽ trong máng cỏ. Tĩnh lặng để tâm hồn mình được bình an… Chúng ta hãy lắng nghe những tâm sự của ca sĩ Nguyễn Hồng Ân. Từ Sài Gòn, Hồng Ân viết cho chúng tôi như sau:

"Trong đêm cực thánh này, Ân thật sự ước mong được sống một mình để tâm hồn mình được trầm lắng bên Chúa Giêsu Hài Đồng đơn sơ và nghèo khó. Giữa những ồn ào của phố thị, của tất bật công việc, của cái không khí tấp nập, Ân luôn mong có được một chút tĩnh lặng cho riêng mình. Ân muốn được tham dự một Thánh Lễ thật sốt sắng ở một nhà thờ nhỏ thôi, rồi sau đó được về nhà ăn tối với mẹ, cùng mẹ mừng sinh nhật Chúa Giêsu, và sinh nhật của mình, vì hôm đó cũng là ngày sinh nhật của Ân. Thế nhưng thật tiếc là Ân phải hát chạy sô tới 2 chỗ… "
Vâng, Giáng Sinh bên gia đình và những người thân yêu nhất của mình dường như là nguyện ước chung nhất của mọi người, nhất là những người đi học và đi làm xa. Từ tỉnh Thái Nguyên, một bạn có nickname là thutrang_trs nguyen viết như sau:

Nguyện ước của tôi là được ở bên những người thân yêu của mình và mong những người thân yêu luôn được hạnh phúc, vui vẻ.. Tôi mong mọi người sống với nhau tốt hơn, để thế giới chung quanh tôi được bình an hơn. Xin Chúa Hài Đồng ban bình an và giúp cho mọi người biết sống yêu thương nhau hơn. Giữa những khó khăn và thử thách của cuộc sống, tôi ước mình luôn giữ được niềm tin vào chúa, và biết hy sinh tất cả cho Chúa.

Một bạn khác Canh_nguyen, ở thành phố Biên Hòa, thì viết:

"Tôi sẽ làm một cái Hang đá nho nhỏ để tạo thêm bầu khí linh thiêng và ấm áp trong đêm Giáng Sinh. Bên hang đá, tôi mong mình có thể gặp gỡ và tận hưởng trọn vẹn đêm Giáng Sinh với những bạn bè thân thiết của mình, những bạn bè thời thơ ấu, những bạn bè thời đi học và những bạn bè bây giờ của mình. Chúng tôi sẻ chuyện trò và chia sẻ suốt đêm. Đó sẽ là phút giây đẹp lắm "

Vâng, Giáng Sinh mang niềm vui gặp gỡ. Được gặp gỡ với những bạn bè thân thiết để tâm tình chia sẻ, đêm giáng sinh trở nên một kỷ niệm khó phai. Giáng sinh còn nhắc nhở nhiều người về những cảnh đời đang sống chung quanh mình. Với cái nickname là Tigon buon_524, một bạn ở thành phố Đà Nẵng viết cho chúng tôi:

"Giáng sinh bình an và lặng lẽ. Tôi ước có được bình an trong tâm hồn mình để mình có thể mang bình an của Chúa Hài Đồng đến cho những người chung quanh tôi. Tôi có nhiều bạn bè. Trong số đó, có rất nhiều người không bình an. Họ sống vật vờ, không ý chí, không phấn đấu, không muốn vươn lên… Họ chẳng tin vào điều gì tốt đẹp… Là người trẻ mà họ hoang phí cuộc đời mình thật đáng tiếc. Họ lao đầu vào chơi bời và bia rượu để ước mong khỏa lấp những khoảng trống vô hình nào đó trong tâm hồn họ… Tôi ước mong mình có thể mang bình an của Chúa đến cho những người bạn ấy."

Bạn mariaxuan1983 ở quận Thủ Đức, tp HCM thì viết:

"Nguyện ước của tôi hơi mang tính nghề nghiệp một chút. Là một cô giáo trẻ, tôi ước mong rằng các em nhỏ của mình được quan tâm và chăm sóc chu đáo hơn…chăm sóc ở đây không chỉ là vật chất, nhưng còn là tinh thần từ phía gia đình. Tôi không biết phải làm sao khi chứng kiến nhiều em học sinh của mình trở thành nạn nhân của những đổ vỡ trong chính gia đình… kết quả là các em dần trở nên khép kín, trở nên những người khó ưa, khó bảo… Đau lòng biết bao khi thấy những mầm non đang trở nên héo hắt như thế !"
Chúng ta lại tiếp tục với nhiều nguyện ước khác. Đằng sau mỗi nguyện ước là một câu chuyện. Có khi đó là câu chuyện mà chúng ta đã phải cưu mang thật lâu, những câu chuyện về sự phũ phàng của cuộc sống mà chúng ta phải chứng kiến bất lực. Gởi gắm vào nguyện ước giáng sinh của mình, bạn teresa_ thanh hien một sinh viên ở Sài Gòn chia sẻ:
"Giáng sinh này tôi có hai nguyện ước, có lẽ đây là điều thật khó thực hiện, dù sao đây là điều mà tôi luôn thao thức và trăn trở.

Thứ nhất, tôi mong ước giáng sinh năm nay không có trẻ em bị ngủ lạnh ngoài đường. Một lần đi lễ đêm về, khoảng 11 giờ hơn, trên lề đường Hai Bà Trưng (Sài Gòn) tôi thấy một người mẹ mang thai và hai đứa con nhỏ đang ngủ say bên lề đường với một cái võng nhỏ. Hai đứa bé dường như rất lạnh. Lúc đó trên tay có con gấu bông, tôi đăt trên người em bé. Nhưng cả người mẹ cùng những đứa con không ai tỉnh giấc. Có lẽ họ quá mệt nên đã chìm say trong giấc ngủ. Hai em nhỏ lem luốt và người mẹ trông rất khó nhọc. Tôi nghĩ đây chỉ là một trong vô số những trẻ em trên thế giới phải sống như thế này: lạnh, đói, không chổ ngủ… ngay khi bao đưa trẻ khác bỏ thừa nhiều thứ. Chỉ cần một chút quan tâm và chia sẻ cho nhau, sẽ đâu còn những cảnh đời lầm than vất vưởng như thế…

Nguyện ước thứ hai, tôi mong ước không có trẻ em nào bị giết trong mùa giáng sinh này. Nguyện ước này đến từ một kinh nghiệm kinh hoàng đã đeo đẳng tôi suốt thời gian qua. Có một thời gian tôi nuôi mẹ mình trong Bệnh Viện Từ Dũ… Những ngày ấy tôi phải chứng kiến bao điều khủng khiếp từ cái cách mà người ta đối xử với những thai nhi… Tôi thấy con người sao mà khủng khiếp quá. Nhiều người hành động như những kẻ nắm quyền sinh sát trong tay, và nạn nhân luôn là những người bé nhỏ, yếu đuối và vô tội. … Những trẻ em mới chào đời còn đỏ hỏn có tội tình gì đâu. Tôi chứng kiến như một người bất lực vì mình là kẻ ngoài cuộc chẳng can thiệp được gì…"
Giáng sinh lạnh. Chúng ta những người được bảo bọc trong chăn ấm nệm êm và những an toàn của cuộc sống. Làm sao không khỏi chạnh lòng khi chung quanh mình vẫn còn quá nhiều những mảng đời lầm than vất vưởng. Cũng ở Sài Gòn, bạn Minh Hoàn bày tỏ nguyện ước của mình:

"Giáng Sinh năm nào tôi cũng một nguyện ước nho nhỏ. Tôi mong mình được làm ông già Noel như hồi xưa để phát quà cho những trẻ em lang thang trên đường phố và cho những người nghèo khổ trong những khu nhà ổ chuột. Năm nào có cơ hội được hóa trang làm ông già Noel để đến và chia sẻ với những người nghèo, tôi thấy tâm hồn mình ấm áp lắm. Đến với họ, tôi được nghe nhiều điều, nhận được nhiều điều trong cuộc sống…

ah, nếu được phép có một nguyện ước cho riêng mình, tôi ước nguyện rằng giáng sinh năm nay, tôi sẽ được đi lễ với người mình yêu, dù có thể đấy sẽ là lần cuối cùng…"

Có lẽ cái nguyện ước thứ hai thật gần gũi với mỗi người trẻ chúng ta phải không thưa các bạn ! Giáng sinh giữa phố lạnh mùa đông, chúng ta luôn mong có một ai đó cạnh mình, có một bàn tay nắm lấy bàn tay mình, có một con tim sưởi ấm con tim mình… Những nguyện ước thật dễ thương và thật đẹp. Một bạn khác với cái nick Ngandethuong1232000 cũng viết:

"Tôi mong rằng người yêu của mình sẽ tin Chúa và đi nhà thờ chung với tôi. Tôi mong mình đủ hiểu biết về Chúa để có thể chia sẻ cho bạn mình. Tôi mong người tôi yêu chia sẻ cùng một niềm tin với tôi, nhờ đó có thể chia sẻ với tôi cả những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống."
Giáng sinh lặng lẽ. Người ta trở về với cõi lòng mình, đối diện với con người của mình, nhìn lại những vấn đề của mình, để rồi nguyện ước trên chính mình. Một bạn khác A6_NQ ở tp Biên Hòa viết:

"Tôi ước mong mình sống đạo đức hơn với Chúa. Tôi ước mong thời gian có thể quay trở lại để tôi sửa chữa một lầm lỗi lớn nhất trong đời mình, để tôi không còn bị nó dằn vặt, nghi ngờ và hối hận như bây giờ…."

