phale
04-01-2014, 11:24 PM
- “Cứu… tôi…với…”
Tiếng kêu thét xé ngang màn đêm và con nước mênh mông. Áp sát chân cầu Bình Lợi, tiếng máy koler cũ kỹ nổ banh banh. Một chiếc xuồng nhỏ cũ kỹ lập tức lao ra chìm trong làn nước mênh mông. Người đàn ông nhỏ thó choàng ngang lưng sợi dây thừng lao xuống dòng nước dữ. Trên thuyền, bóng người vợ quỳ xuống nghiêng nghiêng dưới ánh trăng vàng nhợt nhạt hắt hiu : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa… Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin thương cứu vớt con cái Chúa…”. Tiếng người vợ thầm thì cầu kinh. Cô con gái nép vào lưng mẹ run rẩy.
Đó là một cảnh có thực diễn ra ngay trên mặt sông Sài Gòn, không phải trong phim hay là kịch nghệ. Một đêm trong hàng ngàn đêm trắng của suốt ba mươi ba năm qua của một gia đình thuộc vạn chài gầm cầu Bình Lợi. Gia đình ông Nguyễn Văn Chúc – người vớt xác bên chân cầu Bình Lợi.
Như là cái nghiệp đa đoan
Nắng gió, cái gian khổ vẫn không làm mờ nét linh hoạt trên gương mặt người đàn ông đã gần tuổi sáu mươi. Một sáng mai này, khi nước sông Sài Gòn lặng lẽ dâng, ông cũng cho mình chút thong dong mà hồi tưởng lại cả một kiếp người lênh đênh, khác lạ.
http://lamhong.org/wp-content/uploads/2013/12/ongchuc.jpg
(http://lamhong.org/wp-content/uploads/2013/12/ongchuc.jpg)
Quê ở xóm chài, ông cũng như rất nhiều bạn chài khác chỉ nhớ được là ngay từ lúc lên 5, lên 3, ông cùng bố mẹ đã sống trên chiếc ghe nhỏ. Ngày lênh đênh, đêm về neo nơi chân cầu. Năm này qua năm khác vẫn thế.
“Lúc còn bé tý chưa nhận thức gì, đã thấy bố tôi lâu lâu lại đưa người ngủ dưới sông lên bờ. Họ buồn, họ xuống sông ngủ, lạnh lẽo khổ thân, bố đưa họ lên bờ cho ấm.” Mẹ ông thường nói với ông như vậy.
Lớn một tý, ông hiểu đó là người ta chán đời tự tử trôi sông. Nghiệp thuyền chài tối kỵ việc cứu người, cái kiêng kỵ phi lý, nhưng ăn rất sâu vào trí não người vạn chài. Vượt qua nỗi sợ, bố ông đã làm điều từ tâm ấy.
Muời lăm tuổi, tiếp quản con thuyền, ông trở thành trụ cột gia đình. Rồi ông lấy vợ, sinh được 5 cô con gái. Cả gia đình vẫn vật lộn cùng sông nước.
Trên bờ người ta sống không bình yên. Có đủ thứ lý do khiến người ta hoảng loạn tuyệt vọng và muốn chết. Nào có gì dễ hơn khi trèo xuống thành cầu và nhảy xuống cái…tòm. “Sao người ta lại có thể kết thúc đời mình lẹ làng đến thế !” vợ ông Chúc thở dài.
Và thế là tự nhiên thành cái nghiệp. Vợ chồng ông thành “hiệp sỹ” cứu người, vớt xác trên sông nước mênh mông. “Làm sao có thể làm ngơ cho đành? Không thể làm ngơ được!” Vợ chồng ông bảo thế.
Không thể nhớ hết, và tuyệt đối không hỏi tên, hay lưu dấu bất cứ điều gì về người sống cũng như kẻ chết trong suốt ba mươi ba năm. Nhưng bảo rằng quên thì không, bởi vì việc vớt xác cứu người đã trở thành một phần cuộc sống của đôi vợ chồng ngư phủ.
Những ký ức buồn
Ông Chúc kể: “Có đêm tôi nghe như có tiếng trẻ khóc, nhưng dòm ra, dòng sông vẫn lặng như tờ. Sao vẫn nghe có tiếng trẻ khóc âm u như dội về địa ngục sâu thăm thẳm. Tôi không yên lòng, đốt đèn quần khắp mặt sông, lòng thầm khấn: “Xin Chúa và Đức Mẹ thương xót hài nhi, vì nó cũng là người. Sông nước đêm hôm lạnh lẽo. Tội nghiệp nó Chúa ơi! Xin cho con thấy nó.”
