gioanha
01-05-2014, 06:14 PM
CHÚA PHỤC SINH LUÔN ĐỒNG HÀNH BÊN TA
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
GP. Xuân Lộc
Ðêm nọ, có một người thấy một giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Nhìn lên bầu trời, anh thấy những cảnh sống trong đời mình được chiếu lên. Trong mỗi cảnh sống trong đó, anh ta thấy có hai đôi dấu chân in trên cát, một đôi của anh, còn đôi kia của Chúa.
Khi cảnh cuối cùng trên đời anh chấm dứt, anh nhìn lại những dấu chân đã in trên cát và anh nhận thấy rằng, rất nhiều lần trong cuộc đời anh, anh thấy chỉ có một đôi dấu chân mà thôi. Anh cũng để ý và thấy rằng đó chính là những lúc cuộc đời anh xuống thấp nhất, với thời gian buồn chán đau khổ nhất. Anh hoang mang hỏi Chúa : – Thưa Chúa, Chúa đã nói rằng một khi con quyết định theo Chúa thì Chúa sẽ cùng bước đi với con suốt mọi chặng đường của đời con. Nhưng con nhận thấy rằng, trong những giai đoạn rối ren nhất của đời con, chỉ vẻn vẹn có đôi chân của con mà thôi. Con không hiểu tại sao những lúc con cần đến Chúa hơn cả, lại chính là lúc Chúa từ bỏ con.
Chúa ôn tồn trả lời : – Hỡi con yêu dấu, Ta yêu thương con và không bao giờ lìa bỏ con đâu. Trong những thời gian thử thách nhất, khi con thấy chỉ có một đôi dấu chân, đó chính là lúc Ta bồng ẵm con trên tay Ta. Dấu chân trên cát lúc ấy là của chính Ta chứ không phải của con đâu.
Thưa quý OBACE, Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành bên chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sự an ủi nâng đỡ và hướng dẫn của Người hay không mà thôi, đó cũng là điều qua câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta.
Hai ông này sau một thời gian theo Chúa, có lẽ các ông cũng nuôi biết bao hy vọng nơi Thầy Giêsu, các ông nghĩ rằng theo Chúa các ông sẽ được chia sẻ một ít vinh quang quyền lực, địa vị hay bổng lộc nào đó, thế nhưng cái chết của Chúa Giêsu đã làm tiêu tan tất cả hy vọng. Hai ông rơi vào chán nản thất vọng, họ buồn bã trở về quê. Không chỉ như thế, đức tin của các ông nơi Thầy Giêsu, lúc này, lại khiến các ông nghi ngờ và đặt lại vấn đề, các ông bàn tán với nhau về những chuyện vừa xảy ra. Trong lúc đi đường như thế, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra đồng hành với họ, nhưng vì chản nản thất vọng, vì đức tin bị thử thách nặng nề, khiến mắt các ông che mờ, không nhận ra vị khách đồng hành là Chúa Giêsu.
Các ông đã kể cho vị khách về Ông Giêsu là một vị ngôn sứ đầy uy thế,…Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu chuộc Israel, nhưng nay, việc xảy ra đã đến ngày thứ ba rồi. Qua lời tâm sự đã cho thấy niềm tin của các ông vào Đức Giêsu chỉ còn là chuyện của quá khứ, một đức tin không còn chiều sâu, không còn sức sống, chính vì thế họ đã dễ dàng ngã gục buông xuôi khi gió bão của thử thách xảy đến. Vị Khách đã lắng nghe, an ủi, và dùng Kinh Thánh để minh chứng cho các ông thấy Đấng Kitô sẽ phải trỗi dậy từ cõi chết, đã làm nóng lại đức tin cho các ông và đem lại cho các ông sự phấn chấn. Các ông đã chia sẻ điều đó khi nói với nhau : dọc đường khi nghe Người nói lòng chúng ta đã bừng cháy lên đó sao?
Nhờ tâm hồn đã được hồi sinh, các ông đã nài ép Người khách lạ ghé vào nhà và dùng bữa với mình. Trong bữa tối đó, một cử chỉ hết sức quen thuộc đựơc Vị khách thực hiện, đó là Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông, mắt họ sáng ra và đã nhận ra Người, nhưng Người đã biến mất. Đây chính là cử chỉ Đức Giêsu đã thực hiện khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, và đặc biệt trong bữa Tiệc ly, chính Người đã cầm lấm bánh, tạ ơn, và trao cho các các môn đệ như thế. Dấu hiệu này chỉ có ở nơi một mình Chúa Giêsu mà thôi, không thể nhầm lẫn vơi ai được, nên hai môn đệ này đã nhận ra Vị khách đồng hành với họ trên suốt hành trình là chính Đức Giêsu, Người đã phục sinh.