Còn bạn mariaxuan1983 thì chia sẻ:

"Trong mùa Giáng Sinh này, tôi muốn dâng lên Chúa Hài Đồng tâm hồn và cuộc đời mỏng manh của tôi. Tôi ước gì tâm hồn mình đừng ra chai đá giữa những va chạm của cuộc đời. Nhiều lúc tôi cảm thấy chơi vơi, chán nản khi càng lúc càng cảm nhận được rằng để tồn tại và thăng tiến, người ta sẵn sàng chà đạp nhau và đánh đổi cả cái tình bạn đẹp đẽ nhất đã từng có thời còn đi học. Tôi từng bị sốc khi chứng kiến những lật lọng quá đáng giữa cuộc đời. Nhiều lúc muốn nghĩ rằng người ta đối xử với mình thế nào thì mình sẽ đối xử lại như vậy… Thế nhưng tôi sợ lắm nếu tâm hồn của mình ra chai đá và nhỏ nhen. Tôi đang cố gắng vượt qua điều đó. Tôi mong mình được biến đổi nhiều hơn, vững vàng hơn sau mỗi lần vấp ngã, tôi mong mình không quá ngạc nhiên và tổn thương khi chứng kiến nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Tôi mong mình biết yêu mến bản thân mình hơn."
Trở về với chính tâm hồn mình chính là lúc chúng ta đối diện với bao dự phóng cho tương lai cho cuộc đời. Bạn Anh Tú, một người đang có dự định làm tu sinh trong giáo phận của mình, chia sẻ với chúng tôi:

"Hiện giờ, tâm hồn tôi luôn khao khát ơn bình an. Có bình an, tôi sẽ làm được mọi việc. Tôi tin rằng mọi tâm sự của mình Chúa Hài Đồng đều biết. Ngắm Chúa Hài Đồng bé nhỏ và khiêm hạ trong hang đá, khung cảnh ấy bình an quá. Tôi mong tâm hồn mình cũng được ơn bình an như thế. Tôi ước mong bình an để có thể lắng nghe Chúa nói với tôi, Chúa muốn gì nơi tôi, Chúa muốn tôi đi con đường nào trong tương lai…"


Thưa các bạn

Với câu hỏi NGUYỆN ƯỚC GIÁNG SINH CỦA BẠN LÀ GÌ? Chúng tôi đã nhận được thật nhiều những câu trả lời thật dễ thương và sâu lắng. Chúng tôi cám ơn sự cộng tác của nhiều bạn trẻ, những người đã sẵn sàng chia sẻ những nguyện ước rất thực của lòng mình trong mùa Giáng Sinh này.

Cũng với câu hỏi trên, chúng tôi nhận được thật nhiều điều bất ngờ. Có người giải bày rằng “tôi thực sự không dám nguyện ước, tôi sợ đối diện với cay đắng phủ phàng của hiện thực. Vì đời có bao giờ như là mơ”. Cũng có những người khác khi đối diện với câu hỏi về nguyện ước mới lúng túng nhận ra rằng dường như mình đang sống mà không có nguyện ước. Và dường như đó là cội rễ của sự vô vị trong cuộc sống thường ngày của mình.

Thưa các bạn, dẫu sao nguyện ước thì không phải là một kế hoạch. Kế hoạch là ngôn ngữ được tính toán chi li bởi cái đầu. Còn nguyện ước là ngôn ngữ rất thật của con tim. Nguyện ước hong ấm và cho cuộc đời chúng ta nhiều thi vị. Hãy nguyện ước, để thấy chúng ta không vô tâm với cuộc đời.

Cuộc đời chung quanh chúng ta sẽ trở nên tươi đẹp biết bao nếu chúng ta có thêm một chút quan tâm dành cho nhau, có thêm một chút tinh tế để lắng nghe những nguyện ước của nhau, và có thêm một chút đồng cảm để chia sẻ với nhau.

Kính chúc các bạn một mùa Giáng Sinh BÌNH AN, HẠNH PHÚC. Xin Chúa Giêsu Hài Đồng chúc lành cho những nguyện ước thật dễ thương và tốt lành của các bạn. Lưu Minh Gian xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn ở những lần phát tới của chuyên mục HÃY HỌC CÙNG GIÊSU.




Lưu Minh Gian

http://www.radiovaticana.org/img_common/x.gif

vante
02-01-2009, 09:59 AM
Mời Bạn Lắng Nghe !!! (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)
HCGS 11: KHÁT KHAO THIÊN CHÚA


http://www.mediafire.com/imgbnc.php/c5f382c0b0e14fb89f1b38e40ee2e3614g.jpg




Các bạn thân mến !


Nói đến khao khát là nói đến ngôn ngữ của con tim. Mỗi người chúng ta đều có một con tim bằng thịt. Đó là con tim biết vui biết buồn, biết thương biết giận, biết hạnh phúc khổ đau, biết ước mơ và khao khát. Có người trải qua bao sóng gió vùi dập của cuộc đời, tự nhận rằng con tim mình đã ra chai sạn sỏi đá. Thế nhưng một con tim bằng thịt làm sao có thể ra chai đá được? Con tim ra sỏi đá hay người ta đã trở nên chai sạn trước ngôn ngữ của con tim mình? Bao lâu con tim còn phập phồng trong lồng ngực, bấy lâu người ta còn là người và còn phải sống với những tình cảm rất thật của một con người.


Thế nhưng, thật khó để đọc ra được ngôn ngữ thẳm sâu của con tim. Bởi nói cho cùng, con tim chúng ta vẫn là con tim nhân gian, hay tham lam ôm đồm nhiều thứ.


Dù sao đi nữa, trong tất cả ngôn ngữ nóng bỏng của con tim, bên dưới tất cả những ôm đồm đa mang, nếu đủ thật lòng và kiên nhẫn với mình, người ta sẽ khám phá được đâu là khát khao sâu thẳm nhất. Người ta không gọi sở thích hay mơ tưởng là khao khát. Người ta càng không gọi tham lam và thèm muốn là khao khát. Bởi lẽ, khao khát là điều gì đó có khả năng chi phối trọn vẹn cuộc sống và định hướng cho con đường đi tới của mỗi người. Khao khát là nỗi niềm hướng về một Đối Tượng cao đẹp và linh thánh.


Con tim của chúng ta ước muốn nhiều thứ. Thế nhưng càng ngày, chúng ta càng kinh nghiệm rằng những vật chất hữu hình, những chộp giữ phù du, những tham lam ôm đồm chẳng thể nào khỏa lấp được niềm khắc khoải của con tim. Chúng ta như thấy mình luôn cần có một điều gì đó cao cả hơn, quan trọng và ý nghĩa hơn.


Thánh Augustine thời trẻ đã chìm đắm trong mê mải tìm kiếm thú vui xác thịt, tìm kiếm phú quý công danh, tìm kiếm kiến thức uyên bác… Cuối cùng, khi được thức tỉnh Augustine đã phải chấp nhận một thực tế phủ phàng rằng tất cả những thứ mình vơ vào mình chỉ có một tác dụng duy nhất là làm cho mình khao khát hơn mà thôi. Từ kinh nghiệm xương máu ấy, Augustine đã thốt lên: “Lạy Chúa! Chúa dựng nên chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con khắc khoải khôn nguôi cho đến khi được nghỉ ngơi bên Chúa” (Thánh Augustine, Tự Thuật, I, i).


Vâng thưa các bạn, đẩy cho đến cùng, niềm khao khát bắt chúng ta phải đối diện với câu hỏi về cội nguồn và cùng đích của đời mình. Sống là một cuộc hành trình. Dường như chúng ta chỉ có thể an tâm khi biết được mình xuất phát từ đâu, và sẽ đi về đâu. Sẽ đẹp biết bao nếu cả cuộc đời được chúng ta sống như là một cuộc hành hương, luôn thao thức tìm về cùng đích của đời mình.


Có câu chuyện kể về niềm thao thức của một chú cá nhỏ. Được sinh ra ngay giữa lòng đại dương, từ nhỏ chú cá đã được dạy cho biết phải sống với lòng biết ơn đại dương. Lớn lên từng ngày, lòng biết ơn như một điều gì đó vốn tự nhiên nơi tâm hồn chú cá. Chỉ một điều làm chú băn khoăn thao thức mãi: Đại dương là thế nào? Đại dương ở đâu để tôi cám ơn? Làm sao để tôi tìm gặp đại dương? có thật là có đại dương không?.. Chú cá nhỏ sử dụng cả cuộc đời mình để đi tìm kiếm, chú mong được nhìn thấy đại dương bằng đôi mắt bé nhỏ và khả năng giới hạn của mình.


Thưa các bạn, thao thức của cuộc đời là thao thức đi tìm. Như chú cá nhỏ giữa đại dương, tâm hồn chúng ta cứ thao thức mãi cho đến khi nhận ra được rằng chúng ta đang được tung tăng bơi lội trong đại dương tình Chúa. Khi đó, thao thức trong tâm hồn chúng ta lại là làm sao để sống và sống xứng đáng với những ân huệ mình vẫn lãnh nhận mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây phút trong cuộc đời.


Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng sống mà lúc nào cũng khắc khoải thao thức như thế thì không thoải mái lắm. Thế nhưng sống mà chẳng thao thức về điều gì, chẳng khao khát điều gì, cuộc sống chúng ta liệu sẽ đi đến đâu, hay chỉ dậm chân nằm ì một chỗ. Sống mà không thao thức không khao khát điều gì chẳng phải là một tai họa sao?


Từng là một người trẻ như chúng ta, con tim Giêsu cũng đã từng thao thức khôn nguôi: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 49-53).


Tuổi trẻ của Giêsu ước mong thực hiện một công trình, đó là công trình xây dựng Nước Chúa nơi trần gian. Lửa mà Giêsu đem đến trần gian không gì khác chính là lửa Tình Yêu của Thiên Chúa. Khắc khoải của Giêsu là làm sao để Tình Yêu của Thiên Chúa bùng lên nơi thế gian này. Niềm khao khát ấy linh thánh và cao đẹp biết bao.


Giêsu đã sống, đã chiến đấu, và đã dám chết cho niềm khao khát ấy. Còn chúng ta, đâu là khao khát thực của lòng mình? Chúng ta có dám đi cho đến cùng để khám phá ra khao khát thẳm sâu của lòng mình? Chúng ta có dám sống cho đến cùng khao khát ấy không?



Lạy Chúa, cho dẫu con là ai,
con biết rằng Chúa đã thương con.
Cho dẫu con thế nào,
con biết rằng Chúa vẫn yêu con.
Tình yêu ấy làm tâm hồn con thao thức.
Xin cho niềm thao thức ấy đẩy con lên đường.


Đẹp biết bao khi cả cuộc đời con
là một chuyến hành trình tìm về bên Chúa.
Ý nghĩa biết bao khi cả cuộc đời con
là một công trình tìm phục vụ Chúa
nơi những người anh chị em quanh mình.


Xin tình yêu Chúa thôi thúc con lên đường
theo tiếng gọi của con tim thao thức
tìm về với Đấng là cội nguồn
và cùng đích của đời con. Amen.



RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
09-01-2009, 10:51 AM
Kính Mời Bạn Lắng Nghe !!!
HCGS12: Lên Đường Cho Sự Sống Mới (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)http://www.radiovaticana.org/vie/img/listen.gif (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)

http://www.mediafire.com/imgbnc.php/1f565314741cb561cb60104e88f047334g.jpg


Các bạn thân mến,

Người ta thường ví cuộc đời như một dòng chảy. Để sống, chúng ta hòa mình vào dòng chảy của cuộc đời và để cho mình được cuốn đi. Vì thế, hành trình sống là một tiến trình liên tục lên đường, ra đi và từ bỏ. Ra đi là bỏ lại sau lưng một khoảng trời mơ. Thế nên ra đi nào cũng có những luyến lưu và tiếc nuối. Ra đi là lao mình về phía trước. Không ai chắc được tương lai phía trước sẽ ra sao. Thế nên ra đi nào cũng có hoang mang và e ngại.

Thử nhìn lại hành trình cuộc đời của mình từ nhỏ đến lớn, đã biết bao lần chúng ta ra đi và rời bỏ: Rời bỏ mái ấm gia đình để tìm một khung trời mới cho việc học hành, làm ăn. Rời bỏ ngôi trường thân yêu để bước chân vào đời. Rời bỏ rời bỏ làng quê quen thuộc để đi tìm một con đường sống nơi xứ lạ. Rời bỏ nhịp sống quen thuộc để đi tìm cho mình một lý tưởng sống... Ra đi nào cũng là để tìm về một mục đích cao đẹp và tốt lành, để xây dựng cuộc đời, xây dựng tương lai.

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình phải ra đi? Tại sao mình phải rời bỏ khi mà cõi lòng tôi vẫn còn nhiều lưu luyến với người xưa, với chốn cũ. Tại sao mình phải ra đi, khi mà nhịp sống thường ngày trong cái môi trường cũ đã trở nên quen thuộc và gần gũi với mình?..

Có lẽ đó là tâm trạng mà ngày xưa các môn đệ của Đức Giêsu đã trải qua, khi các ông lần đầu tiên được gọi để bước theo Người. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thái độ lên đường của Đức Giêsu và các môn đệ, tôi có thể học được nhiều điều, để biết cách đảm nhận hành trình cuộc đời của mình.

Tin Mừng Matthêu kể lại: “Đức Giê su đi ngang qua trạm thu thế, thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó, Người bảo ông: Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người”(Mt 9, 9)

Matthêu được gọi khi ông đang ngồi làm việc tại bàn thu thuế. Ông đang yên vị trong cái nhịp sống thường ngày quen thuộc, an toàn và ổn định. Chẳng biết ông đã ngồi như thế được bao lâu, nhưng hẳn rằng, ngồi càng lâu người ta càng lười đứng dậy. Bởi ai dại gì mà rời bỏ những thứ đã trở nên gắn bó thân thương với mình! Đức Giêsu như nhìn thấy và thấu hiểu tất cả những điều ấy. Ngài đi ngang qua, và tạo nên một cơn bão tố xáo trộn.

Các bạn thân mến !

Ai trong chúng ta cũng đã một thời được duy trì khá lâu trong tư thế ngồi. Ngồi trong sự bảo bọc ấm êm của cha mẹ và gia đình. Ngồi trong vòng tay thân thương gần gũi của bạn bè. Ngồi trong sự an toàn của nhịp sống đều đặn quen thuộc. Ngồi trong niềm vui của những cuộc gặp gỡ… Những bảo bọc êm ấm ấy đôi khi lại trở nên thiết thân với mỗi người, đến độ chúng ta ngại lên đường để bước chân vào một khung trời mới.
Ở một khía cạnh khác, Matthêu là một người thu thuế, tư thế ngồi gợi lên một quá khứ không mấy trong sáng của ông. Đó có thể là ngồi trong những thói quen cố hữu, trong nếp sống phóng túng, trong rượu chè bê tha, trong những tật xấu khó bỏ… Ngồi diễn tả một sức ì, một sự níu kéo dằng dai mà người ta khó thoát ra được. Những người ngồi lâu trong tình trạng ấy thường rất ngại đứng dậy để lên đường, để đổi thay.

Thế nhưng Matthêu đã đứng dậy và đi theo Giêsu ngay khi ông nghe lời mời. Hẳn lời mời ấy đã đụng chạm đến vùng trời sâu thẳm nhưng nồng nhiệt trong tâm hồn ông. Lời mời ấy khơi nguồn cho dòng chảy ồ ạt của khát vọng lên đường trong ông. Lời mời ấy giải phóng ông khỏi những ràng buộc, luyến lưu... vốn có thể trở thành thâm căng cố đế và ghì chặt đời ông trong một góc trời tù túng nhỏ hẹp. Lời mời ấy mang đến cho tâm hồn Matthêu một sức bật. Ông vùng thoát khỏi những lớp vỏ bọc từ lâu đã phủ vây đời mình. Ông dang rộng đôi tay đảm nhận lấy cuộc đời của mình. Ông vứt bỏ lại phía sau một quá khứ nhiều tì vết, để lao mình về phía trước trong cuộc đời làm môn đệ Đức Giêsu.

Trong cuộc đời rao giảng của mình, Đức Giêsu cũng gặp nhiều níu kéo. Luca kể lại rằng ở Ca-phác-na-um, trước những phép lạ cả thể của Đức Giêsu, đám đông dân chúng trở nên quý mến người, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4, 42-43). Rồi Đức Giêsu ra đi, tiếp tục sứ vụ của mình. Bước chân Giêsu nhẹ nhàng và thanh thoát biết bao.

Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, mỗi người đều được giao cho một sứ mạng, mỗi người đều được mời gọi lên đường để thực thi sứ mạng của mình. Ước gì nhờ việc chiêm ngắm bước chân trên đường của Giêsu, mỗi người chúng ta cũng biết cách lên đường và sống trọn vẹn sứ mạng của mình. Ước gì tôi cũng có kinh nghiệm được Giêsu hấp dẫn đến độ tôi sẵn sàng “quên đi chặng đường đã qua” mà “lao mình về phía trước” (Pl 3, ), nơi có một tương lai rạng rỡ với bao điều tốt đẹp đang chờ đón tôi.



Lạy Chúa !
Cuộc sống phía trước có biết bao điều tươi đẹp
nên Chúa luôn mời gọi chúng con lên đường
để sống, để yêu, để đồng hành chia sẻ
và để gieo thêm những giá trị đẹp cho đời.

Chúa vẫn biết trên hành trình chúng con đi,
có bao điều ràng buộc giăng đường cản lối.
Những ràng buộc đôi khi nhỏ thôi,
nhưng tinh vi và dai dẳng.
Có khi ràng buộc ấy xuất hiện nơi một trang web lạ,
nơi một trò chơi điện tử, nơi một canh bạc cá cược…
là những điều vốn luôn hấp dẫn
con người yếu đuối nhưng bất trị của chúng con.
Có khi ràng buộc ấy xuất hiện
nơi những phù hoa hào nhoáng của tiền bạc,
nơi những cám dỗ của vật chất, danh vọng, địa vị…
là những điều vốn luôn hấp dẫn
con tim mỏng manh mà tham lam của chúng con.

Xin dạy chúng con biết lên đường
như Chúa đã lên đường,
như các môn đệ đã lên đường,
như biết bao nhiêu người thành tâm thiện chí đã lên đường
cùng chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Nước Chúa. Amen.



RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN


hihihi....kỳ này bận quá nên pót bài hơi trễ ACE thông cảm !!! Nguyện Chúa Chúc lành cho ACE.

vante
12-02-2009, 10:01 AM
(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)
Kính Mời Bạn Lắng Nghe !!!
HCGS13: LÀM MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314) http://www.radiovaticana.org/vie/img/listen.gif (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)


http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/Jesus_183.jpg

Các bạn thân mến !

Vai trò của người Thầy, người chủ là hết sức quan trọng trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Tôi chọn ai làm Thầy làm chủ, dường như cả tương lai của tôi sẽ có một hướng đi nhất định, và cả cuộc đời tôi sẽ được định đoạt. Vì thế, ngày xưa chúng ta nghe kể nhiều về chuyện các học trò băng sông vượt ngàn để tầm sư học đạo. Chỉ cần nghe biết có một ông Thầy giỏi, dù ông có ở chốn thâm sơn cùng cốc nào đi nữa cũng sẽ có người tìm đến để xin thọ giáo.

Là một vị Thầy giỏi, Đức Giêsu cũng có nhiều học trò. Điều lạ là những học trò của Giêsu thường không phải là những người chủ động đi tìm thầy. Chính Đức Giêsu mới là người chủ động đi tìm, chọn, và mời gọi các môn đệ đi theo mình.

Đức Giêsu gọi các môn đệ khi Ngài đang trên đường, trên đường thực thi sứ mạng Nước Trời. Những người được gọi thường cũng đang trên đường, trên đường theo đuổi những mộng đời riêng của họ. Như thế, để có thể làm môn đệ của Giêsu, người ta phải bỏ đi con đường riêng của mình, để đi theo con đường của Chúa.

Lời mời gọi của Đức Giêsu thường là một lời mở ngỏ tự do để người ta lựa chọn. Dẫu vậy, trong lời mời gọi ấy không phải là không có những đòi hỏi dứt khoát. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã trả lời với người thanh niên muốn đi theo mình mà vẫn còn nhiều lưu luyến với gia đình: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62). Cũng có những lúc, chúng ta thấy đòi hỏi của Đức Giêsu dường như trở nên quá đáng so với suy nghĩ bình thường của một con người. Một thanh niên khác nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã!” Đức Giêsu trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ, còn anh hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa”(Lc 9, 59-60).

Dù sao đi nữa, những đòi hỏi của Giêsu cũng khiến tôi phải nhìn lại những dính bén trong cuộc đời mình, khiến tôi phải thừa nhận rằng, cuộc đời mình đã bị vây bọc bởi nhiều ràng buộc, những ràng buộc có vẻ vô hình mà dai dẳng. Với những ràng buộc ấy, tôi vô tình tự giới hạn mình một khung trời tù đọng nhỏ hẹp. Tôi tự kìm chân mình trong cái êm đềm mà vị kỷ. Tôi không còn đủ tự do để đáp lại lời mời gọi khẩn thiết của Nước Chúa.