Và mờ sáng khi gần như kiệt sức, ông tìm thấy hai mẹ con đứa trẻ trôi xuôi phía hạ nguồn. Người mẹ ràng con bằng một băng vải ngang lưng. Chị ôm chặt nó, và những ngón tay hài nhi vẫn bấu chặt bầu sữa mẹ.
“Lần ấy tôi đã bật khóc…”. Người đàn ông sông nước từng chứng kiến bao cái chết đã nức nở khóc người dưng! Ông không đủ sức tiếp người cán bộ ngành công an tới giám định lập biên bản theo quy trình thủ tục. Bên ông người vợ cũng rũ ra vì xa xót. Bà cứ lắp bắp mãi một câu : “Con sâu cái kiến còn muốn sống cơ mà ? Sao mẹ con cô dại chi mà dại quá!”
Từ đó, ông bà Chúc khao khát một giấc mơ cứu người. Những người tới cầu Bình Lợi để tìm cái chết đa số còn rất trẻ. Những lần cứu người trên sông ông bà đúc kết được kinh nghiệm quý báu vô cùng. Hễ người ta rơi xuống sông từ độ cao như thế lập tức sẽ… chìm, nhưng chắc do Chúa lôi lên. Khoa học thì bảo có lực đẩy làm họ dội ngược lên mặt nước ba lần, và theo bản năng sinh tồn họ sẽ có được vài lời kêu cứu! Mà rất lạ, khi đi nhảy cầu ai cũng nhăm nhăm để… chết. Vậy mà khi bị nuốt vào cái vực thẳm không cùng, niềm khát sống sẽ vùng lên, họ sẽ kêu gào bằng tất cả chút sinh khí còn lại. Tiếng kêu sẽ vang rất xa trên mặt sông. Bà Chúc bảo rằng đã ba mươi ba năm, nhưng bây giờ mỗi khi nghe tiếng kêu, bà vẫn giật mình, vẫn thảng thốt, vẫn sợ hãi như lần đầu cùng ông lao ra dòng nước dữ. Bà không thể hiểu tại sao người ta có thể tự kết liễu mạng sống mình quá nhanh như vậy. Có những người vẫn còn kịp ôm vội đám lục bình cách ông bà chưa đầy sải tay, mà vẫn không cứu được. Chính vì thế ông Chúc càng ngày càng mài dùi kinh nghiệm, từ việc nổ máy xuồng, thắt dây ngang lưng, cột đầu còn lại vào xuồng. Tất cả những động tác ấy phải làm thật nhanh và chính xác. Đôi mắt căng ra giữa màn đêm, thấy người dại dột vừa trồi đầu lên là chụp liền, nắm cho thật chắc, rồi kêu thật lớn để bà Chúc trên xuồng kéo dây thừng. Khi cập mạn vợ chồng phải tức tốc lôi người ấy lên, phóng vô bờ cấp cứu ngay mới có hi vọng cứu sống.
Người ta sống thì mình vui
Có rất nhiều người lấy lại được sự sống nhờ đôi vợ chồng từ tâm này. Cả xóm chài nhỏ vẫn nhớ thằng cu Tèo, cháu anh Sơn, cũng là người vạn chài ở xóm. Không ai ngó thẳng nhỏ, nhá nhem tối nghe hàng xóm hỏi nhau: “Cu Tèo nó đâu rồi?”. Như có linh tính khiến ông Chúc lao xuồng ra dòng nước. Thằng bé uống no nước đã nổi lập lờ. Ông phóng xuồng cặp bờ bồng thằng nhỏ xám ngắt, mồm miệng ngập xình. Cả xóm ai cũng bảo thôi thế là xong! Nhưng ông Chúc vẫn cảm thấy hơi ấm từ cái xác nhỏ bé tội nghiệp ấy. Ông hét lên: “Giữ người nhà nó lại, đừng đưa đến gần!” Vác ngược thằng nhỏ trên vai, ông cắm cổ chạy như điên như dại. Nước, bùn, đất nơi miệng thằng bé ộc ra. Nó được cứu sống. Xóm nhỏ hắt hiu bên sông vẫn còn tiếng thằng nhỏ bi bô. Ông Chúc thường ngắm nó mỗi chiều khi vác lưới lên bờ. Niềm vui của người “hiệp sĩ” đôi khi chỉ đơn sơ là như thế.“
Mới hồi tháng bảy này, ông bà ấy cứu được hai mạng người. Đêm nghe tiếng kêu, ông lao ra quấn tóc con nhỏ lôi lên. May thiệt may. Con nhỏ có bầu năm tháng, bị người yêu ruồng rẫy, buồn tình nhảy sông tự vẫn. Hai mẹ con nó đều sống!”