Từ việc nhận ra Chúa khi ăn bánh của Người, tâm hồn và con người của các môn đệ này đã được biến đổi, các ông không còn chán nản buồn sầu nữa, không còn than thân trách phận hay tiếc nuối gì nữa, nhưng ngay tức khắc với một biềm vui hân hoan, các ông đã trỗi dậy để trở về Giêrusalem, để gặp lại các tông đồ và các bạn hữu đang tụ họp. Khi về đến nơi, thì chính anh em đã làm chứng cho hai ông về việc Chúa đã sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon. Còn hai ông thì kể cho mọi người về việc mình đã nhận ra Chúa.
Câu chuyện của hai môn đệ Emaus không phải là câu chuyện của quá khứ, mà là câu chuyện đức tin của mỗi người, mỗi gia đình hôm nay. Tin Chúa, theo Chúa không phải lúc nào chúng ta cũng gặp thành công, vì thực tế trong cuộc sống cho thấy không thiếu những lần chúng ta gặp thử thách trầm trọng trong cuộc sống. Đã có nhiều lần toan tính dự định của chúng ta không thành, hy vọng của chúng ta sụp đổ, nhiều người cũng đã chán nản buông xuôi, và nhiều người còn quay lại trách Chúa, và nghi ngờ cả sự hiện diện của Chúa : Tôi cầu nguyện mà chẳng thấy Chúa nhận lời, tôi vẫn đi nhà thờ đi lễ mà sao Chúa lại để gia đình tôi như thế này ? Chẳng biết Chúa có hiện diện hay không, Chúa có giúp mình hay không ? Đó chính là những thử thách và những cám dỗ trong đức tin của nhiều người.
Thế nhưng Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người cũng không nỡ đứng nhìn khi chúng ta gặp thử thách hoặc gặp đau khổ, trái lại, Người vẫn đang hiện diện lắng nghe, và đang đồng hành với chúng ta, đang nâng đỡ an ủi chúng ta để giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách, Người dùng lời Kinh Thánh để an ủi và củng cố đức tin cho chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sư hiện diện và đồng hành của Người hay không mà thôi.
Để nhận ra Người, chúng ta cần có thái độ như hai môn đệ Emaus, đó là mời và nài ép Người vào trong nhà mình. Khi có Chúa ở trong gia đình, Người sẽ giúp chúng ta giải gỡ những khó khăn, sẽ ban sức mạnh để chúng ta vượt thắng, và có Người trong gia đình, Người sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Đồng thời hãy tham dự bữa ăn tối với Chúa và đón nhận tấm bánh mà Người trao ban, mắt chúng ta cũng sẽ mở ra và chúng ta sẽ trở nên những con người can đảm mạnh dạn không còn sợ hãi nữa, giống như hai môn đệ Emaus đứng lên để trở về Giêrusalem gặp lại các tông đồ và các bạn trong tình hiệp thông.
Khi trở về gặp lại các tông đồ và các bạn, chúng ta sẽ gặp được lời chứng của các tông đồ: Chúa đã hiện ra với Simon. Một khẳng định ngắn như thế thôi, nhưng cho thấy, đức tin cá nhân của mỗi người cần phải được liên kết với Giáo Hội và cậy dựa vào sự bảo đảm của Giáo Hội, mà Simon Phêrô là thủ lãnh. Vai trò thủ lãnh của Phêrô không chỉ là điều khiển Giáo Hội mà còn là người dẫn dắt đức tin của Giáo hội. Sách Công Vụ cho thấy vai trò nổi bật của Simon Phêrô trong việc rao truyền tin Mừng Phục sinh, ông còn là người củng cố đức tin cho anh em mình.
Thưa quý OBACE, cấu trúc của câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus hôm nay chính là cấu trúc của Thánh Lễ mỗi ngày mà Giáo Hội đang cử hành để tuyên xưng Chúa đã chết và đã sống lại với hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, trong đó vai trò không thể thiếu đó là thừa tác viên của Giáo Hội. Như thế Tin Mừng muốn cho chúng ta thấy rằng: Ngày hôm nay Chúa Phục sinh vẫn đang hiện diện và đồng hành với chúng ta mỗi ngày nơi Thánh Lễ được Giáo Hội cử hành. Chính nhờ việc tham dự Thánh Lễ thường xuyên, chúng ta sẽ được Lời Chúa an ủi và hướng dẫn, giúp chúng ta biết phải sống như thế nào, và nhờ lãnh nhận Thánh Thể Chúa chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, được bồi bổ và tăng cường thêm sức mạnh giúp chúng ta không còn sợ hãi, không chán nản hay thất vọng trước những cám dỗ và những khó khăn của cuộc sống.
