PDA

View Full Version : Tìm một lộ trình đào tạo linh mục người các sắc tộc thiểu số



hongbinh
21-05-2014, 09:13 PM
Tìm một lộ trình đào tạo linh mục người các sắc tộc thiểu số

VRNs (21.05.2014) – Gia Lai – Làm sao có thể đào tạo linh mục người các sắc tộc thiểu số mà vừa bảo đảm yêu cầu của Giáo hội (toàn cầu) vừa giúp phát huy các giá trị văn hóa bản địa là vấn đề chính được đặt ra trong ba ngày hội thảo Tìm hướng đào tạo giáo sĩ sắc tộc thiểu số, do Tỉnh DCCTVN thực hiện với sự bảo trợ của Tòa giám mục Kontum, từ ngày 13 – 15.05.2014, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Hội thảo quy tụ 35 tham dự viên bao gồm Đức giám mục, quý cha Giám tỉnh, Giám đốc chủng viện và Học viện, Trưởng ban đào tạo,http://www.chuacuuthe.com/images2013/140520007.jpg (http://www.chuacuuthe.com/images2013/140520007.jpg) Truyền thông, Văn phòng, các nhà truyền giáo cho các sắc tộc Jarai và Bahnar, các linh mục là người sắc tộc thiểu số, các tu sĩ nam nữ thuộc các Hội dòng Chúa Cứu Thế, Phanxicô, Phaolô, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Nữ tỳ Chúa Thánh Thần, các cha trong giáo phận Kontum và đặc biệt có mặt một số ông trưởng các cộng đoàn Jarai, là người có kinh nghiệm đào tạo theo truyền thống bản địa.
08:30 AM, ngày 13.05, Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám Tỉnh DCCT-VN cầu nguyện và khai mạc buổi Hội thảo. Liền sau đó, Đức cha Micael Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum nêu lên nhu cầu của thế giới hôm nay: chúng ta đang sống trong thời đại các sắc dân tìm về với tôn giáo. Những nghiên cứu cho thấy ngay tại Trung Quốc đang có hàng triệu người tìm hiểu và muốn theo Đạo Công Giáo. Chúng ta có thể làm gì trong bối cảnh hôm nay? Còn đối với cách đồng truyền giáo Việt Nam với biết bao sắc tộc thiểu số đang khát khao nghe Lời Chúa, nhưng ai có thể loan báo Lời Chúa bằng tiếng mẹ đẻ cho họ? Việc đào tạo các linh mục sắc tộc thiểu số là một việc quan trọng phải làm ngay.
08:45 AM, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, điều phối viên khóa Hội thảo giới thiệu và mời cha Gioan B. Lê Đình Phương, Trưởng ban đào tạo DCCT VN trình bày chuyên đề thứ nhất: Giáo hội yêu cầu một giáo sĩ phải được đào tạo như thế nào?
Ở phần trình bày này, cha Phương đã dựa trên các văn kiện của Tòa thánh quy định về đào tạo linh mục, từ các Sắc lệnh của Công đồng Vatican II đến văn bản mới nhất là Ratio của Giáo hội Việt Nam về đào tạo linh mục. Bài thuyết trình xoay quanh ba câu hỏi: Linh mục là ai? Ứng viên linh mục là ai? Và Đào tạo linh mục như thế nào? Điều gây chú ý mạnh trong phần trình bày của cha Phương được các tham dự viên ghi nhận đó là tác lực chính trong đào tạo linh mục là chính Chúa Thánh Thần. Điều này được các tham dự viên nhắc đi nhắc lại và đào sâu nhiều lần trong suốt ba ngày Hội thảo, và cũng được đưa vào phần kết luận Hội thảo.
Phần thuyết trình của chuyên đề một kết thúc vào trước giờ cơm trưa. Mọi người ăn uống và nghỉ ngơi, chuẩn bị tiếp cho buổi chiều là cuộc thảo luận theo tổ với đề tài: Dựa trên yêu cầu của Giáo hội, xin các tham dự viên phác họa chân dung người linh mục bản địa.
Đức giám mục giáo phận Kontum và Cha giám tỉnh DCCT cũng được chia vào các tổ cùng với giáo dân, tu sĩ và linh mục thảo luận. Có thể nhờ vậy, mà các vị có trách nhiệm cao nhất về đào tạo linh mục người sắc tộc thiểu số choGiáo phận và Nhà dòng đã có những xác tín rất mạnh mẽ khi Hội thảo kết thúc.
Sáu tổ thảo luận và đưa ra những hình mẫu chân dung linh mục bản địa dựa theo kinh nghiệm mục vụ trực tiếp và những thách thức của chính tiến trình đào tạo.
Cuộc thảo luận bàn quanh tám vấn đề:
Thứ nhất là đào tạo đời sống nhân bản cho người linh mục tương lai. Không quá đề cao vai trò quản trị khi đào tạo linh mục, nhưng phải chú ý đến tinh thần dấn thân đồng hành, sống chung. Vượt qua những ngăn trở văn hóa để hội nhập. Thứ hai cần có đường hướng và tiêu chuẩn riêng biệt cho người các sắc tộc. Những nhà đào tạo phải thích nghi với môi trường và cuộc sống thực tế của người bản địa, phải dạy bằng ngôn ngữ bản địa. Thứ ba, cần phân biệt vai trò của nhà đào tạo khác với giáo sư. Các giáo sư liên quan đến tri thức, bằng cấp, còn các nhà đào tạo cần có thời gian sống, tiếp cận với người được đào tạo và giúp họ hoàn thành các chiều kích khác là nhân bản, tâm linh, cộng đoàn và mục vụ. Quá trình đào tạo cần giúp các ứng viên vươn lên, vượt ra khỏi mặc cảm tự ti, rằng mình là sắc tộc thiểu số không bằng người Kinh. Thứ năm, chân dung linh mục tương lai của người sắc tộc cần khởi đi từ những người biết sống chân thành, yêu thương. Hình ảnh các ông ako khul (trưởng cộng đoàn) có thể xem là hình ảnh khởi đầu của vị linh mục tương lai. Thứ sáu, việc tuyển chọn ứng viên và linh mục người sắc tộc cần phải dựa vào cộng đoàn, như Giáo hội tiên khởi. Thứ bảy, thời gian đào tạo linh mục hiện nay rất dài, tùy nơi, từ 12 đến 16 năm, nhưng có nhiều thất bại, có điều này là vì các ứng viên thiếu được hướng dẫn đón nhận và sống với Thần Khí trong lúc được đào tạo. Thứ tám, mục vụ thừa sai, loan báo Tin Mừng sẽ là mục tiêu cho mọi đường lối đào tạo.
Ngày đầu tiên kết thúc.

