PDA

View Full Version : TU ĐỨC KITÔ GIÁO



caoduc
29-10-2008, 08:22 AM
TU ĐỨC KITÔ GIÁO

Bản Chất Sống Tu Đức:
Cảm Nghiệm Thần Linh


-----------Có thể nói, nếu tu đức học là khoa học sống đạo, thì trong các khoa học của Kitô Giáo và về Kitô Giáo, Tu Đức Học là môn học quan trọng nhất. Tại sao?

-----------Trước hết, tại vì khoa này là khoa duy nhất dạy Kitô hữu sống đạo để giúp họ làm sao để có thể đạt đến cùng đích của họ, đó là đạt đến chỗ được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, là đạt đến một tấm mức đức ái trọn hảo, là nên trọn lành như Cha trên trời, là đạt đến tầm vóc toàn vẹn của Chúa Kitô, trong khi các khoa khác (như thánh kinh học, tín lý thần học, giáo phụ học, bí tích học, thánh mẫu học, giáo luật học, giáo hội học, luân lý thần học v.v.) dạy cho họ biết về đạo mà thôi.

-----------Vẫn biết Tu Đức Học cũng chỉ cống hiến cho Kitô hữu kiến thức về đạo như các khoa khác của Kitô Giáo thôi, nay là chưa nói đến vấn đề kiến thức của khoa học về tu đức này cũng được căn cứ vào và có liên hệ với các khoa khác, như khoa thánh kinh, khoa tín lý thần học và khoa luân lý thần học v.v. Thế nhưng, dầu sao cũng phải công nhận rằng, trong các khoa học về Kitô Giáo, tu đức học là khoa thực tiễn nhất về đời sống Kitô hữu, đến nỗi, cho dù không biết gì về các khoa khác, một người giáo dân bình thường nhất cũng có thể nên thánh, như trường hợp điển hình là hai chân phước Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta, thậm chí con người giáo dân bình thường song thánh đức đầy khôn ngoan còn có thể làm cố vấn cho cả các vị chức cao quyền trọng trong Giáo Hội nữa, như trường hợp của Thánh Nữ Catarina Sienna.

-----------Đó là lý do cho dù là linh mục, giám mục hay giáo hoàng, dù có thông suốt các khoa học về Kitô Giáo, có quyền mục tử để trông coi, giảng dạy và thánh hóa dân Chúa đi nữa, tất cả cũng vẫn phải sống tu đức, vẫn phải nên thánh, vẫn phải sống đức tin; bằng không, chính những kiến thức về đạo ấy, có thể sẽ trở thành phương tiện phản đạo, như đã từng xẩy ra nơi thành phần thần học gia hay nơi các vị trong hàng giáo phẩm, và các chức quyền trong giáo hội có thể sẽ trở thành một mối nguy cơ phá đạo, qua các thứ gương mù gương xấu của thành phần lãnh đạo dân Chúa, như trường hợp linh mục lạm dụng tình dục vị thành niên đồng tính ở tổng giáo phận Boston Massachusetts Hoa Kỳ đầu năm 2002.

-----------Bởi thế mới thấy rằng Vị Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, vị đã đạt tới bậc tu đức thần hiệp, được đưa lên tới tầng trời thứ ba (x 2Cor 12:2), quả thực đã chí lý khi mạnh mẽ và minh nhiên khẳng định là nếu tôi thông biết mọi nhiệm mầu, thậm chí nếu tôi có đức tin đến chuyển núi di sông, hay nếu tôi cho dù có bác ái phục vụ đến hy sinh liều cả mạng sống mình đi chăng nữa, mà lại thiếu mất hay không có đức ái, thì tôi cũng chỉ là hư không, và tất cả chỉ là vô ích (xem 1Cor 13:1-7).

-----------Đó là lý do vị Giáo Hoàng đã phong thánh nhiều nhất trong lịch sử Giáo Hội là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” (1994) của mình, đã chủ trương là riêng Giáo Hội và chung thế giới đều lệ thuộc vào thành phần các vị thánh nhân, như ngài đã minh nhiên khẳng định ở chương “The Reaction of The ‘World’” (trang 176-177 ấn bản Anh ngữ) như sau:

-----------“Quyền năng thực sự của Giáo Hội ở đâu? Dĩ nhiên, qua các thế kỷ, ở Tây Âu cũng như Đông Âu, quyền lực của Giáo Hội ở nơi chứng từ của các vị thánh, của những ai chấp nhận sự thật của Chúa Kitô là của mình, những ai theo con đường là chính Chúa Kitô, và những ai sống sự sống xuất phát từ Người trong Chúa Thánh Thần. Và ở Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương, những vị thánh này chẳng bao giờ thiếu vắng. Các vị thánh của thế kỷ chúng ta đây phần lớn là các vị tử đạo… Đó là một đám rất đông những ai, như Sách Khải Huyền nói, ‘theo Con Chiên’ (14:4). Các vị đã hoàn tất nơi cái chết tử đạo của mình những khổ đau cứu chuộc của Chúa Kitô (x Col 1:24), nên các vị cũng đã trở thành nền tảng cho một tân thế giới, cho một tân Âu Châu, và cho một nền văn minh mới”.
-----------Đó là lý do, chúng ta cũng không lạ gì, trong hai chiều kích chính yếu hay hai nguyên tố của Giáo Hội, như Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã đề cập tới trong bài giảng cho Thánh Lễ đồng tế với 15 tân hồng y vào sáng Thứ Bảy 25/3/2006, Lễ Mẹ Thai Lời, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, đó là “nguyên tố Phêrô” và “nguyên tố Thánh Mẫu”, thì nguyên tố hay chiều kích Thánh Mẫu quan trọng hơn nguyên tố hay chiều kích Phêrô. Nguyên tố Phêrô hay chiều kích Phêrô đây là những gì liên quan tới quyền bính của Giáo Hội và vai trò mục vụ của Giáo Hội, trong khi đó, nguyên tố Thánh Mẫu hay chiều kích Thánh Mẫu đây là những gì liên quan tới ân sủng và tu đức. Cũng trong cùng bài giảng này, thần học gia Giáo Hoàng Biển Đức XVI về Giáo Hội hiệp thông của chúng ta đã minh định là nguyên tố hay chiều kích Thánh Mẫu bao gồm cả nguyên tố hay chiều kích Phêrô, như sau:
-----------• “Chư huynh thân mến, thật là một ân huệ cao cả biết bao khi thực hiện việc cử hành ý nghĩa này vào Lễ Trọng Truyền Tin đây! Chúng ta có thể nhận được dồi dào ánh sáng biết bao từ mầu nhiệm này cho đời sống chúng ta làm thừa tác viên của Giáo Hội đây! Nhất là các vị tân hồng y thân mến, chư huynh có thể lãnh nhận nhiều bổ dưỡng là chừng nào cho sứ vụ làm ‘Nghị Viên’ cao cả của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô! Cơ hội thích đáng này giúp chúng ta coi biến cố hôm nay đây, một biến cố nhấn mạnh đến nguyên tố Phêrô của Giáo Hội, theo chiều hướng của một nguyên tố khác, đó là nguyên tố Thánh Mẫu, một nguyên tố thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Tầm vóc quan trọng của nguyên tố Thánh Mẫu trong Giáo Hội, sau công đồng chung Vaticanô II, được đề cao một cách đặc biệt bởi Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiền nhiệm yêu dấu của tôi, hợp với khẩu hiệu của ngài ‘Totus tuus’…

-----------“Hết mọi sự trong Giáo Hội, hết mọi cơ cấu và thừa tác vụ, bao gồm cả thừa tác vụ của Thánh Phêrô và của các vị thừa kế ngài, đều được ‘bao gồm’ trong áo choàng của Vị Trinh Nữ này, trong chân trời đầy ân phúc của lời Mẹ ‘xin vâng’ theo ý muốn của Thiên Chúa”.-----------Tất nhiên, về cơ cấu và tổ chức thì chiều kích hay nguyên tố Phêrô bao giờ cũng quan trọng hơn và cần thiết hơn, tuy nhiên, căn cứ vào cùng đích của đời sống Kitô hữu là tình trạng được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa thì chiều kích hay nguyên tố Phêrô được coi là phương thế dẫn Kitô hữu tới tình trạng hiệp thông thần linh là đích điểm của đời sống Kitô hữu này. Chưa nói tới vấn đề đó là chính nhờ chiều kích hay nguyên tố Thánh Mẫu, tức nhờ và qua lời ‘xin vâng’ đầy hiệp thông thần linh của Mẹ Maria (theo tu đức) trong giây phút Truyền Tin, mới có Lời Nhập Thể, mới có Thánh Thể và thiên chức linh mục.

-----------Thực tế cho thấy, cảm nghiệm thần linh, một cảm nghiệm của đời sống tu đức, là kiến thức cao nhất trong các kiến thức của con người và nơi con người, vì nó thuộc về lãnh vực và tầm mức siêu nhiên hay siêu việt, một lãnh vực chỉ có Thần Chân Lý mới dạy cho con người biết được “trong âm thầm (và) trong tăm tối” (x Mt 10:27) mà thôi.

-----------Đúng vậy, kiến thức khoa học, một kiến thức được căn cứ vào sự quan sát của giác quan, chỉ có thể vươn tới nguồn gốc của vũ trụ này bằng giả thuyết cho rằng vũ trụ xuất hiện là do hiện tượng đại bùng nổ (big bang) đầu tiên. Thế rồi, cái giới hạn của khoa học về nguồn gốc của vũ trụ được kiến thức triết học, căn cứ vào lý trí suy luận, cho biết rằng tất cả mọi sự đều phát xuất từ một Nguyên Lý Đệ Nhất (the First Principle), nhưng không hề cho biết gì về bản chất của Nguyên Lý Đệ Nhất này. Nhờ thần học, một kiến thức được căn cứ vào Mạc Khải Thánh Kinh, cho biết Nguyên Lý Đệ Nhất của triết học ấy đó là Thiên Chúa Hóa Công cũng là Đấng Cứu Độ Nhân Trần và là Đấng Canh Tân Mọi Sự.

-----------Về phương diện luân lý cũng thế, kiến thức khoa học chỉ có thể cắt nghĩa được nguồn gốc những hiện tượng thiên tai, (chẳng hạn động đất ở Pakistan vào tháng 10/2005 sát hại cả 100 ngàn nhân mạng, hay biển động sóng thần ở Nam Á ngày 26/12/2005, sát hại cả 200 ngàn người v.v.), theo nhận xét tự nhiên liên quan đến các định luật vật lý học. Kiến thức triết học thì giải thích những sự dữ xẩy ra này, nhất là sự dữ về luân lý, một là theo nhị nguyên thuyết, một chủ trương cho rằng trời đất này có hai quyền lực chống lại nhau, âm dương, ánh sáng và bóng tối, lành dữ, hai là theo Thánh Âu Quốc Tinh cho rằng sự dữ là tình trạng thiếu hụt sự thiện v.v. Kiến thức thần học lại cho rằng Thiên Chúa Tối Cao và Toàn Năng là Đấng Quan Phòng mọi sự và làm mọi sự cho lợi ích của con cái mình, nên có thể biến sự dữ thành sự lành cho con người. Còn cảm nghiệm thần linh thì làm cho Kitô hữu thấy được những dấu chỉ thời đại để có thể kịp thời đáp ứng bằng các tác động tin yêu tương xứng.

caoduc
30-10-2008, 08:58 AM
-----------Trong các kiến thức, kiến thức thần học là kiến thức phản ảnh Mạc Khải Thần Linh nhất, đúng nhất, giúp con người dễ sống đạo hơn theo tu đức học. Tuy nhiên, kiến thức thần học tự mình không có tác dụng làm cho Kitô hữu hiệp thông với Thiên Chúa, (đó là lý do không phải thần học gia nào tự nhiên cũng là thần bí gia hay thánh nhân, trái lại, một thánh nhân không cần phải là một thần học gia), tức không cung cấp cho Kitô hữu chính cái Cảm Nghiệm Thần Linh theo tu đức học, một Cảm Nghiệm Thần Linh dần dần phản ảnh “tất cả sự thật” (Jn 16:13) là Chúa Kitô, một Sự Thật Thần Linh được chính Thần Chân Lý tỏ ra cho từng tâm hồn tùy hoàn cảnh của họ, theo ý định của Thiên Chúa, nhờ đó, họ được thông phần vào Kiến Thức Thần Linh của chính Thiên Chúa, được Hiệp Thông Thần Linh với Sự Sống của Ngài.

-----------Chính Giáo Hoàng Biển Đức XVI, ở câu trả lời thứ 4 cho một sinh viên thuộc Giáo Phận Rôma trong Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô liên quan tới ơn thiên triệu làm linh mục của ngài, cũng đã chẳng những cho biết lý do tại sao ngài đi tu làm linh mục mà còn cho biết cả tầm quan trọng của đời sống Kitô hữu liên quan tới tu đức và hoạt động mục vụ đầy đối với khoa thần học, như sau:

-----------“Tôi đã tự hỏi rằng tôi thực sự có thể sống độc thân suốt đời của mình được chăng. Là một con người được đào luyện về lý thuyết chứ không phải thực hành, tôi cũng biết rằng việc yêu chuộng thần học vẫn chưa đủ để trở thành một vị linh mục tốt lành, song còn cần phải luôn trở nên thuận lợi cho giới trẻ, cho người già, cho bệnh nhân và cho người nghèo, tức nhu cầu cần phải trở thành giản dị với thành phần đơn thành. Thần học là những gì đẹp đẽ thật, nhưng tính chất đơn thành nơi ngôn từ và đời sống Kitô hữu là những gì bất khả châm chước. Bởi vậy mà tôi đã tự hỏi mình rằng: Liệu tôi có thể sống tất cả những điều ấy hay chăng, chứ không chỉ sống một chiều, thuần túy là một thần học gia v.v.?”
-----------Đó là lý do, trong sứ điệp gửi cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI được cử hành tại mỗi Giáo Phận địa phương và ở Rôma và Chúa Nhật Lễ Lá 9/4/2006, với chủ đề “Lời Chúa là đèn soi bước con đi và là ánh sáng soi đường con bước” (Ps 119[118]:105), ngài đã khuyên giới trẻ hãy đi sâu vào Lời Chúa để có được một cảm nghiệm thần linh, như sau (những chỗ nghiêng và đậm là để nhấn mạnh ý tưởng muốn nói tới):

-----------“Quí bạn trẻ thân mến, hãy năng suy niệm Lời Chúa, và hãy để cho Thánh Thần dạy dỗ quí bạn. Để rồi quí bạn sẽ khám phá ra rằng đường lối suy tưởng của Thiên Chúa không giống với đường lối suy nghĩ của nhân loại. Quí bạn sẽ thấy mình được dẫn tới chỗ chiêm ngắm Thiên Chúa thực sự và đọc được các biến cố lịch sử bằng ánh mắt của Ngài. Quí bạn sẽ được hoan hưởng trọn vẹn thứ niềm vui xuất phát tự chân lý...

-----------“Quí bạn trẻ thân mến, tôi khuyên quí bạn hãy làm quen với Thánh Kinh, và có Thánh Kinh trong tay để Thánh Kinh trở thành địa bàn chỉ đường dẫn lối bước đi. Nhờ việc đọc Thánh Kinh, quí bạn sẽ biết Chúa Kitô. Hãy ghi nhớ những gì Thánh Giêrônimô nói về vấn đề này là: ‘Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (Pl 24,17; x Hiến Chế Lời Chúa, đoạn 25). Đường lối một thời được trân trọng để học hỏi và thưởng thức lời Chúa đó là lectio divina, một đường lối trở thành cuộc hành trình thiêng liêng thực sự qua các giai đoạn của nó. Sau khi lectio là việc đọc đi đọc lại một đoạn Thánh Kinh, để rồi căn cứ vào những yếu tố chính của đoạn này, chúng ta tiến tới việc meditatio - suy niệm. Đó là giây phút suy tư trong lòng, nhờ đó linh hồn hướng về Thiên Chúa và cố gắng hiểu những gì lời Ngài có ý muốn nói với chúng ta hôm nay đây. Đoạn tới việc oratio là lúc lân la nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa. Sau hết, chúng ta tiến đến chỗ comtemplatio – chiêm niệm. Điều này giúp chúng ta giữ lòng của mình chuyên chú trước sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng có lời là ‘đèn soi trong tăm tối, cho đến khi ngày rạng đông và sao mai hiện lên trong lòng anh em’ (2Pt 1:19). Đọc lời Chúa, tìm hiểu lời Chúa và suy niệm lời Chúa, bởi thế, cần phải biến thành một đời sống liên lỉ trung thành với Chúa Kitô và các giáo huấn của Người.