“Nhà ông bà ấy nhân nghĩa, cả xóm hai bên sông đều biết” Một người phụ nữ trên bờ xóm vạn chài chỉ cho chúng tôi vạt đất bên sông còn đỏ khói nhang : “Đó là nơi ông bà ấy tẩm xác cho người ta. Cũng cùng tháng bảy này, có bà kia nghe nói là tỷ phú, buồn con buồn cháu nhảy sông. Ông bà ấy canh hai ngày hai đêm mới tìm thấy xác. Sau này người nhà đến mới biết là bà ta là tỷ phú, chứ hồi vớt xác, ông bà Chúc có hay chi đâu! Ba mươi mấy năm nay, ông bà ấy vẫn cứu người, giúp người như thế đó!”
Các con hãy yêu thương nhau
Theo chân nhóm thiện nguyện lòng Chúa thương xót, chúng tôi đến thăm và tặng quà ông bà Chúc và những người dân nghèo của xóm chài ven cầu Bình Lợi. Những bao quần áo, mì, gạo, tràng hạt, ảnh lòng thương xót Chúa… gói ghém tấm lòng của cộng đoàn gởi đến những người con cái Chúa, đến những người nghèo khổ, cần sự giúp đỡ, bất kể họ thuộc tôn giáo nào. Lòng thương xót của Chúa trải dài đến vô tận. Những người con của lòng xót thương cũng không được tự giới hạn mình vào một biên giới nào.
Có đến tận nơi, có nhìn tận mắt mới thấy tấm lòng của những người nghèo vật chất mà giầu lòng xót thương. Suốt ba mươi ba năm làm công việc tự nguyện vớt xác cứu người, ông bà Chúc chẳng hề đặt vấn đề chi phí thù lao. “Người ta mất người thân đã khổ, ai còn tính tiền bạc mà chi ?” Gia đình nghèo có năm người con, thì bốn đứa không chữ nghĩa tan tác lên bờ. Ông bà với đứa cháu ngoại, con của cô gái út sống bằng nghề bắt cá bằng những mảnh lưới tay đơn sơ.
Nhận những món quà của cộng đoàn lòng thương xót trao, bà Chúc rưng nước mắt, ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, thú thật : “Mẹ nó thấy nghèo bỏ lên bờ đi làm thuê, nó ở dưới thuyền và cũng… chưa đi học!”
Lý do để ông bà hôm nay vui hớn hở, không chỉ là những món quà, nhưng là được nhóm thiện nguyện tạo điều kiện cho ông bà đi lễ và làm chứng cho lòng thương xót Chúa. “Người ta đến cầu nguyện sốt sắng và đông quá. Quanh năm suốt tháng lang thang sông nước, hôm nay được đến đây vui như ngày hội. Bà con cầu nguyện sốt sắng quá. Nhưng chúng tôi còn chưa xin cha một điều, xin nhắn cha giúp”.
Và rất bất ngờ khi bà nhờ chúng tôi nhắn lời xin cha và cộng đòan cầu nguyện : “Vợ chồng con xin cha và cộng đoàn cầu cho những người chán đời vì chuyện gia đình, vì thất tình, vì làm ăn thất bại đừng có tìm đến cầu Bình Lợi mà hãy tìm đến với lòng thương xót Chúa. Xin cho ai đến chân cầu này cũng lướt qua nhẹ nhàng như đi giữa phố đông, đừng có dừng lại rồi nhảy xuống tự vẫn giữa đêm khuya như mấy trăm mạng người trong suốt ba mươi ba năm chúng con đã vớt…”.
