PDA

View Full Version : "Kinh Mân Côi Sống"; "Đặc Sủng - Charisms"; "Từ Giọng Hát Em".



T Phương Đông
08-10-2014, 09:18 PM
Kính gởi Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Anh Chị em,bài chia sẻ : - “Kinh Mân Côi Sống ”- “Đặc Sủng-Charisms”- “Từ Giọng Hát Em”để cùng chia sẻ, hiệp thông và cầu nguyện Kính chúc tràn đầy Ân Sủng và Bình An nơi Lòng Chúa Thương Xót, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi.
Lm. Giuse Trần Đình LongDòng Thánh Thể
“Hôm nay, Chúa phán với tôi, con là niềm hoan lạc và vui sướng của Cha, không gì có thể cản ngăn Cha ban phát ơn thánh cho các con. Con hãy viết rằng linh hồn nào càng khốn nạn, càng có quyền lớn hơn trên Lòng Thương Xót của Cha. Con hãy hối thúc các linh hồn hãy tín thác vào vực thẳm lòng từ ái vô tận của Cha, vì Cha muốn cứu vớt tất cả. Trên thập giá, nguồn mạch xót thương của Cha đã được lưỡi dòng khai mở cho hết mọi linh hồn – Cha không loại trừ bất kỳ một ai!” (NK, 1182)

Bạn bè mấy kẻ đá vàng,
hòng khi mưa nắng lỡ làng cậy nhau.
Khi vui thì vỗ tay vào,
đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.
BÍ QUYẾT ĐỂ GIỮ TÂM HỒN BÌNH YÊN

1- Tránh xa những cuộc đối thoại tiêu cực và người tiêu cực.
2- Đừng ôm ấp hận thù và sự giận dữ. Học cách quên lãng và biết tha thứ.
3- Đừng ganh tị với người khác.
4- Hãy chấp nhận những gì không thể thay đổi.
5- Hãy học kiên nhẫn hơn và tha thứ bao dung hơn với con người và sự việc.
6- Đừng nhìn sự vật, sự việc dưới quan điểm cá nhân, phiến diện từ một phía.
7- Đừng chìm đắm vào quá khứ mà bỏ quên hiện tại và làm ảnh hưởng đến tương lai.
8- Học cách thả lỏng tinh thần, trong một ngày hãy dành cho mình ít nhất là 10 phút để nhìn lại, để thư giãn tinh thần giữa nguồn sống hối hả. Không ai có thể cho bạn sự bình yên ngoài chính bạn.
Nobody can bring you peace but yourself.
Ralph Waldo Emerson