-----------“Hỡi giới trẻ của ngàn năm thứ ba, chương trình sống của quí bạn cần phải được thực hiện như sau: đó là hãy xây dựng đời sống của mình trên nền tảng Chúa Kitô, hãy hân hoan chấp nhận lời Chúa và hãy thực hành giáo huấn của lời Chúa! Rất khẩn trương cho việc làm nổi lên một thế hệ mới thành phần tông đồ gắn chặt với lời của Chúa Kitô, có khả năng đáp ứng với các thách đố của thời đại chúng ta và sẵn sàng quảng bá Phúc Âm một cách sâu rộng. Chính vì thế mà Chúa Kitô đã xin quí bạn, chính vì vậy mà Giáo Hội kêu mời quí bạn, và chính bởi đó mà thế giới mong đợi nơi quí bạn, cho dù nó không hay biết gì về niềm mong đợi này!”
-----------Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX tại Cologne Đức Quốc, vào ngày Thứ Sáu 19/8/2005, thay vì tham dự với giới trẻ cử hành Đường Thánh Giá như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở các Ngày Giới Trẻ Thế Giới trước đó, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã gặp gỡ riêng thành phần chủng sinh và huấn dụ họ theo chủ đề “Chúng tôi đến triều bái Người” (Mt 2:2) của ngày giới trẻ thế giới XX này, những lời huấn dụ, căn cứ vào cuộc hành trình của ba nhà đạo sĩ chiêm tinh gia Đông phương, chẳng những liên quan trực tiếp đến tiến trình làm linh mục của người chủng sinh, mà còn đến cả tiến trình tu đức của người Kitô hữu trong việc cảm nghiệm thần linh rất hay như sau:
-----------“Tại sao các Nhà Đạo Sĩ từ xa lên đường đến Bêlem? Câu trả lời có liên hệ tới mầu nhiệm ‘ngôi sao’ được họ thấy ‘ở Phương Đông’ và là ngôi sao họ nhìn nhận là ngôi sao của ‘Vua dân Do Thái’, tức là dấu chỉ hạ sinh của Đấng Thiên Sai (x Mt 2:2). Bởi vậy cuộc hành trình của họ đã được thúc đẩy bởi một niềm hy vọng mãnh liệt, một niềm hy vọng được ngôi sao này củng cố và hướng dẫn, ngôi sao dẫn họ đến với Vị Vua của dân Do Thái, tới vương quyền của chính Thiên Chúa. Các Nhà Đạo Sĩ lên đường vì ước vọng sâu xa thúc đẩy họ lìa bỏ mọi sự và bắt đầu cuộc hành trình. Hình như họ đã từng đợi chờ ngôi sao ấy. Hình như cuộc hành trình này lúc nào cũng là một phần nơi số phận của họ, và cuối cùng sắp sửa bắt đầu.

-----------“Các bạn thân mến, đó là mầu nhiệm của lời Chúa kêu gọi, mầu nhiệm của ơn kêu gọi. Nó là một phần trong cuộc sống của hết mọi Kitô hữu, thế nhưng nó đặc biệt hiển nhiên nơi những ai được Chúa Kitô xin hãy bỏ hết mọi sự mà theo Người khít khao hơn. Người chủng sinh cảm nghiệm thấy vẻ đẹp của ơn gọi ấy vào giây phút ân sủng là giây phútcó thể được gọi là ‘phải lòng’. Linh hồn họ cảm thấy đầy những ngỡ ngàng bàng hoàng khiến họ đặt vấn đề khi cầu nguyện là: ‘Chúa ơi, tại sao lại là con nhỉ?’ Thế nhưng tình yêu không hế biết đến vấn đề ‘tại sao’; nó là một tặng ân nhưng không mà con người đáp lại bằng việc hy hiến bản thân mình.

-----------”Những năm sống trong chủng viện là để được đào luyện và nhận thức. Việc đào luyện, như các bạn quá rõ, có những chiều kích đồng qui ở mối hiệp nhất con người: Nó bao gồm những chiều kích nhân bản, thiêng liêng và văn hóa. Mục tiêu sâu xa nhất của nó là mang người học sinh đến chỗ hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa là Đấng đã tỏ dung nhan của Ngài ra nơi Chúa Giêsu Kitô. Bởi thế cần phải sâu xa học hỏi Thánh Kinh cũng như học hỏi về đức tin và đời sống của Giáo Hội là nơi Thánh Kinh cư ngụ như là Lời sự sống. Tất cả những điều ấy cần phải liên hệ với những vấn đề được trí khôn của chúng ta đặt ra cũng như với môi trường bao rộng hơn của cuộc sống tân tiến. Việc học hỏi như thế có lúc dường như gay go, song nó là một phần bất khả châm chước của việc chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô cũng như của việc chúng ta được ơn gọi để loan báo về Người…

-----------“Những năm chủng viện là một thời gian hành trình, một thời gian thăm dò, nhất là một thời gian khám phá ra Chúa Kitô. Chỉ khi nào một con người trẻ có được một cảm nghiệm riêng tư về Chúa Kitô họ mới có thể thực sự hiểu được ý của Chúa và nhờ đó hiểu được ơn gọi của mình. Các bạn càng biết Chúa Giêsu thì mầu nhiệm của Người càng thu hút các bạn. Các bạn càng khám phá ra Người các bạn càng được thúc đẩy tìm kiếm Người. Đó là một biến động của một tinh thần kéo dài suốt cuộc đời của các bạn, và là tinh thần làm cho chủng viện trở thành một thời gian đầy hứa hẹn, một ‘mùa xuân’ thực sự vậy.

-----------”Khi các Nhà Đạo Sĩ đến Bêlem, ‘tiến vào nhà họ thấy con trẻ với Maria mẹ của Người, thì họ phục xuống tôn thờ Người’ (Mt 2:11). Cuối cùng thì đây là giây phút hằng mong đợi – đó là việc họ gặp gỡ Chúa Giêsu…

-----------“Chính Mẹ Maria tỏ cho họ thấy Chúa Giêsu Con của Mẹ; Mẹ dẫn họ tới, và ở một nghĩa nào đó Mẹ cho họ có thể thấy cùng chạm đến Chúa Giêsu, rồi ẵm lấy Người trong tay của họ. Mẹ Maria dạy người chủng sinh ấy chiêm ngưỡng Chúa Giêsu bằng con mắt của cõi lòng và làm cho Chúa Giêsu thành chính sự sống của họ. Mỗi giây phút của cuộc đời chủng viện có thể trở thành dịp cho cái cảm nghiệm yêu thương về sự hiện diện của Đức Mẹ, vị dẫn mọi người đến gặp gỡ Chúa Kitô trong thinh lặng của việc niệm suy, của nguyện cầu và tình huynh đệ. Mẹ Maria giúp chúng ta gặp gỡ Chúa trước hết ở nơi việc cử hành Thánh Thể là lúc, qua Lời Chúa và Tấm Bánh được thánh hiến, Người trở nên dưỡng chất thiêng liêng hằng ngày của chúng ta.

caoduc
01-11-2008, 08:34 AM
-----------“’Họ phục xuống tôn thờ Người… rồi dâng hiến Người các lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược’ (Mt 2:11-12). Đây là tột đỉnh của tất cả cuộc hành trình: đó là việc gặp gỡ trở thành việc tôn thờ; nó nở ra thành một tác động đức tin và yêu mến đó là việc nhận biết nơi Chúa Giêsu được hạ sinh bởi Đức Maria Con Thiên Chúa làm người…

-----------“Cái bí mật của thánh đức đó là mối thân tình với Chúa Kitô và trung thành tuân phục ý muốn của Người. Thánh Ambrôsiô đã nói: ‘Chúa Kitô là tất cả đối với chúng ta’; và Thánh Biển Đức đã cảnh giác việc coi bất cứ sự gì hơn tình yêu Chúa Kitô. Chớ gì Chúa Kitô là tất cả mọi sự cho các bạn. Các chủng sinh thân mến, các bạn hãy là những người đầu tiên hiến dâng lên Người những gì cao quí nhất đối với các bạn, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu lên trong sứ điệp ngài viết cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này: đó là thứ vàng tự do của các bạn, nhũ hương thiết tha nguyện cầu của các bạn, mộc dược cảm tình sâu xa nhất của các bạn (x khoản số 4)”. -----------Thế nhưng, để tiến tới chỗ Thần Hiệp hay Hiệp Thông Thần Linh trọn vẹn với Thiên Chúa, theo mức độ nhân loại và tùy ơn gọi của mình, mỗi Kitô hữu cần phải trải qua một tiến trình tu đức ba bậc hay ba giai đoạn, đó là khởi sinh, tiến sinh và hiệp sinh.

-----------Nói đến tu đức là nói đến linh đạo, tức nói đến đường lối sống đạo. Trong lịch sử Giáo Hội, những linh đạo nổi tiếng nhất, theo thứ tự thời gian và hợp với thời điểm của mình, có thể kể đến 4 linh đạo chuyên biệt sau đây: Linh Đạo Ý Nhã Luân, Linh Đạo Giang Thập Tự, Linh Đạo Long Mộng Phố, và Linh Đạo Tiểu Thiên Sa.

-----------Linh Đạo Ý Nhã Luân là đường lối sống đạo của Thánh Ignatiô Loyola (1491-1556), Đấng sáng lập Dòng Chúa Giêsu, được thánh nhân truyền đạt trong cuốn "Tập Dụng Thần Công" cũng gọi là "Linh Thao" của ngài. Mục tiêu của Linh Đạo Y Nhã này là tuân hợp Thánh Ý Chúa. Điều kiện để có thể tuân hợp Thánh Ý Chúa là dứt bỏ những tình yêu và quyến luyến lăng loàn. Phương tiện để dứt bỏ những tình yêu và quyến luyến bất chính, nhờ đó linh hồn có thể tuân hợp Thánh Ý Chúa, là việc thao luyện tâm linh qua ba giai đoạn tẩy luyện, soi sáng và hiệp nhất.

-----------Linh Đạo Giang Thập Tự là đường lối sống đạo của Thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591), được thánh nhân diễn đạt trong những bản văn tựa đề là "Cuộc Tiến Lên Núi Cát Minh", "Đêm Tối Tăm", "Bản Thần Ca" và "Ngọn Lửa Linh Động của Tình Yêu". Mục tiêu của Linh Đạo Giang Thánh Giá này là tình trạng được biến đổi trong Thiên Chúa để kết hiệp thân mật với Chúa. Điều kiện để đạt tới tình trạng được biến đổi trong Chúa mà kết hiệp mật thiết với Ngài đòi linh hồn phải đạt đến một trình độ siêu thoát khỏi mọi dính bén trần tục. Phương tiện để đạt đến trình độ tối đa siêu thoát trần tục, nhờ đó linh hồn có thể được biến đổi trong Thiên Chúa mà kết hiệp mật thiết với Ngài, là linh hồn phải tự từ bỏ và trải qua đêm tối tăm đức tin do Chúa thử thách.

-----------Linh Đạo Long Mộng Phố là đường lối sống đạo của Thánh Louis Montfort (1673-1716), được thánh nhân trình bày trong tác phẩm của ngài là cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria". Mục tiêu của Linh Đạo Mộng Phố là Nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu như chính Chúa đã qua Mẹ đến với loài người. Điều kiện để thể hiện việc Nhờ Mẹ đến với Chúa này là linh hồn phải nhận biết và trông cậy Mẹ Maria, một tạo vật đầy ơn phúc đã được Thiên Chúa Ba Ngôi làm nơi Mẹ những điều trọng đại, để qua Mẹ tỏ mình ra cho loài người. Phương thế để tỏ ra nhận biết và trông cậy Mẹ Maria, nhờ đó linh hồn có thể đến với Chúa cách vững vàng và nhanh chóng, là tận hiến cho Mẹ.

-----------Linh Đạo Tiểu Thiên Sa là đường lối sống đạo của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1872-1897), được nữ thánh tiến sĩ (thứ 33 của Giáo Hội vào ngày 19-10-1997) chia sẻ trong cuốn tự thuật "Một Tâm Hồn" của mình. Mục tiêu của Linh Đạo Tiểu Thiên Sa này là trở nên như trẻ nhỏ để đến với Chúa. Điều kiện để có thể trở nên như trẻ nhỏ, nhờ đó linh hồn có thể đến với Chúa chính là lòng yêu mến đơn sơ tha thiết của linh hồn đối với Chúa như một Người Cha của mình. Phương thế để tỏ ra lòng yếu mến đơn sơ thiết tha như một trẻ nhỏ hầu đến với Cha của mình, là lợi dụng mọi sự, dù nhỏ mọn mấy đi nữa, dâng lên Ngài như tung hoa hy sinh trước tòa của Ngài mà cầu cho phần rỗi của tất cả các linh hồn anh chị em của mình.

-----------Nếu Rượu Mới phải được đổ vào Bình Mới, hay Bình Mới phải được đựng Rượu Mới (x.Mt.9:17), thì 4 Linh Đạo chuyên biệt trên đây chẳng khác gì như một thứ Rượu Mới đã được Thiên Chúa quan phòng đổ vào Bình thời điểm mà các ngài sống Linh Đạo của mình.

-----------Linh Đạo Ý Nhã Luân, một đường lối sống đạo hoàn toàn tuân hợp Thánh Ý Chúa, cũng không phải hay sao, là một thứ Rượu Mới đã được đổ vào Bình thời điểm Thệ Phản bấy giờ đang muốn cải cách Giáo Hội theo chiều hướng tự do phóng khoáng?!

-----------Linh Đạo Giang Thập Tự, một đường lối sống đạo kết hợp mật thiết với Chúa, không phải hay sao, là một thứ Rượu Mới đã được đổ vào Bình thời điểm Dòng Cát Minh lúc đang cần phải canh tân lại đời sống của các đan sĩ kín cổng cao tường đang hướng ngoại hơn bao giờ hết?!

-----------Linh Đạo Long Mộng Phố, một đường lối sống đạo Nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu, được bùng lên sau khi cuốn "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" của thánh nhân được tìm thấy vào năm 1842 và phổ biến từ đó, không phải hay sao, là một thứ Rượu Mới đã được đổ vào Bình thời điểm Thánh Mẫu, với một chuỗi biến cố hiện ra liên tục của Me,ï bắt đầu từ năm 1830 ở Balê, 1846 ở La Salette, 1858 ở Lộ Đức, 1917 ở Fatima?!

-----------Linh Đạo Tiểu Thiên Sa, một đường lối sống đạo trở nên như trẻ nhỏ bằng lòng say yêu Thiên Chúa là Cha của mình và trong Ngài yêu thương anh chị em của mình, không phải hay sao, là một thứ Rượu Mới đã được đổ vào Bình thời điểm tư bản vô luân, chỉ biết tư lợi là trên hết, không còn biết đến công bình bác ái là gì, đến nỗi chủ nghĩa tư bản thái quá này đã gây nên hai Thế Chiến I và II vô cùng khốc hại, nhất là đã trở thành môi trường băng hoại cho con sâu xã hội là chủ thuyết cộng sản vô thần phát sinh từ năm 1864, cho đến khi chủ thuyết này hiện nguyên hình thù vô cùng sắt máu của nó là chế độ cộng sản Nga Sô từ năm 1917.

-----------Cũng vào ngay thời điểm một chế độ mới bắt đầu lộ chân tướng của mình tại Nga Sô này, Linh Đạo Thiếu Nhi Fatima, một đường lối sống đạo của 3 Thiếu Nhi Fatima được nhen nhúm từ năm 1916, đã thực sự và chính thức hình thành vào ngày 13-5-1917. Phải, Linh Đạo Thiếu Nhi Fatima là một thứ Rượu Mới phải được đổ vào Bình Mới là Thời Điểm Fatima… (xin xem tiếp phần III, Chương Hai, về “Linh Đạo Fatima với Thiếu Nhi Fatima”, trang 199).

caoduc
05-11-2008, 09:03 AM
Tiến Trình Sống Tu Đức:
Linh Đạo Tam Cấp


-----------Theo truyền thống tu đức Kitô Giáo trên đây, nhất là từ thế kỷ 16 có thể nói là thời kỳ chính thức mở màn cho khoa tu đức học, thời điểm của các vị thánh Tây Ban Nha chuyên về thần bí, như Thánh Ignatiô sáng lập Dòng Tên, cùng với hai Vị Thánh cải cách Dòng Kín Cát Minh là Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá, tu đức được chia làm 3 bậc hay 3 thời kỳ, được gọi là khởi sinh, tiến sinh và hiệp sinh.

-----------Ba giai đoạn tu đức hay linh đạo tam cấp Kitô Giáo có thể được tìm thấy nền tảng Thánh Kinh của mình nơi Tân Ước, điển hình là nơi Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, một văn kiện được Giáo Hội chọn đọc trong và cho Tuần Bát Nhật Phục Sinh liên quan đến đời sống thánh thiện của Kitô hữu, thành phần đã được lãnh nhận Phép Rửa tái sinh nhờ hạt giống bất hoại Lời Chúa (x 1Pt 1:23).

-----------Có thể nói câu sau 22 ở đoạn 1 bức thư này gồm tóm linh đạo tam cấp này của Kitô Giáo: “Anh em đã thanh tẩy mình (khởi sinh) bằng việc tuân phục chân lýđể yêu thương anh em mình cách chân thực (hiệp sinh)”. (tiến sinh)

-----------Những câu ở đầu đoạn 2 của bức thư này đã diễn tả rõ ràng hơn về câu trên và về ba giai đoạn tu đức Kitô Giáo như sau:

-----------Giai đoạn khởi sinh: “Vậy anh em hãy trút bỏ hết mọi sự xấu xa tội lỗi, hết những gì là gian dối lừa đảo; khoe khoang tự phụ, ghen tương tị hiềm, cùng với mọi thứ gièm pha chê bai. Anh em hãy háo hức sữa bú như những trẻ sơ sinh – thứ sữa tinh tuyền làm cho anh em lớn lên trong ơn cứu độ…” (2:1-2).

-----------Đúng thế, ở giai đoạn tu đức khởi sinh, Kitô hữu cần phải thanh tẩy, bỏ mình, nhất là tội lỗi, và họ có thể hăng say làm việc này nhờ ơn an ủi của Chúa như “sữa” ngọt thần linh hợp với trình độ còn non dại trên đường thiêng liêng của họ.

-----------Giai đoạn tiến sinh: “Anh em hãy đến với Người là tảng đá sống bị con người loại bỏ nhưng lại được Thiên Chúa chấp nhận và quí hóa. Cả anh em nữa cũng là những tảng đá sống, được xây lên như lâu đài thiêng liêng, thành một thiên chức tư tế thánh hảo, dâng hiến các hy tế thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận qua Chúa Giêsu Kitô” (2:4-5).