Chúng tôi bằng hoàng sửng sốt, vợ chồng nguời ngư phủ ấy không hề xin gì cho bản thân mình, không hề so đo trước hoàn cảnh túng quẫn và bầy cháu con thất học.
Tìm gặp người linh mục lãng tử để chuyển ý nguyện cầu này. Người mục tử rất đăm chiêu trước hình ảnh gia đình người ngư phủ chỉ lo cứu người mà không hề nghĩ đến bản thân hay gia đình mình. Một lời dặn dò được đưa ra cho những thiện nguyện tham gia công tác xã hội : “Giáo hội cũng như xã hội lớn mạnh, bền vững chính là bởi từng cá nhân như gia đình người ngư phủ biết sống và làm chứng cho lòng thương xót Chúa qua hành động bác ái sẻ chia. Họ đã quên mình để cứu người thì cộng đoàn cũng có trách nhiệm nâng đỡ chia sẻ gánh nặng với gia đình họ cũng như những gia đình khó khăn khác ở xóm chài. Gia đình người ngư phủ đã sống đạo rất thiện lành, nhưng cái khó khăn của chính gia đình thì tự thân họ không thể giải quyết được. Chúng ta có bổn phận tương trợ họ. Cô con gái út nhà ấy cần phải tái hòa nhập cộng đồng, cháu không thể quanh năm suốt tháng chỉ sống trên thuyền như thế, và đứa cháu ngoại ấy cần phải được đến trường”.
Những cánh chim xanh lại bay đến xóm chài thăm hỏi, tặng cô gái út chiếc xe đạp, và bố trí cháu tạm thời phụ chăm sóc trẻ ở một trường mẫu giáo của các nữ tu. Sắp tới tình nguyện viên sẽ cho cháu học nghề để hòa nhập cuộc sống. Riêng đứa cháu ngoại của gia đình, dứt khoát sang năm phải cho vào lớp một, vì năm nay thì nhập trễ hạn mất rồi.
Có một sự rất tế nhị mà người lãng tử dù bận trăm công nghìn việc cũng vẫn quan tâm đến không bỏ qua. Nhà ấy có tới hai người phụ nữ, hàng đêm họ phải tới tắm nhờ mấy quán tạp hóa ven xóm. Thật đúng là khổ tâm. Phương án làm một nhà tắm tạm nổi trên sáu chiếc thùng phi đã được phác thảo và giao cho tình nguyện viên thực hiện. Chính quyền địa phương cũng cảm thông khi biết công việc ông Chúc làm, đã đồng ý cho bắc một cầu ván nhô ra sông để phục vụ việc cứu người, liệm xác.
Trời về khuya, sau khi tường trình chuyến công tác xã hội cho người lãng tử, chúng tôi tạm biệt ra về. Qua cửa sổ tu viện hắt lên ánh đèn, vẫn thấy ông cặm cụi trên bàn viết với hàng ngàn lá thư xin khấn và xin giúp đỡ. Ngoài những công việc mang tính vĩ mô cho những chuyến công tác bác ái xã hội với hàng chục tấn hàng hóa cho hàng ngàn gia đình ở vùng sâu vùng xa mỗi tháng, học bổng cho học sinh sinh viên, làm cầu làm đường cho xứ đạo nghèo miền quê… cộng đoàn vẫn không quên những mảnh đời dường như bị lãng quên bên lề xã hội như gia đình ông Chúc và những người dân vạn chài bên chân cầu Bình Lợi.
Sàigòn hoa lệ chiều cuối thu như rực rỡ hơn. Giữa những ồn ào náo nhiệt quay cuồng của cuộc sống tiêu thụ và hưởng thụ, nơi một góc phố nào đó, nơi vút lên tháp chuông ngân, vẳng lời kêu mời nghe rất quen, nhưng không bao giờ cũ:
“Các con hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương các con…”
“Phúc cho ai biết xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương…”
Cảm ơn người vớt xác bên chân cầu Bình Lợi, những thiện nguyện viên cộng đoàn lòng thương xót, những con người âm thầm phục vụ trên mọi nẻo đường đất nước để làm chứng cho niềm tin của mình. Như các Thánh Tử Đạo Việt Nam, họ đã và đang cùng hàng triệu đồng bào Công Giáo Việt Nam viết lên bản tình ca yêu thương thật đẹp, thật dễ thương.
