PDA

View Full Version : Ngày 24/11 Lễ kính các Thánh tử đạo tại Việt Nam



phale
24-11-2015, 06:06 AM
BÀI CA NGÀN TRÙNG

Giáo Hội Công giáo Việt Nam được thế giới biết đến như một Giáo Hội tử đạo. Điều này vừa có nghĩa là Giáo Hội đã được sinh ra và lớn lên giữa những cuộc bách hại của quá khứ, vừa có nghĩa là Cộng đoàn Đức tin của ngày hôm nay vẫn đang đối diện với những khó khăn đến từ nhiều phía. Nếu diễn tả sự hy sinh thấm đẫm máu đào của các Thánh Tử đạo như một bài ca ngàn trùng tôn vinh Chúa (nhan đề của một bài thánh ca), thì thế hệ của chúng ta đang nối tiếp các bậc Tiền nhân để viết lên bài ca đó. Chứng từ anh dũng của các Thánh Tử đạo không chỉ là chuyện kể của ngày hôm qua, mà còn là những vấn đề của ngày hôm nay, trong xã hội hiện đại này đang rất cần những chứng nhân Đức tin.

Các Thánh Tử đạo Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng bằng chính máu đào của mình. Các ngài là những người đã vượt qua đau khổ lớn lao, đã giặt áo mình trong máu Chiên Con (x. Kh 7,14). Để trung thành với Đức tin, khoảng 130.000 tín hữu đã đổ máu đào, thấm đẫm giang sơn ba miền Bắc Trung Nam của nước Việt Nam. Trong số này, có những người Việt Nam cũng như ngoại quốc; có những người già cũng như trẻ, nam cũng như nữ, trí thức cũng như bình dân. Trong số các ngài, có những người làm việc trong triều đình, quân đội, nhưng cũng có những người suốt đời quen với cày cuốc và ruộng đồng. Trong số các ngài, có giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân. Dù khác biệt về tuổi tác, nguồn gốc cũng như địa vị xã hội, các ngài đều có chung một niềm tin, cùng một lý tưởng phụng sự Chúa. Các ngài được nuôi dưỡng bằng chí khí anh hùng, thà chết chứ không bỏ Đạo. Các ngài đã làm nên một dàn đồng ca vĩ đại, dâng lời ca tụng tạ ơn Thiên Chúa. Chứng từ của các ngài làm nên vẻ đẹp của Giáo Hội Việt Nam. Khi ôn lại đời sống và chứng tá của các Thánh Tử đạo, chúng ta là hậu sinh hôm nay không khỏi ngỡ ngàng, làm sao những người dân quê suốt đời chân lấm tay bùn, lại có thể trở thành những chứng nhân trung kiên, can đảm đối diện với nhà cầm quyền hùng mạnh và với những hình khổ dã man? Câu trả lời chắc chắn là nhờ ơn của Chúa. Họ bị bắt, bị bỏ đói và hành hạ trong tù. Họ bị liệt vào hàng phản quốc. Họ bị vu khống tội âm mưu lật đổ triều đình. Tất cả những điều đó không làm họ nản chí. Nhờ ơn trên, các Thánh Tử đạo của chúng ta có thể chấp nhận mọi sự, miễn là Đức Kitô được rao giảng. Những câu trả lời của các ngài nhiều khi rất đơn sơ, nhưng cũng làm cho nhà cầm quyền bối rối và đuối lý. Khi các quan khuyên Phêrô Nguyễn Văn Tự: “Này anh Tự, thực tình chúng tôi muốn tha anh. Vậy, anh nghe chúng tôi mà bước lên Thánh Giá để được tha”. Thánh Tự đã trả lời: “Tôi cám ơn các quan về những lời hứa hẹn này. Nhưng tôi không thể bỏ Thiên Chúa của tôi để theo vua và các quan. Tôi không thể giày đạp lên ảnh của cha mẹ tôi cũng như ảnh vua, thì làm sao tôi có thể giày đạp lên ảnh Thiên Chúa của tôi?”. Nhân đức anh hùng và chứng từ can đảm của các Thánh Tử đạo là những nốt nhạc thiêng viết nên bản hùng ca ngàn trùng, làm rạng rỡ Giáo Hội và non sông Việt Nam.

