PDA

View Full Version : Video Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 07– 13/01/2016: Lễ Hiển Linh



phale
19-01-2016, 05:53 PM
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 07– 13/01/2016:
Lễ Hiển Linh


https://www.youtube.com/watch?v=vE8iPXly4TM

1. Chia sẻ của Đức Thánh Cha trong lễ Hiển Linh

Lúc 10 giờ sáng ngày thứ Tư mùng 6 tháng Giêng, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ Hiển Linh, hay lễ Chúa tỏ mình cũng thường được gọi Là lễ Ba Vua, trong đền thờ thánh Phêrô và lúc 12 giờ trưa ngài đọc kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách hành hương.

Cùng đồng tế thánh lễ với Ðức Thánh Cha có đông đảo các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và hơn 100 linh mục. Tham dự thánh lễ ngoài ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh còn có nhiều tu sĩ nam nữ và 8,000 giáo dân.

Bài đọc một bằng tiếng Anh trích chương 60 sách ngôn sứ Isaia kêu gọi Giêrusalem bừng sáng lên vì vinh quang của Thiên Chúa như bình minh xuất hiện và chiếu toả trên nó. Chư dân và vua chúa sẽ đi về ánh sáng của nó, mọi nguồn giầu sang và của cải muôn dân nước sẽ tràn đến nó.

Thánh vịnh 71 được hát bằng tiếng Ý: Mọi dân tộc trên trái đất sẽ tôn thờ Chúa. Bài đọc hai bằng tiếng Tây Ban Nha trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêxô, trong đó thánh nhân đề cập đến kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho thánh nhân và mầu nhiệm Ðức Kitô mà Thiên Chúa đã mạc khải cho thánh nhân cũng như cho các Tông Ðồ và ngôn sứ: đó là trong Ðức Kitô và nhờ Tin Mừng các dân ngoại cũng cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh kể lại biến cố ba nhà Ðạo Sĩ theo ánh sao tìm đến Bếtlêhem thờ lậy Chúa Hài Nhi. Các Ðạo Sĩ đại diện con người thuộc mọi phần trên trái đất được tiếp nhận vào nhà của Thiên Chúa. Trước Chúa Giêsu không còn có chia rẽ chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa nào nữa

Giảng trong thánh lễ Ðức Thánh Cha nói:

Các lời của ngôn sứ Isaia - hướng tới thành thánh Giêrusalem - mời gọi chúng ta đi ra, ra khỏi các đóng kín của mình, ra khỏi chính mình và nhận biết ánh sáng rạng ngời chiếu soi cuộc sống chúng ta. “Hãy đứng lên, hãy mặc lấy ánh sáng, vì ánh sáng ngươi tới, vinh quang Chúa chiếu sáng trên ngươi” (Is 60,1). Ánh sáng của ngươi là vinh quang của Chúa. Giáo Hội không thể ảo tưởng chiếu sáng với ánh sáng của riêng mình. Thánh Ambrogio nhắc nhớ điều đó với một kiểu diễn tả đẹp bằng cách dùng mặt trăng như phép ẩn dụ để nói về Giáo Hội: “Giáo Hội thật như là mặt trăng rạng ngời không phải với ánh sáng riêng của mình, nhưng với ánh sáng của Chúa Kitô. Từ Mặt Trời của sự công chính Giáo Hội kéo ra sự rạng ngời của mình, và như vậy có thể nói rằng: “Không còn phải là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Exameron, IV,8,32). Chúa Kitô là ánh sáng thật chiếu sáng; và Giáo Hội thành công trong việc soi sáng cuộc đời của con người và các dân tộc trong mức độ Giáo Hội cắm neo nơi Chúa, trong mức độ Giáo Hội để cho Ngài soi sáng. Vì thế các Giáo Phụ đã nhận ra nơi Giáo Hội “mầu nhiệm ánh sáng”.