LM Trần Đình Long
Dòng Chúa Thánh Thể
Tiếng kêu thét xé ngang màn đêm và con nước mênh mông. Áp sát chân cầu Bình Lợi, tiếng máy koler cũ kỹ nổ banh banh. Một chiếc xuồng nhỏ cũ kỹ lập tức lao ra chìm trong làn nước mênh mông. Người đàn ông nhỏ thó choàng ngang lưng sợi dây thừng lao xuống dòng nước dữ. Trên thuyền, bóng người vợ quỳ xuống nghiêng nghiêng dưới ánh trăng vàng nhợt nhạt hắt hiu : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa… Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin thương cứu vớt con cái Chúa…”. Tiếng người vợ thầm thì cầu kinh. Cô con gái nép vào lưng mẹ run rẩy.
Đó là một cảnh có thực diễn ra ngay trên mặt sông Sài Gòn, không phải trong phim hay là kịch nghệ. Một đêm trong hàng ngàn đêm trắng của suốt ba mươi ba năm qua của một gia đình thuộc vạn chài gầm cầu Bình Lợi. Gia đình ông Nguyễn Văn Chúc – người vớt xác bên chân cầu Bình Lợi.
Như là cái nghiệp đa đoan
Nắng gió, cái gian khổ vẫn không làm mờ nét linh hoạt trên gương mặt người đàn ông đã gần tuổi sáu mươi. Một sáng mai này, khi nước sông Sài Gòn lặng lẽ dâng, ông cũng cho mình chút thong dong mà hồi tưởng lại cả một kiếp người lênh đênh, khác lạ.
http://lamhong.org/wp-content/uploads/2013/12/ongchuc.jpg
(http://lamhong.org/wp-content/uploads/2013/12/ongchuc.jpg)
Quê ở xóm chài, ông cũng như rất nhiều bạn chài khác chỉ nhớ được là ngay từ lúc lên 5, lên 3, ông cùng bố mẹ đã sống trên chiếc ghe nhỏ. Ngày lênh đênh, đêm về neo nơi chân cầu. Năm này qua năm khác vẫn thế.
“Lúc còn bé tý chưa nhận thức gì, đã thấy bố tôi lâu lâu lại đưa người ngủ dưới sông lên bờ. Họ buồn, họ xuống sông ngủ, lạnh lẽo khổ thân, bố đưa họ lên bờ cho ấm.” Mẹ ông thường nói với ông như vậy.
Lớn một tý, ông hiểu đó là người ta chán đời tự tử trôi sông. Nghiệp thuyền chài tối kỵ việc cứu người, cái kiêng kỵ phi lý, nhưng ăn rất sâu vào trí não người vạn chài. Vượt qua nỗi sợ, bố ông đã làm điều từ tâm ấy.
Muời lăm tuổi, tiếp quản con thuyền, ông trở thành trụ cột gia đình. Rồi ông lấy vợ, sinh được 5 cô con gái. Cả gia đình vẫn vật lộn cùng sông nước.
Trên bờ người ta sống không bình yên. Có đủ thứ lý do khiến người ta hoảng loạn tuyệt vọng và muốn chết. Nào có gì dễ hơn khi trèo xuống thành cầu và nhảy xuống cái…tòm. “Sao người ta lại có thể kết thúc đời mình lẹ làng đến thế !” vợ ông Chúc thở dài.
Và thế là tự nhiên thành cái nghiệp. Vợ chồng ông thành “hiệp sỹ” cứu người, vớt xác trên sông nước mênh mông. “Làm sao có thể làm ngơ cho đành? Không thể làm ngơ được!” Vợ chồng ông bảo thế.
Không thể nhớ hết, và tuyệt đối không hỏi tên, hay lưu dấu bất cứ điều gì về người sống cũng như kẻ chết trong suốt ba mươi ba năm. Nhưng bảo rằng quên thì không, bởi vì việc vớt xác cứu người đã trở thành một phần cuộc sống của đôi vợ chồng ngư phủ.
Những ký ức buồn
Ông Chúc kể: “Có đêm tôi nghe như có tiếng trẻ khóc, nhưng dòm ra, dòng sông vẫn lặng như tờ. Sao vẫn nghe có tiếng trẻ khóc âm u như dội về địa ngục sâu thăm thẳm. Tôi không yên lòng, đốt đèn quần khắp mặt sông, lòng thầm khấn: “Xin Chúa và Đức Mẹ thương xót hài nhi, vì nó cũng là người. Sông nước đêm hôm lạnh lẽo. Tội nghiệp nó Chúa ơi! Xin cho con thấy nó.”
