View Full Version : Thứ Bảy Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ - Ngày 21/11Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ. Lễ nhớ.
phale
20-11-2015, 11:34 PM
BÀI ĐỌC I: Dcr 2,14-17
"Hỡi thiếu nữ Sion, hãy hân hoan, đây Ta ngự đến".
Bài trích sách Tiên tri Giacaria.
Chúa phán: “Hỡi thiếu nữ Sion hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta và Ta sẽ ngự giữa ngươi. Ngươi sẽ biết rằng Chúa các đạo binh đã sai Ta đến cùng ngươi”. Thiên Chúa sẽ chiếm lấy Giuđa làm sản nghiệp của Người trong thánh địa, và sẽ còn tuyển chọn Giêrusalem. Mọi xác phàm hãy thinh lặng trước nhan thánh Chúa, vì Người đã chỗi dậy trong thành thánh của Người.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: 1 Sm 2, 1.4-5.6-7.8
Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).
1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôiđược gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.
2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuêđộ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.
3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.
4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.
ALLELUIA: Lc 1, 28
All. All. - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - All.
PHÚC ÂM: Mt 12, 46-50
"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
Đó là lời Chúa.
phale
20-11-2015, 11:34 PM
Suy niệm:
Trình thuật Tin Mừng hôm nay xem chừng thật khó hiểu trong bối cảnh nền văn hóa Việt Nam. Với văn hóa người Việt chúng ta, chữ hiếu luôn được đặt lên hàng đầu “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”, và do đó, thái độ thiếu tôn trong với người lớn hơn, nhất là bậc sinh thành của mình thì thật khó mà chấp nhận được.
Nếu xét ở khía cạnh văn hóa ấy, thì Đức Giêsu trong trình thuật hôm nay thật là một điều khó chấp nhận. Có vẻ như Ngài thiếu sự tôn trọng, thiếu sự lễ độ và lòng tôn kính đối với thân mẫu của mình. Trình thuật kể rằng: Đang khi Đức Giêsu giảng dạy cho đông đảo dân chúng, thì có mẹ Maria và các anh em bà con (x.Mt 13,55) của Ngài đến tìm, nhưng họ không sao lại gần Ngài được vì những kẻ đến nghe Ngài giảng dạy quá đông. Do đó, có một người ngồi gần Đức Giêsu đã thông báo cho Ngài biết về sự hiện diện của mẹ và để người có thể ra ngoài gặp họ. Nhưng thật lạ lùng, thay vì Đức Giêsu nói, “ồ, tôi cám ơn anh đã thông tin” hay đại loại là “cám ơn anh” và thậm chí Ngài chỉ cần gật đầu để để xác nhận tin báo cũng đủ. Thế mà, mọi người như ngỡ ngàng,… ánh mắt Đức Giêsu rảo quanh nhìn đám đông đang ngồi quanh mình, rồi cao giọng nói với họ và người đưa tin “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Nghe lời ấy, nếu chúng ta đang hiện diện ở đó, chắc hẵn ta cũng sẽ tỏ vẻ khó chịu với Ngài, bởi có cái gì đó thiếu lễ độ và ý nhị. Vì lẽ, ta nghĩ, sao ông này vô duyên đến thế, người ta thông báo không cám ơn thì thôi, lại còn tỏ ra khó chịu và thiếu lễ độ với thân nhân mình và người khác.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ dựa vào mấy câu Tin mừng ngắn ngủi để xét đoán Đức Giêsu e là không công minh lắm. Chúng ta cần đặt đoạn Tin mừng này trong bối cảnh của chương 11-12-và 13, khi Đức Giêsu đang rao giảng cho dân chúng về mầu nhiệm Nước Trời, mà ở vương quốc ấy không còn sự phân biệt bà con ruột thịt theo kiểu thế tục của trần gian, nhưng tất cả đều là anh chị em với nhau, con của một Đấng duy nhất là Thiên Chúa. Như thế, ta thấy Đức Giêsu đã tận dụng rất tốt, rất tinh tế cơ hội có một không hai này, để nói cho dân chúng biết về mối hiệp thông trong Thiên Chúa, tức là vương quốc Nước Trời, một gia đình thiêng liêng vĩnh cửu. Ở gia đình thiêng liêng này, mối hiệp thông ruột thịt bị lu mờ đi xem như không có, để làm nổi bật lên một mối hiệp thông siêu nhiên, nơi mà mọi liên lạc đều được xây dựng trên ý của Thiên Chúa.
Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy thật tự hào, thật hạnh phúc với lời của Đức Giêsu: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” Ngài đang nhìn, đang nói với chính mỗi người chúng ta rằng: anh - chị - em là anh là chị là em của tôi. Tất cả những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì kẻ ấy chính là bà con thân thuộc với Ngài, chính là mẹ và là anh em của Ngài. Còn gì hạnh phúc bằng khi nghe một vị Thiên Chúa nói với chính mình như thế.
