PDA

View Full Version : Chúa Nhật 30 Thường Niên A SỐNG TRONG YÊU THƯƠNG



caoduc
24-10-2008, 01:42 PM
Chúa Nhật 30 Thường Niên A

SỐNG TRONG YÊU THƯƠNG

Xh 22, 20-26 ; 1Tx 1,5-10; Mt 22, 34-40



------------Ngày ấy, tôi dạy mẫu giáo tại một ngôi trường nhỏ nằm gọn trong khuôn viên của một tòa nhà ba tầng xinh đẹp. Mỗi sáng, cứ đúng 9 giờ, tất cả học sinh lại tụ tập trong căn phòng lớn, bắt đầu một ngày mới bằng bài thể dục đầu giờ. Hơn 50 đứa trẻ, 3 đến 6 tuổi, ngồi san sát trên những chiếc ghế xinh xinh đủ màu đặt trên tấm thảm dày. Những gương mặt thơ ngây bừng sáng khi chúng háo hức hát vang những bài ca, cùng chia sẻ cho nhau về mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống ...

------------Một buổi sáng, cô hiệu trưởng gặp toàn thể học sinh trong căn phòng lớn và thông báo:" Hôm nay chúng ta sẽ tiến hành một thí nghiệm mới". Cô giơ cao hai cây thường xuân bé xíu đựng trong hai cái chậu con giống hệt nhau. " Chúng ta có hai cây con trông chúng giống hệt nhau đúng không? ". Tất cả bọn trẻ, tò mò nhìn vào hai chậu cây, đồng thanh đáp :" Dạ phải ". " Chúng ta sẽ nuôi dưỡng hai cây con này với cùng chế độ ánh sáng, cùng chế độ tưới nước, nhưng ...với sự chăm sóc khác nhau ". Cô nói tiếp :" Chúng ta sẽ theo dõi xem, điều gì sẽ xãy ra khi đặt một cây trong nhà bếp, cách xa chúng ta, một cây ngay tại đây, trong phòng này, trên lò sưởi ". Sau khi đặt một chậu trên mép lò sưởi, cô hiệu trưởng dắt bọn trẻ vào bếp, đặt chậu cây còn lại lên quầy. Sau đó cô dẫn những đứa trẻ với những đôi mắt mở to vì bỡ ngỡ trở lại căn phòng lớn". Chúng ta sẽ đối xử với cây như với một người bạn. Trong vài tháng tới, mỗi ngày chúng ta sẽ hát cho cây thường xuân nghe. Chúng ta sẽ nói cho bạn ấy biết bạn ấy xinh đẹp như thế nào và chúng ta yêu quí bạn ấy biết bao. Chúng ta luôn chúc bạn ấy mọi điều tốt đẹp ..." Một bé gái giơ tay :" Nhưng thưa cô , thế còn cái cây trong bếp thì sao ?". Cô hiệu trưởng mỉm cười thích thú " Chúng ta sẽ dùng cây ấy làm cây 'đối chứng' trong thí nghiệm tuyệt vời của chúng ta. Theo các em chúng ta phải làm gì ?" " Chúng ta sẽ không nói chuyện với nó ?" " Đúng , dù chỉ một lời thì thầm ". " Chúng ta sẽ không gởi cho nó lời chúc tốt đẹp nào". " Đúng, và chúng ta xem chuyện gì sẽ xãy ra.."

------------Bốn tuần sau mắt của tôi cũng mở to ngạc nhiên như bọn trẻ. Cây thường xuân trong bếp yếu ớt , mảnh khảnh và chẳng lớn được tí nào. Còn chậu cây đặt trong phòng lớn , được bao bọc bởi những lời yêu thương êm dịu, được bọn trẻ hát cho nghe mỗi ngày, đã lớn gấp ba với những chiếc lá xanh biếc tràn đầy nhựa sống ... Để chứng minh kết quả của cuộc thí nghiệm và cũng để lau khô nước mắt của những đứa trẻ nhạy cảm, lo lắng cho số phận của cây thường xuân kia, cô hiệu trưởng giải thoát cho cảnh lẻ loi của chậu cây thứ hai trong bếp và mang đặt nó trong phòng lớn, bên cạnh chậu thứ nhất. Ba tuần sau, chậu cây thứ hai đã bắt kịp chậu cây thứ nhất. Bốn tuần sau , chúng cùng lớn mạnh như nhau ...Tôi ghi nhớ mãi bài học này và tự đúc kết cho mình một câu kết luận : “Không ai, không vật gì lớn lên được nếu không có tình yêu...” (suu tam internet Gabyy)