Và mờ sáng khi gần như kiệt sức, ông tìm thấy hai mẹ con đứa trẻ trôi xuôi phía hạ nguồn. Người mẹ ràng con bằng một băng vải ngang lưng. Chị ôm chặt nó, và những ngón tay hài nhi vẫn bấu chặt bầu sữa mẹ.
“Lần ấy tôi đã bật khóc…”. Người đàn ông sông nước từng chứng kiến bao cái chết đã nức nở khóc người dưng! Ông không đủ sức tiếp người cán bộ ngành công an tới giám định lập biên bản theo quy trình thủ tục. Bên ông người vợ cũng rũ ra vì xa xót. Bà cứ lắp bắp mãi một câu : “Con sâu cái kiến còn muốn sống cơ mà ? Sao mẹ con cô dại chi mà dại quá!”
Từ đó, ông bà Chúc khao khát một giấc mơ cứu người. Những người tới cầu Bình Lợi để tìm cái chết đa số còn rất trẻ. Những lần cứu người trên sông ông bà đúc kết được kinh nghiệm quý báu vô cùng. Hễ người ta rơi xuống sông từ độ cao như thế lập tức sẽ… chìm, nhưng chắc do Chúa lôi lên. Khoa học thì bảo có lực đẩy làm họ dội ngược lên mặt nước ba lần, và theo bản năng sinh tồn họ sẽ có được vài lời kêu cứu! Mà rất lạ, khi đi nhảy cầu ai cũng nhăm nhăm để… chết. Vậy mà khi bị nuốt vào cái vực thẳm không cùng, niềm khát sống sẽ vùng lên, họ sẽ kêu gào bằng tất cả chút sinh khí còn lại. Tiếng kêu sẽ vang rất xa trên mặt sông. Bà Chúc bảo rằng đã ba mươi ba năm, nhưng bây giờ mỗi khi nghe tiếng kêu, bà vẫn giật mình, vẫn thảng thốt, vẫn sợ hãi như lần đầu cùng ông lao ra dòng nước dữ. Bà không thể hiểu tại sao người ta có thể tự kết liễu mạng sống mình quá nhanh như vậy. Có những người vẫn còn kịp ôm vội đám lục bình cách ông bà chưa đầy sải tay, mà vẫn không cứu được. Chính vì thế ông Chúc càng ngày càng mài dùi kinh nghiệm, từ việc nổ máy xuồng, thắt dây ngang lưng, cột đầu còn lại vào xuồng. Tất cả những động tác ấy phải làm thật nhanh và chính xác. Đôi mắt căng ra giữa màn đêm, thấy người dại dột vừa trồi đầu lên là chụp liền, nắm cho thật chắc, rồi kêu thật lớn để bà Chúc trên xuồng kéo dây thừng. Khi cập mạn vợ chồng phải tức tốc lôi người ấy lên, phóng vô bờ cấp cứu ngay mới có hi vọng cứu sống.
Người ta sống thì mình vui
Có rất nhiều người lấy lại được sự sống nhờ đôi vợ chồng từ tâm này. Cả xóm chài nhỏ vẫn nhớ thằng cu Tèo, cháu anh Sơn, cũng là người vạn chài ở xóm. Không ai ngó thẳng nhỏ, nhá nhem tối nghe hàng xóm hỏi nhau: “Cu Tèo nó đâu rồi?”. Như có linh tính khiến ông Chúc lao xuồng ra dòng nước. Thằng bé uống no nước đã nổi lập lờ. Ông phóng xuồng cặp bờ bồng thằng nhỏ xám ngắt, mồm miệng ngập xình. Cả xóm ai cũng bảo thôi thế là xong! Nhưng ông Chúc vẫn cảm thấy hơi ấm từ cái xác nhỏ bé tội nghiệp ấy. Ông hét lên: “Giữ người nhà nó lại, đừng đưa đến gần!” Vác ngược thằng nhỏ trên vai, ông cắm cổ chạy như điên như dại. Nước, bùn, đất nơi miệng thằng bé ộc ra. Nó được cứu sống. Xóm nhỏ hắt hiu bên sông vẫn còn tiếng thằng nhỏ bi bô. Ông Chúc thường ngắm nó mỗi chiều khi vác lưới lên bờ. Niềm vui của người “hiệp sĩ” đôi khi chỉ đơn sơ là như thế.“
Mới hồi tháng bảy này, ông bà ấy cứu được hai mạng người. Đêm nghe tiếng kêu, ông lao ra quấn tóc con nhỏ lôi lên. May thiệt may. Con nhỏ có bầu năm tháng, bị người yêu ruồng rẫy, buồn tình nhảy sông tự vẫn. Hai mẹ con nó đều sống!”