http://www.chuacuuthe.com/images2013/140520008.jpg
Quý cha và tham dự viên tham dự thánh lễ với các em học sinh nội trú


Ngày thứ hai của Hội thảo do cha Tôma Nguyễn Văn Thượng, Giám đốc chủng viên thừa sai Kontum đảm nhận vai trò thuyết trình chuyên đề thứ hai là Kinh nghiệm đào tạo giáo sĩ sắc tộc thiểu số và đào tạo cho sứ mạng phục vụ sắc tộc thiểu số.Cha Thượng khởi đi từ bài học lịch sử của Giáo hội nói chung và của giáo phận Kontum nói riêng. Từ đó, cha Thượng đặt ra những vấn đề cho DCCT và giáo phận Kontum.
Các cha DCCT cần làm một bảng so sánh giữa công cuộc truyền giáo cho người sắc tộc thiểu số tại vùng Đà Lạt và tại vùng Tây Nguyên này xem có gì khác nhau, giống nhau. Xin cha Giám Tỉnh DCCT và các cha đã và đang phục vụ tại những vùng nói trên, dành thời gian lập bảng lượng giá xem thế nào. Qua đó ta sẽ có kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn. Liệu những anh em lên Tây Nguyên do tự nguyện hay do cha Giám Tỉnh chỉ định? Có bao nhiêu anh em am hiểu văn hoá người sắc tộc thiểu số? Có bao nhiêu người được các anh em sắc tộc nhận là Ama, Ami của họ, nghĩa là được người bản địa xem như người thân trong nhà của họ? Việc học Tiếng các sắc tộc thiểu số cần đầu tư như thế nào? Học tiếng để giao tiếp hay học để loan báo Tin Mừng?
Với các cha trong Giáo Phận Kontum, cha Thượng đặt vấn đề: Việc đào tạo các giáo sĩ người sắc tộc phải được đưa lên hàng đầu. Cử các nhà chuyên môn nghiên cứu văn hoá, phong cách sống của người sắc tộc, chính những nhà chuyên môn sẽ giúp các nhà truyền giáo mới đến tiếp cận thuận lợi hơn.
Cha Thượng tha thiết: “Xin DCCT hợp tác với các nhà đào tạo của GP Kontum để đào tạo cho các anh em sắc tộc thiểu số. Cần mở các lớp học, các trường nội trú cho anh em các sắc tộc.”

http://www.chuacuuthe.com/images2013/140520010.jpg
Cha Toma Nguyễn Văn Thượng chia sẻ về việc biến đổi trong Thần Khí như thể mộc hóa thạch


Minh họa cho phần trình bày của cha Thượng còn có 17 ứng sinh tiền chủng viện Kontum hiện diện để trình bày những nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa riêng biệt của mình.

http://www.chuacuuthe.com/images2013/140520009.jpg
Các tiền chủng sinh người sắc tộc thiểu số


