PDA

View Full Version : Trò chơi là gì ??? có phải là " Trời cho " ???



Damsan
11-11-2008, 07:06 PM
TRÒ CHƠI LÀ GÌ ?


I. KHÁI NIỆM:

A. ĐỐI VỚI TRẺ EM:

Trò chơi ở trẻ em không phải là một hoạt động theo bản năng, cũng không phải vì thừa năng lượng nên mới chơi mà vì do mâu thuẫn giữa nguyện vọng của trẻ em muốn được trực tiếp tham gia vào cuộc sống của người lớn với khả năng của chúng chưa được chuẩn bị đầy đủ nên đã nảy sinh trò chơi.

Vậy trò chơi là một hình thức đặc thù độc đáo của trẻ em để thực hiện tác động tương hổ giữa chủ thể với môi trường chung quanh (trẻ em nhận thức thế giới thông qua trò chơi).

Trong trò chơi trẻ mô phỏng lại cuộc sống của người lớn mà chủ yếu là chúng tái tạo các hành động, các quan hệ qua lại của họ một cách độc đáo bằng hành động và hình tượng, đồng thời khi tái tạo các quan hệ của người lớn, trẻ bộc lộ được thái độ, cảm xúc của mình. Khi chơi, trẻ sống một cuộc sống thực đầu tiên chính trong hoạt động chơi chứ không phải hoạt động nào khác, trẻ thực sự là một chủ thể tích cực hoạt động, giao tiếp và chủ động vận dụng các ấn tượng, các kinh nghiệm đã có để củng cố, khái quát thành kiến thức và để hình thành nhân cách. Chính vì vậy trò chơi là thực tiễn tự lực của trẻ em, là một hoạt động phản ánh tự lực và sáng tạo của trẻ cần được người lớn tổ chức hướng dẫn.

B. ĐỐI VỚI CON NGƯỜI:

- Trò chơi là một hoạt động tự nhiên và cần thiết nhằm thỏa mãn những nhu cầu giải trí đa dạng của con người.

- Trò chơi là một phương pháp giáo dục thực hành hiệu nghiệm nhất đối với việc hình thành nhân cách, trí lực của trẻ em.

- Trò chơi là một hình thức dưỡng sinh của người lớn tuổi, giúp họ hăng hái, thư giãn, vui vẻ, trẻ tính...

II. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA GIÁO DỤC VỚI SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN:

Nhiều người trong chúng ta còn chưa đánh giá đúng mức sự ích lợi của trò chơi trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Đôi khi họ còn cho rằng đó là một thứ công việc vô bổ, mất thời giờ... quan niệm đó hoàn toàn sai lầm.

Với người lớn, trò chơi là giải trí, thư giãn, giúp cho đầu óc bớt căng thẳng sau những giờ làm việc mệt nhọc. Với trẻ em, ngoài sự giải trí, trò chơi còn là một nhu cầu cần thiết cho sự phát triển Trí, Đức, Thể và Nhân Cách con người. Đối với các phong trào thanh thiếu niên, trò chơi là một lợi khí chính yếu trong những phương pháp giáo dục, giúp trẻ em rèn luyện và phát triển toàn mỹ các giác quan chính, làm cho trẻ khéo léo hơn, trí tưởng tượng phong phú hơn. Trò chơi còn giúp trẻ biết quan sát và phản ứng nhanh, biết tôn trọng kỷ luật, biết tự chủ, từ đó nảy nở tình đồng đội, đoàn kết thương yêu nhau. Trò chơi được xem như một hình thức tổ chức cuộc sống cho trẻ, nó được xem như một phương tiện giáo dục trẻ có hiệu lực nhất, vì qua đó nó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, nó còn là phương cách nhận thức thế giới của trẻ em.

Trong phương pháp giáo dục hiện đại, trò chơi là một môn huấn luyện quan trọng. Nước Bỉ đứng hàng đầu về tiến bộ sư phạm, thấy rõ sự quan trọng và ích lợi của trò chơi trong công tác giáo dục, nên đã đưa bộ môn trò chơi vào trong chương trình giáo dục quốc gia. Nhà tâm lý học Kunkel người Anh nói: “Trò chơi là một phương tiện để tái tạo lại tâm lý ổn định cho một số em khó tính, dở người, vô trật tự... vì trong lúc chơi, trẻ em không thu mình lại, chúng sẽ vui vẻ hẳn lên, thích hoạt động hơn... Khi bị khép vào luật chơi, các em sẽ dần dần có trật tự, kỷ luật và sinh động hơn....”

