Ðăng Nhập

View Full Version : Bài Giảng Thứ sáu Tuần Thánh



thienngadt
02-04-2015, 12:25 AM
THỨ SÁU THÁNH 2015

HUYỀN DIỆU THẬP GIÁ CHÚA KITÔ






Pt.Vui Chứng nhân




Trong đạo, chúng ta gọi ngày hôm nay là Thứ Sáu Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày kỉ niệm Chúa chịu chết. Ngoài ra, ngày này còn được người Kitô hữu Tây phương gọi là Ngày Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday). Tại sao gọi là Thánh, gọi là Tốt Lành? Thưa bởi vì chính nhờ ngày này năm xưa trên thập giá Chúa Giêsu đã chịu chết để con người chúng ta được sống, được trở lại tình trạng thánh thiện nguyên tuyền thuở ban đầu, được tốt lành trở lại sau bao nhiêu năm sống trong xấu xa tội lỗi. Chính cái chết của Chúa Kitô đã làm thay đổi mọi sự, biến cái xấu thành cái tốt, biến hận thù thành yêu thương.

Có thể nói, Thập giá là đỉnh cao tội ác dã man của nhân loại chúng ta! Không phải chỉ là một nhóm nhỏ những người Do thái khi xưa đóng đinh Chúa, mà là tất cả chúng ta đều liên lụy trong cái chết của Chúa Giêsu: tội lỗi của mỗi người chúng ta đã góp phần đóng đinh Chúa vào thập giá. Có thể quý obace thắc mắc: tôi đang sống ở đây tại Dầu Tiếng, Việt Nam này, đang sống ở Thế kỉ 21 rồi, thì tại sao tôi lại dính líu gì đến cái chết của Đức Giêsu sống ở Israel xa xôi và cách tôi hơn 2000
năm? Thưa bởi vì tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ với nhau một nhân tính, một bản tính nhân loại, mà trong đó không thể không có những yếu đuối lỗi lầm, tất cả chúng ta đều hiệp thông với nhau trong ân sủng và cũng đều liên lụy trong tội lỗi.
Nói cách cụ thể hơn, một người làm tốt thì tất cả được hưởng nhờ, còn một người làm xấu thì tất cả hứng chịu. Nỗ lực cố gắng sống đạo đức thánh thiện của mỗi chúng ta sẽ đem lại cho thế giới này được ơn cứu độ, còn khi chúng ta phạm tội, cho dù là lỗi hết sức thầm kín và riêng tư, chúng ta cũng đã bôi một vết đen trên bức tranh toàn thể nhân loại rồi đó! Đừng nghĩ rằng tôi làm vậy có ai biết đâu, có hại gì ai đâu. Có đó! Chúa biết, lương tâm tôi biết, và tội tôi làm tổn hại đến toàn
bộ nhiệm thể Chúa Kitô, vì tôi là một bộ phận trong thân thể đó mà. Chắc là quý obace cũng đã từng kinh nghiệm, việc đau một bộ phận nào đó trên cơ thể thôi, vd như mắt, tai, bao tử, gan, phổi v.v….cũng làm cho toàn bộ cơ thể mình suy yếu.
Khi nhìn lên thập giá Chúa, ngoài việc ta nhìn thấy tội ác của con người, thì đồng thời ta cũng thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Đây chính là yếu tố kì diệu và huyền nhiệm của Thánh giá! Thiên Chúa đã dùng ngay cái biểu tượng chết chóc kinh khủng đó để làm nên một biểu tượng cho sự cứu rỗi, cho sự sống đời đời. Kì diệu là vì trước nay chưa ai từng nghĩ tới, chưa ai từng thấy bao giờ: một hình ảnh mà người đời cho là sỉ nhục, là cái chết, là điên rồ, thì nay Thiên Chúa lại chọn nó
làm vinh quang, làm sự sống, và làm thể hiện sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chấp nhận đi đến tận cùng của kiếp nhân sinh. Có thể nói, Ngài đã chấp nhận xuống tận đáy của đời sống một con người. Mặc dù, thân xác Đức Giêsu đã được giương cao trên thập giá, nhưng phẩm giá của Người lại bị hạ xuống tới mức tận cùng: bị người ta lột trần không một mảnh vai che thân, bị người ta phỉ nhổ, sỉ nhục, nhạo báng, đánh đập, rồi giết chết. Vậy mới thấy, tình thương Thiên Chúa dành cho con người chúng ta to lớn vĩ đại đến dường nào! Vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Thiên Chúa đón nhận tất cả. Vì yêu thương chúng ta, nên Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, đã đến làm người, sống và chết như một con người giống chúng ta

Tóm lại, đối với người Kitô hữu chúng ta, Thánh giá không còn là dấu hiệu sự chết nữa mà là dấu chỉ sự sống, không còn là thù hận và đau khổ nữa mà là tình yêu và hạnh phúc. Hãy nhìn vào Thập giá Chúa Kitô mà cảm nhận chúng ta được Chúa yêu thương và chúc phúc đến như thế nào! Đó chính là sự huyền diệu của Thập giá Chúa Kitô. Vậy chúng ta còn chờ gì nữa mà không hoán cải và biến đổi đời sống để đáp lại tình Chúa yêu ta. Nếu ta nói ta tin Chúa và yêu Chúa thực sự, thì chúng ta nhất định phải quyết tâm không đóng đinh và giết Chúa lần nữa bởi những tội lỗi và sai phạm do mình gây ra làm tổn thương Chúa và tha nhân.