Chúng ta cần ánh sáng đến từ trên cao này để tương ứng một cách trung thực với ơn gọi chúng ta đã nhận lãnh. Loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô không phải là một lựa chọn giữa biết bao lựa chọn chúng ta có thể làm, nó cũng không phải là một nghề nghiệp. Ðối với Giáo Hội, truyền giáo không có nghĩa là chiêu dụ tín đồ; đối với Giáo Hội truyền giáo tương đương với diễn tả chính bản chất của mình: được Thiên Chúa chiếu sáng và phản ảnh ánh sáng của Chúa. Không có một con đường khác. Truyền giáo là sứ mệnh của Giáo Hội. Có biết bao nhiêu người chờ đợi nơi chúng ta sự dấn thân truyền giáo này, bởi vì họ cần Chúa Kitô, họ cần biết gương mặt của Thiên Chúa Cha.

Tiếp tục bài giảng Ðức Thánh Cha nói các Ðạo Sĩ mà Phúc Âm thánh Mátthêu nói tới, là chứng tá sống động của sự kiện các hạt giống chân lý hiện diện khắp nơi, bởi vì chúng là ơn của Ðấng Tạo Hóa, mời gọi tất cả mọi người nhận biết Ngài như là Cha tốt lành và trung tín. Ðức Thánh Cha định nghĩa các đạo sĩ như sau:

Các Ðạo Sĩ đại diện con người thuộc mọi phần trên trái đất được tiếp nhận vào nhà của Thiên Chúa. Trước Chúa Giêsu không còn có chia rẽ chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa nào nữa: nơi Hài Nhi đó toàn thể nhân loại tìm thấy sự hiệp nhất. Và Giáo Hội có bổn phận nhận biết và làm nổi bật lên một cách rõ ràng hơn ước muốn của Thiên Chúa, mà mỗi người mang trong chính mình. Cũng giống như các Ðạo Sĩ, cả ngày nay nữa, có biết bao nhiêu người sống với “con tim bất an”, tiếp tục hỏi mà không tìm ra các câu trả lời chắc chắn. Họ cũng kiếm tìm ngôi sao chỉ đường tới Bếtlêhem.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: Trên trời có biết bao nhiêu ngôi sao! Thế nhưng các Ðạo Sĩ đã theo dõi một ngôi sao mới khác, đối với họ chiếu sáng rất nhiều hơn. Họ đã thăm dò lâu cuốn sách lớn của trời để tìm ra một câu trả lời cho các vấn nạn của mình, và sau cùng ánh sáng đã xuất hiện. Ngôi sao ấy biến đổi họ. Nó khiến cho họ quên đi các lợi lộc thường ngày và họ lập tức lên đường. Họ lắng nghe một tiếng nói trong nội tâm thúc đẩy họ đi theo ánh sáng đó, và nó đã hướng dẫn họ cho tới khi họ tìm thấy vua người Do thái trong một căn nhà nghèo nàn tại Bếtlêhem.

Tất cả những điều này là một giáo huấn cho chúng ta. Thật là điều tốt, nếu hôm nay chúng ta lập lại câu hỏi của các Ðạo Sĩ: “Vua dân Do thái đã sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã trông thấy ngôi sao của người và chúng tôi đến thờ lậy người” (Mt 2,2). Chúng ta được thôi thúc, nhất là trong một thời đại như thời đại chúng ta, đi kiếm tìm các dấu chỉ mà Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta, vì biết rằng chúng đòi hỏi dấn thân của chúng ta để đọc chúng và hiểu biết ý muốn của Chúa. Chúng ta được mời gọi đi đến Bếtlêhem để tìm Hài Nhi và Mẹ Người. Chúng ta hãy đi theo ánh sáng Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta! Ánh sáng toả lan từ gương mặt của Chúa Kitô, tràn đầy thương xót và trung thành. Và một khi đã đến trước mặt Chúa, chúng ta hãy thờ lậy Người với tất cả con tim và hãy dâng cho Ngài các món quà của chúng ta là sự tự do, trí thông minh và tình yêu thương. Chúng ta hãy nhận ra rằng sư khôn ngoan thật dấu ẩn trong gương mặt của Hài Nhi này. Chính tại đây, trong sự đơn sơ của Bếtlêhem mà cuộc sống của Giáo Hội tìm ra tổng hợp của nó. Chính tại đây, suối nguồn của ánh sáng lôi cuốn mọi người đến với mình và hướng dẫn bước đi của các dân tộc trên con đường hòa bình.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng tiếng Pháp cầu cho Ðức Thánh Cha và các Giám Mục, xin Chúa là Ðấng đã đặt các vị làm chủ chăn dân Người làm cho các vị trở thành những người loan báo Tin Mừng cứu độ mạnh mẽ và dịu hiền. Lời cầu tiếng Tầu xin Chúa hướng dẫn lịch sử tới chỗ thành toàn thực sự và hướng dẫn nó kiếm tìm thiện ích đích thật của các dân tộc và mọi người.