Tóm lại, trò chơi là một phương tiện giáo dục và giải trí, giúp cho cá nhân được rèn luyện, giúp cho tập thể có được bầu không khí vui vẻ, thân ái, thông cảm...

Trong một buổi sinh hoạt của thanh thiếu niên mà thiếu những trò chơi thì thật là buồn tẻ, gây nhàm chán cho các em với tổ chức.

A. Ý NGHĨA GIÁO DỤC CỦA TRÒ CHƠI ĐỐI VỚI TRẺ EM:

1. Giáo dục đạo đức:

Trong khi chơi, trẻ nắm được các tiêu chuẩn đạo đức, các quy tắc hành vi một cách thực tiễn. Nhờ những mối quan hệ đa dạng trong trò chơi mà đứa trẻ tham gia đã hình thành được các phẩm chất đạo đức quý giá như: Lòng nhân ái, vị tha biết giúp đỡ lẫn nhau, tính kỷ luật, tổ chức, ý thức tập thể sáng tạo.

2. Giáo dục trí tuệ:

Trò chơi là một hình thức của hoạt động nhận thức. Nó giúp trẻ phát triển các giác quan, phát triển ngôn ngữ, tư duy hành động trực quan, tư duy trực quan hình tượng, phát triển óc tưởng tượng của trẻ em. Qua trò chơi, nhu cầu nhận thức của trẻ em sẽ được phát triển. Trẻ muốn biết nhiều hơn để tái tạo cuộc sống của người lớn, nói đúng hơn để làm trò chơi giống thật.

3. Giáo dục thể lực:

Tạo cho trẻ trạng thái vui vẻ, lanh lợi, hoạt bát, tác động tốt đến sự tuần hoàn, trao đổi chất, giúp cơ thể phát triển nhanh, khỏe.

4. Giáo dục lao động:

Mục đích căn bản của trò chơi đó là: Phải dần dần biến trò chơi thành thói quen lao động.

Trong khi chơi, trẻ làm quen dần với các loại hình lao động của người lớn, giúp trẻ vừa mở rộng hiểu biết vừa rèn luyện được một số kỹ năng lao động tự phục vụ, biết quý trọng lao động.

5. Giáo dục thẩm mỹ:

Thông qua trò chơi, trẻ phản ánh được mối quan hệ xã hội của người lớn và cũng qua đó, trẻ cảm thụ được cái đẹp.

B. MỤC ĐÍCH GIÁO DỤC CỦA TRÒ CHƠI ĐỐI VỚI TRẺ EM:

Trò chơi là sự chuẩn bị thói quen lao động và nó dần dần phải được thay thế bằng lao động.

Với mục đích trên, người lớn phải làm sao cho trò chơi không trở thành nguyện vọng duy nhất của trẻ, không làm nó lãng quên hoàn toàn các mục đích xã hội và cần phải làm sao để trò chơi có tác dụng giáo dục những thói quen tâm lý và thể lực cần thiết cho công việc.

Ở lứa tuổi còn nhỏ, mục đích của các trò chơi mang tính chất bắt chước thuần túy và có thể gọi đó là những mục đích mang tính chất ước lệ. Càng lớn, mục đích trò chơi càng được tính toán cẩn thận và có động cơ rõ ràng. Để có thể đạt được mục đích trò chơi chúng ta cần có những hình thức sinh động vui tươi, lôi cuốn dần đứa trẻ vào lĩnh vực lao động. Đây là một quá trình diễn ra chậm chạp song liên tục. Sự chuyển từ trò chơi sang việc tổ chức cuộc sống và lao động diễn ra như sau:

- Các mục đích có yếu tố lý trí nhiều hơn.

- Các phương pháp tiến hành thực tế hơn.

- Các kỹ năng tổ chức hình thành khi chơi có thể đựoc chuyển thành kỹ năng tổ chức lao động cuộc sống.

- Bước chuyển tiếp từ trò chơi sang công việc thường quá đột ngột, không đem lại hiệu quả giáo dục. Một hình thức chuyển tiếp nhẹ nhàng, hợp lý sẽ giúp cho trẻ phấn chấn hơn trong khi thực hiện một công việc thực thụ nào đó. Ví dụ: Thay vì cho đi nhặt rác xung quanh trường, chúng ta có thể tổ chức trò chơi lấy tên là: "Tìm và diệt", có thể sẽ làm thú vị hơn công việc và đạt hiểu quả giáo dục cao hơn.

C. QUY LUẬT PHÁT TRIỂN CỦA TRÒ CHƠI ĐỐI VỚI TRẺ EM:

Trò chơi của trẻ em thường trải qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn đòi hỏi một phương pháp điều khiển khác nhau, thích ứng với sự phát triển của trẻ.