-----------Thật vậy, ở giai đoạn tu đức tiến sinh này, Kitô hữu, nhờ bỏ sữa là ơn an ủi ban đầu, trở nên cứng cát từ từ như những tảng đá, và có thể tỏ ra những tác hành trưởng thành trên đường thánh đức là tính chất thích hợp với và của vai trò tư tế.

-----------Giai đoạn hiệp sinh: “Anh em là ‘một chủng tộc được tuyển chọn, một hàng tư tế vương giả, một quốc gia thánh hảo, một dân được Người nhận làm của riêng mình để loan truyền các công cuộc hiển vinh’ của Đấng đã kêu gọi anh em từ chốn tối tăm tiến vào ánh sáng lạ lùng của Người. Trước kia anh em không phải là dân của Người, nhưng nay anh em là dân Người; trước đây anh em không được xót thương, giờ đây anh em đã được thương xót” (2:9).

-----------Phải, chỉ con người tiến lên tới bậc trọn lành mới có thể “loan truyền các công cuộc hiển vinh” của Chúa, và mới thực sự có được cảm nghiệm thần linh về Lòng Thương Xót Chúa, như Mẹ Maria trong Ca Vịnh Ngợi Khen: “Vì Chúa đã thương đến phận tỳ nữ của Ngài” (Lk 1:48).

-----------Tu đức Kitô Giáo quả thực là một tiến trình tiến “từ chốn tối tăm tiến vào ánh sáng lạ lùng của Người”. Tiến trình tu đức ba giai đoạn còn được sáng tỏ trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 13-17: trước hết các vị như thành phần tôi tớ được rửa chân (giai đoạn thánh tẩy khởi sinh – đoạn 13), rồi sau đó các vị như thành phần bạn hữu được nghe Người tâm sự (giai đoạn nội tâm tiến sinh – đoạn 14-16), và cuối cùng các vị như thành phần chứng nhân được thánh hiến trong chân lý và hiệp thông thần linh (giai đoạn cảm nghiệm hiệp sinh – đoạn 17).

-----------Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong cuốn “Hồi Niệm Và Căn Tính”, tác phẩm cuối cùng về luân lý thời đại của ngài, xuất bản hôm 22/2/2005, trước khi ngài qua đời 1 tháng rưỡi, ở chương 6: ‘Redemption: Victory Given As A Task To Man’, trang 28-31, đã tóm lược tiến trình tu đức ba bậc hay ba giai đoạn này rất đầy đủ và mạch lạc, như ngài chia sẻ kinh nghiệm sống tu đức của bản thân ngài, như sau:
-----------“Tiếng gọi ‘Hãy theo Thầy!’ là một lời mời gọi hãy bắt đầu theo con đường được quyền lực nội tại của mầu nhiệm Cứu Chuộc dẫn chúng ta đi. Đây là đường lối được phác họa bởi một thứ giáo huấn về 3 bậc liên quan tới việc ‘theo Chúa Kitô’, thứ giáo huấn rất thường được thấy nơi các văn bản về đời sống nội tâm cũng như về cảm nghiệm thần bí. Ba bậc này đôi khi được gọi là ‘giai đoạn’. Chúng ta nói đến giai đoạn thanh tẩy, giai đoạn sáng tỏ và giai đoạn kết hợp. Thực ra những giai đoạn này không phải là ba giai đoạn chuyên biệt, mà là 3 khía cạnh của cùng một đường lối được Chúa Kitô kêu gọi mọi người theo, như Người có lần đã kêu gọi người thanh niên trong Phúc Âm vậy.

-----------“Khi con người trẻ ấy hỏi: ‘Thưa Thày, tôi phải làm lành ra sao để được hưởng sự sống đời đời?’ Chúa Kitô đã trả lời anh ta: ‘Nếu anh muốn hưởng sự sống thì hãy tuân giữ các giới răn’ (Mt 19:16-17 và sau đó). Thế rồi khi con người trẻ này tiếp tục hỏi: ‘Giới răn nào?’ Chúa Kitô liền nhắc nhở anh ta về những giới luật chính yếu trong Bản Thập Giới, nhất là những giới luật được gọi là ở ‘bia đá thứ hai’ liên quan tới các mối liên hệ với tha nhân. Dĩ nhiên, theo giáo huấn của Chúa Kitô thì tất cả mọi giới luật đều được tóm gọn thành giới luật mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như bản thân mình. Người đã minh nhiên nói như thế với một vị tiến sĩ luật để đáp lại câu hỏi của ông (x Mt 23:34-40; Mk 12:28-31). Việc tuân giữ các giới luật, hiểu đúng ra, là những gì đồng nghĩa với giai đoạn thanh tẩy: nó nhắm tới chỗ chế ngự tội lỗi, chế ngự sự dữ luân lý dưới các mặt nạ khác nhau của nó. Việc tuân giữ giới luật này từ từ dẫn đến chỗ thanh tẩy nội tâm.

-----------“Nó cũng giúp chúng ta có thể khám phá ra những giá trị. Bởi thế chúng ta cho rằng giai đoạn thanh tẩy này, theo thứ tự, dẫn đến giai đoạn sáng tỏ. Các giá trị là các những thứ ánh sáng chiếu soi cuộc sống, và khi chúng ta áp dụng chúng vào đời sống của mình, chúng chiếu tỏa rạng ngời hơn nữa về phía chân trời. Bởi thế, song song với việc tuân giữ các giới luật – việc tuân giữ mang ý nghĩa thanh tẩy thực sự – chúng ta phát triển các nhân đức. Chẳng hạn, trong việc giữ giới luật ‘Chớ giết người!’, chúng ta khám phá ra giá trị của sự sống dưới các khía cạnh khác nhau, và chúng ta tỏ ra biết sâu xa tôn trọng nó hơn bao giờ hết. Trong việc tuân giữ giới luật ‘Chớ muốn vợ chồng người!’, chúng ta chiếm được nhân đức trong sạch, nghĩa là chúng ta ý thức hơn bao giờ hết vẻ đẹp nhưng không của thân thể con người, của nam tính và nữ tính. Cái vẻ đẹp trời ban này trở thành ánh sáng cho các tác động của chúng ta. Trong việc tuân giữ giới luật ‘Chớ làm chứng dối!’, chúng ta tỏ ra nhân đức chân thực. Nhân đức này chẳng những loại trừ đi tất cả những gì là dối trá điêu ngoa và giả hình giả tạo khỏi đời sống chúng ta, mà còn phát triển trong chúng ta một thứ ‘trực giác về sự thật’ để hướng dẫn tất cả mọi hành động của chúng ta nữa. Và khi sống trong sự thật như thế, chúng ta chiếm được cho nhân tính của mình một tình trạng chân thực bẩm sinh.

caoduc
06-11-2008, 08:37 AM
-----------“Vậy bậc sáng tỏ trong đời sống nội tâm dần dần hiện lên từ bậc thanh tẩy. Qua thời gian, nếu chúng ta kiên trì theo Chúa Kitô là Thày của chúng ta, chúng ta cảm thấy càng ngày càng ít nặng nề với cuộc chiến đấu chống trả tội lỗi, và chúng ta càng ngày càng hoan hưởng thứ ánh sáng thần linh thấm nhập tất cả mọi tạo sinh. Điều này hết sức hệ trọng vì nó giúp chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng nội tâm liên lỉ hướng chiều về dịp tội – cho dù khi còn sống trên thế gian này cái dịp tội ấy bao giờ cũng có ở một mức độ nào đó – nhờ đó chúng ta tác hành một cách tự do thoải mái hơn trong tất cả thế giới tạo sinh. Tình trạng tự do ấy và tính cách thanh thản ấy cũng là đặc tính của mối liên hệ của chúng ta với các con người khác, bao gồm cả những người khác phái tính. Ánh sáng nội tâm chiếu soi các hành động của chúng ta và cho chúng ta thấy tất cả những gì là thiện hảo nơi thế giới tạo sinh đều xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa. Như thế, giai đoạn thanh tẩy rồi sau đó là giai đoạn sáng tỏ trở thành một đường lối dẫn tới chỗ được gọi là giai đoạn kết hợp. Đây là bậc cuối cùng của cuộc hành trình nội tâm, lúc mà linh hồn cảm nghiệm được mối hiệp nhất đặc biệt với Thiên Chúa. Mối hiệp nhất này được hiện thực nơi việc chiêm niệm Hữu Thể thần linh cũng như nơi cảm nghiệm yêu thương xuất phát từ nó mỗi ngày một mãnh liệt. Nhờ thế, một cách nào đó, chúng ta tiên hưởng những gì được giành cho chúng ta trong cõi vĩnh hằng, vượt trên cái chết và nấm mộ. Chúa Kitô, Bậc Thày đệ nhất của đời sống thiêng liêng, cùng với tất cả những ai được đào luyện nơi học đường của Người, dạy rằng, ngay cả ở trên đời này, chúng ta cũng có thể tiến tới con đường hiệp nhất với Thiên Chúa.

-----------“Hiến chế tín lý ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ đã viết: ‘Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế được Cha tôn vinh’ (x Phil 2:8-9), đã tiến vào vinh quang của vương quốc Người. Tất cả mọi sự đều phải lụy thuộc vào Người cho đến khi Người qui phục bản thân mình cùng với tất cả mọi tạo sinh cho Cha, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (x 1Cor 15:27-28)’. Hiển nhiên là Công Đồng nói tới một tầm vóc rất rộng lớn, khi làm sáng tỏ ý nghĩa về việc tham dự vào sứ vụ vương giả của Chúa Kitô. Tuy nhiên, những lời ấy đồng thời cũng giúp cho chúng ta hiểu làm thể nào để đạt được mối hiệp nhất với Thiên Chúa trên trần gian này. Nếu con đường vương giả, được Chúa Kitô phác định, cuối cùng dẫn tới tình trạng ‘Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự’, thì việc hiệp nhất với Thiên Chúa là những gì có thể cảm nghiệm được trên trái đất này cũng cùng một cách thức như thế. Chúng ta có thể thấy Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, chúng ta có thể thông đạt với Ngài trong và qua tất cả mọi sự. Các tạo vật không còn là những gì nguy hiểm đối với chúng ta như chúng đã từng là như thế, đặc biệt khi chúng ta còn ở bậc thanh tẩy của cuộc chúng ta hành trình. Tạo vật, và đặc biệt là những người khác, chẳng những phục hồi được ánh sáng thực sự của mình là những gì được Thiên Chúa Hóa Công ban cho, mà còn, có thể nói, dẫn chúng ta đến với chính Thiên Chúa, như cách Ngài muốn tỏ mình Ngài ra cho chúng ta, như một Người Cha, một Đấng Cứu Thế và một Người Bạn Tình”. -----------Thế nhưng, để tiến từ bậc tu đức tiến sinh lên bậc hiệp sinh, hay để thực sự sống trong trình độ tu đức hiệp sinh, theo các nhà thần bí và kinh nghiệm các thánh, linh hồn cần phải trải qua hay sống trong đêm tối tăm đức tin. Điển hình nhất là trường hợp của Chân Phước Têrêsa Calcutta, vị nữ tu được cả thế giới ngưỡng phục về hoạt động bác ái phi thường của mình, nhưng không thể ngờ được nội tâm của người nữ tu này quằn quại thiêng liêng ra sao, một tình trạng bị bỏ rơi như ở “trong thung lũng tối” (Ps 23:4) không có lối thoát, không phải là ngắn hạn vài tháng hay mấy năm mà là kéo dài suốt cuộc đời 50 năm được kêu gọi phục vụ của Mẹ.

-----------Thật thế, theo kinh nghiệm tu đức cho thấy, linh hồn thường chỉ sống đạo khi còn “cảm thấy” Chúa bằng những ơn an ủi ban đầu, như ở giai đoạn tu đức khởi sinh, hay khi còn được “trông thấy” Chúa bằng nhiều ơn soi sáng, như ở giai đoạn tu đức tiến sinh, cho đến khi họ cảm thấy khô khan, không thấy Chúa đâu nữa, cả ở mức độ cảm xúc lẫn lý trí, thì ngôi nhà tâm hồn đã được họ sốt sắng dọn dẹp gọn ghẽ và sạch sẽ trước đó bằng việc tránh tội và tiến đức, có nguy cơ trở thành hang trộm cướp (x Jn 2:16), còn tệ hơn trước nữa, khi thần ô uế là tính mê nết xấu vốn còn đó của họ lợi dụng lúc khô khan như sa mạc này của họ, tái xuất giang hồ với 7 tên quỉ nữa như bảy mối tội đầu ra tay tấn công họ (x Mt 12:43-45).

-----------Đó là lý do chúng ta thấy được tính chất thánh đức thật sự của Mẹ Têrêsa Calcutta là ở chỗ ấy, ở chỗ sống đức tin, chứ không phải chỉ thuần làm việc bác ái, hay đúng hơn, ở chỗ sống đức tin bằng đức ái (x Gal 5:6), vì dù không thấy Chúa đâu Mẹ vẫn phục vụ Người nơi thành phần nghèo nhất trong các người nghèo, như Mẹ đang thực sự thấy Người nơi họ, đúng như Người đã tuyên phán với cả thành phần chiên lẫn dê trong cuộc chung thẩm là ai làm cho những người anh em hèn mọn nhất của Người là làm cho chính Người (x Mt 25:37-40,44-45). Tuy nhiên, trong các sách viết về Mẹ, hầu như chẳng có cuốn nào đề cập tới tình trạng nội tâm này của Mẹ, có thể là vì không hợp với mục đích của người viết, hay với tính cách bình dân của cuốn sách, hay vì chính thành phần tác giả ấy không hề biết đến những chi tiết này, những chi tiết Mẹ không hề tiết lộ với ai ngoài cha linh hướng và vị giám mục địa phương biết, và là những chi tiết chỉ được người ta tiết lộ nhờ tiến trình phong chân phước của Mẹ mà thôi.

-----------Thật vậy, Mẹ Têrêsa, hết sức nổi tiếng về đức tin sắt đá, về đức cậy bất khuất, về đức mến nóng bỏng của Mẹ, nhưng lại kết hiệp với Thiên Chúa mà không hề được hưởng ngọt ngào như mọi người, thậm chí kể cả các nữ tu dòng của Mẹ, cứ tưởng.Thế mà tình trạng tăm tối và trống rỗng vẫn là đề tài Mẹ bàn hỏi với các vị linh hướng của Mẹ trong thập niên 1970 và 1980.

-----------Khi Mẹ Têrêsa nhận thức được cái đổi thay xẩy ra trong linh hồn mình, Mẹ đã nói cho cha linh hướng Van Exem biết. Mẹ cũng tỏ cho ĐTGM Périer biết nữa:

-----------•“Con đang khát mong bằng một thứ khát mong đớn đau được thuộc trọn về Chúa, được sống thánh thiện như Chúa Giêsu có thể sống chính sự sống của Người trọn vẹn nơi con. Con càng muốn Người thì lại càng bị ơ hờ lãnh đạm. Con muốn yêu mến Người như Người chưa từng được yêu mến, nhưng lại xẩy ra một cái gì đó phân rẽ, một cái gì đó trống rỗng kinh khủng, một cảm giác thiếu vắng Thiên Chúa”.

-----------Thật vậy, Mẹ Têrêsa lại tỏ cho ĐTGM này biết rằng Mẹ cảm thấy tối tăm chẳng những không giảm mà còn “dầy đặc hơn nữa”, khó có thể chịu đựng nổi. Mẹ suy nghĩ về tình trạng tương phản nơi linh hồn của mình, đó là tình trạng dường như hụt hẫng đức tin, đức cậy, đức mến và chính Thiên Chúa. Ngoài ra, Mẹ cũng chịu đựng một nỗi khát mong Thiên Chúa một cách da diết và day dứt. Mẹ đã cho biết điều này qua một bức thư như sau:

-----------•“Có rất nhiều điều tương phản trong tâm hồn con, đó là một nỗi khát mong Thiên Chúa, một nỗi khát mong sâu xa đến nỗi đớn đau, một nỗi đau đớn liên tục, song lại là nỗi khát mong bị Chúa dửng dưng, ruồng rẫy, trống rỗng, chẳng còn tin tưởng, yêu thương và sốt sắng. Các linh hồn không còn hấp dẫn nữa. Thiên đàng chẳng còn nghĩa lý gì; đối với con nó chỉ là một nơi hư cấu. Ý nghĩ về thiên đàng chẳng còn thú vị gì với con nữa, song nỗi khát mong Thiên Chúa vẫn còn đó. Xin cầu nguyện cho con để con bất chấp mọi sự xẩy ra vẫn tươi cười với Ngài. Vì con thuộc về một mình Ngài nên Ngài có toàn quyền nơi con. Con hoàn toàn sung sướng trở thành không còn là gì nữa, thậm chí ngay trước nhan Thiên Chúa”.

-----------Kinh nghiệm tối tăm tiếp tục diễn tiến. Mẹ Têrêsa viết tiếp:

-----------•“Nếu cha biết những gì con đang trải qua…. Thế nhưng con không phiền trách gì cả. Ngài có quyền làm tất cả mọi sự. Xin cầu nguyện để con cứ tươi cười với Ngài”.
Có những lúc nỗi sầu đau của Mẹ Têrêsa đối với Thiên Chúa kinh khủng đến nỗi Mẹ đã so sánh những khổ đau của Mẹ với khổ đau của những linh hồn trong hỏa ngục:

-----------•“Người ta nói rằng người ở trong hỏa ngục chịu khổ đau đời đời vì tình trạng mất Thiên Chúa; họ có thể trải qua được tất cả mọi đau khổ ấy nếu họ có một chút hy vọng chiếm hữu được Thiên Chúa. Trong linh hồn con con cảm thấy chính cái đớn đau kinh hoàng của cái mất mát đó, của tình trạng bị Thiên Chúa bỏ rơi, của tình trạng Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa, của tình trạng Thiên Chúa không thực sự hiện hữu”.
-----------Trong khi những cảm giác kinh hoàng này xẩy ra thì Mẹ Têrêsa tiếp tục phó thác cho Chúa:

-----------•“Tối tăm thật dầy đặc, đớn đau thật nhức nhối, nhưng con chấp nhận hết mọi sự Ngài trao cho con và con dâng lên Ngài bất cứ những gì Ngài muốn có”.

caoduc
07-11-2008, 10:05 AM
-----------Cha Brian Kolodiejchuk, một trong 3 vị cộng tác mở ngành nam cho Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa, cũng là vị linh mục cáo thỉnh viên trong tiến trình mở án phong chân phước cho Mẹ, đã nghiên cứu (hồ sơ phong thánh gồm 80 cuốn sách), và đã tiết lộ cho biết trong cuộc phỏng vấn với Màn Điện Toán Zenit (bài phỏng vấn đã được Zenit phổ biến ngày 20/12/2002) như sau.