Lời cầu tiếng Swahili xin Chúa săn sóc mọi người cho thiên thần của Ngài canh giữ bước chân của họ và khơi dậy các cử chỉ tiếp đón và tình huynh đệ. Lời cầu tiếng A Rập xin Chúa là Ðấng tự tỏ hiện ra với người chân thành tìm kiếm Ngài, lôi cuốn và gợi hứng cho họ với vẻ đẹp và chân lý của Chúa. Lời cầu tiếng Singale xin Chúa là Ðấng đã sinh ra các tín hữu như con cái trong Người Con của Chúa, làm cho họ trở thành những người thờ phượng danh Chúa đích thực và các chứng nhân đáng tin cậy của tình yêu Người.

2. Tình yêu đích thực là gì và đến từ đâu?

“Không phải tất cả mọi tình yêu đều đến từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa chính là tình yêu đích thực. Thiên Chúa hằng yêu thương và tình yêu của Ngài luôn đi bước trước cho dù chúng ta có yếu đuối, tội lỗi.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 08 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Trong bài đọc một, thánh Gioan đã đan dệt nên một suy niệm dài dựa trên hai giới răn chính yếu của đời sống đức tin: mến Chúa và yêu người. Tình yêu tự bản chất là tốt lành. Yêu thương là một nghĩa cử đẹp. Tình yêu chân thành sẽ khiến người ta trở nên mạnh mẽ và triển nở trong chính cuộc sống của mình.

‘Tình yêu’ là một cụm từ được sử dụng rất nhiều. Nhưng liệu chúng ta có biết chính xác ý nghĩa của cụm tự đó khi sử dụng hay không? Tình yêu là gì? Đôi khi chúng ta nghĩ yêu là điều gì đó đầy kịch tính, ủy mị, sướt mướt. Không! Không hẳn tình yêu là như thế. Hoặc chúng ta nghĩ yêu ai là dành hết mọi tình cảm cho người đó. Nhưng vấn đề là sau đó, tình cảm này có thể phai nhạt đi. Như thế cũng không gọi là yêu. Vậy tình yêu đích thực là gì và đến từ đâu? Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, vì Thiên Chúa là tình yêu. Thánh Gioan không nói: Tình yêu là Thiên Chúa. Nhưng ngài nói: Thiên Chúa là tình yêu.

Thánh Gioan nhấn mạnh đến một đặc tính của tình yêu Thiên Chúa: tình yêu đi bước trước. Bài tin mừng hôm nay tường thuật việc hóa bánh ra nhiều sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm được đặc tính của tình yêu Thiên Chúa cách rõ ràng hơn. Khi Đức Giêsu thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương. Đám đông có đáng để Đức Giêsu phải chạnh lòng không? Chính tình yêu chân thành dành cho dân chúng đã dẫn Đức Giêsu đến chỗ đồng cảm với họ, chạnh lòng với họ và dám dấn thân đi vào cuộc sống của họ.

Khi phạm tội, chúng ta muốn nài xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng thật ra chính Thiên Chúa đang đợi chờ để tha thứ cho chúng ta. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, có một điều chúng ta cần khắc cốt ghi tâm: Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Nhưng Ngài chờ đợi để làm gì? Để ôm chúng ta vào lòng và nói: ‘Con à, Cha yêu con! Cha đã trao tặng con chính Người Con Một. Đó là cái giá của tình yêu. Và đó cũng chính là món quà yêu thương.’