T Phương Đông
08-10-2014, 09:21 PM
KINH mân côi SỐNG – SỐNG KINH MÂN CÔI




Lm. Giuse Trần Đình Long, sss

“Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo Lời Ngài” (Lc 1.38)
Lời này, một lời này thôi đã làm thay đổi thế giới, làm thay đổi cả vị trí của loài người.
Khi Đức Trinh Nữ Maria đáp trả với tất cả sự tự do của mình bằng lời trên đây, thì Thiên Chúa đã làm được mọi sự tốt lành của Ngài cho nhân loại, và cho cả chính Đức Maria nữa.
Thiên Chúa dựng nên chúng ta, không cần chúng ta, nhưng khi Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người, thì lại cần sự cộng tác của chúng ta với Ngài.
Đức Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa, nhưng sự cộng tác của Đức Mẹ khác với chúng ta. Sự cộng tác của Đức Mẹ là tích cực, vì Mẹ đã tin tuyệt đối, đã bỏ ngỏ đời mình cho Thiên Chúa tái tạo bằng quyền năng và lòng thương xót của Ngài chứ không phải bằng sự cố gắng đạo đức lập công nghiệp của Mẹ. “Xin hãy thành sự cho tôi theo Lời Ngài”, đó là lời thưa của Đức Mẹ. Còn Thiên Chúa, qua lời bà Isave đã nói với Đức Maria rằng : “Phúc cho Bà, là kẻ đã tin” (Lc 1,45). Việc cộng tác của Đức Mẹ là như thế. Còn cách cộng tác của tôi với Thiên Chúa thì ngược lại. Tôi không bỏ ngỏ đời mình cho Chúa hoạt động. Tôi muốn cộng tác bằng việc làm để tự khẳng định mình, bằng niềm hãnh diện tự hào về đạo đức của mình, và đôi khi bằng cả tiền bạc mánh mung nữa. Tôi vẫn lấy danh nghĩa là “để làm sáng danh Chúa” nhưng thực ra chỉ để “sáng danh tôi” mà thôi. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã gặp rất nhiều trở ngại trong việc tái tạo con người tôi. Vì ý của Thiên Chúa luôn bị tôi loại trừ, bóp méo, hoặc bị đặt xuống hàng thứ yếu.
Tháng 10, tháng Mân Côi, tôi được mời gọi đến học cùng Đức Maria và nhìn vào Thánh Đaminh, người đã khởi xướng ra việc suy niệm những mầu nhiệm kinh Mân Côi để “sống kinh Mân Côi”, hay nói cách khác cho lời “kinh Mân Côi được sống” trong tôi.
Vào những năm đầu của thế kỷ XIII, khi đặt chân lên đất Pháp, thánh Đaminh đã phải chứng kiến cảnh hoang tàn của Giáo Hội ở miền Languedoc do bè rối Albigeois gây ra. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuyết nhị nguyên, bè rối này coi tất cả những gì thuộc về thể xác hay trần thế đều do ma quỷ làm ra và thống trị, do đó bản chất nó là xấu. Lúc đó khắp vùng này bị ảnh hưởng tinh thần bi quan, yếm thế. Người ta chỉ lo hãm mình phạt xác, và thấy cuộc đời chỉ còn là một màu đen tăm tối. Liều thuốc thần diệu chữa trị căn bệnh bi quan do bè rối Albigeois gây ra đó chính là kinh Mân Côi.
Kinh Mân Côi bắt nguồn tại các vùng tây bắc Châu Âu từ phong tục kết những vòng triều thiên hoa hồng để đội lên đầu Đức Mẹ trong những buổi hành hương, hay trong những nghi thức ngoài phụng vụ, rồi người ta nhảy múa, ca hát bằng tiếng bản xứ. Dần dần khi hoàn cảnh không cho phép, người ta đọc phần đầu kinh Kính Mừng thay thế cho những bông hoa hồng để trở thành kinh Mân Côi, với những hình thức rất phong phú, linh động.