Trở về với cuộc sống của mình, đôi lúc chúng ta quá bận tâm với các mối quan hệ ruột rà “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, mà quên mất anh chị em xung quanh mình, nhất là những người tin vào Đức Giêsu là Chúa thì có cùng với chúng ta “huyết nhục thần linh”. Do vậy, chúng ta luôn tìm mọi cách để bảo vệ cho quyền lợi những người thân của mình, những người ta yêu mến và dễ dàng làm tổn hại đến lợi ích kẻ khác mà quên mất sự liên đới thần linh và tính công bằng bác ái.
Ước gì sự ý thức về gia đình thiêng liêng trong Chúa, chúng ta sẽ sống mối tình liên đới tốt lành với hết thảy mọi người trong đời sống và công việc hằng ngày, bởi trong Chúa, họ chính là anh chị em với Đức Giêsu, là và anh chị em với chính ta. Lạy Chúa, xin chúc lành và trợ lực cho mỗi chúng con. Amen!
(Xuân Hạ, OMI)
____________________________________________________________________________________
Mời bạn đọc - Lẽ sống ngày 21/11: Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời (https://thanhcavietnam.net/forum/threads/6370-le-song-moi-ngay.html?p=71350&viewfull=1#post71350)
phale
21-11-2015, 07:49 AM
BÀI ĐỌC I: 1 Mcb 6, 1-13
"Vì các tai hoạ trẫm đã gây cho Giêrusalem mà trẫm phải buồn bực mà chết".
Trích sách Macabê quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, vua Antiôcô rảo khắp các tỉnh miền bắc. Vua nghe nói tại Ba-tư có thành Êlymai nổi tiếng là giàu có và lắm vàng bạc; trong thành lại có một ngôi đền thờ lắm bảo vật, đầy những binh giáp bằng vàng, chiến bào, khiên mộc di sản của Alexanđrô, con Philipphê, vua xứ Macêđônia, là vua tiên khởi cai trị dân Hy-lạp. Vậy ông đến tìm cách chiếm lấy thành để cướp của. Nhưng ông không thành công, vì dân thành đã biết trước ý định của ông, nên đã vùng lên chống lại. Ông bỏ chạy và buồn bực lui quân trở về Babylon.
Lúc vua còn ở Ba-tư, có người đến đem tin cho vua hay toán quân của ông ở Giuđa đã bị đánh bại chạy tán loạn, và Lysia, vị tướng chỉ huy một đoàn quân hùng hậu, cũng đã phải tháo lui chạy trốn quân Do-thái; quân Do-thái lại càng mạnh thêm nhờ ở khí giới, lương thực và chiến lợi phẩm rất nhiều đã lấy được của các đoàn quân họ đánh bại. Họ đã hạ tượng thần vua đã đặt trên bàn thờ ở Giêrusalem; họ cũng đã xây thành đắp luỹ cao như trước chung quanh Đền thờ và chung quanh thành Bethsura.
Nghe tin ấy, nhà vua khiếp đảm và rất xúc động. Vua vật mình xuống giường và buồn đến lâm bệnh, (bởi vì) sự việc đã không xảy ra như vua ước muốn. Vua liệt giường nhiều ngày, càng ngày càng buồn. Và tưởng mình sắp chết, vua liền triệu tập tất cả bạn hữu lại mà nói với họ rằng: "Trẫm không còn chớp mắt được nữa và lòng trẫm tan nát vì ưu tư. Trẫm tự nghĩ: trước kia khi trẫm còn quyền thế, trẫm vui sướng và được người ta quý mến, mà giờ đây trẫm lâm cảnh buồn sầu và đau khổ biết bao! Bây giờ trẫm hồi tưởng lại các tai hoạ trẫm đã gây cho Giêru-salem: trẫm đã chiếm đoạt các chén bằng vàng bạc tại đó, và đã ra lệnh tiêu diệt dân Giuđêa cách vô cớ. Trẫm nhìn nhận là vì các việc ấy mà phải khốn khổ như thế này, mà giờ đây trẫm phải buồn bực mà chết nơi đất khách quê người".
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 9, 2-3. 4 và 6. 16b và 19
Đáp: Lạy Chúa, con mừng rỡ vì ơn Ngài cứu độ (x. c. 16a).
1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Con sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao. - Đáp.
2) Vì quân thù của con đã tháo lui, chúng chạy trốn và vong mạng trước thiên nhan Chúa. Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên tuổi chúng tới muôn đời. - Đáp.
3) Người chư dân rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cạm bẫy mà họ đã che. Vì kẻ cơ bần không bị đời đời quên bỏ, hy vọng người đau khổ không mãi mãi tiêu tan. - Đáp.
ALLELUIA:
Pl 2, 15-16 - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 20, 27-40
"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
Đó là lời Chúa.
www.thanhlinh.net (http://thanhlinh.net/node/48035)
phale
21-11-2015, 07:49 AM
Gợi ý suy niệm:
Trong thời đại Chúa Giêsu, dân tộc Do Thái tồn tại hai “đảng phái” xem ra luôn đối lập nhau và có ảnh hưởng nhất cả về tôn giáo lẫn chính trị. Đó là nhóm Pha-ri-siêu và nhóm Sa-đốc (ngoài ra còn một vài nhóm nhỏ như Essenien và Jelos không đáng kể).