Chuyên đề thứ hai này ngoài phần trình của cha Tôma Nguyễn Văn Thượng, còn có ba cha là người sắc tộc thiểu số chia sẻ. Cha Pêtro Siu AĐên, người Jarai, linh mục giáo phận Kontum, cha Phaolô K’ Nhoang, người Châu Mạ, thuộc DCCT, cha Ya Thu, người K’Ho, thuộc dòng Phanxicô. Các cha đã kể lại kinh nghiệm vượt qua những khó khăn tâm lý, phong tục tập quán và hội nhập với sắc tộc lớn hơn, nhưng vẫn giữ được bản chất người bản địa của mình.
Câu hỏi thảo luận của buổi chiều ngày thứ hai là câu hỏi trung tâm: Làm sao để các ứng sinh người sắc tộc thiểu số vừa lớn lên trong giá trị văn hóa bản địa, vừa lãnh hội tốt các yêu cầu về đào tạo giáo sĩ của Giáo hội? Vì thời gian không có nhiều, các tham dự viên đề nghị thảo luận chung thay cho chia tổ, để có giờ tranh luận và đào sâu các ý kiến hơn.
Cha Thanh đúc kết các ý kiến và tranh luận buổi chiều như sau: Linh mục tương lai cần đạo tạo có tinh thần cởi mở, dễ tiếp nhận cái hay cái mới của các sắc tộc khác, nhưng không làm mất chính mình. Khái niệm khai sáng và cổ hủ, như thế nào là phá, là xây dựng, dựa theo tiêu chuẩn nào? Một sắc tộc có nhiều cộng đồng sống theo địa lý khác nhau, nên cần thống nhất ngôn ngữ trong cùng một sắc tộc, nhờ đó mới có thể giúp phát huy giá trị văn hóa. Hiện nay văn hoá người Kinh đang thống trị, vậy cần có điều chỉnh như thế nào để thích nghi điều này? Văn hóa Kinh phát triển mạnh là nhờ chữ Quốc ngữ, nên văn hóa các sắc tộc muốn phát triển cũng phải gìn giữ và phát triển chữ viết. Cần có nghiên cứu sâu về văn hoá, không phải thoáng qua cho có. Cần phải đào tạo ra những người tinh anh trong các sắc tộc. Thực tế chúng ta đang đối diện với yếu tố đa sắc tộc, đa văn hoá và xu thế toàn cầu hóa, nên việc phát triển văn hóa bản địa chắc chắn phải thích nghi và tương kính rất nhiều với các nền văn hóa khác sắc tộc của mình. cần phát huy yếu tố văn hoá tích cực để giúp các ứng sinh tương lai sống và duy trì giá trị bản địa, mà vẫn có thể hội nhập tốt.
Ngày thứ ba, cha Giuse Trần Sĩ Tín, một thừa sai cho người Jarai đã gần tròn 45 năm, trình bày chuyên đề thứ ba là Người Jarai đã đào tạo Pơtao, Pô Phai Yang, Pô Phat kơđi như thế nào?
Ở đề tài này, cha Tín đi từ kinh nghiệm đào tạo của người bản địa cho những người lãnh đạo của mình là đi theo, phụ giúp, nhìn và nghe, rồi đến một ngày nào đó được gọi làm theo, và từ đó trở thành Pô Phai Yang / Pô Iâo Lăi (thầy cúng, người cầu nguyện), Pô Phat Kơđi (người xử kiện) và Pô Pơtao (vua tư tê). Ở kinh nghiệm này, cha Tín mời ông Pêtro Siu Bloach, vừa là trưởng cộng đoàn, vừa là một người xử kiện mới trong dân. Kinh nghiệm của ông đúng như vậy.
Cha Tín tiếp tục mở rộng cái nhìn đào tạo linh mục sắc tộc thiểu số theo hướng Thần Khí, lấy kinh nghiệm các ako khul được chính Chúa dạy và sai đi loan báo Tin Mừng.
Thầy Phát, dòng Phanxicô là người đang tổ chức nhà nội trú cho các sắc tộc. Thầy cho các em tự quản, và tự đào tạo với nhau, với sự trợ giúp một phần rất nhỏ của thầy. Cách các em học sinh cấp 3 lớn lên, cùng chịu trách nhiệm, cùng chia sẻ những hiểu biết văn hóa để tài bồi và gìn giữ văn hóa đã làm cho các tham dự viên Hội thảo phải suy nghĩ nhiều.
Buổi chiều khi thảo luận và cùng nhau đưa ra mô hình đào tạo linh mục các sắc tộc thiểu số, các tham dự viên đã rất cẩn thận đưa ra những đề nghị với ước muốn được thực hiện, nhưng cũng với ý thức không dễ thực hiện được ngay.
Điểm quan trọng được mọi người đồng tình cho mồ hình đào tạo, đó là phải để Chúa Thánh Thần là tác lực chính và trung tâm cho toàn bộ quá trình đào tạo. Việc này, đòi các nhà đào tạo, ngay từ đầu phải đưa các ứng sinh vào kinh nghiệm đón nhận và sống với Chúa Thánh Thần.
Điểm thứ hai là liệu có nên làm một Chủng viện / Học viện riêng cho các sắc tộc thiểu số hay không? Có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Những người bảo không nên dựa trên quan điểm hội nhập là xu hướng không thể cưỡng lại, nên phải đào tạo chung, để sau này còn làm việc chung giữa các linh mục Kinh – Thượng với nhau. Những người bảo cần phải làm riêng dựa trên ý hướng chúng ta đào tạo linh mục để phục vụ cho cộng đồng các sắc tộc thiểu số bản địa là ưu tiên chứ không phải hội nhập là ưu tiên, nên việc hội nhập sẽ tính sau khi tham gia vào linh mục đoàn của giáo phận hay sống trong một cộng đoàn Dòng tu.
Điểm thứ ba tương đối trung hòa theo hoàn cảnh hiện nay là vẫn đào tạo chung, nhưng phải bổ nhiệm cho mỗi sắc tộc một nhà đào tạo riêng. Đây là kinh nghiệm dang được thực hiện tại Philippines, một đất nước cũng đa sắc tộc như Việt Nam. Từ đây đi đến kết luận là những nhà đào tạo phải biết rõ văn hóa và ngôn ngữ mình được bổ nhiệm làm nhà đào tạo và phải ý thức việc huấn luyện các chiều kích nhân bản, tâm linh, cộng đoàn và mục vụ phải bằng ngôn ngữ dân tộc bản địa.
Kết thúc Hội thảo, Đức cha Micael Hoàng Đức Oanh nhấn mạnh, GH VN đã đón nhận Tin Mừng hơn 400 năm, đã có các Đoàn thể, có nhiều cơ sở, khả năng. Vậy chúng ta có phí phạm không? Có biết bao tác động tốt, thuận lợi để ủng hộ chúng ta trong công việc đào tạo, vậy chúng ta thiếu cái gì? Phải chăng là thiếu tâm hồn yêu mến? Đức cha nhấn mạnh, mỗi giáo dân là một nguồn lực cho đào tạo, không chỉ là đóng góp tài chánh, mà mọi mặt, nhưng hầu như các nhà đào tạo đã không sử dụng được nguồn tài nguyên phong phú Chúa ban.
Đức giám mục Kontum cũng xác tín vào Ơn Chúa Thánh Thần. Ngài đặt vấn đề chỗ đứng của Chúa Thánh Thần ở đâu trong đời sống cộng đoàn. Rồi ngài nhấn mạnh cần tạo hồn thừa sai cho môi trường đào tạo các giáo sĩ tương lai.