-----------Vấn: Trong những tháng gần đây vấn đề “đêm tối tăm” đã được đề cập tới, một thứ đêm tôí tăm mà Mẹ Têrêsa, như những nhà thần bí, đã trải qua trong những giai đoạn quan trọng của đời sống Mẹ. Đêm tối tăm này xẩy ra như thế nào?

-----------Đáp Hoa trái thiêng liêng phát xuất từ hy sinh, từ thập giá. Trước khi được soi động thực hiện công cuộc của mình, Mẹ đã trải qua đêm tối tăm rồi. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng “đêm tối tăm” này, nỗi khổ đau nội tâm này, là hoa trái của việc Mẹ hiệp nhất với Chúa Kitô, như đã từng xẩy ra nơi Thánh Têrêsa Avila hay Thánh Gioan Thánh Giá. Một mặt là mối hiệp nhất với Chúa Giêsu và tình yêu liên kết. Mà vì được hiệp nhất với Chúa Kitô, Mẹ đã hiểu được nỗi khổ đau của Chúa Kitô khi Người kêu lên từ thập giá: “Chúa Trời ơi, Chúa Trời ơi, sao Chúa lại bỏ rơi tôi?”. Tuy nhiên, “đêm tối tăm” này, nỗi đau khổ này, còn được gây ra bởi việc tông đồ nữa, bởi tình yêu tha nhân nữa. Vì yêu mến Chúa Kitô, Mẹ cũng hiểu được nỗi khổ đau của kẻ khác, hiểu được nỗi cô đơn của họ cũng như tình trạng họ xa cách Thiên Chúa. Bởi thế, “đêm tối tăm” của Mẹ Têrêsa là vì chiều kích lưỡng diện mà tình yêu của tu sĩ nam nữ cảm thấy, trước hết là tình yêu “phu thê”, tình yêu của Mẹ với Chúa Kitô, tình yêu dẫn Mẹ đến chỗ liên kết với những khổ đau của Người, và sau đó, là tình yêu “cứu chuộc”, tình yêu dẫn đến chỗ thông phần vào việc cứu độ, vào việc loan truyền cho kẻ khác tình yêu của Thiên Chúa, để họ khám phá ra ơn cứu độ nhờ nguyện cầu và hy sinh. Bởi thế, đêm tối tăm là một cuộc thử thách yêu thương hơn là một cuộc thử thách đức tin. Mẹ không chịu khổ bởi không cảm thấy được tình yêu Chúa Giêsu cho bằng Mẹ chịu khổ vì lòng Mẹ mong ước Chúa Giêsu, lòng mẹ khao khát Chúa Giêsu, khao khát yêu thương. Mục đích của hội dòng này chính là việc làm cho Chúa Giêsu giản cơn khát thập giá bằng tình chúng ta yêu mến Người và việc chúng ta dấn thân cho các linh hồn. Mẹ không những chia sẻ cảnh nghèo khổ về thể lý và vật chất với người nghèo, Mẹ còn cảm thấy nỗi khát khao, cảnh bị bỏ rơi của thành phần này nữa. Thật vậy, cái nghèo khổ lớn nhất không phải là không được yêu mà là bị loại bỏ.

-----------Chính vị thần học giáo hoàng gia là linh mục Raniero Cantalamessa Dòng Phanxicô, trong bài giảng thứ hai trong Mùa Vọng (theo thông lệ hằng năm) ở Nguyện Đường Redemptoris Mater thuộc Tông Dinh Giáo Hoàng, cho Giáo Triều Rôma hôm Thứ Sáu 12/12/2003, với sự tham dự của chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cũng đã đề cập tới tình trạng đêm tối tăm nội tâm này của Mẹ Têrêsa. Căn cứ vào hồ sơ phong chân phước, vị linh mục này đã nói đến những chi tiết liên quan tới đêm tối tăm của Mẹ Têrêsa như sau: thứ nhất là về khởi điểm của đêm tối tăm: được bắt đầu sau khi Mẹ Têrêsa đáp ứng ơn soi động lập dòng (tức từ cuối thập niên 1940); thứ hai về thời hạn trải qua đêm tối tăm: cho tới khi Mẹ qua đời năm 1997, tức 50 năm trời, cả cuộc đời hoạt động bác ái; thứ ba về cảm nghiệm tối tăm: ‘cảm thấy không được Thiên Chúa yêu thương’, cảm thấy có một cái gì đó ‘hoàn toàn tương phản’.

-----------Nhận định về tâm trạng tu đức tối tăm lạ lùng này của Mẹ Têrêsa, vị linh mục thần học giáo hoàng gia này cho biết ba điểm như sau:

-----------Thứ nhất, liên quan tới cái bí mật của tình trạng nội tâm này:

-----------•“Bông hoa thơm phức nhất tỏa ra từ đêm tối tăm của Mẹ Têrêsa đó là việc Mẹ im lặng về nó. Ngay cả thành phần gần Mẹ nhất cũng không hề hay biết gì cả về tình trạng quằn quại nội tâm cho đến chết này”.

-----------Thứ hai, liên quan tới lý do tại sao Mẹ Têrêsa Calcutta lại phải trải qua một đêm tối tăm suốt cuộc đời 50 năm hoạt động phục vụ bác ái của Mẹ như thế, một thời gian mà theo vị linh mục này, vượt ra ngoài cả mục đích thanh tẩy nội tâm nữa, vì, về mặt tiêu cực, Chúa muốn bảo vệ Mẹ khỏi nguy hiểm bởi tiếng tăm nổi lên như cồn của Mẹ, và về mặt tích cực, Chúa muốn cho Mẹ được hoàn toàn thông phần vào cơn khát núi sọ của Người.
-----------• “Hiện tượng đêm tối tâm linh lạ lùng này thực tế kéo dài suống cả cuộc đời… Nó là phương tiện do Thiên Chúa thực hiện cho các vị thánh ngày nay là thành phần sống và hoạt động liên tục trước ánh sáng rạng ngời của truyền thông xã hội… Thế nhưng, có một lý do sâu xa hơn nữa cho thấy lý do tại sao đêm tối tăm này kéo dài suốt cả cuộc đời như vậy, đó là gương Chúa Kitô, được tham dự vào đêm tối tăm tâm linh của Chúa Giêsu trải qua trong Vườn Nhiệt và đêm tối tăm tâm linh Người đã chết trên Đồi Canvê”.-----------Thứ ba, liên quan tới tác dụng thần linh của thành phần trải qua đêm tối tăm như Mẹ Têrêsa trong thế giới hiện đại:

• “Thật là sai lầm khi nghĩ rằng đời sống của những con người này hoàn toàn u ám và khổ đau… (Nhờ cảm nghiệm này) các vị thần bí ấy đã đến sát với thế giới của những ai sống ‘không có Thiên Chúa’… (cho đến độ họ trở thành) những vị truyền bá phúc âm hóa tuyệt vời trong thế giới hậu tân tiến này, một thế giới người ta sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu”.

-----------Nếu Chân Phước Têrêsa Calcutta cả đời hoạt động bác ái 50 năm của mình trải qua đêm tối tăm đức tin thế nào thì Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II hầu như cả đời làm giáo hoàng của mình (16/10/178-2/4/2005) cũng bị khổ đau về phần xác (kể từ khi bị ám sát hụt 13/5/1981) như vậy. Cả hai vị như cành nho đã sinh trái lại càng sai trái hơn (x Jn 15:2), vì được thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”, để Người sử dụng con người của các vị mà tiếp tục tỏ mình ra cho một thế giới văn minh hầu như tột đỉnh nhưng lại lạc loài hơn bao giờ hết.

-----------Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã cho thấy nhận định của mình về vị Tiền Nhiệm liên quan tới đời sống tu đức thần hiệp của ngài, trong dịp đầy năm băng hà của ngài. Chẳng hạn như trong bài giảng lễ đầy năm tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày Thứ Hai 3/4/2006 như sau:

-----------“Ở Bài Đọc Thứ Nhất theo Sách Khôn Ngoan, chúng ta được nhắc nhở về định mệnh đời đời đang đợi chờ thành phần công chính: một định mệnh tràn đầy hạnh phúc, một phần thưởng khôn sánh về những khổ đau và thử thách họ phải đương đầu trong cuộc sống của họ. ‘Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy rằng họ xứng đáng với Ngài; Ngài đã thử thách họ như lửa thử vàng, và Ngài đã chấp nhận họ như một hiến lễ toàn thiêu’ (Wis 3:5-6).

-----------“Chữ ‘lễ toàn thiêu’ ám chỉ sự hy sinh nạn nhân bị toàn thiêu, bị thiêu rụi đi bởi lửa; nhờ đó, nó là một dấu hiệu hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa. Lời diễn đạt này của Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta về sứ vụ của Đức Gioan Phaolô II, vị đã biến cuộc đời của mình thành một tặng vật dâng lên Thiên Chúa cùng hiến cho Giáo Hội, và nhất là trong việc cử hành Thánh Thể, ngài đã sống trọn chiều kích hy hiến theo thiên chức linh mục của ngài.

-----------“Trong số những lời kêu cầu được ngài yêu thích đó là lời xuất phát từ ‘Litanie de Gesù Cristo Sacerdote e Vittima’ ngài đã chọn cho vào phần kết của tác phẩm của mình, Tặng Ân và Mầu Nhiệm, xuất bản nhân dịp mừng 50 năm chịu chức linh mục của ngài (xem các trang 113-116): ‘Iesu, Pontifex qui tradidisti temetipsum Deo oblationem et hostiam – Ôi Giêsu, Vị Thượng Tế đã hiến mình cho Thiên Chúa như lễ vật và thí vật, xin thương xót chúng con’.

-----------“Ngài đã thường lập lại lời khẩn cầu này biết bao! Nó diễn tả rõ ràng tính chất linh mục sâu xa của cả cuộc đời ngài. Ngài không bao giờ huyền hoặc hóa ước muốn của mình trong việc càng ngày càng nên một với Chúa Kitô Tư Tế qua Hy Tế Thánh Thể, nguồn mạch cho việc không ngừng dấn thân tông đồ.

-----------“Dĩ nhiên, chính đức tin mới là căn nguyên của việc ngài toàn hiến này. Trong Bài Đọc Thứ Hai chúng ta vừa nghe, Thánh Phêrô cũng sử dụng hình ảnh lửa thử vàng và áp dụng hình ảnh này vào đức tin (x 1Pt 1:7). Thật thế, tính chất của đức tin nơi mỗi người chúng ta mới đặc biệt là những gì bị thử thách và thử nghiệm bởi những khốn khó của cuộc đời, để thấy được tính chất vững chắc của nó, tính chất tinh tuyền của nó, tính chất kiên trì của nó trong cuộc sống. Vậy, Đức Cố Giáo Hoàng, vị đã được Thiên Chúa trang bị cho nhiều tặng ân về nhân bản cũng như về thiêng liêng, đã càng ngày càng cho thấy ngài như một ‘tảng đá’ đức tin khi trải qua cuộc thử luyện trong việc vất vả hoạt động tông đồ và chịu đựng bệnh hoạn.

-----------“Đối với những ai được dịp gần gũi với ngài thì đức tin vững mạnh và cương quyết này hầu như là những gì hiển nhiên. Nếu nó chẳng những làm cho thành phần cộng tác với ngài phải khâm phục, mà còn lan tỏa trong giáo triều dài của ngài cái ảnh hưởng thiện ích của ngài khắp Giáo Hội nữa, với một cường độ mạnh dần cho tới khi đạt tới tột đỉnh của nó vào những tháng ngày cuối đời của ngài.

-----------“Nó là một đức tin xác tín, mãnh liệt, chân thực, không biết sợ hãi và thỏa hiệp của ngài, một đức tin đã tác động tới tâm can của nhiều người, cũng nhờ nhiều chuyến tông du khắp nơi trên thế giới, nhất là nhờ ‘cuộc hành trình’ cuối cùng ấy, cuộc thống khổ và cái chết của ngài”.
Và trong bài huấn từ kết thúc Đêm Canh Thức Thánh Mẫu (cầu Kinh mân Côi) tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào chính ngày kỷ niệm đúng một năm ngài qua đời 2/4/2006, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã cảm nhận cuộc sống mục vụ day hoa trái của vị tiền nhiệm đáng kính mến của mình như sau:

-----------“Một năm đã qua từ biến cố băng hà của Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, một biến cố đã xẩy ra hầu như vào đúng giờ này – 9 giờ 37 phút tối – thế nhưng việc tưởng nhớ đến ngài vẫn tiếp tục đặc biệt sống động, như được chứng thực qua nhiều nghi thức được thực hiện trong những ngày này trên khắp thế giới. Ngài tiếp tục hiện diện trong trí khôn của chúng ta và trong tâm can của chúng ta. Ngài tiếp tục thông đạt cho chúng ta tình ngài mến yêu Thiên Chúa và lòng ngài mến thương con người; ngài tiếp tục tác động nơi tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, lòng nhiệt thành tìm kiếm sự thiện và lòng can đảm theo Chúa Giêsu cùng giáo huấn của Người.

-----------“Làm sao để có thể tóm lược được cái chứng từ phúc âm ấy của vị đại Giáo Hoàng này đây? Tôi cố gắng tóm lược lại bằng hai từ ngữ, đó là ‘trung thành’ và ‘dấn thân’. Hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa và dứt khoát dấn thân cho sứ vụ làm mục tử của Giáo Hội hoàn vũ. Lòng trung thành và việc dấn thân thậm chí trở nên sống động và cảm kích hơn nữa trong những tháng cuối đời của ngài, khi ngài thể hiện bản thân mình những gì ngài viết vào năm 1984 trong tông thư ‘Salvifici Doloris’: ‘Khổ đau đang hiện diện trên thế giới để phát tỏa yêu thương, để hạ sinh những công cuộc yêu thương đối với tha nhân, để biến đổi toàn thể văn minh con người thành một thứ ‘văn minh yêu thương’ (đoạn 30).

-----------“Với gương mặt can trường, bệnh nạn của ngài đã làm cho mọi người chú trọng tới nỗi đớn đau của con người hơn, tới tất cả nỗi khổ đau về thể lý và tinh thần; ngài cống hiến cho khổ đau cái phẩm vị và giá trị, cho thấy rằng cái giá trị của con người không phải ở cái hiệu năng của họ hay dáng vẻ bề ngoài của họ, mà là ở trong chính bản thân họ, vì họ đã được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.

-----------“Bằng lời nói và cử chỉ của mình, Đức Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta không thôi chỉ cho thế giới thấy rằng nếu con người để cho Chúa Kitô chiếm đoạt thì nó không làm hư hao đi cái phong phú của nhân tính mình; nếu họ kính mến Người hết lòng thì sẽ không thiếu thốn gì hết. Trái lại, việc gặp gỡ Chúa Kitô làm cho đời sống của chúng ta trở thành phấn khởi hơn.

-----------“Chính vì ngài đã lôi kéo chúng ta đến gần với Thiên Chúa hơn bằng nguyện cầu, bằng chiêm niệm, bằng lòng yêu chuộng Chân và Mỹ, mà Vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta đây biến mình thành một kẻ đồng hành với mỗi người chúng ta và có thế giá để thậm chí nói với cả những ai xa cách đức tin Kitô Giáo”.

caoduc
08-11-2008, 09:15 AM
Yếu Tố Sống Tu Đức:
Mạc Khải và Đức Tin



-----------Qua những gì liên quan tới tiến trình sống tu đức được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chia sẻ trên đây, chúng ta có thể tự hỏi đâu là nguồn gốc của các thứ ánh sáng liên quan tới những giá trị của tạo vật đối với linh hồn từ bậc thanh tẩy sang bậc sáng tỏ, và đâu là nguyên lý và yếu tố làm cho linh hồn được hiệp nhất với Thiên Chúa?

-----------Đúng thế, nếu Tu Đức trực tiếp liên quan tới đích điểm hiệp thông thần linh của Kitô hữu, thì nó là cả một tiến trình bao gồm hai yếu tố chính yếu làm nên Kitô Giáo, đó là yếu tố Mạc Khải Thần Linh và yếu tố Đức Tin Cứu Độ.

-----------Đúng thế, để con người có thể được hiệp thông thần linh với mình, “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) đã chẳng những tỏ mình ra cho con người mà còn thông ban mình cho con người nữa. Ngài đã tỏ mình ra cho con người qua Lời Nhập Thể, để “ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9), và đã thông ban mình ra cho con người nơi Chúa Kitô Vượt Qua, “Vị Mục Tử Nhân Lành đến cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn” (Jn 10:10), khi Người thông Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho con người sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại (x Jn 20:22).