Các bậc làm cha mẹ, hãy noi gương hai môn đệ Emaus, mời Chúa vào gia đình mình mỗi ngày qua các giờ kinh sớm tối, hãy mời Chúa hiện diện trong mỗi bữa ăn và trong cả ngày sống của gia đình, Chúa sẽ đem đến cho gia đình niềm vui và bình an, nhất là hãy siêng năng tham dự “bữa tối của Chúa” tức là Thánh Lễ mỗi ngày để đón rước Chúa vào tâm hồn và đem chúa về cho gia đình. Có Chúa trong tâm hồn và trong gia đình, thì không có thử thách nào có thể làm chúng ta chùn bước, và có Chúa trong tâm hồn, trong gia đình, thì ma quỷ và sự xấu sẽ không thể làm gì được chúng ta.
Nhiều bạn trẻ ngày hôm nay đang sống một cuộc sống buồn tẻ nhàm chán, nhiều người đang bị thử thách trầm trọng về đức tin, nhiều người đang bị nhồi nhét bởi quá nhiều tư tương sai lạc, cùng với sự tự mãn của óc khoa học khiến họ không nhận ra sự hiện diện của Chúa và có nguy cơ đi lạc đường và đánh mất đức tin. Lời Chúa hôm nay mời gọi các bạn hãy nhận ra sự đồng hành của Chúa trong cuộc đời, hãy khiêm nhường để lắng nghe lời chứng của Giáo Hội, và nhất là hãy siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể, các bạn sẽ nhận ra gương mặt của Chúa, Chúa sẽ ban lại cho các bạn ơn đức tin và lòng hăng say nhiệt thành của tuổi trẻ, giúp các bạn sống một cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn cho chính mình và cho mọi người, đồng thời trở thành những người nói về Chúa cho anh em cho bạn bè của các bạn mà không còn gì phải ngại ngần sợ hãi nữa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
GP. Xuân Lộc
Ðêm nọ, có một người thấy một giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Nhìn lên bầu trời, anh thấy những cảnh sống trong đời mình được chiếu lên. Trong mỗi cảnh sống trong đó, anh ta thấy có hai đôi dấu chân in trên cát, một đôi của anh, còn đôi kia của Chúa.
Khi cảnh cuối cùng trên đời anh chấm dứt, anh nhìn lại những dấu chân đã in trên cát và anh nhận thấy rằng, rất nhiều lần trong cuộc đời anh, anh thấy chỉ có một đôi dấu chân mà thôi. Anh cũng để ý và thấy rằng đó chính là những lúc cuộc đời anh xuống thấp nhất, với thời gian buồn chán đau khổ nhất. Anh hoang mang hỏi Chúa : – Thưa Chúa, Chúa đã nói rằng một khi con quyết định theo Chúa thì Chúa sẽ cùng bước đi với con suốt mọi chặng đường của đời con. Nhưng con nhận thấy rằng, trong những giai đoạn rối ren nhất của đời con, chỉ vẻn vẹn có đôi chân của con mà thôi. Con không hiểu tại sao những lúc con cần đến Chúa hơn cả, lại chính là lúc Chúa từ bỏ con.
Chúa ôn tồn trả lời : – Hỡi con yêu dấu, Ta yêu thương con và không bao giờ lìa bỏ con đâu. Trong những thời gian thử thách nhất, khi con thấy chỉ có một đôi dấu chân, đó chính là lúc Ta bồng ẵm con trên tay Ta. Dấu chân trên cát lúc ấy là của chính Ta chứ không phải của con đâu.
Thưa quý OBACE, Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành bên chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sự an ủi nâng đỡ và hướng dẫn của Người hay không mà thôi, đó cũng là điều qua câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta.