------------Câu chuyện gởi cho tôi và bạn chợt nhớ đến lời bài hát “Để gió cuốn đi”(Trịnh Công Sơn): “Sống trên đời cần có một tấm lòng”. Vâng đó là tấm lòng yêu thương, tấm lòng yêu thương cho nhau xuất phát từ nguồn suối vô tận tình yêu, mà Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đã nhận ra nguồn gốc tình yêu cuả Đấng tối cao nơi hành động yêu thương bác ái của Mẹ Têrêsa Culcuta : “Mẹ là tín đồ tin tưởng vào Thượng Đế (Chúa Trời). Mẹ là người có tâm từ bi, đã dành hết năng lực của mình cho việc cứu giúp những kẻ nghèo khổ. Mẹ là nhân vật rất đặc biệt. Do việc làm cứu nhân độ thế qua sự thực hành giáo lý của đạo Chúa (Christianity) mà nói theo kinh sách Phật giáo, Mẹ đúng là một vị Bồ Tát…”* ( Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tình Thương Là Tôn Giáo Bình Dị Của Nhân Loại ). Hướng về Đấng tối cao, tin và đón nhận tình yêu, đáp trả tình yêu với Ngài và cùng Ngài thực thi yêu thương với anh em đồng loạt, Mẹ là người thực thi triệt để Lời Chúa: "Phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình » (Mt 22, 38-39). Đó là hai giới răn trọng nhất trong niềm tin.

------------Hai điều răn Đức Giêsu trích dẫn trich từ sách Thứ Luật 6, 5 và sách Lêvi 19, 18 trong 613 điều răn Luật cua Do-thái. Các thầy rabi thường tranh luận với nhau đến về tầm mức quan trọng của mỗi luật để chia ra thành điều răn "lớn" và điều răn "nhỏ". Thứ Luật 6, 5 là điều răn căn bản và chính yếu của Do-thái giáo. Điều răn này luôn được dùng để mở đầu mỗi buổi lễ của người Do thái, và đây cũng là luật đầu tiên các trẻ em Do thái phải nhớ. Lòng kính yêu Thiên Chúa phải là hoàn toàn, bao gồm mọi suy xét, cảm kích, và là nguyên động cho cuộc sống. Đức Giêsu liên kết hai điều răn này với nhau và Ngài đặt kính yêu Thiên Chúa trước tiên, sau đó là thương người ; Sự liên hệ gắn bó giữa hai giới răn này: tình yêu tha nhân càng sâu sắc khi chúng ta kính yêu Thiên Chúa. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận ra từ nơi tình thương nhân loại của Mẹ Têrêsa xuất phát từ thực thi giáo lý tình yêu (x.Tình Thương Là Tôn Giáo Bình Dị Của Nhân Loại).

Tình yêu với Đấng tối cao: “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi…” là đưa cuộc sống ta theo sự dẫn dắt của Ngài. Với người Do Thái, tình yêu tha nhân được định hướng theo sách Lêvi 19, 18 viết: " Ngươi phải yêu mến người lân cận như chính mình ngươi ". Nhãn giới Kitô giáo lại đặt tình yêu tha nhan vào địa vị trung tâm, then chốt chủ yếu trong sự gắn bó với Thiên Chúa: " Ai không yêu anh em mình là kẻ mình thấy, thì sẽ không yêu được Thiên Chúa, Ðấng mình chẳng thấy. Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta yêu mến con cái Chúa "( 1Ga 4, 20 ; 5, 2 ). Tình yêu của Thiên Chúa là mô phạm cho các hành động yêu thương nhân loại: " Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con " (Ga 13, 34). Yêu thương nhau trong Chúa là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa : " Cứ dấu này mọi người sẽ nhận ra các con là môn đệ Thầy: đó là tình yêu các con trao cho nhau" (Ga 13, 35). Yêu Chúa và yêu người là hai giới răn gắn bó chặt chẽ cho nhau đến nỗi người tuyên bố yêu Chúa mà không yêu tha nhân là kẻ nói láo (x.1Ga 4,20).