1. Giai đoạn thứ nhất: (chưa đến trường)

Từ hai tuổi đến bốn - năm tuổi. Đây là giai đoạn chơi trong phòng, là thời kỳ đồ chơi. Đặc điểm của giai đoạn này là trẻ thích chơi một mình, ít khi cho bạn khác cùng chơi. Đây là giai đoạn khả năng cá nhân của trẻ được phát triển, đừng ngại chơi một mình khi lớn lên đứa trẻ sẽ trở thành ích kỷ mà hãy tạo điều kiện để cho trẻ được chơi một mình. Song cần nhớ đừng để giai đoạn này kéo dài mà kịp thời chuyển sang giai đoạn hai.

Trong giai đoạn này, đồ chơi là trung tâm của trò chơi: đồ chơi thường có 3 loại:

- Đồ chơi thành phẩm: Búp bê, xe...

- Đồ chơi bán thành phẩm: đòi hỏi trẻ phải hoàn thành các phần còn lại, ví dụ: tranh cắt rời, các hình khối xếp hình,...

- Đồ chơi vật liệu: đất sét, gỗ,...

Mục đích cần đạt được của trò chơi ở giai đoạn một đó là:

- Để cho trẻ tự chơi.

- Không bỏ dở trò chơi, cần làm đến nơi đến chốn.

- Hiểu được giá trị nhất định của mỗi thứ đồ chơi, biết giữ gìn và thu dọn gọn gàng sau khi chơi.

2. Giai đoạn thứ hai: (đến trường)

Tứ 6 tuổi đến 11-12 tuổi:

Cần giúp trẻ chuyển tiếp một cách thuận lợi từ hình thức chơi một mình sang hình thức chơi nhóm cùng với bạn bè. Ở giai đoạn này, trẻ thích những trò chơi hiếu động, thích những trò chơi ở ngoài trời. Điều khiển trò chơi ở giai đoạn này khó khăn hơn vì chúng không còn chơi trong phòng trước mặt bố mẹ chúng, mà ở ngoài sân, nới công cộng, ở trường học, phạm vi vui chơi được mở rộng (có nhiều bạn bè), ở đây trò chơi được tổ chức tốt hơn vì có sự giúp đỡ của thầy cô giáo (những nhà sư phạm lành nghề). Đứa trẻ hoạt động như một thành viên của xã hội, nhưng đó là xã hội của trẻ nhỏ chưa có kỷ luậnt nghiêm minh cũng như sự kiểm tra của xã hội. Trong trường hợp này, nhà trường đóng vai trò quan trọng, mang lại cho trẻ cả hai thứ còn thiếu đó, nhà trường chính là hình thức chuyển tiếp sang giai đoạn thứ ba của trò chơi.

Ghi chú: Trong những gia đình ở thành phố, có điều kiện cho con cái đến trường Mẫu giáo vào độ tuổi ba, bốn trở lên thì giai đoạn thứ hai này sẽ đến với những đứa trẻ đó sớm hơn.

3. Giai đoạn thứ ba:

Đứa trẻ đã hành động như một thành viên của tập thể, một tập thể không chỉ vui chơi mà còn làm việc, học tập. Do vậy trò chơi ở lứa tuổi mày có những hình thức tập thể nghiêm ngặt hơn, nó gắn liền với những khái niệm lợi ích tập thể, kỷ luật tập thể.

Ở giai đoạn thứ ba, việc điều khiển trò chơi đã không còn nằm trong tay bố mẹ nữa mà chuyển sang cho tổ chức nhà trường hoặc các đoạn thể. Mặc dầu vậy, bố mẹ vẫn có khả năng tác động tốt với tính tình của đứa trẻ bằng cách giúp nó không chỉ xem trò chơi là nguyện vọng duy nhất, giúp nó biết tự hào về thành tích đạt được của chính bản thân nó và của tập thể, giúp nó rèn luyện đức tính "Thắng không kiêu, bại không nản".

Trong ba giai đoạn phát triển trò chơi ở trẻ em, bố mẹ nói riêng, người lớn nói chung và nhất là các nhà sư phạm cần có những phương pháp điều khiển khác nhau của trò chơi. Song cần phải luôn nhớ tạo điều kiện cho đứa trẻ có khả năng tự lập và phát triển đúng tài năng của nó và sẵn sàng giúp đỡ trẻ khi cần.