-----------Phần con người, để có thể hiệp thông thần linh với Vị “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn 17:3) là Đấng “đã yêu thương thế gian đến ban Con Một của mình” (x Jn 3:16), và cũng là Đấng “đã tuôn đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta qua Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta” (Rm 5:5), họ cần phải có một “đức tin tuân phục” (Rm 1:5), để có thể đáp ứng một cách tương xứng Mạc Khải Thần Linh, tức để họ có thể chấp nhận Lời Nhập Thể (x Jn 1:12), nhờ đó, họ được nên một với Người, như cành nho dính liền với thân nho, hầu trổ sinh muôn vàn hoa trái (x Jn 15:5), hay như chi thể liên kết với đầu, để có thể sinh động, đạt đến tầm vóc viên trọn của một thân thể.

-----------Thế nhưng, tình trạng Kitô hữu được nên một với Chúa Kitô như cành nho dính liền với thân nho, để có thể trổ sinh hoa trái đây, chính là nhờ một yếu tố thiết yếu bất khả thiếu là nhựa của cây nho, tức nhờ Thánh Thần của Lời Nhập Thể, vị Thánh Thần đã được Chúa Kitô Tử Giá và Phục Sinh thông ban cho con người, khi Người từ cõi chết sống lại thở hơi trên các vị tông đồ vào tối Ngày Thứ Nhất trong tuần (x Jn 20:22). Đúng thế, khi Kitô hữu lấy “đức tin tuân phục” mà chấp nhận Chúa Kitô thì cũng do bởi Thánh Thần là “Thần Chân Lý… dẫn vào tất cả sự thật” (Jn 16:13; x. 1Cor 12:3). Bởi thế, tiến trình tu đức của Kitô hữu chính là linh đạo thánh hóa của Chúa Thánh Thần, là linh đạo Thánh Thần Kitô Hóa con người, cho đến khi họ thực sự trở thành hiện thân của Chúa Kitô và là chứng nhân cho Chúa Kitô (x Lk 24:48; Acts 1:8).

-----------Về phía Kitô hữu, theo tiến trình được Kitô Hóa này của Chúa Thánh Thần, họ càng ngày sẽ càng có được một Cảm Nghiệm Thần Linh sâu xa hơn, thấm thía hơn, chân thực hơn, hoàn hảo hơn. Cảm Nghiệm Thần Linh này chính là kiến thức về Thiên Chúa nơi họ, là nhận thức Thiên Chúa nơi họ như Ngài là, như Ngài tỏ mình ra nơi Lời Nhập Thể và Vượt Qua (x Jn 17:3), chứ không phải là Vị Thiên Chúa theo tình cảm của họ mường tượng thấy, hay theo lý trí của họ nghĩ ra. Tiến trình cảm nghiệm thần linh này đã được chứng thực qua biến cố Chúa Giêsu hỏi các tông đồ rằng: “Phần các con, các con cho Thày là ai?” (x Mt 16:15). Bấy giờ mới thấy được mức độ cảm nghiệm thần linh của thành phần chứng nhân tiên khởi là tông đồ đoàn này như thế nào và tới đâu, (đúng nhưng chưa trọn – Mt 16:23), sau một thời gian khá đủ để trắc nghiệm các vị về Đấng mà hai người trong họ đã trực giác cảm nghiệm thấy ngay từ ban đầu: “Chúng tôi đã gặp Đức Kitô” (Jn 1:41).

-----------Phải, theo tiến trình tu đức tam cấp của Kitô Giáo thì cảm nghiệm thần linh “chúng tôi đã gặp Đức Kitô” có tính cách trực giác ban đầu này nơi thành phần môn đệ Chúa Kitô sẽ còn phải và cần phải được “duc in altum – nước sâu thả lưới” (Lk 5:4) nữa, nó mới thực sự làm cho họ trở thành “ánh sáng thế gian” (Mt 5:14), trở thành “chứng nhân của Thày… cho đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8). Đó là lý do vị trưởng tông đồ đoàn là Thánh Phêrô, sau khi đã bỏ mọi sự mà theo Chúa (x Mt 4:20, 19:27), vẫn còn phải tiếp tục cuộc hành trình đức tin “theo Thày” là “Đường” (Jn 14:6) đầy cam go này, thậm chí đến chỗ trắng trợn chối bỏ chính Đấng là “Sự Thật” (Jn 14:6) đã được người tông đồ nắm trong tay chìa khóa Nước Trời ấy cương quyết thà chết cũng theo cho tới cùng (x Mt 26: 31, 33, 35, 70, 72, 74). Thế nhưng, tiến trình tu đức “theo Thày” một cách tự nhiên ban đầu nhưng lại hết sức chân thành đầy nhiệt tình ấy nơi tông đồ Phêrô thực sự đã càng ngày càng dẫn ngài tới chỗ gần với Đấng là “Sự Sống” (Jn 14:6) hơn, Đấng sau khi phục sinh đã tái kêu gọi ngài ở bờ hồ Tibêria rằng: “Hãy theo Thày” (Jn 21:19). Để rồi, cuối cùng, ngài đã được hoàn toàn Kitô Hóa, tức được hoàn toàn nên giống Thày, được trở thành chứng nhân trung thực của Thày và cho Thày bằng việc tử nạn với Thày và như Thày (x Jn 21:18).

-----------Căn cứ vào tiến trình tu đức của chung các vị tông đồ và của riêng Thánh Phêrô, như được nhận định trên đây, thì tiến trình tu đức Kitô Giáo ba bậc hay ba giai đoạn theo các vị thánh thần bí, thì chẳng những liên quan tới chính bản thân Chúa Kitô, theo lời tuyên nhận của Người: “Thày là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Jn 14:6), mà còn liên quan tới bản thân Kitô hữu nữa, tức liên quan tới việc “theo Thày” của họ, một cuộc theo đuổi đã được Người dứt khoát khẳng định với thành phần môn đệ của Người là: “Ai muốn theo Thày, phải bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Thày” (Mt 16:24).

-----------Ở đây, dù tiến trình tu đức Kitô Giáo là một linh đạo có 3 bậc hay 3 giai đoạn, nhưng chỉ được cấu tạo bởi nguyên 2 yếu tố, đó là Mạc Khải Thần Linh và Đức Tin Tuân Phục, (như đã được đề cập đến trước đây). Mạc Khải Thần Linh đây là chính Chúa Giêsu Kitô, và Đức Tin Tuân Phục được tỏ lộ ở Cảm Nghiệm Thần Linh. Bởi thế mà tuyệt đỉnh của tiến trình tu đức Kitô Giáo là ở chỗ, nhờ Thần Chân Lý, Kitô hữu Cảm Nghiệm Thần Linh được “tất cả sự thật”, tất cả Chúa Kitô, tức được hoàn toàn Kitô Hóa, đến độ Chúa Kitô hoàn toàn chiếm đoạt họ, làm chủ họ, sống trong họ (x Gal 2:20; Jn 15:5), và họ đạt đến tầm vóc viên trọn của Người (x Eph 4:13,15), nhờ đó, họ trở thành hiện thân của Người, trở thành chứng nhân sống động cho Người, như Người đã là hiện thân của Cha (x Heb 1:3), để “ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:11). Nếu theo 2 yếu tố tu đức này thì 3 giai đoạn tu đức sẽ diễn tiến như sau.

-----------Bậc tu đức thứ nhất, tức bậc tu đức ở vào giai đoạn khởi sinh, giai đoạn Kitô hữu bắt đầu đi “Đường” nhân đức trọn lành, tức bắt đầu “theo Thày”, Đấng “là Đường Lối” (Jn 14:6). Ở giai đoạn tu đức đầu tiên này, Kitô hữu bắt đầu theo Chúa Kitô là “Đấng tuy thân phận là Thiên Chúa song đã không tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, mà đã tự hủy ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi…” (Phil 2:6-7). Thật vậy, sau giây phút đột nhiên có được một cảm nghiệm thần linh sơ khởi một cách nào đó, chẳng hạn qua một câu Thánh Kinh, đặc biệt là qua những biến cố đau thương phải gánh chịu bởi hậu quả việc làm sai trái của mình, Kitô hữu tự nhiên cảm thấy được sự thật về chính bản thân mình cũng như về Vị “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24). Và một khi đã nhận ra sự thật và chấp nhận sự thật, một sự thật tự bản chất có mãnh lực giải phóng con người (x Jn 8:32), họ tự động cảm thấy cần phải “ra khỏi tối tăm” (x 1Pt 2:9; Jn 3:19), tức cần phải “bỏ mình đi”. Ở chỗ, trước hết, về phần tiêu cực, từ bỏ tội lỗi cùng các việc làm của ma quỉ, đúng như lời hứa rửa tội, để rồi, về phần tích cực, họ cố gắng tuân giữ tỉ mỉ và kỹ lưỡng tất cả mọi giới luật của Chúa và kỷ luật của Giáo Hội. Điển hình nhất ở bậc tu đức khởi sinh này là trường hợp của người phụ nữ tội lỗi có tiếng trong thành, (theo người viết thì người nữ này chính là Mai Đệ Liên, vì nữ nhân vật này liên quan đến những gì được Thánh Ký Gioan xác nhận trong Phúc Âm của ngài ở đoạn 11 câu 2), có lẽ vì cô đã thấy được chính Chúa Kitô vô cùng trọn lành nhân ái mà cô cảm thấy cô tội lỗi, đâm ra ăn năn thống hối, đến nỗi đã cương quyết từ bỏ tội lỗi và đường lối giả dối để trở về với Chân Lý, với Chúa Kitô, qua việc lấy nước mắt mà rửa chân cho Người, lấy tóc mà lau, rồi hôn chân Người và lấy thuốc thơm xức chân Người, một biến cố đã được Thánh Ký Luca thuật lại ở đoạn 7 câu 37-38.

-----------Bậc tu đức thứ hai, tức bậc tu đức ở vào giai đoạn tiến sinh, cũng gọi là giai đoạn tiến đức, giai đoạn Kitô hữu, về kiến thức, chẳng những ý thức được những giá trị của sự vật và sự việc, mà còn, về thực hành, tỏ ra tôn trọng và siêu nhiên hóa những giá trị ấy nữa, bằng việc họ sử dụng các sự vật theo đúng mục đích của chúng được dự án thần linh ấn định, chứ không phải lạm dụng theo ý mình như trước nữa, và thực hiện những sự việc theo đúng ý muốn của Thiên Chúa là Đấng ủy thác chứ không phải theo hứng chí tự nhiên và mưu đồ tư lợi. Trong giai đoạn tu đức tiến sinh này của Kitô hữu, Chúa Kitô “là Sự Thật” (x Jn 14:6), sau khi đã lôi cuốn họ theo Người “là Đường”,ở giai đoạn tu đức khởi sinh, bắt đầu từ từ tỏ mình Người ra cho họ, như Người đã tỏ mình ra cho các tông đồ xưa, qua lời nói, việc làm và đời sống của Người, nhất là qua Cuộc Vượt Qua của Người. Đó là lý do, trong giai đoạn tu đức thứ hai này, Kitô hữu không còn cảm nghiệm thần linh ở mức độ sốt sắng đầy xúc động như thuở ban đầu nữa, mà ở mức độ lý trí, để rồi từ đó, từ mức độ lý trí này, mức độ nhận biết Sự Thật, nhận biết Chúa Kitô theo những gì họ hiểu được qua Lời Chúa trong Thánh Kinh soi sáng, họ sẽ đi đến chỗ cảm nghiệm thần linh bằng việc “vác thập giá”, trải qua một đêm tối tăm, để có được một đức tin tinh tuyền. Điển hình cho giai đoạn tu đức tiến sinh thứ hai này là trường hợp cũng của Thánh Nữ Mai Đệ Liên, người đã chọn phần tốt hơn là ngồi dưới chân Chúa để nghe lời của Người (x Lk 10:39,42), cũng là người xức dầu thơm chân Chúa và lấy tóc mà lau chân Người (một việc làm cho thấy hình ảnh người nữ tội lỗi đã làm trong Phúc Âm Thánh Luca 7:37-38), như ngưỡng vọng tới việc Người được an táng (x Jn 12:3,7), và là người đã trải qua đêm tối tăm đức tin khi cùng với Mẹ Maria và Tông Đồ Gioan đứng dưới chân thập giá Chúa Kitô (x Jn 19:25).

caoduc
10-11-2008, 08:45 AM
-----------Bậc tu đức thứ ba, bậc tu đức hiệp sinh, cũng gọi là giai đoạn tu đức lên đến chỗ nguyện cầu thần hiệp, tức giai đoạn Kitô hữu được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, đến nỗi, họ có thể nói như Thánh Phaolô Tông Đồ là không gì có thể tách họ ra khỏi tình yêu Chúa Kitô (x Rm 8:35-39). Bởi vì, Chúa Kitô “là Sự Sống” (Jn 14:6), Đấng Phục Sinh “được toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, tỏ mình ra cho họ, như Người đã chẳng những tỏ mình ra cho các tông đồ sau khi sống lại từ trong kẻ chết, mà còn ban Thánh Thần cho họ nữa, để nhờ chính Thánh Thần ban sự sống này của Người, họ được nên một với Người, được quyền năng như Người, được cảm nghiệm thần linh thấy tất cả Lòng Thương Xót Chúa của Người, đối với chính bản thân của họ cũng như đối với tội nhân, và trở thành thừa tác viên (nếu được tuyển chọn trong thiên chức linh mục) ban phát Lòng Thương Xót Chúa, và là chứng nhân cho Lòng Thương Xót này (x Lk 24:47-48), đến nỗi, họ có thể khống chế sự dữ và không sự dữ nào có thể tác hại được họ (x Mk 16:17-18). Điển hình cho giai đoạn tu đức thứ ba hiệp sinh này nơi người Kitô hữu cũng là trường hợp của Thánh Nữ Mai Đệ Liên, người đã được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra một cách đặc biệt, nhờ đó chị đã trở thành tông đồ cho các tông đồ (x Jn 20:11-18), trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô “là Sự Sống”: “Tôi đã thấy Chúa” (Jn 20:18). Phải, khi tới bậc tu đức hiệp sinh cao nhất, Kitô hữu có một cảm nghiệm thần linh sâu xa nhất và trọn hảo nhất, ở chỗ họ cầu nguyện không bằng tác động cảm xúc hay suy tưởng như ở giai đoạn tu đức khởi sinh và tiến sinh nữa, mà là cầu nguyện bằng tác động đức tin tinh tuyền, tác động chiêm niệm với cả con người được thấm đẫm “ánh sáng sự sống” (Jn 8:12), “một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10), trở thành cành nho sinh muôn vàn hoa trái thần linh (x Jn 15:5).

-----------Trong bài giảng cho Thánh Lễ Truyền Dầu vào sáng Thứ Năm 13/4/2006 ở Quảng Trường Thánh Phêrô, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói về và với chư huynh trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ của ngài liên quan đến mối liên hệ thân tình giữa Chúa Kitô với thành phần được chia sẻ vào thiên chức linh mục của Người, một mối liên hệ có tính chất tu đức và nội tâm, một tính chất quan thiết cho hoạt động mục vụ của các vị như sau (người viết tự ý nhấn mạnh ở những chỗ in nghiêng và đậm):
-----------“Chúa Kitô đã đặt tay của Người trên chúng ta. Người đã bày tỏ ý nghĩa của cử chỉ như thế qua những lời Người nói rằng: ‘Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết gì về những việc chủ làm. Thày gọi các con là bạn hữu, vì Thày đã nói với các con hết mọi sự Thày đã nghe nơi Cha Thày’ (Jn 15:15). Thày không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu: Nơi những lời ấy người ta thậm chí có thể thấy được việc thiết lập thiên chức linh mục. Chúa Kitô làm cho chúng ta thành bạn hữu của Người, ở chỗ, Người ký thác cho chúng ta tất cả mọi sự; Người phó chính bản thân Người cho chúng ta để chúng ta có thể nói bằng cái tôi của Người: ‘in persona Christi capitis’. Ôi Người tin tưởng chúng ta biết là dường nào! Người thực sự phó mình vào tay của chúng ta.

-----------“Những dấu hiệu thiết yếu của việc truyền chức linh mục là tất cả những biểu lộ sâu xa của lời ấy: dấu hiệu đặt tay; trao sách – trao lời Người ủy thác cho chúng ta; trao chén biểu hiệu cho việc Người truyền đạt cho chúng ta mầu nhiệm sâu xa và thân mật nhất của Người. Trong tất cả những sự ấy còn có quyền năng tha tội nữa: Người cũng làm cho chúng ta tham dự vào việc Người nhận thức thấy tình trạng thảm thương của tội lỗi cùng với tất cả những gì là tối tăm trên thế giới, và trao cho chìa khóa vào tay chúng ta để mở lại cửa Nhà Cha trên trời. Thày không còn gọi các con là tôi tớ nữa mà là bạn hữu. Đó là ý nghĩa sâu xa của việc làm linh mục, đó là trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cần phải tái dấn thân cho mới thân hữu hằng ngày này.

-----------“Tình thân hữu là để chia sẻ tâm tư và ước muốn. Trong mối hiệp thông này, Thánh Phaolô nói với chúng ta ở Thư gửi giáo đoàn Philiphê (x 2:2-5), chúng ta cần phải làm cho mình tưởng nghĩ như Chúa Giêsu. Và mối hiệp thông về tâm tưởng này không phải chỉ là những gì về tri thức, mà là một thứ chia sẻ về những cảm thức cùng ý muốn nên cũng chia sẻ về cả hành động nữa.

-----------“Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải nhận biết Chúa Giêsu một cách thân tình hơn bao giờ hết, lắng nghe Người, chung sống với Người, bỏ giờ ra với Người. Việc lắng nghe Người – nơi việc ‘lectio dinina’, tức là việc đọc Thánh Kinh, không phải theo kiểu học thức mà là theo kiểu thiêng liêng; nhờ đó chúng ta biết cách gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng đang hiện diện và nói với chúng ta. Chúng ta cần phải suy nghĩ và phản tỉnh những lời của Người cũng như những hành động của Người trước nhan Người và cùng với Người.