Hai ông này sau một thời gian theo Chúa, có lẽ các ông cũng nuôi biết bao hy vọng nơi Thầy Giêsu, các ông nghĩ rằng theo Chúa các ông sẽ được chia sẻ một ít vinh quang quyền lực, địa vị hay bổng lộc nào đó, thế nhưng cái chết của Chúa Giêsu đã làm tiêu tan tất cả hy vọng. Hai ông rơi vào chán nản thất vọng, họ buồn bã trở về quê. Không chỉ như thế, đức tin của các ông nơi Thầy Giêsu, lúc này, lại khiến các ông nghi ngờ và đặt lại vấn đề, các ông bàn tán với nhau về những chuyện vừa xảy ra. Trong lúc đi đường như thế, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra đồng hành với họ, nhưng vì chản nản thất vọng, vì đức tin bị thử thách nặng nề, khiến mắt các ông che mờ, không nhận ra vị khách đồng hành là Chúa Giêsu.
Các ông đã kể cho vị khách về Ông Giêsu là một vị ngôn sứ đầy uy thế,…Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu chuộc Israel, nhưng nay, việc xảy ra đã đến ngày thứ ba rồi. Qua lời tâm sự đã cho thấy niềm tin của các ông vào Đức Giêsu chỉ còn là chuyện của quá khứ, một đức tin không còn chiều sâu, không còn sức sống, chính vì thế họ đã dễ dàng ngã gục buông xuôi khi gió bão của thử thách xảy đến. Vị Khách đã lắng nghe, an ủi, và dùng Kinh Thánh để minh chứng cho các ông thấy Đấng Kitô sẽ phải trỗi dậy từ cõi chết, đã làm nóng lại đức tin cho các ông và đem lại cho các ông sự phấn chấn. Các ông đã chia sẻ điều đó khi nói với nhau : dọc đường khi nghe Người nói lòng chúng ta đã bừng cháy lên đó sao?
Nhờ tâm hồn đã được hồi sinh, các ông đã nài ép Người khách lạ ghé vào nhà và dùng bữa với mình. Trong bữa tối đó, một cử chỉ hết sức quen thuộc đựơc Vị khách thực hiện, đó là Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông, mắt họ sáng ra và đã nhận ra Người, nhưng Người đã biến mất. Đây chính là cử chỉ Đức Giêsu đã thực hiện khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, và đặc biệt trong bữa Tiệc ly, chính Người đã cầm lấm bánh, tạ ơn, và trao cho các các môn đệ như thế. Dấu hiệu này chỉ có ở nơi một mình Chúa Giêsu mà thôi, không thể nhầm lẫn vơi ai được, nên hai môn đệ này đã nhận ra Vị khách đồng hành với họ trên suốt hành trình là chính Đức Giêsu, Người đã phục sinh.
Từ việc nhận ra Chúa khi ăn bánh của Người, tâm hồn và con người của các môn đệ này đã được biến đổi, các ông không còn chán nản buồn sầu nữa, không còn than thân trách phận hay tiếc nuối gì nữa, nhưng ngay tức khắc với một biềm vui hân hoan, các ông đã trỗi dậy để trở về Giêrusalem, để gặp lại các tông đồ và các bạn hữu đang tụ họp. Khi về đến nơi, thì chính anh em đã làm chứng cho hai ông về việc Chúa đã sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon. Còn hai ông thì kể cho mọi người về việc mình đã nhận ra Chúa.
Câu chuyện của hai môn đệ Emaus không phải là câu chuyện của quá khứ, mà là câu chuyện đức tin của mỗi người, mỗi gia đình hôm nay. Tin Chúa, theo Chúa không phải lúc nào chúng ta cũng gặp thành công, vì thực tế trong cuộc sống cho thấy không thiếu những lần chúng ta gặp thử thách trầm trọng trong cuộc sống. Đã có nhiều lần toan tính dự định của chúng ta không thành, hy vọng của chúng ta sụp đổ, nhiều người cũng đã chán nản buông xuôi, và nhiều người còn quay lại trách Chúa, và nghi ngờ cả sự hiện diện của Chúa : Tôi cầu nguyện mà chẳng thấy Chúa nhận lời, tôi vẫn đi nhà thờ đi lễ mà sao Chúa lại để gia đình tôi như thế này ? Chẳng biết Chúa có hiện diện hay không, Chúa có giúp mình hay không ? Đó chính là những thử thách và những cám dỗ trong đức tin của nhiều người.
Thế nhưng Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người cũng không nỡ đứng nhìn khi chúng ta gặp thử thách hoặc gặp đau khổ, trái lại, Người vẫn đang hiện diện lắng nghe, và đang đồng hành với chúng ta, đang nâng đỡ an ủi chúng ta để giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách, Người dùng lời Kinh Thánh để an ủi và củng cố đức tin cho chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sư hiện diện và đồng hành của Người hay không mà thôi.