Trước thái độ dứt khoát của Đức Giêsu, tôi nhận ra một sứ điệp quý giá: sứ mạng phục vụ Nước Trời là một sứ mạng quan trọng và cao cả. Đó là sứ mạng xây dựng nước Thiên Chúa, nước của một Tình Yêu phổ quát. Để có thể phục vụ sứ mạng ấy, tôi cần được kéo ra khỏi vũng trời tù đọng của đời mình. Tôi cần phải đặt qua một bên những gì là gần gũi thân thương. Tôi cần phải gác lại những kế hoạch riêng còn đang dang dở… Để có thể làm người môn đệ, trái tim tôi cần được khai mở để sống thanh thoát và quảng đại hơn. Tôi không chỉ ngồi lại để khóc thương cho những gì là thân thuộc. Tôi không chỉ ôm ấp những gì là của riêng mình. Nước Trời không có biên giới, nên trái tim của những người phục vụ Nước Trời cũng đâu thể chỉ dừng lại ở những biên giới riêng tư.

Hơn nữa, những đòi hỏi của Đức Giêsu lại vẽ ra cho tôi một chân dung thật đẹp của những người môn đệ. Là người đi loan báo Tin Mừng, Nước Trời trở nên quan trọng đến độ những tương quan thân thiết cũng trở thành thứ yếu đối với họ, đến độ họ sẵn sàng bước vào cái long đong của một cuộc đời không có chỗ tựa đầu. Con đường mà Giêsu đã mở ra phía trước có sức thu hút đến độ họ không còn phải ngoái lại đằng sau. Con đường ấy cũng giải phóng họ khỏi cả những ràng buộc của trách nhiệm và bổn phận đời thường. Họ trở thành người của Chúa, chỉ đi lo chuyện nước Chúa.

Giữa những ồn ào quay cuồng của cuộc sống hiện đại, qua nhiều người, nhiều cách, Giêsu vẫn luôn gởi đến tôi những lời mời gọi âm thầm. Đâu là câu đáp trả của tôi? Nếu lời mời gọi của Giêsu là một lời mời tha thiết và nghiêm túc, câu đáp trả của tôi không thể chỉ là một lời hứa lừng khừng: Thưa Thầy tôi sẽ theo Thầy, nhưng…


Lạy Chúa!

Lời mời gọi của Chúa luôn nằm ở thì hiện tại,

chúng con lại thường đặt câu đáp trả của mình ở thì tương lai.

Bởi cuộc đời chúng con còn quá nhiều dính bén,

chúng con không đủ can đảm để dứt bỏ.

Bởi lòng tin chúng con còn quá yếu kém,

chúng con không đủ an tâm để phó thác.

Bởi con tim chúng con còn quá nhát đảm,

chúng con không dám lên đường,

chúng con lo ngại mưa gió,

chúng con e sợ long đong.

Xin cho chúng con có được đôi chân mạnh mẽ của Chúa

Xin cho chúng con có được con tim quảng đại của Chúa,

để chúng con can đảm lên đường,

vì một sứ mạng cao cả và phổ quát hơn. Amen.


RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
12-02-2009, 10:07 AM
(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)
Kính Mời Bạn Lắng Nghe !!!
HCGS14: TÌM VÀ CỨU NHỮNG GÌ HƯ MẤT http://www.radiovaticana.org/vie/img/listen.gif (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)



http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/JesusLove082.jpg



Các bạn thân mến !

Vào đời là cơ hội để chúng ta hiểu hơn về cuộc đời và về con người. Đối với một số người trong chúng ta, cuộc đời và con người dường như đều phức tạp như nhau, đều được đan dệt bởi cả cái đẹp lẫn cái xấu. Viết cho chuyên mục HÃY HỌC CÙNG GIÊSU của chúng ta, có người chia sẻ: kinh nghiệm dạy tôi rằng nơi con người có nhiều điều không đẹp như tôi nghĩ. Tôi thường phải chứng kiến nhiều sai lầm quá đáng, nhiều cách hành xử hầu như chẳng còn chút tình người. Những hình ảnh không đẹp ấy thường dễ khiến tôi có xu hướng sống và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng bi quan và tiêu cực. Tôi dễ trở nên kẻ lên án người khác, kết án cuộc đời…

Thưa các bạn, có lẽ Giêsu hiểu được những kinh nghiệm khắc nghiệt như thế về cuộc đời. Bởi Giêsu đã được sinh ra và lớn lên trong một môi trường xã hội cũng phức tạp không kém. Xã hội thời Giêsu đầy những người đạo đức giả hình giả bộ, những người mê mải trong tội lỗi, những người hám lợi đi làm tay sai cho ngoại bang để bán đứng quê hương mình… Thế nhưng điều lạ là giữa những nhập nhằng và đổ vỡ như thế, Giêsu đã không chọn cho mình vị thế của một người chứng kiến hay xét đoán. Giêsu cũng không lên án hay kết tội. Giêsu đến để tìm và cứu vớt những gì đã mất (Lc 19, 10).

Để có thể tìm và cứu những gì đã mất, tôi cần phải có một cái nhìn lạc quan để dám tin vào những giá trị đẹp nơi cuộc đời, nơi lòng người. Thực ra, làm người ai cũng được ban cho nhiều nét đẹp riêng. Có những nét đẹp bị phủ bọc bởi cái vỏ bề ngoài sần sùi xấu xí. Để có thể nhìn ra giá trị thực ẩn đằng sau cái lớp vỏ ấy, người ta cần phải có một cặp mắt tinh tường, một tâm tính kiên nhẫn và một con tim yêu chuộng cái đẹp. Để có thể nhìn ra giá trị tốt của một con người đã nhiều lần sai lầm lỗi phạm, người ta cần có một con tim bao dung. Tất cả những điều tốt đẹp ấy, chúng ta hoàn toàn có thể học được nơi Giêsu.

Có thể chúng ta sẽ thắc mắc làm sao Giêsu có thể trân trọng và đánh giá cao phận người đến thế? Phải chăng kinh nghiệm của một người thợ mộc làng Nazareth đã dạy Giêsu điều đó ! Quả thế, công trình của một người thợ mộc bao giờ cũng bắt đầu với những khúc gỗ sần sùi thô nhám. Nhìn bề ngoài, người ta dễ tưởng rằng chúng vô dụng, chỉ còn vứt đi. Phải có cặp mắt tinh tường của một người thợ, người ta mới nhận ra được giá trị thực của khúc gỗ. Chỉ sau vài đường bào, vài thao tác gọt dũa, mọi khúc gỗ đều có thể trở nên bóng láng và hữu dụng.

Chúng ta cũng thường nghe: “Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Ấy vậy mà dường như vẫn dễ cho chúng ta chấp nhận cái quá khứ không đẹp của một thánh nhân, hơn là tin vào cái tương lai tươi sáng của người tội nhân. Như thế chẳng bất công lắm sao? Có những người đã lầm lỡ muốn quay đầu trở lại, họ luôn cần đến một vòng tay đón nhận. Có bao giờ vì xét đoán khắt khe mà tôi trở thành kẻ chặn đứng đường quay về của người ta? Có những người đang chong chiêng trên bờ vực thẳm, cần một chút an ủi động viên. Có bao giờ vì vô tâm tôi trở thành người đẩy họ xuống vực?

Trong cuộc sống đời thường, có lẽ tôi cũng hiểu được có những cái mất đáng thương hơn là đáng trách, có những lỡ lầm đáng tiếc hơn là đáng tội. Với những người lỡ lầm, cuộc đời đã lưu lại nơi tâm hồn họ quá nhiều vết thương rồi, tôi đâu cần phải góp phần làm cho những vết thương trong họ thêm nhức nhối! Chỉ sự cứu vớt mới có khả năng chữa lành. Chỉ sự đón nhận quảng đại mới mở ra cho người ta một con đường sống, một chân trời hy vọng.

Yêu thương con người và tin vào giáo trị của con, Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình: “Anh em hãy có lòng thương cảm như Cha của anh em là Đấng cảm thương. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được thứ tha”(Lc 6, 36-37).

Đấy chẳng phải là những lời dạy suông đâu thưa các bạn! Đúng hơn, đấy là những kinh nghiệm mà Giêsu đã sống. Giữa một xã hội rạch ròi phân chia giai cấp, tách bạch kẻ tốt người xấu kẻ thánh người tội, Giêsu đã không ngại bị mang tiếng, không ngại để cho mình dính dáng đến những người bị xã hội khinh khi ruồng rẫy. Dù đó là kẻ thu thuế, là người tội lỗi, là kẻ bệnh hoạn tật nguyền, là những người trộm cướp và cả những cô gái điếm… Giêsu đã không ngại đứng về phía họ, đã không ngại chỉ cho họ thấy rằng dù thế nào đi nữa họ vẫn là người, là con cái Chúa. Mỗi người đều có một giá trị bất khả thay thế. Để làm môn đệ của Giêsu dường như tôi phải tập cho mình bao dung hơn, để có thể thương những người không dễ thương và không ghét những người mà tôi cho là đáng ghét.

Những lúc thấy mình quá khắc khe với người khác, những lúc niềm tin về con người trong tôi bị lung lay, hãy đến với Giêsu. Hãy học với Giêsu, để tin rằng những giá trị tốt đẹp nơi con người là điều có thực. Hãy học với Giêsu, để tin rằng bên trong một quả thối, luôn còn có một hạt giống tốt. Từ hạt giống ấy, nếu biết cách, người ta luôn có thể thu được một vụ mùa dồi dào. Hãy học với Giêsu, để tin rằng bên trong một cuộc đời vỡ nát vì sai lầm lỗi phạm, nếu đủ kiên nhẫn, chúng ta luôn có thể đọc ra được giá trị của những điều tốt còn sót lại. Hãy học với Giêsu, để tin vào khả năng hoán cải và hướng thiện nơi mỗi con người.


Lạy Chúa,

cuộc đời cho chúng con nhiều thách thức.

Nhưng dường như thách thức lớn nhất

là giữa những đổ vỡ và tan nát của nhiều sai lầm lỗi phạm,

chúng con vẫn còn giữ được niềm tin

vào những giá trị đẹp của cuộc đời, của con người.

Chúa đã yêu thương con người hết mực,

nên đã đến để cứu vớt những mảnh đời cơ nhỡ,

những cảnh sống lầm than vất vưởng.

Xin dạy chúng con cũng noi gương Chúa

biết cứu vớt chứ đừng đạp đổ,

biết hy vọng chứ đừng buông trôi,

biết quảng đại thứ tha chứ đừng khắt khe lên án.

