Ðăng Nhập

View Full Version : Kinh nghiệm sống trong môi trường tập thể



Gia Nhân
01-08-2014, 08:21 PM
Kinh nghiệm
sống trong
môi trường tập thể



Tác giả: Phùng Thái Dương -
Giảng viên trường Đại học Đồng Tháp




Như chúng ta đã biết tất cả các thành phần của môi trường tự nhiên như: địa hình, khí quyển, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật,…đều tồn tại và phát triển theo những quy luật riêng của nó. Tuy nhiên các thành phần đó không tồn tại và phát triển một cách cô lập, nghĩa là không chịu ảnh hưởng của các thành phần khác và ngược lại không phát huy tác dụng, ảnh hưởng của mình đối với các thành phần còn lại.

Có một câu chuyện “bảy sắc cầu vòng” tôi từng đọc và nhớ mãi:

Một ngày nọ 7 sắc màu gặp nhau và tranh luận xem ai đẹp hơn. Màu nào cũng tìm đủ lý lẽ cho rằng mình đẹp hơn các màu còn lại. Đang tranh luận, bỗng bất chợt trời mưa ầm ầm kéo tới. Các sắc màu không còn tranh luận mà co rúm vào một góc, không ai dám xưng tên vỗ ngực nữa. Mưa thấy vậy liền nói: “các bạn đều là những sắc màu đẹp, mỗi màu đều có vẻ đẹp riêng, nếu thiếu một trong các bạn, cuộc sống sẽ rất nhạt nhòa. Tại sao các bạn không là một khối thống nhất, trong đó các bạn vẫn thể hiện được những nét đẹpcủa mình. Chính sự bắt tay của các bạn sẽ tô điểm thêm cho chính các bạn”. Từ đó sau mỗi trận mưa chúng ta thường thấy bảy sắc cầu vòng thường vươn ra bầu trời bằng chính sắc màu của mình và của tinh thần đồng đội trong tập thể.

Con người là một thực thể của xã hội. Dù chúng ta có hoàn cảnh ra sao, có cá tính như thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng là một phần của xã hội, của môi trường xung quanh. Chúng ta không thể tự cho mình là cá biệt, là tách rời với thế giới được.

Mục đích cao nhất mà chúng ta vươn tới đó là gì? Là hạnh phúc và đủ đầy. Dù bạn kiếm được bao nhiêu, bạn có nhà cao cửa rộng, xe hơi siêu sang,… nhưng nếu thiếu tình bạn, thiếu tình thương yêu giữa người với người thì cuộc sống đó dường như vô nghĩa. Các bạn đừng thấy những doanh nhân thành đạt, những tỉ phú….thì thốt lên rằng: ôi hạnh phúc quá. Nếu thế, các bạn đã nhầm. Hạnh phúc không cao xa mà hiện hữu ngay trước mắt, quanh chúng ta. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản: một lời động viên an ủi, một cái xoa đầu, một ánh mắt trìu mến, một sự sẻ chia,…

Ngày nay trước thời đại công nghiệp và hậu công nghiệp đã tạo nên dòng xoáy cuốn con người ta vào một thế giới chỉ biết đồng tiền mà quên đi cái hạnh phúc. Lâu lâu trên thế giới chúng ta lại nghe tin có một ông tỉ phú, một thương nhân giàu tự vẫn…vì họ giàu nhưng không được cái gọi là hạnh phúc và trong đó tình bạn là một phần không thể thiếu của cuộc sống này.

Tiền bạc ngày nay không có, ngày mai chúng ta có thể làm ra, nhưng tình bạn chân chính không phải chúng ta muốn có là được. Tới giờ này, tài sản lớn nhất của cuộc đời tôi đó là tình yêu thương của gia đình, làng xóm, bà con, đồng nghiệp và bạn bè.

Một buổi chiều ngồi buồn, tôi chợt giật mình khi biết mình đã bước qua tuổi 30: cái tuổi được xem là nửa đời người. Thấm thoát mà thời gian trôi qua nhanh thật. Nhìn lại bạn bè, ai cũng có chồng, vợ, con. Trong đầu tôi đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi: Mình tìm gì nơi phương trời xa xứ, lạnh lẽo và cô đơn này? Con đường mình đi có đúng không? Bao giờ mình được mái ấm như các bạn cùng trang lứa?…

Thời đại học tôi học ở Cần Thơ, học Thạc sĩ ở Hà Nội, quê thì ở Bến Tre, làm việc ở Đồng Tháp và bây giờ đang học nơi phương trời xa xứ. Hầu như tất cả các môi trường từ nhà trọ đến ký túc xá, từ tính nết của người miền xuôi đến miền ngược tôi đều sống được và hòa đồng với tất cả. Đó quy tắc sống, là một phần kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ ở đây để chúng ta nhanh chóng hòa nhập với tập thể mới cũng như sống tốt trong môi trường tập thể.