http://www.chuacuuthe.com/images2013/140520011.jpg
Đức cha Micael Hoàng Đức Oanh chia sẻ lúc sắp bế mạc Hội thảo



Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, giám tỉnh cho biết, năm nay DCCT kỷ niệm 60 năm truyền giáo cho người K’Ho, 45 năm cho Jarai, 7 năm cho Bahnar và 1 năm cho Tầy, Nùng trong bối cảnh Tỉnh Dòng mừng 50 năm thành lập. Điều này chứng tỏ DCCT VN không ngừng nghỉ lo cho các sắc tộc thiểu số, và Hội thảo này là một cố gắng tìm kiếm một hướng đi cho việc hệ trọng là đào tạo những thừa sai DCCT cho người các sắc tộc thiểu số.
Nhân đây, cha Giám tỉnh cũng gởi lời cám ơn đến Đức cha Michael, quí Cha, quí Thầy, quí Sơ và toàn thể anh chị em tham dự viên. Ngài nói, “Trong những buổi Hôi thảo, chúng con đã đón nhận được “món quà” quí giá qua những đóng góp ý kiến của Đức Cha, quí Cha, quí Thầy, quí Sơ và anh chị em tham dự viên. Với xác tin vào Ơn Chúa Thánh Thần, chúng con hy vọng trong tương lai chúng con sẽ có sự hợp tác gắn kết hơn nữa với giáo phận Kontum”.

http://www.chuacuuthe.com/images2013/140520012.jpg
Các tham dự viên Hội thảo



Các tham dự viên Hội thảo thật hạnh phúc khi thấy Đức cha Michael và cha Vinh Sơn đã tham dự đầy đủ các buổi thuyết trình và thảo luận, cùng chia sẻ và lắng nghe. Các tham dự viên cũng tỏ lòng biết ơn các nữ tu dòng thánh Phaolô đã lo liệu mọi sự ăn ở và phương tiện cho Hội thảo.

PV. VRNs