Thiên Chúa đang chờ đợi tôi. Thiên Chúa muốn tôi mở cách cửa tâm hồn mình ra. Và nếu tôi có ngượng ngùng, xấu hổ vì cảm thấy không xứng đáng trước tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa, thì tôi hãy nhớ rằng Ngài đang chờ đợi.

Chúng ta hãy đến với Chúa và thân thưa rằng: ‘Chúa ơi, Chúa biết rằng con yêu Chúa.’ Hoặc nếu chúng ta không thân thưa được như thế, thì có thể nói: ‘Chúa ơi, Chúa biết rằng con muốn yêu Chúa, nhưng con thật yếu đuối và tội lỗi.’ Chắc chắn Thiên Chúa sẽ ôm chầm lấy chúng ta giống như người cha nhân hậu ôm lấy đứa con hoang đàng sau khi nó chơi bời hết tiền của và không để cho nó kịp nói hết câu thú tội của mình. Thiên Chúa ôm chúng ta bằng cái ôm của tình yêu tha thứ.”

3. Các việc bác ái là trọng tâm của đời sống đức tin.

“Các việc bác ái là trọng tâm của đức tin mà chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm mùng 7 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta. Thánh lễ này là thánh lễ đầu tiên Ðức Thánh Cha cử hành tại nguyện đường này sau dịp Giáng Sinh.

Từ những suy tư dựa trên bài đọc một trích thư thứ nhất của thánh Gioan Tông Ðồ, Ðức Thánh Cha đã nhắc nhở rằng cần phải cảnh giác trước thế gian và những thần khí có thể tách lìa chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, Ðấng đã nhập thể làm người vì chúng ta.

“Hãy ở lại trong Thiên Chúa. Ở lại trong Thiên Chúa chính là hơi thở của đời sống Kitô hữu. Kitô hữu là người ở lại trong Thiên Chúa, là người có Chúa Thánh Thần và được Thánh Thần hướng dẫn. Ðồng thời, thánh tông đồ Gioan cũng cảnh giác chúng ta 'đừng cứ thần khí nào cũng tin'. Nhưng phải cân nhắc xem thần khí nào mới xuất phát từ Thiên Chúa. Như vậy, thánh Gioan đã dạy cho chúng ta một nguyên tắc trong cuộc sống thường ngày.

Nhưng 'xem xét hay cân nhắc các thần khí' có nghĩa là gì? Các thần khí không phải là những 'bóng ma'. Cân nhắc các thần khí có nghĩa là chúng ta phải 'xem xét' điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta. Ðâu là nguyên nhân và gốc rễ của những suy nghĩ và cảm xúc trong chúng ta tại thời điểm này? Chúng đến từ đâu? Cân nhắc các thần khí chính là xem xét thần khí nào xuất phát từ Thiên Chúa và thần khí nào đến từ tên phản-kitô.

Thế gian chính là loại thần khí muốn chúng ta xa lìa Thánh Thần, Ðấng giúp chúng ta ở lại trong Thiên Chúa. Vậy đâu là tiêu chuẩn giúp ta phân định những gì đang xảy ra trong tâm hồn? Thánh Tông Ðồ Gioan đã đưa ra một tiêu chuẩn duy nhất: thần khí nào tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Ðấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Ðức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa. Như vậy, mầu nhiệm Nhập Thể chính là tiêu chuẩn. Tôi có thể nghe thấy rất nhiều thứ bên trong tâm hồn, có cả những điều tốt lành, những ý tưởng đẹp. Nhưng nếu những ý tưởng tốt lành, những cảm xúc tươi đẹp không giúp tôi đến gần Chúa - Ðấng đã trở nên người phàm - không mang tôi đến bên cạnh người anh em, thì những ý tưởng và cảm xúc ấy không đến từ Thiên Chúa. Chính vì vậy, thánh Gioan đã mở đầu đoạn thư bằng việc tuyên bố rằng: 'Ðây chính là điều răn của Thiên Chúa: chúng ta phải tin vào danh Ðức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau.'“

“Chúng ta có thể thực hiện vô số những công việc tông đồ mục vụ và nghĩ ra những phương pháp mới để đến gần với dân chúng. Nhưng nếu chúng ta không thực thi đường lối của Thiên Chúa, Ðấng đã đến và trở nên người phàm để cùng đồng hành với chúng ta; chúng ta không bước đi trên con đường của thần lành, nhưng là con đường của tên phản-kitô, của thế gian và của tinh thần thế tục.