Kinh Mân Côi lúc đó mới chỉ là một hình thức diễn tả lòng sùng kính đơn sơ, chất phác, có tính cách tình cảm đối với Đức Mẹ. Tới Languedoc miền nam nước Pháp, Thánh Đaminh thấy một bên là cảnh hoang tàn của Giáo Hội do bè rối Albigeois gây ra, một bên là lòng đạo của những người dân mộc mạc, chưa được hướng dẫn đúng cách và đúng mức. Một số nhà truyền giáo Tây Ban Nha thức tỉnh, đã lên tiếng khuyến cáo Giáo Hội địa phương vùng đó rằng : “Các ngài hãy gạt bỏ sự thánh thiện giả tạo của mình ra một bên đi. Các ngài hãy xem những người dân chất phác đang bị bọn lạc giáo lôi kéo bằng sự nghèo khó và thánh thiện của Phúc âm Chúa Kitô kìa !” Thánh Đaminh cũng là một trong những người công bố lời khuyến cáo này vào những ngày đó. Như vậy, phải công nhận rằng đời sống và cách rao giảng của các vị giáo sĩ thời đó (có thể cả thời nay nữa) đã làm cho người ta chán ngán, cho nên khi có ai dùng Kinh Thánh hay phép lạ để làm chiêu bài, thì người ta đi theo như nước chảy.
Thực ra, mọi thời và mọi nơi, chỉ có một con người duy nhất là Đức Giêsu Kitô mới có thể cuốn hút, lôi kéo người ta. Cho nên phương cách để người ta khỏi rơi vào các lạc thuyết thời xưa cũng như ngày nay chính là làm sáng tỏ chân lý Tin Mừng bằng cách trình bày một giáo lý trung thực với Lời Chúa qua phương tiện sẵn có là kinh Mân Côi. Vấn đề của chúng ta ngày nay là làm sao nâng cao tình cảm đạo đức và lòng sùng kính của người tín hữu lên bình diện một lòng tin yêu có nền tảng vững chắc trong Tin Mừng, được thể hiện qua những biến cố lịch sử của cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Chính niềm vui này mới đánh tan được nỗi bi quan yếm thế luôn ám ảnh người tín hữu, nhất là khi họ ốm đau bệnh tật rồi chạy đi hết nơi này đến nơi kia xin khấn mà không được như ý mình. Buồn lòng hơn nữa là có nhiều kẻ lợi dụng lòng tin đơn sơ của bá tánh bày ra nhiều cách chữa bệnh mang tính mê tín. Bệnh nào cũng chỉ cần vị đó vỗ vào trán 3 cái, hoặc mua nước lã chữa bệnh mà phải do chính tay vị ấy đưa thì mới.. thiêng ! Nếu muốn chắc ăn hơn nữa bệnh nhân mua tấm hình của vị đó đang ngồi thiền về cầu nguyện thì bệnh nào cũng khỏi ! Vị khác thì chữa bệnh bằng cách chỉ cần đưa tấm ảnh của bệnh nhân lên đọc xầm xì vài câu rồi tuyên bố cứ về nhà là khỏi bệnh!
Sống kinh Mân Côi là làm cho những lời kinh đó trở thành một phương tiện loan báo Tin Mừng chứ không chỉ là một hình thức sùng kính Đức Mẹ. Kinh Mân Côi sống chính là phương tiện bồi dưỡng đức tin chứ không chỉ còn là một sinh hoạt đạo đức có tính cách tình cảm nhất thời. Trọng tâm của việc lần chuỗi đó phải là một cách thế để gặp gỡ, kết hợp với chính Đức Kitô, Đấng “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6), và nhờ đó mà con người được thoát khỏi mọi sự lầm lạc, và không để người khác lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ mà gieo rắc hoang mang hay trục lợi (Ga 8,32).
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chính Ngài là Tin Mừng cho mỗi người và mọi người. Không có lý thuyết nào, không có đạo đức nào là Tin Mừng cho chúng ta cả. Vì trong sâu thẳm của tâm hồn, mỗi người chỉ có thể được nghỉ yên thanh thản khi gặp gỡ được con người Giêsu đó và sống với Ngài.
Những người chép hạnh thánh, thường thích tô vẽ cho ông thánh, bà thánh của mình những kỳ công nhân đức, những phép lạ khác thường mà bỏ quên đi điều rất căn bản và hết sức quan trọng, là các thánh cũng chỉ là những tạo vật tối tăm như chúng ta, nhưng biết cúi đầu khiêm tốn trước Đức Giêsu Kitô. Các ngài đã tin vào tình yêu thương của Đức Giêsu, rồi phó thác, bỏ ngỏ đời mình cho Ngài dẫn dắt, điều khiển và thông ban quyền năng lòng mến của Ngài cho. Từ đó chính sự sống, sự sáng, sự thánh thiện của Đức Kitô đến trên các vị đó. Càng bỏ ngỏ đời mình cho Đức Giêsu bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu. Càng cố gắng để hợp tác với Thiên Chúa bao nhiêu càng thánh bấy nhiêu. Đức Giêsu đã làm như thế với Cha của Ngài. Ai muốn thánh thì cũng phải làm như vậy với Chúa Giêsu. Noi gương Đức Mẹ, Thánh Đaminh đã đi con đường nghèo hèn khiêm tốn trước mặt Chúa, cậy nhờ vào sự sống và lòng mến của Chúa Giêsu, cho nên đã trở thành công cụ dễ dàng để kinh Mân Côi được rao giảng.
