PDA

View Full Version : Lể các Đẳng : Thiên Đàng Tình Thương (Mt 25, 31-40)



xoicucnong
02-11-2008, 07:52 PM
http://daminhvn.com/upload/news//tm/cng10.jpg

Px. Đào trung Hiệu op

Ai trong chúng ta cũng có nhiều kỉ niệm thời thơ ấu khó quên trong đời. Thuở còn nhỏ tôi được các trẻ trong xóm, mà đặc biệt đó là những những trẻ bạn ngoại giáo, dạy cho tôi một trò chơi dân gian “có đạo”, đó là trò chơi “thiên đàng – địa ngục”. Trong trò chơi này, có hai em chống tay tại thành một cái cổng gọi là “cổng thiên đàng”, rồi tất cả lũ lượt xếp hàng đi qua cái cổng đó, vừa đi vừa đọc như sau :

“Thiên đàng địa ngục hai bên,
Ai khôn thì lại, ai dại thì sa,
Đêm ngày nhớ Chúa nhớ Cha,
Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi nào chết được lên thiên đàng”

Cách đi cũng hơi giống trò chơi “rồng rắn đi đâu ?”. Tất cả vừa đi vừa hát vừa trông chừng, cổng thiêng đàng có thể bị đóng bất ngờ, ai nhanh chân thì được vào thiên đàng, ai chậm chân sẽ bị chặn lại và loại ra.

Càng lớn lên tôi càng khâm phục các cố ngày xưa. Thông qua hình thức trò chơi dân gian, với những lời lẽ đơn sơ mộc mạc, các cố đã chuyển tải cho thế hệ trẻ những nội dung giáo lý cơ bản nhất của niềm tin Công giáo. Ít ra trong bài hát trò chơi ấy tôi rút được năm bài học sau :

Trước tiên bài học về linh hồn bất tử, nếu “thiên đàng hỏa ngục đôi quê” thì trần gian chỉ là cuộc hành trình về quê thật. nơi người ta chỉ có thể đến được sau cái chết. “Đến khi nào chết được lên thiên đàng”.

Thứ đến bài ca vè dân gian ấy phác họa đôi nét nhưng cũng rất ấn tượng về thiên đàng hỏa ngục : đó là hai nơi riêng biệt, khác hẳn nhau, ngược với nhau. Một là cõi phúc con người cần phải hướng đến, một lại đầy bất hạnh, ví như vực thẳm mà ta phải thận trọng trong đời sống kẻo “bị sa xuống có ngày”.

Thứ ba là bài học sống đạo hiếu của dân Việt. Thảo kính với Cha trên trời và hiếu đễ với tổ tiên qua câu “Đêm ngày nhớ Chúa, nhớ cha”. Sống đạo như thế là tin tưởng gắn bó ngày đêm vào Chúa, là trông cậy phó thác ông bà cha mẹ ta, những người đã khuất cho tình yêu của Ngài.

Tiếp đến, thiên đàng hỏa ngục, nơi thuởng phạt, xét cho cùng lại tùy thuộc vào quyết định của chúng ta, qua hình ảnh kẻ khôn người dại. “Ai khôn thì lại, ai dại thì sa”. Thuật ngữ gợi ta nhớ đến dụ ngôn các cô trinh nữ khôn ngoan và khờ dại cầm đèn đi đón chú rể đến trễ.
Và cuối cùng chân dung người khôn ấy được mô tả khá cụ thể là kẻ : luôn hướng lòng về Chúa và việc “đọc kinh cầu nguyện” … và thái độ tỉnh thức “linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi nào chết được lên thiên đàng”.

Thưa quý ông bà và anh chị em, có lẽ trong chúng ta, ai cũng đã từng trải qua kinh nghiệm chiến thắng được cám dỗ nhờ nhớ đến thiên đàng hỏa ngục, nhờ đến đời sau, nhớ đến đấng thuởng phạt vô cùng.

Có một câu chuyện kể về một linh mục, trong đại lễ Kitô Vua, sau khi đọc bài tin mừng chúng ta vừa nghe về cuộc phán xét cuối cùng. Đã tìm cách nhập đề bài giảng bằng hình thức đối thoại như sau.

- Anh chị em thân mến, chúng ta vừa nghe đoạn phúc âm kể về thiên đàng hỏa ngục, xin hỏi có ai trong anh chị em muốn xuống hỏa ngục không ? Nếu có, xin mời người đó đứng lên.