Xin dạy chúng con trở nên những khí cụ bình an của Chúa

để Chúa có thể tiếp tục đi tìm

và cứu vớt những gì đang trên đà hư mất

giữa xã hội ngày nay. Amen.



RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
12-02-2009, 10:13 AM
(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)
Kính Mời Bạn Lắng Nghe !!!
HCGS15: HÃY VÀO CỬA HẸP http://www.radiovaticana.org/vie/img/listen.gif (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)

http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/follow_jesus_.jpg





Các bạn thân mến !

Vào đời, ai cũng muốn tìm cho mình một con đường tốt để đi. Đường tốt là con đường có thể đưa người ta đến đích. Muốn tìm được một con đường tốt, người ta thường phải chọn lựa thật kỹ càng. Bởi lẽ, như người ta vẫn hay nói, cuộc đời có muôn lối đi và muôn ngã rẽ, không phải con đường nào cũng có thể đưa người ta đến đích. Có nhiều con đường đưa đến thảm bại và diệt vong.

Hướng dẫn các môn đệ của mình, Đức Giêsu cũng giới thiệu cho họ một con đường tốt để đi. Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Ngài mời gọi: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì đường rộng thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14).

Mới nghe qua, có vẽ như lời giới thiệu trên chẳng hấp dẫn gì chúng ta cho lắm. Bởi lối hẹp và đường chật thường gợi lên trong chúng ta cảm giác tù túng và khó khăn. Lối hẹp khiến người ta liên tưởng đến những khuôn khổ cứng nhắc ràng buộc cuộc đời mình. Mà người ta thì không thích bị ràng buộc, càng không thích phải gò ép mình vào một khuôn phép. Nhiều người trẻ vẫn quan niệm rằng cuộc sống tự phát thích sao làm vậy có cái hay của nó, có cái thú của nó. Tuổi trẻ phải được tự do bay nhảy thì mới thích. Vậy mới là sống !

Cũng theo lẽ thường, người ta thích đi đường rộng và lối thênh thang. Bước đi trên đường rộng, người ta như thấy mình có thế giá hơn. Đường rộng cho người ta cảm giác thoải mái tự do, không gì ràng buộc cũng chẳng gì cản trở. Đường rộng cho phép người ta sống dễ dàng. Ai cũng thích dễ dàng. Cái dễ dàng cho người ta cảm giác vui vẻ thoải mái. Cái dễ dàng cho người ta nhìn cuộc sống đầy màu hồng. Cái dễ dàng khiến người ta lạc quan và vui sống.

Thế nhưng, dường như đâu phải dễ dàng lúc nào cũng tốt cho tôi. Không thể chối cãi rằng lắm lúc cái dễ dàng lại khiến tôi ù lì thụ động. Cái dễ dàng giết chết những nỗ lực cố gắng trong tôi. Cái dễ dàng khiến tôi khó lượng định được đâu là giá trị thực của cuộc sống. Đôi lúc, cuộc sống trở nên vô vị và chẳng còn gì hấp dẫn được tôi vì nó quá dễ dàng. Khi tôi không phải cố gắng hay nỗ lực để sống, thật khó để tôi lượng định được đâu là giá trị thực của cuộc sống.

Nguy hiểm hơn, cái dễ dàng dễ gần với những cái bất chính. Cuộc sống bên ngoài luôn đầy những quyến rũ, và không bao giờ thiếu những quyến rũ bất chính. Làm sao tôi có thể nói không và từ khước những quyến rũ ấy nếu tôi chỉ buông mình sống theo cái dễ dàng và tự nhiên của lòng mình? Làm sao tôi có thể vươn mình lên cao trong khi tôi vẫn chỉ muốn sống tự nhiên lè phè, chứ không muốn chiến đấu hết mình để rũ bỏ những gì đang kéo ghì tôi xuống? Làm sao để tôi có thể thẳng tiến đến đích, nếu tôi vẫn cứ muốn ôm đồm dằng dai với những dây dưa níu kéo trên bước đường mình đi?

Tất cả những dây dưa níu kéo tạo nên những thứ cồng kềnh trong cuộc đời tôi. Tôi thường không thích đi vào cửa hẹp, dường như vì cuộc đời tôi đã có quá nhiều thứ cồng kềnh như thế. Tôi luôn có sẵn trong mình một cái tôi to tướng. Tôi hay ôm ấp trong tim mình một tham vọng cao ngất ngưỡng. Tôi thường nắm chặt trong vòng tay của mình nhiều điều đa mang và ích kỷ. Tôi muốn giữ chặt trong đầu óc mình nhiều định kiến cứng nhắc và bảo thủ… Thế nên tôi thấy quá khó để có thể khép mình đi vào cửa hẹp.

Bất chấp những khó khăn ấy, Đức Giêsu vẫn khẳng định rằng con đường đưa đến sự sống là con đường hẹp. Trên con đường hẹp, người ta được bảo vệ trong những cái ranh giới nhất định. Con đường hẹp giúp người ta sống là người hơn, giữ người ta trong cái khuôn khổ của luân thường đạo lý. Đường hẹp cũng giúp người ta dễ thẳng tiến đến đích. Đường hẹp giúp người ta sống nghiêm túc và hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc đời của mình.

Trên hành trình của một người môn đệ, Giêsu lại đặt ra rất nhiều cánh cửa hẹp khác nhau, và mời chúng ta bước vào. Đó là cánh cửa hẹp của yêu thương: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”(Lc 6, 27-28). Đó là cánh cửa hẹp của tha thứ: “Thầy không bảo anh em phải tha thứ bảy mươi lần, nhưng là bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22). Đó là cánh cửa hẹp của phục vụ: “vì con người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người”(Mt 20, 28). Đó là cánh cửa hẹp của lòng thương xót: “anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng xót thương” (Lc 6, 36). Đó còn có thể là những cánh cửa hẹp của việc không xét đoán, không lên án, không loại trừ... và còn nhiều những cánh cửa hẹp khác. Đứng trước cánh cửa hẹp nào tôi cũng thấy mình cũng ngại ngần lưỡng lự. Vì dường như cánh cửa nào cũng đòi tôi phải thay đổi nhiều điều, bắt tôi phải từ bỏ nhiều thứ.

Cho dù như vậy, làm sao tôi có thể chối cãi rằng đó là những con đường thật đẹp. Sống được như thế, cuộc đời tôi sẽ cao quý và ý nghĩa biết bao.

Có một điều có thể an ủi và khích lệ tôi thật nhiều trong hành trình bước vào cửa hẹp. Đó là những điều mà Giêsu dạy không bao giờ là một lý thuyết suông. Chính Giêsu đã sống như thế. Giêsu làm người đi trước và mời tôi bước theo sau. Bước vào những cánh cửa hẹp không phải là bước theo một mớ lý thuyết, nhưng là bước theo gương sống đẹp của một con người. Con người ấy có tên là Giêsu. Điều quan trọng là tôi có dám đến và học cùng Giêsu không?



Lạy Chúa Giêsu !

Con đường hẹp là con đường tu thân.

Bước theo Chúa trên những con đường hẹp

chúng con ước mong mỗi ngày

mình có thật nhiều cơ hội để sửa mình

và được trở nên giống Chúa hơn.

Xin cho chúng con luôn có đủ can đảm đến với Chúa

và để Chúa cắt bỏ khỏi chúng con những vướng mắc cồng kềnh.

Xin giúp chúng con dám mở rộng lòng mình ra với Chúa,

để Chúa cất đi khỏi lòng trí chúng con

những tham lam ôm đồm

những thèm muốn bất chính

và những khát mong lệch

Mỗi ngày xin thêm cho chúng con một chút khiêm tốn

để chúng con dễ chấp nhận con đường của Chúa hơn.

Xin thêm cho chúng con một chút quảng đại

để chúng con dám hy sinh bỏ mình

Xin thêm cho chúng con một chút tin tưởng

để chúng con vững bước trên đường theo Chúa.

Và xin thêm cho chúng con một chút cố gắng

để vượt qua những khó khăn đang ghì kéo chúng con.

Bước đi trên con đường hẹp bao giờ cũng khó

xin cho chúng con biết nhìn Chúa sống mỗi ngày

được yêu mến Chúa hơn mỗi ngày,

và chọn lựa con đường Chúa đã sống

như một giá trị đẹp đẽ và ý nghĩa

cho cuộc sống mỗi ngày của chúng con. Amen.





RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
12-02-2009, 10:18 AM
(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)Kính Mời Bạn Lắng Nghe !!!
HCGS16: MÔN ĐỆ TRONG LỜI NÓI (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)
hay MÔN ĐỆ TRONG VIỆC LÀM http://www.radiovaticana.org/vie/img/listen.gif (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)


http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/109.jpg



Các bạn thân mến !


Người trẻ hiện đại vẫn thường được mô tả như là những người dám nghĩ và dám làm. Đó là nét tính cách thật đẹp và thật đáng quý. Bởi lẽ chính sự mạnh mẽ và quyết đoán sẽ giải thoát chúng ta khỏi sức ì của sự lừng khừng chậm chạm, sẽ cho phép chúng ta sống hết mình và thực hiện được nhiều kế hoạch tốt đẹp của đời mình. Có lẽ đó cũng chính là tinh thần chính trong những khúc hát mà chúng ta vẫn thường nghe từ các hướng đạo sinh:


“Việc gì làm hôm nay ta quyết làm ta cứ làm.

Việc gì làm hôm nay đừng để đến ngày mai

việc gì làm hôm nay không bao giờ trở lại…”

hay như:

“Một ngày sẽ qua đi,

mà không cho ta gì,

mà không cho ai chi,

là một ngày mất đi.

Tuổi xuân bao ước mơ,

mà ngu ngơ ngó lơ,

thời gian đâu có chờ…”


Trong đời sống của một người Kitô hữu cũng thế, nếu chúng ta cũng giữ được sự quyết đoán và nhanh nhẹn giữa nghĩ và làm thì thật là đáng quý. Bởi vì môn đệ của Đức Giêsu không phải chỉ những là người môn đệ trong lời nói, nhưng là người môn đệ trong việc làm.

Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Đức Giêsu nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

Diễn dịch kinh nghiệm ấy, Thánh Giacôbê cũng viết: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”(Gc 2, 17).