Trong cuộc sống, chúng ta đã gặp nhiều người dường như rất thiêng liêng. Nhưng những con người thiêng liêng, thánh thiện này chẳng hề đá động gì đến việc bác ái. Nhưng tại sao lại là việc bác ái? Tại vì những công việc bác ái chính là sự cụ thể hóa việc chúng ta tuyên xưng con Thiên Chúa đã nhập thể làm người: thăm viếng người bệnh, cho kẻ đói ăn, chăm sóc những người bị bỏ rơi.. Nhưng tại sao phải là những công việc bác ái? Bởi vì mỗi người anh chị em mà chúng ta phải yêu thương chính là thân thể của Ðức Kitô. Thiên Chúa đã trở nên người phàm để hòa đồng với chúng ta. Người đau khổ chính là Chúa Kitô chịu đau khổ.”

“Ðừng cứ thần khí nào cũng tin. Hãy cẩn thận! Hãy cân nhắc xem thần khí nào mới xuất phát từ Thiên Chúa. Giúp đỡ những anh chị em đang khó khăn thiếu thốn, đang cần một lời khuyên, đang cần một sự động viên an ủi hay đang cần chúng ta lắng nghe là những dấu chỉ cho thấy rằng chúng ta đang bước đi trên con đường của thần lành, và đó cũng chính là con đường của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người.

Ngày hôm nay chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được nhận biết cách chính xác điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta thực sự muốn gì? Chúng ta muốn thần khí Thiên Chúa thôi thúc chúng ta vươn tay ra phục vụ tha nhân hay muốn tinh thần thế gian chỉ nghĩ đến bản thân mình, khóa chặt mình với những toan tính ích kỷ và bao nhiêu điều khác? Chúng ta xin ơn để biết điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta.”

4. Cần phải biết ngước mắt nhìn trời và có con tâm trí rộng mở để có thể gặp gỡ Chúa Giêsu

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Hiển Linh, Ðức Thánh Cha nhận xét rằng trình thuật tin mừng liên quan tới ba Ðạo Sĩ từ Phương Ðông đến Bếtlêhem để thờ lậy Ðấng Cứu Thế trao ban cho lễ Hiển Linh một hơi thở đại đồng. Ðó là hơi thở của Giáo Hội, ước mong cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất có thể gặp gỡ Chúa Giêsu và sống kinh nghiệm tình yêu thương xót của Ngài.

Chúa Kitô mới sinh ra chưa biết nói, nhưng tất cả mọi người, được đại diện bởi ba Ðạo Sĩ, đã có thể gặp gỡ, nhận biết và thờ lậy Người. Vừa khi tới Giêrusalem các vị nói với vua Hêrôđê: “Chúng tôi đã trông thấy ngôi sao của Người mọc lên và chúng tôi đến thờ lậy Người” (Mt 2,2). Họ là những người uy thế, thuộc nhiều miền khác nhau và có các văn hóa khác nhau, họ đã đi tới đất Israel để thờ lậy vị vua đã giáng sinh. Giáo Hội đã luôn luôn nhìn thấy nơi các vị hình ảnh của toàn nhân loại, và với việc cử hành lễ Hiển Linh, Giáo Hội, với sự kính trọng, như muốn hướng dẫn mọi người nam nữ của thế giới này đến với Hài Nhi đã sinh ra để cứu chuộc tất cả mọi người.

Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:

Trong đêm Giáng Sinh Chúa Giêsu đã tự tỏ hiện cho các mục đồng, là những người khiêm tốn và bị khinh bỉ; họ đã là những người đầu tiên đem một chút hơi ấm vào trong hang đá Bếtlêhem lạnh lẽo. Giờ đây có ba Ðạo Sĩ từ các vùng đất xa tới, cả họ nữa cũng đã được lôi kéo tới Bếtlêhem môt cách huyền bí. Các mục đồng và các Ðạo Sĩ rất khác nhau, nhưng có một điều làm họ giống nhau: đó là trời. Các mục đồng Bếtlêhem chạy tới ngay lập tức để trông thấy Chúa Giêsu, không phải vì họ đặc biệt tốt lành, nhưng vì họ canh giữ đoàn vật ban đêm và khi ngước mắt nhìn trời, họ đã trông thấy một dấu chỉ, họ lắng nghe sứ điệp của nó và đi theo nó. Các Ðạo Sĩ cũng vậy: họ đã dò xét bầu trời, họ đã trông thấy một ngôi sao mới, họ giải thích dấu chỉ và lên đường. Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Các mục đồng và các Ðạo Sĩ dậy cho chúng ta biết rằng để gặp gỡ Chúa Giêsu cần phải biết ngước mắt nhìn trời, không khép kín trong chính mình, nhưng có con tâm trí rộng mở cho chân trời của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn khiến cho chúng ta ngạc nhiên, biết tiếp đón các sứ giả của Người và trả lời với sự mau mắn và quảng đại.

“Khi trông thấy ngôi sao, các Ðạo Sĩ đã cảm thấy niềm vui rất lớn” (Mt 2,10). Cả chúng ta nữa cũng được an ủi lớn, khi trông thấy ngôi sao, hay khi cảm thấy mình được hướng dẫn, chứ không bị bỏ rơi cho số phận. Và ngôi sao đó là Tin Mừng, là Lời Chúa, như thánh vịnh nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Ánh sáng này hướng dẫn chúng ta tới với Chúa Kitô. Không lắng nghe Tin Mừng thì không thể gặp gỡ Người! Thật thế, các Ðạo Sĩ khi theo ngôi sao đã tới nơi có Chúa Giêsu. Và ở đây “họ trông thấy Hài Nhi với Ðức Maria, Mẹ Người, họ phủ phục và thờ lậy Người” (Mt 2,11). Kinh nghiệm của các Ðạo Sĩ khích lệ chúng ta đừng bằng lòng với sự tầm thường xoàng xĩnh, đừng “sống vật vờ”, nhưng tìm kiếm ý nghĩa các sự vật, đam mê dò xét mầu nhiệm cao cả của cuộc sống. Và nó cũng dậy chúng ta đừng lấy làm gương mù gương xấu vì sự bé nhỏ và nghèo nàn, nhưng nhận ra sự uy nghiêm trong cái khiêm tốn, và biết quỳ gối xuống trước sự khiêm tốn ấy.

Xin Ðức Trinh Nữ là Ðấng đã tiếp đón các Ðạo Sĩ tại Bếtlêhem giúp chúng ta ngước mắt nhìn vào chính chúng ta, để cho mình được hướng dẫn bởi ngôi sao của Tin Mừng để gặp gỡ Chúa Giêsu, và biết hạ mình xuống thờ lậy Người. Như thế chúng ta sẽ đem tới cho người khác một tia ánh sáng của Người và chia sẻ với họ niềm vui của con đường cuộc sống.

Lễ Hiển Linh cũng là Ngày Nhi Ðồng Truyền Giáo Quốc Tế. Ðây là lễ của trẻ em, với lời cầu nguyện và các hy sinh, các em trợ giúp các bạn đồng trang lứa cần được giúp đỡ, bằng cách trở thành thừa sai và chứng nhân của tình huynh đệ và chia sẻ.

Cũng như mọi năm, đoàn rước Ba Vua cỡi lạc đà, với nhiều ban nhạc đã khởi hành từ Lâu đài thiên thần cuối đại lộ Hòa Giải để tiến về quảng trường với các nhóm người thuộc nhiều thành phố khác nhau tham dự trong sắc phục thời Trung Cổ rất đẹp.

5. Ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội

Chúng ta hãy nghĩ đến ngày chúng ta được rửa tội và cám ơn Chúa vì hồng ân này, cũng như tái khẳng định lòng gắn bó với Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 10 tháng Giêng, là lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến, Chúa Nhật này sau lễ Hiển Linh chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa và chúng ta kỷ niệm với lòng biết ơn phép rửa chúng ta đã lãnh nhận. Trong bối cảnh đó, sáng hôm nay tôi đã ban phép rửa tội cho một nhóm đông các hài nhi mới sinh: chúng ta hãy cầu nguyện cho các em.

Bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu ở trong dòng sông Giordan, ở trung tâm một mặc khải tuyệt vời của Chúa. Thánh Luca viết: “Trong lúc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa, Ngài cầu nguyện, tầng trời mở ra và Thánh Linh ngự xuống trên Ngài dưới hình cụ thể như một chim bồ câu và có một tiếng nói từ trời: “Con là con yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi đàng” (Lc 3,21-22). Qua cách thức đó Chúa Giêsu được Chúa Cha thánh hiến và bày tỏ như một Đấng Messia cứu độ và giải thoát”.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Trong biến cố này, được tất cả 4 sách Tin Mừng chứng thực, đã xảy ra sự chuyển tiếp tục phép rửa của Gioan Tẩy Giả, dựa trên biểu tượng nước, tới phép rửa của Chúa Giêsu “trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Thực vậy, Chúa Thánh Linh trong phép rửa của Kitô giáo chính là tác nhân chính yếu: chính Ngài đốt cháy và phá hủy tội nguyên tổ, trả lại cho người chịu phép rửa vẻ đẹp của ơn thánh Chúa; chính Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của tăm tối, nghĩa là tội lỗi, và đưa chúng ta vào vương quốc ánh sáng, nghĩa là tình thương, sự thật và an bình. Chúng ta hãy nghĩ đến phẩm giá mà bí tích rửa tội nâng chúng ta lên! “Chúa Cha đã yêu thương chúng ta dường nào đến độ chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và chúng ta thực sự được như vậy!” (1 Ga 3,1), đó là điều thánh Gioan Tông Đồ đã thốt lên! Thực tại tuyệt vời được làm con Thiên Chúa bao hàm trách nhiệm theo Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ Vâng phúc, và tái diễn nơi chúng ta những đường nét của Chúa: hiền từ, khiêm tốn, dịu dàng. Và đây không phải là diều dễ dàng, nhất là quanh chúng ta có bao nhiêu bất bao dung, kiêu hãnh, cứng cỏi. Nhưng với sức mạnh được Thánh Linh ban cho chúng ta, đó là điều có thể!

Chúa Thánh Linh chúng ta lãnh nhận lần đầu tiên trong ngày chịu phép rửa, mở tâm hồn chúng ta đón nhận Chân Lý, tất cả Chân Lý. Chúa Thánh Linh thúc đẩy cuộc sống chúng ta trên con đường cam go nhưng vui tươi, con đường bác ái và liên đới với các anh chị em chúng ta. Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta sự dịu dàng từ ơn tha thứ của Chúa và làm cho chúng ta được tràn ngập sức mạnh vô địch của lòng từ bi Chúa Cha. Chúng ta đừng quên rằng Thánh Linh là sự hiện diện sinh động và ban sức sống nơi người đón nhận Ngài, Ngài cầu nguyện trong chúng ta và làm cho chúng ta được tràn đầu niềm vui tinh thần.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: Hôm nay lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta hãy nghĩ đến ngày chúng ta được rửa tội: chúng ta cám ơn Chúa vì hồng ân này, và tái khẳng định lòng gắn bó với Chúa Giêsu, với quyết tâm sống như những Kitô hữu, thành phần của Giáo Hội và của một nhân loại mới, trong đó tất cả đều là anh chị em với nhau. Phép rửa chúng ta chỉ lãnh nhận một lần, nhưng cần phải được làm chứng mọi ngày, vì đó là cuộc sống mới cần chia xẻ và là ánh sáng cần thông truyền, nhất là cho những người đang sống trong những tình cảnh không xứng với con người và đang bước đi trên những con đường tối tăm.

Xin Mẹ Maria là nữ môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, giúp chúng ta sống bí tích rửa tội với niềm vui và lòng nhiệt thành tông đồ, hằng ngày đón nhận hồng ơn Chúa Thánh Linh, đấng làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa.

nguồn: Vietcatholic.net