III. ÍCH LỢI CỦA TRÒ CHƠI:

Như đã đề cập đến trong phần ý nghĩa và mục đích, bất kỳ trò chơi nào cũng mang một ích lợi trong việc giáo dục và rèn luyện nhất định:

- Luyện tính tình: Các em trở nên vui vẻ, sôi động. Rèn luyện tính đồng đội, biết đoàn kết gắn bó với nhau để giành chiến thắng, phát triển năng khiếu tốt, sự can đảm, gan dạ, lòng vị tha...

- Luyện ý chí và ý thức: Hăng say đua tranh để giành chiến thắng. Tự chủ, không rụt rè, sợ hãi, không bị lôi cuốn bởi nhiệt tình bồng bột. Chấp hành kỷ luật của trò chơi. Kiên nhẫn trong khi chơi. Biết sáng tạo, linh động.

- Luyện giác quan: Với những trò chơi phản ứng nhanh, ghi nhớ, nhanh mắt, thính tai, lẹ tay, quan sát, tập trung tư tưởng... (trò chơi Kim, thò thụt, cái tát bất ngờ, bịt mắt bắt dê...)

- Tăng cường sức khỏe: Trò chơi thường được tổ chức ngoài thiên nhiên thoáng đãng, không khí trong lành. Có nhiều trò chơi cần đến sự vận động cơ bắp như: chạy nhảy, kéo đẩy, mang vác...

- Trò chơi cũng có thể chữa trị cho những em bị trầm uất, bị căng thẳng hay suy nhược thần kinh...

- Trò chơi giáo dục các em biết ý thức công dân, những em biết tự giác tôn trọng luật chơi, khi lớn lên, cũng sẽ tự giác giữ đúng pháp luật của quốc gia, luật lệ của hàng xóm... nếu các em không tự giác thì chúng ta phải uốn nắn dần dần.

IV. PHÂN LOẠI TRÒ CHƠI:

Việc phân loại trò chơi hiện nay vẫn chưa thống nhất, tuy nhiên dựa vào đặc điểm của trò chơi, ta có thể phân loại trò chơi như sau:

A. PHÂN LOẠI THEO TÍNH CHẤT CỦA TRÒ CHƠI:

1. Phân loại trò chơi theo sự năng động:

- Trò chơi động: là những trò chơi có sự chuyển động hoặc vận dụng đến cơ bắp của người chơi như chạy nhảy, nhào lộn, kéo đẩy, gồng gánh, vượt chướng ngại...

- Trò chơi tĩnh: là những trò chơi cần vận dụng trí óc và giác quan, người chơi ít di chuyển cũng như ít vận động cơ bắp, những trò chơi tĩnh như: bắn tên, ghi nhớ lâu...

2. Phân loại trò chơi theo không gian:

- Trò chơi ngoài trời: hầu như tất cả những trò chơi đều có thể chơi được ngoài trời, nhưng chúng ta phải lưu ý là sân chơi phải phù hợp với trò chơi. Thí dụ: sân đất cứng, sân gạch hay xi măng... thì không nên chơi những trò chơi mạnh bạo, có thể té ngã gây thương tích. Sân có nhiều cây cối, chướng ngại... thì không nên chơi rượt đuổi hay bịt mắt...

- Trò chơi trong nhà: thường áp dụng trong giờ giải lao của một buổi hội họp, học tập... hoặc vì mưa gió không thể chơi ngoài trời được. trò chơi trong nhà thường là trò chơi tĩnh, ít di chuyển...

3. Phân loại trò chơi theo mức độ:

- Trò chơi nhỏ: click here là những trò chơi được tổ chức trong nhà hay trên sân bãi nhỏ, ứng dụng trong những sinh hoạt, học tập, họp mặt, tiệc vui... và thời gian chơi cũng rất ngắn, chỉ khoảng 5-10 phút.

- Trò chơi lớn: click here là những trò chơi được dàn dựng công phu dựa theo một câu chuyện, một truyền thuyết, một lịch sử... Cũng có khi dùng trò chơi lớn như một cách ôn tập các môn đã học. Trò chơi lớn được dàn dựng ở những địa thế rộng lớn như núi rừng đồng ruộng, sông biển... Được tổ chức từ vài giờ đến vài ngày, cá biệt có những trò chơi dài đến hàng tháng.

B. PHÂN LOẠI TRÒ CHƠI THEO MỤC ĐÍCH:

1. Trò chơi luyện thân thể:

Như nhảy cừu, ném bóng, người què cõng người mù chạy loạn,...

2. Trò chơi luyện giác quan:

Họa sĩ mù (người mù cõng người què, vừa luyện thân thể, vừa luyện giác quan). Tìm đồng hồ (cất dấu đồng hồ, nghe tiếng kêu của đồng hồ mà tìm), chim bay, cò bay, tìm nhạc trưởng.