Trong đời sống thường ngày, hẳn chúng ta cũng nhiều lần kinh nghiệm về sự lừng khừng của mình, và hẳn chúng ta cũng không ít lần bực bội với cái tính dây dưa khó ưa ấy. Khi gặp một việc khó hay một chút thách đố, thay vì giải quyết liền, chúng ta cứ thích khất lần khất lữa. Có những việc chúng ta gác lại, không phải vì để sau này thì giải quyết tốt hơn, nhưng đôi khi đó chỉ là một cách hoãn binh, một cách chạy trốn để kéo dài cái tình trạng dây dưa lây lất của mình.

Giêsu có cách làm việc thật lạ. Ngài thích đụng chạm đến những vấn đề riêng tư nóng bỏng của từng người. Có khi Ngài đụng chính xác tới cái điểm yếu trong tâm hồn tôi. Ngài mời gọi tôi, nếu muốn sống nghiêm túc như một người môn đệ, tôi cần phải cố gắng một chút để thay đổi. Phản ứng của tôi thường thì rất khác. Tôi hay tránh né. Tôi thích được xoa dịu hơn là được chữa lành. Tôi thích vỗ về hơn là bị đụng chạm, nhất là bị đụng chạm tới điểm đau, điểm yếu và điểm dở của mình. Tôi thà làm lơ để kéo lê vết thương chạy dọc theo suốt hành trình đời mình, hơn là để được một lần thuyên chữa.

Giêsu hoàn toàn không muốn thế. Ngài đến để tôi được sống, và được sống dồi dào. Người môn đệ không chỉ là người phải thực thi sứ mạng, nhưng trước hết, phải là người có khả năng sống vui vẻ và triển nở với chính cuộc đời của mình. Để được như thế, Giêsu muốn tôi cho phép Ngài đụng chạm và chữa lành những thương tật trong tôi, cho phép Ngài cắt tỉa những cành lá sâu sia trong đời tôi. Dĩ nhiên, vết cắt nào cũng có thể để lại một nỗi đau, một vết sẹo. Nhưng đó là cách tốt nhất để tôi thoát ra khỏi tình trạng của mình. Đôi lúc Giêsu mời tôi uống thuốc đắng, để cảm được vị ngọt của việc được giải thoát, được chữa lành.

Sống như một người công giáo, một người môn đệ của Đức Giêsu, nếu đủ thật tâm, tôi có thể nhận ra giữa lòng mình rất nhiều thúc đẩy tốt đẹp. Chúng ta hẳn ai cũng từng một lần cảm nghiệm được sự đụng chạm của Lời Chúa nơi tâm hồn mình, hẳn ai cũng từng cảm được cái hay cái đẹp trong những giáo huấn của Đức Giêsu. Tuy nhiên, những điều mà Đức Giêsu mời gọi tôi, những xác tín mà tôi được gợi lên giữa lòng mình thường không phải là những điều dễ dàng, và càng không thể thực hiện được theo cái kiểu buông trôi tự nhiên. Tất cả những điều tốt đẹp được gợi lên trong tôi vẫn chỉ là những lý thuyết suông nếu tôi nghe, tôi thấy hay, rồi để đó. Tin Mừng cứu độ vẫn mãi là một kế hoạch dang dở nếu người ta biết được giá trị của lời Tin Mừng ấy mà không đem ra thực hành.

Trong cuộc sống của chúng ta, dường như chúng ta luôn cảm thấy có một ranh giới vô hình nào đó giữa nhà thờ và cuộc sống, giữa đức tin và việc làm, giữa việc cầu nguyện và sống những hoa quả của cầu nguyện. Có bao giờ chúng ta thử tự hỏi lại mình: Tôi là môn đệ của Giêsu trong đời sống thực, hay chỉ là môn đệ trên môi trên miệng?



Lạy Chúa !

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,

là ánh sáng chỉ lối con đi.

Nhưng nếu chúng con có bước đi

thì Lời ấy mới có thể dẫn chúng con trên đường,

mới có thể trổ sinh hoa quả trong đời chúng con.



Ngày nay, còn biết bao nhiêu bạn trẻ

đang lao đao đi tìm một lý tưởng sống

mà vẫn chưa tìm ra một ánh sáng chỉ lối soi đường.

Phần chúng con, là những người môn đệ của Chúa

Chúa đã ưu ái dành cho chúng con quá nhiều điều.

Chúa đã đến để chỉ cho chúng con biết đường về Nước Chúa.



Xin dạy chúng con biết lắng nghe

và đem Lời Chúa ra thực hành như một người môn đệ thật sự.

Nhờ đó, chúng con cũng có thể giới thiệu Chúa

cho nhiều bạn trẻ khác

là những người đang lao đao đi tìm một chân lý sống.



Xin cho Lời Chúa và những giáo huấn tốt đẹp của Chúa

trở nên sống động trong cuộc đời của mỗi người chúng con

để mỗi khi nhìn vào chúng con

người ta có thể nhận ra

sự hiện diện sống động của Chúa

giữa xã hội ngày nay.Amen.




RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
12-02-2009, 10:22 AM
(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)Kính Mời Bạn Lắng Nghe !!!
HCGS17: MÔN ĐỆ TRONG LỜI NÓI (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)
hay MÔN LÀM TÔI THIÊN CHÚA hay LÀM TÔI TIỀN CỦA http://www.radiovaticana.org/vie/img/listen.gif (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)




http://www.mediafire.com/imgbnc.php/9e34920f4add21fda1bb2ebad7a672994g.jpg


Các bạn thân mến !

Bước chân vào đời, chúng ta thường phải sống giữa những dằng co của chọn lựa. Dường như chọn lựa nào cũng đi đôi với một từ bỏ. Vì thế, đã không ít lần chúng ta phải lúng túng trong những chọn lựa của đời mình. Thực tế, có những lựa chọn cho tôi tự do và vui sống, nhưng cũng có những lựa chọn biến tôi thành nô lệ. Trong chương trình hôm nay, mời các bạn cùng chúng tôi nhìn lại những chọn lựa của đời mình, những ảnh hưởng vẫn thường thấy khi chúng ta phải chọn lựa, những tác nhân đã đi vào cuộc đời và có khả năng chi phối trọn vẹn đời sống của chúng ta.

Trong Tin Mừng của Thánh Matthêu chúng ta đọc thấy những chỉ dẫn sau đây của Đức Giêsu:

“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, sẽ gắn bó với chủ này mà khinh chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”(Mt 6, 24).

Có lẽ nhiều người sẽ có cảm giác không thoải mái lắm khi nghe Lời Tin Mừng trên, nhất là đụng tới hai chữ làm tôi. Chúng ta thường thích làm chủ hơn là làm tôi. Cái tôi của người trẻ đôi khi to lắm, nên chúng ta không muốn làm tôi làm tớ cho ai hết.

Quả thực, Thiên Chúa cũng không muốn tôi sống kiếp của một người tôi tớ. Tạo dựng con người, Thiên Chúa đặt vào con người mọi sự, cùng với một lời chúc phúc: hãy làm chủ mọi loài (St 1, 28). Cho tôi vào đời, Thiên Chúa cũng đặt vào tay tôi mọi sự, chỉ với một điều kiện: tôi hãy sống như một người chủ chứ đừng quá lệ thuộc vào vật chất của cải mà phải sống kiếp tôi đòi. Thế mà trong cuộc đời của mình, nếu đủ thật tâm, tôi dễ nhận ra rằng mình đã chọn làm tôi cho nhiều thứ khác nhau, nhiều ông chủ khác nhau. Ông chủ của tôi có thể là tiền bạc, khi tôi hết lòng hết sức làm việc để mong chiếm hữu được thật nhiều tiền của vật chất. Ông chủ của tôi có thể là danh vọng, khi tôi tìm đủ mọi cách để đánh bóng mình trước mắt mọi người. Ông chủ của tôi có thể là tình dục và những khoái lạc xác thịt, là những điều nhẹ nhàng đi vào cuộc đời tôi, để rồi sau đó trói ghì tôi lại trong cái vòng xiết càng ngày càng chặt của nó. Ông chủ của tôi còn có thể xuất hiện dưới nhiều dáng dấp khác nhau: một chiếc điện thoại cao cấp, một chiếc xe hợp thời, một ngôi nhà tiện nghi… Giữa cuộc sống hiện đại, những ông chủ ấy đi vào cuộc đời tôi, dần dần chiếm hữu trọn vẹn tâm trí của tôi, thu hút toàn bộ năng lực của tôi, dần dần biến thành mục đích sống duy nhất của đời tôi.

Dĩ nhiên, để có thể sống và sống hạnh phúc giữa cuộc đời, chúng ta chẳng bao giờ có quyền phủ nhận giá trị của vật chất của cải và những tiện nghi. Thế nhưng, chúng ta cũng có quyền đặt tất cả những phương tiện ấy vào đúng vị trí mà chúng đáng có.

Nhìn vào những chuyện đời, chúng ta thấy có những người đã hy sinh cả một cuộc đời chỉ để lo làm giàu, cho đến khi được sống ê hề trên đống của cải vật chất, họ mới ngỡ ngàng nhận ra cái phù phiếm của những gì mình đã gắng công đeo đuổi suốt đời. Có những người lao tâm khổ tứ trước cơn cám dỗ hấp dẫn của tiền bạc, để rồi sau một tai nạn nho nhỏ, họ chợt nhận ra rằng tất cả chỉ là phù vân. Sau một đời lao nhọc để làm thỏa mãn những tham lam ôm đồm của lòng mình, có người phải đau đớn thừa nhận rằng mình chẳng thể nào nắm giữ được tất cả chỉ bằng đôi tay giới hạn của mình.

Chúng ta hẳn biết câu ngạn ngữ: tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ hà khắc. Vâng, tiền của vật chất có thể ở vai trò của một người đầy tớ, nhưng cũng có thể nắm vai trò của một ông chủ. Đúng ra, cái nguy hiểm không hẳn nằm ở tiền bạc, nhưng nằm con tim mỏng manh mà tham lam của tôi. Một khi tiền bạc và những của cải vật chất đã chiếm được một góc nào đó trong con tim tôi, tôi rất dễ làm một cuộc hoán đổi vị trí và tôn tiền bạc lên làm ông chủ của mình.