Khi cho phổ biến một công việc đạo đức nào để thực hiện khắp hoàn cầu, thì trước hết Hội Thánh phải đi về nguồn, xin Chúa Thánh Thần soi tỏ để nhìn xem việc đạo đức ấy có xuất phát từ Đức Giêsu không ? Có xuất phát từ Kinh Thánh hay không ?
Vậy khi chấp thuận và cổ võ việc rao giảng và lần hạt Mân Côi ở đầu thế kỷ XIII, Hội Thánh cũng phải nhìn trong việc đạo đức này rọi sáng ánh phục sinh của thập giá Đức Kitô, và các tín hữu khi thực hành việc này phải hưởng nhờ được ân huệ của Chúa Thánh Thần. Ơn đó là ơn gặp được Đức Kitô.
Đức Maria khi hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima cũng khuyên nhủ giáo dân lần hạt Mân Côi: “Các con hãy lần hạt với trái tim!” Dạy chúng ta lần chuỗi Mân Côi là dạy chúng ta bắt chước Mẹ, bé mọn sấp mình xuống đón nhận tình thương của Thiên Chúa. Đón nhận tình thương Thiên Chúa là đón nhận Đức Giêsu Kitô, để thấm cuộc đời chúng ta vào ý Cha, như Đức Kitô đã sống suốt đời Ngài bằng ý Cha, từ nhập thể, qua thánh giá đau thương tủi nhục, đến phục sinh vinh quang, và ban Thánh Thần cho cả nhân loại tội lỗi, trong đó có chúng ta.
Đức Mẹ đã sống như vậy, thì hôm nay cả hồn và xác Mẹ cũng được vinh quang như Đức Giêsu Kitô. Nếu đi vào con đường Giêsu như Đức Maria, chúng ta cũng được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu phục sinh như Đức Mẹ. Tuy nhiên nếu khi lần hạt mà tôi lại đi con đường khác, nghĩa là tôi đọc sao cho nhiều lần, nhiều chục trong ngày để nơi kho thiêng liêng của tôi chất đầy công phúc. Và tôi nghĩ rằng khi ra trước tòa phán xét, nếu bên cán cân tội của tôi có nặng hơn bên phúc, thì Đức Mẹ sẽ lấy những tràng hạt, nhiều vô số kể, tôi đã đọc khi còn sống, đặt vào bên đĩa cân phúc nhẹ tênh của tôi. Lúc đó phúc lộc của tôi sẽ nặng xuống, cửa nước trời rộng mở, và tôi sẽ thênh thang hoan hỷ bước vào thiên đàng trước sự bực tức của ma quỷ, và trước con mắt ngỡ ngàng của các Thiên Thần.
Nếu nghĩ như thế thì việc vào thiên đàng thực sự là do công của tôi, là việc riêng của tôi với Đức Maria, và cuộc tử nạn thập giá phục sinh của Đức Kitô để cứu chuộc tôi, thật sự chẳng dính dấp gì vào đời tôi cả !
Trong tiệc cưới Cana, Đức Maria đã chỉ Đức Giêsu cho gia đình hết rượu mà nói : “Ngài bảo gì hãy làm như vậy.” Chúng ta là những cái bình lạnh lẽo thiếu rượu nồng của lòng mến và sự bình an. Đức Maria dạy chúng ta lần hạt để gặp được Đức Giêsu con của Mẹ, để chúng ta được sự bình an, lòng yêu mến, và sự sống của Đấng phục sinh nơi thân xác linh hồn già nua khô héo nghèo nàn của chúng ta. Như vậy là chúng ta gặp được ơn cứu độ và đã đang ở trong Nước Thiên Chúa.
Lần hạt nhiều mà không thay đổi lòng dạ mình nên giống Đức Maria, không thấy lòng mình khao khát Đức Giêsu Kitô, là tôi chỉ mới làm một việc đạo đức để lập công, tôi chưa đích thực đi vào ơn cứu độ. Như thế tôi chưa sống chuỗi Mân Côi hay lời kinh Mân Côi chưa sống trong tôi. Tôi mới chỉ yêu mến Mẹ bằng môi bằng miệng mà thôi.
“Đức Bà làm cho chúng con vui mừng. Cầu cho chúng con.”
Lạy Mẹ Maria, khi Mẹ đưa con đến được với Lòng Thương Xót của Chúa, thì Mẹ làm cho chúng con vui mừng, và Mẹ cũng là Nữ Vương ban sự bình an cho chúng con nữa. Amen.