Gia Nhân
01-08-2014, 08:25 PM
(Tiếp theo)


1. Chủ động làm quen với mọi người trong môi trường mới


Trong mỗi người chúng ta, không ai hoàn thiện tuyệt đối cả, ai cũng có những mặt tốt và xấu. Người ta thường nói: “yêu thì cái gì cũng đẹp, ghét cái gì cũng xấu”. Mặc dù trước khi đến với môi trường mới, chúng ta cũng nghe nhiều về người này người kia thế này, thế nọ, nhưng tôi khuyên bạn hãy tiếp cận họ với một cái nhìn trung hòa.Khi đến với môi trường mới, chúng ta nên tìm cách tiếp cận và trò chuyện với tất cả những ai mà ta có thể. Chúng ta hãy chủ động làm quen với họ một cách cởi mở và chân thành. Sắp tới đây có nhiều bạn ra trường, khi đến với môi trường làm việc mới, các bạn nên nhớ nếu chúng ta không chủ động trong việc làm quen, chúng ta rất dễ bị cô lập, dẫn đến cô đơn, buồn chán và chúng ta sẽ rất khó hoàn thành được nhiệm vụ.

2. Đề cao tính tập thể


Các bạn thử nghĩ như thế nào về trường hợp sau: Có một anh sinh viên hôm nay mua được vài cân cam ngon, về phòng anh ta cứ ngồi ăn một mình, miệng thì cứ khen ngon quá. Anh ta chấm muối ớt và cứ “hít hà” trong khi các bạn khác trong phòng ngồi học mà lòng không yên.

Trong trường hợp này nếu anh sinh viên đó ở nhà một mình thì anh được phép làm thế nhưng khi ở tập thể, chúng ta không được phép làm vậy. Chúng ta sống trong tập thể chúng ta hãy gạt đi cái tôi quá lớn của riêng mình mà hòa nhập với cái chung của mọi người. Chúng ta phải biết đề cao cái chung, cái tập thể.

Sống trong kí túc xá, trong khu tập thể,….mỗi người có một tính cách khác nhau nhưng nếu chúng ta đề cao tính tập thể, chúng ta sẽ hòa nhập rất nhanh. Thường sống tập thể chúng ta sẽ gặp một số trường hợp sau:

- Lịch sinh hoạt và học tập: học vào khung giờ khác nhau, ngủ sớm, ngủ muộn, dậy sớm, dậy muộn,…do đó chúng ta làm gì cũng phải thật nhè nhàng, phải tôn trọng bạn cùng phòng.

- Đồ dùng chung: dao, chén, đũa, muỗng,…các bạn thử nghĩ nếu phòng mình ai cũng có một bộ như thế thì chỗ đâu mà để, do đó chúng ta phải chấp nhận dùng chung

- Bóng đèn: khi mọi người chưa ngủ thì bật đèn chung, còn khi có ai đó ngủ, chúng ta nên dùng đèn học cá nhân.

- Bật loa: mỗi người thích nghe một loại nhạc, xem một chương trình, khung giờ giải trí khác nhau, do đó chúng ta nên trang bị cho mình tai nghe là tốt nhất.

- Trực nhật phòng: Sống với nhau là cả một quá trình, không phải một ngày, một bữa do đó cần thiết phải phân công lịch trực nhật cụ thể và rõ ràng.

3. Nên tôn trọng cái riêng của mỗi người

Bên cạnh cái chung trên thì trong mỗi chúng ta ai cũng có cái riêng, những khoảng lặng và khung trời riêng để trải lòng sau ngày làm việc, học tập vất vả. Chúng ta nên tôn trọng cái riêng ấy không nên can thiệp vào, không ép tất cả phải quy vào cái chung. Nếu chúng ta không tôn trọng cái riêng dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa các thành viên.

4. Chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu, và giúp đỡ mọi người khi có thể

Sống trong tập thể khi có chuyện vui buồn, chúng ta đừng ngại ngần trải lòng mình.

Hôm nay chúng ta có chuyện vui, nỗi buồn, vậy tại sao chúng ta không mở lòng chia sẻ với mọi người? Làm được điều này bạn sẽ thấy tâm hồn mình thoải mái. Chính điều này sẽ giúp bạn thêm động lực phấn đấu nơi phương trời xa xứ vì bạn luôn có cảm giác thật bình yên, cảm giác gia đình mình đang bên cạnh.

Và ngược lại khi họ có chuyện vui buồn, chúng ta cũng nên lắng nghe và chia sẻ. Biết đâu chuyện buồn, vui của họ là một bài học cho mình.

Hãy chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu thì chúng ta mới có thể hòa hợp được. Đó cũng là cơ sở để sau này chúng ta tiến thân trên đường đời.

