PDA

View Full Version : Lễ Các Thánh



caoduc
01-11-2008, 08:55 AM
Lễ Các Thánh

PHÚC!
Mt 5, 1-12a


------------Hạnh phúc luôn là một khát vọng của con người. Mọi người bất kể là ai, ở địa vị nào cũng đều đi tìm hạnh phúc: Phải sống như thế nào để luôn hạnh phúc, câu hỏi đó trăn trở con người từ bao ngàn thế hệ. Chính vì thế, từ xa xưa, các nhà hiền triết đã suy tư, nghiền ngẫm để tìm những con đường đi đến hạnh phúc. Từ thời Aristote (384-322 trước Chúa giáng sinh), các nhà triết học phân biệt thành hai kiểu hạnh phúc:
------------• Hạnh phúc được hiểu như là sự cảm nhận niềm vui thích hoặc sự mãn nguyện tinh thần ngay trong chính hoạt động học tập, nghiên cứu hoặc thực thi đạo đức. Đó là quan niệm hạnh phúc theo chủ nghĩa duy khoái của nhà triết học Epicure.

------------• Hạnh phúc là cái được nảy sinh bên ngoài sự thoả mãn về hành động hay tính cách đạo đức của chủ thể. Đó là quan niệm của chủ nghĩa hạnh phúc.

------------Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi vào đầu sứ vụ của Ngài đã dẫn nhân loại đến với hạnh phúc bằng tám phúc. Hạnh phúc tiếng Latinh “beatitudo”. Tin mừng ghi lại nguyên ngữ Hy Lạp “μακαριος” nghĩa là: người sở hữu một niềm vui tâm hồn, không có thể bị ảnh hưởng bởi những hoàn cảnh bên ngoài chung quanh tác động. Như thế, hạnh phúc mà Chúa Giêsu rao giảng là một tình trạng niềm vui tâm hồn luôn mãi không bị chi phối bởi hoàn cảnh - sự việc bên ngoài.

------------Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc, trái lại la những khổ đau mà con người luôn tránh. Những hoàn cảnh này Chúa Giêsu tuyên bố: họ hạnh phúc thật. Chính sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian để trao cho con người chìa khóa để mở hạnh phúc, một niềm vui nội tại không bị chi phối khi ta sống giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất:

------------• "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Những người nghèo là những người được Thiên Chúa quan tâm, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố trong diễn văn tại Hội đường Nagiaret khi bắt đầu sứ vụ, mượn lời ngôn sứ Isaia nói về mình tuyên bố: “Thánh Linh Chúa ngự trên Tôi…, sai Tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó…” (Lc 4, 18). Người mang tinh thần nghèo khó là ‎ý thức thân phận thiếu hụt của mình nên sẵn sàng mở tâm hồn để Thiên Chúa làm tràn đầy ân sủng. Chính trong thân phận nghèo, họ cảm nhận được sự thiếu thốn và sẵn sàng chia sẻ với anh em cùng khổ. Thánh Hilaire de Poitiers đã suy niệm sự hạnh phúc của những người sống trong tinh thần nghèo: “Sự nghèo khó gợi lại rằng chính chúng ta không có gì hết, mà chúng ta nhận tất cả từ Thiên Chúa; tất cả mọi gia sản là của chung; khó nghèo dẫn chúng ta chịu khuất phục trước Thiên Chúa, và trong sự khuất phục này để chia sẻ tất cả những gì chúng ta có; sự nghèo khó đưa chúng ta vào sự hiệp nhất với sự lãnh nhận Thiên Chúa trong lúc chờ đợi, chính tinh thần nghèo khó đưa chúng ta tham dự vào sự vinh quang” (saint Hilaire de Poitiers: commentaire de l’évangile selon saint Matthieu, IV 2).

------------• “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp”. Hiền lành và khiêm nhường trong lòng, đó là những gì Chúa Giêsu đã sống và kêu gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 29), Hiền lành nhu Chúa Giêsu không lấy oán báo oán khi mình bị xúc phạm (Mt 21,5). Sự hiền lành cũng gợi lại hình ảnh người tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia đã phác họa (x. Is 53, 7).

------------• “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Vâng, Thiên Chúa không bỏ họ một mình trong lúc sầu khổ, ngôn sứ Isaia đã nhấn mạnh “Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 3-4). Ðức Giêsu được xức dầu thánh hiến, sai đi đem Tin mừng cho những người khổ, những kẻ bị giam cầm và bị áp bức, Ngài giải thoát và dẫn họ đến tự do - hạnh phúc (x.Lc 4, 18-19). Hơn nữa, trong đau khổ con người tham dự vào cuộc Thương khó của Đức Kitô, Đấng chia sẻ với những bước đường đau khổ của kiếp người. Tình trạng khổ dưới mắt người đời là vô phúc lại được Thiên Chúa chúc phúc, là tham dự vào cuộc khổ nạn của Thiên Chúa cho nhân loại, cho nên chính họ được tham dự vào hạnh phúc vinh quang trong Đức Kitô Phục sinh. Chính vì lẽ đó Thánh Phaolô đã xác tín: “tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Ðức Giêsu” (Gal 6, 17). Cho nên, trong đau khổ Phaolô đã tin rằng: “Tôi bỏ khuyết những thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” (Col 1,24). Phêrô cũng xác tín: “Phúc thay ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô” (1P 4, 1)