------------Chính Thiên Chúa khởi xướng việc tỏ tình thương: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chúng ta phải yêu thương nhau” (1Ga 4, 11; x. Ml 2, 10; 1 Cr 8, 11-13; 1 Ga 3, 16). Tình yêu khuyến khích hiến thân phục vụ (x. 1Tx 2,8; Cn 17,17; 2Cr 12,15; Gl 4,13; Pl 2,30. 4, 10; 1Tx 1,9). Hình ảnh anh hùng Đức ái của Mẹ Têrêsa, các nữ tu và mọi người quên mình phục vụ nơi những người cùi, Sida….minh chứng cho điều đó…

------------Dưới các nhìn của Y khoa, yêu thương còn đem lạ sức khỏe, cho nên mỗi người chúng ta gìn giữ và nâng cao sức khỏe của mình bằng những hành động nhân ái, Dr Karl Menninger khẳng định: “Tình yêu chữa bệnh cho con người, cả những người cho nó và cả những người nhận nó”. Chúng ta cần yêu thương, yêu thương và yêu thương hơn…mọi giây phút trong đời lam tăng cường sức khỏe (Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng, Tình Yêu và Sức Khỏe).

------------Yêu thương con đường dẫn tới hạnh phúc: “Tôi tin hạnh phúc xuất phát từ lòng thương... Qua tình thương, sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, dù trên bình diện cá nhân, quốc gia hay thế giới chúng ta sẽ có sự an lạc, hạnh phúc và mãn nguyện” (Đức Đạt Lai Lạt Ma). Vâng, với lòng yêu thương, chung ta cho và cùng là lúc được nhận. Hạnh phúc đến từ lòng yêu thương của chúng ta, và cũng từ sự yêu thương của mọi người dành cho minh, Sophocles nhận định: “Có một từ giải thoát chúng ta ra khỏi mọi nỗi đau khổ trong cuộc sống. Đó chính là từ : yêu thương” (Sophocles).

------------Như thế tình yêu thường dành cho nhau, trong nhãn quan Kitô giáo, gắn chắc với tình yêu Thiên Chúa (x.1Ga 4, 20. 5, 2 )., với lề luật thánh : “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10; x. 1Pr 1,22. 2,17 ; 1Ga 3,23. 4,22 ; 2Ga 5 ; 1Tx 4,9 ; Dt 13,1 ; Gc 2,8). Yêu thương không chỉ là hành động của niềm tin của lề luật mà còn là hành động xây dựng hạnh phúc, sức khỏe cho chính bản thân mình..

------------Cho nên quả là chí lý: “Một trái tim biết yêu thương là sự thông thái thực sự nhất” (Charles Dickens ), vì khi sống trong yêu thương chúng ta sẽ có tất cả…

Lm. Vinhsơn, Sàigon 24/10/2008

------------* Phật giáo Tây Tạng, cũng được gọi là Lạt-ma giáo, là một hệ phái Phật giáo quan trọng thuộc Phật giáo Đại thừa. Trong Đại thừa, khi nói đến Bồ Tát, người ta xem đó là tiền thân của các vị Phật tương lai. Đại thừa chia làm hai hạng Bồ Tát: Bồ Tát đang sống trên Trái Đất, là những người đầy lòng từ bi, giúp đỡ chúng sinh, hướng về Phật quả. Và Bồ Tát siêu việt là người đã đạt các hạnh Ba-la-mật và Phật quả – nhưng chưa nhập Niết-bàn. Đó là các vị đã đạt Nhất thiết trí, không còn ở trong Luân hồi, xuất hiện trong thế gian dưới nhiều dạng khác nhau để cứu độ chúng sinh điển hình như Bồ Tát Quán Thế Âm ….( Tổng hơp từ Từ Điển Wikipedia tiếng Việt)