Tin Mừng Maththêu kể chuyện một người thanh niên tốt lành, muốn trở nên hoàn thiện để được Nước Trời làm gia nghiệp. Thế mà khi phải đối diện với yêu cầu mà Đức Giêsu đưa ra là hãy về bán hết tài sản của mình để cho người nghèo rồi đi theo Người, thì anh ta sa sầm nét mặt và bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải, vì anh ta yêu quý những của cải của đời mình (Mt 19, 21-22). Cách của Đức Giêsu là thế ! Đôi khi Ngài rất thích đụng chạm tới những điều tôi coi là quý nhất, những điều tôi tưởng là quan trọng nhất trong đời mình. Giêsu cho tôi một liều thuốc thử, để tôi có thể nhận ra mình đã trở nên gắn bó với những thứ mình có đến độ nào. Sẽ thật đáng tiếc, nếu chúng vẫn cứ phản ứng giống người thanh niên trong tường thuật của Matthêu. Chúng ta muốn được Nước Trời làm gia nghiệp. Chúng ta muốn tìm một bình an cho tâm hồn mình ngay trong đời sống này. Nhưng chúng ta lại không muốn thoát khỏi thân phận tôi đòi của tiền của vật chất. Sẽ thật đáng thương khi chúng ta tưởng mình có nhiều thứ, mà không nhận ra rằng mình đang bị chiếm hữu bởi nhiều thứ.



Lạy Chúa,

Chúa đã cho chúng con vào đời tay với hai bàn tay trắng.

Phải chăng vì cảm nhận được sự nghèo nàn trắng tay của mình,

mà chúng con luôn muốn ôm đồm chộp giữ

để xây dựng cho mình những kho tàng trần gian?



Lạy Chúa,

được làm người, được làm con Chúa

đã là một ân huệ quá lớn lao cho chúng con

Hành trang quý giá mà chúng con luôn có bên mình

chính là Tình Yêu của Chúa.

Xin cho chúng con đừng bao giờ đánh đổi phẩm vị làm con Chúa

chỉ để vơ vào mình những nắm giữ phù du.

Xin cho tình yêu thế gian vật chất

ngày một nhỏ dần trong lòng chúng con,

để Tình Yêu Chúa được lớn lên trong chúng con mỗi ngày. Amen.


RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
19-02-2009, 09:43 PM
(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)Kính Mời Bạn Lắng Nghe !!!
HCGS18: Tự Do (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)http://www.radiovaticana.org/vie/img/listen.gif (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)


http://www.dongten.net/sjvn-web/Hay-hoc-cung-Giesu/images/vu_canhDieu.jpg


Các bạn thân mến,

Người trẻ chúng ta thường thích nói về tự do, thích tìm kiếm tự do và thích sống tự do. Chúng ta thường khó chịu và dễ phản ứng trước những ràng buộc lòng vòng luẩn quẩn đặt vào cuộc đời mình.

Là một người trẻ công giáo, có bao giờ bạn cảm thấy tự do của mình bị hạn chế nhiều, khi so sánh với những người trẻ khác? Có bao giờ bạn tự hỏi mình những câu hỏi như: Tại sao tôi bị buộc phải đi lễ nhà thờ mỗi Chúa nhật, trong khi những bạn bè của tôi được tự do thoải mái cho những cuộc pic-nic và những buổi dã ngoại cuối tuần? Tại sao tôi phải làm điều này, không được phép làm điều kia, trong khi những bạn bè không công giáo dường như muốn làm gì thì làm? Tại sao tôi phải giữ luật này luật kia? Phải chăng làm người công giáo có nghĩa là tự do của tôi bị giới hạn lại? Có bao giờ tôi cảm thấy ấm ức về những ràng buộc đặt trên cuộc đời của mình? Có phải tôi đã chịu quá nhiều thiệt thòi khi chọn sống và làm môn đệ của Giêsu?

Để mỗi người có thể đi tìm câu trả lời cho riêng mình, mời các bạn nghe một đoạn suy niệm ngắn về tự do của cánh diều.

Ngày ấy, giữa trời chiều lộng gió, giữa khoảng không trung mênh mông xanh thẳm có một cánh diều đẹp đẽ kiêu sa. Cánh diều được phủ lụa là, được điểm trang bằng một ống sáo trúc đen tuyền óng ánh luôn phát ra những thanh âm dìu dặt khoang thai mà trong trẻo vút tận trời xanh. Cánh diều bay cao lắm, cao hơn hẳn mọi cánh diều kề cận. Lượn lờ giữa khoảng không trung xanh thẳm, nó lim dim nghe tiếng gió lộng vào cánh hoà lẫn trong tiếng sáo réo rắt thần tiên. Từ trên cao nhìn xuống, trải rộng ra trước mắt nó là một vùng đồng bằng mênh mông bạt ngàn. Những ngọn đồi trọc chạy dài uốn lượn lờ men theo nhánh sông, những đồng lúa xanh ngút ngàn, những nương khoai thẳng tắp… xa hơn nữa, tít mù khơi là đại dương êm dịu trong tiếng rì rào ngàn năm của biển sóng.

Cánh diều ấy có cảm thấy hạnh phúc không? Được thoả thuê với những gì bày ra trước mắt, với những ân sủng dành cho cuộc đời mình, nó vẫn nuôi hoài giữa lòng mình niềm băn khoăn ray rứt khôn nguôi. Niềm ray rứt ấy liên quan đến sợi dây, vật mỏng manh vô hình như trói buộc đời nó. Những lúc phấn kích, nó muốn mình cứ mãi được bay cao lên, cao mãi để tìm một bầu không rộng rãi hơn, cao mãi để được nhìn thấy chân trời tận cùng của đại dương, cao mãi để duổi kịp và hoà mình trong tiếng sáo dặt dìu của nó… Những lúc ấy, nó bứt rứt bực bội rồi bất lực trước sự ràng buộc vô hình của sợi dây. Tận thâm tâm, nó ước ao có một ngày nào đó được thoát khỏi sự ràng buộc để trở về với trời xanh, về với tiếng gọi thầm kín giữa lòng nó. Nó thèm tự do !

Rồi huyền nhiệm như một cổ tích, một ngày nọ cánh diều được tự do. Sợi dây mỏng manh không còn đủ sức kìm chân nó trước những mạnh bạo của gió trời và trước nỗi lòng háo hức của nó…

Thoát khỏi sự trì buộc của sợi dây, cánh diều như được nhấc bỗng lên. Cơn gió mạnh bạo cuốn nó xoay xoăn tít. Nó chao đảo ngã nghiêng không theo một quỹ đạo nào cả. Gió phần phật bên tai. Thật sảng khoái với cái cảm giác mạnh bạo, nó tha hồ lồng lộn tung tăng bổ lên nhào xuống… Thế rồi gió mỗi lúc dường như một mạnh hơn. Xung quanh nó mọi vật đều chao đảo: đồi núi, biển khơi, đồng lúa, nương khoai, bãi mía… tất cả đều quay cuồng trước mắt nó. Một cảm giác sợ hãi bao trùm lấy nó. Nó quờ quạng cố tìm cho mình một điểm tựa để bám víu. Thế nhưng dưới chân, trên đầu, xung quanh nó mọi thứ đều là trống rỗng. Nó cố sức vùng vẫy khi biết mình đang rơi xuống. Vô vọng ! Nó quằn quại bổ nhào rồi cắm đầu xuống đất.

Cú va đập mạnh giúp nó tỉnh mộng để ngỡ ngàng nhận ra rằng thế là hết! Trước mắt nó chẳng còn gì cả, hết tiếng sáo dặt dìu, hết dáng lượn lờ yểu điệu thân thương. Cắm đầu trong bãi bùn cạp đất, nó thấy trước mắt mình là hình ảnh của ngày mai u uẩn đen tối.


Thưa các bạn

Thật dễ để mỗi người chúng ta nhận ra mình qua hình ảnh của cánh diều trên. Ai cũng ước muốn được bay cao. Tưởng rằng để bay cao, chúng ta phải gỡ bỏ những ràng buộc. Thế nhưng thật ra, để bay cao chúng ta cần những đỡ nâng. Những khuôn phép cuộc đời mà tôi phải giữ chính là những đỡ nâng mà tôi cần phải có để sống là người, để còn được là mình. Tất cả những gì tôi coi là ràng buộc đôi khi lại có tác dụng giữ cho tôi được bay lên. Thế nên không có gì ngạc nhiên lắm, khi Giêsu vốn mang nhiều khát khao giải phóng con người khỏi những ràng buộc vô lý, vẫn xác tín rằng: “tôi đến không phải để phá bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật” (Mt 5, 17). Ước gì tôi sống tự do như một người trưởng thành, khi nhận ra được giá trị của những khuôn phép lề luật song hành với cuộc đời của tôi.



Lạy chúa!
Chúa biết chúng con thèm tự do,
nên Chúa đã cho chúng con có tự do
để chúng con làm được làm chủ cuộc đời mình
và đảm nhận trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

Thế mà đã bao lần chúng con hiểu sai về ơn tự do
Chúng con nghĩ tự do nghĩa là muốn làm gì thì làm,
muốn sống sao thì sống
Chúng con dùng sự tự do của mình để thoát xa tình Chúa.
Chúng con muốn thoát ly hoàn toàn khỏi những ràng buộc
mà chúng con cho là lòng vòng luẩn quẩn.
Chúng con tự biến mình thành kẻ đi hoang.

Xin cho chúng con đủ khôn ngoan
để nhận ra giá trị
của những ràng buộc khuôn phép trong cuộc đời mình.
Có những ràng buộc mỏng manh vô hình,
nhưng lại chính là nguồn sống của chúng con
gìn giữ con trong khuôn khổ của luân thường đạo lý
và cho con được sống đúng phẩm giá của con người.

Cảm tạ Chúa đã cho chúng con có tự do để vui sống
cũng cảm tạ Chúa đã đặt ra những giới hạn
để con sống xứng đáng với nhân phẩm của một con người.
Xin dâng lên Chúa món quà quý giá của đời chúng con là tự do
xin Chúa dạy chúng con biết sử dụng tự do đời mình
để còn được sống trong ân nghĩa của Chúa. Amen.




RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
26-02-2009, 09:01 PM
(http://62.77.60.84/audio/ra/00151087.RM)


(https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)Kính Mời Bạn Lắng Nghe !!!
HCGS19: THÂN PHẬN CON NGƯỜI VÀ Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)http://www.radiovaticana.org/vie/img/listen.gif (https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=6314)


http://www.mediafire.com/imgbnc.php/998e59ee68e697272f8563c2e70810414g.jpg



Các bạn thân mến !