Giáo Hội Công giáo Việt Nam hôm nay là hậu duệ thiêng liêng của các Thánh Tử đạo. Chúng ta có bổn phận viết tiếp những trang sử rạng ngời mà ông cha ta đã viết. Những trang sử của thời hiện đại không viết bằng máu, nhưng bằng những nỗ lực cố gắng để đem Đạo vào đời, để tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu thấm nhập mọi môi trường ngõ ngách của cuộc sống. Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi trong năm 2016 sắp tới, mỗi tín hữu Công giáo hãy cộng tác phần mình làm cho xã hội Việt Nam được thấm nhuần men Phúc Âm. Sống và thực thi tin thần Tin Mừng, đó là bổn phận và là nguyện vọng của người Công giáo Việt Nam. Do thành kiến và ảnh hưởng bởi lịch sử, có những lúc người Công giáo bị coi là “công dân hạng hai”, bị xa lánh và bị từ chối vào một số trường học, cơ quan nhà nước. Vì vậy, khá nhiều người Công giáo dè dặt trong việc tham gia những hoạt động xã hội. Nhiều cộng đoàn giáo xứ trở nên khép kín, chỉ biết kinh lễ và những sinh hoạt trong nhà thờ. Lâu dần, cách suy nghĩ này trở thành thói quen chung của cả một làng, nhất là những làng Công giáo toàn tòng. Nhiều người không muốn cho con cái đi học cao, vì biết rằng, người Công giáo có học cao cũng chẳng làm gì. Tình trạng khép kín cứ thế, ngày một trở nên nghiêm trọng. Tạ ơn Chúa, những năm gần đây, não trạng này đang dần dần thay đổi và có nhiều cải thiện. Những người Công giáo đang chứng tỏ sự hoà nhập dấn thân và đồng hành với xã hội. Nhiều người tín hữu thành đạt trong các lĩnh vực trí thức, kinh doanh thương mại, văn hoá xã hội. Những hoạt động từ thiện của Giáo Hội ở nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau đang làm cho hình ảnh người Công giáo gần gũi với đồng bào, với quê hương. Những giao lưu học hỏi giữa các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo cũng sinh nhiều hoa trái và giúp các tôn giáo xích lại gần nhau, cùng chung mục đích đem lại hạnh phúc cho con người. Hoà đồng với xã hội nhưng không đánh mất mình, người Công giáo Việt Nam đang nỗ lực cố gắng để đem tinh thần của Chúa tô điểm cho trần gian nên phác thảo của đời sau. Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư gửi Cộng đồng Dân Chúa vừa qua, sau khi đã đưa ra những nhận định tổng quát về tình hình xã hội Việt Nam, đã mời gọi mỗi người Công giáo “phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống” (số 3). Mặc dù còn nhiều thành kiến nơi những đồng bào không cùng tôn giáo, nhưng chúng ta không vì thế mà nản lòng hoặc bỏ cuộc, nhưng kiên trì đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau. Thánh Phêrô đã mời gọi các tín hữu hãy ăn ở ngay lành giữa các dân ngoại và ngay cả giữa những người chưa thực sự cảm thông, thậm chí còn có những tư tưởng thù nghịch với chúng ta. Qua những việc lành của mình, chúng ta sẽ dần dần cảm hoá họ, đồng thời trình bày gương mặt đích thực của Thiên Chúa và hình ảnh tinh tuyền của Giáo Hội (x. 1P 2,11-12).

