PDA

View Full Version : ĐƯỜNG ĐỜI



littlewave
08-11-2008, 09:15 PM
Hôm nay ngày Lễ cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời, chúng tôi xin được dành những hàng này để nhớ đến ba của chúng tôi, ông Antôn Lê Văn Lộc, đã qua đời từ cuối năm 1988.

Suốt mấy năm liền sau biến cố 75, ba chúng tôi rơi vào một nỗi chán chường phẫn chí. Bao nhiêu năm làm công chức trong một ngành khét tiếng là tham nhũng của miền Nam, ba chúng tôi vẫn cố gắng không tơ hào, không o ép, không ăn hối lộ của ai, giữ bằng được sự liêm chính trong sạch. Vậy mà khi đảo lộn thời cuộc, ông lại bị xếp vào loại... “ngụy quyền có nợ máu với nhân dân”. May mà chỉ phải đi học tập cải tạo tại chỗ một tuần, rồi được lưu dụng ngay ở Công ty Foremost của Mỹ để lại, sau đổi là Công ty Sữa Thống Nhất. Được hơn một năm thì ông dứt khoát đòi về hưu, không chịu làm cho Nhà Nước Cách Mạng nữa. Ông bảo: “Chịu thôi, đã tránh ở miền Bắc mới di cư vào miền Nam, bây giờ lại...”

“Đường Đời” của ba chúng tôi thế là hết, sống vô dụng trong gia đình, không lương hưu, không mưu sinh gì được để giúp đỡ vợ và các con trong thời bao cấp, lại nơm nớp không biết đến lúc nào thì bị đuổi đi kinh tế mới. Suốt ngày ông đi ra đi vào, sợ quẩn chân vướng tay mọi người, tình nguyện nhận ra phố đứng xếp hàng đợi mua dầu hôi hoặc khiêng bao khoai lang ở cửa hàng lương thực về.

Không ngờ một hôm ba chúng tôi đi Lễ Nhà Thờ Dòng Phanxicô Đakao, cha Duy Ân Mai gặp và nói chuyện, phát hiện ra ba chúng tôi ngày xửa ngày xưa có học trường Bưởi ngoài Bắc, ắt là tiếng Pháp không chê vào đâu được, thế là cha ngỏ ý nhờ ba chúng tôi dịch một tập sách đầu tiên mang tên “Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông” ( Contre Tout Espérance ) gồm 6 bài giảng Mùa Chay của cha Bernard Bro, một nhà giảng thuyết lừng danh của Dòng Đa Minh ở Paris.
Ba chúng tôi mừng quá, ông đã tìm ra một công việc ý nghĩa cuối đời mình, ông huy động hết vốn liếng học thức để dịch, vừa dịch vừa suy niệm, vừa cầu nguyện. Chúng tôi cũng được ông cho phép ngồi nghe ông đọc mỗi khi dịch xong được một chương và góp ý cho câu văn tiếng Việt được tự nhiên xuôi chảy. “Đường Đời” của ba chúng tôi thế là chuyển sang hẳn một hướng mới, kéo dài được trọn mười năm ( 1978 – 1988 ) cho đến khi ông qua đời vì một cơn bạo bệnh. Quãng “Đường Đời” ấy đối với ông là hạnh phúc tuyệt vời, vì được giốc hết sức tàn cho Chúa, cho Hội Thánh.

Tổng cộng, ba chúng tôi đã dịch được 17 tập sách dày mỏng khác nhau cho Dòng Phanxicô, Dòng Kín, và Dòng Chúa Cứu Thế. Toàn sách Linh Đạo, Giáo Lý, Suy Niệm, Cầu Nguyện... Công tâm mà nói, ba chúng tôi giỏi tiếng Pháp cực kỳ nhưng lại không phải là người chuyên dịch thuật, vì thế có lẽ văn ông dịch không mượt mà hấp dẫn, tuy nhiên ai đọc cũng có thể cảm được rằng người dịch đã đặt hết tâm hồn mình vào từng chữ, từng câu, từng ý tưởng. Thậm chí có thể nói ông đã hóa thân vào vai tác giả cuốn sách hay bài viết để chính bản thân ông được dịp suy niệm và cầu nguyện với Chúa.

Bài suy niệm “Đường Đời” của nữ tác giả Marie Noel ( 1883 – 1967, ảnh chụp kèm theo ), ba chúng tôi dịch xong, dường như tâm đắc thấm thía thế nào ấy, gặp ai cũng khoe, thấy người ta thích thì tặng luôn một bản. Dạo đó làm gì đã có máy photo như bây giờ, ông kỳ cà kỳ cọm gõ máy đánh chữ cũ kỹ, lót một lần bốn năm tờ giấy than, được năm sáu bản, mấy bản đầu còn đỡ, mấy bản sau mờ nhòe, ông lại cặm cụi lấy bút đồ lại những nét chữ bị mất.

