PDA

View Full Version : Thứ Tư Tuần XXIV Mùa Thường Niên Năm chẵn - Ngày 17/9 Thánh Roberto Bellarmino, GM, tiến sĩ.



phale
16-09-2014, 06:32 PM
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 12, 31 - 13, 13
"Đức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát hết gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.

Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ, tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 2-3. 4-5. 12 và 22
Đáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran. - Đáp.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Đáp.

3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làmcơ nghiệp riêng mình. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Đáp.

ALLELUIA: Tv 147, 12a và 15a
Alleluia, alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Đấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 7, 31-35
"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:

'Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. 'Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc'.
Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: 'Người bị quỷ ám'. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: 'Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi'. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net (http://www.thanhlinh.net/node/26574)

phale
16-09-2014, 06:59 PM
Gợi ý suy niệm:

Thói thường, con người ta dễ lấy mình làm trung tâm và muốn áp đặt tư tưởng và hành động của mình lên người khác.

Giống như bọn trẻ con thổi sáo giả bộ đám cưới đòi người khác hát, ca bài đưa đám giả bộ buồn bắt người khác khóc theo… với một hoàn cảnh không thực tế. Trong ý thức hệ của người Do Thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Pharisiêu giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Mesia giàu sang chứ không khắc khổ kiểu Gioan Tẩy Giả và làm bạn với bậc đế vương, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ, kể cả Chúa Giêsu.
Còn chúng ta? Chúng ta có đưa ra những hình mẫu và lối sống để bắt người khác phải theo mình, thay vì mình phải biết thay đổi? Chúng ta thuận theo ý Chúa hay bắt Chúa phải theo ý mình?

Có câu chuyện kể rằng: ngày nào bà vợ cũng chỉ cho chồng xem tường và cửa sổ của nhà hàng xóm quá bẩn và chê bai người nhà hàng xóm lười biếng, thế rồi một hôm, ông chồng phát hiện ra cánh cửa kiếng nhìn ra nhà hàng xóm của mình bám đầy bụi bẩn, ông vội lau sạch và nhìn ra thì thấy nhà hàng xóm sạch sẽ không như bấy lâu nay vợ ông nghĩ.
Với một người luôn nghĩ xấu thì nhìn đâu cũng thấy rác, suy bụng ta ra bụng người, mình có ý nghĩ xấu nên cứ tưởng người ta cũng xấu như mình.
Khi trong mình tư tưởng ghanh ghét và thành kiến, thì dù đối tượng có tốt thế nào đi nữa, dưới con mắt biệt phái cũng xấu và tìm mọi lý lẽ để chê bai kết án:
Ông Gioan ăn chay khắc khổ thì bảo là lập dị và bị ma ám.
Chúa Giêsu hoà đồng ăn uống thì cho là mê ăn và bợm nhậu.
Còn chúng ta?
Một linh mục hay vị nào đó đạo đức thì dễ bị coi là thiếu quan tâm và xây dựng giáo xứ, ngược lại, một vị hoà đồng với mọi người thì dễ bị đánh giá là thiếu tư cách… “Không ưa thì đổ cho dưa thối”, kiêng khem thì bị coi là đạo đức giả, hoà đồng thì kết án là thiếu đứng đắn…
Thật vậy, khi chúng ta thiếu thiện cảm và cố chấp, thì mọi cái nhìn của chúng ta sẽ dễ bề xuyên tạc, gièm pha và kết án…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết dẹp bỏ ý riêng mình, để ý Chúa được thể hiện. Xin cũng cho chúng con biết nhìn mọi sự bằng ánh mắt yêu thương của Chúa, để mọi điều xảy ra đều có ý nghĩa tích cực, mang lại niềm vui cho cuộc sống chúng con. Amen.

Bảo_†_Lâm