Ðăng Nhập

View Full Version : Gíang sinh đến với chúng ta



daohong2310
22-12-2014, 11:15 PM
‘Giáng Sinh đến với chúng ta’.

Mùa Noen nữa lại về, nghĩa là Giáng Sinh đến, Chúa đến với chúng ta. Chúa đến, chúng ta đến với Người. Chúa đến trong Giáng Sinh mang toàn tâm toàn ý tốt, có chủ đích tốt. Chúng ta đến với Giáng Sinh sao đây? Thế nào?

Câu trả lời tùy vào mỗi người. Vì Giáng Sinh là dịp đông đảo người ra khỏi nhà đi đến với Giáng Sinh. Thiết tưởng, đến với Giáng Sinh cách toàn tâm ý và tâm tình tương hợp với ý chí Giáng Sinh đến không?

Hiểu thế nào là tâm tư và tâm ý Giáng Sinh, hãy theo ánh sáng trời cao soi chiếu để thấy nhiều nét rất đáng trân trọng!

Trước tiên, Giáng Sinh đến là tự thân Thiên Chúa đến. Thiên Chúa đến với nhân trần, với mỗi cá thể trong nhân loại vừa là con của Người vừa là anh em của nhau. Tự thân có nghĩa TC tự nguyện đến, Người biết việc Người làm, tự ý thực hiện, mang đến chủ đích tuyệt hảo. Luca vừa đã xác nhận như thế dựa trên Lời Chúa đã được công bố: “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra, là Đức Kitô, là Đức Chúa” (x.c.2,11).

Đức Chúa ấy là Đức Kitô, xét về bản tính, là Tình Yêu. Thánh tông đồ Gioan đã quả quyết không chút do dự điều này trong bức thư ngài đã viết cho giáo đoàn kitô hữu tiên khởi trong Giáo Hội: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (lGa.4,16). Tình Yêu đó là Thiên Chúa đích thân và cụ thể làm người.

Khi Tình Yêu đến, quả là Lời dịu ngọt, an vui, hòa hợp, hòa bình đến! Một khi thiếu vắng tình yêu, mọi điều như vậy sẽ không thể có. Tình yêu luôn là nhân tố kiến tạo, làm nên mọi sự toàn hảo. Tiếng hát đoàn thiên sứ vang lên giứa đêm thâu trên không trung đồng tinh ca vang: “Hòa bình dưới thế cho loài người Chúa yêu” (Lc.2,12). Lời ca trở nên căn nguyên xác tín niềm tin.

Như thế Thiên Chúa là Tình Yêu đến không còn là chuyện biện bàn. Vậy thử hỏi Tình Yêu đến, đến như thế nào? Trong kiêu sa lộng lẫy, trong oai nghiêm, hay trong uy quyền?! Không! Đến trong tư thế và tâm thái ‘hạ mình thấp’. Thấp dưới mức kẻ mọn hèn trong nhân trần vẫn còn lại chút gì là an ủi vớt vát cao sang của dương gian. Mức thấp đến độ khó hiểu, khó tin. Vì Tình Yêu đến qua cuộc sinh hạ không nơi nương tựa, buộc chọn chỗ trong hang-hóc-đá tạm bợ hạ sinh ngay trên cánh đồng băng giá Bêlem, nơi chỉ dành cho đám mục đồng thấp nhân cách, nhân phẩm, luân lý thoái hóa và đàn súc vật chăn thả nương náo trú đêm đông. May thay, dù là hạ thấp, vẫn có những dấu nhiệm lạ đi kèm theo. Đó là sự hiện ra của đoàn thiên sứ đồng ca và báo tin cho các mục đồng, ngôi sao lạ dẫn đường ba nhà đạo sĩ Phương Đông tìm đến thờ lạy.

