PDA

View Full Version : Những điều cần biết khi dạy giáo lý dự tòng



daohong2310
28-07-2015, 11:55 PM
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIÊT KHI DẠY GIÁO LÝ DỰ TÒNG





http://tinvuixuanloc.vn/Article_Img/aGiaoLy/giao ly du tong.jpg
A. HUẤN THỊ CỦA GIÁO HỘI VỀ GIÁO LÝ DỰ TÒNG

I. CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Qua một vài văn kiện, Công Đồng đã phác hoạ một số nguyên tắc tổng quát về việc huấn giáo dự tòng như sau:
1. Trước khi chính thức nhập Giáo hội, họ cần qua một thời gian dự tòng (tg.14)
2. Cần xét kỹ lý do tòng giáo của mỗi người, nếu cần phải tinh luyện các lý do đó (tg. 13)
3. Cấm ngặt không được dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc tòng giáo (tg. 13)
4. Thời dự tòng phải phân chia nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn được đánh dấu bằng nghi thức phụng vụ (HCPV 64)
5. Thời dự tòng nhằm đáp ứng 3 mục tiêu (tg. 13, 14)
- Giảng giải chân lý đức tin (tín lý)
- Trình bày giới luật (luân lý)
- Huấn luyện đời sống, tập sống đời kitô hữu với cộng đoàn (sống đạo)
6. Các cộng đoàn Kitô giáo phải có tinh thần truyền giáo, lo cho dự tòng và tân tòng không phải là việc riêng của linh mục, tu sĩ hay giáo lý viên, nhưng là trách nhiệm chung của tất cả cộng đoàn Kitô hữu, cha mẹ đỡ đầu đóng vai trò chính yếu (L 1.6 – Tg 14).
7. Cần tập cho dự tòng tham gia vào công cuộc truyền giáo, tập tuyên xưng và làm chứng cho đức tin (Tg. 14)
8. Người dự tòng bắt đầu có đức tin, đã thuộc về Chúa Kitô và Giáo hội, cần xác định vị trí của họ trong Giáo hội (Tg.14)

II. NGHI THỨC GIA NHẬP KITÔ GIÁO CHO NGƯỜI LỚN NĂM 1972
Qua việc công bố nghi thức Rửa tội cho người lớn, Giáo hội muốn tái lập phần nào tổ chức dự tòng và các nghi thức phụng vụ thuộc thời dự tòng của các thế kỷ đầu.
1. Tổ chức thời dự tòng
Hành trình nhập đạo của người dự tòng chia làm bốn giai đoạn:
* Thời chuẩn bị dự tòng (tiền dự tòng)
* Thời dự tòng chính thức
* Thời thanh tẩy và soi sáng
* Thời nhiệm huấn (khai tâm)
2. Bốn mục tiêu của dự tòng chính thức:
* Học giáo lý: tìm hiểu chân lý đức tin và giới luật, đặc biệt mầu nhiệm cứu chuộc.
* Tập sống đời Kitô hữu: nhờ gương sáng và nâng đỡ của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Trước hết là cha mẹ đỡ đầu, người dự tòng làm quen dần và thực hành đời sống Kitô hữu.
* Tham dự phụng vụ Lời Chúa: và phần phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ, các cuộc cử hành này sẽ giúp người dự tòng hiểu cách cụ thể và cảm nghiệm những chân lý và các mầu nhiệm mà mình mới học hỏi, chúng mang lại nhiều ân phúc và nâng đỡ đời sống thiêng liêng chớm nở của họ.
* Tập làm gương sáng và làm tông đồ: đây cũng là phần quan trọng của đời sống Kitô hữu.

B. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO LÝ DỰ TÒNG
1. CHƯƠNG TRÌNH “MỤC VỤ DỰ TÒNG”
Giáo lý Dự tòng không phải chỉ nhằm chủ đích “Dạy lẽ đạo” như nhiều người lầm tưởng, nhưng trong giai đoạn tiến bước từ Dự tòng đến Tân tòng, Giáo Hội mong muốn thực hiện nơi người dự tòng một cuộc đổi đời toàn diện. Họ phải trải qua những thời gian cần thiết để tập sống đời Kitô hữu, tham dự phụng vụ Lời Chúa, cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội bằng chứng tá đời sống và tuyên xưng đức tin (x HDTQ về việc DGL 67.86), để việc “gia nhập Kitô giáo” là một cuộc “lớn lên của đức tin”, một chuyển biến nội tâm và toàn bộ cuộc sống thực sự. Ngay từ thời các Tông Đồ, để trở thành Kitô hữu, người ta phải trải qua một hành trình khai tâm gồm nhiều giai đoạn. Hành trình này có thể nhanh hay chậm, tùy theo đối tượng, nhưng luôn hội đủ những điều cốt yếu sau: loan báo Lời Chúa, đón nhận Tin Mừng kèm theo là hối cải, tuyên xưng đức tin, Rửa Tội, ban Thánh Thần, lãnh nhận Thánh Thể.
Chính vì thế không thể dạy giáo lý “cấp tốc” trong vài tuần, một vài tháng, không thể là một sự kiện tùy lúc, tùy thời hay cơ hội cho xong được, nhưng phải là một hoạt động tiệm tiến và liên tục. Mỗi giai đoạn đánh dấu bằng các nghi thức Phụng vụ (x AG 13,14; PV 64; HDTQ về việc DGL 67). Sách “Nghi thức Gia nhập Kitô giáo năm 1972” của người lớn, đã chia tiến trình huấn giáo và sống đạo của Dự Tòng làm 4 giai đoạn:

Thời tiền Dự tòng: loan báo Tin Mừng đầu tiên
Đây là thời gian khởi đầu chuẩn bị cho việc trở lại, là cuộc khởi hành tiến vào con đường đức tin Kitô giáo, là cuộc “gặp gỡ” ban đầu giữa người chưa có đức tin đang muốn tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa, và Giáo Hội đang mở rộng vòng tay đón chờ. Trong thời gian này Giáo Hội loan báo Tin Mừng. Đó là chúng ta giới thiệu câu chuyện về Đức Giêsu: Cuộc đời, hoạt động, giáo huấn, cái chết và sự sống lại của Người.
Trong giai đoạn này đòi hỏi sự chú ý đến nét văn hóa và tôn giáo của đương sự (họ đến từ đâu, thuộc thành phần nào, lối sống nào, tôn giáo nào…), để biết rõ lý do và động lực thúc đẩy họ tìm đến đạo công giáo mà có cách loan báo Tin Mừng phù hợp với những mong đợi và vấn đề của họ. Kết thúc thời gian tiền Dự tòng có các cử hành phụng vụ với nghi thức tiếp nhận người Dự tòng.

Thời Dự tòng chính thức:
Đây là thời gian dài nhất, đòi hỏi nhiều cố gắng nhất. Và cũng là thời gian của việc luyện tập và thực hành đức tin cũng như đời sống Kitô hữu, khởi đầu bằng những mầu nhiệm cứu độ và một đời sống Tin Mừng mạch lạc thông qua hành trình đức tin, phụng vụ và đức ái. Thời gian này kết thúc bằng nghi lễ tuyển chọn. Mục đích của thời gian này là giúp tăng trưởng đời sống tâm linh qua bốn “phương thế” cơ bản đó là: giáo lý, luyện tập đời sống Kitô hữu, kinh nghiệm phụng vụ và chứng từ tông đồ-truyền giáo. Đây là bốn kinh nghiệm nối kết sống động cần thiết cho một hành trình huấn luyện Kitô giáo nghiêm túc.

Thời thanh tẩy và soi sáng:
Đây là thời gian cao điểm của tiến trình Dự tòng. Việc tuyển chọn đã khai mở thời gian thanh tẩy và chiếu sáng. Trên nguyên tắc thời gian này gắn liền với Mùa Chay và kết thúc với Đêm Vọng Phục Sinh. Với sự nâng đỡ và tham gia chuyên chăm của cộng đoàn Kitô hữu, những người tuyển chọn được mời gọi sống hành trình tâm linh của sự thanh tẩy tận căn, của lòng thống hối và kiểm điểm đời sống, của sự chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm cách nghiêm túc. Sự tăng trưởng về mặt tâm linh được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện cá nhân, bằng việc đọc Kinh Thánh và thực tập khổ chế-sám hối, được phong phú hơn nhờ việc học giáo lý xứng hợp và được nâng đỡ bởi chính những nghi thức và cử hành.
Trong thời gian này việc đào sâu Lời Chúa được bảo đảm thông qua việc tham dự cách đều đặn phần đầu của thánh lễ Chúa Nhật, cùng với những buổi gặp gỡ giáo lý đặc thù mà trước hết dành riêng cho việc cầu nguyện và các bí tích khai tâm. Sẽ có Nghi thức tuyển chọn, khảo hạch, trao Kinh và đọc Kinh Tin Kính. Các nghi lễ này đem lại cho người Dự tòng nhiều ơn cần thiết.
Thời nhiệm huấn (khai tâm):
Các Dự tòng lãnh nhận các Bí tích gia nhập Kitô giáo: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Việc cử hành ba Bí tích nhập đạo sẽ được thực hiện trong chính đêm Vọng Phục Sinh như truyền thống lâu đời của Hội Thánh, hoặc có thể tuỳ nghi thực hiện vào một thời gian thích hợp như chúng ta thấy hiện nay.
Sau khi lãnh nhận các Bí tích nhập đạo, các dự tòng còn phải được đào sâu mầu nhiệm đức tin, tiếp cận gần gũi hơn, thân mật hơn các cử hành phụng vụ của Hội Thánh và dấn thân tích cực hơn, sâu xa hơn vào nhịp sống đức tin của Dân Chúa. (x HDTQ về việc DGL 88. 91). Chính cộng đoàn Kitô hữu phải hết sức quan tâm nâng đỡ trong suốt tiến trình khai tâm, từ tiền dự tòng đến suốt thời gian đầu khi mới chịu phép Rửa tội (x HDTQ về việc DGL 256). Hiện nay nhiều giáo xứ cũng có những tổ chức quy tụ các tân tòng – với thời gian đã chịu phép Rửa tội từ 5, 6 năm trở lại – cùng với những người đỡ đầu, trong dịp Mùa Vọng và Mùa Chay, giúp họ tĩnh tâm và xưng tội...
(Hiện nay về thời gian học giáo lý dự tòng tại các giáo xứ thường tổ chức khoảng 6 tháng. Các linh mục được cử hành những nghi thức một lần khi ban bí tích Rửa tội. Nhưng chúng ta cần biết những giai đoạn trên để giúp cho đương sự cũng như gia đình nhận ra tầm quan trọng của việc dạy Giáo lý mà không vội vàng xin đốt giai đoạn).

2. NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM KHI DẠY GIÁO LÝ DỰ TÒNG
Tình trạng đa tạp:
Trong hoàn cảnh hiện nay, những người muốn tòng giáo đến với chúng ta có nhiều hoàn cảnh khác biệt:
– Về trình độ văn hóa: có học ( trí thức ) và ít học ( bình dân ).
– Thành phần xã hội,
– Về kiến thức tôn giáo đã có.
– Về lý do tòng giáo
– Những khó khăn và những thuận lợi riêng.
– Về thời gian mà mỗi người có thể dành được…
Vì thế, việc dạy Giáo lý phải chấp nhận những phương pháp rất khác nhau, không thể phác họa một chương trình duy nhất cho mọi Dự tòng.
Giảng dạy bằng tất cả đời sống:
Do tình trạng khác biệt nhau như vậy, GLV phải cầu nguyện và Thánh Thần sẽ hoạt động trong ta, giúp ta biết chấp nhận và tìm cách thích ứng với hoàn cảnh một cách khôn ngoan, kiên tâm và tế nhị – biết dành nhiều thời gian tìm hiểu và đối thọai để biết hoàn cảnh sống cũng như khát vọng tâm linh của từng dự tòng. Qua GLV, người dự tòng chính thức gặp Giáo Hội lần đầu tiên. Ấn tượng của buổi tiếp xúc này sẽ còn mãi nơi họ. GLV phải là người họ có thể tin cậy được nhờ đời sống chứng tá của cá nhân và Cộng Đoàn Kitô hữu .
Hãy chiêm ngắm Đức Giêsu Thầy dạy, khi chinh phục các môn đệ đầu tiên, khi mời họ đến mà xem (x Ga 2, 38-40 ), cũng như khi Người tiếp cận với mọi người: trẻ thơ, người lớn; trí thức, bình dân; bệnh tật; lúc vui như tiệc cưới (Ga 2, 1-12), khi buồn như đám tang (Mc 5, 35…) kể cả khi Người im lặng… Tất cả không bao giờ có thể tách rời khỏi bản thân và đời sống của Người (x Th DGL 9). Vâng, đó là cách hữu hiệu nhất trong việc giới thiệu Kitô Giáo cho bất cứ ai!

