Ðăng Nhập

View Full Version : Thứ Bảy Tuần XX Mùa Thường Niên Năm lẻ - Ngày 22/8 Đức Maria Nữ Vương. Lễ nhớ.



phale
21-08-2015, 11:52 PM
THỨ BẢY TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ

BÀI ĐỌC I: R 2, 1-3. 8-11; 4, 13-17
"Chúa không nỡ để cho bà thiếu kẻ nối dòng. Đó là thân phụ của Isai, cha của Đavít".
Trích sách truyện Bà Ruth.
Bấy giờ ông Êlimêlech, chồng bà Nôêmi có một người họ hàng, là người quyền thế và giàu có, tên là Booz. Bà Ruth, người Môab, thưa với mẹ chồng rằng: "Nếu mẹ cho phép, con xin ra đồng mót lúa mà các thợ gặt bỏ sót, nơi nào mà chủ ruộng nhân từ vui lòng cho con mót". Bà mẹ trả lời rằng: "Hỡi con, con cứ đi". Nàng liền đi mót lúa đàng sau các thợ gặt. Bất ngờ chủ ruộng ấy tên là Booz, người có họ với Êlimêlech.

Ông Booz bảo bà Ruth rằng: "Hỡi con, hãy nghe đây, con đừng đi mót lúa ở ruộng khác, đừng rời khỏi nơi này: nhưng hãy đi theo các tớ gái của ta, chúng nó gặt ở đâu, con cứ đi theo đó; vì ta bảo các đầy tớ ta đừng ai làm phiền con. Cả khi con khát nước, cũng cứ đến các vò nước và uống nước mà các đầy tớ ta uống". Bà sấp mình xuống đất, lạy ông ấy mà nói rằng: "Bởi đâu tôi được ơn trước mặt ông, và ông đoái thương tôi là người nữ ngoại bang?" Ông trả lời rằng: "Ta đã nghe đồn mọi sự con đã làm đối với mẹ chồng, sau khi chồng con qua đời, con đã lìa bỏ cha mẹ quê hương và đến cùng dân tộc mà trước đây con không hề biết".

Vậy ông Booz cưới bà Ruth làm vợ. Ông ăn ở với bà, và Chúa ban cho bà có thai, bà sinh được một con trai. Các phụ nữ nói cùng bà Nôêmi rằng: "Chúc tụng Chúa là Đấng không nỡ để cho gia đình bà thiếu kẻ nối dòng! Và nguyện danh Chúa được ca tụng khắp Israel! Cầu chúc bà có người an ủi tâm hồn và phụng dưỡng tuổi già; vì người đó sẽ sinh ra do người con dâu yêu mến bà, và người con dâu đó đáng quý hơn bảy người con trai". Bà Nôêmi ẵm con trẻ vào lòng, và nuôi nấng nó như người vú. Các phụ nữ láng giềng đến mừng bà mà rằng: "Bà Nôêmi đã được một cháu trai". Họ đặt tên cho con trẻ là Obed: đó là thân phụ của Isai cha của Đavít.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:Tv 127, 1-2. 3. 4-5
Đáp: Đó là ơn phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Chúa (c. 4).

Xướng: 1)Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Đáp.

2)Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. - Đáp.

3)Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. - Đáp.


ALLELUIA: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 23, 1-12
"Họ nói mà không làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy".

Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha", vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net (http://www.thanhlinh.net/node/83831)
_________________________________________________________________________________________

Gợi ý suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay là những lời cảnh báo của Chúa Giêsu cho dân biết lối sống tự tôn và giả hình của các nhà thông luật Do-thái:

- Giả hình và tự tôn

Các người Pharisiêu với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người Pharisiêu thích chiếm chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực. Chúng ta cũng dễ bị ảnh hưởng điều này, vì cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trước, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…

Đó cũng là thái độ của không ít người trong chúng ta, tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn đón nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự.

- Nói mà không làm

Lời nhận xét dành riêng cho người thông luật là: “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”. Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do-thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

Thật ra, điều này không xa lạ gì với chúng ta hôm nay, vẫn còn đó đây những vị này vị nó thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải biết làm gương trước – ngôn hành như nhất.

- Đừng gọi ai dưới đất là Thầy hay là Cha

Có lẽ không ít người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ thắc mắc, tại sao Chúa nói thế mà ngày nay mình vẫn gọi các linh mục là Cha và các tu sĩ hay GLV là thầy. Chúng ta cần hiểu rằng từ “gọi” hay “kêu” trong ngôn ngữ Phương Đông cách riêng người Do-thái hiểu là nhận người đó làm “chủ” đời mình, hay “lý tưởng” cuộc đời mình, hoặc “tôn thờ” như vị chúa của mình, rồi hoàn toàn lệ thuộc và phục tùng họ, giống như các đệ tử Khổng Tử sống hoàn toàn theo giáo thuyết của Nho Đạo. Tóm lại “gọi” hay “kêu” ở đây là đệ tử sống theo giáo thuyết và học đòi lối sống của họ.

Hiểu như thế, có nghĩa là Chúa Giêsu chỉ muốn các môn đệ và cả chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, và noi bước theo một vị thầy duy nhất là Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Chúng ta gọi các linh mục là cha hay tu sĩ là thầy không phải để “tôn thờ” hay “lệ thuộc” các ngài, nhưng nhìn nhận các ngài như là tôi tớ của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi.