-----------“Việc đọc Thánh Kinh là việc cầu nguyện, nó phải là việc cầu nguyện – nó phải xuất phát từ việc nguyện cầu và dẫn tới việc nguyện cầu. Các thánh ký nói với chúng ta rằng Chúa Kitô thường ẩn mình ở trên núi cầu nguyện thâu đêm. Chúng ta cũng cần đến thứ ‘núi’ này: đó là độ cao nội tâm chúng ta cần phải leo lên, đó là ngọn núi nguyện cầu. Chỉ có thế mối thân hữu mới phát triển. Chỉ có thế chúng ta mới có thể thi hành công việc phục vụ tư tế của chúng ta, chỉ có thế chúng ta mới có thể đem Chúa Kitô và Phúc Âm của Người đến cho con người. Việc chỉ biết hăng say hoạt động thậm chí có thể là những gì anh hùng. Thế nhưng hoạt động bề ngoài, cuối cùng, vẫn chẳng sinh hoa kết trái và mất đi hiệu năng, nếu nó không được xuất phát từ mối hiệp thông sâu xa thân mật với Chúa Kitô.

-----------“Thời gian chúng ta giành cho việc làm này thực sự là thời gian của hoạt động mục vụ, của hoạt động mục vụ đích thực. Một linh mục trước hết là một con người nguyện cầu. Thế giới thường lạc hướng của mình theo chiều hướng duy hoạt động cuồng loạn của nó. Hoạt động của nó và các khả năng của nó trở thành những gì hủy hoại, nếu không có sức mạnh của việc nguyện cầu là những gì xuất phát giòng nước sự sống có khả năng làm cho đất đai khô cằn trở nên mầu mở phì nhiêu.

-----------“Thày không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu. Yếu tính của thiên chức linh mục đó là làm bạn của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có thế chúng ta mới thực sự nói ‘thay cho Chúa Kitô – in persona Christi’, cho dù nội tâm chúng tax a lìa Chúa Kitô vẫn không thể làm tổn thương tới tính cách hiệu thành của bí tích. Làm bạn với Chúa Giêsu, làm linh mục nghĩa là làm một con người nguyện cầu. Vậy chúng ta hãy tình bạn này và hãy thoát khỏi cảnh vô tri của những người tôi tớ quê mùa. Vậy chúng ta hãy biết làm sao để sống, để chịu khổ và để tác hành với Người và cho Người.

-----------“Tình bằng hữu với Chúa Giêsu bao giờ cũng là tình bằng hữu đệ nhất với những ai thuộc về Người. Chúng ta có thể làm bạn của Chúa Kitô chỉ trong mối hiệp thông với toàn thể Chúa Kitô, tức với cả đầu lẫn thân, nơi sự sống dồi dào phong phú của Giáo Hội được sinh động bởi Chúa Kitô. Chỉ trong Giáo Hội, nhờ Chúa Kitô, Thánh Kinh mới là Lời sống động và hợp thời. Không có chủ thể sống động Giáo Hội ấp ủ các thời đại này, thì Thánh Kinh bị đổ bể thành những bản văn thường bất nhất hỗn tạp, do đó trở thành một cuốn sách của quá khứ. Thánh Kinh là những gì sống động vào lúc này đây chỉ ở nơi nào có ‘Sự Hiện Diện’ thôi – nơi nào Chúa Kitô mãi đồng thời với chúng ta: tức nơi thân thể Giáo Hội của Người.

-----------“Là linh mục tức là làm bạn với Chúa Giêsu Kitô, và điều này càng trở nên hơn thế nữa qua cả cuộc sống của chúng ta. Thế giới cần đến Thiên Chúa – không cần đến bất cứ một thần linh nào, mà là cần đến Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, đến Vị Thiên Chúa hóa thành huyết nhục, Vị đã yêu thương chúng ta đến chết vì chúng ta, Vị đã phục sinh và đã tao nên nơi bản thân Ngài một khoảng trống cho con người. Vị Thiên Chúa này cần phải sống trong chúng ta và chúng ta cần phải sống trong Ngài. Đó là ơn gọi linh mục của chúng ta: Chỉ có thế hoạt động linh mục của chúng ta mới sinh hoa kết trái mà thôi”.-----------Những lời của Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói với thành phần tư tế thừa tác và nói về thiên chức linh mục thừa tác trên đây liên quan đến tu đức, đến đời sống thân tình với Chúa Kitô, như cành nho dính liền với thân nho để sinh muôn vàn hoa trái, cũng có thể áp dụng cho hết mọi tín hữu giáo dân, thành phần thật sự, qua Phép Rửa, đã lãnh nhận thiên chức linh mục phổ quát, do đó, cũng cần phải làm chứng nhân cho Chúa Kitô qua các hoạt động tông đồ giáo dân của mình, những hoạt động tông đồ một phần nào cũng mang tính cách mục vụ như các vị tư tế thừa tác.

-----------Ngay trong ba vai trò vương giả, tư tế và ngôn sứ của Kitô hữu sau khi lãnh nhận Phép Rửa cũng cho thấy linh đạo tam cấp của Kitô Giáo. Ở chỗ, Kitô hữu đóng vai trò vương giả khi tỏ ra làm chủ mọi sự, không bị bất cứ một sự gì chi phối, một thái độ như ở trong bậc khởi sinh tu đức; nhờ làm chủ trái đất như thế, Kitô hữu mới có thể xứng đáng đóng vai tư tế, thay cho và cùng với tất cả mọi sự chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, một tình trạng thuộc về bậc tu đức tiến sinh; thế rồi nhờ tác vụ tư tế có sức thánh hóa mọi sự của mình như thế, Kitô hữu quả thực đã chu toàn vai trò ngôn sứ chứng nhân, một vị thế của bậc tu đức hiệp sinh dồi dào và truyền đạt sự sống.

caoduc
12-11-2008, 08:56 AM
Sống Tu Đức với
Ba Bí Tích Nhập Môn Kitô Giáo


-----------Ba Bí Tích nhập môn Kitô Giáo là Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Đây là thứ tự trong thang cấp 7 Bí Tích của Giáo Hội Công Giáo, được đặc biệt áp dụng cho trường hợp tân tòng người lớn, theo truyền thống của Giáo Hội từ thời sơ khai. Ngay nơi thứ tự của 3 Bí Tích nhập môn Kitô Giáo này, chúng ta cũng tổng quát thấy được tiến trình linh đạo tam cấp của Kitô Giáo: khởi sinh (với Bí Tích Rửa Tội), tiến sinh (với Bí Tích Thêm Sức) và hiệp sinh (với Bí Tich Thánh Thể).



Sống Tu Đức với Bí Tích Rửa Tội

-----------Nếu tiến trình tu đức Kitô Giáo là linh đạo dẫn Kitô hữu đến chỗ Hiệp Thông Thần Linh, thì đích điểm Hiệp Thông Thần Linh này đã được bắt đầu từ khi họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, một bí tích làm cho họ được Hiệp Thông Thần Linh, được thông phần Sự Sống Thần Linh với Thiên Chúa Ba Ngôi, với tư cách là con cái của Chúa Cha, là chi thể của Chúa Giêsu Kitô, và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

-----------Ơn Thánh Sủng được phú ban cho Kitô hữu nơi Bí Tích Rửa Tội giống như Hạt Giống Thần Linh gieo vào mảnh đất nhân tính của con người, và tùy theo mảnh đất nhân tính này (x Mt 13:4,5,7,8), Hạt Giống Thánh Sủng là Sự Sống Thần Linh ấy như hạt cải phát triển tối đa, cho tới khi thành một cây vĩ đại, có thể làm tổ cứu độ cho thành phần chim trời là các linh hồn nữa (x Mt 13:31-32). Theo đó, tiến trình tu đức ở đây là tiến trình NÊN THÁNH, tiến trình Chúa Kitô lớn lên nơi Kitô hữu, hay Kitô hữu lớn lên trong Chúa Kitô.

-----------Tuy nhiên, nếu nhờ Bí Tích Rửa Tội, Kitô hữu đã được thánh hóa, đã LÀ THÁNH, thì có thể nói rằng họ không NÊN THÁNH mà là LÀM THÁNH hay SỐNG THÁNH, tức sống bản chất Thánh của mình, thể hiện bản chất Thánh của mình , một bản chất đã được phú bẩm từ khi họ được sinh vào đời sống siêu nhiên. Giống như con người, vì sinh ra “là người”, mang bản tính con người, nên họ sống là sống cuộc đời “làm người”. Nếu chữ “nên người” diễn tả một cái gì đó dường như phủ nhận chính nhân tính của con người, khiến cho người ta có cảm giác liên quan tới tiến trình “làm người”, từ chỗ chưa “là người” đến chỗ “nên người”, hay ít là từ chỗ “là người” bất toàn đến chỗ “nên người” thành toàn, thì chữ NÊN THÁNH cũng thế, mặc dù chữ này cho thấy tình trạng Kitô hữu đã được Thánh Hóa song vẫn còn mầm mống tội lỗi và vẫn có thể phạm tội, vẫn có thể hư đi, song nó vẫn không tích cực, không chính xác và mãnh liệt bằng quan niệm LÀM THÁNH hay ý niệm SỐNG THÁNH.

-----------Theo quan niệm LÀM THÁNH hay SỐNG THÁNH này thì muốn làm một linh mục Thánh, một giám mục Thánh, một giáo hoàng Thánh, một tu sĩ Thánh, một sinh viên Thánh, một bác sĩ Thánh, một luật sư Thánh, một thương gia Thánh v.v., Kitô hữu phải là một vị Thánh linh mục, một vị Thánh giám mục, một vị Thánh giáo hoàng, một vị Thánh tu sĩ, một vị Thánh sinh viên, một vị Thánh bác sĩ, một vị Thánh luật sư, một vị Thánh thương gia v.v. Chữ “Thánh” ở đây, về văn phạm Việt Nam, được đứng trước và đứng sau mỗi ơn gọi của Kitô hữu. Chữ “Thánh” đứng sau mỗi ơn gọi của Kitô hữu chỉ nói lên được tính chất (quality) của ơn gọi này thôi, còn chữ “Thánh” (kèm theo chữ “vị”) đứng trước mỗi ơn gọi cho thấy được chính bản chất (nature) của Kitô hữu. Tức, nếu Kitô hữu sống đúng bản chất “LÀ THÁNH” của mình thì họ tỏa ra tính chất Thánh Thiện của họ.

-----------Quan niệm Sống Thánh Chứng Nhân này sẽ dễ hiểu hơn khi áp dụng lời Chúa Giêsu khẳng định và kêu gọi thành phần môn đệ của Người ở ngay đầu bài Giảng Phúc Đức rằng: “Các con là ánh sáng thế gian… Một thành xây trên núi không thể khuất được nữa… Sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thế nhân, để họ thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5:14,16). Thật vậy, tự bản chất của mình, Kitô hữu “là ánh sáng thế gian” (Mt 5:14), phản chiếu chính Đấng “là ánh sáng thế gian” (Jn 8:12). Nếu ánh sáng không chiếu soi sẽ không phải là ánh sáng thế nào, thì Kitô hữu không soi chiếu cũng không thực sự là Kitô hữu như thế. Nếu “ánh sáng thế gian” đây là Chúa Kitô, thì nếu Kitô hữu không chiếu soi Chúa Kitô, không làm chứng cho Chúa Kitô, không làm cho thế gian nhận biết Chúa Kitô, thì họ chỉ là thành phần Kitô hữu hữu danh vô thực. Và nếu Kitô hữu hoàn toàn chiếu tỏa Chúa Kitô thì phải chân nhận rằng họ đã đầy Chúa Kitô, đã được Chúa Kitô chiếm đoạt, được Chúa Kitô sử dụng nhân tính của họ, như nơi Chân Phước Têrêsa Calcutta hay Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, để tiếp tục tỏ mình ra là “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”.

caoduc
14-11-2008, 09:10 AM
Sống Tu Đức với Bí Tích Thêm Sức


-----------Thế nhưng, thực tế cho thấy, cho dù đã được thánh hóa, đã được công chính hóa bởi ơn cứu độ của Chúa Kitô, tự “bản chất yếu nhược” (x Mt 26:41), và vẫn còn mầm mống tội lỗi ở khuynh hướng “chuộng tối tăm hơn ánh sáng” (Jn 3:19), mảnh đất nhân tính Kitô hữu vẫn có thể, vào một lúc nào đó, hay có nhiều lúc trở thành lề đường, sỏi đá hay bụi gai là những môi trường bất thuận lợi hay gây trở ngại trầm trọng cho việc phát triển của hạt giống thần linh là Ơn Thánh Sủng, thậm chí còn nguy hiểm đến cả số phận sống còn của hạt giống Thánh Sủng nữa (x Mt 13:4,5,7), một hạt giống tự mình có tiềm năng và khả năng làm cho đất đai sinh hoa kết trái.

-----------Đó là lý do, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Kitô hữu chẳng những được lãnh nhận Thánh Sủng, mà còn cả Thánh Linh nữa, vì, qua Phép Rửa, họ chẳng những được chôn táng với Chúa Kitô mà còn được sống lại với Người nữa (x Rm 6:4), tức nhờ Phép Rửa, họ đã cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới (x Eph 4:22,24), một con người mới được tái sinh bởi trên cao, bởi nước và Thần Linh (x Jn 3:1,5), một con người được Chúa Kitô Phục Sinh thông ban Thánh Thần của Người cho (x Jn 20:22), để nhờ đó, nhờ có cùng một Thánh Thần của Người và với Người, họ được trở thành anh em với Người (x Jn 20:17).

-----------Tuy nhiên, dù các tông đồ có lãnh nhận Thánh Thần từ Thánh Thể Phục Sinh của Chúa Kitô vào tối ngày thứ nhất trong tuần, các ngài vẫn cần phải lãnh nhận quyền lực từ trên cao (x Lk 24:49), qua việc Thánh Thần Hiện Xuống vào Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem (x Acts 1:8;2:1,4) nữa, các vị mới có thể làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Cũng thế, cho dù Kitô hữu đã lãnh nhận Thánh Thần khi được tái sinh trong Bí Tích Thánh Tẩy, họ còn phải lãnh nhận Thánh Thần nơi Bí Tích Thêm Sức nữa họ mới có thể trở thành chứng nhân của Chúa Kitô và cho Chúa Kitô: “Các con sẽ lãnh nhận quyền lực khi Thánh Thần đến với các con; bấy giờ các con là những chứng nhân của Thày… cho đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8).

-----------Thánh Thần Kitô hữu lãnh nhận nơi Phép Rửa là Thánh Thần tái sinh họ vào đời sống thần linh, Thánh Thần thanh tẩy (x Lk 24:47-48 và Jn 20:22-23), còn Thánh Thần họ lãnh nhận nơi Phép Thêm Sức là Quyền Lực truyền sinh thần linh, một Quyền Lực làm cho Kitô hữu có khả năng làm mẹ Chúa Kitô (x Mt 12:50), khả năng sinh sản thần linh, khả năng làm cho thế gian nhận biết Chúa Kitô, như một chứng nhân sống động và trung thực của Người. Đó là lý do chỉ khi nào Kitô hữu được lãnh nhận Thánh Thần nơi Bí Tích Thêm Sức, như các Tông Đồ tại Nhà Tiệc Ly vào ngày Lễ Ngũ Tuần, họ mới thực sự và hoàn toàn được rửa trong Thánh Thần, đúng như lời Chúa Giêsu khẳng định trước khi Thăng Thiên về cùng Cha: “Gioan làm phép rửa bằng nước, nhưng trong ít hôm nữa thôi các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần” (Acts 1:5).

-----------Thật thế, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Kitô hữu đã được rửa trong Chúa Kitô thế nào (x Rm 6:3), thì khi lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, Kitô hữu cũng được rửa trong Thánh Thần như vậy. Tuy nhiên, chính lúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, được rửa trong Chúa Kitô, Kitô hữu thực sự đã được lãnh nhận Thánh Thần rồi. Nếu Thánh Thần Kitô hữu lãnh nhận nơi Bí Tích Thêm Sức là Thánh Thần từ trời, Thánh Thần nhiệm xuất từ Cha và được Con sai đến (x Jn 15:26), Thánh Thần hiệp thông thần linh Ba Ngôi, thì Thánh Thần họ lãnh nhận nơi Bí Tích Rửa Tội là Thánh Thần xuất phát từ Thánh Thể của Chúa Kitô Phục Sinh, từ Nhân Tính Thần Linh của Lời Nhập Thể. Thánh Thần được thông ban từ nhân tính thần linh của Lời Nhập Thể này, xuất phát từ Thánh Thể Phục Sinh của Người đây, như đền thờ được tái thiết sau ba ngày này (x Jn 2:19-21), chẳng khác gì như nước từ đền thờ chảy ra (x Ez 47:1 và Jn 19:34) hay nước vọt lên sự sống đời đời (x Jn 4:14, 7:37-38).

-----------Bởi thế, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là Kitô hữu cũng được rửa trong Nước, tức trong Thánh Thần của Chúa Kitô Phục Sinh. Vậy sau khi lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, Kitô hữu quả thực đã được tái sinh bởi trời, tức được tái sinh bởi cả Nước là Thánh Thần từ Thánh Thể Phục Sinh của Lời Nhập Thể, lẫn Thánh Thần là Quyền Lực từ trên cao, là Thánh Thần hiệp thông thần linh, một Thánh Thần không phải chỉ làm cho cá nhân Kitô hữu hiệp thông thần linh với Thiên Chúa Ba Ngôi qua Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô, như Ngài đã làm nơi Bí Tích Rửa Tội, mà còn làm cho họ, cùng với Giáo Hội, trở thành một bí tích hiệp thông (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 1), hiệp thông loài người với Thiên Chúa và với nhau.