Cách trình bày Giáo lý:
Để có thể đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của người dự tòng, GLV phải nắm vững Giáo Lý và cẩn trọng để truyền đạt cho học viên thấy rõ được tầm quan trọng của thời gian học giáo lý Dự tòng.
- Gíáo lý Dự tòng, trong giai đoạn tiền rao giảng, thường khởi đầu từ khái niệm đúng đắn về Thiên Chúa. Nhưng đừng quên, một khi đã tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa tạo dựng thì tất cả giáo lý phải dựa vào thế giá của Đức Giêsu và quy hướng về Người, vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành; và vì TC là Đấng không ai thấy bao giờ trừ Đấng từ Thiên Chúa mà đến nói cho biết (Ga 1, 18).
- Khi giảng dạy Giáo lý nên khởi đi từ những kinh nghiệm đời thường để đưa dự tòng đến những chân lý cao siêu. (Ví dụ như những bài giáo lý của Cha Hậu..)
- Cần giúp dự tòng có cái nhìn đại cương về lịch sử cứu độ hơn là chuyên sâu một khía cạnh. Công việc đó nên để sau khi chịu Thanh tẩy trong các lớp giáo lý bồi dưỡng dành cho Tân tòng.
- Cần đào sâu ý nghĩa sống đời sống mới trong Chúa Kitô, biết đi theo Đức Kitô trong đời sống thường nhật và biết hành xử theo Tin Mừng.
- Cần tập cho dự tòng những thói quen đạo đức để nuôi dưỡng đức tin: học những bản kinh thông dụng, những lời nguyện tắt, những bài hát… sẽ in sâu vào lòng đạo các Tân tòng.
- Ngoài những buổi học riêng, nên tổ chức các buổi gặp gỡ giữa GLV với các dự tòng cùng đang theo học, với người đỡ đầu, thân nhân có đạo thuộc gia đình dự tòng. Những cuộc trao đổi này giúp cho Dự tòng mở rộng kiến thức và tầm nhìn; hoặc những buổi cùng nhau cầu nguyện, suy niệm hoặc suy tôn Lời Chúa, làm việc tông đồ… Đây là hình thức tốt nhất để dự tòng hòa mình vào đời sống Giáo Hội và hỗ trợ rất lớn cho đức tin của các dự tòng, giúp họ bền vững trong hành trình đức tin sau này.
- Cần liên kết việc dạy Giáo Lý với “Phụng Vụ”, để các cử chỉ, biểu tượng, nghi thức, và kinh đọc trong Phụng Vụ trở thành một phần của việc trình bày Đức Tin. Đặc biệt là hiểu được việc xưng tội, cũng như việc rước Chúa vào lòng.

Tương quan cộng đoàn:
Thời dự tòng là trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, đặc biệt là người đỡ đầu – chứ không chỉ là của các linh mục, tu sĩ, GLV. Nhìn vào tình trạng sống đạo của nhiều tân tòng hôm nay, chúng ta không khỏi chạnh lòng và tự vấn về “mục vụ dự tòng” mà chúng ta đã và đang được hạnh phúc góp phần vào việc truyền giảng Tin Mừng! Làm sao để có thể đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội: Thời dự tòng phải trở thành trung tâm cơ bản của việc phát huy tinh thần Công giáo và trở thành một thứ men canh tân Hội Thánh. Bởi vì khi truyền đạt đức tin và sự sống mới qua việc khai tâm Kitô giáo, thì Hội Thánh đã hành động như một bà mẹ sinh những con cái được đầu thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Thiên Chúa. (x HDTQ về việc DGL 78-79).
Chương trình Giáo lý GP:
Chương trình GLDT của GP Xuân Lộc trình bày theo lược đồ lịch sử, các chân lý được trình bày theo thứ tự thời gian, được chia làm 3 phần, gồm 37 bài. Để thực hiện tốt, chúng ta chú ý:
Phần Cựu Ước: Nên đề cập đến một số biến cố chính về việc chuẩn bị ơn cứu độ, và giải thích cho thấy sẽ được thực hiện trong Tân Ước.
Phần Tân Ước và Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu thế của Đức Giêsu: GLV phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và thái độ của Tin Mừng, để diễn giải cho thấy những giá trị sâu sắc của Tin Mừng: Đức Kitô chính là trung tâm là Đấng cứu độ duy nhất. Tất cả đều quy hướng về Người là khởi đầu và tận điểm.

Về Bí tích: hướng dẫn kỹ lưỡng về 3 bí tích gia nhập Kitô giáo và bí tích Thống hối; làm rõ nét mối tương quan giữa những nghi thức, những biểu tượng và những dấu chỉ
.
Thay lời kết:
Tiến trình dự tòng có thể nói là một hành trình tiệm tiến trong việc tìm kiếm để gắn kết với Thiên Chúa trong cộng đoàn. Tuy là một hành trình cá nhân nhưng người “lữ hành” không cảm thấy đơn độc, bởi vì họ bước đi cùng với cộng đoàn và nhất là với ơn trợ lực của Chúa. Hành trình này có thể nói đã họa lại rõ nét hành trình của hai môn đệ trên đường Emmaus, nói cách khác, hành trình Emmaus chính là hành trình của dự tòng, trong đó, trước hết hai môn đệ được Chúa Giêsu khơi lên vấn đề mà họ đang quan tâm, dựa vào đó, Chúa Giêsu thực hiện việc loan báo Tin Mừng (tiền dự tòng), rồi Người giải thích toàn bộ Kinh Thánh cho họ (giáo lý dự tòng), kế đó, Người bẻ bánh trước mắt các ông và các ông đã nhận ra Người (lãnh nhận bí tích), sau cùng các ông trở về với cộng đoàn các Tông đồ (nhiệm huấn – đời sống cộng đoàn) để làm chứng và ra đi loan báo Tin Mừng. Như thế, hành trình dự tòng cũng là hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu qua việc tìm kiếm – lắng nghe - cảm nếm – làm chứng.

Maria Trúc Anh OP