Nói đến thân phận con người và ý nghĩa cuộc đời là nói đến điều gì đó vừa cụ thể gần gũi nhưng lại vừa bao la vượt quá tầm hiểu biết của con người. Thân phận con người là điều mà chúng ta sống, chúng ta đảm nhận từng ngày. Cuộc đời có nghĩa hay vô nghĩa cũng là điều mà chúng ta sống và cảm nhận rất rõ ràng mỗi ngày. Thế mà xoay quanh thân phận con người và ý nghĩa cuộc đời luôn có những câu hỏi làm cho người ta trăn trở và day dứt khôn nguôi.

Quả thế, trong hành trình cuộc đời, thế nào cũng có lúc người ta phải dừng lại và tự đặt cho mình những câu hỏi như: Tôi là ai giữa cuộc đời này? Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Đâu là giá trị của thân phận con người? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Sống để làm gì?..

Chưa trả lời được cho câu hỏi về sự sống, người ta đã phải đối diện với một vấn nạn khác còn oan nghiệt hơn. Đó là cái chết. Mỗi khi bị đặt đối diện với cái chết của người khác, người ta không khỏi tưởng nghĩ đến cái chết của mình. Đôi lúc cái ranh giới giữa sống và chết bỗng trở nên mong manh quá đỗi. Có những người gần gũi với chúng ta, mới ngày hôm qua hãy còn là một con người sống động và đầy năng lực, hôm nay đã là một cái xác lạnh ngắt vô hồn trong huyệt mộ…

Nếu chết có nghĩa là hết, cái chết trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp cho cuộc sống của một con người. Thế nên có người quan niệm rằng con người được sinh ra là để hướng về cái chết. Bước qua mỗi ngày sống, người ta tiến gần đến với cái chết của mình hơn. (M. Heidegger). Cái chết khiến người ta nhìn về hành trình cuộc đời và thân phận con người hết sức bi quan và tiêu cực. Có người khi chứng kiến những điều tồi tệ trong hành trình ngắn ngủi của cuộc đời làm người, đã không ngại tuyên bố rằng con người chỉ là một dòng sông nhơ bẩn với đầy những tham vọng, bạo tàn và bất chính (F. Nietzsche). Người khác thì lại cho rằng con người chỉ thuần là vật chất, chết là hết chuyện (K. Marx). Nhiều người khác nữa lại có cái nhìn về con người thê thảm đến độ, với họ, giác ngộ và thức tỉnh về thân phận con người không gì khác hơn là nhìn ra những vô lý đến cùng cực trong thân phận làm người (A. Camus). Đó là lúc con người bị đau khổ choáng ngợp và thấy ghê tởm cả cuộc sống. Đó cũng là lúc họ phải đối diện với cái chết trống trơn vô nghĩa.

Với tất cả những suy nghĩ ấy, người ta cố vùng vẫy để tự ban cho cuộc đời mình một ý nghĩa, để khoát cho mình ánh vinh quang của những anh hùng, những siêu nhân. Cũng không ít người đi tìm kiến tạo cuộc đời mình trong tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội, khoái lạc xác thịt… Để rồi đến một lúc nào đó, họ ngỡ ngàng nhận ra rằng tất cả những điều ấy chỉ là những thứ bên ngoài mà mình đã cố công để tô điểm cho mình. Còn chính mình thì vẫn cứ là một vấn nạn càng lúc càng bí ẩn.

Thưa các bạn, nếu con người chúng ta không thể tự ban cho mình một cuộc đời, làm sao chúng ta có thể ban cho cuộc đời ấy một ý nghĩa đích thực? Mọi lý thuyết, mọi quan niệm nhân tạo gắn vào cuộc đời của con người dường như đều gượng gạo và gò ép. Thân phận con người và ý nghĩa của cuộc đời là điều người ta phải sống, phải chiêm niệm và khám phá từng ngày, hơn là điều để người ta tranh luận bàn cãi hay chiến đấu để chiếm đoạt.

Sống là một cuộc hành trình. Nhìn cuộc sống theo hướng nào, người ta sẽ đẩy hành trình đời mình theo hướng ấy. Nếu cuộc đời tôi chỉ là kết quả của một ngẫu nhiên vô tình nào đó, cùng lắm tôi chỉ có thể sống giữa đời ở mức ngẫu nhiên và vô tình. Nếu cuộc đời là bể khổ mênh mông và con người chỉ là một cánh bèo trôi bập bềnh trong bể khổ ấy, tôi chẳng cần ham sống để xây dựng cuộc đời, nhưng chỉ lo tìm cho mình một lối ngõ nào đó để vượt thoát mà thôi. Nếu cuộc đời là hư vô, tôi chỉ có thể giam mình trong nỗi day dứt của một thân phận bi đát bị tất định theo một cái định luật nghiệt ngã nào đó. Nếu cuộc đời tôi là một sự kết án và đày ải, không sớm thì muộn tôi sẽ nổi loạn, phá đổ và hủy hoại chính cuộc đời mình.

Còn ngược lại, nếu cuộc đời tôi là một quà tặng yêu thương, tôi giơ tay đón nhận với cả lòng biết ơn và sự quý mến. Nếu cuộc đời tôi là một mầu nhiệm, tôi sẽ chiêm bái và cung kính đối cuộc đời mình. Nếu cuộc đời tôi là một ân sủng có giá trị linh thánh, hành trình sống của tôi từ lòng mẹ cho đến lòng đất sẽ phải được bảo vệ và trân trọng.

Là một người Công Giáo, chúng ta tin rằng chết không có nghĩa là hết và cuộc đời làm người có một ý nghĩa đặc biệt. Tuy nhiên đây không phải là một xác tín dễ giải, không phải là một liều thuốc trấn an chúng ta, và càng không phải là một lối thoát để chúng ta được giải gỡ ra khỏi những trăn trở ưu tư về thân phận con người.

Chúng ta được dạy để thành thật nhìn ra những yếu đuối và tạm bợ trong cuộc đời làm người: như một thoáng mây bay chợt đến rồi chợt đi giữa cuộc đời, như bông hoa sớm nở chiều tàn, như sương mai vừa hợp đã vội tan, như mong manh cát bụi sẽ trở về với cát bụi… Tất cả những điều ấy đều gợi lên trong chúng ta nhiều suy tư và trăn trở. Tuy nhiên, tất cả những suy tưởng về thân phận con người chỉ được coi là nghiêm túc và sâu lắng khi đằng sau nó có lấp lánh chút tia sáng của niềm tin, của hy vọng. Tuyệt vọng trong chính những suy nghĩ bi quan của mình là hướng đi tự nhiên thường thấy. Nhìn ra những giá trị tích cực, tìm ra sự tươi tắn ngay trong những đổ vỡ mất mát và yếu nhược, đó mới là cách sống của một người có niềm tin vào Thiên Chúa. Khi đó, những trăn trở về thân phận con người không bao giờ có thể giam hãm chúng ta trong cái vòng xoay luẩn quẩn của bất mãn và tuyệt vọng.

Khi chiêm niệm về thân phận con người, chúng ta được dẫn đến với hình ảnh của một Thiên Chúa làm người. Trước những đớn đau dằn vặt của con người, Thiên Chúa cho chúng ta một câu trả lời. Câu trả lời ấy nằm chính nơi cuộc đời của con người Giêsu. Giêsu không đến để đưa ra một thiên khảo luận về con người, không giải đáp những thắc mắc về thân phận con người. Ngài đến để sống như một con người. Ba mươi năm ở làng Nagiareth, Giêsu lặng lẽ sống như một con người bình thường giữa bao nhiêu con người khác. Vì sao thế? Phải chăng vì cuộc sống con người với những cái bình lặng thường ngày của nó luôn có một giá trị nhất định. Chỉ cặp mắt biết chiêm niệm và con tim biết yêu thương mới có thể nhận ra cuộc đời này ý nghĩa dường bao.



Lạy Chúa
Chúa cho chúng con một cuộc đời,
rồi chúng con thường lao đao vất vả
đi tìm ý nghĩa của cuộc đời ấy.
Thế nhưng chúng con nhận ra rằng
một lý thuyết dù có hay đến độ nào đi nữa
cũng không thể vỗ về và làm chúng con an lòng,
và càng không thể miễn trừ cho chúng con
cái trách nhiệm phải đảm nhận cuộc đời của chính mình.

Lạy Chúa,
có những lúc chúng con không dám tin chắc rằng
mình đến từ Chúa và sẽ trở về với Chúa.
Dường như luôn có một thúc đẩy thầm kín nào đó
khiến chúng con luôn muốn vượt thoát thân phận thọ tạo
để trở thành những tạo hóa của chính mình.
Kết quả là chúng con dễ tự giam mình
giữa vòng luẩn quẩn trong nỗi ám ảnh của hư vô,
của đớn đau và tuyệt vọng.

Đồng hành với chúng con mỗi ngày trong kiếp người
xin Chúa giúp cho mỗi ngày sống của chúng con
là một cuộc thực tập trong lòng tin cậy mến
Chính niềm tin sẽ cứu rỗi chúng con
Chính niềm hy vọng sẽ nâng chúng con lên
Và chính lòng yêu mến sẽ cho chúng con tự do vui sống.

Nhờ quy hướng trọn vẹn về Chúa,
xin giúp chúng con cảm nghiệm sâu xa hơn
ý nghĩa của cuộc đời và giá trị của việc làm người.
nhờ đó chúng con biết yêu mến cuộc sống của mình hơn,
và nhờ đó, hết lòng xây dựng Nước Chúa nơi trần gian này. Amen.




RADIO VATICANA
MỤC: HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH: LƯU MINH GIAN

vante
05-03-2009, 07:03 PM
Vì Trong thời Gian này mình bận cũng như có nhiều website đăng tải bài viết chỉ có điều là nhanh hay chậm một chút thôi. Do vậy mình xin Giới thiệu với các bạn Website của Chuyên Mục


:guitar:" Hãy Học Cùng Giê Su " (http://www.dongten.net/hayhoccunggiesu/index.php) :guitar:


Rất mong các bạn học tập Nơi Người những gì mà chúng ta đáng phải học Tập Nơi Ngài.

Ước mong mỗi người chúng ta đều tìm thấy những điều bổ ích từ cuộc sống nhỏ bé đầy rẫy những nhiệm Màu.