Để nhận ra Người, chúng ta cần có thái độ như hai môn đệ Emaus, đó là mời và nài ép Người vào trong nhà mình. Khi có Chúa ở trong gia đình, Người sẽ giúp chúng ta giải gỡ những khó khăn, sẽ ban sức mạnh để chúng ta vượt thắng, và có Người trong gia đình, Người sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Đồng thời hãy tham dự bữa ăn tối với Chúa và đón nhận tấm bánh mà Người trao ban, mắt chúng ta cũng sẽ mở ra và chúng ta sẽ trở nên những con người can đảm mạnh dạn không còn sợ hãi nữa, giống như hai môn đệ Emaus đứng lên để trở về Giêrusalem gặp lại các tông đồ và các bạn trong tình hiệp thông.
Khi trở về gặp lại các tông đồ và các bạn, chúng ta sẽ gặp được lời chứng của các tông đồ: Chúa đã hiện ra với Simon. Một khẳng định ngắn như thế thôi, nhưng cho thấy, đức tin cá nhân của mỗi người cần phải được liên kết với Giáo Hội và cậy dựa vào sự bảo đảm của Giáo Hội, mà Simon Phêrô là thủ lãnh. Vai trò thủ lãnh của Phêrô không chỉ là điều khiển Giáo Hội mà còn là người dẫn dắt đức tin của Giáo hội. Sách Công Vụ cho thấy vai trò nổi bật của Simon Phêrô trong việc rao truyền tin Mừng Phục sinh, ông còn là người củng cố đức tin cho anh em mình.
Thưa quý OBACE, cấu trúc của câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus hôm nay chính là cấu trúc của Thánh Lễ mỗi ngày mà Giáo Hội đang cử hành để tuyên xưng Chúa đã chết và đã sống lại với hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, trong đó vai trò không thể thiếu đó là thừa tác viên của Giáo Hội. Như thế Tin Mừng muốn cho chúng ta thấy rằng: Ngày hôm nay Chúa Phục sinh vẫn đang hiện diện và đồng hành với chúng ta mỗi ngày nơi Thánh Lễ được Giáo Hội cử hành. Chính nhờ việc tham dự Thánh Lễ thường xuyên, chúng ta sẽ được Lời Chúa an ủi và hướng dẫn, giúp chúng ta biết phải sống như thế nào, và nhờ lãnh nhận Thánh Thể Chúa chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, được bồi bổ và tăng cường thêm sức mạnh giúp chúng ta không còn sợ hãi, không chán nản hay thất vọng trước những cám dỗ và những khó khăn của cuộc sống.
Các bậc làm cha mẹ, hãy noi gương hai môn đệ Emaus, mời Chúa vào gia đình mình mỗi ngày qua các giờ kinh sớm tối, hãy mời Chúa hiện diện trong mỗi bữa ăn và trong cả ngày sống của gia đình, Chúa sẽ đem đến cho gia đình niềm vui và bình an, nhất là hãy siêng năng tham dự “bữa tối của Chúa” tức là Thánh Lễ mỗi ngày để đón rước Chúa vào tâm hồn và đem chúa về cho gia đình. Có Chúa trong tâm hồn và trong gia đình, thì không có thử thách nào có thể làm chúng ta chùn bước, và có Chúa trong tâm hồn, trong gia đình, thì ma quỷ và sự xấu sẽ không thể làm gì được chúng ta.
Nhiều bạn trẻ ngày hôm nay đang sống một cuộc sống buồn tẻ nhàm chán, nhiều người đang bị thử thách trầm trọng về đức tin, nhiều người đang bị nhồi nhét bởi quá nhiều tư tương sai lạc, cùng với sự tự mãn của óc khoa học khiến họ không nhận ra sự hiện diện của Chúa và có nguy cơ đi lạc đường và đánh mất đức tin. Lời Chúa hôm nay mời gọi các bạn hãy nhận ra sự đồng hành của Chúa trong cuộc đời, hãy khiêm nhường để lắng nghe lời chứng của Giáo Hội, và nhất là hãy siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể, các bạn sẽ nhận ra gương mặt của Chúa, Chúa sẽ ban lại cho các bạn ơn đức tin và lòng hăng say nhiệt thành của tuổi trẻ, giúp các bạn sống một cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn cho chính mình và cho mọi người, đồng thời trở thành những người nói về Chúa cho anh em cho bạn bè của các bạn mà không còn gì phải ngại ngần sợ hãi nữa. Amen.