Nhóm Pha-ri-siêu có tiền thân là những người Has-si-đim, đã hình thành nên phongtrào Ma-ca-bê. Nhóm này chủ trương giữ lề luật, thậm chí sẵn sàng chết vì giữ luật như trong bài đọc I (sách Ma-ca-bê) tường thuật việc có bảy mẹ con chết vì tuân giữ lề luật Môi-sê. Họ tin có sự sống lại và Thiên Chúa sẽ thưởng công xứng đáng cho những ai trung thành và dám chết vì lề luật của Người.
Còn nhóm Sa-đốc là của những người theo thượng tế Sa-đốc. Họ chủ trương không có sự sống lại, nên chỉ tìm kiếm những sự đời này; họ thoả hiệp với ngoại bang để được chức tước và bổng lộc. Họ chỉ minh nhiên chân nhận bộ Ngũ Kinh là Thánh Kinh, còn những sách Giáo Huấn và sách Ngôn Sứ chỉ là phụ thuộc.
Chúa Giê-su không theo một đảng phái nào cả, Người chỉ trích phái Sa-đốc tham quyền cố vị, người Pha-ri-siêu giữ luật giả hình. Chính vì thế mà cả hai nhóm này đều tìm cách bắt bẻ gài bẫy Chúa Giêsu. Nhóm Pha-ri-siêu thường hỏi Chúa Giê-su về những gì liên quan đến luật và nộp thuế, còn nhóm Sa-đốc lại thắc mắc liên quan đến quyền bính và vấn đề kẻ chết sống lại.
Hôm nay nhóm Sa-đốc đến hỏi Chúa Giê-su. Họ trích đoạn Thánh Kinh trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 25,5): “Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình”. Rồi bịa ra một câu chuyện “sát phu” là có bảy người anh em trai thay thế nhau lấy một cô gái, nhưng “tướng sát phu” của cô này làm chết cả, cuối cùng cô ta cũng chết. Vậy khi sống lại, cô ta là vợ của ai trong bảy người kia?
Qua cách thắc mắc, ta dễ nhận thấy rằng quan niệm và niềm tin của nhiều nước, nhiều tôn giáo trên thế giới vẫn tin rằng thế giới “bên kia” cũng tổ chức và sinh hoạt như thế giới chúng ta đang sống, và cụ thể là vẫn cưới vợ gả chồng. Tuy nhiên, cái chủ đích mà người Sa-đốc nhắm tới để gài bẫy ở đây là nhằm phủ nhận sự sống lại. Chúa Giêsu đã trả lời cách khẳng định cho họ hai điểm chính yếu sau đây:
- Có sự sống lại thật.
Chính vì nhóm Sa-đốc chỉ nhận bộ Ngũ Kinh là Thánh Kinh, nên Chúa Giêsu trích chính sách Xuất Hành là một trong Ngũ Kinh đó để trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,1-6) và không thể nào Thiên Chúa lại là Thiên Chúa của kẻ chết, cho nên Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp vẫn đang sống.
Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta là vô ích, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên không thể lĩnh hội được. Niềm tin vào sự sống lại được xây dựng trên nền tảng sự sống lại của Đức Giêsu, mà các tông đồ là những người đã thấy tận mắt, đã sẵn sàng chịu đau khổ và chết để làm chứng. «Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng» (Cv 2,32; x. Cv 10,41). Đây là một trong những niềm tin căn bản nhất của người Kitô hữu, đến nỗi có thể nói ai không tin vào sự sống lại thì không phải là người Kitô hữu.
- Đời sống thiên thần (vita angelica)
Câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta biết trật tự, cách tổ chức, sinh hoạt, cách thế hiện hữu trong cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải lấy vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.
Chúa Giê-su nhắc đến đời sống đến thiên thần, nghĩa là bậc mà lẽ sống là thờ lạy, chúc tụng và vâng lời Thiên Chúa. Ở đời sau con người sẽ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và quy hướng về Người. Và theo quan niệm Do Thái, sự sống của Thiên Chúa và con cái Người thì khác; còn sự sống của loài người và con cái thế gian thì khác. Một đàng vĩnh cửu nên không cần truyền sinh, đàng kia vắn vỏi nên cần cưới vợ lấy chồng. Những kẻ có phần trong sự sống lại này “sẽ giống như các thiên thần”, không phải về mọi phương diện mà về trạng thái bất tử của họ. Trong một ý nghĩa rộng rãi hơn, họ sẽ là “con cái Thiên Chúa” và là “con cái của sự sống lại, vì sự chết đã mất uy lực trên họ.”
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khao khát đời sống vĩnh cửu, để chúng con biết lo giữ mình trong sạch, sống phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, ngày đêm ca ngợi Chúa và sống dưới sự hiện diện của Chúa như các thiên thần. Nhờ đó, chúng con đã nếm hưởng niềm vui thiên quốc ngay ở cuộc sống trần gian này.
Bảo_†_Lâm
Powered by vBulletin® Version 4.1.7 Copyright © 2025 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.