“Nhà ông bà ấy nhân nghĩa, cả xóm hai bên sông đều biết” Một người phụ nữ trên bờ xóm vạn chài chỉ cho chúng tôi vạt đất bên sông còn đỏ khói nhang : “Đó là nơi ông bà ấy tẩm xác cho người ta. Cũng cùng tháng bảy này, có bà kia nghe nói là tỷ phú, buồn con buồn cháu nhảy sông. Ông bà ấy canh hai ngày hai đêm mới tìm thấy xác. Sau này người nhà đến mới biết là bà ta là tỷ phú, chứ hồi vớt xác, ông bà Chúc có hay chi đâu! Ba mươi mấy năm nay, ông bà ấy vẫn cứu người, giúp người như thế đó!”
Các con hãy yêu thương nhau
Theo chân nhóm thiện nguyện lòng Chúa thương xót, chúng tôi đến thăm và tặng quà ông bà Chúc và những người dân nghèo của xóm chài ven cầu Bình Lợi. Những bao quần áo, mì, gạo, tràng hạt, ảnh lòng thương xót Chúa… gói ghém tấm lòng của cộng đoàn gởi đến những người con cái Chúa, đến những người nghèo khổ, cần sự giúp đỡ, bất kể họ thuộc tôn giáo nào. Lòng thương xót của Chúa trải dài đến vô tận. Những người con của lòng xót thương cũng không được tự giới hạn mình vào một biên giới nào.
Có đến tận nơi, có nhìn tận mắt mới thấy tấm lòng của những người nghèo vật chất mà giầu lòng xót thương. Suốt ba mươi ba năm làm công việc tự nguyện vớt xác cứu người, ông bà Chúc chẳng hề đặt vấn đề chi phí thù lao. “Người ta mất người thân đã khổ, ai còn tính tiền bạc mà chi ?” Gia đình nghèo có năm người con, thì bốn đứa không chữ nghĩa tan tác lên bờ. Ông bà với đứa cháu ngoại, con của cô gái út sống bằng nghề bắt cá bằng những mảnh lưới tay đơn sơ.
Nhận những món quà của cộng đoàn lòng thương xót trao, bà Chúc rưng nước mắt, ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, thú thật : “Mẹ nó thấy nghèo bỏ lên bờ đi làm thuê, nó ở dưới thuyền và cũng… chưa đi học!”
Lý do để ông bà hôm nay vui hớn hở, không chỉ là những món quà, nhưng là được nhóm thiện nguyện tạo điều kiện cho ông bà đi lễ và làm chứng cho lòng thương xót Chúa. “Người ta đến cầu nguyện sốt sắng và đông quá. Quanh năm suốt tháng lang thang sông nước, hôm nay được đến đây vui như ngày hội. Bà con cầu nguyện sốt sắng quá. Nhưng chúng tôi còn chưa xin cha một điều, xin nhắn cha giúp”.
Và rất bất ngờ khi bà nhờ chúng tôi nhắn lời xin cha và cộng đòan cầu nguyện : “Vợ chồng con xin cha và cộng đoàn cầu cho những người chán đời vì chuyện gia đình, vì thất tình, vì làm ăn thất bại đừng có tìm đến cầu Bình Lợi mà hãy tìm đến với lòng thương xót Chúa. Xin cho ai đến chân cầu này cũng lướt qua nhẹ nhàng như đi giữa phố đông, đừng có dừng lại rồi nhảy xuống tự vẫn giữa đêm khuya như mấy trăm mạng người trong suốt ba mươi ba năm chúng con đã vớt…”.