------------• “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. Đấng Công chính là Thiên Chúa như Tôbia đã cầu nguyện: "Lạy Chúa, Ngài là Ðấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực” (Tb 3, 2) “Thiên Chúa công chính” (x. G 6, 1). Tước hiệu Vua Công chính cũng được ngôn sứ Giêrêmia chỉ Đấng Messia là Đức Kitô: “bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công chính của chúng ta."(Gr 23, 6). Khao khát nên người công chính là khao khát chính Thiên Chúa và người trở nên công chính sẽ được Thiên Chúa bảo vệ: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. (Kn 3, 1), hơn nữa: “Thiên Chúa yêu người công chính” (Tv 145). Thánh Ambroise đã suy gẫm và quyết tâm khao khát nên người công chính: “Tôi đã giải phóng tôi khỏi mọi lỗi lầm, tôi đã giải quyết được mọi thói quen, tôi đã khóc cho tội lỗi của tôi, tôi bắt đầu đói và khát sự công chính, đó là một tín hiệu của sức khỏe.” Vâng, đó là sức khỏe của người công chính trong Thiên Chúa.

------------• “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Như Chúa Giêsu đã mang trái tim nhân ái xót thương tất cả mọi người, ngay cả những người tội lỗi, Ngài dạy con người lòng xót thương tha thứ trong Kinh Lạy Cha (x. Lc 11, 4). Ngài trách những người Pharisêu bỏ quên những cơ bản của luật: sự công chính, lòng xót thương, sự trung thành để giữ những tập tục phàm nhân (x. Mt 23, 23)

------------• “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”. Theo văn hóa Hipry (Thánh Kinh được linh hứng viết trong môi trường văn hóa này) trái tim là nguồn suối của hành động, nếu trái tim không sạch thì mọi hành vi thực hiện cũng nhiễm dơ. Vì thế, ai có tâm hồn trong sạch sẽ làm những công trình cuộc đời trong sự hoàn thiện. Tâm hồn trong sạch được khắc ghi Luật Chúa (x. Tv 10, 9). Yêu mến Chúa ( x. Mt 22, 37; Mc 12, 30; Lc 10, 27). Được gặp Chúa thổ lộ tâm tình như người yêu với người yêu (x.Ho 2, 16-18; 21-22)

------------• “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Những tác nhân xây dựng hòa bình trở nên giống Thiên Chúa vì “Người thiết lập hoà bình trên cõi trời cao” (G 25, 1-2), người xây dựng hòa bình trên trái đất là đang tham gia thiết lập vương quốc hòa bình mà Thiên Chúa thiết lập trên trời cho trần gian. Chính đêm Giáng sinh, Ngài cũng ban bình an cho nhân loại qua lời ca tụng của các Thiên thần: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14)

------------• “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”. Chúa Kitô đã nói trước về sự tử đạo của người tín hữu vì công chính, vì danh Kitô. “...Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16, 33). Chính trong lúc bị bách hại là cùng chịu khổ nạn và cùng được phục sinh vinh quang như Phaolô đã xác quyết: “…vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8, 17). Xây dựng Nước Thiên Chúa - Nước Công Chính viên mãn, chính Đức Kitô trả giá bằng việc hy sinh chính mạng sống mình: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Người tham gia xây dựng vương quốc công chính bằng máu là tham dự vào chính tình yêu của Thiên Chúa. Người bị bách hại, lăng nhục, vu khống là người có phúc. Ngay giữa ngặt nghèo họ vẫn cảm được niềm vui (x. Cv 5, 41), cho nên Thánh Phaolô đã xác quyết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? ... Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 35.37)------------Khi nghe giáo huấn Bát Phúc, Ghandi - vị thánh và là cha già của dân tộc Ấn Độ đã tuyên bố: không có bản tuyên ngôn nào trên trái đất đẹp bằng Tám Phúc của Chúa Giêsu và ông nói: “Chính bài giảng trên núi này làm cho tôi yêu mến Đức Kitô”

------------Hạnh phúc không lệ thuộc vào những gì xảy ra chung quanh ta, nhưng là “beatitudo - μακαριος” mà Đức Giêsu nhấn mạnh. Hạnh phúc được tính bởi tinh thần với sức mạnh, chúng ta tranh đấu với những vấn đề cuộc sống. Hạnh phúc được sinh ra trong lúc chúng ta đặt trong tim mình những công trình và thực hiện với sự vui mừng và hoan hỉ trong Thiên Chúa bất chấp mọi hoàn cảnh như các Thánh trải qua, đã chiến thắng, đang hưởng hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban.

------------“Hạnh phúc đúng là món quà của thượng đế…” (Aristote) và hạnh phúc do ở nơi chúng ta: "Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa” (Tv 39, 5c).