Duyệt xét chừng mực khiêm nhường của việc tự hạ của Tình Yêu, điều đó không thể nhận ra định mức. Dẫu ở mức thấp rốt cùng để hòa mình, thì hạng cùng đinh trong nhân gian vẫn còn ở bậc thang an ủi. Quả vậy, lời sứ thần báo tin vui đã chỉ dẫn đủ cho thấy sự khiêm hạ thẩm sâu này: “Một Hài Nhi mới sinh, quấn khăn, đặt nằm trong mán cỏ” (x,c,2,12). Cũng với ơn soi dẫn, sự khiêm hạ đó cốt để con người nhận ra chính tình trạng suy vong đích thực của chính thế giới mình, và đổi lại, nhận ra trạng thái hồng phúc tuyệt đối ân huệ từ Tình Yêu mang hồng ân xuống ban bao la như đại dương không bến bờ. Hơn nữa, ở dạng hạ thấp này, Tình Yêu khi trao thân gánh chịu khổ, đón nhận cực hình, mới bộc lộ hết mức Tình Yêu hiến tế, hiến tế tận cùng. Chính ngôn sứ Isaia đã báo trước như vậy từ lâu rằng: “Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu bệnh tật của chúng ta” (Is.53,12).

Vì thế, ngày nay Giáng Sinh đến là mở hội hân hoan, suối trào mang vào lòng người an bình. Niềm hân hoan ấy thật thánh thiêng đầy phẩm chất Thiên Đường. Chúa đến, Tình Yêu đến, Hòa bình đến, An ủi đến, Cứu thoát đến. Do đó, Thánh Phaolô có lý khi cổ vũ niềm hân hoan tột đỉnh này trong thư gửi giáo đoàn Philipphê: “Hãy vui lên, vui lên anh em” (Pl.4,4).
Nay mọi người hân hoan đến với Giáng Sinh. Để từng bước chân đến với Giáng Sinh được đong đầy niềm vui cách trọn vẹn, hãy đến với cả tâm thức hiểu biết chính xác, trung thực. Giáng Sinh đến thế nào, người đến với Giáng Sinh tương hợp thế đấy. Có như vậy, toàn bộ niềm vui thích đáng rộn rã nở, reo vui trong tiếng cười nói giữa khối đông chen chân bên nhau. Nhưng chỉ đến như thế thôi chưa đủ, còn phải gắn kết tâm tình vui nhộn rộn rã hồn nhiên ấy với tâm thức khơi lên dòng cảm tạ tri ân theo từng bước đến với Giáng Sinh nữa đấy. Đến với Giáng Sinh như thế là đến bằng cả con người đẩm thấm phẩm chất, giá trị nhân linh, như lời khích lệ rằng: ‘Không biết, không cảm, không mến, không tri ân, không toại nguyện’.

Đến với Giáng Sinh, và rồi một khi tình cảm lắng đọng hay niềm vui đã tàn canh, thử hỏi điếu gì còn đọng lại nơi mỗi chúng ta? Bấy giờ, ý nghĩa của Giáng Sinh có trở thành là ánh sáng, thứ ánh sáng huyền nhiệm soi đường dẫn lối cuộc sống chúng ta tiến sâu vào tương lai? Điều đọng lại đó có hình thành nên bài học ‘khôn và ngoan’ của cõi trời lại được nối tiếp thực hành trên cõi thế? Bài học đến bằng chính việc mình thực hiện ghi dấu vào dòng lịch sử nhân loại, khắc ghi vào niềm tin tôn giáo. Bài học TC dến viếng thăm loài người!

Sống không thể không đến với ai? Thông thường, con người đến với Thần Thiêng và đến với nhau. Với đức tin công giáo, ta đến với TC của ta. Loài người với nhau ta đến với nhau, là những ai thân cận, những người chờ được niềm an ủi, những nạn nhân của bất hạnh, tất cả là anh em.

Cụ thể đêm nay, chúng ta đến Giáng Sinh là thực hiện cuộc hành trình ý nghĩa trang trọng đến với TC của ta, mà cũng qua đó đến với anh em dù chỉ đến với ánh mắt đồng cảm gặp thấy quanh đó đây trên lộ hành dẫn đến tâm điểm cuộc lễ. Hãy đến với Chúa và với nhau trong đêm Giáng Sinh nay, hay bất cứ mỗi dịp trong cuộc đời, đến với niềm vui hân hoan của tình yêu sẻ chia dưới mọi hình thức chan chứa an bình, hòa hợp và hạnh phúc.

‘Xin lời cầu, thấm thía cho nhân loại, đêm nay và mãi mãi, đến với Chúa trong tin kính, và đến với nhau đầy tình huynh đệ hòa hợp, san sẻ đậm tình mỗi dịp’.

Lm Uyên Nguyên