-----------Bởi vì, nhờ Bí Tích Thêm Sức, Kitô hữu chẳng những lãnh nhận đức tin tông truyền, một đức tin của chính các vị tông đồ là thành phần chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô, (đó là lý do họ được chính thành phần thừa kế các tông đồ là các vị giám mục ban Bí Tích Thêm Sức cho, chứ không phải linh mục), mà còn lãnh nhận cả những khả năng thần linh bất khả thiếu để có thể làm chứng cho Chúa Kitô đến cùng như các vị tông đồ xưa nữa. Những khả năng thần linh bất khả thiếu để Kitô hữu có thể làm chứng cho Chúa Kitô một cách hiệu lực đây chính là các Linh Ân của Thánh Thần, những linh ân được Thánh Thần sử dụng để hoạt động nơi Kitô hữu và qua Kitô hữu trong việc dùng họ làm chứng về Chúa Kitô (x Jn 16:26-27), cũng là việc dùng họ tỏ Chúa Kitô ra, hầu nhờ đó thế gian tin mà được hiệp thông thần linh (x Jn 17:23; 1Jn 1:3).

-----------Các Linh Ân của Thánh Thần đó là: Khôn Ngoan và Thâm Hiểu, Huấn Dụ và Dũng Cảm, Tri Thức và Kính Sợ (x Is 11:2). Với và nhờ các Linh Ân này của Thánh Thần, Kitô hữu mới có thể hết sức khôn ngoan trong việc nhận thấy Thánh Ý Chúa trong tất cả mọi sự, nhờ đó, họ thâm hiểu được tất cả mọi sự theo dự án thần linh của Đấng Thượng Trí Vô Cùng Khôn Ngoan Quan Phòng tất cả mọi sự một cách Toàn Năng, để rồi, căn cứ vào đó, họ đóng vai trò như những vị ngôn sứ huấn dụ người khác, bằng lời nói và việc làm của mình, một cách thuyết phục, và sẵn sàng dũng cảm chịu đựng tất cả những hậu quả gây ra bởi chứng từ của họ thường phản khắc với thế gian, làm cho thế gian cảm thấy nhức nhối và muốn dập tắt đi, nhưng thế gian cuồng bạo vẫn không thể nào dập tắt được tri thức rạng ngời chân lý sáng soi của họ và lòng kính sợ của họ trong việc họ nghe lời Thiên Chúa hơn là loài người, để làm chứng cho chính sự thật giải phóng con người (x Acts 4:19-20; Jn 8:32). Trái lại, chính lòng kính sợ Thiên Chúa của họ, Đấng là “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn 17:3) được họ coi trọng trên hết mọi sự và mến yêu với tất cả con người của họ (x Deut 6:4-5 và Mt 22:37), còn làm cho họ cảm thấy hân hoan vui sướng (x Is 11:3) vì được chịu khổ vì Ngài nữa (x Acts 5:41).

-----------Nếu Thánh Thể là Hy Tế Cứu Độ được hiện thực hóa trên bàn thờ nơi mỗi Thánh Lễ được Giáo Hội, qua các vị thừa tác viên tư tế của mình “làm mà tưởng nhớ đến Thày” (Lk 22:19), thì cuộc đời của người Kitô hữu sống thánh chứng nhân, bằng các Linh Ân Thánh Thần trên đây, qua đời sống tu đức lên đến bậc hiệp sinh của họ, đến được chịu khổ nạn và tử nạn như Thày và với Thày, một thân phận họ không thể nào thoát được vì tôi tớ không hơn được chủ (x Jn 15:18-21), cũng là tất cả những gì họ làm để tưởng nhớ đến Thày của họ, nhờ đó họ hiện thực hóa Hy Tế Cứu Độ của Người trong cuộc đời của họ và trên khấu trường thế giới.

caoduc
19-11-2008, 08:45 AM
Sống Tu Đức với Bí Tích Thánh Thể


-----------Đến đây, chúng ta thấy đời sống tu đức của Kitô Giáo chẳng những liên quan tới Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức mà còn liên quan cả tới Bí Tích Thánh Thể nữa. Thật vậy, một Kitô hữu đã đạt tới trình độ tu đức thần hiệp, họ được hoàn toàn hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, được nên giống Chúa Kitô Vượt Qua, một Chúa Kitô Tử Giá và Phục Sinh, một mầu nhiệm Vượt Qua được hiện thực nơi việc cử hành Thánh Thể. Cuộc đời của họ trở thành một Hiến Tế Cứu Độ, Hiến Tế Thánh Thể. Đó là lý do Thánh Thể chính là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Giáo Hội nói chung và của họ nói riêng (x Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 10). Kinh nghiệm tu đức và lịch sử thánh nhân cho thấy không một vị thánh nào có thể hăng say truyền giáo và hoạt động tông đồ một cách thần hiệu, như cành nho sinh muôn vàn hoa trái, mà lại không thiết tha gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể. Điển hình nhất trong thời hiện đại của chúng ta là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II (qua đời ngày 2/4/2005), với một Lễ an táng đầy vui mừng và cả thể có thể nói vô tiền khoáng hậu, và Chân Phước Têrêsa Calcutta (qua đời ngày 5/9/1997), vị sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, một dòng đã phát triển nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội, (chưa đầy nửa thế kỷ – 1950-1997 – đã có mặt ở 120 quốc gia), vị được coi là một biểu hiệu Đức Ái Kitô Giáo trên thế giới nhất là nơi thế giới Ấn Giáo, cũng được tôn kính bằng một nghi thức quốc táng của Ấn Độ.

-----------Tuy nhiên, trong chính Thánh Lễ, chính việc cử hành Thánh Thể, chúng ta cũng thấy được rõ ràng tiến trình tu đức Kitô Giáo của mình, một tiến trình, như đã nhận định và phân tích, có tam cấp (khởi sinh, tiến sinh và hiệp sinh) và nhị tố (Mạc Khải Thần Linh và Đức Tin Tuân Phục).

-----------Trong cuốn “Nguồn Sống Thần Linh”, (Cao-Bùi, 2005, trang 87-88), người viết cũng đã chia sẻ nhận định của mình về vấn đề này như sau:

----------- “Đời sống tu đức của chúng ta được phản ảnh qua việc cử hành Thánh Lễ. Ở chỗ, ba bậc nhân đức trọn lành được thể hiện rõ ràng nơi các phần của việc cử hành Thánh Lễ. Đúng thế, theo tu đức Kitô Giáo, có ba bậc nhân đức trọn lành Kitô hữu cần phải nỗ lực theo đuổi để đáp ứng ơn gọi nên thánh của mình là con cái Thiên Chúa, là chi thể Chúa Kitô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Ba bậc đó là khởi sinh, tiến sinh và hiệp sinh.

-----------“Bậc khởi sinh trong đời sống tu đức, mức độ con người mới bước vào đường nhân đức cần phải thanh tẩy và xa lánh tội lỗi, được thể hiện nơi phần Thống Hối Đầu Lễ.

-----------“Bậc tiến sinh của đời sống tu đức là mức độ linh hồn sống đạo dễ qui hướng về Chúa và tìm kiếm Chúa, được thể hiện bằng những việc hy sinh khổ chế hãm mình, bởi vì, chính trong giai đoạn này, chính Thiên Chúa từ từ tỏ mình ra cho họ, thu hút họ bằng những soi động âm thầm, khi họ đọc sách thiêng liêng, đọc kinh hay bàn hỏi chuyện tâm hồn, một giai đoạn được thể hiện nơi phần Phụng Vụ Lời Chúa.

-----------“Bậc tu đức hiệp sinh là mức độ linh hồn, sau khi được Lời Chúa thanh tẩy (x Jn 15:3) trong giai đoạn tu đức tiến sinh, hiểu biết Chúa hơn và bắt đầu tỏ ra tin tưởng phó thác bản thân cùng mọi sự của mình cho Ngài, để Ngài muốn làm gì thì làm theo Thánh Ý Tối Thượng và Toàn Thiện của Ngài; phần Thiên Chúa, Ngài chấp nhận của lễ thiện chí của linh hồn, bằng việc cho lửa trời (biểu hiệu cho Thánh Thần) xuống thiêu đốt (biểu hiệu cho Thánh Giá) của lễ của linh hồn, như Ngài sai Thánh Thần xuống trên lễ vật trên bàn thờ trong phần Hiến Tế vậy; để rồi, sau khi linh hồn được ‘thánh hóa trong chân lý’ (Jn 17:19), tức trong Thánh Ý Thiên Chúa và bởi Thánh Thần bằng Thánh Giá như thế, linh hồn tiến tới chỗ thần hiệp, tức được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, sống một cuộc sống như Người, đến độ, không phải là họ sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong họ (x Gal 2:20), một mức độ tu đức thần hiệp được thể hiện nơi phần Hiệp Lễ”.
-----------Ở đây, trong Thánh Lễ hay trong việc cử hành Thánh Thể, chúng ta thấy được mầu nhiệm thần hiệp xẩy ra nơi Kitô hữu tương tự như mầu nhiệm biến thể trên bàn thờ khi vị linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh và rượu để bánh và rượu được biến thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô.

-----------Thật vậy, Kitô hữu được biến đổi, được chính thức bắt đầu vào bậc tu đức thần hiệp là bậc tu đức cao nhất, bậc cầu nguyện tột đỉnh, giống như trường hợp Bánh và Rượu khi truyền phép nhờ đó được biến đổi trở thành những gì là thần linh vậy. Việc biến đổi ở đây xẩy ra là họ (tuy bề ngoài vẫn thế, như hình bánh và hình rượu vẫn còn nguyên) nhưng về bản chất không còn là họ nữa mà được biển đổi nên Chúa Kitô.

------------Mầu nhiệm biến đổi theo tu đức xẩy ra nơi Kitô hữu ở bậc hiệp sinh tương tự như trong phụng vụ Thánh Thể này đã được Chúa Giêsu nói tới qua dụ ngôn men trong bột, men đã làm dậy lên cả 3 đấu bột. Đúng vậy, nếu nơi Thánh Lễ chỉ có bánh và rượu được biến thành Mình và Máu Chúa Kitô, thì nơi Kitô hữu cả nhân tính (tiêu biểu như bánh) và nhân phẩm (tiêu biểu như rượu) của họ cũng được biến đổi như thế. Tuy nhiên, sẽ không có Bánh và Rượu là những chất thể thiết yếu được biến đổi này nếu thiếu yếu tố “lao công của con người”. Vậy nếu việc biến đổi trên bàn thờ bao gồm cả yếu tố bất khả thiếu là “lao công của con người” thì tất cả mọi tác động của Kitô hữu liên quan tới nhân tính và nhân phẩm của họ cũng được biến đổi nữa.

-----------Như thế, nếu men đây là Lời Chúa, Lời đầy thần linh và sự sống (x Jn 6:63), Lời ban sự sống đời đời (x Jn 6:68), thì “ba đấu bột” được dậy hết lên men đây là nhân tính, nhân phẩm và nhân cách của Kitô hữu.

-----------Và nếu bánh và rượu được lao công con người làm nên nhờ đó được biến đổi thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô trên bàn thờ thế nào thì nhân tính, nhân phẩm và nhân cách của Kitô hữu cũng được quyền lực Thần Linh nơi men Lời Chúa làm dậy lên Chúa Kitô, tức được biến đổi thành nhân tính của Chúa Kitô như vậy.

-----------Để rồi, được Người chiếm đoạt, sống trong, và sử dụng nhân tính của họ, (nghĩ với óc của họ, muốn bằng lòng của họ và làm bằng tay của họ), như nhân tính của Người, để tỏ mình ra cho con người, thông mình cho con người và phục vụ con người, như Người đã thực hiện trong lịch sử khi còn tại thế.

-----------Một khi nhân tính của họ được biến đổi giống nhân tính của Chúa Kitô thì nhân phẩm của họ cũng được rạng ngời biến đổi, bởi thế gian thấy họ là thấy Chúa Kitô, vì nhân cách của họ bộc lộ tác động thần linh vô giá và thần hiệu của Chúa Kitô. Bấy giờ, cảm nghiệm Đức Tin của họ nơi Mạc Khải Thần Linh, được trưởng thành theo tầm vóc Thập Giá Cứu Độ là trạng thái bình an Đức Cậy, trở thành một Đức Ái phục sinh đầy quyền năng trong việc thông ban Sự Sống Thần Linh.

caoduc
20-11-2008, 09:08 AM
Sống Tu Đức với Đời Cầu Nguyện


-----------Nói đến tu đức là nói đến đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện, và chỉ Kitô hữu nào sống nội tâm, sống cầu nguyện mới có tu đức, mới tiến đức, và mới có thể đạt đến đỉnh trọn lành mà thôi. Trong cuốn Đời Cầu Nguyện (Cao-Bùi, 1992) ở phần Nhập Đề (trang 1-13), người viết đã chia sẻ nhận định về mối liên hệ giữa tiến trình tu đức và cầu nguyện . Nguyên văn đoạn sách được trích lại như sau.

-----------Theo các định nghĩa thông thường từ trước đến nay thì:
-Cầu Nguyện là nâng lòng lên với Chúa;

-Cầu nguyện là chuyện vãn với Chúa.
-----------Phải chăng, những tác động “nâng lòng lên với Chúa” và “chuyện vãn với Chúa” là những tác động “giao tiếp với Thiên Chúa”?

-----------Thật vậy, tất cả ý nghĩa và thực tại của việc cầu nguyện là ở tại tác động “giao tiếp với Thiên Chúa”. Hình ảnh sống động và điển hình nhất, mô phạm của việc cầu nguyện này là hình ảnh Người (Chúa Giêsu) lên núi cầu nguyện, thức cả đêm giao tiếp với Thiên Chúa” (Lc 6:12). Chúa Giêsu lên núi làm gì? - Cầu nguyện. Người cầu nguyện như thế nào? - Giao tiếp với Thiên Chúa.

-----------Nếu “cầu nguyện là giao tiếp với Thiên Chúa” thì làm thế nào để con người là loài “sinh bởi xác thịt là xác thịt” (Gn 3:6) có thể giao tiếp với “Thiên Chúa là Thần Linh” (Gn 4:24)?

-----------Phải chăng, con người phải cầu nguyện với Thiên Chúa “trong tinh thần và chân lý” (Gn 4:24). Nghĩa là, con người sinh bởi xác thịt muốn cầu nguyện với Thiên Chúa là Thần Linh phải giao tiếp với Ngài trong tinh thần và chân lý?

-----------Đúng thế, vì Thiên Chúa là Thần Linh, nên xác thịt không thể cảm thấy Ngài hay trông thấy Ngài hoặc chạm đến Ngài như một vật thể hữu hình hữu tượng. Chỉ có tinh thần của con người mới có khả năng giao tiếp với Ngài mà thôi, khả năng nhận biết Ngài bằng trí khôn và yêu mến Ngài bằng lòng muốn. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa không tỏ mình ra cho con người, thì, dù tinh thần con người có khả năng để nhận biết và mến yêu Ngài đi nữa, tự họ cũng không biết Ngài là ai và như thế nào để có thể gặp được Ngài và giao tiếp với Ngài.

-----------Chính chân lý là thực tại về Thiên Chúa, là những gì Thiên Chúa tỏ ra cho con người biết về Ngài, mới là đối tượng trực tiếp cho tinh thần của con người khi họ muốn giao tiếp với Thiên Chúa. Bởi thế, tinh thần con người phải “được thánh hoá trong chân lý” (Gn 17:19) nữa nó mới có thể và xứng đáng “giao tiếp với Thiên Chúa là Thần Linh”. Bằng không, con người có thể dễ dàng trở thành những kẻ tôn thờ ngẫu tượng là những gì do con người nghĩ ra và làm ra. Nghĩa là, thay vì con người giao tiếp với Thiên Chúa là Thần Linh trong Chân Lý là thực tại chân thật về Ngài, thì họ lại giao tiếp với chính mình họ nơi những gì họ nghĩ ra, chẳng khác gì “họ ngoại tình với ngẫu tượng của mình” (Ez 23:37). Một khi con người còn ngoại tình với ngẫu tượng của mình, tức ngoại tình với chính mình, đều trở thành ô uế (Ez 20:31), bất xứng với Thiên Chúa là Thần Linh vô cùng toàn thiện. Do đó, muốn giao tiếp với Ngài, con người phải được thanh tẩy và thánh hoá trong chân lý là vì vậy.



Các Giai Đoạn Trong Tiến Trình Cầu Nguyện .
-----------Thế nhưng, để con người nói chung và tinh thần con người nói riêng có thể thanh sạch, xứng đáng giao tiếp với Thiên Chúa là Thần Linh, tự con người không thể làm được, nếu không có chính Thiên Chúa giúp. Và, nếu không có gì ngoại lệ, Thiên Chúa cũng không “thánh hoá trong chân lý” một cách chớp nhoáng con người sinh bởi xác thịt.

-----------Bình thường, Ngài sẽ thánh hoá tinh thần con người trong chân lý để họ có thể xứng đáng giao tiếp với Ngài qua bốn giai đoạn, mà cả cuộc đời của họ là thời gian Ngài dùng, bằng cách làm cho họ càng ngày càng đâm rễ sâu hơn trong chân lý, tức trong Chúa Kitô (x.Gn 14:6) là Đấng mà qua Người Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho thế gian (x.Gn 13:31): “Hãy đâm rễ trong Người (Chúa Giêsu Kitô) và lớn lên trong Người” (Col 2:7), cho đến khi “Đức Ái (là tinh thần của Chúa Kitô) đâm rễ sâu trong đời sống của anh em. Nhờ đó, anh em có thể cùng với tất cả các thánh hoàn toàn thấu triệt chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của Tình Yêu Chúa Kitô, và nghiệm thấy Tình Yêu này vượt trên mọi hiểu biết, để anh em đạt đến sự viên toàn của chính Thiên Chúa” (Eph 3:17-19).