Chúng tôi bằng hoàng sửng sốt, vợ chồng nguời ngư phủ ấy không hề xin gì cho bản thân mình, không hề so đo trước hoàn cảnh túng quẫn và bầy cháu con thất học.
Tìm gặp người linh mục lãng tử để chuyển ý nguyện cầu này. Người mục tử rất đăm chiêu trước hình ảnh gia đình người ngư phủ chỉ lo cứu người mà không hề nghĩ đến bản thân hay gia đình mình. Một lời dặn dò được đưa ra cho những thiện nguyện tham gia công tác xã hội : “Giáo hội cũng như xã hội lớn mạnh, bền vững chính là bởi từng cá nhân như gia đình người ngư phủ biết sống và làm chứng cho lòng thương xót Chúa qua hành động bác ái sẻ chia. Họ đã quên mình để cứu người thì cộng đoàn cũng có trách nhiệm nâng đỡ chia sẻ gánh nặng với gia đình họ cũng như những gia đình khó khăn khác ở xóm chài. Gia đình người ngư phủ đã sống đạo rất thiện lành, nhưng cái khó khăn của chính gia đình thì tự thân họ không thể giải quyết được. Chúng ta có bổn phận tương trợ họ. Cô con gái út nhà ấy cần phải tái hòa nhập cộng đồng, cháu không thể quanh năm suốt tháng chỉ sống trên thuyền như thế, và đứa cháu ngoại ấy cần phải được đến trường”.
Những cánh chim xanh lại bay đến xóm chài thăm hỏi, tặng cô gái út chiếc xe đạp, và bố trí cháu tạm thời phụ chăm sóc trẻ ở một trường mẫu giáo của các nữ tu. Sắp tới tình nguyện viên sẽ cho cháu học nghề để hòa nhập cuộc sống. Riêng đứa cháu ngoại của gia đình, dứt khoát sang năm phải cho vào lớp một, vì năm nay thì nhập trễ hạn mất rồi.
Có một sự rất tế nhị mà người lãng tử dù bận trăm công nghìn việc cũng vẫn quan tâm đến không bỏ qua. Nhà ấy có tới hai người phụ nữ, hàng đêm họ phải tới tắm nhờ mấy quán tạp hóa ven xóm. Thật đúng là khổ tâm. Phương án làm một nhà tắm tạm nổi trên sáu chiếc thùng phi đã được phác thảo và giao cho tình nguyện viên thực hiện. Chính quyền địa phương cũng cảm thông khi biết công việc ông Chúc làm, đã đồng ý cho bắc một cầu ván nhô ra sông để phục vụ việc cứu người, liệm xác.
Trời về khuya, sau khi tường trình chuyến công tác xã hội cho người lãng tử, chúng tôi tạm biệt ra về. Qua cửa sổ tu viện hắt lên ánh đèn, vẫn thấy ông cặm cụi trên bàn viết với hàng ngàn lá thư xin khấn và xin giúp đỡ. Ngoài những công việc mang tính vĩ mô cho những chuyến công tác bác ái xã hội với hàng chục tấn hàng hóa cho hàng ngàn gia đình ở vùng sâu vùng xa mỗi tháng, học bổng cho học sinh sinh viên, làm cầu làm đường cho xứ đạo nghèo miền quê… cộng đoàn vẫn không quên những mảnh đời dường như bị lãng quên bên lề xã hội như gia đình ông Chúc và những người dân vạn chài bên chân cầu Bình Lợi.
Sàigòn hoa lệ chiều cuối thu như rực rỡ hơn. Giữa những ồn ào náo nhiệt quay cuồng của cuộc sống tiêu thụ và hưởng thụ, nơi một góc phố nào đó, nơi vút lên tháp chuông ngân, vẳng lời kêu mời nghe rất quen, nhưng không bao giờ cũ:
“Các con hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương các con…”
“Phúc cho ai biết xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương…”
Cảm ơn người vớt xác bên chân cầu Bình Lợi, những thiện nguyện viên cộng đoàn lòng thương xót, những con người âm thầm phục vụ trên mọi nẻo đường đất nước để làm chứng cho niềm tin của mình. Như các Thánh Tử Đạo Việt Nam, họ đã và đang cùng hàng triệu đồng bào Công Giáo Việt Nam viết lên bản tình ca yêu thương thật đẹp, thật dễ thương.
LM Trần Đình Long
Dòng Chúa Thánh Thể