Ðăng Nhập

View Full Version : Thứ Bảy Tuần II Mùa Thường Niên Năm chẵn - Ngày 25/1 Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại. Lễ kính.



phale
24-01-2014, 07:19 PM
BÀI ĐỌC I: Cv 22, 3-16
"Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: "Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Đamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.

Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Đa-mas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người trả lời: "Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ". Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Đấng nói với tôi. Tôi hỏi: "Lạy Chúa, con phải làm gì?" Chúa liền nói với tôi: "Hãy chỗi dậy, vào thành Đamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm". Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Đamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: "Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!" Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.

Và ông nói: "Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi".
Đó là lời Chúa.
_____________
Hoặc: Cv 9, 1-22
"Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?"
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Đamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ, ông bắt trói đem về Giêrusalem.

Đang khi đi đường, lúc đến gần Đamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông thưa: "Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi". Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" Chúa phán: "Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì". Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Đamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.

Bấy giờ ở Đamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: "Anania". Ông thưa: "Lạy Chúa, này con đây". Chúa phán: "Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố "Thẳng", và tìm tại nhà Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện". (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa". Nhưng Chúa phán: "Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta".

Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: "Anh Saolô, Chúa Giêsu, Đấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt.

Ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Đamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: "Há chẳng phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao?"
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
1) Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! - Đáp.

2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Đáp.

ALLELUIA:Ga 15, 16
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta đã chọn các con giữa thế gian, hầu để các con đi và mang lại hoa trái, để hoa trái các con tồn tại". - Alleluia.

PHÚC ÂM:Mc 16, 15-18
"Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh".
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net (http://www.thanhlinh.net/node/21325)

phale
24-01-2014, 10:53 PM
Suy niệm:

Một con người đã trung thành với Đạo Do Thái Giáo, đã rất trung tín với truyền thống cha ông. Phaolô tên thật là Saolô, quê ở Tarsê xứ Cilicia, là người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin. Gia đình của Saolô đã nhập tịch Roma nên Ngài cũng là công dân Roma. Saolô là một phần tử hăng say trong nhóm biệt phái và thù ghét các người theo Chúa. Sau khi Saolô tham dự vào việc ném đá Stêphanô cho đến chết, Ngài bắt đầu bách hại Giáo Hội của Chúa Giêsu. Với sự chấp thuận, chuẩn y của thượng tế Do Thái, Saolô xuống Đamas truy lùng những người theo Chúa. Nhưng trên đường đi, hăng say và điên tiết vì tức giận các Kitô hữu, Ngài đã bị một luồng sáng bao phủ và vật ngã. Đây là biến cố đã làm đảo lộn cuộc đời của Saolô.

MỘT BIẾN CỐ ĐÃ BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI CỦA SAOLÔ :

Saolô theo như sách công vụ tông đồ 9,1-22 thuật lại rất rõ ràng rằng khi ông đang hăm hở bách hại Giáo Hội, trên con đường ông đi và đến gần Đamas, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy Ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với Ông: ” Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?“ (Cv 9, 3-4). Saolô cảm thấy choáng váng, chưa hiểu gì, Ông liền nói: ”Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp: ”Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết phải làm gì“ (Cv 9, 6). Khanania, một môn đệ của Chúa Giêsu đã đến gặp Ngài ở Đamas. Mắt Ngài đã được sáng và Ngài lãnh nhận phép rửa tội. Với tên mới Phaolô, Ngài đã nhiệt thành rảo khắp các nơi rao giảng Chúa Kitô cho dân ngoại. Biến cố Đamas đã hoàn toàn biến đổi cuộc đời của Phaolô.

BIẾN CỐ ĐAMAS CÓ Ý NGHĨA GÌ VỚI PHAOLÔ ?

Thánh Phaolô đã rất khiêm nhượng khi đề cập tới biến cố này, Ngài viết: ”…Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài, Ngài đã đoái thương mặc khải Con của Ngài cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại“ (Galat 1, 15-16).

Trong một đọan khác của thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô viết: ”Vì những ai Ngài đã biết từ trước thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Ngài cũng kêu gọi, thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính, thì Ngài cũng làm cho hưởng phúc vinh quang.” (Rm 8, 23-30). Thư gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô viết: ”Tôi chẳng được tự do sao ? Tôi chẳng phải là tông đồ sao ? Tôi chẳng trông thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao?“ (I co 9, 1). Đamas đã là một thị kiến về Chúa Giêsu. Ngài viết tiếp: ”Sau đó, Ngài cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là kẻ hèn mọn nhất trong số các tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (I Co 15, 8-9). Và đây là một đoạn quan trọng nói về việc Phaolô đón nhận biến cố Đamas: ”…Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do lề luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin“ (Pl 3, 5-9). “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: ”Ánh sáng hãy bừng lê nơi tối tăm!”. Ngài cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô“. Đoạn khác viết: ”Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Ngài đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Ngài. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược. (Tm 1, 12-13) hoặc “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Ngài nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Ngài, để được sống muôn đời” (Tm 1, 13-16). Biến cố Đamas quả thực là một biến cố vượt khỏi tầm hiểu biết của con người. Đây là một biến cố thiêng liêng, linh thánh vượt trên cả cuộc hoán cải bình thường.

BIẾN CỐ ĐAMAS NÓI GÌ CHO CHÚNG TA:

Giáo Hội tưởng niệm biến cố Đamas, biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ hiệp nhất. Thánh Phaolô đã dám vượt ra ranh giới của dân tộc, của đạo giáo của mình để làm một cuộc trở về rất ngoạn mục đối với Thiên Chúa. Thánh Phaolô tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Hội thánh nhận ra mẫu gương của sự hiệp nhất của thánh Phaolô. Với mỗi người chúng ta hoán cải, sám hối phải trở nên điều kiện đầu tiên của người môn đệ Chúa đặt hết niềm tin nơi Thiên Chúa. Bởi vì, sám hối là khởi đầu của niềm tin và lòng tin khởi đi từ sám hối.

Xin thánh Phaolô giúp chúng ta luôn hiểu được trở về hằng ngày là điều kiện tiên quyết để chúng ta gặp được Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lơi DCCT