-----------Cuộc đời con người sống với Thiên Chúa ra sao đều hệ tại chỗ này, chỗ họ có hiểu biết Thiên Chúa hay không, có đâm rễ sâu trong chân lý và chân lý có đâm rễ sâu trong họ hay không. Nếu có, họ sẽ càng ngày càng giao tiếp với Thiên Chúa cách mật thiết và bền vững hơn, càng nên thánh và sống trọn lành hơn; bằng không, họ vẫn còn có thể xúc phạm đến Ngài bằng những tội lỗi trọng hèn, vô ý hay cố ý.

-----------Vậy, có thể so sánh Chúa Kitô, chân lý mà con người nói chung và tinh thần của họ nói riêng được thánh hoá để xứng đáng giao tiếp với Thiên Chúa là Thần Linh, như một hạt giống, và nhân tính con người là môi trường cho hạt giống nẩy sinh và phát triển, trong đó, thể xác của con người là đất và tinh thần của họ là tính chất của đất. Qua dụ ngôn gieo giống (x.Mt 13:4-7,19-23), hạt giống chỉ có thể mọc lên sinh hoa trái chỉ khi nào nó có thể đâm rễ sâu trong lòng đất là tinh thần bề trong của con người mà thôi. Nếu, dụ ngôn gieo giống này được áp dụng vào đời sống của người Kitô Hữu, thì:

-----------CHÂN LÝ: là hạt giống Đức Tin đã được Thiên Chúa chính thức gieo nơi con người từ khi họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nơi hạt giống Đức Tin ngay từ ban đầu này có tất cả Chúa Kitô là Chân Lý, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc họ và thánh hoá họ, Đấng mà Thiên Chúa đã quá yêu thế gian nên đã ban cho thế gian.

-----------TINH THẦN: là phần trực tiếp chứa đựng hạt giống Đức Tin. Đúng thế, con người đã dùng ý muốn là tài năng của linh hồn mình để chấp nhận Chúa Kitô, Đối Tượng và Trung Tâm của Đức Tin, Đấng đã tỏ Mình ra cho họ qua chứng mà họ nhận được nơi Giáo Hội nói chung và nơi một chi thể nào đó của Giáo Hội nói riêng. Còn thân xác của con người là phần trực tiếp với chứng Đức Tin mà lòng muốn của họ chấp nhận, tức phần trực tiếp nhìn thấy hay nghe thấy những gì liên quan đến đức tin, đến Chúa Kitô, đến Ơn Cứu Chuộc, đến phần rỗi đời đời. Như thế, thân xác của con người là phần trực tiếp với vỏ của hạt giống Đức Tin, tức phần bên ngoài của Chân Lý, của hạt giống Đức Tin, hay những dấu chứng của Đức Tin, của Chân Lý; còn linh hồn của con người mới là phần trực tiếp với ruột của Đức Tin, tức với chính Chúa Kitô, Đấng là Chân Lý mà họ chấp nhận qua chứng được thân xác của họ nghe hay thấy. Ngoài ra, thân xác của con người cũng là phần tiếp nhận Nước Rửa Tội để linh hồn của họ được thanh tẩy và thánh hoá trong chân lý. Bởi thế, từ ngay sau khi lãnh nhận Nước Rửa Tội, cả con người, gồm hồn và xác, của người Kitô Hữu đã trở nên môi trường cho hạt giống đức tin gieo vào, nẩy mầm, phát triển và sinh hoa trái.

-----------ĐIỂN HÌNH: Nếu bản chất của việc cầu nguyện là giao tiếp với Thiên Chúa, thì, còn ai được giao tiếp với Ngài, qua Chúa Kitô, Thiên Chúa ở giữa loài người (x.Gn 1:14), một cách trực tiếp, ngoài Đức Mẹ và thánh Giuse, bằng các thánh Tông Đồ. Nếu tinh thần của việc cầu nguyện là giao tiếp với Thiên Chúa là Thần Linh trong Tinh Thần và Chân Lý, thì, dù được trực tiếp với Thiên Chúa ở giữa loài người đấy, các thánh Tông Đồ là những chứng nhân đích thực của Người cũng phải trải qua những giai đoạn hiểu biết Người mỗi ngày một hơn, tương xứng với việc Người tỏ mình ra cho các vị. Các vị càng không hiểu về Chúa Kitô, Thiên Chúa ở giữa loài người, Đấng đã tuyển chọn mình, nếu các vị chỉ căn cứ vào những gì bề ngoài nơi Người do giác quan, lý trí hay tình cảm của các vị thấy được, hiểu được hay cảm được Người. Chính vì thế, dù được sống gần gũi, được giao tiếp thường xuyên hơn ai hết với Chúa Kitô, qua một thời gian không phải là ngắn, các vị vẫn phải đối diện với câu hỏi: “Phần các con, các con cho Thày là ai?” (Mt 16: 15). Bởi vì, chỉ bao giờ các thánh Tông Đồ hiểu được Chúa Kitô, các vị mới đối xử với Người, mới giao tiếp với Người một cách xứng đáng như thực sự Người là mà thôi, bằng không, các vị vẫn có thể xúc phạm đến Người như thường!

Cầu Nguyện: Giai Đoạn Một
-----------CHÂN LÝ: Chúa Kitô, nơi hạt giống Đức Tin, được Thiên Chúa gieo vào con người từ sau khi họ lãnh nhận Nước Rửa Tội. Trong giai đoạn đầu tiên này, hạt giống Thần Linh rơi trên vệ đường, nơi không phải là đất, và bị chim trời đến ăn mất (x.Mt 13:4).

-----------TINH THẦN: Trong giai đoạn đầu tiên này, hạt giống Đức Tin chứa đựng Chúa Kitô được con người chấp nhận bằng cảm quan của họ mà thôi là những gì không thể hiểu được Đức Tin chân chính. Tức là, dù có Đức Tin trong mình, người Kitô Hữu ở trong giai đoạn cầu nguyện thứ nhất này, giai đoạn giao tiếp thoạt tiên với Thiên Chúa này, vẫn sống theo ngũ quan và cảm giác của họ để tìm thỏa mãn đam mê và nhu cầu một cách hoàn toàn tự nhiên, không vì Chúa và theo Đức Tin gì cả. Do đó, đối với họ, hạt giống Đức Tin trong họ chẳng khác nào như được gieo nơi vệ đường, vì chẳng mọc được chút rễ nào, nên dễ bị mất đi khi ma qủi cám dỗ. “Hạt giống rơi vào vệ đường là kẻ nghe tin mừng về Nước Thiên Chúa mà không hiểu gì cả. Ma quỷ đến quỗm mất những gì được gieo trong tâm trí của họ” (Mt 13:19-20).

-----------ĐIỂN HÌNH: Trong giai đoạn cầu nguyện thứ nhất này, có thể nói, đó là trường hợp các thánh Tông Đồ bắt đầu gặp gỡ và sống với Chúa Kitô. Giai đoạn này là giai đoạn “đến mà xem” (Gn 1:39) của các vị. Tức giai đoạn các vị tự tìm hiểu về Chúa Kitô theo nhận xét bề ngoài của mình. Và, nhận xét đầu tiên của các thánh Tông Đồ về Chúa Giêsu là: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng phải tuân lệnh của Người” (Mt 8:27). Phải chăng, trong giai đoạn này, các thánh Tông Đồ đã được Ơn Kính Sợ Thiên Chúa? Không phải hay sao, các vị đã biết chạy đến kêu cầu với Chúa Kitô trong lúc lâm nguy: “Chúa ơi, cứu chúng con với, kẻo chúng con chết mất thôi” (Mt 8:25). Tuy nhiên, không phải vì thế mà các thánh Tông Đồ đã có thể giao tiếp với Thiên Chúa một cách bền bỉ, như đã đâm rễ sâu trong Ngài. Và, vì chưa hiểu biết Chúa Kitô thực sự như Người là để có thể giao tiếp với Người cách xứng đáng, mà “nhiều môn đệ đã bỏ đi, không thuộc về nhóm của Người nữa” (Gn 6:66).

caoduc
22-11-2008, 09:10 AM
Cầu Nguyện: Giai Đoạn Hai


-----------CHÂN LÝ: Hạt giống Đức Tin chứa đựng toàn thể Chúa Kitô được Thiên Chúa gieo vào con người sau khi họ được đổ Nước Rửa Tội đang âm thầm mọc lên trong họ tùy theo tinh thần đón nhận và cộng tác của họ. Trong giai đoạn này, hạt giống Đức Tin rơi vào sỏi đá là những gì không phải là đất, vì thế nó không có rễ và đã chết đi khi bị mặt trời thiêu đốt (x.Mt 13:6).

-----------TINH THẦN: Trong giai đoạn này, người Kitô Hữu đã bớt đi những gì là cảm quan hời hợt bề ngoài, và bắt đầu đi vào bề trong. Chân Lý đã được người Kitô Hữu hiểu biết bằng lý trí của họ, và, mặc dù chưa thấu triệt được hoàn toàn Chân Lý được gieo trong lòng mình, họ vẫn cảm thấy vui vì những khám phá mới lạ về Chân Lý, về Thiên Chúa của họ. Thế nhưng, dù sao, lý trí nông cạn của con người cũng không thể nào chứa đựng và dò thấu toàn thể Chân Lý. Nhiều khi chỉ sống theo lý trí, người ta sẽ bị chủ quan, cho rằng tất cả những gì mình nghĩ ra đều là Chân Lý, rồi yêu Chân Lý do mình nghĩ ra, thậm chí bất chấp cả Quyền Giáo Huấn Tối Thượng của Giáo Hội. Đối với thành phần Kitô Hữu ở trong giai đoạn này, chỉ có một điều có thể làm họ thay đổi chân lý chủ quan cố chấp như sỏi đá của họ là thử thách bất lợi cho họ: “Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ nghe Tin Mừng và đầu tiên nhận lấy cách vui vẻ. Song vì không có rễ nên họ chỉ tồn tại một thời gian. Khi bắt bớ xẩy đến vì Tin Mừng, họ liền vấp phạm” (Mt 13:20-21).

-----------ĐIỂN HÌNH: Trong giai đoạn này, Chúa Giêsu là Chân Lý đã cho các Tông Đồ nghe bài giảng Phúc Đức Trọn Lành trên núi (x.Mt 5-7), nghe một loạt dụ ngôn về Nước Trời (x.Mt 13), và chứng kiến tận mắt bánh hoá ra nhiều lần thứ nhất (x.Mt 14:13-21). Phải chăng, nhờ đó, các Tông Đồ đã hiểu biết Người hơn và tin vào Người hơn. Đến nỗi, “Chúa ơi, nếu quả thật là Chúa, hãy truyền cho con đi trên nước đến với Chúa'. 'Hãy đến' Người phán. Vậy Phêrô bước ra khỏi thuyền và bắt đầu đi trên nước tiến đến với Chúa Giêsu” (Mt 14:28-29). Tuy nhiên, chỉ trong chốc lát, cho đến “khi ông (Phêrô) thấy gió thổi mạnh liền trở nên sợ hãi thì ông bắt đầu chìm xuống mà kêu lên: 'Chúa ơi, cứu con với'” (Mt 14:30). Vừa thấy Chúa, thánh Phêrô vui mừng đến quên hết mọi sự, như kẻ nhận lấy Tin Mừng một cách vui vẻ. Thế nhưng, vì không có rễ, nên họ đã không đứng vững, cũng như thánh Phêrô, chỉ vì tự mình không hoàn toàn tin vào Chúa ngay từ đầu, qua lời phát biểu nước đôi: “Nếu qủa thật là Chúa...”, nên, kết cục, dù có nhờ Lời Chúa toàn năng mà ông đi trên nước được một lúc, cuối cùng tự ông cũng “bắt đầu chìm xuống” khi gặp sóng gió thử thách. Dầu sao, trong trường hợp này, thánh Phêrô cũng vẫn tỏ ra có Ơn Kính Sợ Chúa khi biết tin tưởng kêu cầu Người: “Chúa ơi, cứu con với”, và tất cả các Tông Đồ như được Ơn Tri Thức về Người hơn: “Còn nghi ngờ gì nữa, Người đúng là Con Thiên Chúa!” (Mt 14:33).



Cầu Nguyện: Giai Đoạn Ba


-----------CHÂN LÝ: Hạt giống Đức Tin chứa đựng tất cả Chúa Kitô mà con người lãnh nhận ngay sau khi được Nước Rửa Tội thanh tẩy, trong giai đoạn này, rơi vào bụi gai, bị gai mọc lên làm chết nghẹt (x.Mt 13:7).

-----------TINH THẦN: Vẫn biết, trong giai đoạn thứ hai, đối với Đức Tin, người Kitô Hữu mới chỉ tiếp nhận và sống bằng lý trí của mình, nên họ đã không đứng vững với Chân Lý khi bị thử thách. Tuy nhiên, cũng nhờ giai đoạn này, nếu biết dùng, người Kitô Hữu có thể tiến sang giai đoạn thứ ba, giai đoạn họ sống Đức Tin bằng tình cảm của họ. Vì sống Đức Tin bằng tình cảm, họ cảm thấy sốt sắng thực hành Đức Tin, nhờ đó, Đức Tin có thể mọc mầm và đâm rễ nơi họ. Thế nhưng, chỉ vì sống theo tình cảm, mà, Đức Tin đã bị lẫn lộn với các lo lắng cũng như ham muốn khác của tình cảm tự nhiên nơi con người, nhiều khi những tình cảm tự nhiên này còn mạnh hơn tình cảm đối với Đức Tin. Nhất là khi con người trở nên khô khan, hết cảm thấy hương sắc ngọt ngào của Đức Tin như trước, bấy giờ, hạt giống Đức Tin sẽ bị tình cảm tự nhiên lấn át làm cho người Kitô Hữu trong giai đoạn này dù sốt sắng một thời mà vẫn không sinh hoa kết qủa gì: “Phần gieo vào bụi gai là những kẻ nghe Tin Mừng, nhưng những lo toan thế gian và ham mê tiền bạc làm nghẹt nó đi. Hạt giống đó không sinh hoa kết qủa gì” (Mt 13:22).

-----------ĐIỂN HÌNH: Trong giai đoạn thứ ba này, Chúa Giêsu tỏ Mình ra cho các thánh Tông Đồ càng ngày càng rõ ràng hơn, cả bằng việc làm cũng như lời nói. Bằng việc làm, Người đã biến hình trên nơi cao (x.Mt 17:1-13) cho các ông thấy nhân tính vinh hiển được kết hợp với Thần Tính của Người. Bằng lời nói, Người đã tỏ cho các ông ba lần về cuộc tử nạn và phục sinh của Người (x.Mt 16:21,17:22-23,20:17-19), nhất là, trong bữa tiệc ly, Người đã “nói thẳng về Cha” (Gn 16:25) với các ông, không còn bằng ngôn ngữ mập mờ, để các ông thấy rằng Người được Cha sai (x.Gn 17:8), Người ở trong Cha và Cha ở trong Người (x.Gn 14:11), ai thấy Người là thấy Cha (x.Gn 14:9). Phần các thánh Tông Đồ, trong giai đoạn này đã thân mật với Thày hơn và tỏ ra sốt sắng với Thày hơn bao giờ hết, đến nỗi, các ông đã muốn cắm lều ở với Người trên chỗ Người biến hình (x.Mt 17:4), dù có uống chén của Người cũng được (x.Mt 20:22), và “dù có chết cũng không bao giờ bỏ Thày” (Mt 26:35). Phải chăng, trong giai đoạn này, các thánh Tông Đồ đã được Ơn Thâm Hiểu để có thể tuyên xưng: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16)? Phải chăng, cũng trong giai đoạn này, các thánh Tông Đồ, nhờ thâm hiểu Thày mình hơn, nên cũng được Ơn Can Đảm, đến nỗi đã hết lòng thề hứa theo Người và trung thành với Người với bất cứ giá nào, nhất là dám dùng cả gươm để chém đứt tai đầy tớ của thày cả thượng tế đến bắt Thày mình (x.Mt 26:51)?

-----------Tuy nhiên, tất cả những sự sốt sắng của các vị Tông Đồ trong giai đoạn này vẫn không hoàn toàn sâu xa và vững chắc, nên, ngay khi thánh Phêrô xin Chúa cho dựng ba lều trên chỗ Người biến hình thì ông cũng “thật sự không biết là mình đang nói gì” (Lc 9:33); hơn nữa, trong số các ông, thậm chí còn có kẻ mưu toan nộp Người (x.Lc 22:1-6), còn có kẻ ngủ gật trong khi Người “buồn sầu đến chết được” (Mt 26:38), còn “tất cả bỏ Người mà tẩu tán” (Mc 16:50; Mt 26:56), nhất là, còn lãnh tụ Phêrô chối bỏ Người đến ba lần (x.Mt 26:69-75). Tại sao thế? Phải chăng, kẻ phản nộp Người vì ham mê tiền bạc (x.Lc 22:5-6), và, tất cả bỏ Người mà tẩu tán vì còn tinh thần tranh ngôi giành vị vào những lúc khẩn trương của Thày mình, như lần Người lên Giêrusalem cuối cùng (x.Mc 10:34), hay ngay trong bữa tiệc ly (x. Lc 22:24)? Phải chăng, những lo toan thế gian và lòng ham mê tiền bạc, đúng như trong dụ ngôn nói về phần hạt giống gieo vào bụi gai, đã xẩy ra nơi các thánh Tông Đồ trong giai đoạn thứ ba này?