*****

T Phương Đông
08-10-2014, 09:23 PM
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Giáo Hội - Bài 7: Đặc Sủng (Charisms)
Thứ Tư 1/10/2014

Anh Chị Em thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng,

Từ ban đầu, Chúa đã tuôn đổ tràn đầy Giáo Hội các tặng ân của Thần Linh Ngài, nhờ đó Người đã làm cho Giáo Hội luôn sinh động và sai trái. Trong những tặng ân này nổi bật là một số tặng ân đặc biệt quí báu cho việc xây dựng và cuộc hành trình của cộng đồng Kitô giáo: chúng là các đặc sủng (charisms). Trong bài giáo lý này, chúng ta cần phải tự hỏi đặc sủng thực sự là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra nó và nhận lãnh nó? Và nhất là trong Giáo Hội xảy ra sự kiện là có đa dạng và dồi dào các đặc sủng thì phải chăng sự kiện ấy được coi là những gì tích cực tốt lành hay lại là một vấn đề ?
Theo ngôn ngữ thường tình thì một khi nói đến "charism" thì thường được hiểu như là một tài năng, như là một khả năng tự nhiên. Bởi vậy mới có câu: "Anh ta là một con người có thiên khiếu - he is a charismatic person" khi gặp một người đặc biệt minh tường và năng động. Tuy nhiên, theo quan điểm Kitô giáo thì charism là một điều gì đó hơn cả phẩm tính cá thể nữa, một phú bẩm con người có thể được ban cho. Charism là một ân sủng, một tặng ân do Thiên Chúa Cha ban cho qua tác động của Thánh Linh. Nó là một tặng ân được ban cho ai đó không phải vì họ khá hơn những người khác hay vì họ đáng nhận được nó: nó là một tặng ân Thiên Chúa thực hiện để Ngài, bằng cùng một lòng ưu ái và cùng một tình yêu thương, có thể sử dụng nó để phục vụ toàn thể cộng đồng cho lợi ích của tất cả mọi người.
Cần phải nhấn mạnh ngay đến một điều đó là sự kiện người ta không thể biết được những gì mình có nếu họ nhận được đặc sủng và là đặc sủng nào. Chính ở trong cộng đồng mà các tặng ân do Chúa Cha tràn xuống trên chúng ta ấy tuôn chảy và nở hoa; và chính trong lòng của cộng đồng mà người ta nhận ra các tặng ân ấy như là một dấu chỉ về tình yêu của Ngài đối với tất cả mọi con cái của Ngài. Bởi vậy mỗi người chúng ta cần tự hỏi mình rằng: "Phải chăng có một đặc sủng nào đó được Chúa ban cho xuất hiện nơi tôi, theo ân sủng của Thần Linh của Ngài hay chăng, và đặc sủng nào đã được anh chị em của tôi trong cộng đồng Kitô hữu đã nhận thấy nơi tôi và phấn khích tôi? Tôi đang tác hành ra sao với tặng ân này: tôi có sống tặng ân này một cách quảng đại, bằng cách mang ra phục vụ tất cả mọi người hay chăng, hoặc tôi coi thường nó tới độ lãng quên nó? Có thể nó trở thành lý do kiêu hãnh nơi tôi cho đến độ tôi luôn thương hại những người khác và đến độ cho rằng đường lối của tôi là những gì cần phải được thực hiện trong cộng đồng?"
Tuy nhiên, cảm nghiệm tuyệt vời nhất đó là nhận thức được việc Chúa Cha làm tràn đầy Giáo Hội của Ngài bằng nhiều đặc sủng khác nhau và nhiều tặng ân của Thần Linh Ngài! Điều này không được coi như là lý do cho việc nhầm lẫn, cho thái độ ngượng ngùng: chúng tất cả đều là tặng ân Thiên Chúa thực hiện cho cộng đồng Kitô giáo, để cộng đồng này có thể tăng trưởng một cách hòa hợp trong đức tin và trong tình yêu thương của Ngài, như là một thân thể duy nhất, Thân Thể của Chúa Kitô. Bởi thế, trước tính chất dồi dào của đặc sủng, tâm hồn của chúng ta cần phải cởi mở hân hoan và chúng ta cần phải nghĩ rằng: "Thật là một điều tuyệt vời. Thật là nhiều tặng ân khác nhau, vì tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, và tất cả đều được yêu thương một cách đặc biệt". Thế nên thật khốn thay khi những tặng ân này lại trở thành lý do ghen tương và chia rẽ! Tông Đồ Phaolô đã nhắc nhở chúng ta trong thư Thứ Nhất của ngài gửi tín hữu Côrintô, đoạn 12, đó là tất cả mọi đặc sủng đều quan trọng trước nhan Thiên Chúa, đồng thời cũng chẳng có ai lại bất khả thay thế. Tức là trong cộng đồng Kitô hữu chúng ta đều cần đến nhau, và hết mọi tặng ân lãnh nhận được chỉ trọn vẹn tác hành một khi nó được chia sẻ với anh chị em khác cho lợi ích của tất cả mọi người. Đó là Giáo Hội! Khi Giáo Hội thể hiện mình nơi mối hiệp thông, qua các đặc sủng khác nhau thì Giáo Hội không thể nào sai lầm: đó là vẻ đẹp và sức mạnh của the sensus fidei, cái cảm thức siêu nhiên của đức tin, những gì được Thánh Linh ban cho để cùng nhau tất cả chúng ta có thể tiến vào tâm điểm của Phúc Âm và có thể theo Chúa Giêsu trong đời sống của chúng ta.

Các bạn thân mến,
hãy lưu ý tới những gì Chúa muốn chúng ta hôm nay đây, đó là hãy nhận thức một cách hân hoan và tri ân các đặc sủng khác nhau được Ngài phân phối trong cộng đồng, hãy sống cho nhau theo thừa tác vụ và các dịch vụ chúng ta được kêu gọi. Có thế Giáo Hội mới tăng trưởng nhờ ân sủng của Chúa mình, và trở thành dấu chỉ khả tín và chứng từ sống động của tình yêu Thiên Chúa trong mọi lúc và hết mọi nơi.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.zenit.org/en/articles/full-text-of-pope-s-general-audience-catechesis-oct-1 (http://www.zenit.org/en/articles/full-text-of-pope-s-general-audience-catechesis-oct-1)
(nhan đề và những chỗ in nghiêng mầu là do tự ý của người dịch)