Chờ đến ba phút sau, cha sở mới nói : “Anh chị em thấy đó, ai cũng muốn lên thiên đàng…”. Nhưng bỗng nhiên có một giáo dân rón rén đứng lên, khiến cha sở rất đỗi ngạc nhiên : “Ủa, vậy ra ông muốn xuống hỏa ngục thật hả ?”.

Người giáo dân đó đáp : “Thưa cha, không. Nhưng con thấy cha đứng một mình cô đơn tội nghiệp quá.”
….


Thiên đàng Hỏa ngục cũng là nội dung chính bài tin mừng về ngày chung thẩm chúng ta vừa nghe. Có điều trong quá khứ đôi khi người ta quá nhấn mạnh về sự khủng khiếp của hỏa ngục : nơi khóc lóc nghiến răng, nơi lửa không hề tắt, nơi nặng mùi diêm sinh và gió nóng. khiến bộ mặt nhiều tín hữu toát ra vẻ buồn sầu sợ hãi thay vì phản ánh niềm vui của ơn cứu độ.

Thực ra, Đức Kitô chỉ đề cập đến hỏa ngục sau khi nói về niềm vui thiên đàng. Ngài dạy ta cách tránh họa để được phúc. Và con đường đưa đến cõi phúc ấy, theo Ngài, chỉ dựa trên một điều duy nhất đó là tình yêu. Tất cả các lề luật và ngôn sứ cũng đều quy về một điều thôi, là “yêu thương”. Và như vậy, những ai suốt đời sống yêu thương thì phần thuởng của họ là được vào bàn tiệc tình thương. Ngược lại kẻ suốt đời từ chối yêu thương, chỗ họ phải tới sẽ là nơi toàn oán ghét hận thù.

Như vậy, Đức Kitô nói đến mục đích tối hậu Chúa muốn cho con người là hạnh phúc vĩnh cửu. Hạnh phúc Ngài đã chuẩn bị cho ta từ thuở đời đời. “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy vào thừa hưởng phần thuởng đời đời dọn sẵn cho các ngươi từ tạo thiên lập địa”.

Mà con đường đi đến đó, chính chúng ta có thể chủ động được. Con đường ta phải chọn để bước đi, đó là con đường sống yêu thương. “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn. Ta khát, các ngươi đã cho uống. Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc. Ta bị tù đầy, các ngươi đã thăm viếng”.

Rồi Ngài giải thích “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Trong ngày lễ cầu cho các linh hồn hôm nay. Chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên nội ngoại, cho ông bà cha mẹ, cho thân bằng quyến thuộc, cho ân nhân bạn hữu, cho những người chúng ta quen biết và cả những linh hồn không ai nhớ đến... Tất cả được hưởng nhan thánh Chúa.

Chúng ta cũng cầu nguyện để mỗi người chúng ta biết sống sao cho xứng đáng, đặc biệt sống giới luật "mến Chúa yêu người" hầu đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là điều Đức Kitô muốn trao tặng cho chúng ta, khi Ngài chịu chết để cứu độ chúng ta.


Px. Đào trung Hiệu op

xoicucnong
02-11-2008, 07:57 PM
Lần đầu e post vô bõ này...mong mọi người thương tình ủng hộ!!!

lanhvananh
02-11-2008, 09:09 PM
Trong ngày lễ cầu cho các linh hồn hôm nay. Chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên nội ngoại, cho ông bà cha mẹ, cho thân bằng quyến thuộc, cho ân nhân bạn hữu, cho những người chúng ta quen biết và cả những linh hồn không ai nhớ đến... Tất cả được hưởng nhan thánh Chúa.
Chúng ta cũng cầu nguyện để mỗi người chúng ta biết sống sao cho xứng đáng, đặc biệt sống giới luật "mến Chúa yêu người" hầu đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là điều Đức Kitô muốn trao tặng cho chúng ta, khi Ngài chịu chết để cứu độ chúng ta.
- Ngày mai, 03-11, lễ Thánh Mattinô, chúng ta hãy cùng cầu xin cùng Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh nhân, thương đến nước Việt Nam chúng ta. Cách riêng thương đến thủ đô Hà Nội đang chịu cơn lũ lịch sử, như Thánh nhân đã thương đến thủ đô Li-ma, Pê-ru của người!