PDA

View Full Version : Thứ Năm Tuần III Mùa Phục Sinh



phale
13-04-2016, 02:33 PM
BÀI ĐỌC I: Cv 8, 26-40
"Nếu ông tin hết lòng, thì được chịu phép rửa".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: "Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Đường ấy vắng vẻ". Người chỗi dậy ra đi. Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo Philipphê: "Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia". Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: "Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?" Nhà quan trả lời: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi". Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Đoạn Thánh Kinh ông đang đọc như sau: "Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian". Viên thái giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: "Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?" Philipphê mở miệng rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Đang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: "Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Philipphê nói: "Nếu ông tin hết lòng thì được". Nhà quan đáp lại: "Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa". Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 65, 8-9. 16-17. 20
Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Đấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té. - Đáp.

2) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Ngài. - Đáp.

3) Chúc tụng Chúa là Đấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 6, 44-51
"Ta là bánh từ trời xuống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: 'Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo'. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".
Đó là lời Chúa.

phale
14-04-2016, 10:20 AM
Suy niệm:

Trong loạt bài giảng của Chúa Giêsu, BÁNH HẰNG SỐNG là diễn từ rất quan trọng đã được thánh sử Gioan đã ghi lại toàn bộ trong chương 6.

Thiên Chúa yêu thương đã cho chúng ta được sống làm người có thân xác và linh hồn bất tử. Vũ trụ này xinh đẹp, tầng trời cao xanh, hoa trái ngọt lành, những tia nắng ấm, cơn mưa mát mẻ...tất cả đều được tạo nên vì con người. Thiên Chúa quan phòng còn chuẩn bị cho con người mọi thứ để có cuộc sống đầy đủ đến nỗi tác giả thánh vịnh 64 đã cất lên lời tạ ơn : «Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi. Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ, cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh. Chiên cừu phủ trắng đồng xanh, lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào...» Thật vậy, nỗi bận tâm lớn nhất của Thiên Chúa là yêu thương và cứu chuộc loài người. Ngài không nỡ để cho chúng ta ăn bánh hay hư nát, sống lang thang tạm bợ và chết trong sa mạc như thời tiên tổ nên đã cho Đức Giêsu xuống như bảo chứng thật cho chúng ta sự sống viên mãn.

Nhưng điều kiện nào để hưởng được sự sống ấy, đó là phải TIN «ai tin thì được sống đời đời». Vậy căn nguyên của nguồn sống ấy là tin. Vì như các vị tổ tiên xưa cũng được ăn bánh nhưng họ đã đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa khi gặp thử thách trong sa mạc, khi phải lưu đày trốn chạy nơi đất khách quê người, nơi rừng hoang núi thẳm. Chúa Giêsu e ngại người ta nhầm lẫn chỉ tìm kiếm Chúa như ông chủ của «một cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm» mà quên rằng niềm tin vào Chúa mới giải thoát họ khỏi án chết của tội lỗi. Một lần nữa Chúa Giêsu khẳng định lại rằng sự sống nơi thân xác, cái ăn cái mặc là điều kiện cần nhưng chưa đủ, chỉ niềm tin mới đưa con người ta đến được Chân Trời Sống Mới, đến Bến Bờ Hạnh Phúc.

Trong một đoạn văn ngắn gồm 8 câu, Chúa Giêsu nhắc lại 6 lần từ “sống”. Điều đó cho thấy sứ mạng của Chúa đến là cho con người được sống và sống dồi dào. Khi chúng ta ăn bánh trường sinh không phải là ăn thứ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng là chính thịt máu Chúa Giêsu, một món quà tình yêu cao quý không gì sánh bằng. Mẹ Têrêsa Calcutta bảo rằng “Khi ta trao cho ai một món quà và nếu nó là một mất mát hy sinh to lớn đối với ta thì món quà đó càng trở nên quý giá”. Một người mẹ trao tặng sự sống cho con đó là món quà lớn nhất, kết quả của chín tháng cưu mang với muôn vàn vất vả hy sinh. Một người cha tặng cho con món quà quý giá là khi ông dành sức lực thời giờ cả một đời người để nuôi dạy con nên người. Với ý nghĩa đó, Thiên Chúa là kiểu mẫu của người tặng quà. Món quà đó là người Con Một yêu dấu với một trái tim đầy ắp tình yêu đã hiến trọn thân mình qua cái chết trên thập giá.

Trớ trêu thay trong lịch sử cứu độ, đã bao lần Chúa dẫn dân ra khỏi sa mạc nhưng họ không tin Chúa mà chạy theo các thần ngoại, lại lỗi ước quên thề. Suốt dọc dài lịch sử nhân loại là những bất trung phản bội, là những mảnh tình ngang trái với tạo vật. Và cho đến hôm nay nhân loại vẫn cứ mải mê tìm kiếm hạnh phúc hư ảo, kiếm sự sống mau qua. Họ chạy theo chủ nghĩa duy vật, khuynh hướng bài thiêng tục hóa mà đánh mất niềm tin để rồi một ngày đánh mất cả chính mình.

Hệ lụy của việc chỉ tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu phần xác mà quên đi những giá trị thiêng liêng dẫn đến chán chường thất vọng và tự tìm đến cái chết như một dấu chấm của cuộc đời. Hơn lúc nào hết người ta thống kê được ở những quốc gia càng văn minh tiến bộ lại càng nhiều người tự tử. Phần lớn người tự tử ở độ tuổi rất trẻ. Trong đó, có người giàu, người nghèo, có cả giới văn nghệ sĩ, diễn viên...Người ta muốn chết không phải vì thiếu ăn thiếu mặc nhưng vì thiếu niềm tin, thiếu lẽ sống, họ cảm thấy cuộc sống quá nhàm chán, vô nghĩa. Họ rơi vào cơn “trống rỗng tâm linh” và muốn tự quyết định cuộc đời mình.

Đời sống là một hành trình tìm kiếm, tìm sự khôn ngoan, tìm chân lý, tìm niềm vui, hạnh phúc và nhất là tìm Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới có lời giải đáp thỏa đáng cho mọi thắc mắc, mọi khó khăn của chúng ta. Lạy Chúa, xin cho chúng con không ngừng khát vọng tìm kiếm Chúa như lẽ sống của cuộc đời mình. Xin giúp chúng con gặp được Chúa nơi tha nhân, nơi mọi biến cố to nhỏ, giữa những lối đi dọc ngang bộn bề của cuộc sống. Vì Chúa chính là vẻ đẹp là sự tươi mới, là lẽ sống của chúng con. Amen.

M. Anh Thư, OP

phale
14-04-2016, 10:20 AM
Trích sách Lẽ sống
Ngày 14/4
XUỐNG ĐƯỜNG

Thông thường, hai chữ "Xuống Ðường" gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta "xuống đường" là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp "xuống đường" của một số giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc phận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.

Từ 8 năm qua, một số giáo dân thuộc xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là "Giải phóng kẻ bị giam cầm". Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng ghét bỏ.

Một thanh niên thường xuyên đến gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau: "Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai."

Mục đích của những người xuống đường trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông.

Nếu có một thứ hoán cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hoán cải: hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán cải trong cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các ngươi. Phải chăng, khi xuống đường đến với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta không là những người cải hóa cho Tin Mừng?