T Phương Đông
08-10-2014, 09:25 PM
TỪ GIỌNG HÁT EM Ôm ấp vỗ về những đứa trẻ kháu khỉnh bụ bẫm, ai cũng thích và ai cũng có thể làm được. Tôi cũng thế. Tôi rất thích trẻ em, nhưng chúng phải sạch sẽ, xinh xắn dễ thương cơ! (Đừng vội mắng tôi khi tôi dám nói thực lòng). Tôi rất sợ những trẻ mồ côi, khuyết tật… Không phải tôi “chảnh”, nhưng vì tôi quá nhút nhát và nhạy cảm, tôi không đủ can đảm chạm đến các em. Tôi sợ phải đối mặt, sợ phải nhìn những thương tật mà các em phải gánh chịu bằnh ánh mắt thương hại, bởi chính tôi không bao giờ muốn mình phải chịu những nỗi đau đó. Tôi có thể và sẵn lòng đóng góp tiền của cho những chuyến công tác bác ái xã hội, nhưng bản thân tôi chưa một lần trực tiếp tham gia đi thăm các em với mọi người. Tôi là một người tân tòng, đang tham gia sinh hoạt trong một cộng đoàn. Thỉnh thoảng Đoàn chúng tôi cũng tổ chức những chuyến đi bác ái, giúp đỡ người nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi khuyết tật… Đã nhiều lần tôi từ chối không tham gia trực tiếp, nhưng lần này mẹ đỡ đầu của tôi yêu cầu, tôi đành phải theo chân nhóm công tác xã hội đến thăm Mái Ấm thầy Bình. Dừng xe trước cửa ngôi nhà trong một ngõ hẹp, chúng tôi phải xin phép những người hàng xóm để nhờ xe trước sân nhà họ. Mái ấm khuyết tật này là ngôi nhà chỉ rộng 3,5m, dài 10m, có một lầu. Phòng khách kê một cái tủ đứng trưng bày những sản phẩm hình con thú được kết bằng hạt, bằng chuỗi do chính các em làm. Phía trong là phòng ăn và nhà bếp. Chỗ ở của các em nằm gọn trên lầu. Diện tích 3,5 x 10m cho hơn 30 người quả là chật hẹp. Chúng tôi ngồi cùng với khoảng 30 em, chen chúc nhau như trong hộp cá mòi. Thấy chúng tôi đến thăm, thầy trưởng mái ấm và các em đều vui mừng. Sau phần giới thiệu và làm quen, các anh chị em chia quà bánh, thăm hỏi các em. Tất cả đều hòa mình với nhau. Thầy giới thiệu cho chúng tôi những khuôn mặt đặc biệt, nhưng tôi thấy dường như em nào cũng là những khuôn mặt đặc biệt cả, vì hoàn cảnh, vì hình hài, vì tâm lý… Tôi để ý một cậu bé 19 tuổi, nhưng nhìn em không ai nghĩ em đã 19, em giống như cậu bé lên 5. Tâm hồn em có lẽ cũng đơn sơ như những suy nghĩ của em. Em chỉ anh này khen đẹp trai, anh kia đẹp trai, anh đó cũng đẹp trai… Có lẽ trong cái nhìn của em những người khỏe mạnh, lành lặn là những người đẹp trai! Không biết có bao giờ em nhìn lại hình hài của mình không nhỉ ? Tôi chỉ thấy lúc nào em cũng cuời và em luôn khen người khác. Có những em bé gái bị hở hàm ếch vì nhiễm chất độc da cam. Em là con gái, em là phái đẹp, vậy mà !...Đây là một lời nhắc nhở tôi và các bạn trẻ. Chúng ta có biết tạ ơn Chúa và cảm nhận được mình thẫt sự hạnh phúc khi thân thể mình sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, tinh thần bình thường tỉnh táo không? Hay ta chỉ tạ ơn Chúa khi có tiền bạc, nhà lấu xe hơi, chức tước địa vị? Một em khác mà thầy gọi đùa là Hoa Hậu, vừa tròn 20 tuổi. Nhìn Hoa Hậu, tôi không biết em đã là cô thiếu nữ đôi mươi. Hai mươi năm sống như một em bé, ngay việc vệ sinh cá nhân, thay quần áo… em vẫn cần có người giúp. Nhưng không phải vì thế mà em không có tình cảm. Bị khiếm thị nên em lần dò từ tay người này đến tay người khác. Em muốn mọi người sờ lên mặt em để em cảm nhận được có người bên em, có người đang quan tâm