3. Trò chơi rèn luyện trí nhớ:

Trò chơi kim, hóa trang, ngắm hoa trong vườn (tạo một vườn hoa bằng vòng tròn vạch trên mặt đất, bỏ vào nhiều loại hoa trong đó, sau 3 phút, di chuyển đi nơi khác, mỗi em liệt kê lại trên giấy, em nào liệt kê lại đầy đủ thì thắng cuộc).

4. Trò chơi tập nhanh nhẹn:

Giật cờ, đổi lồng,...

5. Trò chơi luyện tinh thần đồng đội:

Trò chơi lớn, kéo co, chạy tiếp sức (cũng là trò chơi rèn luyện thân thể)

Trong tất cả sự phân loại này, thật ra trò chơi đều có sự đan chéo, hòa nhập lẫn vào nhau thành một khối thống nhất đó là trò chơi, một thế giới độc đáo, nhất là đối với trẻ em.

Thử xét xem một trò chơi nhỏ với tên gọi: Trò chơi Cướp Cờ.

Qua nội dung và luật của trò chơi này đã thấy rõ cả một tập thể, người thì ở trong tư thế tĩnh, các giác quan căng thẳng quan sát đối phương, người thì ở trong tư thế động, đang tìm cách cướp lấy cờ, người thì lo tổ chức bảo vệ vòng trong, vòng ngoài thật khéo sao cho cờ không bị mất,... các yếu tố động, tĩnh xen lẫn vào nhau khó có thể tách rời để xếp nó thành trò chơi động, tĩnh, thiết kế, trí tuệ,...

Tuy nhiên, trong môi trường sinh hoạt hiện nay của chúng ta ở mức độ thanh thiếu niên, thì thường chia khái niệm trò chơi thành Trò Chơi Lớn và Trò Chơi Nhỏ là phổ biến nhất, trong phần Trò Chơi Nhỏ thì lại chia ra là Trò Chơi Vòng Tròn (mọi người đứng vây quanh thành một vòng tròn để chơi) đối với Trò Chơi Vận Động, Tập Thể (chia thành các phe để thi tài với nhau).

V. YÊU CẦU CỦA TRÒ CHƠI:

Để có một trò chơi đúng nghĩa và bổ ích phải hội đủ 3 yếu tố sau:

- xây dựng bầu khí

- rèn luyện kỹ năng

- giáo dục chiều sâu

Thiếu một trong ba yếu tố trên, trò chơi sẽ trở thành phản tác dụng, có tai hại nhất thời hoặc sâu xa.

Xây dựng bầu khí:

Trò chơi phải góp phần xây dựng một bầu không khí vui tươi, sống động, lôi kéo mọi người cùng tham gia, xóa bỏ xa lạ ngại ngùng, khép kín, thụ động, giải tỏa mọi căng thẳng, đem lại niềm vui và nụ cười. (cần hỗ trợ một vài bài hát sinh hoạt ngắn, vui, vài băng reo hay múa tập thể đơn giản).
Nhưng dẫu có vui thế nào, dẫu có cười đến chảy nước mắt đi nữa mà thiếu 2 yếu tố sau, thì niềm vui sẽ hời hợt chóng qua hay sượng sùng trơ trẽn.

Rèn luyện kỹ năng:

Làm sao để cho các bài tập thể dục biến thành trò chơi phản xạ nhanh, tháo vát... (con cò con bò con sò, thụt thò, dài ngắn cao thấp...). Các bài khóa huấn luyện kỹ năng khô khan, biến thành trò chơi ứng dụng thực hành hiệu quả và hấp dẫn (đua xe tam mã, tìm vàng...). Các bài toán rối trí biến thành trò chơi động não, suy luận, phân tích lý thú (em học toán)...
Như vậy qua nhiều lần chơi với các trò chơi khác nhau, các em đã nghiễm nhiên được rèn luyện từng chút một mà không hay biết. Không cần những bài khóa dài dòng tốn công sức và thời gian.

Giáo dục chiều sâu:

Yêu cầu này, chúng ta không nhận thấy bộc lộ một cách rõ rệt nhưng lại hết sức quan trọng. Nó góp phần vun đắp tính nhân bản một cách âm thầm, tiệm tiến nhưng hiệu quả có thể nói là thấm thía sâu xa hơn so với các bài công dân, đạo đức, trong các trường lớp. Nó giúp các em nhận thức được tinh thần đồng đội và kỷ luật tập thể, tính trung thực trong khi thi đấu, mối tương quan ứng xử tốt đẹp trong xã hội, vâng phục người lớn, tôn trọng người khác....