Lễ kính các Thánh Tử đạo là dịp để chúng ta kể lại cho nhau những điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi các ngài. Những con người yếu đuối mỏng giòn thường ngày, nhờ ơn Chúa đã trở nên can đảm phi thường. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử của Giáo Hội Việt Nam. Quên lịch sử là quên cội nguồn. Đánh mất lịch sử là đánh mất tương lai. Mầu nhiệm “các thánh cùng thông công” còn khẳng định với chúng ta, các Thánh Tử đạo luôn đồng hành với chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta trước toà Chúa. Nhờ các ngài, chúng ta được tiếp thêm nghị lực để sống và làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay, tiếp tục viết nên bài ca ngàn trùng của tình thương Thiên Chúa.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên
___________________________________________________________________________________

Mời bạn đọc - Lẽ sống ngày 24/11: Đây bài ca ngàn trùng (https://thanhcavietnam.net/forum/threads/6370-le-song-moi-ngay.html?p=71580&viewfull=1#post71580)

phale
24-11-2015, 06:06 AM
BÀI ĐỌC I: (2 Mcb 7,1.20-23.27b-29)
Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Ðức Chúa.
Lời Chúa trong sách Ma-ca-bê quyển thứ hai.
Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm. Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Ðức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Ðấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình." Bà nói với người con út: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."
Ðó là lời Chúa.

Hoặc: BÀI ĐỌC I: (Kn 3,1-9)
Thiên Chúa đón nhận họ như của lễ toàn thiêu.
Lời Chúa trong sách Khôn ngoan.
Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử. Sau khi chịu sửa dạy đôi chút, họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao. Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Ðức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời. Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.
Ðó là lời Chúa.


ĐÁP CA: (Tv 125,1-2ab.2cd-3.4-5.6) (Ð. c.5)
Ðáp : Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Xướng 1) Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. - Đáp.

2) Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán : "Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !" Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại ! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui. - Đáp.

3) Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam. Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. - Đáp.

4) Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở,
vai nặng gánh lúa vàng. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: (Rm 8,31b-39)
Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.
Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc : BÀI ĐỌC II: (Kh 7,9-17)
Họ là những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao.
Lời Chúa trong sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
Tôi là Gio-an, tôi đã thấy: một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta." Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: "A-men! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh,đến muôn thuở muôn đời! A-men !"
Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi: "Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?" Tôi trả lời: "Thưa Ngài, Ngài biết đó." Vị ấy bảo tôi: "Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Ðền Thờ của Người; Ðấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ."
Ðó là lời Chúa.

Hoặc : BÀI ĐỌC II: (1Cor 1,17-25)
"Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta"
Lời Chúa trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Corintô.
Anh chị em thân mến,
Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập Giá của Ðức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập Giá là sự điên rồ với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá hủy sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những kẻ thông sáng". Người khôn ngoan ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu? Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của thế gian trở thành ngu dại sao? Vì khi thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Người, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, những người Do Thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi lại rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá, một cớ vấp phạm của người Do Thái, một sự điên rồ đối với những người ngoại hay Hy Lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.
Ðó là Lời Chúa

ALLELUIA: (Mt 5,10)
Alleluia, Alleluia. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia.

Hoặc : ALLELUIA: (1Pet 4,14)
Alleluia, Alleluia. Nếu anh chị em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh chị em. Vì Thánh Thần Chúa ngự trên anh chị em. Alleluia.

PHÚC ÂM: (Lc 9,23-26)
Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Ðức Giê-su nói với mọi người rằng : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."
Ðó là Lời Chúa.

Hoặc : PHÚC ÂM: (Ga 17,11b-19)
Thế gian đã ghét họ.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, Ðức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : "Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Ðó là Lời Chúa.

Hoặc : PHÚC ÂM: (Mt 10,17-22)
"Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết"
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói gì; vì chưng không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét; nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
Ðó là Lời Chúa.

www.catholic.org

(http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/homily/tudaovn.htm)