Thế rồi ba chúng tôi lâm bạo bệnh, trí lực vẫn còn minh mẫn nhưng phải đành buông bút. Liệt giường kiệt sức rất nhanh trong vòng nửa năm thì ông ra đi, đi chuyến cuối cùng, đi nốt đoạn “Đường Đời” sau hết ! Chúng tôi còn đang trên đơn vị Thanh Niên Xung Phong cách Sài-gòn gần 400 cây số, đến lúc về thì chỉ còn kịp nhìn ông một chút là đóng nắp áo quan.

Sau này nghĩ lại, chúng tôi thấy câu chuyện “Đường Đời” bà Marie Noel đã vận vào thân phận người dịch, đã trở thành câu chuyện của chính đoạn “Đường Đời” của ba chúng tôi. Thế mà, đúng là tang gia bối rối, loay hoay buồn thương thế nào mà không ai nhớ lấy bài “Đường Đời” này ra mà đọc lên, mà suy niệm khi tổ chức lễ an táng. Phải đợi đến 8 năm sau, khi mẹ chúng tôi nằm xuống năm 1996, chúng tôi mới sực nhớ đến món “gia bảo” này, in luôn lên mặt sau của Giấy Báo Tang. Ắt là bài “Đường Đời” đã được đón nhận nên sau này, có nhiều người quen vẫn còn trân trọng giữ lấy tờ báo tang tầm thường năm xưa ấy, không phải làm kỷ niệm, mà là để chính họ thỉnh thoảng chợt bắt gặp, lại có dịp nghiệm sinh về “Đường Đời” của mình.

Xin chép lại bài “Đường Đời” như một Món Quà dịp Lễ 2 tháng 11 năm nay, ngày tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả những ai đã đi hết “Đường Đời” Thiên Chúa đã mở ra cho mình...

Lm. QUANG UY, DCCT


ĐƯỜNG ĐỜI


Đường đời vòng quanh như một con rắn tự ngoặm lấy đuôi mình. Con người trần trụi từ lúc bắt đầu mở mắt, năm này qua năm khác, đi lên cho tới giữa cuộc đời, vào tuổi trung niên, rồi dần dần đi xuống. Rốt cuộc, với tấm hình hài trần trụi, con người lại trở về vị trí khởi hành.

Dần dần, con người tăng trưởng, tầm vóc cao lên. Rồi một ngày, lưng thêm còng, gối thêm mỏi, thân hình như lụn dần, cuối cùng thì nghiêng mình cúi xuống cát bụi.

Dần dần con người khai triển ngũ quan, mở rộng tầm nhìn tầm nghe, những quan năng khác cũng tăng tiến hoàn chỉnh như thể buổi sáng mở toang các cánh cửa sổ. Rồi mỗi ngày, mắt thêm mờ, tai thêm lãng, khép dần các ngũ quan như thể đóng cửa về đêm.

Mỗi ngày một chút, kiến thức đủ loại tích lũy trong trí nhớ. Đến lúc về già, nói trước quên sau, để đâu quên đấy.

Mỗi ngày một chút, chân thêm vững, tay thêm khéo, miệng thêm lưu loát. Tới ngày xế bóng, tay chân run rẩy vụng về, nói năng chậm chạp lung túng.

Một ngày trước kia bắt đầu tập nói. Một ngày sau này lại nói chẳng ra hơi.

Một ngày trước kia rời vòng tay mẹ, chập chững biết đi. Một ngày sau này không còn sức xê dịch, phải vịn cánh tay con cháu.

Thuở còn nằm nôi, mẹ cho bú mớm, thay lót đổi tã. Rồi sẽ tới ngày phải nằm liệt, con cháu chăm nom, lau mặt thay áo, xúc cơm đổ thuốc.

Một ngày trước kia mở mắt chào đời, làm quen với thế giới chung quanh. Rồi sẽ tới ngày nhắm mắt buông xuôi, vĩnh biệt dương thế.

Một ngày trước kia lần đầu hô hấp, con người sinh ra. Rồi sẽ tới ngày thở hắt ra lần cuối, con người đi vào cõi chết.
Một ngày xa xưa, trước khi ra đời, chín tháng mười ngày nằm trong dạ mẹ ấm áp, thêm thịt thêm xương mà hình thành cơ thể. Tới ngày cuối cùng đi vào lòng đất giá lạnh, hình hài dần dần phân hóa, thịt xương trở về với tro tàn.

Một ngày xa lắm, con người xuất phát từ người cha mình như một hạt giống truyền sinh. Tới ngày chấm hết cuộc đời trần thế, con người trở về trong Cha của mọi người cha phàm trần, để rồi được tái sinh nơi cõi trường sinh bất tử.

Tới lúc đó, trong một bản thể mới, tất cả lại bắt đầu...

MARIE NOEL ( 1883 – 1967 ), trích từ “Notes intimes”
Bản dịch của LÊ VĂN LỘC, thân phụ của Lm. QUANG UY, DCCT