Mọi người chúng ta được Chúa mời gọi mỗi người mỗi công việc bổn phận trong Hội Thánh, chúng ta hãy học lấy tinh thần khiêm tốn và hăng say phục vụ vì lòng yêu mến, chứ không phải ham muốn chức quyền và danh vọng để được hơn người…

Khi có trách nhiệm lãnh đạo. Chúng ta cần có tinh thần phục vụ hơn háo danh, ý thức trách nhiệm của mình hơn đòi hỏi người khác. Ai làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn trong bậc sống và trách nhiệm Chúa giao phó, để chúng con không tìm vinh quang cho riêng mình mà là Chúa được vinh danh trong chính cuộc sống của mọi người chúng con. Amen.

Bảo_†_Lâm

___________________________________________________________________________

Mời bạn đọc Lẽ sống - Ngày 22/8: Trinh Nữ Vương (https://thanhcavietnam.net/forum/threads/6370-le-song-moi-ngay.html?p=64403&viewfull=1#post64403)

phale
22-08-2015, 12:05 AM
NGÀY 22/8 LỄ ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG

BÀI ĐỌC I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hl 1-6)
"Chúa ban Con của Người cho chúng ta".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. (Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm đẫm máu đào, sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa).

Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi, và một người con đã được ban tặng chúng tôi. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là "Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình".
Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8
Đáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời (c. 2).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời. - Đáp.

2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa. - Đáp.

3) Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất?- Đáp.

4) Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. - Đáp.

ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38
"Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:

"Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.
Đó là lời Chúa.

Hoặc:PHÚC ÂM: Lc 1, 39-47
"Phúc cho Bà là kẻ đã tin".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vả ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabeth. Và khi bà Êlisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Bà Maria nói rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi".
Đó là lời Chúa.

www.thanhlinh.net

_ (http://www.thanhlinh.net/node/21273)__________________________________________________________________________________

Gợi ý suy niệm Lễ Đức Maria Nữ Vương (Lc 1,26-38)

Bài Tin Mừng của lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương hôm nay làm nổi bật lên với ba nét đẹp của Đức Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ và lời đáp trả “xin vâng”:

1, Đặc trưng đầy ân sủng.

Từ sau lời chào của thiên thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng. Tước hiệu này được hiểu theo hai khía cạnh:

- Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng. Ân sủng không do công nghiệp của con người, nhưng hoàn toàn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn chọn cho Con Mình một người Mẹ trần thế để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã chuẩn bị cho kẻ được chọn là Đức Maria “được tràn đầy ân sủng”. Chính việc tràn đầy ân sủng này làm cho các giáo phụ liên tưởng đến đặc ân vô nhiễm, Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria khỏi tội, từ lúc được thụ thai… như thế mới xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội là gì, vào trong cung lòng mình.

- Hồng ân được ban để giúp cho nhân vật chu toàn một trách nhiệm do Thiên Chúa thiết đặt. Nói như thánh Phaolô “Hồng ân là để xây dựng nhiệm thể”. Ở đây còn cao trọng hơn: Đức Maria được trang bị hồng ân để làm Mẹ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa .

Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, ân sủng là một ân ban đặc biệt, và theo Tân Ước, ân ban này có nguồn gốc từ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu, mà hoa trái của tình yêu là sự tuyển chọn. Sự tuyển chọn thuộc về kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người bằng cách cho tham dự vào đời sống của Người trong Đức Kitô (x. 2Pr 1, 4).

Đặc ân “đầy ơn phúc” cũng hướng đến toàn bộ hồng ân siêu nhiên mà Đức Maria đã lãnh nhận, chỉ vì Mẹ được tuyển chọn và được xác định làm Thân Mẫu Chúa Kitô, và sự tuyển chọn này có thể nói là độc nhất và phi thường, đưa đến đặc tính duy nhất của vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ. “Vinh quang của ân sủng” được biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa qua sự kiện Mẹ được cứu độ lạ lùng . Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, ngay lúc khởi đầu hiện hữu, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, được thông phần vào ân sủng cứu độ và thánh hoá, và vào tình yêu xuất phát từ Người Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng qua mầu nhiệm Nhập Thể đã trở thành Con của Mẹ. Vì thế, trên bình diện ân sủng, nghĩa là việc tham dự vào bản tính thần linh, Đức Maria, nhờ Chúa Thánh Thần, nhận lãnh sự sống từ Người Con mà Mẹ sinh ra, và Đức Maria đón nhận “sự sống mới” này cách tràn đầy, thích ứng với tình yêu của Con dành cho Mẹ- và thích ứng với phẩm giá Mẹ Thiên Chúa- nên thiên thần đã gọi Mẹ lúc truyền tin là “Đấng đầy ân sủng” .

2, Đặc trưng khiêm hạ.

“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38a). Đức Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Đức Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (x. Lc 1, 48- 52; Gc 4, 6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42, 1- 4; 49, 1- 6; 50, 4- 9; 52, 13; 53, 12). Nếu Đức Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Đức Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.

Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).

3, Đặc trưng vâng phục (fiat).

Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Thời điểm đầu tiên của sự vâng phục… Đức Maria ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.

Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23). Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa .

Lạy Mẹ Maria, toàn cảnh của bài Tin Mừng chúng con vừa suy niệm hôm nay gói gọn trong hai chữ “xin vâng” mà Mẹ đã sống trọn cuộc đời vâng theo ý Chúa, xin cho chúng con luôn biết xin vâng như Mẹ để trong mọi sự chúng con cũng luôn biết thuận theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để mai ngày chúng con cũng được cùng với mẹ chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa. Amen..


Bảo_†_Lâm