5.Chú ý cấp bậc khi giao tiếp và đừng dùng những lời bóng bẩy hay khích bác

Khi giao tiếp với người mới, thông qua các nguồn thông tin, chúng ta nên tìm hiểu sơ lượt về họ trước, đặt biệt là sở thích để cuộc nói chuyện chúng ta không bị nhàm chán.

Chúng ta không nên nói nửa chừng rồi dừng lại. Phải dùng lời nói rõ ràng, rành mạch để thu hút sự chú ý của người nghe. Dù người đối diện chúng ta đang nói về vấn đề gì, chúng ta hãy lắng nghe hết rồi chúng ta mới trình bày ý kiến mà mình dự định nói, không nên cắt ngang lời người khác.

Chúng ta nên nhớ tên và chú trọng cấp bậc để có cách xưng hô cho phù hợp. Khi giao tiếp chúng ta đừng dùng những lời nịnh nọt quá bóng bẩy hay khích bác gây khó chịu. Làm người ai cũng thích được khen, nhưngchúng ta phải biết điểm dừng. Khi chọn người vào vị trí lãnh đạo, phân công công việc không ai chọn người thường hay nịnh hót. Lời nói không mất tiền mua, do đó chúng ta lựa lời nói cho vừa lòng nhau và không nên bóng bẩy quá trớn.

6. Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng

Chúng ta thường nghe câu nói: “ một lần bất tính, vạn lần bất tin”. Là người chữ tín theo tôi là quan trọng nhất. Chúng ta muốn được mọi người tin tưởng, tôn trọng thì chúng ta không nên nói láo dù là nhỏ nhất. Niềm tin không phải tự nhiên mà có, chúng ta phải xây dựng cả một quá trình lâu dài. Đừng vì một chút đùa cợt mà đánh mất đi cái niềm tin mà ta dày công xây dựng.

7. Nói lời xin lỗi, sửa sai khi cần thiết, đừng cho rằng mình luôn đúng và biết học hỏi những cái hay của người khác để hoàn thiện mình

Đã là con người không ai luôn đúng cả. Điều quan trọng là khi chúng ta làm một điều gì đó sai, chúng ta phải mạnh dạn nói lời xin lỗi. Thất bại ấy sẽ làm động lực cho chúng ta tiến lên và không sai nữa. Không ai không bao giờ sai, chúng ta phải biết lắng nghe lời khuyên của mọi người, xem mình được ở điểm nào và không được ở điểm nào để từ đó khắc phục. Bên cạnh đó, cần phải học hỏi những cái hay, cái đẹp từ người khác để không ngừng hoàn thiện mình.

Nếu một ai làm gì đó sai, chúng ta đừng vội vàng kết tội, nên tìm hiểu nguyên nhân, nhẹ nhàng động viên, khuyên bảo. Chúng ta cũng nên nói ra, nhưng phải đúng lúc, đừng để sự kìm nén trong lòng lâu ngày sẽ dẫn đến “bong bóng bị vỡ” thì tình bạn sẽ không còn nữa.

8. Hãy sống và xây dựng khối đoàn kết, tinh thần trách nhiệm với tập thể

Đôi khi là những câu chuyện vui, ngồi xem bóng đá cùng nhau, ngồi uống nước và nói chuyện hòa đồng với tất cả mọi người, đó cũng là một cách hay để ta xây dựng mối đoàn kết. Chúng ta không nên nói xấu người nào đó khi vắng mặt họ. Khi tập thể có phong trào, chúng ta nên tham gia tích cực vì đây là cơ hội để chúng ta hòa nhập thật nhanh. Điều tối kị trong tập thể là không nên chia bè phái, vì nếu như thế sẽ dẫn đến một bầu không khí căng thẳng, công tác và học tập sẽ không đạt kết quả cao, không hoàn thành nhiệm vụ.

Sống trên đời có 9 người thì đã có tới 10 ý, điều quan trọng là ở mỗi chúng ta. Các bạn đọc và cảm nhận nó ra sao tùy thuộc vào bạn. Trên đây chỉ là quan điểm sống và một số kinh nghiệm mà tôi từng trải, xin nêu ra để chúng ta tham khảo và sống tốt hơn trong môi trường tập thể. Tôi và các bạn đang sống xa quê hương, gia đình, phải học tập nơi đất khách quê người vậy tại sao chúng ta không đoàn kết thành một tập thể thống nhất, một tổ chức vững mạnh, sống vui, hòa hợp và đoàn kết? Thay lời kết : “đừng hỏi mọi người làm gì cho mình, mà hãy hỏi mình đã làm gì cho mọi người”.

Chúc các bạn đạt kết quả cao trong học tập, ra trường tìm được việc làm phù hợp với mình và luôn thành công trên đường đời!