PDA

View Full Version : Vương quyền và phục vụ (Suy niệm CN XXXIV TN A - Lễ Chúa Kitô Vua)



phale
22-11-2014, 06:08 AM
CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A
LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ


Lời Chúa: Ed 34,11-12.15-17; Cr 15,20-26.28; Mt 25,31,46 (https://thanhcavietnam.net/forum/threads/51069-chua-nhat-mua-thuong-nien-nam-a-le-chua-kito-vua.html?p=171780#post171780)

Suy niệm: VƯƠNG QUYỀN VÀ PHỤC VỤ (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

​Ngày 11-2-2013, cả thế giới ngạc nhiên trước thông báo chính thức của Tòa Thánh: Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16 sẽ từ nhiệm và việc từ nhiệm này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 28-2-2013. Mặc dù việc một Giáo Hoàng từ chức là điều đã được tiên liệu trong Giáo Luật (Khoản 332), những người Công giáo khắp năm châu vẫn bàng hoàng trước thông tin này. Một số báo chí chớp lấy cơ hội để tưởng tượng ra một tình trạng bê bối nội bộ… Tuy vậy, những người thiện chí, trong đó có khá nhiều nguyên thủ quốc gia, đánh giá đây là một quyết định anh hùng. Quả thật, quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđitô 16 là một quyết định bất ngờ và có tính tiên tri trong bối cảnh số quốc gia trên thế giới đang xảy ra những vụ biểu tình đòi quyền dân chủ, thậm chỉ có những cuộc đảo chính nhằm lật đổ những chế độ độc tài. Người dân tại một số quốc gia cũng lấy Đức Giáo Hoàng để so sánh với nhiều nhà lãnh đạo chính trị tham quyền cố vị, kìm hãm sự phát triển của đất nước mà không đủ can đảm từ chức.

Với việc can đảm từ nhiệm khi thấy sức khỏe không bảo đảm cho một sứ mạng quan trọng, Đức Thánh Cha Bênêđitô cũng muốn khẳng định với thế giới rằng: trong Giáo Hội, quyền lực không phải để thống trị mà để phục vụ. Quả vậy, không riêng gì đối với vị thủ lãnh kế vị thánh Phêrô, mà đối với tất cả những chức vị khác trong Giáo Hội đều nhằm phục vụ Dân Chúa. Tính hiệu quả của công việc và ích lợi của Dân Chúa luôn được đặt ở vị trí ưu tiên. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, sự từ nhiệm này đã khẳng định được giá trị của nó. Người kế nhiệm Đức Bênêđitô 16 là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đem lại một luồng sinh khí mới cho Giáo Hội. Ngài luôn chủ trương canh tân Giáo Hội, làm cho Giáo Hội thực sự là Giáo Hội phục vụ con người. Một Giáo Hội hiện hữu không phải để thống trị hay duy trì quyền lực, mà vì con người, như Chúa Giêsu đã vì nhân loại mà thực thi sứ mạng cứu độ.

Ngày Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội tôn vinh Đức Giêsu là Vua vũ trụ. Danh xưng “Vua” có thể khiến nhiều người thời nay ngộ nhận. Bởi lẽ đa số những vị vua của xã hội phong kiến gợi lại những hình ảnh không đẹp về đời sống luân lý cũng như trong trách nhiệm của một người “phụ mẫu chi dân”. Phụng vụ Lời Chúa giúp chúng ta hiểu rõ hơn danh xưng “Vua” dành cho Chúa Giêsu. Ngài được ngôn sứ Edêkien giới thiệu như một mục tử ân cần chăm sóc từng con chiên trong đàn chiên của mình. Không một con chiên nào bị quên lãng hay bỏ rơi, dù là những con chiên bệnh tật còm cõi. Người mục tử còn cất công lặn lội đi tìm những con chiên bị lạc. Người mục tử chân chính lấy hạnh phúc của chiên là hạnh phúc của mình. Ông vui niềm vui của đoàn chiên, ưu tư trăn trở khi thấy lợi ích của đàn chiên bị đe dọa.

Ý niệm về một vị mục tử này được Đức Giêsu nhắc lại trong giáo huấn của Người. Người còn khẳng định: “Tôi là mục tử nhân lành. Tôi biết các chiên của tôi và các chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Không chỉ là một mục tử coi sóc, dẫn dắt đoàn chiên, Chúa Giêsu còn đồng hóa mình với những người nghèo khổ bé mọn trong cuộc sống. Thánh sử Mátthêu đã ghi lại bài giáo huấn của Chúa về ngày phán xét cuối cùng. Lúc bấy giờ, chính Chúa Giêsu sẽ là vị Vua và là Thẩm phán tối cao để xét xử nhân loại. Mọi dân mọi nước sẽ được quy tụ về để tham dự cuộc xét xử này. Vị Vua của ngày phán xét sẽ dựa vào thái độ của mỗi người đối với người nghèo mà quyết định tương lai hậu vận của họ. Tác giả Tin Mừng nói đến sự ngạc nhiên của những người có mặt trong phiên tòa, cả những người tốt cũng như người xấu, khi họ thấy Chúa tự đồng hóa mình với những người đói khát, trần trụi, tù đày, đau yếu, cơ nhỡ… Thì ra ai giúp người nghèo là giúp Chúa. Ai bỏ rơi người nghèo là bỏ rơi Chúa. Trong ngày phán xét chung, không thấy vị Vua đề cập tới những chức tước, địa vị đạo đời của chúng ta hoặc những công lao lẫy lừng chúng ta đã làm khi sinh thời, nhưng Người nhấn mạnh đến cách chúng ta đối xử với anh chị em mình.

Từ khái niệm Vua được tuyên xưng trong phụng vụ hôm nay, chúng ta được mời gọi suy tư về những trách nhiệm khác nhau trong Giáo Hội cũng như xã hội. Một người mang chức vị quan trọng đạo đời không phải để hưởng thụ cá nhân, mà là để phục vụ người khác. Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình để tôn vinh Thiên Chúa và vì hạnh phúc của con người. Như Đức Giêsu đến đến để phục vụ con người, Giáo Hội không được quên sứ mạng quan trọng mà Chúa đã trao phó là phục vụ và đem cho con người mọi thời đại ánh sáng Tin Mừng. Lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ cũng nhắc nhớ chúng ta, mỗi người cũng được mời gọi tham gia vào công cuộc xây dựng Giáo Hội, vì nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được Chúa ban ba sứ mạng quan trọng: làm ngôn sứ, làm tư tế và làm “vua” để cộng tác phần mình làm cho cộng đoàn Giáo Hội địa phương lớn mạnh.

Người tín hữu sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Họ là công dân của một vương quốc vĩnh cửu. Vương quốc ấy đang hiện diện trên thế gian như “vương quốc của Tình yêu, vương quốc của Sự thật”. Vương quốc ấy sẽ tỏ hiện hoàn toàn khi mọi sự được đặt dưới chân Chúa Giêsu là Vua muôn loài (Bài đọc II). Đó là lý tưởng và đích điểm cuộc sống của chúng ta. Đó cũng là Thiên Đàng, là hạnh phúc vĩnh cửu Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.