đến em, hay đây là một biểu hiện, một cử chỉ thể hiện lòng quí mến của em? Tôi tự đặt câu hỏi cho mình: còn tôi, tôi đã biết quan tâm đến ai chưa? Tôi có thể hiện bằng hành động chưa? Một ánh mắt, một lời nói hay một cử chỉ có thể làm vui lòng người khác. Đơn giản thế thôi mà tôi có nghĩ và có làm được không? Tôi vẫn thấy trên tivi, các cô các bác chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật chậm phát triển như thế này. Họ ôm chúng vào lòng âu yếm, dỗ dành. Tôi thấy họ cao cả vô cùng. Tôi đã nghĩ chẳng bao giờ tôi làm được công việc đó, ngay cả hôm nay. Mang theo máy chụp ảnh, một là vì tôi thích chụp ảnh, thích ghi lại những hình ảnh, những giờ phút đáng nhớ. Hai là tôi có một việc để làm, để không phải cùng chen chúc phân phát quà bánh hay thể hiện những cử chỉ âu yếm, ôm ấp, chăm sóc các em. Thế mà lần đầu tiên, tôi khắc phục được cái cảm giác sợ hãi đó. Tôi đã gặp em, tôi đã để em đụng chạm đến tôi, không những thế em còn ngồi lọt vào lòng tôi. Em là ai? Em là một bé gái bị mẹ bỏ rơi khi vừa chào đời được vài ngày. Lúc mới sinh, em rất yếu nên phải nằm lồng kính, nhưng không hiểu ánh sáng chiếu thế nào mà làm cho mắt em không còn nhìn thấy được, đầu của em thì bị móp vào. Ban đầu, em ngồi bên một người bạn đi cùng, rồi mới đến tôi. Sau đó em nhích dần qua phía tôi. Tôi cũng muốn tránh em, nhưng không còn chỗ để di chuyển. Rồi em nhích sang tôi, ngồi lên đùi tôi. Tay em đụng vào cái túi tôi đeo trên người. Em hỏi “Chị đeo cái gì vậy? Chị lấy nó ra đi!” Sao tôi dám từ chối lời yêu cầu của em? Tôi nhắc cái túi sang một bên. Em ngồi lọt thỏm vào lòng tôi, rồi nói chuyện say sưa. Em hỏi tôi đủ thứ chuyện, có những câu hỏi mà tôi không biết trả lời sao! Em lại hỏi: “Em mặc quần áo màu gì? Chị mặc màu gì? Anh mặc màu gì?” Làm sao em có thể biết hay tưởng tượng ra bộ quần áo màu vàng của em như thế nào? Có bao giờ chúng tôi, những người có đôi mắt sáng biết chiêm ngưỡng những vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, những kỳ công siêu việt của Đấng Tạo Hóa mà dâng lời tạ ơn Thiên Chúa chưa? Trong những tiếng ồn ào chung quanh, em đã nghe được tiếng thầy Bình gọi, em trả lời ngay “dạ” – mà sao tôi không nghe thấy (có phải khi nhắm mắt lại, quên đi mọi sự ồn ào náo động của con người, tôi mới nghe được tiếng Chúa. Và tôi có như em sẵn sàng gạt bỏ mọi sự mà thưa tiếng “dạ” với Chúa và làm theo Lời Chúa không?) Thầy bảo em hát một bài tặng mọi người. Em vâng lời và cất giọng hát : “Trong đêm một bàn chân bước, Bé xíu lang thang trên đường, Ánh mắt buồn, mệt nhoài của em, Em rất buồn vì em không biết đi, đi về đâu. Cuộc sống mưu sinh chỉ làm em qua cơn đói từng ngày, Vì em không cha, vì em đã mất mẹ, Thương đau vẫn là đau thương. Em mơ một vì sao sáng, Dẫn lối em trên đường đời, Dẫu biết rằng chỉ là giấc mơ, Đã lâu rồi em đã không, không có tình thương. Nhìn thấy ai ai cũng đều vui bên mẹ cha, Giọt lệ em tuôn rơi, hòa tan với nỗi buồn, Bước đi trong chiều mưa. Hãy lau khô cuộc đời em, Bằng tình thương, lòng nhân ái của con người, Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em, Bằng tất cả trái tim con người Việt Nam”. Giọng hát của em không chuyên nghiệp như các ca sĩ, nhưng thật ngọt ngào dễ thương. Giọng hát không tiếng đàn đệm, nhưng lời em hát nghe thấm thía. Từng câu, từng chữ như rót vào hồn mỗi người. Mọi người đều thinh lặng chăm chú lắng nghe lời ca thật xót xa : “Vì em không cha, vì em mất mẹ, đã lâu rồi em không có tình thương…” Tôi không biết em có hiểu hết những lời em hát không, nhưng môi em vẫn nở nụ cười. Còn chúng tôi, những người đang lắng nghe em, chúng tôi cảm nhận được những gì trong lời hát của em, giọng hát ngây thơ pha chút buồn thương của một em bé côi cút tật nguyền? Chúng tôi có gia đình, có cha mẹ, có anh chị em nhưng chúng tôi có trân trọng, có giữ gìn, có xây đắp cho mái ấm mà chúng tôi đang được hưởng không? Chúng tôi đã bao giờ quan tâm đến tình yêu thương của cha mẹ, của anh chị em chưa? Chúng tôi có bao giờ nghĩ đến sự lo lắng của cha mẹ chờ đợi mỗi buổi tối khi chúng tôi mải vui quên đường về? Có mấy khi chúng tôi để ý đến nét mặt ngời hạnh phúc của cha mẹ lúc chúng tôi làm được những việc tốt lành? Có mấy khi chúng tôi cảm nhận được sự an bình trên khuôn mặt mẹ cha khi nhìn thấy con cái quây quần bên mâm cơm hay trong giờ kinh tối? Kết thúc bài hát, em nói “Cho em ngồi với chị”. Một lần nữa, em lại ngồi vào lòng tôi. Tại chân tôi êm hay tại em hiểu được lòng tôi? Em thì thầm: “Lần sau chị đến nữa nhé! Chị mua cho em trò chơi ráp hình, mua đồ hàng nữa. Chị mua cho em một con gấu nhưng phải mua cái gối cho gấu nữa nhé!” Tôi nhận lời mà mắt cay xè. Vâng, tôi sẽ mua và tôi muốn mua cho em nhiều thứ nữa. Câu nói của em “mua cả gối cho con gấu nữa nhé!” Em bé nhỏ, khiếm thị mà tâm hồn em bao la trong sáng quá. Em quan tâm đến cả một chú gấu bông, cái gối cho chú gấu bông, mà có bao giờ em nghĩ đến sự khiếm khuyết của hình hài mình mà buông lời than trách đâu ? Tôi sẽ đến thăm em một ngày nào đó với vài món quà mà em mơ ước. Chúng tôi chia tay mái ấm khuyết tật ra về. Em bịn rịn ôm tôi chào chúc: “Chị về bình an nhé!” Lời nói ấm áp và chân tình quá. Mọi người bịn rịn chia tay nhau. Nhìn các em, mọi người cảm thấy hạnh phúc, có lẽ các em cũng thấy vui vì buổi hội ngộ này. Hi vọng những giây phút chúng ta gặp nhau, có thể đem lại cho các em chút tình, chút niềm vui cho cuộc sống. Không phải thầy hay các em cảm ơn chúng tôi, mà chính mỗi người chúng tôi phải vô cùng cảm ơn thầy, cảm ơn các em. Cảm ơn thầy vì đã mở lòng, mở rộng vòng tay yêu thương ôm ấp chăm sóc các em gánh thay cho mỗi người chúng tôi. Cảm ơn các em đã phải chịu những nỗi bất hạnh của cuộc sống. Tuy nhiên chính các em đã làm sống dậy hạt giống tình yêu trong tâm hồn chúng tôi, đã mở con mắt đức tin của chúng tôi khi chúng tôi mê mải lao vào những cám dỗ, những đam mê của vật chất, của danh vọng lợi lộc. Và nhất là chính mái ấm này đã cho chúng tôi biết trân trọng mái ấm gia đình của mình, nơi chúng tôi được sống đầy đủ trong tình yêu thương chăm sóc của cha mẹ, của anh chị em. Xin tạ ơn Chúa đã cho chúng con cơ hội để nhận biết hồng ân Chúa luôn tuôn đổ xuống từng người, từng gia đình chúng con. Xin tạ ơn tình yêu bao la của Chúa đã đến trong tâm hồn mỗi người chúng con. Xin cho chúng con cảm nhận, thực hành Lời Chúa trong môi trường chúng con sống. Xin cho con trở thành chứng nhân tình yêu Chúa trong gia đình, nơi học đường và xã hội còn đang thiếu thốn tình yêu thương.

Cảm nhận từ một chuyến công tác xã hội

TÚ LỆ